Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Ngâm cứu:

Tu tập thời @ (5) Te của Lao Tzu.
Cư sĩ Minh Đạt


Düsseldorf, German, ngày 20/9/2013


1

"Hạnh phúc là đấu tranh."

Đó là câu nói nổi tiếng của Karl Heinrich Marx. Đó là câu nói mà một thời, những người cộng sản thường trích dẫn như một chân lý kinh điển của họ. Đấu tranh để chống áp bức, chống bất công; đấu tranh để ủng hộ giai cấp bị bóc lột, chống giai cấp bóc lột. Đấu tranh để lật đổ, để tiêu diệt giai cấp bóc lột!

"Hạnh phúc là đấu tranh."

Marx đã nói vậy. Ông ấy nói vậy; ông ấy viết Das Kapital, Tư bản luận; và ông ấy đã sáng tạo nên chủ nghĩa Xã hội khoa học; đều có tinh thần đấu tranh này trong đó. Chủ nghĩa Xã hội khoa học và Das Kapital đã là tiền đề cho chủ nghĩa Lenin, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao,... hình thành và phát triển. Để rồi, hình thành nên một hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa. Biến đổi thế giới thành lưỡng cực, tả và hữu, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc. Sau mấy chục năm hình thành và phát triển, người nông dân có ruộng để cày, người công nhân có nhà máy để sản xuất,... Nhưng rồi lại tạo nên một áp bức mới,  nhưng rồi lại tạo nên bất công mới; giai cấp bóc lột tư bản cũ bị tiêu diệt, nhóm lợi ích mới hình thành. Và, cuộc cách mạng năm 1989 bùng nổ, kéo theo sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Tất cả như một màn kịch. Tất cả như một tất yếu. Chủ nghĩa xã hội khoa học đã trở thành một thứ dĩ vãng, mà rất nhiều người không muốn nó quay trở lại. Ủng hộ đấu tranh, ủng hộ đấu tranh giai cấp, ủng hộ bạo lực cách mạng, ngày nay, Marx đã thất bại. Chủ thuyết của ông ấy thất bại. Sự thất bại này có thể có nhiều lý do.

Các học giả đưa ra rất nhiều các lý do, lý do giải thích chủ thuyết của ông ấy thất bại; họ phân tích về quy luật phát triển kinh tế; họ phân tích về hạ tầng xã hội; họ phân tích về tính dân chủ,... Rất nhiều nguyên nhân. Với tôi, tôi coi nguyên nhân chính là cái đấu tranh để thủ tiêu cái đối lập. Tôi không phải học giả, tôi không phải nhà nghiên cứu, tôi là người tìm kiếm. Tôi coi đó là điều quan trọng. Đấu tranh để tiêu diệt cái đối lập, đó là con đường sai lầm của cuộc sống. Đấu tranh để tiêu diệt cái này, thì cái khác nảy sinh. Nó sẽ nảy sinh, nó sẽ mọc mầm ngay từ lúc đấu tranh. Sự mọc mầm có thể từ cái xác của cái bị tiêu diệt, có thể là vậy. Sự báo thù. Hận thù đã tạo ra, thù hận đòi được trả. Đấu tranh sẽ gặp phải đấu tranh. Nhưng có một điều quan trọng hơn nữa. Là từ trong nội tại của kẻ đấu tranh. Sự mọc mầm luôn có, từ trong bản thể của lực lượng đấu tranh, từ trong lòng của nó. Bởi lẽ đơn giản, khi đấu tranh nó đã tạo ra hận thù ở trong lòng rồi. Ham muốn, thù hận, tức giận,... nó luôn thôi thúc trong lòng của kẻ đấu tranh; nó là năng lượng để tranh đấu; nó phát triển, nó bùng nổ và nó sản sinh, nó tồn đọng, nó bồi tích. Nó có một phần bùng nổ, bùng nổ ra ngoài, tiêu diệt kẻ đối lập. Nó có một phần tích tụ lại, nó sẽ tạo ra khối u, tạo ra nhức nhối, trong cơ thể trong tâm hồn của kẻ đấu tranh. Có kẻ đấu tranh nào mà trong lòng thư thả. Đó là hậu quả rõ ràng nhất của đấu tranh và bạo lực.

Đức, Te của Lao Tzu không phải như vậy. Ông già này, chống lại điều đó. Và tôi đồng ý điều này một cách toàn bộ.

2

Tao, là Đạo; Đạo mà Lao Tzu nói tới là tính toàn bộ và tính liên thuộc; toàn bộ cả hai mặt đối lập, liên thuộc tất cả các chiều.

"Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp,
thì đã có xấu rồi;
Đều biết thiện là thiện
Thì đã có cái ác rồi.

Bởi vậy:
Có và không cùng sinh,
Khó và dễ cùng thành,
Dài và ngắn cùng chiều,
Cao và thấp cùng nhau,
Giọng và tiếng cùng hoạ,
Trước và sau cùng theo..."  (Chương 2, Tao Te Ching)

Cuộc sống đẹp đẽ, cuộc sống linh thiêng là vì tính toàn bộ của hai mặt đối lập. Đẹp và xấu, thiện và ác, có và không, khó và dễ, dài và ngắn, cao và thấp,... tất cả đều cùng tồn tại; cùng sinh ra, cùng lớn lên, cùng tồn tại; hai mặt đối lập bù cho nhau; hai mặt đối lập tạo nên sự hài hoà. Cuộc sống và thực tại không thể có chỉ có tốt, chỉ có thiện,... Cuộc sống, hiện hữu không chỉ có những đỉnh núi; có cả những thung lũng. Đỉnh núi lộng gió và ngập tràn ánh nắng; thung lũng tĩnh lặng và âm u. Thung lũng làm cho đỉnh núi cao hơn, hùng vĩ hơn. Đỉnh núi là cho thung lũng sâu thẳm hơn, huyền bí hơn. Hai cái đối lập tạo nên sự giàu có, phong phú, sinh động. Nhưng không chỉ có đỉnh núi và thung lũng; cuộc sống là nhiều chiều, còn có cao nguyên, còn có đồng bằng, còn có những dòng sông,... Và có đỉnh núi cùng thung lũng, vạn vật và cảnh sắc lung linh hơn. Thung lũng và đỉnh núi làm cho bình nguyên phóng khoáng và bạt ngàn hơn. Thung lũng và đỉnh núi làm cho đồng bằng bình yên và giàu có hơn. Những dòng sông, những bình nguyên, những đồng bằng,... cũng làm cho đỉnh núi và thung lũng sống động hơn. Đó chính là tính liên thuộc tương hỗ nhiều chiều của cuộc sống. Tao mà Lao Tzu nói là vậy. Tao mà Lao Tzu nói tới là tính toàn bộ, là tính liên thuộc tương hỗ; lẽ tự nhiên của vũ trụ, lẽ tự nhiên của trời đất, lẽ tự nhiên của cuộc đời.

Nên Te, là Đức; Đức mà Lao Tzu nói tới là không lựa chọn, không lựa chọn một cái gì. Đức mà Lao Tzu nói tới là không đấu tranh, không đấu tranh giữa hai cái đối lập. Chấp nhận cả hai cái đối lập nhau, chấp nhận bất cứ cái gì nó đến. Đức mà Lao Tzu nói tới là Vô vi.

"Vậy nên hiền nhân:
Dùng vô vi mà xử sự;
Dùng không lời mà dạy dỗ;
Để cho mọi vật tự nhiên mà không cản
Tạo ra mà không chiếm đoạt
Làm mà không cậy công;..."  (Chương 2, Tao Te Ching)

Hãy để cho mọi vật mọi sự việc tự nhiên, như nó là. Dài và ngắn. Cao và thấp. Tốt và xấu. Xin đừng can thiệp. Xin đừng phân chia. Xin đừng thúc đẩy hai cái đối lập đấu tranh tiêu diệt nhau. Xin đừng lựa chọn cái này hay cái kia, hoặc một cái nào khác. Vì toàn bộ và liên thuộc là quy luật của tự nhiên, của vũ trụ, của cuộc sống. Nhưng còn cái tiêu cực? Nhưng còn cái ác? Ông già cưỡi trâu xanh này là người gàn dở. Ông già này nói: kệ nó. Có vẻ như không bình thường. Có vẻ như không thực tế. Làm điều thiện, mà không diệt cái ác, đó là vô vi. Ông già cưỡi trâu xanh thật là gàn dở. Có cái gì đó không hợp logic; không hợp với logic trần thế. Nhưng,... để cho lòng lắng lại, sẽ thấy có ba khả năng. Có ba khả năng cho điều này; ba khả năng để thực hiện điều thiện; ba khả năng để những điều tích cực vận hành. Ba khả năng để cùng ứng xử với thiện và ứng xử với ác; ba khả năng để cùng ứng xử với tích cực và ứng xử với tiêu cực; ba khả năng ứng xử với tự nhiên; ba khả năng ứng xử với con người khác với xã hội.

Khả năng thứ nhất, làm điều thiện, diệt cái ác. Đó là cách của thế giới này. Muốn điều thiện được vẹn toàn, phải tiêu diệt cái ác, tiêu diệt kẻ gây ác. Không diệt cái ác, cái thiện sẽ nguy hiểm. Thế giới này đang tư duy như vậy. Đó là logic của tâm trí. Đó là lý do, câu nói nổi tiếng của Karl Heinrich Marx được thừa nhận và ngợi ca. Marx, ông ấy là người của tâm trí; phép biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel đã được ông ấy bê nguyên ghép vào với chủ nghĩa duy vật. Ông ấy rất logic. Điều ông ấy nói ra làm cho tâm trí được sáng lên. Thực hiện được điều đó, làm cái thiện và diệt cái ác, tâm trí hài lòng; tâm trí yên tâm với điều đó. Cũng không phải chỉ có ông ấy và những người theo ông ấy làm vậy. Nhân loại, nhiều người làm vậy. Người China thích đấu tranh, lịch sử của họ là lịch sử chiến tranh; họ có nhiều câu chuyện nổi tiếng về đấu tranh. Chuyện về Ching K'o, Kinh Kha là một điển hình. Chuyện về chủ nghĩa anh hùng của người China, kẻ quân tử sãn sàng chết vì người tri kỷ; kẻ quân tử diệt ác hành thiện. Ching K'o ám sát Ch'in Shih Huang, Tần Thuỷ Hoàng; mong diệt hoạ cho thiên hạ. Ching K'o lập cả một kế hoạch chi tiết, tiếp cận Ch'in Shih Huang, làm cho Ch'in Shih Huang tin cậy mà không đề phòng. Rồi thủ dao ba tấc, nhân lúc ở bên, rút dao đâm Ch'in Shih Huang; nhưng thật không may, đâm hụt. Ch'in Shih Huang cũng là một tay kiếm cao thủ, đã nhanh chóng diệt gọn Ching K'o. Ch'in Shih Huang thoát chết, Ch'in Shih Huang tàn bạo hơn, Ch'in Shih Huang cảnh giác hơn, Ch'in Shih Huang khó ám sát hơn và Ch'in Shih Huang tàn bạo hơn nữa. Ching K'o thất bại, nhưng đã là biểu tượng đẹp của tinh thần China; trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc này. Hai ngàn năm sau, đạo diễn nổi tiếng của Chine, Zhāng Yìmóu, Trương Nghệ Mưu say xưa với hình ảnh của người quân tử chết vì tri kỷ; đã tạo nên bộ phim nhiều màu sắc, nhiều hình ảnh, giàu tính thượng võ, thấm đậm chủ nghĩa anh hùng China; phim Anh hùng. Phim Anh hùng cuốn hút hàng trăm triệu người say xưa xem. Họ xem, họ thích thú về người anh hùng quên thân mình diệt ác, hành thiện. Họ xem, con người thích thú xem vì tâm trí yêu cái thiện, ghét cái ác được làm sáng lên, dù có tiếc nuối về sự thất bại của Ching K'o. Diệt ác, hành thiện; đó là cách của thế giới này. Người cộng sản nghĩ vậy, người bảo hoàng nghĩ vậy, người dân chủ nghĩ vậy, người cộng hoà nghĩ vậy, nhiều người nghĩ vậy. Dân tộc China nghĩ vậy, nhiều dân tộc khác nghĩ vậy. Diệt ác hành thiện, nó có cái đẹp của nó, nhưng nó không phải là cách duy nhất, không phải là cách cao nhất.

Khả năng thứ hai, làm điều thiện, không biết đến điều ác là gì, không biết điều ác từ đâu tới, không biết kẻ ác là ai,... Không cần biết về tất cả những điều đó. Biết là có nó ở trên đời, nhưng tránh nó đi, trốn nó đi; để được làm việc thiện; để cái thiện được an toàn(?). Ẩn tu nơi hang cốc. Trốn lên núi thật cao. Trốn vào rừng thật sâu. Nơi cái ác không thể vươn tới. Nực cười. Nực cười, vẫn là chuyện của Chine. Người Chine có nhiều câu chuyện đối lập nhau. Đối lập với chuyện Ching K'o, là chuyện hai kẻ sĩ, chán đời đi ẩn tu. Chán những cái ác, chán những điều tiêu cực, hai kẻ sĩ này vào rừng để sống. Họ lánh đời. Nhưng đời không lánh họ. Rồi một hôm, một kẻ nghe thấy những câu chuyện không hay; về cái ác, về cái tiêu cực. Câu chuyện đó, lỡ lọt vào tai ông ta; tai ông ta lỡ không bịt kín. Không tức giận một cách dữ dội. Nhưng, ông ta chạy liền xuống suối, vục mặt xuống nước, rửa tai. Ông ta rửa tai, không muốn cái ác, cái tiêu cực là bẩn lỗ tai. Ông ta không muốn liên quan bằng bất cứ cách nào tới cái ác, dù là nghe về nó. Người thứ hai, đang dắt trâu, thư thả cho trâu uống nước, thư thả nghe tiếng suối reo, thư thả cùng tiếng gió ngàn. Thấy bạn mình rửa tai. Hỏi và biết được lý do. Liền tất tả, liền vội vàng dắt trâu ngược lên nguồn, cho trâu uống nước. Ông này, không muốn trâu của mình bị bẩn mồm, uống nước rửa tai, cái tai đã nghe được cái ác, cái tiêu cực! Làm điều thiện, không biết đến điều ác là gì, không biết điều ác từ đâu tới, không biết kẻ ác là ai; chạy trốn cái ác để cái thiện được vẹn tròn. Đó dường như là cách của rất nhiều kẻ tu hành. Đó không phải là cách của Lao Tzu.

Khả năng thứ ba, làm điều thiện, nhưng hiểu biết về ác về thiện. Coi thiện và ác là hiện hữu. Làm điều thiện, không làm điều ác, không hận thù cái ác, không tiêu diệt kẻ gây ác. Làm điều tích cực, nếu có gặp điều tiêu cực, không tránh, chấp nhận. Coi tích cực và tiêu cực là hiện hữu. Không lựa chọn. Đó là vô vi. Hiểu biết về nó. Đó là cách của Lao Tzu.

Johann Wolfgang von Goethe là nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sỹ; giống như Karl Heinrich Marx, ông ấy là người Germany; không giống Karl Heinrich Marx, ông ấy đã nói thế này:

"Tất cả những người tôi gặp đều là những kẻ mà tội lỗi của họ bản thân tôi đều có thể phạm".

Nhân hậu. Khoáng đạt. Nhân hậu, khoáng đạt và cũng rất vô vi. Cái ác, cái tiêu cực của kẻ ác gây ra; đó là cái bất cứ con người nào, trong hoàn cảnh nào đó, trong trạng thái nào đó, có thể phạm phải; tôi có thể phạm, bạn có thể phạm, tất cả chúng ta có thể phạm; các vị thánh cũng có thể phạm; hoặc đã bị phạm phải từ những kiếp trước. Là người Germany, người của dân tộc logic. Lập luận của Goethe rất logic. Ông ấy kéo hoàn cảnh của kẻ khác thành hoàn cảnh của mình. Đưa bản thể của mình về hệ quy chiếu của người khác, để xét sự việc. Tầm nhìn thay đổi. Vậy thì có cảm thông.

Nếu con người thấu hiểu nghèo khổ, thấu hiểu cùng cực, thấu hiểu sự bất công, thấu hiểu khi không có bất kể cái gì để núi bám,... Thì dễ cảm thông với điều tiêu cực. Cái ác có những nguyên do của nó. Cái ác không từ trên trời rơi xuống. Cái ác không phải do quỷ quyền năng và pháp thuật gây ra. Cái ác không đến từ một thế giới khác. Cái ác là cái từ bên trong của bất kể một con người nào; cái có thể là khả năng mà nó xảy ra. Nhưng, xin hãy đừng để nó sinh ra. Xin hãy đừng để nó phát triển. Vì có thể làm được điều này. Chứ không phải là vô vọng với cái ác, với cái tiêu cực. Ông già lẩm cẩm cưỡi trâu xanh viết rằng:

"Không trọng hiền thì dân không tranh.
Không quí của hiếm thì dân không trộm cướp,
không phô bày cái gì gợi lòng tham,
thì lòng dân không loạn.

Nên, chính trị của hiền nhân là làm cho dân:
lòng an, bụng no, tâm chí buông bỏ, cơ thể khoẻ mạnh.

Khiến dân không ham không muốn,
Nên kẻ ác không dám hành động." (Tao Te Ching, Chương 3)

Ông già này nói về nguồn gốc của cái ác. Không chỉ cảm thông như Goethe, mà còn hiểu biết về nguồn gốc về nguyên nhân gây ra cái ác. Ông già này đã làm cho Kong Fuzi choáng váng, cấm khẩu ba ngày ba đêm, chính là điều này. Kong Fuzi không thích dạy kẻ tiểu nhân, ông ấy chỉ dạy kẻ quân tử. Ông ấy dạy kẻ quân tử: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,... để kẻ quân tử vươn tới thành công. Nhưng Ông già cưỡi trâu xanh này lại nói, thành công là nguồn gốc để tranh dành, là nguồn gốc của cái tiêu cực, là nguồn gốc của cái ác; bới vì, vì thành công mà con người tham hơn; nếu không vì thành công, con người sẽ không tham, không gây ác. Vậy thì Kong Fuzi choáng váng thực sự, là phải.

Nguồn gốc của cái ác, cái tiêu cực là lòng tham. Nguồn gốc của nó là tâm trí. Điều Lao Tzu nói, là điều Gautama Buddha nói, là điều Jesus Christ nói; các Buddha, các Christ đều nói vậy. Vậy thì, cái ác, cái tiêu cực không xấu như hành vi nó xảy ra. Chỉ vì con người ngu muội, vô minh, bị lòng tham che mờ tâm thức; mà cái ác mới sinh sôi, tác ai tác quái. Ông già cưỡi trâu xanh này lẩm cẩm, nhưng có logic của riêng mình. Và tôi đồng ý một cách toàn bộ.

Nhưng làm sao, làm sao đưa vô vi vào cuộc sống? Và cái ác, cái tiêu cực ứng xử với nó thế nào? Chỉ cảm thông và hiểu biết nguồn gốc của cái ác, cái tiêu cực thì đâu có thể ung dung mà vô vi?

3

Dưới câu chữ, dưới ngôn từ của Tao Te Ching có một tầng sâu nữa. Dưới vô vi có một tầng sâu nữa. Vô vi, không phải chỉ có là: hành động mà không có bất kể một mục đích gì. Vô vi không phải chỉ có là: hành động mà như không hành động. Vô vi không phải chỉ có là: không hành động mà như hành động tất cả. Vô vi không phải chỉ có là: làm cái thiện, mà không hận thù cái ác, không hận thù kẻ gây ác. Vô vi không phải chỉ có vậy. Còn một tầng sâu nữa, đảm bảo rằng vô vi được đưa vào cuộc sống; đảm bảo rằng có một phương cách đẹp đẽ ứng xử với cái ác, với cái tiêu cực. Lao Tzu nói về tầng sâu này, như sau:

"Thiên hạ gọi Tao là lớn
và nực cười.
Nó không nực cười
thì nó đã là nhỏ mọn từ lâu rồi!

Ta có ba vật báu, hằng nắm giữ và ôm ấp:
Một là Từ,
Hai là Kiệm,
Ba là Không dám đứng trước thiên hạ.

Từ sẽ có dũng, Kiệm sẽ có rộng,
Không dám đứng trước thiên hạ thì sẽ đứng trên cao.
Nếu bỏ Từ để được dũng,
bỏ Kiệm để được rộng,
bỏ sau để đứng trước là chết.

Vì từ ái nên không thất bại,
vì từ ái nên được bền vững.
Trời muốn giúp ai thì cho người đó lòng từ ái để tự bảo vệ" (Chương 68, Tao Te Ching)

Ông già này nói có ba vật báu. Đó chính ba vecter chính của tính tôn giáo. Vật báu đầu tiên là Tình yêu, là Từ bi. Khi đã tràn đầy tình yêu, con người tự nhiên dâng hiến. Một tình yêu không mục đích, không vì bất kỳ lý do nào, tự nhiên dâng tặng. Một tình yêu không có đối tượng, không cần người đó là ai; người già, người trẻ, một giáo sư, một kẻ tội đồ,...   dù là ai cũng yêu thương. Một tình yêu không có mối quan hệ, không cần là cùng tôn giáo, không cần là cùng quốc gia, không cần cùng đảng phái,... không biết tới tất cả những cái đó. Chỉ biết yêu thương. Đó chính là Từ bi. Nếu đã biết yêu như vậy, thì đâu có sợ bất kể một cái gì, một điều gì. Con người đầy dũng là khi không biết mình dũng. Cái dũng cao nhất là không cần đến cái dũng, vì nó đã được siêu việt lên. Cái dũng đã tự nhiên được siêu việt khi Tình yêu tràn đầy.

Vật báu thứ hai, là Kiệm, chính là Từ bỏ. Từ bỏ lòng tham, từ bỏ tâm trí, từ bỏ tất cả những cái mà con người lầm lẫn đồng hoá bản thể của mình vào với nó; vật chất, thân thể, suy nghĩ, cảm xúc,... Những sự lầm lẫn này, chính là nguồn gốc khởi sinh lòng tham.  Từ bỏ được tất cả những cái đó, thì con người không còn tham. Không còn tham, thấy không cần cái gì, thấy không thiếu cái gì, thì thấy rộng rãi, thì thấy thừa thãi. Từ bỏ là một quá trình gian nan, không dễ để có thể buông tay là bỏ được ngay. Nhưng từng bước đi vào trong, Từ bỏ tăng dần; càng vào sâu, con người càng thấy không cần bất kể cái gì. Mới đầu thì thấy cần phải Kiệm, càng Kiệm càng thấy rộng rãi, càng thấy thảnh thơi. Nhưng càng vào sâu, Từ bỏ được càng nhiều, nhiều những điều lầm lẫn; vậy thì Kiệm cũng không còn. Nó cũng được siêu việt lên. Con người Kiệm mà không biết mình Kiệm. Hai vật báu đầu tiên là vậy. Hai trong ba vecter chính của tính tôn giáo: Tình yêu và Từ bỏ.

Vật báu thứ ba:

"Không dám đứng trước thiên hạ"

Thời của Ông già này, thiên tử, các chư hầu, các vương gia, kẻ sĩ, người quân tử, kẻ tiểu nhân đều đua nhau đi bình thiên hạ. Kong Fuzi đi khắp các nước chư hầu, giao giảng về Năm cái đức: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín; giao giảng về Ba cái mối quan hệ: vua với tôi, cha với con, chồng với vợ... Với người phụ nữ thì có Bốn cái đức: nữ công, nhan sắc, lời nói và đức hạnh; Ba cái phải theo: theo cha khi bé, theo chồng khi lớn, theo con khi về già... Và ông ấy nói:

“Kẻ nào chẳng phấn phát lên để hiểu thông, thì ta chẳng giúp cho hiểu thông được. Kẻ nào chẳng ráng lên để tỏ ý kiến mình, thì ta chẳng khai phát cho được. Kẻ nào đã biết rõ một góc, nhưng chẳng chịu căn cứ vào đó để biết luôn ba góc kia, thì ta chẳng dạy kẻ ấy nữa"

Vì đạo của Kong Fuzi là đạo dạy để thành công. Năm cái đức, Bốn cái đức, Ba mối quan hệ, Ba cái phải theo,... cuối cùng là để thành công. Để:Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Đạo của ông ấy dạy cái cuối cùng, cái đỉnh cao nhất của thành công là làm bá chủ thiên hạ. Đạo của ông ấy phản ánh hơi thở của thời đại; thời đại ông ấy sống. Thời Xuân thu chiến quốc. Thời các nước chư hầu đánh nhau liên miên. Rồi không phải chỉ có thời đó, sau đó, suốt lịch sử cho đến cận đại, người China đánh nhau liên miên. Đánh nhau để làm bá chủ thiên hạ. Mọi người đều muốn là bá chủ thiên hạ. Rồi ngay này, người China hơn một tỷ rưỡi người, có lẽ gần tỷ người luôn muôn làm bá chủ thiên hạ. Khi nào họ cũng muốn thôn tính nhau, thôn tính những nước láng riềng; Đạo của Kong Fuzi phản ánh tinh thần của người China. Nhưng vì sao, vì sao mà Lao Tzu nói: "Không dám đứng trước thiên hạ"

Vì Ông già cưỡi trâu là người lẩm cẩm, Ông già này luôn khác người khác đời; Ông già này chống lại việc làm bá chủ thiên hạ. Đương nhiên Ông già này chống lại điều đó. Nhưng còn một tầng sâu nữa, Ông già này ngụ ý tới. Ông già này muốn ngụ ý tới một điều lớn lao khác. Điều mà Ông già này phải nói, là nói cho thời đại lúc bấy giờ, cho dân tộc mà Ông già này từ đó sinh ra; thời đại và dân tộc thích làm bá chủ thiên hạ. Nên Ông già này phải nói vậy. Nhưng còn một tầng sâu nữa, Ông già này muốn ngụ ý tới. Ông già này là người chứng ngộ. Điều Ông già này nói, là ngụ ý về Nhận biết. Nhận biết của một bậc trí huệ. Cái họ biết là Chân lý. Cái họ biết là cái con người trần thế không biết. Bậc trí huệ đó được Ông già này mô tả như sau:

"Bậc toàn thiện xưa nay tinh tế, nhiệm mầu,
Siêu huyền, thông suốt, sâu xa
không thể biết được,
Không thể biết được, nên tạm hình dung là:
Thận trọng như qua suối mùa đông.
Do dự như sợ nguy hiểm bốn bên.
Nghiêm kính như khách lạ,
Khiêm nhường như băng tan,
Chân chất như gỗ chưa đẽo gọt,
Phóng khoáng như thung lũng,
Pha lẫn như nước đục.
Ai có thể tìm sự hài hoà trong thế giới đục ngầu?
nhờ nằm tĩnh lặng mà đục hoá trong,
Ai có thể giữ bình thản được lâu?
nhờ động mà nó quay cuộc sống
Kẻ giữ Đạo, không tự mãn
Chỉ vì không tự mãn,
Mà vượt ra ngoài cũ và mới.
Người trí huệ thời cổ" (Tao Te Ching, Chương 15)

Đó là hình ảnh của một người trí huệ. Họ đã thấy cái mà con người trần thế không thấy. Họ đã thấy được hiện hữu; họ thấu rõ thế giới trần thế, nhưng dường như họ thấy cả những thực tại ẩn, những thực tại mà con người không thấy? Cho nên, họ tinh tế, họ nhiệm mầu, họ siêu huyền, họ thông suốt, họ sâu xa,... Nhưng họ lại thận trọng, họ do dự, họ nghiêm kính, họ khiêm nhường,... Phải chăng, đấy là cách họ đang ứng xử với hiện hữu; ứng xử cả với thế giới trần thế, ứng xử cả với những quy luật của thực tại ẩn? Phải chăng không đứng trước thiên hạ, đấy là cách của người trí huệ. Vì thiên hạ, thế giới trần thế chỉ là một phần của hiện hữu, không phải là toàn bộ. Vì thế giới trần thế này không phải là dài lâu, không phải là thường hằng. Vì thế giới trần thế này, phải chăng chỉ là sự diễn giải của tâm trí? Có phải chăng còn một thực tại ẩn mạnh mẽ hơn, trường tồn hơn, hiện hữu hơn? Cái mà hơn hai ngàn năm sau Joseph David Bohm, nhà vật lí lượng tử người Anh, giáo sư danh dự Đại học Birkbeck thuộc Đại học Tổng hợp London, đã đưa ra trong các tác phẩm Cái toàn thể và Trật tự ẩn, Vũ trụ không phân chia,... Như một sự thách thức với những phương pháp nghiên cứu thông thường trong khoa học. Như một sự thách thức với những niềm tin về giá trị khoa học đã và đang đạt được. David Bohm cho rằng, ngoài thực tại vật lý mà con người đang thấy, còn những thực tại ẩn của tinh thần và vật chất, những thực tại nhiều chiều. David Bohm có lập luận và những xác minh của ông ấy. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề này vào dịp khác. Nhưng Lao Tzu đã ngụ ý về điều này. Ông già này ngụ ý rằng: Chỉ có những kẻ chưa trưởng thành, mới đua nhau lao về phía trước. Chỉ có những kẻ còn đầy lòng tham, mới mong làm chủ thiên hạ. Đó là lý do, nhiều người nói những chính trị gia, những nhà buôn... thường là những con người kém trưởng thành; họ thuộc về tầng lớp có tâm thức thấp nhất nếu họ không vượt qua được lòng tham. Không vượt qua được lòng tham họ chỉ nhìn thấy cái mà tâm trí thấy. Chính lòng tham là màn che làm mờ tâm thức, làm đui mù, làm vô minh; làm cho tất cả những giá trị giả mà tâm trí tạo nên trở thành to lớn, to lớn vượt quá cái mà nó thực là; chính lòng tham làm cho quyền lực, danh vọng, tiền bạc và tính dục trở nên là cái phải tranh đấu. Nếu từ bỏ lòng tham, nếu tràn đầy tình yêu, con người hướng tới Nhận biết, hướng tới Chân lý. Ông già này đã nói về Nhận biết; đó là điều Ông già này ngụ ý. Nhận biết, vecter chính thứ ba của tính tôn giáo.

4

Không có ba vecter chính này vô vi vẫn chỉ là hữu vi; dừng lại ở việc nói, dừng lại ở việc nghĩ, dừng lại ở tâm trí. Không có ba vecter chính này, vô vi không thể đưa vào cuộc sống. Không có ba vecter chính này, không thể chuyển hoá cái xấu thành cái tốt, không thể chuyển hoá cái ác thành cái thiện.

Nếu như con đường của Gautama Buddha là đi vào trong với thiền. Với thiền, bắt đầu bằng từ bỏ. Từ bỏ là tách rời tất cả những cái mà con người lầm lẫn đồng hoá bản thể của mình với chúng. Tách rời bản thể của con người với vật chất, với cơ thể, với suy nghĩ, với cảm xúc; tách rời bản thể của con người với tâm trí; tách rời con người với tham. Vậy thì có hai điều xảy ra. Thứ nhất là sự chuyển hướng của năng lượng. Năng lượng sẽ chuyển hướng. Năng lượng yêu thương không bị hao tổn vào những thứ vớ vẩn: bực tức, nóng nảy, bạo hành, lo lắng, say đắm, si mê,... những phản ứng tiêu cực. Năng lượng yêu thương không bị hao tổn vào những phân chia, phán xét, so sánh,... những thứ là sản phẩm của tâm trí. Vậy thì, năng lượng đó dần dần chỉ còn biết yêu thương. Sẽ tràn ngập yêu thương, vì tâm trí không còn, vì lòng tham không còn. Thứ hai lớp màn che mờ bởi tâm trí, bởi những điều lầm lẫn, dần dần được xoả bỏ.Không bị những thứ lầm lẫn nó đồng hoá bản thể con người vào với nó. Không bị lệ thuộc vào vật chất, vào cơ thể, vào suy nghĩ, vào cảm xúc; những cái của tâm trí. Vậy thì, những định nghĩa, những khái niệm, những hình ảnh, những từ ngữ, những quan niệm,... dần dần không còn bị phân chia, phán xét... cái đúng đắn dần dần được xác lập. Con người Nhận biết hơn, rồi con người Chứng kiến. Khi đã tràn đầy Tình yêu và Nhận biết thì mối quan hệ giữa Con người và các Con người khác, với Xã hội; mối quan hệ giữa Con người với Tự nhiên, đã được con người ứng xử một cách thích hợp nhất. Tất cả là tự nhiên tuôn trào, không còn khuôn phép, không còn lễ nghi, không còn luật lệ,... chỉ có Tình yêu và Nhận biết, Chứng kiến. Đó chính là vô vi.

Tao và Te của Lao Tzu cũng là vậy. Lao Tzu không nhắc tới thiền. Nhưng Lao Tzu nhắc đến Tao. Tính toàn bộ của hai mặt đối lập, tính liên thuộc của tất cả các chiều là Tao, là Đạo của tự nhiên. Hiện hữu không chỉ là thế giới trần thế, nó còn có cả những thực tại ẩn nhiều chiều, thống nhất trong Cái một vô song. Khi con người đã hiểu được điều đó một cách sâu sắc; vậy thì trong con người đó có sự xụp đổ. Osho hay nói, phải giết một con người, để một con người khác được sinh ra. Phải giết chết tâm trí mình, phải tiêu diệt sự đối đãi nhị nguyên, thì trí huệ mới phát triển, thì Cái một mới hiện lộ. Khi đã hiểu, khi đã biết rằng hai mặt đối lập là cùng sinh ra, là cùng phát triển, là hài hoà, là bù cho nhau; rằng tất cả mọi sự việc, mọi vật đều là liên thuộc hữu cơ, gắn bó với nhau; vậy thì năng lượng yêu thương đâu còn tiêu tốn vào những hành vi tranh dành, phân chia, lựa chọn, tức giận, lo toan, ghét bỏ;... vậy thì tâm trí đã được giải phóng, nó không còn lệ thuộc vào bất cứ cái gì, dù là suy nghĩ, dù là cảm xúc. Con người thấy rằng mình không còn riêng biệt. Là một, là một với tất cả. Thở với hơi thở của đất trời; thở với hơi thở hiền hoà của cơn gió đầu mùa; thở với hơi thở cuồn cuộn cùng bão tố; thở với hơi thở vĩ mô, chuyển động cùng những vì sao. Lưu thông trong huyết quản không chỉ là chuyển động của những hồng cầu và những bạch cầu; mà còn là chuyển động hiền hoà của nước trong dòng sông; mà còn là chuyển động âm thầm của những dòng hải lưu; mà còn là chuyển động với những quỹ đạo đa chiều của những hành tinh và giải ngân hà,... Tất cả đều trong một. Tất cả đều trong một. Để biết được là Một, con người đã phải có sự từ bỏ vĩ đại nhất: giết chết tâm trí mình. Chỉ có thể là vậy. Từ Nhận biết, con người sẽ giết chết tâm trí mình, sự Từ bỏ vĩ đại; rồi Tình yêu bừng nở và tràn đầy; Vô vi tuôn chảy. Đó chính là con đường Tao và Te của Lao Tzu.

Có thể là những tên gọi khác nhau, nhưng con đường của Gautama Buddha, con đường của Lao Tzu, con đường của Mahavira, con đường của Jesus Christ, của Krishnamurti, của Osho, của Eckhart Tolle,... đều là như vậy. Con đường đi vào trong, với ba chiều chính: Từ bỏ, Tình yêu và Nhận biết.

Con đường có thể có nhiều cách gọi tên khác nhau, có thể bắt đầu khác nhau; nhưng nó phải là con đường đi vào trong; nó phải là một hành trình, hành trình gian nan. Trên con đường đó, nếu càng đi, càng đi mà không thấy yêu thương nhiều hơn, mà không thấy từ bỏ và tách rời được nhiều hơn, mà không thấy tỉnh táo hơn, nhận biết hơn, thì đó là con đường sai. Mỗi một người, có thể có một phương tiện một cách đi khác nhau; nhưng dứt khoát, trên con đường đó Tình yêu mỗi ngày mỗi lớn, Tách rời mỗi ngày mỗi rõ ràng, Nhận biết mỗi ngay mõi sáng hơn. Con đường đó mới là con đường đúng; và Vô vi sẽ tự nhiên tuôn chảy.

Khi Vô vi đến một cách tự nhiên, tự nhiên tuôn chảy là khi nó có cả Từ bỏ, Tình yêu và Nhận biết. Khi đó nó lan toả và nó chuyển hoá. Nó sẽ chuyển hoá cái xấu thành cái chưa tốt. Nó sẽ chuyển hoá cái chưa tốt thành cái tốt. Nó sẽ chuyển hoá cái tốt thành cái tốt hơn. Vì đơn giản nó chứa năng lượng của Tình yêu. Năng lượng của Tình yêu là năng lượng cao nhất. Dao động đặc trưng của năng lượng này có tần số cao nhất. Tần số cao nhất này cưỡng bức, dẫn dụ, lôi kéo tất cả các tần số thấp hơn tăng tốc. Dù là tần số dao động của năng lượng thù hận, của năng lượng bạo hành,... cũng là những tần số có giá trị thấp hơn; chúng sẽ được dẫn dụ, hoá giải theo tần số dao động của năng lượng Tình yêu. Lịch sử của nhân loại đã có cuộc chiến tranh nào mà hận thù nào có thể tiêu diệt được tình yêu? Nhưng luôn có những Tình yêu đã hoá giải thù hận, luôn có những Tình yêu đã đẩy lùi những cuộc chiến tranh, đã đẩy lùi nhũng điều tiêu cực.

"Cho nên hiền nhân bảo
Ta không làm gì mà dân tự cải hoá,
Ta thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính,
Ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc,
Ta không tham mà dân tự chất phác." (Tao Te Ching, Chương 57)

Nên, xin hiểu vô vi ở một tầng sâu này. Một tầng sâu mà Tình yêu đi tới tràn đầy, Từ bỏ đi tới triệt để, Nhận biết đi tới tối thường. Trong tầng sâu này, một cách tự nhiên cái ác  được chuyển hoá, chuyển hoá thành cái tốt, chuyển hoá thành cái tốt hơn.

"... Khiến cho dân không ham không muốn,
Nên kẻ ác không dám hành động." (Tao Te Ching, Chương 3)

Xin cúi đầu trước Ông già lẩm cẩm cưỡi trâu xanh này.

Nguồn www.tincaytinhyeu.wordpress.com

Cư sĩ Minh Đạt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: