Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Viễn cảnh nào cho kinh tế Việt Nam 2014?

Bất động sản bị đóng băng nhiều công trường xây dựng nửa chừng bị hết vốn

Với nhiều dự đoán kinh tế Việt Nam tiếp tục sẽ “đi ngang” trong một vài năm sắp tới, liệu đâu là phao cứu sinh và liệu đâu tiếp tục là trở ngại khi nền kinh tế hiện đang được cho sẽ thoát đáy.
Thách thức của các ban ngành
Kinh tế Việt Nam năm 2013 khép lại với sự ổn định và ngày càng vững chắc hơn, nhưng để duy trì được những thành quả bước đầu đó cho năm 2014 thì còn nhiều chông gai, thách thức và cần rất nhiều những nỗ lực của tất cả các ban ngành… đây là tâm trạng chung của nhiều vị bộ trưởng bên lề Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế 2014.
Nhìn chung, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tổng cầu và phục hồi niềm tin trong kinh doanh là những mục tiêu cơ bản được Chính phủ cũng như giới chuyên gia đánh giá là những gì Việt Nam cần đạt được trong năm 2014.
Trên lý thuyết, ổn định kinh tế vĩ mô bao trùm từ đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát, cho tới phối hợp các chính sách tiền tệ và tài khóa linh hoạt, nhằm có được tốc độ tăng trưởng 5,8% và CPI dao động trên dưới 7%. Trong khi đó, khôi phục tổng cầu được nhắm tới là hồi phục thị trường bất động sản, từ đó “tác động lan tỏa” của thị trường này sẽ là “cú hích” làm ấm lên các thị trường khác và một chính sách chi tiêu công hợp lý. Riêng lĩnh vực niềm tin kinh doanh, giới chuyên gia cho rằng trong ngắn hạn, giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn, giải quyết hàng tồn kho của các doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng của người dân … và trong dài hạn, đề án tái cơ cấu nền kinh tế sẽ giải quyết được mọi nút thắt hiện có.
Để duy trì được những thành quả bước đầu đó cho năm 2014 thì còn nhiều chông gai, thách thức và cần rất nhiều những nỗ lực của tất cả các ban ngành… đây là tâm trạng chung của nhiều vị bộ trưởng
Rõ ràng với những chỉ tiêu đặt ra cho 2014, nhiệm vụ mà Chính phủ phải theo đuổi và duy trì không hề đơn giản. Trong bài phỏng vấn mới đây trên tờ Tuổi Trẻ, ông Trương Văn Phước, phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng năm 2014 cần phải có một cuộc chấn hưng nền kinh tế, coi đó là chiến dịch “Điện Biên Phủ về kinh tế.”
Một cửa hàng siêu thị ở Hà Nội (2013)
Một cửa hàng siêu thị ở Hà Nội (2013)VNeconomic

Chiến dịch “Điện Biên Phủ về kinh tế.”
Ông Phước cho rằng những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn, nếu Việt Nam khởi động một chiến dịch tổng lực “Điện Biên Phủ về kinh tế” thì có thể tạo ra một cú hích cho đất nước vượt qua khó khăn này. Những điểm cơ bản ông Phước phân tích là cần một chính sách cho phép người nước ngoài mua bất động sản, phối hợp hài hòa giữa đầu tư công và tín dụng của ngân hàng để dòng vốn chảy ra thị trường nhanh nhất, đặc biệt, là những đột phá trong chính sách đầu tư của nhà nước sẽ góp phần tăng tổng cầu… quá trình này cần phải diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn để tạo ra một kỳ vọng cao hơn cho nền kinh tế.
Vậy đâu sẽ là điểm sáng cho năm 2014, có lẽ câu trả lời sẽ là tốc độ lạm phát đã được kiềm chế, và từ đó, dư địa cho các chỉ tiêu khác dễ dàng được thực hiện hơn. P.G.S, T.S Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội phân tích về luận điểm này:
“Điểm sáng lớn nhất là kiểm soát được lạm phát. Trước kia là thành công trong ngắn hạn, trong trung và dài hạn chưa có khả năng kiềm chế và kiểm soát được, điều này được thể hiện là từ 2007 đến 2012 cứ hai năm tăng, một năm giảm, nhưng đến nay chúng ta thấy đã khắc phục được. Khi đã kiểm soát được lạm phát thì có một dư địa rất lớn cho các chính sách khác để có thể thực hiện được.”
Những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn, nếu VN khởi động một chiến dịch tổng lực “Điện Biên Phủ về kinh tế”thì có thể tạo ra một cú hích cho đất nước vượt qua khó khăn này....cần một chính sách cho phép người nước ngoài mua bất động sản, phối hợp hài hòa giữa đầu tư công và tín dụng của ngân hàng để dòng vốn chảy ra thị trường
ông Trương Văn Phước
Bên cạnh điểm sáng là tốc độ lạm phát được kiềm chế, nhiều chuyên gia cho rằng 2014, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ vẫn là “phao cứu sinh” cho nền kinh tế. Theo số liệu hiện có, đến hết 11 tháng đầu năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm lên tới hơn 20 tỷ đô la, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư lớn  vào Việt Nam vẫn là Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc… đây sẽ vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và là nguồn thu về ngoại tệ.

Viễn cảnh khác của nền kinh tế 2014, giới chuyên gia cho rằng nợ xấu sẽ tăng chứ không giảm, mặc dù công ty quản lý tài sản quốc gia VAMC đã được thành lập, nhưng hoạt động vẫn chỉ dừng ở mức tạm thời là nơi nắm giữ nợ xấu thay cho các ngân hàng, chứ cơ chế xử lý triệt để thì vẫn chưa được định hình rõ ràng.
Đồng thời, lĩnh vực bất động sản 2014 vẫn được xem là tiếp tục bị đóng băng, khi nguồn cung vẫn dôi dư trong khi đầu ra thì vẫn còn yếu. Nhiều người cho rằng, có khả năng đến cuối năm 2014, thị trường sẽ khả quan hơn nhờ hoạt động M&A (sát nhập và cạnh tranh) khởi sắc sẽ đưa thị trường bất động sản khỏi bế tắc.
Gộp chung 2 lĩnh vực nợ xấu và bất động sản, T.S Ngô Trí Long tiếp tục phân tích:
“Những thách thức lớn vẫn còn đặt ra phía trước, thí dụ vấn đề nợ xấu, tuy thành lập công ty VAMC nhưng nói chung mới chỉ là mặt chuyển đổi. Nhìn vào bảng cân đối, tạm thời không còn xấu như trước, nhưng thực chất giải quyết nợ xấu cũng là bài toán nan giải vì thực ra đó chỉ là từ tổ chức tín dụng chuyển lên ngân hàng Nhà nước, chuyển từ túi này bỏ sang túi khác. Còn việc giải quyết mua bán nợ xấu như thế nào thì thực sự chưa giải quyết và chưa có lối thoát.
Những thách thức lớn vẫn còn đặt ra phía trước, thí dụ vấn đề nợ xấu, tuy thành lập công ty VAMC nhưng nói chung mới chỉ là mặt chuyển đổi. Nhìn vào bảng cân đối, tạm thời không còn xấu như trước, nhưng thực chất giải quyết nợ xấu...đó chỉ ...chuyển từ túi này bỏ sang túi khác
T.S Ngô Trí Long
Đặc biệt, thị trường bất động sản, mặc dù Nhà nước đưa ra giải pháp thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, với gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng, phải nói rằng cái đó hoàn toàn chưa thành công, mà giải ngân thì còn ở mức độ rất thấp, thị trường bất động sản chưa có lối thoát, chưa có lối ra. Nói một cách khác, niềm tin vào thị trường vẫn chưa rõ, sức mua còn hạn chế. Năm 2014, nền kinh tế vẫn theo hướng đi ngang, chứ chưa có khả năng vực dậy một cách mạnh mẽ.”
Trong một bài viết gần đây của T.S Nguyễn Đức Thành, Giám đốc TT Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, thuộc đại học Kinh tế - Đại học QG Hà Nội có đưa ra 4 thách thức chính mà Việt Nam phải đối mặt trong năm 2014, ngoài 3 vấn đề cơ bản như nợ xấu, bất động sản và tỉ giá, T.S Nguyễn Đức Thành còn chỉ ra thâm hụt ngân sách của Chính phủ sẽ trở thành vấn đề quan trọng cho năm sau, lý do cơ bản là nguồn thu giảm vì doanh nghiệp suy yếu trong khi chi tiêu của CP lại không hề thuyên giảm, từ đó, đòi hỏi chính phủ sẽ vay nợ nhiều hơn để bù đắp các khoản thâm hụt ngân sách, từ đó, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn và gây ra những rủi ro tiềm tàng.
Dù có thể sẽ có cả những điểm sáng lẫn những thách thức tồn tại song song trong năm 2014, nhưng lĩnh vực bao trùm cần giải quyết nhất sẽ vẫn là đề án tái cơ cấu, một bài toán “nợ” và một nút thắt đã kéo dài từ nhiều năm nay. Nhận xét về tiêu chí này, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý kinh tế phân tích:
“Cho đến nay đã có đề án tái cấu trúc nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, đề án tái cấu trúc đầu tư công thì chưa được trình ra đầy đủ. Kế hoạch 5 năm 2010-2015 cũng đề ra ba khâu đột phá quan trọng. Một là đột phá, một nỗ lực vượt bậc trên lĩnh vực thiết lập thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng và thứ ba là nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực. Cả ba khâu đột phá đó cho đến nay mới làm được rất khiêm tốn và thể chế kinh tế thị trường thì gần đây nhiều người thấy là Nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào thị trường”.
Năm cũ sắp qua, năm mới chạm ngõ, hi vọng rằng những gì năm 2013 đạt được sẽ là những tiền đề quan trọng để 2014 có đà phát huy, hi vọng một chiến dịch tổng thể “Điện Biên Phủ” sẽ đưa Việt Nam vào một vận hội mới.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Căng thẳng Mỹ-Trung làm lu mờ nỗ lực xây dựng quan hệ theo 'mô thức mới'


image
Tổng thống Barack Obama trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California, ngày 7/6/2013.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đứng trước nhiều căng thẳng quan trọng trong bang giao vào năm 2013, làm lu mờ các nỗ lực xây dựng điều họ gọi là một “mô thức mới” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Viện nghiên cứu Washington, Trung tâm Woodrow Wilson cứu xét các căng thẳng đó trong tháng này, trong khuôn khổ một cuộc thảo luận nhằm duyệt lại những diễn biến then chốt trong bang giao Trung-Mỹ suốt năm vừa qua. Thông tín viên VOA Michael Lipin ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Một diễn biến nổi bật trong bang giao Trung-Mỹ vào năm 2013 là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào tháng 3.

Tổng thống Barack Obama đã mở cuộc hội kiến lần đầu tiên với tân chủ tịch Trung Quốc tại khu nghỉ mát Sunnylands ở California hồi tháng 6.
image
Tham dự viên của cuộc hội thảo tại Trung tâm Wilson, ông Isaac Stone Fish, phó chủ biên tạp chí Ðối Ngoại, nói rằng cuộc họp đã làm thay đổi các quan niệm của Hoa Kỳ về nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Ðây là lần đầu tiên chúng ta thấy một nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như thực sự tin rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc nên giao tiếp trên một vị thế bình đẳng. Chúng ta đã thấy rằng với Sunnylands, ông Tập Cận Bình dường như tin rằng gây ra được cảm tưởng đó là có lợi cho Trung Quốc. Biến chuyển đó sẽ làm thay đổi bản chất của bang giao Trung-Mỹ trong mọi lãnh vực từ nhân quyền…cho đến thương mại, chính trị quốc tế cho đến việc giao dịch với Nhật Bản.”

image
Một thành viên khác tham dự cuộc hội thảo, giáo sư sử học Jeffrey Wasserstrom của trường Ðại học California, nói rằng các giới chức Hoa Kỳ đã học được thêm một điều khác về Chủ tịch Tập Cận Bình – đó là ông ta có nhiều điểm chung với những người tiền nhiệm.

“Bất cứ lúc nào có các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, là Hoa Kỳ lại nuôi những hy vọng quá mức rằng bởi lẽ họ nói về cải cách kinh tế và xã hội nên ắt hẳn trong thâm tâm, họ cũng muốn có cải cách chính trị. Chúng ta đã thất vọng về ông Hồ Cẩm Ðào. Và nay chúng ta lại thất vọng về ông Tập Cận Bình. Chung quy ông là một nhà độc tài, một người theo chủ nghĩa dân tộc, một nhà cải cách muốn can dự với nhiều thứ trong nền kinh tế và cơ cấu xã hội, và điều đó rất giống với bản chất của ông Ðặng Tiểu Bình. Chúng ta muốn ông ta là một thứ Gorbachev của Trung Quốc, nhưng chúng ta sẽ thất vọng.”

image
Sự kiện Trung Quốc ngày càng hung hăng trong các vụ tranh chấp lãnh hải với các lân quốc cũng là một nguồn căng thẳng đáng kể với Hoa Kỳ, nước đang có các liên minh quân sự với nhiều trong số các lân quốc đó.
Bắc Kinh tuyên bố thành lập một vùng Nhận diện Phòng không ngoài khơi duyên hải phía đông vào tháng 11.

Vùng này bao gồm cả những hòn đảo đang có tranh chấp mà Nhật Bản gọi la Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư đang do Nhật Bản kiểm soát và Trung Quốc đòi nhận chủ quyền. Vùng này cũng bao gồm cả một cơ sở nghiên cứu của Nam Triều Tiên xây trên một đảo chìm.

image
Hoa Kỳ và các nước đồng minh Nhật Bản và Nam Triều Tiên mau chóng phản đối hành động của Trung Quốc. Các nước này cũng đã gửi máy bay quân sự đến khắp vùng mà không thông báo cho Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc không có hành động thực thi nào rõ ràng, khiến một số quan sát viên Hoa Kỳ mô tả vùng này như một “mục tiêu riêng” của Trung Quốc.

Ðiều phối viên của cuộc hội thảo, ông Robert Daly, đứng đầu Viện Kissinger về Trung Quốc và Hoa Kỳ của Trung tâm Wilson, nói rằng vùng này là một động thái không đến mức gây thiệt hại nhiều cho Bắc Kinh như một số người nghĩ.

image
“Theo quan điểm của Bắc Kinh, họ đang đạt được các mục tiêu của họ, họ đang tỏ ra các dấu hiệu rằng họ sẽ không rút lại những tuyên bố mơ hồ rằng đây là một vùng của Trung Quốc. Và họ đã làm điều này một phần để chứng tỏ sự nhất quán – có liên quan đến những hòn đảo đang có tranh chấp Senkaku/Ðiếu Ngư. Tôi nghĩ có lẽ họ cảm thấy là đây là một thắng lợi cho họ, và chúng ta không nên vui mừng về các mục tiêu riêng của Trung Quốc. Tôi sẽ không lấy làm lạ khi thấy sẽ có thêm những vùng của Trung Quốc, cũng mơ hồ, và được công bố tốt hơn, trong vùng Hoàng Hải và Biển Ðông vào năm 2014.”

image
Một nguồn căng thẳng khác trong bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là việc Trung Quốc bắt giữ hàng chục nhà hoạt động Internet hô hào tôn trọng nhân quyền như được hứa hẹn trong hiến pháp Trung Quốc năm 1982.

Tham dự viên hội thảo của Trung tâm Wilsom, ông David Wertime, sáng lập viên của tạp chí mạng Tea Leaf Nation của Trung Quốc, nói rằng vụ trấn át đã khiến nhiều blogger hoảng sợ và tự kiểm duyệt việc quảng bá cho quyền hợp hiến của mình.

“Nhà chức trách Trung Quốc rất muốn liên kết một số khái niệm cấp tiến này với phuơng Tây. Họ đã tạo dựng một bầu không khi trong đó việc nói về nhu cầu công khai tài sản của các giới chức chẳng hạn, nói về cải tổ hiến pháp, đã được coi như một thứ không được đụng tới, mang tính cách Tây phương một cách mơ hồ và nguy hiểm, và họ đã rất thành công trong việc này trong khoảng thời gian 6 tháng vừa qua.”

Hoa Kỳ chỉ trích vụ đàn áp, và lên án Trung Quốc là hành động ngược với các nghĩa vụ quốc tế, và thậm chí trái với các luật lệ và hiến pháp của chính Trung Quốc.

image
Bang giao Trung-Mỹ cũng bị căng thẳng trong lúc các cơ quan truyền thông tin tức của Hoa Kỳ phổ biến thêm các bài báo phơi bày sự giàu có của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và cách thức gia đình họ thủ lợi nhờ quan hệ chính trị.

Những câu chuyện như thế làm Bắc Kinh bất bình, và đáp lại bằng cách trì hoãn việc gia hạn thị thực cho các ký giả Mỹ và các ký giả Tây phương khác.

Ông Isaac Stone Fish của tạp chí Ðối Ngoại nói việc trì hoãn cấp thị thực có tác dụng như một vụ trấn át truyền thông Tây phương của Trung Quốc.

“Vị trí của chúng ta ngay bây giờ là các ký giả của báo New York Times và hãng tin  Bloomberg có thể sẽ không được gia hạn thị thực và trên thực tế sẽ đi đến chỗ có khoảng 2 chục ký giả sẽ bị trục xuất, và đó sẽ là biện pháp lớn nhất của Trung Quốc nhắm vào báo giới nước ngoài kể từ năm 1989, hay cuộc Cách mạng Văn hóa thời thập niên 1960 và 70, hoặc thậm chí kể từ ngày thành lập nuớc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Do đó đây là một thời điểm hết sức căng thẳng đối với các phóng viên nước ngoài ở Bắc Kinh và cũng đối với bang giao Trung-Mỹ.”

Bất chấp các căng thẳng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, quan hệ kinh tế lâu năm giữa hai quốc gia và các cuộc trao đổi giữa nhân dân hai nước vẫn bền bỉ.

Ông David Wertime của tạp chí mạng Tea Leaf Nation nói rằng dựa vào tương quan đó, ông vẫn là một người lạc quan kiên cường về mối bang giao Trung-Mỹ.

image 
“Cho dù đó là 500 tỷ đôla kim ngạch mậu dịch hàng năm, 15 tỷ đôla đầu tư trực tiếp, hàng triệu người đi lại, để học, làm việc, hay thăm viếng, tôi nghĩ các yếu tố cơ bản này là nền tảng cho mối bang giao của chúng ta và theo tôi, cung cấp một phản biện với sự kiện là chỉ có một thiểu số ở mỗi nước bày tỏ một quan điểm tích cực đối với nhau.”

Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở rộng hợp tác trong năm 2014, tập trung vào việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, duy trì việc cung ứng tốt cho các thị trường năng lượng và cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm và dược phẩm.




Michael Lipin

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÁC PHẨM VÀ NHÀ VĂN CẢI LÃO HOÀN GIÀ KHÚ


Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số một vừa ra, như vậy từ tháng 5 năm 1969 đến nay nó đã 5 lần thay tên với 4 cái tên: Tác phẩm mới, Tác phẩm văn học, trở lại Tác phẩm mới, rồi Nhà Văn, và mới đây 2013 là Nhà văn và Tác phẩm.
Điều đó nói lên cái gì? Rõ ràng, nội hàm của tạp chí là muốn trưng tác phẩm mới ra, vậy tại sao nó cứ loay hoay thay xoành xoạch tên gọi? Ai chẳng biết “Danh chính thì ngôn thuận” hay như người phương Tây nói “đá lăn không xanh rêu”, các giá trị của vũ trụ và con người được đo bằng thời gian, vì thế người ta mới coi rẻ loại phù du vừa sinh đã tử, cũng như các loại thơ ngắn chưa có khả năng triển khai đã vong. Người Việt có câu “Ngựa hay phải chạy đường dài”, ngựa hay mà chạy trong sân, nhà thơ mà làm vài câu ngắn tũn thì chỉ có ở các nước nhược thiểu mặc dù to đùng chiếm gần ¼ loài người như Trung Quốc nhưng khi triết gia Hegel nói “Dân tộc không có sử thi như Trung Quốc thì chẳng thể là dân tộc lớn”, chính vì mặc cảm to xác bé tâm hồn mà mấy chục năm qua các cơ quan văn hóa Trung Quốc đi tìm sử thi khắp các hang cùng ngõ hẻm mà không thấy. Tùng bách mà mọc trong chậu cảnh bé tẹo như đồ chơi trẻ con thì tính làm gì? Vạn vạn bài thơ vụn dù xuất sắc thời Đường, được các chuyên gia hiện đại Tàu gọi là “những mảnh vụn lấp lánh”, đấy là đồ chơi tức cảnh sinh tình kiểu trẻ con bứt lá chơi đồ hàng chứ ai gọi là tác phẩm có kiến trúc về văn học. Hơn sáu mươi năm qua, người Trung Quốc đã bỏ thơ mà bắt tay vào tiểu thuyết, giờ họ đã có 2 giải Nobel là Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn. Thử hỏi họ cứ say sưa đua nhau làm thơ vài câu “thổn thức vặt” thì đến mùa quít nào mới có giải Nobel. Người Việt hãy nhìn vào đấy, chẳng là tấm gương sao, thơ Việt lần bước theo thơ Tàu từ Nguyễn Du trở đi đến những bài “nhỏ như lá đánh rơi” đừng có hy vọng ảo tưởng ba thứ văn học bỏ túi khú khí khen nhỏ gọn. Một anh du kích trong thời chiến nhỏ gọn để luồn sâu người ta còn thông cảm. Nhà giầu đi nghỉ mát mà đồ đạc ít không bõ người ta khinh. Tại sao? Vì giá trị tài sản cũng là cái phản ánh giá trị con người. Một giàn hỏa tiễn vượt đại dương sao có thể có bệ phóng bé tí như chuồng gà?! Vì thế hỡi mấy anh hủ nho đồ gàn đừng có chúi đầu tự tôn vào mấy vần thơ còi trong túi. Phi trong sân không thể là ngựa mà chỉ là mấy con vịt bầu! Hãy chắc chắn điều đó! Và không thể cãi được điều đó đâu!
Chúng ta đang bàn về phương ngôn chắc chắc nhất của nhân loại. Đó là “Nhìn đường trường biết sức ngựa. Nhìn thời gian biết giá trị vạn vật”. Người phương Tây tóm tắt trong một câu “Thành La Mã không xây trong một ngày”. Một chiếc huy chương chạm khắc tinh xảo nhất khoát đòi nhiều thời gian. Tác phẩm bằng đá tạc cả năm nhất khoát hơn tác phẩm đắp tuyết trong 15 phút. Một bản giao hưởng với tài năng phát triển và biến tấu phải hơn bài thơ đoản ca có độ dài của con phù du. Vậy trong hơn 50 năm tạp chí Tác phẩm mới phải đổi tên 5 lần là cớ làm sao? Đó có phải chính là phương châm làm ăn ma cà chớp của cửa hàng mậu dịch? Tất cả mọi công ty tư nhân, người ta đều tìm cách có thương hiệu, xây dựng thương hiệu, gìn giữ thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, rồi nâng cao thương hiệu… Đó mới là làm ăn chân chính. Sự chân chính đó bắt nguồn từ vốn tư nhân, đồng tiền người ta đổ mồ hôi sôi nước mắt, nên người ta biết quí trọng nó. Nhưng còn tiền nhà nước, như người Việt nói “cha chung không ai khóc” thì cứ tiêu vô tội vạ, tiêu làm sao càng rót ăn chia nhiều vào túi cán bộ càng tốt. Rồi văn thơ đăng cho đồng chí, đồng hương, bồ bịch của mình, nó xuống cấp giảm giá trị thì đành thay tên để mong mồi chài một danh dự mới.
Tạp chí Nhà Văn và Tác phẩm ra lò nhằm mục đích gì? Tất nhiên để cải lão hoàn đồng. Nhưng nhìn một cái thấy ngay những khuôn mặt “cúng cụ”, hay nói theo ngôn ngữ của chính dân văn chương “những bộ hài cốt quốc doanh”  lại chềnh hềnh duyệt binh trên thảm đỏ trải sẵn cho mình. Những khuôn mặt chỉ còn là bã của cái “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Nhìn vào đây, nhân sự kiện này, tôi muốn đưa ra một suy tư về thói quen già cả lẩm cẩm của một nền văn học không chịu về hưu của các cán bộ văn học nghiệp dư.
Trước hết như người Tàu nói “Dùng đồ thì phải dùng đồ mới, dùng người thì phải dùng người cũ, bởi vì đồ mới thì tốt, còn người cũ thì biết việc”. Lãnh đạo trên toàn thế giới nói chung thuộc về tay những người già (đây là số liệu và nhận định chắc chắn), nhưng đó chỉ là lãnh đạo quản lý thôi, chứ còn lao động sáng tạo không bao giờ thuộc về những người già cả.
Thi hào Goethe nói “Sự cấp tiến ở tuổi già là biểu hiện cao nhất của mọi sự điên rồ”.Đúng vậy, người già có thể dùng kinh nghiệm lâu năm để làm lãnh đạo, nhưng sáng tạo là phạm trù của cái mới đòi tươi rói tinh khôi, càng nhiều kinh nghiệm thì càng hỏng, giống như ái tình run rẩy hồi hộp khám phá của tân nương với tân lang. Vợ chồng già “con ong đã tỏ đường đi lối về” thì còn gì rạo rực nữa.
Các chuyên gia xã hội học nhất khoát: tuổi già là tương lai đã ở phía sau. Với tuổi già làm gì còn khát vọng hay dự án?! Ông bà già đi vệ sinh mà con cháu không phải giúp đỡ đã oai lắm rồi. Tuổi già là sống ngày nào hay ngày đó, theo kiểu “già được bát canh”. Nhà thơ Lê Đạt lúc sống có viết: Chữ bầu lên nhà thơ, không có chữ nữa thì thôi là nhà thơ. Thôi là nhà thơ lâu quá thì nhà thơ đã chết, họ phải được chôn cất để giữ vệ sinh cho cộng đồng.
Văn hào Dostoievski còn viết cực đoan hơn: Sống quá bốn mươi tuổi là bẩn thỉu, đê tiện và vô nhân cách. Riêng tôi đã sống qua bốn mươi tuổi tôi vẫn nói thế. Ý của văn hào là: tuổi càng cao nhiệt huyết của người ta giảm, sự ươn hèn gia tăng, cái đẹp giảm. Và con người nên lưu ý việc này!
Vậy thì người già cần phải được nghỉ hưu. Quả nho chín, nó lên men thành rượu nhưng nếu để nó chín nẫu sẽ sinh vi khuẩn mốc làm hại cả thùng rượu. Sáng tạo của những người già không chịu về hưu là thứ nho không lên men nữa. Việc này không chỉ thể hiện qua tạp chí mà còn thể hiện trong đời sống của Hội Nhà Văn. Tất cả hội nghị, mấy ông già lên nói trước chẳng có gì mới đã thế câu giờ không còn thời gian cho ai nữa. Đã thế lên nói là khoe chữ nào Ấn tượng, nào Hậu hiện đại… nhưng than ôi người già như thế chưa làm được câu nào hiện đại cũng làm sao cách tân ở cái tuổi chín mõm được. Nhưng các ông vẫn nói theo kiểu “xuất” được nói “được ăn, được nói, được gói mang về”. Có ông lên còn ngang nhiên nói sai chủ đề mong quảng cáo cho công ty nào đó.
Văn vẻ “biết rồi khổ lắm” của các cán bộ già hấp dẫn thế nào? Có một câu chuyện thật: Vua Tây Ban nha kia hay ngoại tình lắm. Mà làm vua muốn ngoại tình thì dễ như người ta thò tay vào túi, quyền ư ông sẵn là vua lại chẳng có quyền à, tiền ư ông sẵn ngân khố quốc gia lại thiếu ư, ông hấp dẫn ư chẳng phải những lời ton hót đã có mẫu ghi sẵn… Hoàng hậu tức lắm than với vị giám mục. Vị Giám mục cứ gặp nhà vua là khuyên bảo dai như chão. Nhà vua liền mời vị Giám mục ở lại ăn cơm với gà quay. Hôm sau cũng ăn gà quay. Vị Giám mục xuýt xoa khen ngon. Nhà vua mời cả tháng ăn gà quay liền. Đến lúc vị Giám mục la “Lúc nào cũng ăn gà quay làm sao chịu được!” Nhà vua bảo: “Đấy, gà quay ngon nhưng ăn mãi còn ngấy. Hoàng hậu dù đẹp như gà quay, ăn mãi làm sao không ngấy?!”
Đấy là món gà quay được ví với hoàng hậu. Còn văn chương của mấy bác già bám trụ tem phiếu nhà ta chỉ là đậu phụ hay rau cỏ thôi, ăn mãi rát ruột và héo hon lắm. Người Việt có câu: trong mọi ngành nghệ thuật chỉ có ngành múa là các lãnh đạo già nua không xí chỗ được của diễn viên. Tại sao? Vì diễn viên thì phải trẻ, và ăn mặc hở hang không thể úm ba la che dấu được. Vì thế mũ cao áo dài đòi trà trộn lộ ngay!
Người Việt nói “tre già măng mọc”, “trẻ cậy cha già cậy con” , rồi “con chị nó đi con gì nó lớn”, tạp chí Hội nhà văn sao có tương lai nếu chưa từng biết nhường cho lớp trẻ, già cả, sức vóc có hạn, học vấn cao nhất là tráng men cấp cứu ở trường Nguyễn Du do nhà nước ban ơn cho “chẳng nhẽ đi rừng rú bưng biền mãi về lại tay trắng văn hóa và chữ viết”. chính thế mà tạp chí không có sức sống phải đổi tên liên tục, tưởng “cãi lão hoàn đồng nhưng cũng chỉ hoàn già khú thôi”.
Để trẻ hóa, về sinh vật học cho đến nay người ta chỉ tìm cách tác động vào bộ phận sinh dục. Vì văn hóa thấp, tri thức ít, tư tưởng lại để quên nơi chân trời, nên các nhà văn Việt chủ yếu viết xoay quanh tình dục, cũng là vốn tự có trời cho. Máu trong cơ thể, một là bơm lên não sẽ sinh trí tuệ và tư tưởng, hai là bơm xuống thận sẽ sinh dục vọng quanh quẩn màn the. Người Việt nói “khôn đâu đến trẻ khỏe đâu đến già”, cũng là cách nói, trí tuệ thuộc về người già, còn sinh lý thuộc về giới trẻ. Tuổi đã già các bác nhà văn cứ tìm cách tác động vào bộ phận sinh dục làm gì? Nên nhớ càng tác động mạnh vào bộ phận sinh dục càng dễ lăn quay. Chớ nên làm gì trái tự nhiên! Tự nhiên là tuổi đã già cũng nên được nghỉ ngơi về hưu. Chớ thấy bở mà đào mãi. Người Tàu có phương ngôn “Lúc già mà không đem cái mình biết mà dạy thì khi chết chẳng ai thương”. “Tiến vi quan, thoái vi sư” già rồi không nên chạy đua lên những trang nhất của văn học nữa, nên biết trèo lên tháp để dạy đời thì hơn. Lộc bất tận hưởng, đừng ăn uống cạn kiệt cả cặn trong bát canh tem phiếu nữa. Đây là những lời “trung ngôn nghịch nhĩ” của tôi. Và không có một lời nào sai sự thật cả. Mong các bác già chia sẻ.
 .
NHĐ 30/09/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÁI BẪY NỒI TIẾNG CỦA VĂN THƠ MẬU DỊCH

(Đối thoại với nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu) 

                                                      Nguyễn Hoàng Đức
 .
Có phương ngôn “Quí vật tầm quí nhân”, ở đây hiểu là vật hay sự việc sẽ tương xứng với người đón nhận nó. Cuộc đối thoại của tôi khi mời nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu đến thăm nhà cũng rất tương xứng với đề tài tôi viết ở trên. Đúng hơn, đó là đầu đề của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Một bài tiểu luận, thì thường đặt tiền đề lý luận. Nhưng hôm nay tôi xin được bắt đầu từ tiền đề thực tiễn. Một tiền đề như người Việt nói, được nói chuyện với người “nằm trong chăn biết chăn có rận”. Đó là một điều quí hóa vô vàn. Và đó cũng là lý do chính yếu để tôi mời nhà thơ NL Khiếu đến thăm nhà. Tại sao? Hiểu biết của chữ Pháp là “Connaitre”, nó được ghép từ hai chữ: “con” là Cùng, và “naitre” là Sinh ra. Hiểu biết tức là được cùng sinh ra với sự việc. Tiếng Anh là “Understand” – tức hiểu như là đứng dưới sự việc. Tiếng Đức “Verstehen” – cũng có nghĩa giống tiếng Anh. Như vậy làm gì có cơ hội hiểu thơ mậu dịch hơn qua chính nhà thơ mậu dịch?!
Hơn thế nhiều, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu còn là nhà thơ trong tốp đầu của mậu dịch, đã viết trường ca “Phồn Sinh” cho đến nay là dài nhất Việt Nam, anh còn là phó giáo sư tiến sĩ triết học, mà tôi vẫn đùa là “tiến sĩ mậu dịch”. Nhà thơ NL Khiếu không ít lần “tuyên bố”: “Nguyễn Hoàng Đức gọi tôi là nhà thơ mậu dịch. Tôi công nhận mình là một nhà thơ mậu dịch”. Cách đây mấy tháng, khi đối thoại với nhau có tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh cùng dự: NL Khiếu còn thừa nhận “nhà thơ mậu dịch là gian manh” (tôi đã có bài ghi chép về việc này). Trong cuộc đối thoại tay đôi lần này, nhà thơ NL Khiếu nói không chút do dự, nghĩa là những gì anh nói là đã chín muồi ở trong tư tưởng. Anh bảo: “Rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở ta, nổi như cồn hay đại bác, nhưng rút cục để lại cái gì? Tại sao tài sản cho sự nổi tiếng của họ lại nghèo nàn và ‘trắng tay’ đến vậy? Bởi rõ ràng một điều họ đã rơi vào cái bẫy của sự nổi tiếng. Họ tự biên tập trải thảm đỏ rước nhau lên mặt báo, rồi viết bài tung hô lẫn nhau, rồi hội thảo về cái hay tưởng tượng về nhau, rồi trao giải cho nhau, rồi bỗng nổi tiếng quá, rút cục nổi tiếng về cái gì, chẳng phải là tất cả những thứ tung hê, tự tung, tự tác đó sao?!”
Nguyễn Linh Khiếu nêu ra rất nhiều cái tên “to đùng” và ghế cao ngất ngưởng. Nhưng tôi không nêu lại đây, bởi tôi muốn tránh những cay đắng nặng nề cho một nền văn học vô danh mà cứ nêu danh lại thành bêu danh.
Chúng tôi nói chuyện cụ thể về những nhân vật là “vua truyện ngắn” hay “vua thơ” chẳng hạn. Họ là hậu hiện đại ư? Tri thức họ ở mức rất hạn hẹp lại ăm ắp mùi rơm rạ sao có thể là hậu hiện đại mà cứ gán ghép và ảo tưởng mình có? Họ là vua, nhưng chỉ là vua của nông dân thôi.
Mở rộng chuyện, cách đó vài hôm chúng tôi gặp gỡ dăm bảy nhà văn. Một nhà văn nói “tôi đã có dịp gặp vua truyện ngắn nhiều lần, tôi cũng yêu văn học của anh lắm, nhưng giờ tôi thấy anh chẳng còn gì để đọc, anh lại còn trở nên bé bỏng mắc chứng stress, tại sao? Bởi vì anh không dám sống thật con người mình, cứ gồng mình lên, kiễng chân suốt ngày suốt tháng. Anh chỉ còn cách sống trong ảo tưởng mình sẽ được giải Nobel. Nobel cái gì? Văn anh dù có hay ở đây cũng chỉ là cái ao làng, làm sao có tầm nhân loại mà ao ước Nobel?!”
Thử so sánh một việc thôi, tại Nhật Bản có rất nhiều cuốn sách của tác giả nổi tiếng, người ta ấn hành hàng triệu bản, nghĩa là nhà nào cũng muốn có được cuốn sách hay đó để làm vốn văn hóa cho gia đình. Trong khi đó ở Việt Nam thì sao? Sách thường ấn hành khoảng một nghìn bản. Sách của tác giả nổi tiếng khoảng vài chục nghìn bản, như vậy cũng chưa thấm tháp gì. Và nó cũng nói lên rằng: xã hội ta mới chỉ có văn hóa nông nghiệp ít học ít đọc mà chưa có văn hóa của kẻ sĩ thích đọc nhiều.
Vua nông dân ư? Trong lịch sử dường như chưa có cuộc cách mạng nào của nông dân thành công cả, thậm chí xưa kia người ta còn gọi các cuộc nổi dậy của nông dân là “giặc cỏ”, nó luôn luôn tự tiêu tan, vì chỉ là một đám hỗn quân hỗn quan, quân hồi vô phèng, không có kỷ luật, ưa thích cãi cọ không luận điểm, rồi tham lam ích kỷ đặt dục vọng của cá nhân lên trên hết, rút cục tự tan rã không bị đánh cũng tan. Đám thảo khấu Thủy Hử trên Lương Sơn Bạc là một thí dụ, những dạng như Lý Quì ăn thùng uống rượu bát, mở miệng là quát tháo võ biền chẳng cần biết đến lẽ phải, được nhử một tí ghế triều đình là qui hàng liền, làm sao không tan rã?! Vậy thì trong cuộc cách mạng văn hóa nông dân cũng như vua nông dân không thể thành công. Việc này được chứng tỏ rõ nhất ở Trung Quốc khi Mao Trạch Đông đưa các giáo sư về mép ruộng học hỏi các nông dân, thì văn hóa Trung Quốc không tăng mà giật lùi đi!
Thôi thì anh là “vua truyện ngắn” đã viết vài chục truyện ngắn, chục vở kịch, kể ra cũng là công làm việc trong cả chục năm nên phải lên gân đã đành. Đằng này có vô số nhà thơ mới chỉ làm được một vài tập thơ lèo tèo trong lúc trà dư tửu hậu, thời gian nghiệp dư vơ bèo vạt tép đầu thừa đuôi thẹo làm sao lại cứ ôm ảo tưởng ta là thiên tài? Một người muốn bảo vệ luận án thì phải trải qua phản biện thành công, muốn bài thơ của mình hay thì phải nêu được ra cái hay của nó, đằng này cứ ù ù cạc cạc, rồi đi chạy ghế chạy giải, thắng liên tục như thắng sổ số công ty nhà mình thì làm sao giải thưởng hoặc cái hay của thơ trụ lại được. Đã thế lại còn ù xọe, thơ khó lắm, không phải thứ để so đọ? Nên chắc chắn một phương ngôn “Thành La Mã không xây trong một ngày”, một bài thơ làm trong dăm mười phút, hoặc cả đêm bóp trán chăng nữa cũng không cách gì cựa nổi mình thành một tác phẩm lớn đâu?!
Chúng ta nên nhớ, bất cứ quốc gia nào, bộ sách nào khi xếp các nhà thơ vào Bách Khoa, rút cục vẫn phải xếp kẻ trước người sau, kẻ trên người dưới, không thể có hòa cả làng, trong khi vẫn cứ đòi coi mình là nhất được sao? Thơ giống như thi sắc đẹp, trước hết nó đòi hỏi những số đo cứng như : chiều cao, vòng một – hai – ba, rồi khuôn mặt có bắt máy ảnh, rồi mới đến các vòng thi khác.
Thơ cũng vậy:
1-    Tu từ pháp. Tầm vóc con người đến đâu ngôn ngữ đến đó.
2-    Cảm xúc: Tinh tế, rộng hẹp, cao thấp.
3-    Tư tưởng: Còn là chủ đề của tác phẩm. Hầu hết nhà thơ Việt gục ngã tại tiêu chí này, thơ họ thường quanh quẩn uống rượu nghê nga.
4-    Triết lý: Thơ cao nhất mà các loại hình nghệ thuật khác không tới được, đó là triết lý (Hegel).
5-    Phương ngôn: thơ hay ư, có câu thơ nào đạt tới tầm của phương ngôn không? Hay chỉ là triết lý viển vông? Triết lý nước đôi để rồi chúng tiêu trừ lẫn nhau?
6-    Nhớ lại: Nhà thơ Xuân Diệu nói “Rút cục thơ là trí nhớ”, có câu thơ nào để lại dấu ấn trong đầu mọi người không?
7-    Tầm vóc: Cái dễ nhìn thấy nhất nó là công trình của một giờ, một ngày, hay một năm. Nhà thơ đừng hão huyền muốn trở thành thợ nướng bánh hay rang ngô, có thể cho bột nở vào tác phẩm một giờ để nở thành đại tác phẩm viết cả năm ròng! Đem bài viết dăm câu ba điều ra so với đại trường thiên?!
Cái bẫy nổi tiếng cũng chính là cửa hàng ưu tiên mà trong thời bao cấp không ai là không muốn chen ngang “nhất thân nhì quen” để mua được hàng tươi ngon, người Việt nói “Trâu chậm uống nước đục” mà. Nhưng đằng này cửa hàng của nhà ta chỉ bán cho người nhà ta, bán hết lượt một, lượt hai hoặc lượt n, vẫn là người nhà ta đồng hương đồng khói đồng đội cả, đừng có lo gì. Chính vì môi trường đóng cửa ưu tiên gần như tuyệt đối đã tạo ra nhưng nhà văn, nhà thơ chỉ đeo trên ngực thứ huân chương “nút bia”. Cả cuộc đời thi ca giống như đếm nút bia trên ngực là đếm được số bia đã nhậu. Còn giá trị tác phẩm ư? Chính mình còn áng chừng không thể biết được mình có tài sản gì, làm sao bắt người khác nhận ra giá trị của tài sản “không có” đó???
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu về cuộc đối thoại thẳng thắn này, một cuộc đối thoại chỉ khả dĩ có khi biết vượt qua sự nhút nhát của tem phiếu mậu dịch. Nhân tiện cũng cám ơn nhà thơ về việc nhà thơ đã đợi tôi ở Roma với hy vọng sẽ gặp gỡ chụp ảnh chung với tôi tại Đền thánh Vatican, trong đợt kết thúc nghiên cứu hồ sơ địa phương án phong thánh cho Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận vào đầu tháng bảy 2013. Nhưng thật đáng tiếc, tôi đã bị chặn lại tại sân bay Nội Bài.
NHĐ  07/10/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Hoàng Đức- người trí thức dấn thân


   Phùng Văn Khai 

 
   Tôi biết tới Nguyễn Hoàng Đức thông qua văn bản khi anh viết loạt bài phê bình văn phẩm Nguyễn Huy Thiệp trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc vào cuối thế kỷ trước, khi mọi người đang ồn ào về Nguyễn Huy Thiệp. Khi ấy tôi rất có cảm tình với cách phê bình rốt ráo có phần cực đoan nhưng được phân tích trên cơ sở khoa học bằng văn bản đã viết ra của tác giả. Từ đó tôi luôn để ý đọc anh. Nhiều bài rất thích thú ở thể loại phê bình văn học như Sáng tạo mỹ học từ cái nhìn đơn giản; Thực trạng thơ Việt Nam; Lý trí trên ngai vàng sáng tạo; Hình thức và nội dung sáng tạo; Không thẩm định thì không sáng tạo; Tìm cái mới trong khả năng sáng tạo của nhà văn; Kịch tính trên đỉnh đầu sáng tạo; Hậu hiện đại sống ngoài tác phẩm; Khoa học và nghệ thuật trong sáng tạo; Tại sao chúng ta có nền phê bình yếu... Các bài bàn về văn hóa, triết học sâu sắc và độc đáo như: Văn hóa: Cái nhìn từ nền tảng; Văn hóa giữa dòng hội nhập; Văn minh: Cái nhìn từ nền tảng; Thượng đế là ai?; Bi kịch con người; Bản ngã, tâm linh - thể xác, tự do, tha nhân; Kịch tính giữa dục vọng và lý tưởng; Những kịch tính tột đỉnh hào quang; Quỹ đạo chân thiện mỹ ở đời... Hàng loạt những bài khác nữa bàn về tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc gia đình đã đưa Nguyễn Hoàng Đức trở thành một thương hiệu báo chí có trọng lượng, nhưng cũng thú thật tôi không ưa thích những bài báo cũng như những ý kiến của anh về các vấn đề khác ngoài triết học và phê bình văn học, nên trong tâm thức và phác thảo của tôi về Nguyễn Hoàng Đức xin được chỉ đi sâu về hai mảng mà anh đã xác lập được với cá nhân tôi.

   Tại sao tôi cho rằng Nguyễn Hoàng Đức là một trí  thức dấn thân trong khi ở ta có không nhiều những con người như vậy. Về một phía nào đó, không hiểu tại sao ở ta một Nguyễn Hoàng Đức chưa được biết đến nhiều thậm chí chỉ được biết đến như một người kỳ cục, một anh hề triết học, một Đông-ki-sốt văn chương cưỡi con ngựa văn hóa duy lý của phương Tây đi giữa cuộc đời (Đỗ Minh Tuấn); Nguyễn Hoàng Đức đã vô nghĩa hóa toàn bộ văn học Việt Nam đương đại (Hòa Vang); Nguyễn Hoàng Đức đã dấn thân và cô đơn trên con đường lý trí để thực hiện sứ mệnh của bản thân mình cho chân lý sáng tạo văn học nghệ thuật (Lương Tử Đức); Cái gì Nguyễn Hoàng Đức cũng lấy thước đo của lý luận, của triết học để phán xét. Ông sáng tác cũng theo các tiêu chuẩn của triết học (Nguyễn Quang Thiều)... Một người Việt ở nước ngoài còn trân trọng Nguyễn Hoàng Đức mà theo tôi là không có gì tô vẽ còn rất chân xác: “Tôi đã từng bị tác phẩm "ý hướng tính văn chương" của anh Đức hấp dẫn từ lâu. Sau đó tôi mua tiếp tác phẩm "Cô đơn Con người - Cô đơn Thi sĩ" của anh và đọc ngấu nghiến! Anh Đức là một người Việt hiếm có. Anh làm tôi nhớ đến triết gia Trần Đức Thảo - một triết gia thực thụ được thế giới công nhận. Tôi có viết lách đôi chút, nhưng khi nhìn sang anh Đức thì mới thấy được năng lực sáng tác của anh mới thật sự khổng lồ - chắc chắn đó là món quà vô giá của Chúa gửi vào anh! Tôi ước mong sao được gặp anh để nghe anh tâm sự về tri thức, về sự dấn thân văn chương và triết lý và tìm hiểu về năng lực sáng tạo bí ẩn của anh! Quan trọng nhất của một người trí thức là tính trung thực và thái độ dấn thân hết mình vì chân lý. Anh Đức hoàn toàn có được những phẩm chất đáng quý ấy! Chúng ta hãy tiếp nhận những tác phẩm của anh với thái độ trân trọng và đối thoại trên cơ sở nhân văn chung. (Đinh Gia Hưng).
   *
   *     *
   Từ  nhiều nguồn thông tin khác nhau cộng với chiêm nghiệm của chính bản thân mình, cá nhân tôi cho rằng Nguyễn Hoàng Đức chính là một trí thức dấn thân, bản thân anh cũng luôn ý thức rõ ràng điều này mà biểu hiện rõ nhất từ những tác phẩm của mình trên nhiều thể loại: Chuyên luận triết học, Chuyên luận thần học, Phê bình văn học, Tiểu luận tình yêu, Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Trường ca, Thơ... Ước vọng của Nguyễn Hoàng Đức là một ước vọng chính đáng khi muốn mình trở thành một nhà văn có căn bản triết học, có tư tưởng, từ đó anh đã thực sự dấn thân. Nguyễn Hoàng Đức có quan điểm sáng tác rất rõ ràng: Viết văn trước hết phải giống làm nghề chuyên môn để đưa ra sản phẩm chuyên nghiệp. Đó là tiêu chí tối thiểu khi cầm bút. Nhưng viết văn là nghề đặc biệt, nghề mở đường hay cứu rỗi, hoặc khiêm tốn hơn là "trợ lực" cho các tâm hồn, đơn giản vì xã hội không có ngành dịch vụ nào thay thế được văn chương để trợ lực tâm hồn... đã cho thấy sự rõ ràng minh bạch trong quan điểm sáng tác của Nguyễn Hoàng Đức trong hành trình dấn thân của mình.

   Rất khó định nghĩa thế nào là một người trí  thức, đặc biệt là một người trí thức dấn thân càng khó khăn. Vấn đề không phải là  anh ta đưa ra những thua thiệt cá nhân, những đối lập về tư tưởng mà vấn đề là anh đã làm gì, chủ yếu bằng những trăn trở và phản biện của anh, trong những nguyên tắc và học thức của anh, từ sự nhất quán đến toàn bộ hành động của cuộc đời anh, dự đoán tiếp, bảo vệ đến cùng những cái mới mẻ tiến bộ của thế giới loài người mà không thể vì bất cứ lý do gì đi ngược lại cái nền móng mà mình đã đặt ra. Người trí thức dấn thân còn phải có đạo đức của trách nhiệm, của niềm tin, ngay cả khi trách nhiệm và niềm tin đó trong cộng đồng anh ta đang sống là thiểu số. Biết lựa chọn đứng về sự im lặng hoặc bản thân hoàn toàn im lặng khi thấy đó là cần thiết nhưng cũng sẵn sàng đi đến cùng, hành động đến cùng vì chính niềm tin và trách nhiệm mà mình đã xác lập. Người trí thức dấn thân phải là người hành động vì lương tâm vì chỉ có lương tâm thời đại mới nâng con người cao hơn chính bản thân mình. Chỉ có lương tâm thời đại mới mạnh hơn sự tăm tối dốt nát.
   
Tôi  đã rất phân vân khi xếp Nguyễn Hoàng Đức như là  một trí thức dấn thân không bởi bản thân anh đã dành gần như toàn bộ cuộc đời mình cho chữ nghĩa một cách đầy ý thức, cũng không phải những gì anh nhận được từ chữ nghĩa dường như chưa tương xứng với  sức lao động của anh, mà là, thật đơn giản, lương tâm tôi đã chỉ bảo cách sắp xếp trên là phù hợp. Chúng ta vẫn biết về cơ bản, chức năng chính của người trí thức là suy nghĩ chứ không phải hành động. Họ phải băn khoăn, lo lắng, day dứt, đặt lại mọi vấn đề để tự đi tìm lấy tư tưởng của mình. Điều đó có thế gây phiền toái, đi ngược lại đường hướng cũng như lợi ích của một số người, rất nhiều người, thậm chí xã hội mà anh ta đang sống. Bản thân người trí thức luôn mâu thuẫn với xung quanh và tự mâu thuẫn với chính mình và chỉ như vậy anh ta mới cảm thấy yên ổn hơn trong chính những mâu thuẫn suốt đời phải đương đầu. Trí thức dấn thân luôn muốn đánh thức một ai đó, một xã hội nào đó, một vấn đề nào đó, bất kể điều đó là gì, có phương hại gì đến anh ta hay không. Đó cũng là một chức năng của trí thức. Ví dụ như bàn về hai chữ tự do, Nguyễn Hoàng Đức cho rằng: Tự do không chỉ là vật liệu thiết yếu mở màn xây nên mọi giá trị của con người mà tự do còn là một báu vật đạt tới mọi tầm cao của giá trị nhân loại. Hình ảnh tự do là chìa khóa, thật là đích đáng, bởi vì không có tự do con người khác chi con chim bị nhốt trong lồng, con thú bị nhốt trong chuồng, và tự do bắt đầu là chìa khóa mở cửa cho người ta bước khỏi nơi giam cầm đó, nó giống như chìa khóa của viên cai ngục tra vào ổ khóa của nhà tù, được trả tự do. Khi con chim bị giam trong lồng, cổ họng nó nghẹt thở sự sợ hãi thì làm sao có thế cất tiếng hót!

   Đó phải là suy nghĩ của một người trân trọng tự do và chân lý. Đó phải là suy nghĩ của người trí thức.

   Trong những suy nghĩ của anh có suy nghĩ về việc cần phải phát huy đầy đủ một chức năng quan trọng bậc nhất, chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Chúng ta vẫn còn có những suy nghĩ phiến diện về chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Thường là vai trò vị trí chức năng của văn học nghệ thuật đã được hiểu một cách sơ lược đại khái, không ít lúc được cho là xướng ca vô loài, là một ngành nghề phải ghi chép, trình bày lại những sôi động của cuộc sống một cách máy móc, theo một lập trình, một định hướng nào đó. Cũng có thể hiểu, không biết vì lý do gì, vai trò vị trí của văn học nghệ thuật có lúc bị hạ thấp đã dẫn đến những ứng xử đối với nó nhiều khi mang tính khôi hài. Cũng không hiểu do đâu, người ta không nhìn nhận thực chất văn học nghệ thuật là ý thức cao nhất về sự tồn tại của con người, là cứu cánh để con người cao hơn con người bề mặt của nó, đặc biệt trong một thế giới phẳng như hôm nay, khi mà con người đang bị văn minh vật chất hàng ngày vây hãm.

   Dường như chúng ta đã và đang quá cẩn trọng, thậm chí nhầm lẫn mà coi nhẹ chức năng của văn học nghệ thuật.

       Nguyễn Hoàng Đức tỉnh táo hơn, anh không suy nghĩ đơn giản như vậy. Anh đã sớm phản tỉnh và khá sắc sảo khi chỉ ra những yếu kém của văn học nghệ thuật bao gồm cả sáng tác và phê bình của chúng ta trong suốt một thời gian dài. Anh thẳng thắn khẳng định rằng không có một xã hội nào phát triển được nếu không trông cậy vào khả năng tự phê bình của chính mình. Tôi cho rằng việc mạnh dạn chỉ ra những yếu kém của chúng ta trong phê bình văn học là một trong những gạch đầu dòng góp phần khẳng định sự dấn thân của Nguyễn Hoàng Đức: 

 
        ... Một chiếc cột chống nhà chẳng hạn - nhờ việc nó chống thẳng vào nơi dễ đổ nhất của tòa nhà - mà tòa nhà đứng vững. Và tâm hồn con người cũng vậy - điểm tựa lớn nhất của nó chính là sức đề kháng mãnh liệt - trực tiếp - liên tục của khả năng phê bình - mà chúng ta gọi là phản tỉnh. Mở màn, con người có ý thức là con người biết ý thức về mình. Bởi vậy, phản tỉnh là điều kiện tiên quyết - song sinh cùng ý thức - cái chối bỏ con người phi thức - để xây nên con người ý thức. Hơn thế, trình độ phản tỉnh chính là trình độ danh dự của một con người. Một dân tộc đã nói: "Con người càng biết tự xấu hổ về mình thì càng được người khác tôn trọng". Con người là thước đo vạn vật. Nhưng trước khi làm việc đó, con người phải đo được chính mình, muốn thế "phải tự biết mình" (connais-toi même). Đó cũng chính là châm ngôn đầu tiên thời tiền Socrate và của chính Socrate, cái mở màn cho khoa học phản tỉnh của nhận thức luận con người. Ông cha ta từ xa xưa cũng đã dạy: Hiểu mình chính là phương tiện để đo người khác. Còn người Trung Hoa thì bày tỏ một thái độ hết sức rõ ràng mãnh liệt qua cụm từ "đồ vô sỉ" - đó là hạng người đã mất khả năng ý thức về mình đến mức - chẳng còn gì đáng nói nữa. Có lẽ, chúng ta đã đặt một nền móng "khá mất công lần về cội nguồn" song thiết nghĩ, căn cứ trên một đời sống nghệ thuật thiếu sức phê bình tràn lan nghiêm trọng - bấy bớt như hiện nay, thì việc quay lại "phản tỉnh" một nền tảng như vậy là rất cần thiết.

       Nền phê bình của chúng ta có  yếu không? Có một thực chứng mới  đây vẫn còn nóng hổi, đông đảo thành viên tại cuộc thảo luận thơ ở báoVăn nghệ (số 30/1999) xác nhận: Chúng ta đang có nền phê bình văn học rất yếu kém. Tại sao yếu kém? Chính cuộc thảo luận này đã chỉ ra: "Về thao tác phê bình: Né tránh rắc rối, trọng tế nhị hơn sự thật và chân lý. Biết sự thật nhưng khôn ngoan, dè dặt khi đặt bút". 
    Làm sao mà chúng ta có nổi một nền phê bình lành mạnh khi chính phương tiện phản tỉnh duy nhất chứa trong nó lại lảng tránh sự thật và chân lý? Và liệu chúng ta có nổi một nền văn học xán lạn không khi nền văn học đó chứa trong nó "khả năng soi mình" phỉnh phờ và ngụy tín? Hẳn là theo những nguyên lý mỹ học, và đức lý con người, chúng ta buộc phải nói rằng CHƯA. Nhưng tại thời điểm phản tỉnh "chưa" quan trọng này, nếu chúng ta vẫn không dám soi thẳng vào mình để hoán cải và cố gắng thì chữ "chưa" sẽ mãi mãi là chữ KHÔNG - có thể vĩnh viễn KHÔNG. Về mỹ học, lấy kiến trúc làm khởi điểm, Hegel nói: Một cái cột bị dựng nghiêng nó sẽ luôn luôn có xu hướng đổ. Bởi vậy, muốn nó vững chãi và tồn tại, người ta phải dựng cho đến khi nào nó đứng thẳng lên. Kinh Thánh có câu: "Kẻ nào không có lòng ngay chính sẽ gục ngã". Chúng ta có một nền văn học thế nào? Vì từ chối chỗ đứng chân lý, nên nó vô cùng ngả nghiêng và xiêu vẹo. Cũng chính vì sự xiêu vẹo đó mà nền phê bình cảm tính mới nhõng nhẽo xuất hiện, đi đâu, làm gì, phê bình ai, người ta đều phải bìu díu nhau, vòng vo những lời tế nhị. Còn giới sáng tác thì sao? Ôi không thiếu nhà văn, nhà thơ, khen thì sợ cho người, chê thì sợ không nhận được "lại quả", tự bao cấp và rưới "đường sữa" tài năng và danh dự cho nhau, nhiều đến mức biến chặng đường chông gai hiện thực cuộc đời thành cuộc hành hương ảo mộng lát toàn bánh ngọt.

       Phê  bình ít nhất là mặt trái của tấm huân chương sáng tạo. Không có mặt trái không thành tấm huân chương. Nghệ thuật cũng như mọi cuộc tạo tác ở đời, giống một chiếc áo nếu lột trái ra ta sẽ thấy những đường cắt may dù thô thiển lại chính là cuộc hành trình làm nên chiếc áo. Những đường cắt - may đó phải chính xác - mạch lạc - chi li trong từng tấc - và chắc chắn. Toàn bộ những thứ đó là "nhà nghề" - lý trí - và khoa học. Từ chối những đường cắt - may, thì chỉ có những tấm vải khoác lên người. Cũng vậy, nếu từ chối những "đường cắt tọc mạch" của phê bình sẽ không có tấm áo sáng tạo của nghệ thuật. Sáng tạo và phê bình chắc chắn là cặp đẻ sinh đôi, nếu có khác: Chỉ là sáng tạo được đỡ thai trước phê bình; và chắc chắn là sáng tạo cùng phê bình bước nọ nối bước kia kế tiếp song hành. Không thể thấy mảnh đất ưu tiên nào từng có ở trần gian rằng: Phê bình thì còi cọc, sáng tạo lại hùng vĩ. Hô - me vĩ đại thì đã du đẩy chiếc nôi I-li-át và Ô-đi-xê giữa một nền văn hóa Hy Lạp thao thức khả năng tư duy phán xét trong từng hơi thở. Và nền nghệ thuật Hy Lạp còn tiến xa bởi sáng tạo của Hô-me còn chưa ráo mực đã được Aristote rút thành nguyên lý - làm lẽ sống cốt tử của thi ca. Nền văn học Pháp, nền văn học Đức hùng mạnh, cũng chỉ vì nó được ươm trồng trên một mảnh đất "đá sỏi" của lý trí.

   (Tại sao chúng ta có một nền phê  bình yếu) 
   Khi gióng lên tiếng chuông về phê bình nói riêng và văn học nghệ thuật đương đại nói chung Nguyễn Hoàng Đức đã tự giao nhiệm vụ cho mình phải dấn thân, không ngừng trăn trở, thậm chí giày vò trong suy nghĩ để tìm một hướng đi hữu ích cho văn học nghệ thuật. Hơn ai hết, anh mơ ước một cánh đồng văn học lớn, một mùa vụ bội thu của chính chúng ta bởi anh thừa biết và cũng đã nhiều lần khẳng định văn học nghệ thuật là tiếng thở trí tuệ và nhân cách sống của con người nên khi những con người làm văn học nghệ thuật không ý thức được điều đó hơn ai hết anh là người đau đớn số một. Đau đớn tột cùng trong sự cô đơn và nhiều khi là bị cô lập giữa cộng đồng. Anh đã gióng lên những câu hỏi đớn đau nhưng là sự phản tỉnh cần thiết về văn chương:  

 
       Văn chương Việt Nam thì sao? Thời trung cổ, dùng chữ  Hán - Nôm được vài tác phẩm thơ "lay lắt" - chủ yếu "ăn theo tem phiếu của Tàu" còn văn học hiện đại? Đến thế kỷ XVII, sau khi Alexandre de Rhodes sáng chế quốc ngữ theo mẫu tự Latin, tiếng Việt mới manh nha hình thành. Nhìn lại thời điểm khai sinh đó, để chúng ta thấy bề dày cũng như chiều dài của cuộc hành trình văn học nước nhà. Nói chung, văn học của chúng ta mới đẻ, nhưng không phải từ một bầu thai vật vã những vấn đề "văn tự lịch sử" mà từ một bầu thai mới chế tác vừa nhẹ nhàng vừa tiện lợi vừa thích hợp. Văn học của chúng ta còn trẻ con. Và nó đã lớn chưa? Muốn biết đã dậy thì chưa, thì phải nhìn tình trạng khủng hoảng nội tiết từ ấu niên chuyển tiếp qua thành niên. Chúng ta chưa có cuộc khủng hoảng đó, vậy văn học của chúng ta chưa dậy thì (công bằng mà nói, chúng ta đã có cuộc khủng hoảng thời Thơ Mới, nhưng đó là cuộc khai sinh chứ không phải trưởng thành). Trừ khúc gợn lên thời Thơ Mới, còn lại nói chung, nền văn của chúng ta mới chỉ là cuộc thừa hưởng trôi chảy êm đềm, thiếu vật vã, thiếu trăn trở, thiếu sám hối, thiếu vùng mình bứt phá, từ dăm câu ba chữ thơ Đường đến vài luồng thơ Pháp và láng cháng qua chút vần thơ Nga và Mỹ. Chủ yếu, chúng ta mới chỉ có thơ. Thơ sản xuất la liệt, chi chít, bé như tờ rơi sẵn lòng tháo khoán ở khắp nơi. Còn, các nhà phê bình văn học thì đếm trên đầu ngón tay. Các nhà văn thì không bằng số dôi của các nhà thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một thứ "trứng nước" của văn học nước nhà trong cuốn Chân dung và đối thoại đã thống thiết kêu lên : Một nền văn học muốn lớn phải có tác phẩm đồ sộ. Nhưng chúng ta chưa có. Đó cũng chính là nhận định của Uỷ ban trung ương Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam rằng: Nền văn học Việt Nam mới chỉ có tác phẩm bé và vừa.

       Nghệ thuật là con đường vác thập giá còn chẳng dễ ăn ai, lại chỉ là thú nhâm nhi, ẵm nựng, thù tạc, vui vầy "khi chén rượu khi cuộc cờ/ khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì làm sao vĩ đại? Theo các nhà mỹ học, trình độ đầu tiên của nghệ thuật phụ thuộc vào "độ rắn - độ khổ ải" của nguyên liệu. Tác giả điêu khắc trên đá sẽ vĩ đại hơn tác giả đắp tuyết thành tượng. Nếu vậy, một nền thi ca chỉ dựa trên nền tảng "giải chiếu bình thơ", uống rượu làm thơ/ thơ chẳng ra thơ làm tội rượu, thì làm sao mong có ngày từ giữa chiếu đó mọc lên một lâu đài nghệ thuật bằng đá tảng thấm đẫm mồ hôi thiết kế và lao tác? Xét kỹ đây là căn bệnh cố hữu truyền kiếp của người Trung Hoa mà chúng ta đã nhiễm. Xưa kia, người Trung Hoa dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử để có ngày đỗ đạt làm quan. Học thì vất vả nhưng khi làm quan thì chỉ còn việc "thanh liêm" hưởng phúc triều đình. Còn đường văn thơ với nhiều người cũng vậy, vất vả "xếp chữ" cho đến khi thành công "qua khỏi tuần sấm đất tan bia... đặng hưởng gió thần đưa gác" là bắt đầu an nhiên lạc hưởng trái đầu mùa một lần vĩnh cửu. Với người phương Tây, sở dĩ nghệ thuật của họ trở thành cuộc hành trình đồ sộ, là bởi, họ coi học xong, cũng như thành công đầu tay, chỉ là bước khởi đầu cho con đường phiêu lưu "sáng thế" của mình. Họ lấy vốn kiến thức làm phương tiện để đi xa. Trong khi đó, chúng ta lại lấy kiến thức là "tấm bằng mục đích" mong được hưởng một cuộc đời dễ thở hơn.

       Chúng ta có một nền văn học nhỏ  bé và yếu ớt  đến mức nào? Có lẽ  ít ai trong chúng ta dò đến đáy của nó, hoặc giả  chúng ta chỉ phiên phiến lượng giá như một "an bài" tất định: "bé và vừa". Kỳ thực, nhìn kỹ lại, chưa chắc đã có "vừa"; còn "bé" thì đến đâu? Ngẫm một chút, chúng ta sẽ gặp một hiện thực vô cùng nhức nhối. Hiện nay, có rất nhiều tác giả sau khi có bài - truyện hay thơ đăng trên báo, đi gõ cửa khắp nơi xin một lời nhận xét mà không gặp. Tình trạng các nhà văn, nhà thơ ngồi bên nhau không đưa ra nổi bất kỳ lời nhận định nào về tác phẩm của người khác, là một tình trạng phổ biến. Hơn cả thế, có rất nhiều tác giả đạt nhiều giải thưởng song càng đạt càng hoang mang, không hiểu ta viết hay cái gì, còn nền văn học nói chung cũng không đếm ra nổi thành tựu của tác giả đó. Hiện trạng này đã phản ánh quyết liệt một sự thật rằng: Chưa nói đến việc chúng ta có viết được tác phẩm hay, mà, ngay đến cả việc "đọc" tác phẩm, hầu hết chúng ta cũng chưa biết đọc. Vì không biết đọc, người ta cứ ào ào khen thơ Đường hay, Leon Tolstoi giỏi, và Hàn Mặc Tử phi phàm. Kỳ thực người ta chỉ biết và khen theo sự nổi tiếng của họ mà thôi. Nền văn chỉ có thể đào luyện các nhà văn trưởng thành nhờ môi trường sinh hoạt của nó. Vậy sinh hoạt đó thế nào? Nói một cách hình ảnh, nhiều cây bút chẳng những không biết nấu món nào ra món ấy, nhưng khi có người nấu sẵn cho ăn, cũng không biết "nếm thử" xem đó là món gì?
    (Nhà  viết văn nước nhà thế  kỷ XX lao sang thế kỷ  XXI thế nào –  Nguyễn Hoàng Đức)
   *
   *      *
   Sau một thời gian hứng thú với các loại văn bản của Nguyễn Hoàng Đức tôi cũng được tiếp cận anh. Hôm  ấy có nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi. Cũng rất tình cờ, chính tôi, cách đó khoảng chục năm đã phô tô những bài Nguyễn Hoàng Đức viết về văn phẩm Nguyễn Huy Thiệp đưa cho Sương Nguyệt Minh và bảo anh nên đọc, tay này viết có ý tứ lắm, rất thuyết phục. Khi ấy Sương Nguyệt Minh không hề biết mình ở rất gần nhà Nguyễn Hoàng Đức. Và hôm ấy chính anh là người chở tôi đến. Trong không khí của những ngọn nến mà ai đó đã mô tả rất chính xác, Nguyễn Hoàng Đức (khi ấy tôi không biết phải gọi anh như thế nào mới chính xác: Triết gia? Nhà thơ? Nhà văn? Nhà lý luận phê bình? Chuyên gia tư vấn tình yêu?... Chứ không như bây giờ, sau những nghiền ngẫm và đánh giá về anh tôi gọi anh bằng cái tên người trí thức dấn thân chắc chắn sẽ lại gây nhiều tranh cãi). Anh điềm tĩnh và lịch lãm tiếp chúng tôi. Chúng tôi tranh luận với nhau về văn chương và triết học. Nguyễn Hoàng Đức tuổi Đinh Dậu, cầm tinh con gà nhưng có lẽ gã gà trống, Nguyễn Hoàng Đức lại đẻ trứng, đẻ sòn sòn hàng lô hàng lốc tác phẩm một đời thai nghén mà những lúc hứng chí anh thường cười bảo: Lúc nào tôi cũng sôi sùng sục, chưa viết xong cái này đã ngứa ngáy muốn viết cái khác. Nhiều lúc tôi chỉ muốn nhảy vào trong lọ mực rồi lăn trên những thảm giấy. Một suy nghĩ ngây thơ nhưng rất đáng yêu. Những chồng bản thảo của Nguyễn Hoàng Đức đem ra không kể những thứ đã in mới chỉ là một phần rất nhỏ của cái gia tài của gã gà trống lực lưỡng. Dường như anh rất tự hào về độ đồ sộ của nó và khẳng định hiện anh không có địch thủ trong tranh luận triết học (không biết ngài lúc ấy có bình thường không).Rồi anh bước về phía cây đàn piano khổng lồ dạo một bản nhạc trong ánh nến và những cốc rượu ngoại sóng sánh. Tôi đã gặp gỡ nhiều kỳ hoa dị thảo và luôn hứng thú với những diễn biến bất thường ở xung quanh mình nhưng cũng muốn bình tâm để trò chuyện với anh về văn học nghệ thuật chứ không dám hồ đồ đưa ra những kết luận võ đoán nhưng trong tình thế ấy chỉ còn biết lặng lẽ uống rượu và nghe hai ông Đinh Dậutrổ tài. Rồi những bản nhạc cũng kết thúc. Chiều đã tàn. Màn đêm lặng lẽ vây bủa ba người đàn ông bên những chai rượu rỗng. Trong ánh nến, các vấn đề văn học nghệ thuật luôn xen triết học (Nguyễn Hoàng Đức nói bất kỳ điều gì cũng liên quan đến triết học) được khơi ra. Tôi được chứng kiến tài hùng biện của anh. Trong ánh nến nhập nhoạng, khi nhà văn Sương Nguyệt Minh vốn lợi khẩu và ngang bướng cũng đã không buồn tranh luận với anh nữa anh vẫn thao thiết nói. Nguyễn Hoàng Đức luôn ưa thích tranh luận kể cả khi chỉ có một mình và nếu cứ tranh luận một cách sòng phẳng e khó ai là địch thủ.

Anh luôn đặt lại các vấn đề, bất kể là vấn đề gì vào trong trường triết học nên lắm lúc chúng tôi không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Anh bảo: Tôi là người đầu tiên sáng tạo ra người anh hùng mỹ học. Xưa nay trong văn chương và trong đời sống chỉ có anh hùng quân sự, anh hùng lao động, anh hùng văn hóa chứ chưa có anh hùng mỹ học. Tôi khẳng định với các ông, anh hùng mỹ học mới là đỉnh cao của các anh hùng. Trò chuyện với anh tôi mới thấy anh ưa thích sự dày dặn trong tác phẩm. Tác phẩm cứ phải dài, đồ sộ, hoành tráng. Anh ngước cặp mắt rất thành kính trong ánh nến thong thả như đọc Thánh Kinh: Thành La Mã không thể xây trong một ngày. Người Hy Lạp đã dạy thế.
   *
   *    *
   Tôi cho rằng tốt nhất không nên tranh luận trực diện mà  nên đọc các tác phẩm của anh nên tôi đã  đi theo con đường đó. Anh đã in các tác phẩm Những người chăn kiến (tập truyện ngắn) NXB Hội Nhà văn 1992; Kẻ hành hương từ đời đến thơ (trường ca); Đợi chuyến đò đã lỡ(trường ca); Điệu kèn cô đơn (tập thơ); Leo gác ngược (tập truyện ngắn) NXB Văn hóa Dân tộc 2000; Cô đơn con người cô đơn thi sĩ (tiểu luận phê bình) NXB Văn hóa dân tộc 2000 - Một cuốn sách khá nổi trội và mang đậm phong cách Nguyễn Hoàng Đức được giới nghiên cứu phê bình, đặc biệt ở ngoài nước đánh giá cao; Luận về tình yêu (2 tập, tiểu luận) NXB Thanh niên 1998; Tình yêu phong thánh con người (Tiểu luận) NXB Văn hóa Dân tộc 2001; ý hướng tính văn chương (Chuyên luận) NXB Văn hóa dân tộc - Một cuốn sách khá nổi tiếng được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao gồm sáu chương đi từ bản tính sáng tạo, qua chân lý, đến thượng đế, đến con người, đến siêu hình học, đến văn chương cứu rỗi con người, đến phương tiện của tư duy và văn chương - chính là chữ nghĩa). Nguyễn Hoàng Đức còn bảo so với những gì đã in thì những thứ chưa in mới là đáng kể. Đó là: Ngước lên cao (Trường ca thần học); Bóng tượng đài ám ảnh (Trường ca); Xứ lưu đày (Tiểu thuyết); Ngưỡng cửa làm người (2 tập, tiểu thuyết); Cẩm nang Mỹ học Nghệ thuật Thi ca Phê bình (tuyển dịch); Sống là nguồn mực chảy vào văn học (tiểu luận);Trái tim giữa vòng tay bất khả (2 tập, tiểu luận); Chờ đợi ngân hàng của tình yêu (2 tập, tiểu luận); Người Việt tự ngắm mình (chuyên luận phản tỉnh); Hành trình nhận thức duy niệm của nhân loại (chuyên luận triết học); Hành trình tâm linh nhân loại (chuyên luận tôn giáo); Công lý và dục vọng (chuyên luận); Quan phẩm và nhân phẩm (chuyên luận); Tự do nền móng thiết yếu của con người (chuyên luận)...

   Lúc lắc cái đầu bờm xờm Nguyễn Hoàng Đức bảo thời gian gần đây tốc độ viết của anh còn cao hơn nhiều vì tư duy đã chín muồi hơn trước (anh từng bị tai nạn giao thông đập đầu xuống đường máu chảy lênh láng phải cấp cứu tại bệnh viện năm 1993, từ đó cơn viết của Nguyễn Hoàng Đức cuồn cuộn chảy sau khi ra viện cho đến tận bây giờ).

   Trong các cuốn sách chưa in của anh, tôi rất thích cuốn  Hành trình tâm linh nhân loại và từng tổ chức in ấn nhưng chưa thành công vì không xin được giấy phép xuất bản. Tôi cho rằng cuốn này là đặc trưng cá tính nhất của Nguyễn Hoàng Đức. Một cuốn chuyên luận về thần học rất công phu có thể đặt trong công viên của bất kỳ tôn giáo nào với cách trình bày bản chất và những biểu hiện của các tôn giáo đang dần dà trở thành những xu hướng thời đại trên toàn cầu tác động trực tiếp vào mỗi xã hội, những vùng lãnh thổ, những trào lưu triết học, những vùng văn hóa mà chủ đạo, xuyên suốt và đầy đủ nhất là cách thể hiện tinh thần của nhân loại. Tôi kinh ngạc trước sức lao động và đặc biệt là cách đặt lại vấn đề của Nguyễn Hoàng Đức. Hành trình tâm linh nhân loại là một cuốn bàn luận sâu sắc và thấu đáo, nhiều gợi mở trong cách trình bày, khai thông và phát triển những ý tưởng lớn của các nhà thần học, triết gia, danh nhân, bác học lỗi lạc một cách khoa học xung quanh các vấn đề tín ngưỡng bằng một văn phong hàm xúc. Theo tôi, chỉ riêng công trình này nếu được đặt đúng vị trí của nó sẽ góp phần bổ xung cho lâu đài tri thức của nhân loại một giá trị. Cũng đã nhiều lần tôi có ý hỏi đồng thời làm rõ quá trình hình thành ý tưởng và thể hiện Hành trình tâm linh nhân loạinhưng anh dường như vẫn chưa tin tưởng vào sự ra đời thuận chiều của nó mà từ chối trả lời các vấn đề liên quan. ở ta vẫn còn những điều kỳ cục trong xuất bản nên việc anh dè dặt một đứa con mà mình kỳ vọng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Anh đã dấn thân và điều mong muốn nhận lại không đơn thuần là lợi ích vật chất hoặc những ban phát tinh thần mà điều cao hơn là muốn mang đến một tiếng nói, một cách nhìn, một lý giải, một dằn vặt với tư cách của một trí thức góp vào nền tảng tri thức của nhân loại.

   Ngày tư tưởng châu Âu lên tiếng “Thượng đế chết rồi” đã bắt đầu xảy ra những khủng hoảng triền miên trong đó không ít là tội ác nhân danh đủ thứ khác nhau mà trong ấy con người phải gánh chịu. Cũng từ đó, con người ngày càng trở nên cô đơn hơn bao giờ hết và những bi kịch tập thể, bi kịch cá nhân ngày một dày đặc, không tìm được câu trả lời. Trong Hành trình tâm linh nhân loại, Nguyễn Hoàng Đức đã không trả lời câu hỏi thượng đế có hay không, còn hay không vì câu hỏi này từ cổ chí kim loài người chưa trả lời được và ngay sau cái tư tưởng “Thượng đế chết rồi” gây ra những làn sóng ở châu Âu câu trả lời vẫn treo lơ lửng cho đến tận hôm nay. Cách đặt vấn đề của Nguyễn Hoàng Đức thâm hậu và mới mẻ. Tôn giáo luôn tỏ ánh sáng từ cõi vô cùng, cao hơn sự tưởng tượng phong phú nhất của con người, cao hơn những tự thân vận động của loài người và cái cao nhất của tôn giáo là tâm linh với những hành trình huyền bí của nó. Trong toàn bộ Hành trình tâm linh nhân loại, Nguyễn Hoàng Đức đã hé lộ việc làm rõ sự còn mất của thượng đế cũng có nghĩa là để đánh mất câu hỏi siêu hình lớn nhất của loài người trong quá trình tìm kiếm ánh sáng của sự thật. Khi ấy con người sẽ mất đi ánh sáng lý tưởng, tự mình làm nghèo nàn chính mình và làm mình bé nhỏ hơn. Khi ấy con người sẽ vĩnh viễn rơi vào chủ nghĩa duy vật cứng nhắc mà nhiều nhà bác học đã cảnh báo: “Với Chúa, nếu bạn được, bạn được tất cả, nếu bạn mất bạn chẳng mất gì. Vậy thì hãy được, đừng lưỡng lự” (Pascal).

   Đó là toàn bộ tinh thần của Nguyễn Hoàng Đức trong Hành trình tâm linh nhân loại theo suy nghĩ của tôi.
   *
   *      *
   Có  người cho rằng Nguyễn Hoàng Đức chỉ hơn người ở sự kiêu ngạo còn gia tài văn chương, triết học và phê bình văn học thực chất cũng chẳng có gì. Cho đến hôm nay, Nguyễn Hoàng Đức mới chỉ tỏa sáng ở bên lề đời sống văn học, triết học. Lại không ít người quá đề cao Nguyễn Hoàng Đức mà không chỉ rõ thực chất và tầm vóc của anh khiến phần đông bạn đọc ở ta vốn hay có thói quen a dua theo đám đông phân vân và chia rẽ khi nhìn nhận về Nguyễn Hoàng Đức mà đau đớn nhất là không xuất phát từ văn bản một cách khoa học.

   Về  các sáng tác của anh bao gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ, các chuyên luận triết học, thần học, lý luận phê bình văn học... bằng văn bản giấy ít đến được với độc giả mà chỉ khá đầy đủ trên các trang mạng. Lý do liệu có là các nhà xuất bản thường thiếu các biên tập viên thực sự có kinh nghiệm và có con mắt xanh để nhận ra những giá trị của các tác phẩm Nguyễn Hoàng Đức? Lý do  mang tính quyết định là anh luôn trung thực, dám dấn thân hết mình trong trường chữ nghĩa mà tuyệt đối không biết đến lăng xê, quan hệ này kia khác... cái điều quyết định tiếng tăm trong làng văn học nghệ thuật? (một điều kỳ cục nhưng tồn tại như một tất yếu ở ta?). Các phản biện của anh, những chuyên luận của anh thường quá sắc sảo, chỉ đích danh những mầm bệnh, căn nguyên yếu kém của cả một hệ thống từ thượng tầng khiến không ít những cây đa cây đề không chịu đựng nổi tìm cách gạt đi và nhiều khi là liên thủ với nhau để vô hiệu hóa tiếng nói đớn đau trung thực của anh. Một điều kỳ lạ là dường như Nguyễn Hoàng Đức không hề biết mệt mỏi khi phải chiến đấu một cách quá chênh lệch như vậy. Điều này dường như thuộc bản chất của anh, bản chất người trí thức dấn thân đã xác quyết đường đi toàn bộ cuộc đời mình. Anh đơn độc nhưng anh thanh thản, luôn tin tưởng vào con đường chông gai mà mình đã chọn. Từng được đào tạo bài bản trong ngành an ninh, từng nhiều năm làm cán bộ nhà nước, từng làm phiên dịch cho một công ty lớn nhưng chặng đường cuối cùng là chọn sự tự do. Anh không phải loại tự do vô chính phủ mà anh luôn đặt ra những hàng rào kỷ luật rất nghiêm ngặt cho mình trong cuộc sống và trong sáng tác. Nguyễn Hoàng Đức là người viết chuyên nghiệp hiếm thấy. Ngày nào anh cũng ngồi vào bàn, cần mẫn, rốt ráo với những suy nghĩ, dằn vặt, đớn đau của mình. Điều mà thiên hạ khôn ngoan ích kỷ cho là điên rồ thì anh lại lấy đó làm niềm tin và lẽ sống. Anh vứt bỏ tất cả những phù hoa, bợ đỡ, thù tạc, cánh hẩu... để một mình dấn thân, một mình lo toan gánh vác công việc chữ nghĩa một cách tự nguyện và thành kính. Những lo lắng không ai đủ dũng khí và tâm ý san sẻ cùng anh cũng không làm anh bận tâm. Điều anh bận tâm lớn nhất là nói ra sự thật, định vị đúng đắn nền văn chương, triết học, phản biện, thức tỉnh những ngộ nhận có tính hệ thống, những che đậy phản khoa học, những lường gạt vô lương tâm để trước hết là thỏa mãn ý chí và niềm tin của mình, mãnh liệt đặt ra và bảo vệ lương tâm thời đại, điều tối thượng của một trí thức. Anh đã không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào trong thể hiện ngòi bút của mình cũng vì chính lẽ đó. Anh cho rằng con đường sáng tạo là con đường vác thập giá đau đớn, trăn trở trường kỳ nhất, chứ không phải con đường du hý, chơi bời tài tử hay thưởng thức thù tạc và khẳng định các cây bút phải có chuyên môn, các tác giả phải là chuyên nghiệp, phải luôn đào luyện trí tuệ và tư tưởng thì mới mong tự bước khỏi cái bóng của chính mình. Đó cũng là con đường chân chính nhất mà người cầm bút phải trải qua.

Phongdiep.net




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày mỗi phụ thuộc

Không cần là một chuyên gia kinh tế, nhiều người  cũng đã biết rằng nền sản xuất và buôn bán của ta phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu hàng nước ngoài. Không chỉ dầu xăng thép phân bón thuốc trừ sâu thuốc chữa bệnh.. mà ngay cả  mấy hạt muối dùng trong công nghiệp  hay nguyên liệu chế biến thức ăn cho gia súc ta cũng phải đi mua. Thời buổi thế giới biến động, nền kinh tế mình như cái phao, biển động nổi gió một tí là dập dềnh theo, thiên hạ vừa hắt hơi một cái là mình đã nước mắt nước mũi giàn dụa.
Nhưng hôm nay tôi muốn nói một khía cạnh khác của sự phụ thuộc. Thoạt nhìn, nó có vẻ không mấy đáng ghét, bởi chỉ là chuyện có vẻ bề ngoài, có vẻ tạm thời – như cách mọi người hay nói -- nhưng suy cho cùng, vẫn tố cáo một sự lệ thuộc sâu sắc của ta.

Sự phụ thuộc trong sinh hoạt
Phải  tới những năm chiến tranh qua đi, dân Hà Nội  mới biết và rỉ tai nhau  là mấy khách sạn lớn nhất ở đây thường dùng rau và thịt chuyển từ nước ngoài về, chứ không dùng đồ mua từ các chợ quanh phố như dân bản địa.
 Với tâm lý của kẻ sống trong thế giới trung cổ, nghe những chuyện đó, lập tức nhiều người thấy sao mà họ cầu kỳ và có phần rởm nữa. Sống ở đây mà tách ra như trên một hòn đảo, sao họ lạ vậy ?
Ai ngờ việc sử dụng cả lương thực ngoại nhập đó giờ đây lan ra trong nhiều tầng lớp dân thường người mình, nhất là sau các đợt phát hiện rau quả có phun hóa chất, còn các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm thì hoành hành, cứ chấm dứt được ít lâu lại bùng phát trở lại.
Ở đây tôi không dừng lại ở khía cạnh đạo lý của vấn đề mà chỉ vấn vương ở chỗ là hình như chính chúng ta đang không nuôi mình bằng các thứ thổ sản,  không xài thứ hàng mà chính đồng bào trong nước chúng ta làm ra, --  mà sẵn sàng toàn dùng hàng hóa  xuất phát từ các xứ khác do người khác làm. 
Tại sao tình trạng này ngày một phát triển ?
Nghĩ tận căn nguyên thấy có hai lý do. Thứ nhất hàng ngoại rẻ và tốt. Thứ hai là nhiều khi hàng ngoại đáp ứng được cái nhu cầu sát sườn của mình mà hàng nội không đáp ứng nổi. 
Liên quan tới lý do thứ nhất, có một ví dụ tôi nghe từ mấy năm trước thấy rất có ý nghĩa. Là ngay ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, nhiều người dân đang thích dùng gạo chuyển từ Thái Lan sang. Trời ! Giá vài chục năm trước, nghe ai nói thế chúng ta sẽ bảo là chuyện bịa. Làm gì lại ra nông nỗi như thế. Từ Thái sang quá diệu vợi, còn công tàu bè chuyên chở công bốc vác, sao mà rẻ được?! Mà làm gì có chuyện gạo họ ngon hơn, hợp với cái hương vị nồi cơm mà mỗi người chúng mình được thấm từ hồi còn bú mẹ! Hóa ra thời thế thay đổi, việc không ai tưởng là có, nay đều có cả.
Liên quan tới ưu thế của hàng ngoại trong việc đón đường và nắm bắt nhu cầu, sau đây là câu chuyện tôi nghe từ miệng mấy bà bán hàng lặt vặt ở phố chợ Hà Nội ( tôi cố ý tránh chữ phố cổ mà thấy gọi là phố chợ có lẽ hợp hơn).
Từ lâu người Hà Nội có thói quen là nếu chiến thắng trong các cuộc đua tranh trong thể thao là đổ ra đường ăn mừng. Lúc đó người ta thích mua cờ và các băng khẩu hiệu để trương lên, giá đắt cũng mua.
Một số nhà sản xuất VN cũng biết điều đó, nhưng vốn mỏng không làm được bao nhiêu. Khôn ngoan và biết tổ chức công việc hơn là các nhà sản xuất từ bên kia biên giới. Họ nắm ngay lấy khoảng trống đó. Mỗi lần dân thủ đô có nhu cầu là hàng từ biên giới phía bắc tràn về. Rút cục dân buôn mình chỉ thành trung gian bán lẻ cho đồng bào mình thứ hàng mà họ sản xuất.
Không chỉ trong chuyện băng cờ khẩu hiệu mà nhiều mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự. Theo tôi hiểu, đây là cả một xu hướng mà mỗi ngày chúng ta cảm thấy rõ rệt hơn. Mọi dòng nước ngược phản công lại cũng có nhưng không thấm thía gì cả. 


Để cả vui buồn trong tay người 
Trong Nỗi lòng ai tỏ của Nguyễn Công Hoan, nhân vật chính là một cô gái tân thời. Đang tự nhiên cô suốt ngày thở ngắn than dài bỏ cơm, lên giường thút thít khóc, khiến cho cả nhà phải lo lắng. Cô bảo chỉ có một người bạn gái mới hiểu được cô và giải phiền cho cô. Đến khi người bạn kia tới thì cô nhỏm ngay dậy tâm sự. 
Sở dĩ cô buổn - buồn - buồn mất mấy ngày, ấy là vì một nhân vật tiểu thuyết cô đang đọc chết, thương quá !
Tôi nghĩ đến những con người thời nay. Chắc hẳn hàng ngày không thiếu cảnh cậu ấm cô chiêu ở các nhà giàu đập chân đập ta hành hạ bố mẹ vì không tìm ra mấy loại xe mới cho họ trưng diện. Rồi cả những cán bộ bình thường Hà Nội ngủ trưa trên bàn cơ quan và chia nhau suất cơm hộp chục ngàn cũng để hết tâm trí cả vào những Chelsea với lại Real Madrid ở các phương trời xa.  Rồi cả những thanh niên đặt môi hôn cả ghế ngồi của các tài tử Hàn Quốc. Tóm lại, cái sự đặt vui buồn hàng ngày trong tay kẻ khác như thế này đang trở thành cách sống thời đại.
   2007

Viết thêm 30-12-2013 :  
 
1. Trong dăm bẩy năm gần đây, tình trạng phụ thuộc nước ngoài của xứ mình đã lên đến cái mức trở thành ám ảnh trong đầu óc mọi công dân yêu nước cũng như mỗi con người tự trọng. Thậm chí,  mọi người không muốn nghĩ đến nó nữa.Vì càng nghĩ càng đau. Chúng ta đã chìm rất sâu vào cái hố móng khủng khiếp này, và đứng ở đáy sâu của nó ngước nhìn lên trên, chỉ thấy lại một mảng trời đen tối.

2. Như trong bài trên tôi đã nói, sự phụ thuộc nước ngoài hiện nay là ở hai cấp độ. Cấp thứ nhất là trên phương diện quốc gia, nền kinh tế của đất nước. Cấp thứ hai là trên phương diện cách sống và tâm lý con người. Kinh tế quyết định tâm lý tinh thần. Những hụt hẫng tan nát về kinh tế là nguồn gốc dẫn tới sự bi quan cùng cực, cũng tức là mất niềm tin trên phạm vi rộng. Rồi tình thế người trong nước khảng tảng, ai cũng  tìm cách thoát khỏi cuộc sống vốn có, càng khiến cho sự phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài trở nên một lối thoát duy nhất để duy trì sự ổn định. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ chết vì chúng ta vẫn còn cần cho người khác. Chúng ta chỉ luôn luôn trong cảnh ngắc ngoải. Và sự thật, cái gọi là phụ thuộc hôm nay còn tệ hại hơn nhiều, so với sự phụ thuộc mà trong lịch sử, ông cha chúng ta vẫn chịu đựng.
 
3. Nguyên nhân của sự phụ thuộc kinh tế trong hòa bình là sự phụ thuộc đến mức quyết định đối với nước ngoài khởi đầu từ cuộc chiến tranh ba mươi năm. Đây là điều cần sự xác minh của các tài liệu lưu trữ mà nay đang bị giấu kín. Nhưng,  như các cụ ngày xưa hay nói, cái kim giấu trong bọc mãi cũng lòi ra. Vào thời buổi của sự bùng nổ thông tin, nếu chịu khó làm việc, ta vẫn ngày một đi gần hơn tới sự thực. Một số tài liệu mới hé ra đây đó cũng đã giúp ta định hướng cho sự suy nghĩ của  mình. Và trách nhiệm của giới trí thức là phải lượng định cho hết những di lụy của quá khứ đối với hiện tại và cả tương lai dân tộc vài chục năm tới.   

4. Trong các bài sử thuộc phần lịch sử hiện đại học ở phổ thông, tôi nhớ là đã được giảng về hai dạng khác nhau của chủ nghĩa thực dân. Chủ nghĩa thực dân cũ tức là việc một nước mang quân đến chiếm nước khác, rồi đưa người của mình sang tổ chức bộ máy cai trị. Còn chủ nghĩa thực dân mới thì khôn ngoan hơn và đơn giản hơn. Không cần mang quân chiếm đóng. Thời buổi  hiện nay làm thế mang tiếng chết. Mà người ta chỉ cần lèo lái thế nào để nước thứ hai kia biến thành nơi cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa cho mình. Như thế mặc dù vẫn còn cái tiếng độc lập,  nhưng cái nước thứ hai kia, có khác gì đất thuộc địa?
Theo tiêu chuẩn trên mà tính, rồi bạn cũng như tôi sẽ có thể rút ra kết luận cần thiết về thực chất mối quan hệ giữa nước ta với một số nước chung quanh đang vồ vập săn đón ta và dường như lúc nào cũng đứng bên ta. 


5. Hồi còn chiến tranh, không phải là nhiều người dân không  thèm muốn được sống được ăn mặc được hưởng thụ như người nước ngoài. Nhưng cuộc sống thời chiến không cho phép ta làm vậy. Nhất là  trong mỗi người còn cả niềm tin, tin  rằng một mai đây khi đất nước hòa bình, với trí thông minh và sức phấn đấu của cả cộng đồng, nước ta dân ta sẽ không thua kém các dân tộc khác các quốc gia khác. Nhưng khi đã tỉnh lại sau chiến tranh, trong tình hình của sự giao lưu quốc tế rộng mở, trải qua những mò mẫm tìm đường, ta mới ngày càng hiểu ra cái tầm vóc của những mất mát đã qua. Nó quá lớn, nó đã khiến chúng ta cạn kiệt cả niềm tin và sức lực. Sự bế tắc trong gần bốn mươi năm hậu chiến khẳng định thêm điều đó. Ta ngầm hiểu rằng nay có cố gắng đến đâu cũng không bao giờ đưa xứ ta trở lại là một xã hội bình thường, và trong so sánh, là xan bằng được khoảng cách ta với các nước chung quanh. Sống trong phụ thuộc nay không còn dừng lại ở thói quen học đòi non dại của lớp trẻ, mà đã biến thành vấn đề nhận thức quan niệm cùng là niềm tin có tính định mệnh của  những người từng trải ở cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc.   

Vương Trí Nhàn

Phần nhận xét hiển thị trên trang