Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Nguyễn Đăng Mạnh viết về Trần Đăng Khoa


Nguồn: Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh

Trần Đăng Khoa từ bộ dạng, cách nói năng (lẫn lộn n với l), đến thói quen ăn uống đều đặc nông dân: chỉ thích món thịt lợn kho, cá kho, rau muống luộc, lòng lợn chấm mắm tôm, không thích thịt bò, gà vịt, hải sản, không thích bia...
Vào khoảng năm 1975, báo Phụ nữ Việt nam có đặt tôi viết một bài về trường ca Tiếng hát người anh hùng của Trần Đăng Khoa. Bài ấy, tôi ký tên con gái tôi: Nguyễn Thị Thanh Thuỷ. Nội dung cơ bản của bài viết là khẳng định Trần Đăng Khoa là nhà thơ nông dân. Tất cả tài năng của anh đều do nông thôn bồi dưỡng nên. Thành công hay thất bại của tác phẩm đều là do Khoa hoặc nói bằng tâm hồn và ngôn ngữ nông dân của mình, hoặc mượn ý tưởng, cách nói của tầng lớp xã hội khác.
Tôi tiếp xúc với Khoa lần đầu tại nhà Khoa ở Nam Sách. Lúc ấy Khoa học lớp Tám ở trường cấp III Nam Sách (Hồi ấy cấp III gồm 3 lớp 8, 9, 10). Một đoàn sinh viên sư phạm Hà Nội về đấy thực tập. Tôi về thăm đoàn thực tập này và nhân tiện tạt về nhà Khoa một lát.Tôi thấy Khoa ứng xử, tiếp đón, nói năng với khách rất đàng hoàng, chững chạc, không có vẻ một cậu học trò lớp Tám. Về sau này chính Khoa nói với tôi: “Người ta cứ bảo em hồi nhỏ rất hồn nhiên, nay không còn hồn nhiên nữa. Không đúng. Hồi nhỏ em chẳng hồn nhiên gì cả. Nói dối như ranh." Và Khoa kể chuyện này: “Một lần có một cuộc hội nghị y tế toàn miền Bắc họp ở tỉnh Hải Hưng. Các ông phụ trách hội nghị đưa Khoa đến để khoe “thần đồng” của tỉnh. Thường họ đề ra cho em làm thơ để thử tài. Ông Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng Bộ Y tế, tặng em một cái bật lửa. Không hiểu sao lại tặng mình bật lửa? Tặng trẻ con, lại tặng bật lửa để làm gì! Đúng là dớ dẩn. Em nghĩ bụng thế. Nhưng em lại phát biểu trước hội nghị: “Bác tặng em cái bật lửa là rất có ý nghĩa. Đây là ngọn lửa tượng trưng cho lý tưởng cách mạng. Em nguyện sẽ mang ngọn lửa này trong suốt cuộc đời mình...” Cả hội trường vỗ tay ầm ĩ, khen thằng bé giỏi quá!
Thần đồng Trần Đăng Khoa.
Từ ngày Khoa học trường viết văn Nguyễn Du, tôi tiếp xúc với Khoa luôn. Có năm Khoa đến ăn Tết với gia đình tôi, quan hệ rất thân mật.
Khoa đúng là có tài, rất thông minh. Có lẽ Khoa có ý thức mình là thần đồng nên chịu khó đọc sách, đọc sáng tác, đọc phê bình, để có một vốn tri thức đàng hoàng, có thể ăn nói với đời. Khoa tỏ ra rất hoạt bát. Mồm mép ghê gớm, phát biểu rất có chủ kiến, đầy tự tin, có phần kiêu ngạo nữa. Những năm gần đây, tôi với Khoa thường được mời tham gia hội đồng chung khảo của những cuộc thi sáng tác văn học do Nhà xuất bản Giáo dục, Hội nhà văn hay tổ chức Văn hoá doanh nhân của Lê Lựu tổ chức. Tôi thấy Khoa rất to mồm, nhiều khi tỏ ra muốn áp đặt tư tưởng của mình đối với hội đồng.
Khoa thường nói giọng khẳng định dứt khoát, nhiều ý kiến sắc sảo, nhưng cũng lắm nhận định không chính xác do vốn kiến thức còn lắm lỗ hổng. Tuy thế tôi vẫn thích nghe Khoa nói. Tôi thích người nói thẳng thắn, có chủ kiến riêng, dù không đúng cũng gợi cho mình suy nghĩ.
Dưới đây, tôi tường thuật vài đoạn Khoa nói chuyện với tôi (tôi muốn ghi lại đúng giọng điệu, khẩu khí của Khoa):
“Văn học đang đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả cũ rồi, Các nhà thơ thời chống Mỹ vẫn khá hơn cả, song cũng tắc rồi. Nguyễn Duy triển lãm thơ bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay... là vớ vẩn lắm rồi! Nguyễn Huy Thiệp cũng tắc. Vàng Anh cũng hết – một hồi ta đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn.
Nhưng cái mới chưa có, chưa xuất hiện. Văn xuôi có khá hơn. Thơ thì có lẽ thời buổi này không phải là thời của thơ. Đây là thời của truyện, của kịch, của phim, của tivi...”
“Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương! Đàn bà không tả cái của đàn bà hấp dẫn như thế “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới nói thế: “Cô gái ngủ ngày” là đàn ông viết”.
“Em đã ghép mười câu thơ của mười nhà thơ lại thành một bài hoàn chỉnh. Chứng tỏ thơ ta một thời rất giống nhau, cùng một gương mặt. Em cũng ghép lại những câu thơ của Huy Cận lại thành một bài thơ về vũ trụ. Lại ghép bốn nhà thơ, mỗi ông bốn câu, thành một bài hoàn chỉnh.
“Ngoài sân rơi cái lá đa, Lá rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Nhiều người khen, Thực ra không hay lắm, câu thơ trung bình thôi. Chỉ tả cảm giác. Thơ hay là nói cái nội tâm, cái tình, cái hồn. Như câu “Mái tranh ơi hỡi mái tranh, Trải bao mưa nắng mà thành quê hương”.
“Phê bình văn học chỉ có ba người: Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Lê Ngọc Trà. Trà thực ra là nhà lý luận. Cụ Mạnh lý luận không phải chỗ mạnh. Chỗ mạnh là phê bình tác phẩm. Cụ rất tinh”.
Em không thích bài Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi, cả bài Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm. Chả có gì hay. Cụ phản biện đi, hay ở chỗ nào?”. Tôi nói:
“Thơ hay không phân tích, không giảng được”. Khoa: “Không phải thế. Nếu hay là cụ phân tích được hết”.
 Khoa khen bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, không có gì mà hay. Tôi nói: “Đấy cậu nói không có gì mà hay đấy thôi!” Khoa: “Không phải, hai chuyện khác nhau, cụ đánh tráo khái niệm”. Nhật có bài thơ tên là Tiếng thu. Có bốn câu khác hẳn. Nguyễn Vỹ dịch ra giống thơ Lưu Trọng Lư, rồi người ta tưởng là Lưu Trọng Lư ăn cắp. Một vụ án văn học, oan cho Lưu Trọng Lư”.
“Nhà cổ Hà Nội không gọi là nhà cổ được. Một trăm năm, cổ gì! Tốt nhất là phá hết khu phố cổ Hà Nội đi. Hội An mới thực là nhà cổ”.
Khoa khi nói hay đế chữ “đấy!” như là một thứ dấu chấm câu vậy:
“Thầy hình dung không?
Em nói thật với thày, đấy!
Nguyễn Khải, Chế Lan Viên thông mình, là đầu bảng - đấy!
Cụ Mạnh viết ra tấm ra món. Thẩm văn rất tinh. Có văn. Nhiều người có ý mà không có văn. Có ý mà không tải được ra văn, cứ tải ra chữ lại hỏng - đấy! Cụ Hiến phát hiện thì đúng, nhưng triển khai ra thì như hụt hơi, như ngắn lưỡi - đấy! TĐX tiếp xúc tay bo thì rất khá. Nhưng viết ra thì không ra sao cả - đấy! Phải có mắt xanh, ông Xuân Diệu gọi là đầu mày cuối mắt”.
Phạm Xuân Nguyên thông minh, nhưng thẩm văn kém. Mai Quốc Liên cũng vậy - đấy. Sử có học, nhưng thẩm văn xoàng...”
Nói chung Khoa không thích văn trí thức như văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi. Khoa nói dứt khoát với tôi: “Đấy rồi thầy xem, mươi năm nữa người ta không đọc Nguyễn Tuân nữa đâu!”.
Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê Nguyễn Tuân không biết uống nước trà. Bà Ân con gái cả của Nguyễn Tuân tức lắm. Bà nói: “Cái thằng ấy chỉ biết ăn cua ăn cáy chứ nó biết uống trà là cái gì mà dám chê ông cụ tôi. Tôi đã phục vụ ông cụ uống trà, tôi biết chứ. Pha trà phải kén nước giếng ở một ngôi chùa là chuyện có thật (trong truyện Nguyễn Tuân gọi là chùa Đồi Mai). Rồi hầm củi ủ than để đun nước pha trà như thế nào... Nó biết cái gì mà dám nói láo!”. Hôm ấy, dự lễ trao giải thưởng Nguyễn Tuân cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, bà nói sôi sục. Anh Nguyễn Xuân Đào, con trai út Nguyễn Tuân, phải can mãi.
Nhưng Khoa là tay chống chế rất giỏi. Trong Chân dung và đối thoại, Khoa chê cụ Ngô Tất Tố, trong Tắt đèn cho chị Dậu bán con, so sánh với Fantine của V.Hugo bán tóc, là vô nhân đạo. Khoa bị phê phán là không hiểu ngày xưa người nông dân phải bán vợ đợ con là chuyện phổ biến. Khoa chắc thấy mình đuối lý nên tìm cách chống chế. Hôm ấy tôi và Khoa được trường chuyên Hùng Vương (Việt Trì) mời lên giao lưu với học sinh. Khoa nói: “Tôi không phải không biết chuyện bán vợ đợ con của nông dân nghèo ngày xưa. Chính tôi có một bà cô phải bán con. Nhưng cụ Ngô Tất Tố cho chị Dậu đem con đến nhà Nghị Quế, khi nó bắt cái Tý ăn cơm của chó, lẽ ra phải thôi, đem con về, chấm dứt luôn truyện ở đấy. Ai lại mẹ thấy con phải ăn cơm của chó mà chịu được!”.
Tôi biết đấy là mồm mép chống chế của Khoa, chứ trong Chân dung và đối thoại , Khoa có viết thế đâu!
Khoa có một hồi được mời đi nói chuyện khắp. Người nghe rât thích. Khoa biết cách nói rất hấp dẫn. Một trong thuật hấp dẫn của Khoa là giỏi hài hước. Khoa ghét cái gì là chế giễu rất ác. Thí dụ, Khoa định nghĩa thơ Lê Đạt: Người ta nói “Tôi đi ăn cơm”, thì Lê Đạt viết “Cơm đi ăn tôi”.

Trong một cuộc nói chuyện, Khoa dẫn thơ của Hoàng Hưng, Dương Tường để giễu cợt:

Anh lang thang em...Anh mini em...
Anh xanh xao em...
Anh tiết canh em...

Khoa cố tình tách những cụm từ ấy ra khỏi văn cảnh, biến chúng thành khôi hài.
Khoa có cách diễn đạt rất tinh quái khi nhận xét lối phê bình của Nguyễn Hoà: “Nguyễn Hoà là tay phê bình nghiệp dư, nhưng là nhà bóp dái chuyên nghiệp. Hoà thực hiện được hai “cú” rất ngoạn mục: bóp vú Hà Minh Đức và bóp dái Đoàn Thị Đặng Hương”.
Khoa kể câu chuyện này cũng vui: có một cô gái ở Sài Gòn kém Khoa hàng chục tuổi, nhưng vẫn tưởng Khoa là một em thiếu nhi làm thơ. Cô gửi thư cho Khoa gọi Khoa là em, muốn kết nghĩa chị em và khuyên Khoa chăm học, nghe lời cha mẹ, tập thể dục buổi sáng...
Nghe Khoa nói, chỉ nên tin một nửa. Rất có thể chỉ là bịa cho vui. Khoa đặc biệt có tật nói dối. Nói dối chẳng để làm gì cả. Một thói quen thế thôi.
Thí dụ Khoa khoe, tập II Chân dung và đối thoại đã viết xong. Có một bài viết về Nguyễn Đăng Mạnh. Có những bài trả lời những người phê phán Chân dung và đối thoại tập I... Sách in như thế nào, bìa ra sao, nhuận bút bao nhiêu. Khoa còn nói cho biết cả nội dung các bài viết nữa. Khoa nói với tôi chuyện này dễ đã sáu, bẩy năm rồi mà tới nay vẫn chẳng thấy mặt mũi tăm hơi gì. Mà khi nói, Khoa toàn báo cho biết sắp in đến nơi.
Tôi nhớ cách đây dăm năm, mồng một Tết, Khoa có đến tôi (ở Quan Hoa, Cầu Giấy). Khoa có kể cho vợ chồng tôi nghe anh sắp viết một vở kịch vui: “Thị Nở cưỡi trâu ra tỉnh”. Cho đến nay vẫn chưa thấy viết.

* **
Người ta thường xì xào về chuyện sinh lý của Khoa, giống như Xuân Diệu. Đã có người làm vè chế giễu.

Gia đình nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Nhưng Khoa đã lấy vợ. Tôi có được mời tới dự. Ngay hôm cưới, Lê Lựu, bạn chí cốt của Khoa, vẫn không tin Khoa có thể làm ăn được gì. Anh nói với tôi ngay ở tiệc cưới như thế. Nhưng vợ Khoa có mang và sinh con gái. Khoa được thể nói phét: “Mình từng rắc con nhiều nơi, con rơi con vãi của mình nay đã lớn, có thể bồ bịch với Trần Đăng Xuyền được”. Khoa nói với tôi hôm ấy ở Cần Thơ, có mặt Trần Đăng Xuyền.
Khoa bây giờ là tay khôn ngoan có tiếng, đối đáp rất sắc sảo. Tô Hoài nói, Khoa là quân sư quạt mo của Hữu Thỉnh. Trong ban chấp hành Hội nhà văn khoá 7, Vàng Anh hay gây sự với Hữu Thỉnh. Khoa là người đứng ra gỡ bí cho Hữu Thỉnh.
 Theo chỗ tôi biết, Khoa còn là quân sư quạt mo cho Lê Lựu nữa trong việc điều hành tổ chức Văn hoá doanh nhân.
 Hai tay nông dân này hợp nhau trên mọi phương diện.

Láng Hạ 15.6.2007.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGUYÊN NGỌC


(Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)
Trong một bài chân dung viết về Nguyên Ngọc, tôi gọi anh là con người lãng mạn. (Nguyên Ngọc, con người lãng mạn).
Cũng có thể nói, Nguyên Ngọc là người của cái tuyệt đối. Anh không chấp nhận sự nửa vời, trạng thái lừng chừng. Phải tuyệt đối anh hùng, phải tuyệt đối trong sáng. Không phải anh chỉ nghĩ thế, mà còn sống như thế. Rất dũng cảm, thích mạo hiểm. Anh từng đi đánh thổ phỉ ở Tây Bắc. Từng đi ngựa theo một đoàn buôn thuốc phiện lậu từ Cao Bằng đi Lai Châu. Đi B dài cùng Nguyễn Thi. Nguyên Ngọc ở lại khu Năm, còn Nguyễn Thi thì vào tuốt Nam Bộ. Họ chia tay nhau bên một khu rừng xà nu bạt ngàn, hẹn trở về phải đi đường số một. Ở khu Năm, Nguyên Ngọc sống và chiến đấu như một anh hùng. Một nhà văn như thế thì tìm đâu ra nhân vật trong đời sống thực tế quanh mình. Mà nhất thiết anh phải viết về chủ nghĩa anh hùng. Đó là quan niệm thẩm mĩ của anh. Viết Đất Quảng, anh tìm được một nguyên mẫu mà anh cho là lý tưởng. Viết đến tập II, thì được tin cái anh nguyên mẫu nọ té ra cũng dao động, lập tức đốt ngay bản thảo.
Tìm đâu ra những con người tuyệt đối như thế? Phải bịa ra sao? Không, Nguyên Ngọc tìm lên núi cao và ra tận biển khơi. Anh tìm đến những con người như thuộc thời hồng hoang nguyên thuỷ, cái thời chưa có kinh tế thị trường, chưa có chuyện danh và lợi làm vẩn đục lòng người…Sống như tự nhiên, như tảng đá, gốc cây, con thú rừng. Ấy là Đinh Núp, Thnú ở Tây Nguyên, là Thào Mỵ ở Hà Giang, Mèo Vạc, là những chiến sỹ anh hùng trong Đường mòn trên biển…
Nguyễn Khải thường nhắc lại lời Nguyễn Minh Châu nói với Nguyên Ngọc khi Ngọc vừa trở ra Bắc sau 1975: “Bọn mình cố phấn đấu để trở thành anh hùng, còn ông thì cố phấn đấu để trở thành người bình thường”. Đầu óc Nguyên Ngọc chỉ có cái tuyệt đối, cái phi thường mới lọt vào được. Cho nên nói chuyện với anh, thấy anh toàn say sưa kể những chuyện như sử thi, như thần thoại vậy.
Anh cho bài viết của tôi về anh, đã nói đúng cái môi trường có tác động tới anh từ nhỏ: phố cổ Hội An và bãi biển Cửa Đại, nơi còn giữ được trong thời hiện đại không khí hoang sơ, hoang dã, với những con người rất đỗi hồn nhiên, trong sáng. Từ đó, năm 17 tuổi, cuộc kháng chiến đã đưa anh lên tuốt Tây Nguyên, lên tận đỉnh Ngọc Linh. Hồi ấy, tâm hồn lãng mạn của anh đã từng mơ ước gặp được một mối tình sơn nữ.
Nguyên Ngọc trên đường đời đã vớ được cây xà nu. Anh liền lấy nó làm nhân vật tư tưởng của anh. Anh đích thực là một cây xà nu, thẳng băng, nhọn hoắt, chọc thẳng lên trời. Con người như thế, tuy người ta rất phục, nhưng không ai chịu nổi, không ai theo được. Sống thế mệt quá, căng thẳng quá! Anh mà làm lãnh đạo thì kể cũng khó đoàn kết được quần chúng. Hôm tôi trò chuyện với Nguyễn Đình Thi trên đường đi Tam Kỳ (năm 2000), Nguyễn Đình Thi cho biết, hồi bọn Tàu đánh ta ở biên giới, Nguyên Ngọc lúc ấy làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, định đưa anh em lên mặt trận biên giới đấy.
Một con người không biết mềm mỏng trong giao tiếp, rất cứng. Anh rất ghét Nguyễn Đình Thi, cho là thằng giả dối. Trong hội nghị, hễ Thi phát biểu, anh bỏ ra ngoài. Anh rất khinh Huy Cận. Anh cho con người nhân cách bẩn như thế viết hay sao được. Người ta nói, thơ Huy Cận trước cách mạng hay đấy chứ! Anh nói dứt khoát: “không hay!”. Anh rất ghét bọn chấp hành Hội nhà văn từ khoá năm, khoá sáu và tờ Văn nghệ của Hữu Thỉnh. Văn nghệ đưa đến, anh vất ngay vào sọt rác. Hội cấp tiền bồi dưỡng sáng tác cho anh, anh từ chối. Nhà anh ở khu tập thể quân đội số 8 – Lý Nam Đế. Từ cổng đi vào gặp rất nhiều nhà văn quen thuộc. Anh đi một mạch thẳng, chẳng trò chuyện với ai, khinh tuốt.
Nguyễn Văn Hạnh nói, Nguyên Ngọc không có tâm lý làm nhân vật số hai. Anh chỉ có thể làm nhân vật số một. Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Nguyên Ngọc. Tố Hữu từng nói với Tô Hoài: “Nguyên Ngọc, cứ để nó làm bí thư đảng đoàn thì nó sẽ làm vua”. Nguyên Ngọc thì bướng. Tố Hữu thì hách, tất nhiên rất ghét nhau.
Hồi Nguyên Ngọc làm bí thư đảng đoàn Hội nhà văn, anh tổ chức một cuộc hội nghị nhà văn đảng viên. Anh đưa ra một bản đề cương chống giáo điều, đổi mới văn học. Tố Hữu đến, lên phát biểu đã phê phán quyết liệt bản đề cương, coi là hiện tượng ngược dòng. Vậy mà khi kết luận hội nghị, Nguyên Ngọc vẫn khẳng định bản đề cương đã được hội nghị nhất trí tán thành. Rõ ràng là bất chấp thái độ Tố Hữu… Tối hôm đó ở 4 Lý Nam Đế (Trụ sở Văn nghệ quân đội), Nguyên Ngọc đang ngồi với Nguyễn Khải, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Giang Nam, thì Chế Lan Viên đi bộ từ 51 Trần Hưng Đạo đến: “Tôi khuyên các anh đến xin lỗi anh Tố Hữu, tôi đưa các anh đến”. Không ai nói gì. Nguyên Ngọc trả lời: “Cám ơn anh, tôi tự thấy chả có gì phải xin lỗi cả. Còn nếu cần đến anh Tố Hữu thì tự tôi đến cũng được, không cần anh phải dẫn đi. (Chế Lan Viên ghét Nguyễn Đình Thi, muốn đưa Nguyên Ngọc lên để hạ Nguyễn Đình Thi. Vì thế không muốn Nguyên Ngọc đổ).
Nguyên Ngọc yêu ghét rất phân minh. Người anh ghét chủ yếu là những nhân cách xấu: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Đào Vũ, Hà Xuân Trường, Phan Cự Đệ… Anh rất quý Trần Độ, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến…
Nhưng Nguyên Ngọc hoàn toàn không phải là con người khắc khổ. Tôi bia bọt với anh nhiều lần. Anh sống rất thoải mái. Có chất nghệ sĩ. Tô Hoài từng đi một chuyến công tác với Nguyên Ngọc lên Tây Bắc. Ông nhận xét, Nguyên Ngọc về tình cảm thì mềm, chỉ lý luận và cách ứng xử thì cứng. Nguyên Ngọc là đối tượng hấp dẫn của một cô gái Mèo xinh đẹp tên là Vàng Thị Mỹ ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang. Cô làm phiên dịch cho bộ đội. Tô Hoài nói, ba mươi năm gặp lại Vàng Thị Mỹ, thấy vẫn đẹp. Cô ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi! (Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng là tên một tác phẩm của Nguyên Ngọc). Chắc nhớ và yêu Nguyên Ngọc lắm mới viết như thế. Và Nguyên Ngọc chắc cũng yêu cô. Vì anh tả Thào Mỵ đẹp tuyệt vời, đẹp như tiên “Khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…” Văn như thế thì cũng đa tình đáo để. Cho nên, Nguyên Ngọc tư tưởng rất cấp tiến, thích những lý thuyết mới mẻ, cởi mở. Rất ghét giáo điều. Yêu cầu dân chủ và đổi mới thật sự. Cho nên Nguyên Ngọc tán thưởng Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, Chiều chiều, Ba người khác của Tô Hoài…
Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải là hai tính cách đối lập. Một đằng rất lý tưởng, rất lãng mạn. Một đằng thiết thực và tỉnh táo. Một đằng dũng cảm, một đằng thì nhát. Nhưng Nguyên Ngọc thích Nguyễn Khải vì Nguyễn Khải chân thật.
Nguyên Ngọc và Tô Hoài cũng là hai cực đối nghịch. Một đằng quan niệm con người là con người, tầm thường vậy thôi. Một đằng quan niệm con người là thiên thần, là thơ, là lý tưởng. Nhưng họ gặp nhau ở tư tưởng cấp tiến. Nguyên Ngọc nói với tôi nhiều lần: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào”.
Hiện nay Nguyên Ngọc đang giúp Quảng Nam xây dựng một trường Đại học dân lập ở Hội An. Tôi hỏi anh, xây dựng trường theo kiểu gì? Anh nói vắn tắt: “Theo kiểu Mỹ”. Nguyễn Khải cho là ảo tưởng, là phiêu lưu. Nguyễn Văn Hạnh thì nói: “Nguyên Ngọc có thể gọi là một nhà tư tưởng, có thể đặt tên phố như một danh nhân. Nhưng quản lý một trường học thì không được.” Nguyên Ngọc mời anh làm hiệu trưởng. Anh từ chối. Nguyên Ngọc trước sau vẫn là một con người lãng mạn.
Láng Hạ, 9.1.2008.
Nguyễn Đăng Mạnh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÂN "CHUYỆN CŨ VIẾT LẠI" hay "SỰ TÍCH CHIM BẮT CON TÉP KHO CÀ"



         Thời nhà Thương đời Vua Trụ của Trung Quốc cổ, có hai anh em ông Bá Di và Thúc Tề là con vua nước Cô Trúc - nước chư hầu của Trụ - nổi tiếng là người hiền. (Người có đạo đức tốt, có kiến thức sâu rộng, nói như thời nay... xưa là "Vừa Hồng vừa Chuyên". 
      Hai ông này thấy Cơ Phát mang đại quân cùng các chư hầu đi đánh vua Trụ thì đứng ra can ngăn. Cơ Phát không nghe, cứ tiến quân đánh Trụ. Trụ vương bị đại bại, tự thiêu mà chết. Cơ Phát lên ngôi thiên tử, lập ra nhà Chu/Châu, sử gọi là Châu Vũ Vương. Các chư hầu đều tôn thờ nhà Châu. Riêng Bá Di và Thúc Tề xấu hổ về việc đã can ngăn vua Châu diệt Trụ bạo chúa, bèn đi bụi, ăn ở lang thang bệ rạc trên đường phố. Châu Vũ Vương thấy thương tình, cho dựng nhà công quán như nhà khách chính phủ bây giờ, cắt cử người chăm sóc rất tử tế: Ba ngày một bữa tiệc nhỏ, nửa tháng một bữa tiệc to, ở nhà máy lạnh, đi xế hộp nhãn Roll Royce Ghost trị giá hơn 10 tỷ VN đồng, sang trọng ngang Cường Đô la nước Cà Lồ nhưng vẫn không cám ơn nhà Châu. 
     Có Hai tiểu bảo phục vụ nhà khách, trực tiếp chăm sóc Bá Di và Thúc Tề, một người bồi bàn, một người bồi phòng bực lắm, than thở cùng nhau. Gã họ Vi (gọi là Vi tiểu bảo), làm chân chạy bàn nói:
     - Hai ông già này thật quá thể đáng. Chúa thượng ưu ái đủ điều, đã không cám ơn được lời nào thì chớ; như ta với chú em đây hết lòng hầu hạ, hai lão cũng chẳng cám ơn được lời nào. Thật xấu hổ khi xem VTV1 của nước Cà Lồ, mỗi khi biên tập viên mời phát thanh viên thời tiết lên hình, đều được lời "cám ơn chị Thu Hà", "cám ơn chị Tuyết Mai"... rất lịch sự.
      - Vi đại ca chấp làm gì mấy lão "Văn hóa lầun*" ấy làm gì! 
      Chuyện vớ vẩn thế chẳng mấy lúc đến tai hai ông. Bá Di và Thúc Tề thấy hai đứa Tiểu bảo chê mình "Văn hóa lầun" tức lắm, bàn nhau bỏ nhà khách vào rừng tìm rau vi để ăn, quyết không ăn thóc nhà Châu nữa (sử Tàu gọi là "bất ngật cốc Châu gia" 不 吃穀周家). 
     Ăn mãi rau vi, người ốm yếu gày gò, Thúc Tề bàn với anh cả Bá Di:
     - Đại ca ơi! Hay là chúng ta lại về nhà khách chính phủ ăn ở cho đình huỳnh, chịu khó hàng ngày "Thank chúng nó vài phát" cho nó khỏi nói ra nói vào mà mình có cái ăn đỡ đói. Mình bi chừ là "dân" rồi, mà dân thì "dĩ thực vi thiên" - dân lấy cái ăn làm trời mà, xá gì chuyện Thank hay Thankn't.
      Bá Di không chịu:
      - Dẹp ba cái chuyện về lại công quán đi. Đã bảo Thankn't là rứt khoát không Thank! Chú em suốt ngày bận rộn tìm kiếm rau vi, không vào Facebook mà xem, những người văn hóa đầy mình ở đấy cũng có thank đâu. Ta thấy có gã "Haha hôhô" gì đó mở trang Group blog cho các bạn học lớp 8,9,10,11,12 abcdeg gì đó, tuần tuần viết bài, ngày lễ ngày tết, sinh nhật, (tử nhật) gì gì đều làm Vimeo chúc mừng (chia buồn) bạn bè nhiệt liệt, thế mà mấy ông bạn vàng của gã vào xem, nhận chúc mừng xong rồi cắp đít ra về, chẳng có lời thank nào, like nào hết mà có ai bảo họ là "Văn hóa lầun" đâu. Mấy thằng tiểu bảo lại dám bảo hai huynh đệ ta là "Văn hóa lầun" thì tức chết đi được. Không về, không ăn thóc nhà Châu, không thank tiểu bảo là rứt khoát không về, không thank gì sất.
      Ở trong rừng, ăn toàn rau vi, thiều đủ loại vi ta min, hai lão mắc ung thư ... miệng, được mấy tháng thì chết. Hồn hai lão nhập vào con chim đa đa, suốt ngày kêu "Bất ngật cốc Châu gia 不 吃穀周家, Thank not, thank not a". Con chim này người Việt gọi là chim "Bắt cái tép kho cà**" .
Chim Bắt cái tép kho cà "不 吃穀周家"    Chuyện này đã được Đại văn hào Trung Quốc Luxin viết thành truyện hẳn hòi chứ không phải haha hôhô bịa toàn tập đâu nha, không tin thì mở "Chuyện cũ viết lại" của nhà văn này mà xem"! Haha hôhô có bịa thêm tý nào thì cũng là bịa thôi.
      GHI CHÚ:
-------------------------------------------
1) Thời nhà Châu, người tàu không nói được âm tròn môi "u", cứ âm "u" thì đọc là "âu" hoặc "o" hoặc "ô" .. Mãi đến cuối đời Tần, dân chúng thấy vợ Hạng Võ là Ngâu Cơ đẹp quá, cứ tròn miệng ra mà khen "u" cha! "u" cha là đẹp. Kêu mãi thành quen, mới goi Ngâu Cơ là nàng Ngu Cơ, từ đấy người Hán mới nói được âm "u" Người Việt thì vẫn gọi mẹ là "u" từ thuở vua Hùng dựng nước nên không bị nhịu âm này. Xem tài liệu về ngữ âm học cổ đại của Bernhard Karlgren (tập ngữ vựng Grammata Serica Recensa) cũng có nói đến sự biến âm của từ Hán cổ đại.
Chim bắt cô trói cột
2) Chim "不 吃穀周家 / Bắt con tép kho cà" theo một số nhà điểu học VN thì có tên khoa học là Francolinus pintadeanus thuộc bộ Gà (Galliformes), họ Trĩ (Phasianidae), nó khác với chim "bắt cô trói cột" tên khoa học: Cuculus micropterus là loài chim thuộc họ Cu cu mà người tàu gọi là "họ chim đỗ quyên".,

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trương Trác: MỘT TÂM TRẠNG NGUY HIỂM, CÓ THẬT VÀ ĐANG LAN RỘNG

Trương Trác: MỘT TÂM TRẠNG NGUY HIỂM, CÓ THẬT VÀ ĐANG LAN RỘNG:     Phải nói là thời gian vừa qua tôi đã giành rất nhiều thời gian theo dõi vấn đề Biển Đông để biết diễn biến các hành động leo thang c... Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bí ẩn đại gia bỏ 300 tỷ xây 'cố đô Huế' giữa Tây Nam bộ

Sau "Đại Nam Lạc Cảnh", là "Nam Phương Linh Từ"

Nam Phương Linh Từ có nghĩa là "đền thiêng Nam Phương", vừa được khánh thành ở Tây Nam Bộ.

Người xây dựng Nam Phương Linh Từ là ông Đặng Phước Thành - chủ của hãng tắc-xi Vinasun, một hãng thông dụng ở khu vực Sài Gòn.

Ông chủ của Đại Nam Lạc Cảnh là Huỳnh Uy Dũng, thì đã chứng tỏ mình như một "sử thi gia" cự phách với những pho sử đồ sộ (xem lại ở đâyở đây, và ở đây). Không rõ ông chủ của Nam Phương Linh Từ thì sẽ như thế nào về mặt văn chương.


---



Đạ gia phát tâm 300 tỷ xây quần thể công trình Nam Phương Linh Từ hay còn được nhiều người gọi là "cố đô Huế" giữa Tây Nam Bộ, chính là ông Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun Corp.


Cố đô Huế giữa lòng Tây Nam Bộ
Ngày 26/4, tại ấp Hưng Quới II, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, quần thể công trình Nam Phương Linh Từ được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là công trình có giá trị 300 tỷ đồng.
Quần thể Nam Phương Linh Từ được khởi công xây dựng từ ngày 30/10/2009 trên diện tích 5 hecta, tọa lạc tại xã Long Hưng A, H.Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng, do doanh nhân Đặng Phước Thành (Chủ tịch HĐQT Vinasun Corp) phát tâm xây dựng
Là một người con của vùng sông nước Cửu Long, gần 40 năm trước, khi phải rời xa quê hương lên TP.HCM lập nghiệp, ông Đặng Phước Thành luôn tâm niệm một điều: Khi có điều kiện sẽ trở về quê nhà, cố gắng làm một việc gì đó vừa có ích cho hiện tại mà cũng có thể để lại cho mai sau.
Trên báo Thanh niên, ông Thành tâm sự: “Chúng tôi xây dựng quần thể kiến trúc này không phải để đánh bóng tên tuổi, cũng không để làm du lịch - kinh doanh (bán vé cho khách tham quan), mà chỉ đơn thuần là để tri ân, thờ cúng và tôn vinh các bậc tiền nhân đã có công khai mở, gìn giữ và phát triển vùng đất phương Nam. Tất cả chúng ta đều là con cháu của các vị ấy, cho nên tôi hoan nghênh và xin chào đón tất cả mọi người đến đấy thắp hương bái vọng các bậc tiền nhân”.
đại gia, cố đô Huế, Vinasuntaxi, vinasun, lập-nghiệp, tây-nam-bộ, Nam-Phương-Linh-Từ
Toàn cảnh quần thể Nam Phương Linh Từ.
Nam Phương Linh Từ được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ - gỗ với phong cách nhà rường truyền thống Huế, mang đậm dấu ấn cung đình triều Nguyễn. Đền có 7 gian, 2 chái, 3 lòng với mái hạ và hàng hiên bao quanh diện tích 509 m2 với 60 cây cột (đường kính từ 0,45 m trở lên). Các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu. Đây là một kiến trúc độc lập nằm trong quần thể các công trình khác (tổng diện tích lên đến 5 ha, trong đó diện tích sân đỗ máy bay trực thăng, 2 bãi xe ô tô và sân hành lễ lên đến 3 ha). Có những dãy trường lang (hành lang có mái che) bao bọc chung quanh công trình với tổng chiều dài 675 m và 240 cây cột gỗ (toàn công trình có 540 cột).
Ngoài Nam Phương Linh Từ, nằm trong quần thể công trình này còn có Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang (làm thành 5 châu), có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (4 bể), có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh thành VN) và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc VN).
Nam Phương Linh Từ thờ tự 125 nhân vật lịch sử đất phương Nam. Trong đó có 21 nhân vật thời khai hoang, mở cõi, 62 nhân vật giữ gìn, bảo vệ và 42 nhân vật làm rạng danh đất phương Nam.
Ngoài ra, Nam Phương Linh Từ còn có Nhà bảo tàng Nam bộ, trường lang, sân hành lễ, bãi đỗ trực thăng, ôtô,...
Công trình Nam Phương Linh Từ vừa khánh thành được người dân ví như Cố đô Huế thu nhỏ bởi lối kiến trúc của nó.
Tại buổi lễ khánh thành, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao 2 kỷ lục cho quần thể công trình Nam Phương Linh Từ gồm: Đền thờ đầu tiên các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công khai mở đất phương Nam.
Đại gia Vinasun giàu cỡ nào?
12 tuổi đã phải giúp mẹ làm kinh tế. Phải chăng chính cuộc sống nghèo khó ấy đã hun đúc ước mơ và đam mê kinh doanh của ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Ánh Dương VN - Vinasun Corp.
Tốt nghiệp cử nhân sinh hóa, nhưng ông Đặng Phước Thành lại rẽ sang con đường kinh doanh.
Đại gia Thành tâm sự về con đường lập nghiệp của mình: "Những ngày đầu khởi nghiệp của tôi chính là gây dựng hai nhà hàng Trầu Cau và Hai Lúa. Vốn là cử nhân sinh hóa (chuyên ngành chế biến thực phẩm) của Trường ĐH Tổng hợp TpP.HCM nên khi bước chân vào thương trường (tháng 6/1995) tôi đã chọn lĩnh vực kinh doanh nhà hàng. Là dân miền Tây chính gốc (Đồng Tháp) nên tôi muốn tạo cho nhà hàng của mình một nét đặc thù riêng, đậm đà văn hóa Nam bộ. Từ cách đặt tên nhà hàng, tên món ăn đến cách chế biến, phục vụ đều được tôi nghiên cứu rất kỹ. Suốt một thời gian dài, tôi đích thân vào bếp, mày mò, "sáng tác" ra một số món ăn đồng quê như: chuột đồng quay lu, cá lóc nướng ống tre, bò nướng ống tre,... có lẽ nhờ chịu khó vậy mà được khách hàng thương, ủng hộ nhiều. Như đã nói ở trên, tôi mê kinh doanh từ thuở... 13!"
đại gia, cố đô Huế, Vinasuntaxi, vinasun, lập-nghiệp, tây-nam-bộ, Nam-Phương-Linh-Từ
Đại gia Đặng Phước Thành, Chủ tịch HĐQT Vinasun Corp
Cùng với sự phát triển ngành du lịch Việt Nam thời kỳ mở cửa, năm 2002 Trầu Cau đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ du lịch & Tư vấn đầu tư Ánh Dương Việt Nam và mở rộng kinh doanh sang hoạt động tổ chức tour du lịch trong ngoài nước, tư vấn du học và bán vé máy bay.
Năm 2003, để đáp ứng việc mở rộng thị trường kinh doanh, Cty TNHH TM DV Lữ hành Tư vấn Đầu tư Ánh Dương VN chính thức chuyển thành Cty CP Ánh Dương VN - Vinasun Corp.
Để chiến thắng các đối thủ lớn, Vinasun đã chọn chiến lược phát triển tập trung khai thác tối đa những đô thị lớn phía Nam có nhu cầu sử dụng taxi cao như Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Với chiến lược hiệu quả này, sau hơn 10 năm hoạt động, Vinasun chiếm hơn 45% thị phần tại Tp.HCM, 60% tại Bình Dương và trên 60% tại Đồng Nai.
Theo Vinasun Corp, năm 2013, công ty có tổng doanh thu 3.158 tỉ đồng, vượt 9,62% so với kế hoạch và tăng 16,4% so với năm 2012, lợi nhuận sau thuế đạt 224,45 tỉ đồng, vượt 25% so với kế hoạch và tăng 48,17% so với năm 2012. Đây là kết quả đáng mừng trước sự khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới.
Còn nhớ năm 2010, Vinasun chọn Airport Taxi là đối tượng thâu tóm hấp dẫn khi có khoảng 600 xe và sở hữu địa điểm kinh doanh là sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên vì đây là hãng xe của Nhà nước với thủ tục quá phức tạp nên ông Thành quyết định chuyển sang hướng đầu tư thêm 1.200 chiếc xe mới. Cùng năm này Vinasun tiến hành mua lại thương quyền taxi của hãng Green và đổi tên thành Vinasun Green, hoạt động ở thị trường Đà Nẵng. Ông Thành cũng đã từng chia sẻ khi được hỏi về chiến lược mua lại Taxi Mai Linh: “Nếu Mai Linh bán 1.000 thương quyền với giá rẻ thì Vinasun sẽ mua.”
Tuy nhiên ông Thành cho biết mặc dù mong muốn thâu tóm các doanh nghiệp khác để mở rộng thị phần nhưng không có nghĩa bằng mọi giá. Ông luôn cân nhắc để việc thâu tóm không làm ông cùng gia đình mất quyền kiểm soát Vinasun như lời tâm sự: “Mình đi thâu tóm người ta, nhưng nước ngoài lại thâu tóm mình thì cũng như không. Tôi thà chọn thị phần to trong chiếc bánh nhỏ”.
(Theo ĐS&PL)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/234734/bi-an-dai-gia-bo-300-ty-xay--co-do-hue--giua-tay-nam-bo.html


Đại gia chi 300 tỷ xây 'cố đô Huế' giữa Tây Nam bộ

Thanh Trúc | 27/04/2015 14:16

Công trình Nam Phương Linh Từ vừa khánh thành được người dân ví như Cố đô Huế thu nhỏ bởi lối kiến trúc của nó.

    Theo tin tức mới nhất, ngày 26/4, tại ấp Hưng Quới II, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, quần thể công trình Nam Phương Linh Từ được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động.
    Quần thể Nam Phương Linh Từ được khởi công xây dựng từ ngày 30/10/2009 trên diện tích 5 hecta với tổng kinh phí hơn 300 tỷ đồng.
    Trong đó gồm những công trình như Nam Phương Linh Từ, Đặng tộc Nam Phương Linh Từ, Nhà bảo tàng Nam bộ, trường lang, sân hành lễ, bãi đỗ trực thăng, ôtô…
    Nam Phương Linh Từ thờ tự 125 nhân vật lịch sử đất phương Nam. Trong đó có 21 nhân vật thời khai hoang, mở cõi, 62 nhân vật giữ gìn, bảo vệ và 42 nhân vật làm rạng danh đất phương Nam.
    Nơi này được xây dựng trên diện tích 509 m2 với 60 cột chính, 7 gian, 2 chái 3 lòng, có mái hạ và hành lang bao quanh.
     - Ảnh 1
    Toàn cảnh quần thể Nam Phương Linh Từ.
    Được biết, đây là quần thể công trình do doanh nhân Đặng Phước Thành (chủ tịch HĐQT Vinasun Corp) phát tâm xây dựng.
    Tin nhanh từ ông Thành cho biết, việc xây công trình này vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn vừa đề cao ý thức về tính lịch sử, tính phong phú, đa dạng.
    Quần thể công trình Nam Phương Linh Từ tại ấp được người dân địa phương ví như Cố đô Huế thu nhỏ bởi lối kiến trúc độc đáo.
    Tại buổi lễ khánh thành, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao 2 kỷ lục cho quần thể công trình Nam Phương Linh Từ gồm: Đền thờ đầu tiên các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công khai mở đất phương Nam.
    theo Người đưa tin

    Phần nhận xét hiển thị trên trang