Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Sân nổ


..Khi mang Sân trong bụng, má luôn nhăn nhó – “ui da”.
- Thằng quỷ, đạp hoài đau muốn chết.
Tò mò, xoa xoa bụng má, cái bụng tròn ủn quặn qua quặn lại quặn tới quặn lui, ôi! nó thọt, nó đá, nó giựt chỏ, nó lên gối – đủ kiểu.
Má nói: “Chưa thấy thằng nào cà giựt như thằng nầy, Ba mầy đâu dây mơ rễ má gì với tụi khỉ”. Lãng, tại sao Má không nghĩ tại do mình?
Biết sắp chui ra hố sâu tâm tối nó khoái chí tưng tưng suốt làm Má không ngủ được, nó quậy đến nỗi ngày sinh, Má không còn hơi sức, è ạch mãi không xong, người ta phải dùng cái máy hút cập đầu lôi ra.
“Cho mầy hết làm trời”, Lem lầm bầm xót xa, chóp đầu của nó dài thoòng loòng lạ lùng, nhìn ớn óc. Cái sọ khỉ đau lắm sao? nó mệt mỏi nhắm mắt chẳng buồn đòi hỏi gì, mặt vàng khè nhăn nheo héo hắt,tình hình thê lương vậy nhưng Má tỉnh bơ ăn uống ào ào, bà nầy quá là lạnh lùng sương gió, chắc đẻ nhiều nên cảm giác chai sạn, Lem lo lắng bực bội mặc dù Bác sĩ bảo không sao.

Sân ngủ li bì mặc kệ thế gian đầy gian trá đau khổ Nhiễu loạn đang xuất hiện trước mặt. Còn Má sau khi no nê nghỉ ngơi đã đời mới móc bình sữa muôn thuở của mình ra nhét vào miệng Sân cho nó tập sự…bú, vất vả thật lâu cái miệng nhỏ xíu của nó mới mở ra đủ để chấp nhận bình sữa bự chành bành kia, khều khều đôi môi bé tí xinh xắn cho nó nhớ nhiệm vụ sinh tồn, nhắm tịt mắt nó uể oải nút nhè nhẹ, đẻ nhiều vậy mà Má vẫn còn sữa hoài vậy ta, hay thiệt.

Vài ngày sau bỗng nhiên Sân động đậy nhiều hơn, đầu tiên là nó cười hoài dù đang ngủ, chiêm bao có gì hay ho mà nó vui quá vậy? Đợi đó, cười được thì cười cho đã đi, mai mốt khi biết được sự thật ê chề lúc đó khóc cũng chưa muộn. Cái nghèo đôi khi đối với chính nhân quân tử là chuyện nhỏ nhưng đối với kẻ tiểu nhân phàm phu tục tử như Lem là chuyện lớn, suy bụng ta ra bụng người, Lem nghĩ Sân giống nó, sẽ dằn dặt đau khổ khi biết được hoàn cảnh hạn hẹp ọp ẹp của nhà mình.

Nhà Lem có 3 đứa con gái đầu, một đứa là chị ả lớn tối ngày xí xọn điệu đà thướt tha ẽo ợt, đứa kế chị Ba bận rộn học hành, cứ chúi mũi vào sách vở tối ngày, chỉ có Lem làm biếng học, làm biếng đủ thứ nên rảnh rang, thế là đương nhiên có trách nhiệm chăm con cho 2 “vợ chồng ấy”, bực mình vì số phận hẩm hiu Lem hay càm ràm – đẻ cho cố bắt người ta bồng chai mông. Người ngợm Lem lúc đó bóc mùi nước đái nồng nàn, hông của nó nổi sải lục cục, mặt mày nhăn nhó tóc tai bù xù – làm sao bây giờ? Thời thế bắt buộc, nó muốn thơm tho tươi tắn đủng đỉnh nhí nha nhí nhảnh ra ngoài cua trai lắm nhưng nào được, ngậm đắng nuốt cay đút cháo em ăn, muốn cải số thì cũng phải đợi Má làm dứt điểm cái chuyện đẻ rồi mới tính. Chăm em mà Lem cứ quạu quọ thở dài, cả nhà thông cảm nên mặc kệ mỗi khi nó nổi khùng quát tháo đá dép đạp bàn, âm thầm ban cho Lem một chút quyền hành thị uy để đánh bóng tự ái và sĩ diện. Nhờ vậy Lem đủ uy tín mà lên mặt dạy dỗ, trấn áp bầy đực rựa hỗn loạn mất trật tự trong nhà.

Sân dễ dàng lớn lên trong nghèo khó, cái gì đút vô miệng nó cũng nhai được, măn ngọt chua cay không hề gì, dễ nuôi nên nó mạnh sông sổng bất chấp không gian thời gian, có điều nó từng tứng tưng quá khiến Lem khờ người.

Ở trong nhà Sân tưởng mình là con khỉ trong rừng, cái nhà rách nầy có gì hay ho mà làm nó thích thú, suốt ngày hí hửng nhảy nhót, nó đu đeo phá phách mọi lúc mọi nơi, đang ngông nghênh trên bàn lại nhảy xuống giường thoắt lại vắt vẻo trên khung cửa sổ, quay qua quay lại thấy nó đu cột ở mái hiên, có khi nó lủng lẳng trên nóc nhà rồi mất biến – thì ra đang ngủ li bì dưới sàn giường, nhờ trời phù hộ nên không sao, nó vẫn còn nguyên vẹn đến giờ phút sau cùng.
Nhà Lem lúc ấy tơi tả, lủng lỗ nầy rách chổ kia sập chổ nọ, Sân càng lớn lên độ tan hoang càng khó chấp vá, cũng may lớn hơn một chút nó dừng lại kịp thời nếu không chắc cả nhà ở nhà như ở bãi rác.

Sân náo động lăng xăng nhắng nhít nhưng cái miệng mím khít rịt, cạy cũng không thèm “tâm sự”, ngôn ngữ của nó là la hét khóc lóc đòi hỏi. Má giao thằng em nầy cho Lem thật là một thử thách, lực bất tòng tâm ghét của nào trời trao của đó nhưng chị em có kiếp nầy không có kiếp sau, Lem chỉ có cách nghiên cứu kế sách đối phó. Sau nhiều lần thử nghiệm rốt cuộc cũng tìm ra điểm yếu nhất của nó mà đánh vào.

Khi nổi điên chịu hết nổi Lem phát vào mông nó mấy cái nẩy lữa, mặc dù nhìn khí sắc chị mình lên cơn bà chằn cũng thấy ghê nhưng Sân đâu phải dạng vừa, nó khóc lóc giãy nảy rùm trời, nó hét lớn đến nỗi rung rinh nóc nhà buộc lòng Lem phải nỉ non ngọt ngào dụ dỗ, tìm mọi cách cho nó yên nếu không muốn hàng xóm sang mắng nhiếc cằn nhằn và từ đó những câu chuyện cổ tích có một không hay ra đời. Khi thấy ánh mắt ngây thơ của Sân nhìn Lem chăm bẫm say sưa, miệng nó há ra nhễu nhão thì Lem biết mình đã tìm ra chân lý.

Cái kho truyện tự chế của Lem như dây cà dây muống nối tiếp tào lao bí đau, mặc dù đầu đuôi lộn xộn, nhân vật biến hóa lãng ồ lãng nhách lắm khi ba trừng bốn trợn nhưng Sân vẫn chăm chú dỏng tai nghe và hao tốn bao nhiêu là nước miếng. Sáng tạo nầy đem lại kết quả vô cùng mĩ mãn, Lem vô cùng tự hào là mình đã có cách nắm bắt được con khỉ vô vàn vô kỉ luật vô vàn mất trật tự nầy.

Má đặt nó tên Sân đúng theo danh sách kế hoạch… hóa đề ra, cũng may thằng Si lòi ra rồi chấm hết, nếu nhà chùa thêm từ nào nữa thì gia đình Lem phải đùm túm nhau lên rừng hái lá đắp đỗi qua ngày hoặc cạp đất ăn, chứ ở thị thành tấc đất là tấc vàng có đâu mà cạp.

Sân không giỏi làm ăn như Ái, không khí khái như Ố không điềm đạm như Tham, nhưng cái miệng nó khi mím lại thì thôi,lúc hở ra thì toàn mìn và lựu đạn, nổ banh nhà lồng, nói thật như bịa và nói bịa như thật. Sân nói với một thần thái rất là thần thánh không thể không chấp nhận. Sân tâm niệm từ nhỏ đến suốt đời là – Cái miệng của nó sẽ làm nên tiền đồ cho nó.

“Ít nói và xạo ke có gì hay”? Lem hay mắng mỏ Sân như vậy sau một thời gian cố chỉnh đốn em theo đường hay nẻo phải thất bại, ngược lại còn bị nó chỉnh đốn lại mới tức. Lem cho Sân là làm chuyện“trái đạo lý” thì Sân chỉ trích Lem chuyên môn làm chuyện khiến cho mình bị“bí”. Càng lớn nó càng giống Lem cái khoản sáng tạo. Nghe Lem vẽ vời những câu chuyện trời ơi đất hỡi nên bị lây nhiễm, chỉ khác là Lem sáng tác chuyện trên trời còn Sân thì sáng tác chuyện dưới đất. Thế mới chết thiên hạ!

Càng lớn Sân có vẻ ngoài đĩnh đạc giống y hệt một hiền nhân trí tuệ, phong thái của nó toát ra làm tràn trề xung quanh một thứ tri thức khác lạ, nó làm người ta dè chừng khi tiếp xúc, nể nang pha tí tò mò, miệng lưỡi nó làm người ta mất phương hướng giữa đúng và sai giữa xạo và thật, cũng có khi làm người ta hoang mang khi tin vào nó còn hơn tin vào chính mình. Vào lớp học Sân là một thủ lĩnh đáng gờm dù nó không là lớp trưởng, sau nầy ra đời nó là một nhà giáo giảo hoạt có có uy còn hơn hiệu trưởng, mục đích lớn nhất của sân là kiếm tiền mục đích lớn nhì là kiếm danh, mục đích lớn ba là mục đích lớn nhất là lớn nhì cộng lại và mục đích cuối cùng là tìm một người vợ có thể bổ sung cho nó mục đích lớn nhất và mục đích lớn nhì.

Với Lem Sân là đứa em có hoài bão và lý tưởng rõ nét nhất, nó tập hợp nhiều đức tính quý báu của loài người và xem kẻ trong đó là những đức tính “quỷ báu” cũng của loài người. “Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích”, cái cách mà ông bà thường nói với hàm ý xấu nhưng đó là tiêu chí sống của Sân, nó nói nếu như không bất chấp thì có tu 10 kiếp cũng cóc có kết quả như ý, thủ đoạn gọi là xấu hay tốt tùy theo cách nhìn của mỗi người,và thủ đoạn đó mình không làm thì thằng ma khác nó cũng làm. Với Sân không có quan niệm “hại người” chỉ là “loại bỏ”, sự khác nhau giữa thắng và thua là dám và không dám. Chỉ cần liều lĩnh và bất chấp mới thành đại sự. Theo cách sống kỹ thuật cao của Sân tự Lem rút ra kết luận - Nhát và an phận như Lem thì kiếp kiếp sau sau nữa cũng không làm trò trống gì cho ra hồn.

Càng lớn Sân càng chứng minh hùng hồn quan điểm sống của mình – Thế giới nầy có 3 thứ người
- Thứ người gọi là sống – thành công viên mãn, đó là cái áo khoác lộng lẫy che dấu cái mọi thứ hỗn tạp đen trắng thơm thúi bên trong.
- Thứ người gọi là chết – thất bại ê chề, sống mà như chết, bị những người sống “loại bỏ” vì bất tài vô dụng, ngu mà còn bon chen, chỉ có đôi tay để che mặt dấu đi sự những nỗi sầu nhân thế.
- Thứ người gọi là sống dật dờ - đông nhất – sao cũng được với triết lý biết đủ là đủ. Với Sân đây là thứ người chán nhất. Dán trên mình 2 chữ đạo đức để bao che những thứ vô vị nào là: lười biếng ngu si an phận nhát gan ngốc ngếch khờ khạo…
Và hình như Lem là tập hợp hết những đặc điểm của thứ người loại 3 nầy.
Nghe đến đây Lem lên cơn tam bành nhảy lên quát :
- Cho mầy biết, thứ người nầy cũng du côn man rợ lắm nhe mậy. Cho chết cho hết láo.
Lem đánh bốp bốp mấy cái vào đầu Sân. Cũng may là Sân không bị chấn thương sọ não, nhờ Lem sức yếu mà Sân còn tỉnh táo tiếp tục thực hiện “tiền đồ bạc đồ” của nó đến nơi đến chốn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: