Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Hay nhở??

Phần nhận xét hiển thị trên trang


CÔNG TY TƯ VẤN, CHẾ TẠO, SẢN XUẤT... THƠ

Thấy dân làng hàng xóm thành lập hết công ty nọ đến công ty kia, ra đời bao nhiêu giám đốc, lão Choẽ sốt ruột lắm. Tiềm lực như nhà lão mà lại thua mọi người nó ư? Lão nông chi điền dày dạn kinh nghiệm như thế thế mà mà lại bó tay trước cơ chế mới này ư? Không được. Không thể chấp nhận được. Phải thay đổi ngay cách làm ăn không thì tụt hậu là cái chắc! Lão Choẽ quyết định mở cuộc họp gia đình để bàn về vấn đề này.
Cuộc họp khẩn cấp, bí mật của gia đình lão được tổ chức ngay tối hôm đó. Không ngờ, vấn đề lão đưa ra lại được cu Chụm hưởng ứng tức thì. Học xong lớp 9, chẳng vào được "cấp 3" nó đang không công ăn việc làm giờ tự nhiên có cái chức trưởng phòng công ty chẳng tốt quá rồi còn gì. Cái Choè, chị nó thì nghĩ không biết nên thành lập doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Ông Choẽ nói như đinh đóng cột: "Đã làm là phải làm cái công ty mới oách, doanh nghiệp tư nhân là cái thá gì". Chỉ có bà Chén (vợ ông) là phân vân. Ruộng đồng như thế, đàn bò đang phát đạt như thế, đã có thương hiệu là "Choẽ bò" rồi giờ lại lập cái công ty, công tiếc liệu có tích sự gì không? Bàn thảo mãi, cuối cùng bà cũng phải theo ba bố con ông Choẽ, thiểu số phục tùng đa số nguyên tắc đó bà phải chấp hành. Tên công ty sẽ lấy hai tên vợ chồng ông ghép vào. Lấy các chữ đầu cho nó tây tây. Công ty TNHH ChoChen do ông trực tiếp làm giám đốc, vợ ông làm phó giám đốc, hai đứa con mỗi đứa giữ chân trưởng một phòng, phòng gì sẽ tính sau. Thế là xong phần chủ trương.
Sang phần triển khai kế hoạch cụ thể. Đau đầu nhất là mục này. Công ty TNHH ChoChen sẽ kinh doanh ngành hàng gì? Điện tử? Điện thoại? Xây dựng? Vận tải? Ăn uống... Những cái đó thiên hạ làm hết rồi giờ mình đi sau có mà chết dấp. Giám đốc bóp trán. Phó giám đốc bỏm bẻm nhai trầu cứ như là việc của ai vậy. Hai trưởng phòng loi choi đưa ra hết nghề nọ, ngành kia song giám đốc Choẽ đều lắc.
Đang lúc bí thì bà Chén lên tiếng: "Bố con ông có công nhận với tôi rằng mấy năm nay xuất hiện nhiều người làm thơ, nhiều câu lạc bộ thơ ra đời không?". "Thì vưỡn! Dưng mà thơ phú thì liên quan gì đến công ty?", ông Choẽ không hiểu hỏi lại. Bà Chén vẫn thủng thẳng nhát một: "Có chứ. Liên quan nhiều là cái chắc. Tôi hỏi ông câu nữa nhé: Ông có muốn trở thành "kẻ sĩ", thành "trí thức" không? Có chứ gì. Đó là tâm lý chung. Con đường nhanh nhất để làm được cái đó chỉ có thơ thôi, ông hiểu chưa?".
Giám đốc Choẽ gật gù. Bà này nói có lý. Thì đấy, xóm ông người ta đua nhau làm thơ, thơ có mặt trong hầu hết các hội nghị, các tiệc tùng, đình đám. Cứ có hai người trở lên là thế nào cũng có thơ. Người nào người nấy đều ra vẻ thi sĩ, trí thức lắm. Kính cận, sách dày cộp kè kè bên người, bút cái túi áo ngực sẵn sàng làm thơ, đọc thơ bất cứ lúc nào. Ngay cả ông đây cũng sản xuất được mấy bài làm vốn giao tiếp nữa là. "Nhưng mà... có liên quan gì đến...". Bà Chén cướp lời: "Ông vưỡn không hiểu à? Liên quan quá đi chứ. Ai cũng làm thơ, ai cũng muốn trở thành nghệ sỹ, trí thức thì đấy là đầu ra cho công ty mình đấy".
Ba bố con ông Choẽ vẫn ngơ ngác ngồi. Quái, sao hôm nay bà này lại vòng vo mãi thế nhỉ. Sốt ruột quá, trưởng phòng Chụm giục: "Thôi, mẹ cứ nói toạc móng heo ra ra bố con con nhờ. Bàn chuyện làm ăn mà mẹ cứ rề rà thế này thì mất hết cơ hội rồi còn gì!". Cái Choè cũng phụ vào: Phải đấy mẹ nói ro rõ hơn xem nào!".
Bà Chén vẫn rề rà: "Tôi ít học nhưng được cái chịu đọc. Để chọn được một ngành nghề kinh doanh thì phải hiểu được thị trường. Thị trường cần cái gì thì ta sản xuất cái đó. Doanh nghiệp lại còn phải chọn cách xem sản xuất như thế nào, sản xuất ra bao nhiêu thì phù hợp. Ý tôi nói lúc nãy là quá trình chọn lựa đấy. Này nhé, nhiều người thích trở thành nghệ sỹ, trở thành trí thức mà đua nhau làm thơ, đua nhau in thơ. Đấy là cái thị trường cần. Phải, thị trường bây giờ là Thơ. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất cần thơ. Họ vừa là người sản xuất thơ, vừa là người tiêu thụ thơ. Tuy nhiên, ở huyện ta, xã ta người làm cầu nối giữa sản xuất, tiêu dùng thơ đó thì chưa có. Người làm thơ phải về tận tỉnh, lên tận Hà Nội để in thơ. Có người lấy trộm cả tiền bán lợn của vợ mang về Hà Nội để in thơ. Bao nhiêu tiền in thơ đều bị tỉnh và Hà Nội lấy hết. Tại sao ta không đứng ra làm cái khâu này. Mặt khác, nhiều người loay hoay mãi không làm nổi một bài thơ, tại sao ta không tư vấn cho họ".
Không để cho bà Chén nói hết câu, giám đốc Choẽ vỗ đùi đánh đét một cái: "Giỏi! Bà này giỏi! Thế mà bố con tôi không nghĩ ra. Phải thành lập ngay Công ty tư vấn, chế tạo thơ. Ta phải nắm các khâu từ tư vấn đến sản xuất thơ, từ in ấn xuất bản đến phát hành thơ. Phải đưa thơ vào cuộc sống. Thơ là cái đẹp thanh tao, là điều thiêng liêng mà bất cứ ai cũng ngưỡng vọng. Thị trường, đầu ra là đấy chứ còn đâu nữa. Bỏ vốn ra mua lấy dàn vi tính, mấy cái máy phô tô, mời mấy lão hay thơ của xóm góp vốn, góp chất xám vào là được. Phen này, gì chứ công ty ta sẽ sang nhất, danh giá nhất cho mà xem. Công ty tư vấn, chế tạo sản xuất Thơ ChoChen cơ mà! Đố anh nào cạnh tranh được nhá".
Cả nhà ông Choẽ tối đó vui chưa từng có. Hướng làm ăn mới đang mở ra trước mặt. Đêm đó, trong giấc ngủ, mỗi người đều thấy cái công ty của mình hoành tráng, bay bổng trong mơ. Mãi gần sáng, con bò đầu đàn của lão Choẽ rống lên đòi sổ chuồng thì cả ban giám đốc công ty tư vấn chế tạo sản xuất Thơ ChoChen mới bừng tỉnh để bước vào một ngày mới. Mỗi người theo sự phân công của giám đốc Choẽ gấp rút chạy thủ tục lo cho ra đời cái công ty của mình sớm ra đời.

NGÀY MỘNG DU

Phần nhận xét hiển thị trên trang




                   Truyện ngắn ( linh tinh phộc)

Ra mở cửa cho chúng tôi là một gã mặt tròn, má phinh phính, tóc lăn quăn, mép sắc lẹm, không có râu. Giọng gã the the hệt giọng quan hoạn, hay được gọi “công công” trong phim dã sử Tàu. T. bảo: “ Thằng cha này quê mãi đâu huyện Con Dê. Thấy bảo năm chiến cuộc biên giới dính mìn lá, không rõ của ta hay địch cụt mất túm của trời cho. Tự nhiên gã mất giọng như bây giờ, chứ trước đây gã là tay tuyên “giáo cụ” có giọng hót trầm ấm mê ly lắm. Chuyện chả có gì mà hắn nói cứ mê đi, tuyệt cú mèo, đám lính tráng cứ ngẩn người ra mà nghe, tin sái cả quai hàm..”
Nó nói thế thì biết thế, chuyện này tôi chẳng quan tâm. Bao năm lăn lóc cuộc đời, ba cái chuyện vặt vãnh này có gì đáng để ý đâu?
Điều tôi quan tâm đến là nàng, chứ không phải tên “bỏ mẹ” này. Nó có ra sao, tốt xấu thây kệ, để tâm đến làm gì? Tò mò, tọc mạch riêng tư của người khác đâu phải là cách hay? Nhưng vì gã xuất hiện đầu câu chuyện này nên phải có tên có tuổi, có chức năng vv. Thế thôi.
Cứ tạm gọi gã là Công đi cho dễ nhớ!
Ngôi biệt thự này tôi gặp đâu đó trong giấc mơ của mình. Giấc mơ tham lam và keo kiệt bất cứ khi nào con người, lúc nào đó trở nên ích kỉ và tàn độc. Nó hiện diện cả nơi thiên đường, địa ngục và cả trần gian này. Chỉ có điều nơi đó không có nàng. Từ lâu trong các giấc mơ của tôi, nàng đã không tồn tại.

Không ngờ nó có thật, biệt thự này, ngay bây giờ, trước mắt tôi.
Gã vệ sĩ mất của nợ vừa nói dẫn chúng tôi qua một khu vườn phía sau biệt thự. Ở đấy có cái am nhỏ, trước am có hòn non bộ và đủ thứ cây sinh vật cảnh. Có bể nước nhỏ cho mấy chú rùa vàng chậm chạp bơi lên bơi xuống. Những giò phong lan treo dọc lối đi. Quãng quãng lại treo một cái lồng chim. Sáo, vẹt, khiếu, chào mào lửa..đủ cả.
Nàng đang ngồi xem ti vi. Đài tàng hình trung ương đang phát một chương chình dân ca dân ciếc gì đấy.
-         Thưa bà, bà có khách đến thăm – gã công công giọng lễ phép.
Nàng không quay lại, nói:
     - Bác đưa các anh ấy vào, pha hộ tôi ấm nước.
Tôi thực sự ngạc nhiên bởi vẻ bề ngoài của nàng. Chừng ấy năm rồi, nàng hầu như không thay đổi. Vẫn làn da trắng, mái tóc dài đen óng ả, đôi mắt đen rợp, cặp môi hồng, những ngón tay dài thanh tú đang đan vào nhau. Nhất là giọng nói vẫn trong trẻo, nao nao lòng người như cất lên tự nơi nào sâu thẳm.. Cảm giác hồi hộp, bồi hồi tôi đã quên, chợt thức..
Tôi không tin thời gian, tạo hóa và lão hóa không làm gì nổi, không thay đổi nàng.
Đến như sắt thép còn han rỉ nữa là?
Vậy mà sao bảo nàng đang đau khổ là vì sao?
Tên bạn T của tôi chả nhẽ nói khống? Hay hắn muốn gợi chút tò mò để tôi dành chút thời gian ít ỏi của mình đánh bạo tới đây? Đến cả mục đích vì cái gì chính tôi cũng chưa hiểu nữa.. Mình đang tỉnh hay mộng du?
Tôi nhéo lên đùi một cái, vẫn đau. Chắc chắn tôi còn tỉnh, không phải mộng..

( Còn nữa..)

Tự cảm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đừng nhận mình là kẻ sĩ
Khi chỉ còn sĩ diện dở hơi
Bôi đen giấy
Và bôi đen tim óc
Văn chương ư?
Một mớ chán đời!

Nắm bạc vụn
bỗng thấy lòng hăm hở
Cái xoa đầu vui như thể bắt tay..
Bồi bút, bồi bàn, không bồi bên lở!
Ta ngắm ta xưa, 
dở khóc dở cười!

Cảnh Giới Bên Kia Cửa Tử

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảnh Giới Bên Kia Cửa Tử

Tác giả: Nguyên Ngọc biên soạn

ngày 03, tháng 09, năm 2008 
(do người chết hồi sinh kể lại) 

LTS : Hiện nay, luân hồi tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình "60 minutes" ngày 30.10 cách đây vài năm có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện có đến 78% người Mỹ (vào khoảng 195.000.000) tin có kiếp trước kiếp sau. Raymond Moody, giáo sư triết học, bác sĩ y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ "book on reincarnation" thì sẽ thấy một con số khổng lồ, hơn 2.000.000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi... 
Nguyên Ngọc biên soạn 
Cách đây 31 năm, khi cho in cuốn sách đầu tiên "Life After Life" sau nhiều năm tiếp xúc với những bệnh nhân chết đi sống lại, bác sĩ Moody nói, ông chỉ ghi lại trung thực những câu chuyện này mà không cố ý chứng minh là có một đời sống khác sau khi chết. Ông cũng nói thêm rằng, hiện nay chưa có ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chứng minh có 1 cảnh giới bên kia cửa tử, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận kinh nghiệm của hơn 8 triệu người lớn ở Mỹ và mấy triệu trẻ con nữa, những người sống lại sau cái chết lâm sàng đã kể những gì họ thấy được sau khi rời khỏi xác thân vật lý.
Bác sĩ Moodu kể, lần đầu tiên ông được nghe tả về cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi dương kể lại (kinh nghiệm cận tử) là khi ông còn là một sinh viên y khoa triết học ở đại học Virginia. Một giáo sư dạy môn tâm thần học kể lại cho sinh viên nghe chính ông đã "chết" đi rồi sống lại 2 lần, cách nhau 10 phút. Ông kể lại những chuyện ly kỳ ông được chứng kiến trong thời gian ông "chết". Thoạt nghe thì anh sinh viên Moody cũng lấy làm lạ nhưng không có ý kiến gì. Anh chỉ giữ cái băng thu âm câu chuyện này để làm tài liệu thôi. Mấy năm sau, ông Moody bây giờ là giáo sư triết ở 1 trường đại học ở Bắc Carolina. Trong 1 buổi giảng dạy về thuyết bất tử (Phaedo) của Plato, nhà hiền triết nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, một sinh viên xin gặp riêng để hỏi thêm về vấn đề sống chết, vì bà của chàng ta đã "chết" trên bàn mổ, sau đó hồi sinh và kể những câu chuyện bà đã chứng kiến rất hấp dẫn. Giáo sư Moody yêu cầu anh sinh viên này kể lại từng chi tiết và ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những chuyện xảy ra cho bà già này gần giống với những mẩu chuyện ông được nghe từ thầy của ông mấy năm về trước. Từ đó, ông cố ý thu thập tài liệu về hiện tượng chết đi sống lại. Ông cũng đưa vấn đề này vào trong các bài giảng của ông, nhưng không đề cập gì đến 2 trường hợp ông được nghe. Ông nghĩ rằng, nếu có nhiều người chết đi sống lại thì thế nào sinh viên cũng sẽ nói ra trong các giờ triết. Quả vậy, trong mỗi một lớp học chừng 30 sinh viên, khi nào cũng có một anh xin gặp riêng sau giờ học để kể cho ông nghe một câu chuyện chết đi sống lại. Có điều lạ là, những mẩu chuyện này có nhiều tình tiết giống nhau, tuy người có kinh nghiệm chết đi sống lại gồm nhiều thành phần khác nhau, khác về tôn giáo, về học vấn, và địa vị xã hội.

Khi Moody theo học y khoa năm 1972 thì ông đã có một hồ sơ dày cộm về những trường hợp chết đi sống lại. Ông bắt đầu nói đến công cuộc nghiên cứu của ông với những người ông gặp ở trường y. Sau đó, theo lời yêu cầu của một người bạn, ông nhận lời thuyết trình về hiện tượng chết đi sống lại tại 1 Hiệp hội Y sĩ và nhiều hội đoàn khác. Và sau mỗi buổi thuyết trình, thế nào cũng có người đứng lên kể lại kinh nghiệm chết đi sống lại của chính mình. Dần dà ai cũng biết tiếng ông, nên nhiều bác sĩ đã giới thiệu những bệnh nhân họ cứu sống được mà có những kinh nghiệm lạ lùng trong thời gian họ "chết". Sau khi vài tờ báo đăng tải tin tức về công cuộc nghiên cứu của ông thì nhiều người tự động gửi những mẩu chuyện tương tự xảy ra với họ. Ông quyết định chỉ chú ý đến trường hợp những người do bác sĩ chứng thực là đã chết lâm sàng (tim ngừng đập, thần kinh não ngưng hoạt động) rồi được cứu sống lại, và trường hợp những người bị tai nạn, hồn lìa khỏi xác ngay nhưng sau đó lại hoàn hồn, đã kể những sự việc họ chứng kiến.
Trong mấy trăm câu chuyện chết đi sống lại mà tác giả trực tiếp được nghe, Moody nhận thấy, tuy kinh nghiệm của mỗi người có điểm khác nhau nhưng tựu trung thì có thể nói có chừng 15 điểm mà ông thấy người ta hay nhắc nhở : 
1. Ngôn ngữ bất đồng
Người nào cũng tỏ vẻ bực bội rằng, ngôn ngữ ở cõi trần không thể diễn tả đúng những sự việc xảy ra ở cõi giới bên kia. Một người trong số đó nói : "Tôi biết, thế giới mà tôi được thấy là một thế giới có hơn 3 chiều, nên không thể nào diễn tả được hết những điều tôi muốn nói với thứ ngôn ngữ 3 chiều của chúng ta". 
2. Nghe tin mình đã chết
Nhiều người kể rằng, họ được nghe chính bác sĩ hay những người ở bên cạnh nói rằng họ đã chết. Bà Martin kể : "Tôi vào bệnh viện nhưng họ không tìm ra bệnh. Bác sĩ James đưa tôi sang phòng X quang để chụp ảnh gan tìm bệnh. Vì tôi bị dị ứng với nhiều thứ thuốc nên họ thử trên cánh tay tôi trước. Thấy tôi không có phản ứng gì, họ liền tiêm cho tôi thứ thuốc ấy. Nhưng lần này tôi bị phát dị ứng liền và chết ngay sau đó. Tôi thấy bác sĩ ở phòng X quang vừa chích thuốc cho tôi, bước đến nhấc máy điện thoại. Tôi nghe rõ ông quay từng con số và giọng nói của ông : "Thưa bác sĩ James, tôi đã giết bệnh nhân của ông. Bà Martin chết rồi". Nhưng tôi biết tôi không chết. Tôi cố cử động, cố tìm cách nói cho họ biết là tôi chưa chết nhưng tôi không thể làm gì được. Rồi thấy họ làm thủ tục cấp cứu. Tôi nghe họ nói cần bao nhiêu "cc" thuốc chích cho tôi, nhưng tôi không có cảm giác gì khi mũi kim chích vào da. Tôi cũng không có cảm giác gì khi họ chạm vào người". 
3. Tâm an bình và tịch tịnh
Số đông kể rằng, họ tận hưởng được một cảm giác rất an lạc, thật khoan khoái khi mới thoát ra khỏi cái xác của mình. Một người bị bất tỉnh ngay sau khi bị thương nặng ở đầu kể rằng, khi mới bị chấn thương thì anh cảm thấy đau nhói, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi sau đó anh có cảm tưởng như mình đang bềnh bồng trôi trong 1 phòng tối. Mặc dù hôm ấy trời lạnh lắm mà anh cảm thấy rất ấm áp trong khoảng không gian âm u này. Anh thấy tâm thần mình bình an thoải mái lạ lùng và anh chợt nghĩ "chắc là mình đã chết rồi". 
Một bà vật vã, đau đớn và ngất đi sau một cơn đau tim. Khi được cứu tỉnh bà kể : "Tôi bắt đầu thấy sung sướng lạ, mọi lo âu buồn phiền biến mất, chỉ còn lại một cảm giác bình an, thoải mái, thanh tịnh. Tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa".
4. Âm thanh
Nhiều âm thanh lạ được tả lại, hoặc khi sắp chết hoặc khi vừa tắt thở. Một người đàn ông "chết" trong vòng 20 phút trên bàn mổ kể lại, rằng ông đã nghe một tiếng kêu ù ù rất khó chịu. Tiếng kêu như phát ra từ trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài. Một người đàn bà kể, khi vừa ngất đi thì bà nghe một tiếng rì rì lớn và bà cảm thấy đang chơi vơi bay lộn lòng vòng trong không gian. Bà còn nghe một thứ tiếng khác cũng khó chịu lắm, như tiếng động lạch cạch, tiếng va chạm hay tiếng rống mà cũng như tiếng gió hú. Những người khác thì nghe một âm thanh dễ chịu như âm nhạc, như trường hợp một bệnh nhân "chết" trên đường đi đến bệnh viện, khi được cứu tỉnh lại ông kể : Ông đã nghe 1 âm thanh như âm ba của nhiều cái chuông nhỏ từ đằng xa theo gió vọng lại, làm ông nghĩ đến mấy cái chuông gió của Nhật, và ông chỉ nghe 1 âm thanh này thôi. 
5. Đường hầm tối
Ngay vừa khi nghe tiếng động thì người ta cảm thấy như bị hút mạnh vào một khoảng không gian tối. Người thì nói giống như một hang động; người thì bảo sâu hút như một cái giếng; người khác thì mô tả như một khoảng không, một đường hầm, một ống xoắn, một cái chuồng, thung lũng, ống cống, hoặc khoảng không của một hình vật thể hình trụ. Tuy được diễn tả khác nhau nhưng điều này cho thấy, người nào cũng trải qua kinh nghiệm này. Một bệnh nhân kể : Khi tim anh ngừng đập vì bị dị ứng với thuốc mê thì anh thấy mình như bay qua một khoảng không tối tăm như một đường hầm, với tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở 1 công trường giải trí. 
6. Giây phút bước ra khỏi xác
Tuy ai cũng biết rằng, cái "Ta" gồm 2 phần : thân và thức, nhưng ít ai hiểu biết được phần Thức vì cho rằng, có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt động được, không thể nào có 1 đời sống nào khác ngoài đời sống với tấm thân vật lý này. Cho nên, trong quá trình chết đi sống lại, ai cũng bị ngạc nhiên quá mức khi họ được ngắm nghía thân xác bất động của họ. 
Thực khó tưởng tượng được tâm trạng của những người này, khi họ thấy mình đứng đây mà sao lại còn có thân hình mình nằm bất động ở đằng kia ! Khi hồn vừa lìa khỏi xác, họ chưa ý thức được mình đã chết nên ngẩn ngơ không hiểu được hiện tượng này. Nhiều người muốn nhập vào xác mình lại nhưng không biết làm sao. Có người rất hoảng sợ nhưng cũng có người không sợ hãi. Một bệnh nhân nói : "Bệnh tôi trở nặng, bác sĩ buộc phải vào nhà thương. Sáng hôm ấy tôi thấy một lớp như sương mù bao phủ quanh tôi và cùng lúc ấy tôi thấy mình bước ra khỏi xác. Tôi thấy mình bềnh bồng bay lên phía trên và nhìn xuống cái xác mình nằm ở giường. Tôi không thấy sợ hãi chút nào, chỉ thấy một cảm giác bình yên trong một khung cảnh êm ả thanh bình. Và tôi nghĩ, có lẽ tôi đang đi về cõi chết. Tôi tự nhủ, rằng nếu tôi không nhập trở lại được vào cái xác kia thì tôi chết thật rồi, và như vậy cũng không sao".
Nhiều người nói rằng sau giây phút hoang mang lúc đầu, dần dà họ thấy giác quan mới của thể hồn bén nhạy hơn. Họ có thể nhìn thật xa, nghe thật rõ, đọc được ý nghĩ của người khác, và chỉ cần nghĩ đến chỗ nào họ muốn đi thì đã thấy mình ở đó rồi. Nhưng vì họ không trao đổi gì được với những người xung quanh nên họ thấy cô đơn buồn tủi.
7. Gặp những thể hồn khác
Nhiều người kể lại, họ chỉ cảm thấy cô đơn trong chốc lát thôi, sau đó họ được gặp gỡ và chuyện trò với những người thân, bạn bè quá cố. Một người phụ nữ kể lại cuộc vượt cạn khó khăn, bà bị mất máu rất nhiều trong khi sinh. Lúc đó bà nghe bác sĩ nói là bà không sống được nhưng bà thấy mình vẫn tỉnh táo và ngay khi ấy bà thấy nhiều người vây quanh bà nhưng chỉ thấy mặt thôi. Họ đông người lắm, lơ lửng ở trên trần nhà. Bà nhận ra đó là những người thân và quen đã qua đời, bà thấy bà ngoại của mình và một cô bé bạn học hồi nhỏ cùng nhiều người bà con quen biết khác. Ai cũng có vẻ tươi cười như chào đón bà ở xa về. 
Một người khác kể rằng sau khi người bạn thân tên Bob chết vài tuần thì ông cũng suýt chết. Ông thấy mình bước ra khỏi thể xác vật chất và có cảm tưởng như Bob đang đứng cạnh mình. Ông biết đó là Bob nhưng lại trông không giống như hồi còn sống. Tuy nhìn thấy Bob, nhưng không phải nhìn bằng mắt vì chính ông cũng không có mắt ! Nhưng lúc ấy ông không nghĩ đến điều này là lạ vì ông không cần có mắt mà vẫn thấy. Ông hỏi Bob : "Bây giờ tôi phải đi đâu, chuyện gì đang xảy ra ? Có phải tôi chết rồi không ? Nhưng Bob không nói gì cả. Suốt mấy ngày tôi ở bệnh viện, Bob luôn ở bên cạnh tôi nhưng vẫn không trả lời những câu hỏi của tôi cho đến ngày bác sĩ tuyên bố là tôi đã thoát chết thì Bob bỏ đi".
8. Đối diện với người ánh sáng
Tuy tình tiết về kinh nghiệm "chết" của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị thân toàn ánh sáng. Đây có lẽ một chi tiết lạ lùng nhất đã làm thay đổi cuộc đời của những người chết đi sống lại. Lúc đầu, vị này hiện ra trong thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Có điều lạ là, tuy rực rỡ nhưng không làm chói mắt. Tuy vị này hiện ra như một tòa ánh sáng mà ai cũng hiểu đây là một người với đầy đủ cá tính nhân phẩm của một cá nhân. Vị này đã ban phát cho họ một tình thương yêu không thể dùng lời nói mà diễn tả được và ai cũng quyến luyến muốn kề cận vị này. Có một điều lý thú là hầu hết mọi người đều tả dung mạo, phong cách của người ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi người ấy là ai thì mỗi người nói một cách khác, tùy theo niềm tin tôn giáo của họ. 
9. Nhìn lui quãng đời mình
"Người ánh sáng" nhắc nhở người chết tự kiểm thảo đời mình, và cho người chết xem lại quãng đời của mình rõ ràng như được chiếu trên màn ảnh lớn, từ lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên đi học, đỗ đạt, công danh sự nghiệp ...đều hiện lên rất rõ. "Người ánh sáng" nhắc nhở rằng, ở trên đời không có gì quan trọng ngoài tình thương. Một người kể rằng, khi ông được xem quãng đời niên thiếu của ông với cô em gái, người mà ông rất thương yêu; "người ánh sáng" cho ông xem những lúc ông hành động một cách ích kỷ hay tỏ lòng trìu mến săn sóc em mình. "Người ánh sáng" nhấn mạnh đến việc nên giúp đỡ người khác. Dường như vị này rất chú tâm đến sự học hỏi, cứ nhắc nhở ông phải lo trau dồi sự hiểu biết của mình và nói rằng, sau khi thật sự giả từ thế gian để sang cõi này ông cũng vẫn phải tiếp tục học hỏi, vì đó là một qui trình không gián đoạn. 
10. Ranh giới giữa hai cõi
Nhiều người nhớ rằng, họ đi dần đến một chỗ giống như một bờ ranh, một bờ sông, một cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ như một đường vẽ dưới đất. Một người bệnh tim kể : "Sau khi lìa khỏi xác, tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục, nhưng khác hẳn màu lục của thế gian và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu. Xa xa đằng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước sang về phía đó thì thấy một người phía bên kia đang tiến về hàng rào như để gặp tôi, nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng bị kéo thụt lùi, và người phía bên kia thì ngoảnh lưng lại đi về hướng xa hàng rào". 
11. Trở lại cõi trần
Dĩ nhiên, tất cả những người có kinh nghiệm chết này đều sống lại. Và điều đáng nói là tất cả đều đổi khác sau khi nhìn thấy thế giới bên kia. Phần đông nói rằng, khi vừa tắt thở, họ tiếc nuối thân vật lý lắm, và cố tìm cách trở lại. Nhưng dần dà khi thấy nhiều điều mới lạ ở cảnh giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là những người đã được gặp gỡ "người ánh sáng" và được vị này ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Nhưng có người thì muốn trở về để tiếp nối một công việc đang dở dang, hay vì các con đang còn nhỏ. Có người nghĩ rằng vì người thân của họ níu kéo, cầu nguyện nên họ không "đi" được như câu chuyện sau đây : "Tôi săn sóc một người cô già. Cô bệnh lần này khá lâu. Đã mấy lần cô tắt thở, nhưng lại được cứu sống, có lẽ vì mọi người trong gia đình ai cũng thương cô và cầu nguyện cho cô bình an. Một hôm cô nhìn tôi và bảo : "Joan, cô đã thấy cõi giới bên kia đẹp lắm. Cô muốn ở lại bên đó nhưng con và mọi người cứ cầu nguyện cố giữ cô lại bên này nên cô không đi được. Thôi, con nói mọi người đừng cầu nguyện cho cô nữa". Và chúng tôi ngưng cầu nguyện thì cô mất một cách bình yên sau đó". 

Phần đông nói rằng, họ không nhớ đã "trở về" như thế nào. Họ nói, họ chỉ thấy buồn ngủ, rồi mê đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh như trước khi được sang thế giới bên kia. Nhưng cũng có người nhớ rõ chi tiết khi được trở về. Một người kể, khi hồn vừa lìa khỏi xác, ông thấy mình bị cuốn đi nhanh qua con đường hầm tối. Khi sắp sửa ra khỏi đường hầm thì ông nghe ai gọi giật tên mình ở phía sau, và bất thần ông bị lôi tuột trở lại. Một ông khác kể là, hồn ông bay lên trần nhà nhìn xuống thấy bác sĩ, y tá đang cuống quýt cứu chữa. Khi bàn sốc đặt vào ngực, toàn thân ông giật nẩy lên và đúng lúc đó ông bị rớt xuống thẳng đứng như một tảng đá và chui tuột vào thân thể trên giường. Một người khác thì thấy hồn thoát ra từ đỉnh đầu, như được tả trong cuốn "Tử Thư Tây Tạng".

12. Kể lại kinh nghiệm "chết"
Những người đã trải qua kinh nghiệm này nhớ rất rõ là, họ đã ngạc nhiên sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra cho họ. Họ bảo chúng đã thật sự xảy ra chứ không phải do trí tưởng tượng hay ảo giác. Tuy thế, nhiều người không dám kể hoặc chỉ kể cho một vài người thân mà thôi, vì họ biết ở xã hội này không ai tin những chuyện như thế, và còn cho là họ bị bệnh tâm thần. Một cậu bé kể cho mẹ nghe, nhưng vì em còn nhỏ nên bà mẹ không để ý đến những lời em kể, từ đó em không kể cho ai nghe nữa. Người thì cố kể cho mục sư của mình nghe nhưng bị vị này phê bình là mình bị ảo giác. Một cô học trò trung học muốn kể cho bạn nghe kinh nghiệm lạ lùng của mình nhưng bị cho là tâm thần nên đành nín lặng. Vì vậy, ai cũng cứ tưởng chuyện này chỉ xảy ra cho một mình mình thôi. Khi bác sĩ Moody nói với họ rằng, có nhiều người đã có kinh nghiệm tương tự thì họ có vẻ mừng, vì thấy không phải mình "điên", không phải chỉ một mình mình thấy những chuyện lạ lùng của cõi giới bên kia. 
13. Thay đổi tâm tư
Như đã trình bày trên, những người trải qua kinh nghiệm này thường thường không muốn kể với ai, nhưng họ cảm thấy những gì họ kinh nghiệm đã để lại một dấu ấn sâu xa trong đời họ, đã mở rộng tầm mắt của họ, đã thay đổi hẳn lối nhìn của họ về cuộc đời. Một ông tâm sự : "kể từ ngày ấy, tôi thường tự hỏi, tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi, và khoảng đời còn lại này tôi sẽ phải sống như thế nào. Ngày trước muốn gì là tôi làm liền, không suy nghĩ đắn đo. Nay thì tôi thận trọng lắm. Trước khi hành động tôi thường tự hỏi lòng mình xem việc này có đáng làm hay không hay chỉ có lợi cho bản thân thôi ? Nó có ý nghĩa gì, có ích lợi gì cho đời sống tâm linh không ? Tôi không phê phán người khác, không thành kiến, không tranh cãi. Và tôi thấy hình như mình hiểu rõ mọi sự việc chung quanh một cách đúng đắn hơn, dễ dàng hơn". 

Nói chung, những người chết hồi sinh đều thấy đời mình có một mục đích rõ ràng hơn, tâm tư thoải mái hơn, đầu óc rộng rãi cởi mở hơn, tình thương yêu nhiều hơn, và nhấn mạnh đến đời sống tâm linh, cũng như một đời sống khác sau khi chết. Họ như sực tỉnh khi thấy xưa nay mình chỉ "mãi sống", và lúc nào tâm tư cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai, hay luyến tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá rằng, đời sống tinh thần thật sự quí báu hơn đời sống vật chất nhiều; rằng thân xác vật lý chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Và họ đều nói đến bài học từ "người ánh sáng" : Ở trên đời, tiền tài, danh vọng hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể. Thông điệp thứ hai từ "người ánh sáng" là : Mọi người nên trau dồi trí tuệ và tình thương, vì sống và chết là một quá trình được tiếp nối không ngừng.

Một anh chàng trẻ tuổi đang học làm tu sĩ Tin Lành kể, trước kia anh nghĩ chỉ có những người theo giáo phái của anh mới được cứu rỗi, còn ngoài ra tất cả đều là tà đạo và sẽ phải xuống hỏa ngục hết. Sau khi gặp "người ánh sáng" thì anh thay đổi hoàn toàn. Anh thấy vị này hiền hòa, nhân từ chứ không như niềm tin về sự trừng phạt những người không tin mình như Thánh Kinh miêu tả. Vị này không hề hỏi han gì về giáo phái của anh đang theo mà chỉ hỏi anh có biết yêu thương người khác không.

14. Quan niệm mới về cái chết
Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không còn ai sợ chết nữa. Nói như thế không phải là họ chán sống và muốn đi tìm cái chết. Trái lại, họ thấy quý đời sống hơn và hiểu rằng đời sống này là một môi trường tốt cho họ học hỏi. Họ cho rằng, vì còn nhiều việc cần phải làm nên họ mới "bị" trả về và làm cho xong, để sau này được ra đi 1 cách nhẹ nhàng. 
Một người kể : "Kinh nghiệm này đã thay đổi hẳn cả cuộc đời của tôi mặc dù chuyện này đã xảy ra lúc tôi mới 10 tuổi. Từ đấy tôi tin tưởng hoàn toàn rằng, có một đời khác sau đời sống này và tôi không hề sợ chết. Tôi thường tự cười thầm mỗi khi nghe có người cho rằng chết là hết". 
Có người thì ví cái chết như là một sự di chuyển từ một nơi này sang một nơi khác, hay từ một con người vật chất sang một thể tâm linh cao hơn. Có một bà, sau khi thấy có nhiều người thân đến chào, có cảm tưởng như mình được đón tiếp về nhà sau một thời gian đi chơi xa. Người khác thì nói rằng, dùng từ "chết" để tả lại cảnh tượng này là không đúng, vì đây giống như một sự thay đổi chỗ ở. Một người khác nữa thì ví thân thể mình như là nhà tù, và khi chết thì được thoát ra khỏi cái ngục tù đó !
15. Chứng cớ cụ thể
Dĩ nhiên, có nhiều người đặt câu hỏi, những chuyện do người chết hồi sinh kể lại có thể tin được không, có chứng cớ gì không ? Câu trả lời là có. Thứ nhất, các bác sĩ thấy các bệnh nhân đã tắt thở, tim đã ngừng đập, nên họ mới dùng phương pháp cấp cứu, vậy mà sau khi hồi sinh, bệnh nhân đã dùng danh từ y khoa kể lại đầy đủ chi tiết những gì xảy ra trong khi họ nằm bất động trên giường ! 
Một cô gái sau khi lìa khỏi xác đã đi qua phòng bên cạnh và thấy chị mình đang ngồi khóc và kêu thầm "Kathy, đừng chết, em ơi đừng chết". Sau khi hồi tỉnh, cô kể lại chi tiết này và chị cô không hiểu sao cô lại biết rõ như vậy. Một nạn nhân kể lại đầy đủ tình tiết về những người chung quanh, họ đã nói những gì, ăn mặc ra sao..v..v... Một bà kể, khi hồn lơ lửng trên trần nhà, bà thấy một chùm chìa khóa trên một nóc tủ. Chùm chìa khóa này của một bác sĩ, trong lúc vội vàng đã vứt lên đó đã mấy ngày trước và quên bẵng đi...
Đó là toàn bộ những câu chuyện được bác sĩ Raymond Moody viết lại. Những ai muốn tìm hiểu chi tiết về cảnh giới bên kia cửa tử có thể tìm đọc tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả người Mỹ. Chỉ cần vào Google và ghi "the life beyond" thì sẽ thấy vô số tài liệu. Khi đọc cuốn "Tử Thư Tây Tạng" (Tibetan Book of The Death), tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với cảnh giới được diễn tả trong cuốn "Life After Life" của bác sĩ Raymond Moody. Có một điều lạ là, những người chết đi sống lại đều nói đến một luồng ánh sáng, hay 1 người sáng, mà họ cho là thiên thần, tùy vào lòng tin tôn giáo của họ. Và cuốn Tử Thư Tây Tạng thì nói rất rõ đó là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự trong biển sáng.
Người ánh sáng được diễn tả trong cuốn sách của bác sĩ Moody không nói mình là ai. Vị này dường như thương mến tất cả mọi người và dạy mọi người rằng làm người phải biết thương thân mình và thương người khác; rằng hành trang mà người chết có thể mang theo chỉ là tình thương thôi, một thứ tình thương vô vị kỷ. Tôi thấy những lời dạy này cũng quen thuộc như những lời dạy của Đức Phật.

T.K:

Phần nhận xét hiển thị trên trang

chữ tháng tư
 
hắn đi tới quyết định
cần phải vượt qua bốt barrier chữ thứ 27
nếu muốn trở về quê nhà sự sống
để ngủ & thả phóng sức chạy của cơn mơ
 
từ một khẩu hiệu
chữ T lung lay rơi xuống ngã ba
hắn nhặt lên tiếng chim mang khuôn mặt người đàn bà úng nắng
đem tóc chế ngự sự truy đuổi của đêm
trong khu vườn rào kẽm gai hắn đã thấy
nháng những vó ngựa hung hãn cuộn mình
là bài hát dưới vùng bóng hôn mê
về sự nổi loạn của chữ Ư cùng dấu lửa dưới lòng chân tỉnh thức
 
hắn ngồi gần bên vết thẹo gọn gàng
khi những dùi cui cùng lưỡi hái thét gào biến dạng
làm chữ D treo trời
chuông mộng du kích rền trăng cuối tháng
dẫn hắn khám phá thấy ngòi nổ một đường gió
từ vòm miệng buổi sớm đẻ ra chữ O
từ chính nỗi kinh hoàng
hắn thấy mình bay lên
 
 
 

Ta chẳng là gì..

Phần nhận xét hiển thị trên trang




Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Pamuk, Orhan: Anh viết cho ai?

Phần nhận xét hiển thị trên trang


Đoàn Khương Duy chuyển ngữ

Anh viết cho ai? Hơn ba mươi năm có lẻ vừa qua — kể từ lúc tôi thành nhà văn — đây là câu hỏi tôi được nghe nhiều nhất từ phía độc giả lẫn cánh báo chí. Động cơ tuỳ thuộc vào thời gian và nơi chốn, cũng như còn tuỳ vào mức độ tò mò của mấy người đó, nhưng khi hỏi thế thì tất cả mọi người đều có cùng giọng điệu ngờ vực và khinh khỉnh.
Vào giữa thập niên bảy mươi, lúc tôi quyết định trở thành tiểu thuyết gia, câu hỏi ấy phản ánh quan điểm thường thấy ở mấy kẻ thô thiển cho rằng nghệ thuật và văn chương là những thứ xa xỉ khó lòng đáp ứng được ở một nước nghèo không thuộc phương Tây đang vật lộn để gia nhập được vào thời hiện đại. Cũng có ý cho rằng nếu người nào đó “được giáo dục và có học thức cao giống anh” thì hắn có thể phụng sự quốc gia theo hướng có ích hơn bằng cách trở thành bác sĩ chống dịch bệnh hay kĩ sư cầu đường. (Jean-Paul Sartre tin vào quan điểm này hồi đầu thập niên 1970 khi ông nói ông sẽ không sa vào chuyện viết tiểu thuyết nếu là một trí thức ở Biafra.)
Những năm sau, mấy tay chất vấn đó càng thích thú chuyện tìm hiểu xem ở trong xã hội mà tôi đặt niềm hi vọng vào thì bộ phận nào có thể đọc và ngưỡng mộ tác phẩm của tôi. Tôi biết đây là câu hỏi đầy mưu mẹo, bởi nếu tôi không trả lời “tôi viết cho những người nghèo nhất và những ai bị áp bức nhất trong xã hội!” thì hẳn là người ta sẽ gán cho tôi cái tội bảo vệ lợi ích mấy tay chủ đất và tư sản ở Thổ-nhĩ-kì — ngay cả khi người ta nhắc tôi rằng bất kì nhà văn hoà nhã và trong sáng nào mà khẳng định rằng mình viết cho nông dân, công nhân và những kẻ bần cùng thì ắt là sẽ viết cho những người ít học thức. Hồi thập niên 1970, khi mẹ hỏi tôi viết văn dành cho ai, giọng điệu buồn rầu và đầy lo lắng của bà cho tôi biết bà thực sự muốn hỏi thế này: “Con tính lo cho thân mình ra sao đây?” Và khi mấy người bạn hỏi tôi viết cho ai, chỉ cần nghe giọng có chút chế giễu là đủ biết ý họ rằng không ai muốn đọc sách do một người như tôi viết ra.
Ba mươi năm qua đi, tôi càng bắt gặp câu hỏi này thường hơn. Chuyện này liên quan đến sự kiện mấy cuốn tiểu thuyết của tôi đã được dịch sang bốn mươi ngôn ngữ. Đặc biệt trong suốt mười năm qua, tôi nhận được nhiều cuộc phỏng vấn hơn bao giờ hết, và mấy tay phỏng vấn có vẻ lo lắng tôi có thể hiểu sai ý, thế là họ cứ hay thêm vào: “Anh viết bằng tiếng Thổ-nhĩ-kì, vậy anh viết chỉ dành cho người Thổ-nhĩ-kì hay lúc này anh còn nghĩ tới lượng độc giả ở phạm vi lớn hơn mà anh đã có được nhờ những bản dịch?” Bất kể chúng tôi nói chuyện ở trong nước Thổ-nhĩ-kì hay bên ngoài thì câu hỏi luôn kèm theo một nụ cười ngờ vực, khinh khỉnh, chuyện đó khiến tôi phải đi đến kết luận rằng nếu tôi muốn tác phẩm của mình được chấp nhận là thứ đúng đắn và chân thật, chắc tôi phải trả lời, “Tôi chỉ viết cho người Thổ-nhĩ-kì thôi”.
Trước khi thẩm tra bản thân câu hỏi — bởi nó không thành thật cũng chẳng nhân văn — ta phải nhớ sự trỗi dậy của tiểu thuyết trùng với sự xuất hiện nhóm quốc gia độc lập. Khi những cuốn tiểu thuyết vĩ đại của thế kỉ mười chín đang hình thành, thì nghệ thuật tiểu thuyết chính là nghệ thuật quốc gia dù xét theo bất kì nghĩa nào. Dickens, Dostoyevsky và Tolstoy viết cho tầng lớp trung lưu mới nổi, họ là những người có thể nhận ra mọi thành phố, con đường, căn nhà, phòng ốc và mọi cái ghế trong mấy cuốn sách của những tác gia được cả nước kính trọng; nó có thể nuông chiều cho ta có được những niềm vui thoả giống như bên ngoài thế giới thực và nó bàn đến những ý tưởng giống nhau. Vào thế kỉ mười chín, tiểu thuyết của những tác gia quan trọng trước tiên xuất hiện trong mấy tờ báo quốc gia ở phần phụ thêm cho mục văn hoá, nghệ thuật, bởi các tác gia này khi ấy nói chuyện với cả nước. Bằng giọng trần thuật của họ, ta có thể cảm giác được nỗi bất an của kẻ yêu nước luôn khắc khoải trong lòng, ước ao sâu kín của họ là mong muốn đất nước mình phát triển thịnh vượng. Đến cuối thế kỉ mười chín, đọc và viết tiểu thuyết chính là tham gia vào cuộc bàn luận mang tầm vóc quốc gia về những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Nhưng ngày nay, hành động viết tiểu thuyết mang một nghĩa khác hẳn, và chuyện đọc tiểu thuyết văn học cũng thế. Thay đổi đầu tiên xuất hiện hồi nửa đầu thế kỉ hai mươi, khi việc dấn thân của tiểu thuyết văn học vào chủ nghĩa hiện đại đã giành cho nó một địa vị trong nền nghệ thuật cao cấp. Cũng quan trọng như vậy là những thay đổi trong lĩnh vực truyền thông mà ta đã thấy hơn ba mươi năm qua: Trong thời đại phương tiện truyền thông xuất hiện toàn cầu, nhà văn không còn là người cất lên tiếng nói trước nhất và duy nhất với tầng lớp trung lưu của chính đất nước họ, mà họ là những người có thể cất tiếng nói, ngay tức thì, với các độc giả của “tiểu thuyết văn học” trên khắp thế giới. Các độc giả văn chương ngày nay chờ đợi một tác phẩm mới của García Márquez, Coetzee hay Paul Auster cũng y như các bậc cha ông ngày trước trông chờ cuốn sách mới của Dickens — coi đó là tin tức nóng hổi nhất. Các tiểu thuyết gia văn học có lượng độc giả trên thế giới thuộc dạng đó lớn hơn rất nhiều so với lượng độc giả có thể chạm tới sách của họ ở trong nước.
Nếu ta khái quát hoá câu hỏi — nhà văn viết cho ai? — thì ta có thể nói họ viết cho độc giả lí tưởng của mình, cho những người thân thương của mình, cho chính mình hoặc không dành cho ai hết. Đây là sự thật, nhưng không phải là toàn bộ sự thật. Bởi ngày nay các nhà văn còn viết cho những người đọc sách họ nữa. Từ điều này ta có thể suy ra ngày nay các nhà văn ngày càng ít viết cho đa số những người trong nước (những người không đọc sách họ) hơn so với thiểu số độc giả trên toàn thế giới, những người hay đọc sách họ. Thế là ta biết: Những câu hỏi chọc tức, và những ngờ vực về ý định đúng đắn của nhà văn, tất cả đều phản ánh tâm trạng trạng bất an cho cái trật tự văn hoá mới hiện nay vốn được hình thành từ hơn ba mươi năm qua.
Những người thấy phiền nhất là những kẻ định hướng dư luận và những viện văn hoá ở các nước không thuộc phương Tây. Họ ngờ vực về thế đứng của mình trên thế giới, còn trên đấu trường quốc tế thì họ không sẵn lòng bàn luận về những cuộc khủng hoảng quốc gia hay những vết nhơ trong lịch sử của mình, những nhóm người như thế tất nhiên sẽ nghi ngờ những tiểu thuyết gia, những người nhìn lịch sử và chủ nghĩa dân tộc từ góc nhìn phi dân tộc chủ nghĩa. Theo quan điểm của họ, tiểu thuyết gia nào không viết cho chính độc giả trong nước thì người đó đang ngoại lai hoá đất nước cho “nước ngoài tiêu thụ” và tạo ra các vấn đề thiếu cơ sở trong thực tế. Cũng có mối nghi ngờ tương tự ở phương Tây, khi mà độc giả Tây phương tin rằng văn chương địa phương nên duy trì tính địa phương, thuần khiết và trung thành với cội rễ dân tộc; họ có nỗi sợ thầm kín rằng một nhà văn viết cho độc giả quốc tế và rút tỉa từ những truyền thống bên ngoài nền văn hoá của mình thì sẽ làm mất đi chân tính của mình. Người cảm nhận được sâu sắc nỗi sợ này là một độc giả mong mỏi được mở sách ra và tiến vào xứ ngoại quốc bị tách li khỏi thế giới xung quanh, mong mỏi được quan sát trận cãi nhau của nội bộ đất nước đó, cũng tựa như người ta thích nghe lóm nhà hàng xóm cãi nhau vậy. Nếu nhà văn lên tiếng cho một nhóm người đọc bao gồm cả những độc giả ở những nền văn hoá khác nói những ngôn ngữ khác, thì cõi tưởng tượng này cũng sẽ tan biến.
Bởi lẽ mọi nhà văn trong sâu thẳm lòng mình đều muốn viết chân thật, cho nên — ngay cả sau ngần ấy năm trôi qua — tôi vẫn thích được ai đó hỏi tôi viết văn cho ai. Tuy nhiên, trong khi tính chân thật của nhà văn phụ thuộc vào khả năng dấn thân vào thế giới anh đang sống, thì nó cũng phụ thuộc nhiều vào việc anh phải có khả năng hiểu được rằng vị thế bản thân anh cũng sẽ thay đổi trong thế giới đó. Không có một thứ độc giả lí tưởng, thoát ra khỏi nhãn quan thiển cận và không bị cản trở bởi những điều cấm đoán của xã hội hay những huyền thoại của dân tộc, cũng như không có một thứ tiểu thuyết gia lí tưởng. Thế nhưng — dù viết cho dân tộc hay cho quốc tế — thì bao giờ cuộc truy tầm độc giả lí tưởng của một nhà văn cũng bắt đầu bằng cách tưởng tượng vị độc giả ấy có tồn tại, và rồi bằng cách viết những cuốn sách mà tâm trí luôn nghĩ về người đó.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20130320

---------

GIÃ BIỆT!

Phần nhận xét hiển thị trên trang



Thôi về
một nắng hai sương
Trắng dòng sông
trắng vấn vương,
xanh rừng
Đỏ em hây hẩy má hồng
Mưa rừng gió bể
chút lòng nhớ thương
Chợ đời bán đục,
mua trong
Nhẵn bao nhiêu mặt
chưa mong nổi mình
Thôi về
vui với nắng lành,
chợ chim,
chợ cá,
chợ tình lao xao..
Ta đi đâu? ta đợi đâu
nơi kia dành đám lao nhao tụ về!
Đừng bận rộn
đừng nhiêu khê
Lẽ ra
đã tỉnh đã về
từ lâu!
phận lươn dụng chốn ao sâu
Thân chim đừng ngại non cao lắm ghềnh
Như quên đi một cuộc tình..
Với Hồ ly 
dại chút mình đa mang!


Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

CHÚNG ĐÃ SẴN SÀNG!

Phần nhận xét hiển thị trên trang


Hôm qua gặp phải thằng khùng
Đã ngu còn hách chưa từng gặp đâu!
Cò mồi ton hót lên cao
Ngỡ mình thánh họ văn hào xứ ta!

Giận người ta lại trách ta
Tiểu nhân vốn dĩ
bao la xứ này!
Đó kị, ghen ghét, hiểm cay..
Đã là sản vật xứ này thiếu chi?

Thời bấn loạn
Lắm nhiêu khê
Mong gì tâm phúc?
Mong gì hiền nhân?
Giữ mình đừng để lấm chân
Mấy thằng khùng đấy bất nhân:
sẵn lòng..





Thơ vớ vẩn!

Phần nhận xét hiển thị trên trang


Buồn buồn giở nắng ra phơi
Tưởng đâu nắng mới?
Vẫn trời nắng non!
Chưa huy hoàng
Đã hoàng hôn..
Vội vàng tráo đổi
Nguồn cơn hỡi người?
Lòng muốn khóc
Miệng ta cười!
Nắng ơi là nắng
Lạy trời nắng lên!!

Tham khao:

Phần nhận xét hiển thị trên trang


Đọc "Bóng anh hùng" - Trong lòng người còn có con sóng nào không?"

Câu chuyện thấm đẫm tình người, làm mắt tôi rướm lệ, vậy mà một số Đảng viên cốt cán, Cựu chiến binh ở Phú Yên lên án là "phản động". Điều đó cho thấy não trạng họ bị xơ cứng và con tim đã mù lòa. Mời bạn xem (Th09)

Bóng anh hùng
Truyện ngắn của DOÃN DŨNG
Đúng là tôi đã chết. Tôi đã thành con ma trên núi. Mẹ tôi nhận được giấy báo tử ở nhà, trong giấy ghi rõ tôi đã “hy sinh vì Tổ Quốc”.
Nhưng tôi thì luôn nghĩ rằng tôi đã chết vì mẹ mình. Chính mẹ đã đưa tôi đến thế giới lạ lùng này.
Xin các bạn chớ hoảng sợ. Người chết không hại được người sống. Người chết chẳng qua là người sống được chuyển đến thế giới khác, cũng có tình cảm và suy nghĩ như người trên trần gian. Sợi dây liên lạc giữa hai thế giới được thông qua một người có khả năng hiểu ngôn ngữ của người chết, như tay nhà văn này chẳng hạn. Hắn nghe tôi kể chuyện và chép lại bằng thứ ngôn ngữ các bạn vẫn hay dùng. Tuy vậy, nếu tình cờ đọc được câu chuyện này mà các bạn không tin thì cũng chẳng sao. Thường vẫn có quá nhiều câu chuyện được người ta kể như thật, nhưng thực ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Đã nhiều năm tôi không về thăm nhà, nơi trước đây tôi đã từng sống cùng mẹ. Đừng tưởng người chết rồi là hết, là chẳng còn gì để mà bận tâm. Nghĩ như vậy là sai lầm! Người chết vẫn về thăm nhà vào những dịp lễ tết, nhất là ngày giỗ của mình. Thằng Quý hằng năm vẫn sửa soạn ba lô về quê ăn giỗ mình, háo hức cứ như hồi còn sống được đi tranh thủ sau đợt bắn đạn thật đạt điểm cao.

Căn hộ của mẹ tôi bé xíu, không có nhà xí riêng, ở trên tầng năm của khu tập thể. Hồi còn bé, nửa đêm phải đi xuyên qua dãy hành lang lạnh lẽo hun hút gió, tối như hũ nút để đến được cái nhà xí dùng chung của mấy hộ gia đình là nỗi kinh hoàng của tôi. Không phải lần nào tôi cũng đến được đích an toàn, mà thường xuyên tè dầm dọc đường vì sợ ma. Tôi ao ước có một cái bô nhưng mẹ không mua. Mẹ bảo muốn rèn luyện tôi thành một người đàn ông mạnh mẽ.
Mẹ làm công tác xã hội ở phường. Hình như ở hội phụ nữa gì đó. Ban ngày mẹ đi họp, tối đến các gia đình tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch, về chính sách mới hoặc bài trừ mê tín dị đoan. Mẹ rất bận.
Nhà chỉ có hai mẹ con, bố hy sinh ở chiến trường B. Hồi đầu chỉ được báo là mất tích. Mãi chẳng thấy ông về, sau giải phóng người ta làm lễ truy điệu liệt sỹ cho ông. Đến ngày tôi nhập ngũ, mẹ tôi vẫn chưa biết mộ ông nằm chính xác ở đâu.
Một ngày cuối hè, cái ngày mà tôi nhận được tin trượt đại học, mẹ đi làm về gọi tôi lại, bảo: “Thắng này, mẹ đăng ký cho con nhập ngũ đợt này”. Tôi ngơ ngác: “Nhà mình thuộc diện chính sách. Sao con phải đi?” Mẹ mở túi, lấy ra một tập tài liệu đánh máy, mắt vẫn dõi theo những dòng chữ, mồm thủng thẳng: “Ở nhà lêu lổng rồi lại hư mất”. Tôi năn nỉ: “Mẹ cho con thi đại học một năm nữa”. Mẹ vẫn cắm cúi với đống giấy tờ, lạnh lùng nhắc lại: “Mẹ đã đăng ký cho con rồi”.
Tôi biết tính mẹ. Mẹ đã phải thay bố vật lộn nuôi tôi, cuộc sống và công việc bắt bà phải hà khắc với chính bản thân mình và con cái. Tôi lại là thằng nhút nhát, từ bé chưa bao giờ dám cãi lời mẹ. Tôi ngậm ngùi chấp nhận sự sắp đặt của bà.
Trước ngày nhập ngũ, phường tổ chức một buổi mít tinh tiễn đưa tân binh lên đường. Mẹ cùng hội phụ nữ tặng quà cho chiến sỹ. Mỗi người được hai cái khăn mặt bông và hai tuýp thuốc đánh răng Bông Lan cứng như đất đồi. Khi trao quà cho tôi, mẹ giơ tay ra bắt, lắc lắc mấy cái, nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng rất quan cách: “Chúc đồng chí chân cứng đá mềm, hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc”. Tôi không dám nhìn mẹ, tôi cúi đầu xuống lí nhí câu cảm ơn. Tôi thấy mẹ xa lạ vô cùng!
Hôm sau tôi lên đường. Sân vận động gần nhà, nơi tôi vẫn đá bóng buổi chiều, chật ních tân binh và người thân đưa tiễn. Đơn vị về lấy quân mang theo rất nhiều vệ binh. Người ta đọc tên và từng người bước lên xe trong vòng tròn mà đám vệ binh đứng làm hàng rào. Những chàng trai ngày thường đá bóng vẫn hùng hổ bắt nạt tôi, bỗng mềm yếu một cách kỳ lạ, thò đầu qua cửa xe, nức nở khóc.
Mẹ không đưa tiễn tôi. Sáng hôm ấy mẹ bận việc, bà phải đi hòa giải cho một đôi vợ chồng muốn ly dị. Tôi rất muốn mẹ có mặt ở đây, vào lúc này.
* * *
Cái hang Giời Đánh là nhà của tôi và Quý. Thực ra trước đây nó không có tên, hoặc có tên mà chúng tôi không biết. Lính tráng đặt tên cho cái hang này sau cái chết của chúng tôi.
Hồi ấy đơn vị tôi nhận nhiệm vụ tái chiếm một số điểm cao trong dãy núi đá vôi của mặt trận. Chỉ huy đã cho tập kết một lượng thuốc nổ khá lớn trong hang để phục vụ công tác chiến đấu. Quý là chiến sỹ bám trụ trên hang trước tôi. Tôi mới được điều lên sau vụ trốn đơn vị về ăn Tết. Nếu so với cánh lính trận nói chung, thì công việc coi kho này thật an toàn và nhàn hạ. Ban ngày chúng tôi ngủ, tối thức nhận hàng của cánh vận tải gùi lên. Địa hình ở đây hiểm trở và ngay sát nách địch, nên cánh vận tải chỉ có thể hoạt động vào ban đêm.
Cái hang này không lớn, rộng độ vài mét và sâu hơn hai chục mét. Trên vòm hang, nhũ đá tua tủa chĩa xuống như những tấm sừng lọc thức ăn của con cá voi khổng lồ. Trong cùng hang có một ngách nhỏ bằng phẳng như lát bằng phiến đá to. Lòng hang rộng chúng tôi dùng làm kho, còn cái ngách nhỏ để ngủ.
Tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày mười bốn tháng giêng, trời lạnh và mưa phùn. Đêm hôm trước chúng tôi nhận được một chuyến hàng lớn, cánh vận tải đông và hối hả hơn mọi khi. Những thùng gỗ thông màu xanh xếp chật lối đi. Sau khi kiểm đếm vào sổ sách xong thì trời sáng, chúng tôi chui vào ngách hang bắt đầu ngủ. Pháo địch bắn mạnh và nhiều hơn mọi hôm, tôi nghe thấy từng chặp, nổ từng loạt dài rền rền không dứt. Mạnh đến mức chúng tôi cảm nhận rõ sự rung rung chấn động của vách hang.
Ấy vậy mà chỉ năm phút sau chúng tôi chết, bất đắc kỳ tử như bị giời đánh. Cái chết không anh dũng, cũng chẳng hèn nhát nhưng lại nhạt toẹt. Một khối nhũ đá to hơn cột đình đã bị đứt chân do chấn động của cơn mưa đạn pháo, rơi thẳng xuống kích nổ đống vũ khí đạn dược bên dưới. Khối lửa bùng lên, tôi và Quý bị ép chết ngay lập tức. Ngách hang bị đá vùi kín mít. Lòng hang nóng bỏng, khói lửa quánh đặc như trong lò bát quái.
Vụ nổ khiến lòng hang biến dạng, vách hang rộng ra, vòm hang trơn tuột chẳng còn lấy một thanh nhũ đá, cứ như thể đứng trong một quả trứng khổíng lồ vậy.
Chúng tôi sang thế giới bên kia nhanh quá, chỉ trong nháy mắt, không từ từ, không hấp hối. Tim thôi đập và não ngừng hoạt động đến rụp một cái như tắt công tắc điện. Hồn tôi và Quý lìa khỏi xác, bật dậy nhìn nhau, rồi nhìn hai cái xác nát bét ri rỉ máu chảy của mình đang bị đá vùi lấp. Cả hai thằng đều không tin là thể xác mình đã chết, mình đã thành ma. Chúng tôi nhập lại vào xác, cố gắng lắm cũng không khiến được cái xác ấy cử động. Lạ thật! Vẫn thấy mình như đang sống, không chút đau đớn và có thể đi và nhìn xuyên qua vách núi.
Vậy là tôi đã thành ma. Ở những quả núi gần đó còn nhiều con ma khác, chúng đang ngủ. Ngày của dương gian là đêm của ma. Hai thằng chúng tôi chợt buồn ngủ rũ mắt, lục tục kéo nhau vào cái ngách hang đã bị bịt kín để tiếp tục giấc ngủ vừa bị cướp mất.
Ngủ một trận no mắt thì cánh vận tải mò lên. Mọi ngày giờ này cũng phải dậy để còn nhận hàng. Hôm nay cánh vận tải không gùi không khiêng gì cả, họ chỉ có đòn tre và võng, công cụ để vận chuyển thương binh tử sỹ. Họ lên tìm xác chúng tôi.
Một tay đứng trên đống đá vỡ vụn, soi đèn pin nhìn vòm hang nhẵn thín, thở dài: “Còn cái gì đâu, thành tro bụi cả rồi”.
Hai thằng chúng tôi thấy vậy gào toáng lên: “Ở đây, chúng tao ở đây”. Chúng tôi lồng lộn tìm mọi cách để báo hiệu nhưng người dương không nghe được tiếng người âm. Đám ấy như điếc lác cả một lũ với nhau. Chúng nhìn ngó một chặp, lấy đòn tre bới bới chọc chọc mấy cái rồi lắc đầu ngao ngán bỏ về.
* * *
Chết rồi tôi vẫn không nguôi giận mẹ.
Chỉ hai tuần trước đấy, mười giờ tối đêm ba mươi Tết tôi bò về đến nhà sau một chặng đường dài trốn tránh lực lượng kiểm soát quân sự. Mẹ đang làm cơm cúng tất niên, ngẩng lên thấy tôi lù lù đứng giữa nhà. Mẹ lạnh lùng hỏi: “Bỏ ngũ hả?” Tôi im lặng, không dám trả lời mà nhìn lên bàn thờ cầu cứu bố tôi. Trên ấy, khói hương nghi ngút, ánh mắt bố như hư ảo, không ấm cúng mà cũng chẳng ra lạnh lùng.
Tôi lăn ra ngủ vì mệt.
Pháo giao thừa nhà hàng xóm đã nổ. Hé mắt thấy mẹ đang lui cui đứng trên chiếc ghế đẩu treo bánh pháo ngoài cửa. Tôi định dậy thì đã thấy mẹ xòe diêm. Tiếng pháo ròn rã nổ váng óc. Ánh lửa lập lòe trong mắt mẹ.
Tôi quay lưng lại, trùm chăn lên đầu và ngủ tiếp. Mùng một, mẹ không nỡ mắng đâu mà lo.
Khoảng bốn giờ sáng, mẹ lay tôi: “Thắng, dậy đi cho sớm”. Tôi nhỏm dậy, giọng ngái ngủ hỏi lại: “Đi đâu hả mẹ?” Mẹ quàng cái khăn len lên đầu, thít mạnh một cái đầy vẻ cương quyết, nói: “Về đơn vị, mẹ sẽ đi cùng con”. Nói xong mẹ đứng lên, buộc túi bánh và con gà cúng lên ghi đông xe đạp. Trong lòng ấm ức vô cùng nhưng tôi không dám trái lệnh mẹ.
Đường phố Hà Nội sớm mùng một vắng tanh, phủ dày một lớp xác pháo. Thảng hoặc mới gặp một đôi trai gái đi chơi giao thừa về muộn trên chiếc xe Cub nổ pành pành. Cô gái ngồi sau thò tay vào túi áo khoác của bạn trai, ôm chặt, đầu giụi vào vai co ro vì rét. Mùi sương mai, mùi hương trầm, mùi thuốc pháo quyện vào nhau ngan ngát hăng hắc, ra mùi của Tết.
Hai mẹ con đèo nhau ra bến Nứa tìm xe khách với hy vọng mong manh. Những chiếc xe im lìm đỗ trong bóng đêm. Bến xe vắng lặng không một bóng người. Không tiếng rao đêm, không kẻ nhỡ độ đường, không cảnh chen lấn xô đẩy leo lên xe. Mẹ chạy đôn chạy đáo rút cục cũng tìm được người bảo vệ bến xe để hỏi. Kết quả như đã được đoán: không còn chuyến xe nào.
Mẹ đi ra, tóm lấy ghi đông xe từ tay tôi, lắc lắc mấy cái, rồi lại kéo lên dậm xuống như muốn kiểm tra độ chắc chắn của chiếc xe cà khổ. Mẹ nói: “Đi bằng xe đạp. Hai mẹ con mình thay nhau cho đỡ mệt”.
Nói thế nhưng mẹ lại đạp xe hướng vào thành phố. Tôi ngồi sau, hồ nghi: “Đi đâu thế mẹ?” Mẹ dứt khoát: “Lên đơn vị”. Tôi bảo: “Đây là đường về nhà”. Mẹ tôi như sực tỉnh, hấp tấp quay đầu, đổ xe. Tôi nhìn thấy ánh đèn đường phản chiếu trên gò má mẹ, trong một giọt nước đang lăn xuống.
Gió bấc lùa hơi nước từ dưới dòng sông lên lạnh buốt. Gió quất vào thành cầu ù ù. Tiếng quèn quẹt đều đặn của xích xe cọ vào gácđờxen cộng với tiếng rin rít của đôi pêđan khô dầu vang lên trong đêm tối mịt mùng nghe như tiếng ma hờn. Mẹ con tôi lùi lũi đạp xe vượt sông Hồng. Lúc này tôi mới khóc, vì giận mẹ hay thương mẹ? Có lẽ là cả hai. Sao mẹ không cho con ở lại ăn Tết rồi con sẽ đi. Con muốn ở nhà với mẹ.
Cứ kỳ cạch đạp xe như thế đến gần trưa thì tôi nghe thấy tiếng động cơ ì ì từ phía sau. Mẹ nhảy phắt xuống, đứng giữa đường quơ quơ tay chặn xe xin đi nhờ. Đó là chiếc xe Zil 130 mang biển quân sự, chở nhu yếu phẩm cho chiến sỹ trên biên giới. Tay lái xe hơn tôi vài tuổi, quân phục nhầu nhĩ, cẩu thả. Sau khi nghe mẹ tôi trình bày lý do, hắn cười ngất và đồng ý ngay tắp lự. Hắn giúp tôi treo chiếc xe đạp lên đằng sau thùng xe, buộc cố định lại. Xong hắn nháy mắt cười, châm chọc: “Ta lại lên đơn vị ăn Tết, hả?”
Đêm hôm ấy mẹ con tôi lên tới đơn vị. Mẹ giao tôi cho đại đội rồi lên tiểu đoàn thưa chuyện với chỉ huy. Sáng hôm sau mẹ nhất quyết đòi về, chả ai can được mẹ. Tôi dõi theo dáng mẹ liêu xiêu đạp xe xa dần cho đến khi mất hẳn. Đó là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy mẹ khi còn sống.
Buổi chiều tôi nhận được lệnh tăng cường lên hang trông kho thuốc nổ.
* * *
Tắt tiếng súng, cuộc sống ở chỗ chúng tôi cũng thay đổi dần. Không còn những người bạn mới xuất hiện. Những con ma hàng xóm cũng dần dần bị đội quy tập phát hiện rồi chuyển đi. Người ta xây một cái nghĩa trang to như khu đô thị cách đây mấy chục cây số. Xương cốt nằm đâu thì nhà ở đấy, Quý thỉnh thoảng xuống chơi với anh em rồi lại về. Tôi cũng kịp hiểu một điều, trong thế giới của chúng tôi, không phải ai cũng là anh hùng, không phải ai cũng đến thế giới này bằng cái chết oanh liệt. Tuy vậy, tất cả đều được đối xử bình đẳng. Có lẽ đó là điều dễ chịu nhất mà chúng tôi có thể tự hào về thế giới của mình.
Quý về quê ăn giỗ, lên mặc bộ đồ rất lạ, trông như quần áo của chú rể nhưng mầu lòe loẹt, cổ thắt một cái nơ trông rất Tây. Nó chạy chiếc xe máy màu mận chín đỗ xịch trước cửa hang, vẫn ngồi trên xe, lấy gót chân trái gạt chân chống rất điệu nghệ, gọi toáng lên: “Thắng ơi… Thắng”.
Tôi nhìn Quý không nén được cười. Quý kéo tôi lại chiếc xe, đẩy tôi ngồi lên rồi bảo: “Chạy thử đi, tiện lắm”. Tôi bảo: “Oách nhỉ, xe này chắc đời mới. Hồi tao với mày đi lính, nhà giàu mới có cái xe tám mốt kim vàng giọt lệ”. Quý phấn khích: “Thay đổi lắm, mày không tưởng tượng được đâu. Nhà tao năm nay khấm khá hơn, các cụ mới đốt cho tao chiếc xe này”.
Nói rồi Quý thần mặt ra, nhìn tôi bối rối như lỡ lời. Giọng nó trầm hẳn xuống, gần như là thì thào: “Sao mày không về thăm nhà?” Tôi không trả lời, chui vào ngách hang nằm. Quý mang cái xe máy xuống để dưới chân núi, mặc lại bộ quần áo cũ rách te tua, rồi chui vào nằm cùng tôi. Chẳng ai nói thêm một lời nào.
Thực ra là tôi đã từng về thăm nhà. Quý đi hôm trước thì hôm sau tôi cũng về, đúng hôm giỗ mình.
Tôi về đến nhà khi ấy trời đã tối. Cái hành lang hun hút năm xưa khiến tôi bật cười, chả có con ma nào ngoài chính tôi. Mẹ không có nhà. Mâm cơm cúng tôi đã nguội ngắt. Hương cháy rụi đến chân. Đồ cúng không có tiền vàng, không có quần áo mới. Tôi đang phải mặc chiếc áo bị hơi nổ xé rách như tổ đỉa nhiều năm nay, cũng thấy chạnh lòng.
Trong góc nhà, những tuýp thuốc đánh răng và khăn mặt bông được gói thành những suất quà. Tên thuốc đánh răng lạ hoắc chứ không phải Bông Lan như thời tôi nhập ngũ. Hình ảnh của mẹ khi bắt tay trao quà lại hiện về như mới hôm qua. Cơn hờn giận trào lên, tôi không đợi mẹ nữa, phi một mạch về núi rồi nằm lì trong hang cho đến khi Quý lên.
* * *
Mẹ lên tìm tôi. Cũng đúng vào dịp Tết xong, tôi nghe oang oang có giọng người ngoài cửa hang. Cái giọng quen quen, khuôn mặt của một người đàn ông như đã gặp đâu đó mà không thể nhớ ra. Đi sau là một người phụ nữ, vất vả trèo lên những bậc đá. Mẹ, đúng là mẹ tôi. Tôi định ào ra đón mẹ, nhưng nỗi giận hờn lại dìm tôi xuống, khóa chân tay tôi cứng đờ. Tôi nép vào vách đá như chạy trốn, mặc dù tôi có đứng trước mặt thì mẹ cũng không thể nhìn thấy tôi.
Người đàn ông kéo mẹ tôi lên miệng hang, chỉ: “Đây cô ạ. Chính là ở cái hang này. Lúc chúng cháu lên, chỉ còn toàn đá vụn”.
Tôi đã nhận ra hắn là ai, chính là tay lính vận tải năm xưa. Người chết không có tuổi, nhưng người sống thì già đi theo năm tháng.
Bao nhiêu năm rồi nhỉ? Mười năm kể từ cái đận mẹ đưa tôi về đơn vị để rồi tôi chết nhạt toẹt trong cái hang này. Mười năm khiến mẹ tôi già sụp đi. Tóc mẹ bạc phân nửa. Động tác của mẹ đã chậm chạp đi rất nhiều, nhưng vẫn dứt khoát mang dáng dấp của một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán.
Mẹ ngồi lặng lẽ thắp hương. Không khóc, không sì sụp khấn vái, mắt nhắm lại như thể hóa thạch. Tôi tấm tức khóc vì vẫn giận mẹ.
Một lúc thì mẹ về. Thằng Quý thấy tôi như vậy cũng không cười nói hi ha như mọi khi, nó đi ra đi vào mà chẳng biết làm gì.
Mấy hôm sau Quý bảo: “Chắc là cả kiếp ma ta ở cái hang này. Chẳng ai biết trong hang này vẫn còn xương cốt của ta. Mày cứ định như vậy mãi sao? Ra ngoài cho khuây khỏa rồi về thăm nhà đi. Lấy xe của tao mà đi cho tiện”.
Tôi nghe lời nó. Đi lại thăm bạn bè, nhưng không về thăm nhà.
Cuối năm ấy mẹ lại lên. Lần này đi rất đông, đủ cả cánh vận tải đêm xưa lên tìm xác chúng tôi, thêm một tay đại úy ở ban chính sách của tỉnh đội và một phụ nữ là nhà ngoại cảm.
Người phụ nữ nhắm mắt, lầm bầm cái gì đó trong miệng rồi bất chợt mở to đôi mắt ra. Tôi nhìn thấy mắt cô ta mầu xanh lục, sáng quắc như hai cái bóng đèn. Cơ thể của cô ta dần dần biến đổi, những mạch máu, dây thần kinh trông như búi dây điện. Nội tạng thành những bảng mạch và bóng đèn nhấp nháy. Cô ta như một cái vô tuyến, hoặc là cái điện thoại chứ không phải là con người bằng da bằng thịt.
Tôi và Quý ngồi yên một chỗ. Chưa bao giờ chúng tôi gặp một người kỳ lạ như vậy. Hình như cô ta đã nhìn thấy chúng tôi. Cô thông báo với mọi người: “Ở đây có hai vong. Trong ngách hang đằng kia”.
Mọi người nghe vậy nháo nhác.
Cô ta hỏi tôi và Quý:
- Hai vong tên gì?
Tôi bảo:
- Nguyễn Quyết Thắng – Tôi chỉ sang Quý – Còn thằng này là Nguyễn Đình Quý.
Thằng Quý mắt tròn vo, mồm dẩu ra vì ngạc nhiên, sợ rúm lại chẳng nói được câu nào.
Cô ta dịch lại lời của chúng tôi cho mọi người nghe. Mẹ tôi khuỵu xuống bất tỉnh. Tay đại úy giở sổ ra đọc gì đó, trời lạnh mà mồ hôi vã ra như tắm, gật đầu lia lịa: “Đúng rồi, đúng rồi”.
Họ bắt đầu đào bới cái ngách hang bị vùi lấp hơn chục năm. Một lúc sau thì mẹ tôi tỉnh. Mẹ gào lên: “Thắng ơi. Con ở đâu?” Tôi nói dỗi: “Con không về đâu”. Mẹ lao vào đống đá, dùng tay cào đá bật cả máu tươi. Mẹ khóc. Lần thứ hai tôi nhìn thấy nước mắt mẹ. Lần đầu lúc mẹ đánh đổ xe sớm mùng một Tết năm nào. Nhưng khóc thành tiếng thế này thì bây giờ mới thấy. Mẹ nức nở, không ngớt điệp khúc: “Con không về, mẹ chết không nhắm được mắt”. Khuôn mặt bà đau đớn, co rúm lại, toàn thân run bần bật khiến tôi thấy mình thật tàn ác.
Ánh sáng từ mắt của người phụ nữ ngoại cảm đã tắt. Búi dây điện lại trở thành mạch máu và dây thần kinh. Người ta không duy trì trạng thái này được lâu vì rất mệt. Cô ta trở về như những người bình thường và không thể nghe được chúng tôi nữa.
Mẹ ngồi bệt xuống nền đá lạnh, tựa lưng vào vách hang, đầu ngoẹo sang một bên, thẫn thờ. Tôi ngồi bên cạnh, ngả hẳn vào mẹ, luồn tay ôm lưng như thời thơ dại. Hình như mẹ cảm nhận được điều ấy, quờ quờ tay mấy lần tìm tôi. Mặt mẹ đã bớt tái, có chút sắc hồng nhưng đôi mắt vẫn buồn rười rượi, nhìn vô định xa xăm.
Đến trưa thì họ tìm thấy chúng tôi. Mẹ lại ngất khi nhìn thấy mảnh giấy có dòng chữ tôi viết tên tuổi, quê quán, đơn vị, hàn kín bằng ny lông rồi đút vào túi áo ngực trước khi lên hang. Mẹ bế từng khúc xương tôi vào lòng.
Xương cốt của Quý được tỉnh đội chuyển về nghĩa trang liệt sỹ. Nó về với anh em dưới ấy nên vui ra mặt. Quý định diện bộ quần áo chú rể cho sang, nhưng người ta lại mặc cho nó bộ quần áo khác, mầu đỏ có ngôi sao vàng ở ngực. Nó ngắm nghía bộ cánh mới và cũng thấy hài lòng.
* * *
Mẹ xin cho tôi về quê. Mẹ đã xây căn nhà ba gian trên quả đồi nhỏ, ở một vùng quê yên bình, nơi trước kia cả cha mẹ tôi từng sinh ra và lớn lên. Mẹ cũng đã tìm thấy cha và đưa ông về đây. Tôi ở gian bên trái, cha tôi ở gian bên phải. Gian giữa đóng khóa im ỉm. Trong buồng của tôi, mẹ đặt một cái bô tráng men trắng toát. Mẹ vẫn nhớ mong ước của tôi thiếu thời.
Cha không già hơn tôi là bao nhiêu. Khi ông chết cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi. Cha nhìn tôi, vỗ vỗ lên vai bảo: “Cha rất hiểu con”. Tôi không biết cha hiểu gì. Khi còn sống, chưa bao giờ tôi được gặp cha. Như đoán được sự nghi hoặc trong ánh mắt tôi. Cha trầm ngâm, giọng buồn buồn: “Đừng giận mẹ”. Ánh mắt cha lúc này khác hẳn, nồng ấm yêu thương chứ không hờ hững như trên bức ảnh năm xưa.
Hai cha con nằm ngắm bầu trời dày đặc sao. Có những ngôi sao sáng quắc, có những ngôi sao lập lòe như sắp tắt, còn cả những ngôi sao đã tắt mà mắt ma không nhìn thấy, như thể chúng cũng là những thân phận ở một thế giới khác nữa.
Một thời gian sau thì mẹ tôi mất. Tôi không bao giờ biết chính xác lý do gì khiến mẹ chết. Đó là bí mật của riêng mẹ. Cha con tôi đón mẹ về căn buồng giữa.
Mẹ vồ lấy tôi. Chỉ khóc.
Hôm ấy cũng là mười bốn tháng giêng, trời lạnh căm căm và mưa phùn ẩm ướt.
__________