HỒNG THỦY
[1]https://www.reuters.com/article/us-japan-defence-idUSKBN1AO03F
[2]https://www.defense.gov/News/News-Releases/News-Release-View/Article/1272572/
[3]http://www.philstar.com/headlines/2017/08/08/1726712/japan-china-testy-exchange-over-tokyos-south-china-sea-remarks
[4]http://news.xinhuanet.com/english/2017-08/08/c_136509446.htm
(GDVN) - Bộ trưởng James Mattis hoan nghênh cam kết cũng như vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Reuters ngày 9/8 đưa tin, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm nay khẳng định rằng:
Hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt đang phát triển mạnh mẽ, dựa trên những lợi ích chung, trong đó có tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông.
Tuyên bố của Lầu Năm Góc về chuyến thăm này cho hay, Bộ trưởng James Mattis hoan nghênh cam kết cũng như vai trò lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm tới, một tàu sân bay của quân đội Hoa Kỳ sẽ thăm cảng quốc tế Cam Ranh.
Đây là một trong những thỏa thuận hợp tác mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm vừa qua. [1]
Bản tin trên website Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm nay cho biết:
Hai bên thống nhất các hoạt động nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng song phương trong năm tới, bao gồm mở rộng hợp tác hải quân, tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác giữa cảnh sát biển hai nước...
Hai Bộ trưởng khẳng định, quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Việt đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ an ninh khu vực và toàn cầu.
Mối quan hệ này được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung, trong đó có tự do hàng hải ở Biển Đông và trên toàn cầu; tôn trọng luật pháp quốc tế, công nhận chủ quyền quốc gia của nhau. [2]
Tự do và an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông không chỉ là lợi ích chung của Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn là lợi ích chung của khu vực và quốc tế.
Điều này đã được Mỹ, Australia, Nhật Bản xác nhận lại một lần nữa bên lề Diễn đàn ASEAN năm nay tại Philippines hồi tuần trước.
Cũng giống như Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN, tuyên bố chung của Ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Australia và Nhật Bản ủng hộ tiến trình đàm phán bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý.
Tuyên bố chung còn phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương, áp đặt, cưỡng đoạt có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
3 vị Ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Úc còn kêu gọi các bên yêu sách ở Biển Đông kiềm chế, không tiếp tục bồi lấp đất đai, xây dựng tiền đồn, quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp, không thực hiện những hành động đơn phương gây ra biến đổi thực trạng ở khu vực chưa phân định.
Thậm chí trong cuộc gặp đầu tiên giữa tân Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ông Taro Kono đã không ngại kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế trong các hoạt động xây dựng, quân sự ở Biển Đông.
Ông Taro Kono nói rằng, Bắc Kinh nên tìm hiểu cách thức ứng xử như một cường quốc khi gặp ông Vương Nghị.
Phản ứng của Ngoại trưởng Trung Quốc là: "Thẳng thắn mà nói, chúng tôi rất thất vọng khi nghe ý kiến của ngài". [3]
Cá nhân người viết cho rằng, những diễn biến mới nêu trên cho thấy giá trị và sức sống mãnh liệt của Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Cho dù được nhắc tên hay không, việc các nước cùng kêu gọi một COC "có tính ràng buộc pháp lý", hay bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải - hàng không ở Biển Đông là những minh chứng rõ nét.
Chắc chắn rằng đây sẽ là một quá trình đấu tranh lâu dài để công lý trở thành sự thật. Bởi trong quan hệ quốc tế xưa nay, công lý không tự nhiên từ trên trời rơi xuống.
Đó cũng là quá trình đàm phán, phân tích, đấu tranh giữa các quan điểm khác nhau về một số vấn đề pháp lý.
Chúng tôi cho rằng mọi nhận định chính trị hóa các hoạt động này đều không có ích gì cho việc bảo vệ hòa bình, ổn định, luật pháp và lợi ích chung của các bên.
Biển Đông là nơi có một trong những tuyến đường hảng hải huyết mạch trọng yếu hàng đầu thế giới, do đó hòa bình, an ninh và tự do hàng hải - hàng không ở Biển Đông là tài sản chung của nhân loại.
Bảo vệ và giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh, luật pháp, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông là trách nhiệm chung, không một quốc gia nào có thể xem nước khác là "người ngoài" để mình dễ bề thao túng, như lập luận của Trung Quốc. [4]
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.reuters.com/article/us-japan-defence-idUSKBN1AO03F
[2]https://www.defense.gov/News/News-Releases/News-Release-View/Article/1272572/
[3]http://www.philstar.com/headlines/2017/08/08/1726712/japan-china-testy-exchange-over-tokyos-south-china-sea-remarks
[4]http://news.xinhuanet.com/english/2017-08/08/c_136509446.htm
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét