Năm nay tết sớm hơn mọi năm. Tháng chạp ta chỉ có hai mươi chín ngày. Mồng một nắng ráo đi lễ ông bà, tổ tiên, thăm nội ngoại ba bề, bốn bên, đi lễ chùa.. Mồng hai trở đi mới có thể thăm viếng đi chơi chỗ nọ chỗ kia. Ngặt nỗi, từ mồng hai trở đi mưa phùn, nhưng nặng hạt. Ngoài đường lầy lội chả hơn gì ruộng cấy bởi trong tết đủ loại công nông, xe tải lớn nhỏ rồng rắn kéo củ dong giềng về các lò. Đường nhựa cấu kết với đường bê tông, đường đất, đường bờ nương tha lôi đất từng tảng, quyện vào đủ loại rác thải thành thứ hỗn hợp loãng trải khắp nơi.
Đã mưa, đường
sình lầy, nên chả ai muốn đi chơi vào lúc này. Đến ngày mồng sáu chọi trâu nếu
trời nắng, may ra mới có hứng chơi xuân.
Chúng tôi có bốn
người: Ông giáo Trong, cựu giáo chức của làng vẫn thường được tôn xưng “Cố vấn
chính trị” trong các vấn đề chính sách ngoài tầm kiến văn của dân quê. Cậu cả
sứt làm phó cả thợ xây gốc gác người Hoài Đức. Chu Văn Năng phó giám đốc công
ty TNHH chuyên sản xuất chiếu trúc, kiêm trưởng lò làm bột dong giềng. Và tôi.
Bốn người đủ để
trà dư, tửu hậu. Chúng tôi ở gần nhau, dù mưa gió đến đâu đến với nhau chả khó
khăn gì. Tuy là mỗi người mỗi nghề, vẫn có chuyện để nói với nhau.
Kính lão đắc
thọ, ông giáo Trong được nhường khai mào câu chuyện đầu xuân. Chuyện của ông
bọn tôi nghe chả khác gì như vịt nghe sấm. Nào chuyện Nga sắp sửa bàn giao cho
ta hai chiếc tầu ngầm lớp kilo.. Đến chuyện Thay đổi chính quyền ở xứ Mian ma.
Đất nước thấm nhuần tư tưởng Phật giáo
nên chuyển đổi êm thấm, không đẫm máu như mùa xuân Ả Rập, hay bát nháo như xứ
Tuyniri.. Tiếp đến là chuyện góp ý sửa đổi hiến pháp của nước Việt Nam mình..
Cậu Cả sứt sốt
ruột bèn bảo:
- Thầy học rộng,
biết nhiều, nhà lại có intenét cái gì mà thầy chả thông? Cứ như bọn em đây các
chuyện đấy chả mấy quan tâm. Ở đâu, thời nào cũng cần có người làm vua, có
người làm dân. Vua sáng, tôi hiền dân được phận nhờ. Vua ác, bề tôi điên đảo
thì dân khốn khổ. Còn như việc góp ý góp iếc chả biết có góp được gì và có ai
nghe không? Như em chả biết góp thế nào? Cái này phải có các chuyên gia. Những
người học rộng tài cao, chứ nông văn dền như bọn em biết gì mà góp ý ?
Cậu vừa dứt, bị
ông giáo chỉnh ngay:
- Nhà anh nói
thế là sai quan điểm. Không phải bỗng dưng mà “ông trên” mở đợt vận động toàn
dân, lấy ý kiến. Hiến pháp là việc quốc gia đại sự, người dân ai cũng phải đóng
góp, sao lại thờ ơ, vô cảm thế được? Chả trách dân mình nghèo, lại khổ mãi!
Trăm đường cũng từ dân trí thấp mà ra. Hiến pháp là cái đụng chạm đến quốc kế
dân sinh, tồn vong của đất nước, hạnh phúc hay đau khổ của người dân, mình biết
đến đâu cứ mạnh rạn góp ý chứ?
Cả sứt đúng là
thợ Hà Tây, “vừa xây vừa trát”, chữa ngượng ngay:
- Thầy nói
chuyện gì chúng em còn tham gia.. Chuyện “chính trị chính em” khó khó là.. Với
lại ngày đầu xuân năm mới chỉ nên nói chuyện vui thôi thày ạ!
Tôi thấy cậu Cả
sứt bảo thế cũng phải.
Tết nhất nên nói
chuyên làm ăn cho nó lành!
Câu chuyện của
chúng tôi chuyển qua chủ đề khác nhờ có Chu Văn Năng có mặt từng làm bột dong
giềng. Năm ngoái cuối năm anh thắng đậm, kiếm được vài trăm triệu nhờ làm bột
dong giềng. Năng mở tiệc chiêu đãi bọn tôi khá hậu. Cuối năm nay chả hiểu làm
sao, lại im thin thít. Nghe nói người làm bột dong năm nay lỗ nặng vì giá bột
xuống, lại kém đầu ra.. Tất nhiên người trồng loại cây cũng thất bát. Bột không
bán được giá, còn ai mua về làm?
Câu chuyện
chuyển qua số phận cây dong giềng. Chu
Văn Năng thông thạo kĩ thuật làm bột, nhưng câu chuyện về cây dong anh chả biết
được bao nhiêu. Cả sứt ngoài việc “vừa xây vừa trát” cũng mù tịt. Còn tôi ngoài
chuyện nhớ lại cách đây hơn chục năm đã có người làm bột dong rồi, chả biết gì
hơn. Hồi đó chưa có đường, có điện. Mạn trên Minh Khai, dưới Liên Châu có người
xây hàng lô bể dưới mép nước bờ sông để làm tinh bột. Tôi có tò mò đi xem thấy
vất vả, đầu tư tốn kém quá nên không định theo. Không như bây giờ đầu tư tiền
tỉ, quy mô lớn, đua nhau làm.
Không ai ngờ ông
giáo Trong lại biết nhiều, tỉ mỉ đến vậy. Sau đây là lược ghi câu chuyện của
ông:
“- Không ai nhớ
rõ là cây dong giềng ( Còn gọi là cây đao, cây đót ) có mặt ở Tuyên Quang và các
tỉnh miền núi phía bắc từ thời nào? Nhưng chắc chắn nó có nguồn gốc từ xứ sở
nhiệt đới Đông Nam Á như cây lúa nước cùng các giống họ khoai. Khác hẳn với cây
ngô nghe nói gốc gác từ xứ Mỹ La Tinh..
Nhưng chắc chắn
nó có từ thời Vua Hùng Vương dựng nước. Là một trong những cây lương thực được
trồng rộng rãi ở nhiều nơi trong nước. Thứ cây không kén đất, chỗ nào nóng ẩm
là lên ầm ầm. Không thích hợp với thời tiết giá rét, chỉ trồng vụ duy nhất vào
đầu xuân, độ ngoài rằm tháng giêng ta. Loài cây không có bất kỳ loại sâu bọ nào
hại nó ( Có lẽ là do nó kháng bệnh, kháng khuẩn nhờ endim tự nhiên nào đó ). Kể
cả trâu bò thả rông cũng không bao giờ động đến thứ cây này. Nó là giống cây
vốn dĩ dành cho người nghèo bởi không cần chăm sóc cầu kì, năng xuất lại cao.
Ở miền núi do độ dốc cao, cây chỉ tồn tại ở
một số nơi, dọc các thung lũng, khe suối. Người dân trồng cốt để ăn chơi. Không
giống như dưới trung du, đồng bằng như: Phú Thọ, Sơn Tây, Hòa Bình.. Có thời là
cây lương thực quan trọng. Năm mất mùa củ đao có lúc phải ăn thay cơm cùng
khoai sắn! Không mấy nhà không có loại cây này. Chỗ nào hở ra là trồng. Dọc
hàng rào, ven lối đi, thậm chí xó xỉnh tẻo tẹo không thể trồng cây gì khác.
Đúng là một loại cây dễ chịu, dễ trồng!
Có hai loại đao
ta và đao tây. Cách gọi đó chưa hẳn đúng, chỉ cốt phân biệt hai loại cùng họ
đao. Đao ta cây thấp, thân mềm củ dài như ngón tay, mọc thành chùm quanh khóm.
Loại này này trắng, tính hàn. Luộc lên ăn có vị giòn, vị mát ngọt. ( Còn gọi là
củ tinh tinh). Bột tinh tinh rất dễ lẫn với bột sắn dây, nếu người tiêu dùng
không tinh ý. Nó có tỷ trọng nặng gần gấp rưỡi bột sắn dây. Thường được dùng
pha chế khi làm giò chả. Nhà hàng thiếu lương tâm có khi dùng nó thay bột sắn
dây vì giá của nó chưa bằng một phần năm bột thứ thiệt.
Đao tây thân cây cao, cũng họ thân mềm mọc
thành khóm, củ đẻ ra quanh gốc giống như củ giềng. ( Có lẽ vì thế mà gọi là
dong giềng ). Loại này nếu luộc lên ăn rẻo và bùi. Ngoài việc dùng làm các loại
miến, kể cả miến cao cấp hoặc luộc “bộ”, ăn như vừa nói không dùng được vào
việc gì. Bột nó dẻo, trong, dễ vón cục không dùng pha chế các thực phẩm khác..
Sau cải cách mở
cửa, vùng quê Quế Dương, Cát Quế, Sấu Giá của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành
phố Hà Nội có thêm nghề làm miến. Cây đao tây, đót đỏ nghiễm nhiên ngồi vào
ngôi vị của mình. Cả một vùng trở nên trù phú. Nhà nhà làm bột. Nhà khá hơn đầu
tư thiết bị làm miến. Miến sợi nhỏ, miến sợi to có mặt.
Thứ gọi là “miến
Tàu” thực ra là được sản xuất ngay từ vùng quê này và một số địa phương của
tỉnh Hà Bắc cũ. ( Gồm hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang bây giờ ).
Sợi miến dẻo,
trong suốt, ăn có vị béo đậm. Ai đã một lần thưởng thức miến lươn, miến ngan,
miến ngũ vị hẳn sẽ chẳng bao giờ quên. Ăn rồi khoan khoái nhẹ nhàng, dư vị còn
ngòn ngọt nơi đầu môi, chót lưỡi.
Thời đó chưa có
phụ gia, hóa chất dùng ào ào, bừa bãi như bây giờ. Tất cả làm thủ công, cầu kì,
cẩn trọng. Tất nhiên là năng xuất, tốc độ không cao và giá thành khá đắt. Chỉ
người khá giả mới là “thượng đế” tiêu dùng thường ngày. Người khó khăn chỉ dám
mua dăm ba lạng mỗi khi tết đến, xuân về cho gọi là có hương vị ngày xuân!
Ở Tuyên Quang
cây đót được trồng nhiều kể từ khi sự có mặt bà con người Hoài Đức Hà Tây lên
khai hoang, lập vùng kinh tế mới. Điều này gần như là điều hiển nhiên, vì Dương
Quế, Cát Quế, Sấu Giá là các xã lân cận của huyện Hoài Đức lúc bấy giờ..”
Nghe đến đây,
chủ lò Chu Văn Năng tò mò hỏi:
- Cụ tường tận
thế, chắc cụ rõ vì sao năm nay giá bột tự dưng tụt không ạ:
Cụ giáo Trong
cười:
- Cái chết của
bà con mình là ở chỗ ấy. Làm ăn, sản xuất mà không nghiên cứu thị trường! Năm
ngoái thấy người ta kiếm được thế là đua nhau dựng giàn máy hàng trăm triệu
đồng. Giả dụ giá cả vẫn ổn định thì cũng là cách chen nhau vào chỗ chật. Giá
xuống là lỗ cả đám, không thể đổ cho suy thoái lạm phát ảnh hưởng. Suy thoái
lạm phát ảnh hưởng nặng nơi phố thị, doanh nghiệp lớn chứ vùng nông thôn chỉ bị
nhẹ thôi..
- Ý cụ nói cháu
chưa hiểu?
- Cứ từ từ tôi
nói cho mà nghe. Có khi nào anh nghiên cứu xem ngày trước bột làm thế nào
không?
- Hồi trước sơ
sài lắm. Có nơi chỉ làm trục gỗ, đóng đinh dăm để sát bột, năng xuất thấp lắm
cụ ạ. Bây giờ không thể theo!
- Đúng là thế
thật. Nhưng ăn ít no lâu. Bột người ta không đổ Axít colorua vào để lọc như
đang làm bây giờ. Sợi miến làm ra tuy không được trắng như bây giờ nhưng không
có hóa chất độc hại nên thị trường không chê.. Mấu chốt là ở chỗ này! Khi người
tiêu dùng thông minh, không phải bán bất cứ hàng hóa gì người ta cũng mua. Nhất
là thực phẩm tiêu dùng. Không phải ngẫu nhiên mà chợ tết năm nay hoa quả nhập
từ bên kia bên giới rất ít bày bán. Vì không có người mua chứ sao? Không phải
giống hoa quả không tốt, tại ủ thuốc cho tươi lâu, mới sinh chuyện đấy. Cái này
ai không biết? Chẳng qua các bác không chịu liên hệ với việc của mình. Nói
chuyện chính trị lại cứ cho là chuyện viển vông. Thực ra nó can hệ đến đời sống
hàng ngày. Luật pháp quy định những việc cấm không nên làm. Người dân chỉ có
thể làm những điều luật không cấm..
- Cụ nói cháu
chưa hiểu?
- Thì việc đưa
hóa chất vào làm bột là gây ảnh hưởng sức khỏe con người, là phạm pháp chứ sao
nữa? Miến làm từ bột bây giờ tuy trắng, nom đẹp mắt mà không người muốn mua..
Ngay việc gây ô nhiễm môi trường, thông cảm bà con mình còn nghèo, người ta còn
nới lỏng. Nếu đúng quy định liệu phỏng có làm thế được không? Cũng là vi hiến
cả đấy!
Chu Văn Năng tái
mặt không nói gì.
Cả sứt thì vô
duyên hơ hơ cười:
- Đi qua những
chỗ làm bột thối không chịu được. Nước thải ra sông suối đen ngòm. Dòng sông
xanh trong là thế mà giờ như pha mực Tàu. Nước ngập đến đâu cây cối chết rụi
đến đó.. Thày giáo nói không sai vào đâu được..
Còn tôi nhớ lại
một chuyện. Trong năm có mấy cậu đài truyền hình ghé chơi nói là đi quay một
phóng sự về ô nhiễm môi trường do tác động của các cơ sở làm bột. Lúc bấy giờ
không hiểu sao mình lại có ý muốn ngăn cản họ. Có lẽ mình ngại làm vậy hàng
chục cơ sở vừa mới dựng giàn máy, chưa kịp làm thu hồi vốn sẽ phải ngưng sản
xuất. Như vậy có nghĩa là hàng trăm con người lâm vào cảnh phá sản, vỡ nợ vì
vốn liếng phần nhiều vay ngân hàng! Không biết do mình nói, hay vì chuyện gì
khác, phóng sự ấy không thấy phát trên đài.
Số phận cây dong
giềng hóa ra lại thật oái oăm!
Muốn nó thông đồng bén giọt có lẽ phải có cách
gì đấy để không dùng hóa chất. Cần có phụ gia an toàn cho sức khỏe con người.
Lại còn xử lý chất thải sao cho không ô nhiễm nữa!
Thật đáng tiếc,
mình không phải nhà khoa học hay ít ra là anh kĩ sư nông nghiệp có kiến thức
tối thiểu về hóa hữu cơ..
Ly rượu xuân đầu
năm mới của bốn chúng tôi bắt đầu như thế. Ngoài trời mưa nhẹ dần, có thể ngày
mai trời sẽ nắng lên!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét