Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Đặc khu kinh tế




Đưa nạn nhân ra khỏi khu nhà sập, 24/06/2019.

Tôi vội vã rời Sihanoukville, nơi mà theo trí nhớ của cha tôi khoảng gần 40 năm trước là một làng chài yên bình với biển xanh và cát trắng ở phía Nam Campuchia.
Lúc ngồi ở phòng chờ, anh tài xế thông báo cho tôi biết vụ một công trình cao ốc đang xây dựng được 8 tầng vừa đổ sập.
"Có ít nhất 30 người bị vùi lấp, cả người Campuchia và người Trung Quốc", anh tài xế thông báo cho tôi sau khi hóng hớt từ hiện trường về với 3 tấm ảnh chụp bằng điện thoại.
Ngay trên bờ biển vịnh Thái Lan, nơi cách xa Trung Quốc hàng ngàn cây số, tôi vẫn cứ ngỡ như lạc vào nơi nào đó kiểu như một thành phố của người Trung Hoa. Thật kỳ lạ, khắp nơi là người Trung Quốc, biển quảng cáo 100% chữ Trung Quốc; đến cả những tờ rơi dán trên tường tole các công trình cũng là chữ Trung Quốc. Chữ Trung Quốc áp đảo cả chữ Campuchia trên các biển quảng cáo, còn chữ Latin thì vô cùng hiếm hoi.

Nhìn từ trên cao, Sihanoukville những ngày tháng 6.2019 là một đại công trường. Đường sá ngột ngạt vì tràn đầy xe ô tô hàng lỗi mốt phiên bản từ thập niên 2000, lộn xộn và thiếu trật tự. Kinh khủng nhất là bụi bặm và nước thải ô nhiễm tràn ngập đường phố. Mức độ ô nhiễm thì Sài Gòn phải gọi bằng cụ nội, bẩn chưa từng thấy.
Tất cả các cao ốc được xây dựng ở các tuyến đường trung tâm đều là của người Trung Quốc. Có đến hàng ngàn công trình như thế đang xây dựng mà nếu nhìn từ bên ngoài, các kỹ sư xây dựng của Việt Nam sẽ hết hồn với những kết cấu của các toà nhà này. Cột bê tông 30 - 40 cm trụ những tòa nhà cao hàng chục tầng thì chuyện sập đổ cả một công trình là dễ hiểu.
Ảnh: Matt & Maider
Những người Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư hàng tỉ USD vào Sihanoukville, và chỉ sau vài năm, làng chài yên bình đã biến thành một đại công trường khổng lồ và trên đường phố người Trung Quốc nhiều hơn người Campuchia. Những người Campuchia tôi gặp, họ có vẻ không vui.
"Người Ý, Anh, Pháp... họ không đến đây nữa", anh lái xe tuk tuk chở tôi từ bến cảng về trung tâm than thở. Mỗi cuốc xe 10 USD chở khách của anh bây giờ vất vả hơn vì đường sá lúc nào cũng kẹt và bẩn, khói bụi và nước thải tràn ra đường tạo nên một bầu không khí đặc quánh ô nhiễm.
"Tôi mà là thủ tướng, tôi không cho họ xây dựng kiểu này đâu, sập là chết hết", anh tài xế đưa tôi xem mấy tấm ảnh trên điện thoại anh vừa chụp được ở hiện trường vụ sập công trình.
Chiếc Innova biển Việt Nam (67A) phóng đi giữa liên hoan bụi bặm trên thành phố của người Trung Quốc trên đất Campuchia. Ở cửa ngõ thành phố, người ta dựng một biểu tượng hơi giống cánh buồm với dòng chữ tiếng Anh "Chào mừng đến với đặc khu kinh tế Sihanoukville".
Tôi truy cập vào Phnompenh Post để tìm thông tin về vụ sập nhà, không thấy dòng nào. Một lát sau thì báo Việt Nam bắt đầu đăng tin đã tìm thấy 3 thi thể đầu tiên, đều là người Campuchia.
Vài tiếng sau, số người chết đã lên đến 17 người, 24 người bị thương và hàng chục người mất tích.
Chiếc Innova rời thành phố, mang theo lời tạm biệt của tôi, không hẹn ngày gặp lại.
ĐẶNGSINH 23.06.2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhớ Phạm Toàn





Nhà văn Phạm Xuân Nguyên dìu nhà văn - dịch giả Dương Tường viếng bạn.
Thế là Phạm Toàn đi rồi, đi trước rồi.

Ngoảnh đi ngoảnh lại, thấy mấy thằng đàn đúm với nhau ngày nào chỉ còn Dương Tường, Xuân Khánh và mình. Cái nhóm bất trị, không chịu chui vào bất cứ cái lồng nào, dù sang trọng đến mấy, không ít lần làm phiền lòng các vị chăn dắt thần dân, đã lần lượt ra đi.

Một lớp mới, đông đảo hơn, thông minh hơn, giỏi giang hơn, dũng cảm hơn, luôn bù vào chỗ trống. 

Nên vui. Không nên buồn.

Tôi quen “thằng Trâu Điên” lâu lắm rồi, đã quá nửa thế kỷ. Gọi nó là Trâu Điên là nhại cái tên Châu Diên nó tự khoác vào mình để tự giễu cái tật mê thuốc lá thơm dạng điếu của Trung Quốc, dường như từ âm Xiào yãn thì phải. Mà nó điên thật trong cái mộng mơ không dứt. Bắt đầu bằng mê văn chương để được ngay một giải thưởng cho tập truyện ngắn "Con nhện vàng" (nhà xuất bản Thanh Niên, 1962), ra sau "Mái nhà ấm" (nhà xuất bản Văn Học, 1959) không ăn cái giải nào. Mãi bốn chục năm sau mới quay về văn chương, với tiểu thuyết Người Sông Mê (nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2003). 

Thế rồi bất thình lình, vào giữa thập niên 60 thế kỷ trước, Trâu Điên đùng đùng nhảy vào lĩnh vực giáo dục là thứ chẳng bao giờ nó nói tới, chẳng bao giờ say mê. Bạn bè cười rũ:

- Mày điên thật rồi. Có thể nào đi theo một thằng cha chủ trương “Giáo dục là công nghiệp, học sinh là sản phẩm của công nghiệp ấy”. Sản phẩm là thứ để dùng, không phải là cái biết sáng tạo. Marx có một giấc mơ tuyệt vời, tuy nhiều không tưởng: “Đưa con người từ vương quốc tất yếu qua vương quốc tự do”.

Nhưng Trâu Điên không nghe. Không là không.

Sau này, nhiều năm qua, hình như ngẫm nghĩ thấy điều bạn bè nói là đúng, mới tự mình kéo anh em đồng thanh tương khí lập ra nhóm Cánh Buồm, lo việc viết sách giáo khoa cho một nền giáo dục ngọng ngoẹo không bao giờ thừa nhận sách giáo khoa không phải do nền giáo dục ấy miệt mài lập ra. Người ở cái nền giáo dục triều đình hí hoáy viết hết dự án này đến dự án khác, lấy tiền đút túi cái đã, rồi mới soạn cho những giáo khoa thay đổi xoành xoạch.

Tôi không khóc Phạm Toàn. Thằng này chúa kỵ nước mắt. 

Đừng điên thêm nhé, ở thế giới mới! 

VŨ THƯ HIÊN 29.06.2019


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TỄU - BLOG: DÂN LONG HƯNG CHUẨN BỊ QUAN TÀI, QUYẾT TỬ GIỮ ĐẤT

TỄU - BLOG: DÂN LONG HƯNG CHUẨN BỊ QUAN TÀI, QUYẾT TỬ GIỮ ĐẤT: Cơ quan công quyền tiếp tay doanh nghiệp cưỡng chế đất dân. Ảnh: CTV/ PLTP Dân Long Hưng chuẩn bị sẵn qua... Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỀ NGHỊ PHONG TẶNG "ANH HÙNG LIỆT SĨ" CHO BÀ HOA



Nỗi đớn đau tột cùng của gia đình người phụ nữ đi cứu rừng bị thiêu cháy 

Báo Nghệ An
30/06/2019 21:05 

Trong lúc mang nước tiếp sức cho con trai và hỗ trợ các chiến sĩ dập lửa, bà Hoa đã bị ngọn lửa bủa vây và thiêu cháy. Chồng và các con bà quá đớn đau trước cái chết thảm của bà. 

Cùng con trai vào dập lửa cứu rừng, một phụ nữ Nghệ An đã tử vong

Khoảng 8 giờ 30 phút, đám cháy bùng lên trên địa bàn các xóm Thung Huyện, Eo Vòng, Khe Khế thuộc xã Nam Kim, Nam Đàn. Người dân đã tri hô nhau và cùng nhau lên rừng để dập lửa, một trong số đó có anh Trần Đình Kỷ (con trai bà Nguyễn Thị Hoa sinh năm 1964 ở xóm Thung Huyện) là một trong những người phát hiện đám cháy đầu tiên và lao lên dập lửa.
  
Không khí tang thương bao trùm căn nhà bà Hoa. Ảnh: Quang An 
Thấy trời nắng nóng, thấy con chạy đi dập lửa vội vàng nên bà Hoa đã chuẩn bị nước uống để lên tiếp sức cho con trai và cùng dập lửa với mọi người.

Ông Trần Đình Niệm - chồng bà Hoa nghẹn ngào trước mất mát quá lớn. Ảnh: Quang An 
Tuy nhiên, thời điểm bà Hoa leo đến đám cháy thì ngọn lửa đang cháy mạnh, gió thổi liên tục khiến lửa lây lan cực nhanh. Vào khoảng 10 giờ, đám cháy bùng mạnh tại nơi bà Hoa đứng và cuốn vào bà. Bà Hoa đã cố gắng vùng vẫy để chạy thoát nhưng do sức yếu, cộng với địa hình dốc đứng, bà đã bị ngọn lửa thiêu trọn, tử vong tại chỗ. 

Mãi đến 13 giờ chiều, khi ngọn lửa cơ bản được khống chế tại điểm cháy của bà Hoa, thi thể của bà Hoa mới được các lực lượng chức năng đưa xuống. Tiếng khóc xé lòng ai oán khắp vùng quê nghèo khi chứng kiến người phụ nữ vì lo cho con cái, vì trách nhiệm bảo vệ rừng mà phải hy sinh thân mình...

Người con trai liên tục đập đầu vào quan tài vì cho rằng vì anh mà mẹ bị thiệt mạng.
Ảnh: Quang An 
 
Đám tang bà Hoa được người thân và hàng xóm chung tay dựng vội. Trong ngôi nhà của mình, ông Trần Đình Niệm - chồng bà Hoa đau đớn không nói nên lời, người con trai Trần Đình Kỷ thì liên tục đập đầu vào quan tài, gào lên: "Mẹ ơi, vì con mà mẹ phải chết, con đã bảo mẹ không phải lên dập lửa mà... mẹ ơi..." 

Đến 16 giờ chiều nay, 3 người con của bà Hoa đang làm công nhân tại Đồng Nai mới về đến nơi chịu tang mẹ. Những đứa con khóc ngất ngay từ ngoài cổng khi nhìn thấy linh cữu của mẹ đã được đặt ở giữa nhà.

Người con gái từ Đồng Nai khóc ngất vì sự ra đi quá đột ngột của mẹ. Ảnh: Quang An 

Trước mất mát quá lớn, lãnh đạo xã Nam Kim đã kịp thời đến chia sẻ, động viên với gia đình. Ông Trịnh Xuân Hưng - Chủ tịch UBND xã Nam Kim cho biết: Khi xảy ra vụ cháy, mọi người đã cố gắng kéo bà Hoa ra khỏi đám cháy nhưng không thể vì lửa quá mạnh. Bà Hoa đã vì lợi ích chung của cộng đồng mà đã hy sinh thân mình để góp phần giữ được diện tích rừng trên địa bàn xã, chúng tôi vô cùng trân trọng và sẽ hỗ trợ gia đình lo việc tang gia.

Quang An

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tục mua bán danh vị ở làng quê xưa diễn ra như thế nào?


 
Ngôi thứ được làng đem ra mua bán vào những dịp làng cần tiền chi tiêu cho việc công, ví dụ như tu sửa đình chùa, đóng quốc trái…
Trong sách Nhân danh tập chí tài liệu về tổ chức và tục lệ Bắc kỳ, tác giả Phạm Xuân Lộc cho biết xếp hạng ngôi thứ và tục mua ngôi thứ ở làng xã xưa, mà phần lớn được lấy dẫn liệu từ làng quê của tác giả là xã Dịch Vọng Tiền, Hà Đông.
Phạm Xuân Lộc (có chỗ ghi là Phạm Quang Lộc) được biết là một nhà trí thức Nho học có mối quan hệ với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO) tại Việt Nam vào hồi đầu thế kỷ trước.
Xếp hạng ngôi thứ
Tác giả cho biết, ngôi thứ trong làng chia ra làm 3 hạng: Thượng hạng, trung hạng và hạ hạng.
Thượng hạng gồm chức sắc (những người làm việc quan được vua ban sắc ban cho hàm phẩm) còn gọi là ông Bá, ông Cửu, ông Bát, hoặc những người đỗ tú tài, cử nhân, phó bảng…
Trung hạng gồm chức dịch (những người làm việc quan nhưng chưa được vua ban phẩm hàm) như chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý, hương trưởng.
Tuc mua ban danh vi o lang que xua dien ra nhu the nao? hinh anh 1
Các chức sắc, chức dịch của một làng quê Bắc kỳ đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.
Kỳ mục bao gồm hai thành phần trong làng, một là những người từng giữ các chức lý trưởng, phó lý, hương trưởng, chánh tổng, phó chánh… làm việc lâu năm, độ tuổi 60 trở lên. Hai là những người có thâm niên, thông thạo những công việc nhà quan. Mỗi làng có một hội kỳ mục tham dự vào mọi công việc.
Thí sinh, học trò đi thi đỗ nhất trường, nhị trường (còn gọi là ông Nhiêu, được miễn trừ đắp đê, phu dịch).
Hạ hạng chỉ những người không làm việc quan, những người 55 tuổi trở lên gọi là lão hạng (có lệ phải khao vọng). 60 tuổi trở lên xếp vào hàng bô lão được miễn trừ sưu dịch. Già hơn nữa mà đứng vào hàng cụ trùm (số cụ trùm tùy nơi là quy định khác nhau, có làng đặt lệ 5 người có làng 8 người có làng 10 người).
Trương tuần, ông Từ (coi đền)… dân đinh cũng xếp vào người hạ hạng.
Tục mua bán ngôi thứ trong làng
Tác giả cho biết, những người làm việc quan, việc làng là những người có chức vị (chức sắc, chức dịch). Còn danh vị chỉ những người do mua bán công hoặc đóng góp vật chất mà có.
Trùm trưởng là người thuộc hàng các cụ. Danh vị này ở làng quê đâu đâu cũng có. Người cao tuổi nhất trong số các trùm trưởng được dân làng tôn kính nhất, thường gọi là cụ nhất, người cao tuổi thứ 2 gọi là cụ nhị.
Khi trong số 10 trùm trưởng có một cụ qua đời (có làng 8) thì làng sẽ chọn người cao tuổi thứ 11 đưa lên để cho đủ số 10 cụ. Khi được lên trùm, người thứ 11 này phải sửa soạn một cái lễ, hoặc là một con lợn với một con gà, hoặc một chiếc thủ lợn cùng một mâm xôi với một hai con gà, kèm theo trầu cau rượu, toàn bộ lễ vật ước khoảng trên 6 đồng bạc. Sai người nhà ra đình dâng lên lễ thần, xong gióng hồi trống thúc mời toàn thể dân làng từ già tới trẻ kéo nhau ra đình tề tựu. Người mới được lên trùm mời dân làng ăn uống. Khi ấy mới chính thức lên trùm.
Sau khi mời dân làng ăn uống, cụ trùm mới lại làm bữa cỗ mời các trùm trưởng và các kỳ mục trong làng. Bữa cỗ này tính ra khoảng 10 đồng.
Tuc mua ban danh vi o lang que xua dien ra nhu the nao? hinh anh 2
Một lý trưởng làng quê Bắc kỳ đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu.
Kỳ mục là danh vị mà ở bất cứ làng nào cũng có. Những người đã làm quan như hương trưởng, lý trưởng, phó lý, chánh tổng, phó chánh… đã làm được 3 năm chưa từng bị trách phạt mới được dự vào hạng kỳ mục.
Người dân giàu có mua sắc hàm cửu phẩm để trở thành bá hộ quyên hay ông Cửu, ông Bá muốn tham gia kỳ mục phải làm cỗ bàn, trước tiên là đem lễ cúng dâng thành hoàng, sau cúng tổ tiên, rồi mời các kỳ mục, trùm trưởng tới dự.
Ngôi thứ kỳ mục còn được làng đem ra mua bán vào trong những dịp làng cần tiền chi tiêu cho công, hoặc việc công, ví dụ như tu sửa đình chùa, đóng quốc trái… Vào hôm bán kỳ mục, các vị trùm trưởng cùng kỳ mục khác ra tụ họp tại kiều sở, cùng nhau ra soát xem trong làng có ai đã mua chức "nhiêu nam" (chức làng trả tiền để bán cho, những người bỏ tiền để mua "nhiêu nam" thì được miễn đi phu, đi tuần).
Tìm được người đó thì kỳ mục sai mõ gọi ra kiều sở. Một vị trùm trưởng hoặc kỳ mục sẽ thông báo lý do có việc chi tiêu cần bán kỳ mục, với một khoản tiền nhất định và một bữa khao dân làng. Nếu người "nhiêu nam" bằng lòng mua ngôi thứ kỳ mục thì có lời đồng ý, rồi mời các trùm trưởng và kỳ mục về nhà cùng làm khoán văn và chuẩn bị cỗ ký điểm.
Nội dung khoán văn sẽ nêu nguyên do việc làng cần chi tiêu, số tiền đóng góp của người mua kỳ mục. Chấp thuận để người này đứng dự vào hàng kỳ mục. Những nghĩa vụ thuộc về chức phận thuộc về người mua kỳ mục chịu giống dân làng và các khoản miễn trừ.
Tờ khoán văn trên viết xong. Các trùm trưởng, kỳ mục ký tên, điểm chỉ vào rồi giao tờ khoán cho người mua chức, để người đó giao tiền. Xong xuôi công việc, mọi người ngồi vào mâm ăn cỗ. Cỗ ấy gọi là cỗ ký điểm. Người mua kỳ mục lại thêm một khoản tiền riêng 3 quan, số tiền này chia đều cho các trùm trưởng và kỳ mục có có mặt. Tiền ấy gọi là tiền ký điểm.
Minh Châu / Sách hay / Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vingroup: Hành trình để đến chỗ sụp đổ ???


Tôi đồng ý với các nhận định trong bài này: Vingroup đang trên hành trình để đến chỗ sụp đổ.
Vingroup- Có gì đằng sau sự phát triển “thần tốc” đó
RFA 2019-06-28 - Ông Lê Văn Triết –Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam nói với RFA: “Nếu nhìn theo đường lối phát triển đó thì biết là nó sẽ sập đổ chứ không thể phát triển được như nó nói. Lý do có nhiều lý do nhưng tôi thấy có nhiều sai lầm về nhiều thứ, từ đường lối phát triển đến chọn lựa đầu tư và đường hướng kinh doanh, tất cả đều chạy theo việc lấy đồng tiền để khuyếch trương danh tiếng, thương hiệu của mình, không phải phục vụ vấn đề phát triển kinh tế xã hội nghiêm túc. Tôi thấy lâu rồi nhưng tôi không muốn đóng góp vì có đóng góp cũng không ai nghe”. Họ có tiền nhiều họ có quyền làm còn chuyện quản lý hướng dẫn để cho nó đúng hay không đúng đó là chuyện của Nhà nước, của Đảng”

Một công nhân đang làm việc tại nhà máy 
chế tạo xe hơi của Vingroup ở Hải Phòng RFA
Nhiều thông tin về Vingroup trong hai năm gần đây, nhất là khi tập đoàn này trong vòng 650 ngày đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất xe ô tô đầu tiên tại Việt nam (2.9.2017 – 14.6.2019) và trình làng hai mẫu xe hơi với thương hiệu Vinfast tại triển lãm Paris Motor Show (10.2018), khiến không chỉ trong nước mà truyền thông và các gã “khổng lồ” khác trong ngành ô tô thế giới đều đặt dấu chấm hỏi về sự phát triển thần tốc của một tập đoàn mà xuất phát điểm rất trễ (2001) nhưng có lẽ đang về đích ngoạn mục…

650 ngày tạo kì tích
Ngày 27.6.2019, bài báo của nhà báo John Reed đăng trên Financial Times với tiêu đề “The rise and rise of a Vietnamese corporate emprire” tạm dịch là sự trỗi dậy của một đế chế Vingroup lại càng làm tăng thêm nghi vấn về sự phát triển thần tốc của tập đoàn này.

Trong bài viết John Reed có nhắc về chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam chế tạo dưới nhãn hiệu Vinfast và nói rằng ở Việt Nam, Vingroup được mô tả như một tập đoàn đa ngành – một phiên bản chaebol Hàn Quốc.

Không chỉ truyền thông Việt Nam so sánh Vingroup với những tập đoàn khổng lồ khác mà tháng 5.2018, tờ Nikkei của Nhật cũng đã có bài viết nhận định rằng Vingroup đang nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn đa ngành nghề bậc nhất Việt Nam.


Hình minh hoạ. Những chiếc xe tại xưởng lắp ráp
 của VinFast, Hải Phòng, hôm 14/6/2019 AFP

Tờ Nikkei cũng liệt ra không thiếu sót những mốc thời gian Vingroup tạo dấu ấn trên thương trường khi trong tháng 4.2018 tập đoàn này tuyên bố gia nhập thị trường dược phẩm với kế hoạch xây dựng một nhà máy. Trước đó một tháng, Vingroup lại tuyên bố mua lại một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và kế hoạch thành lập một trường đại học. Trong vòng một năm, Vingroup “vươn vòi” ra tất cả các lĩnh vực từ sản xuất thực phẩm có lợi cho sức khỏe, chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+. Họ cũng tham gia mảng thức ăn chăn nuôi thông qua chi nhánh VinEco và mở VinUni bước chân vào lĩnh vực giáo dục đại học. Trong khi đó, hệ thống Vinschool- mảng giáo dục từ cấp mẫu giáo lên cấp 2 đã được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Trong tháng 4.2019, Vingroup lại mở một khách sạn năm sao có đài quan sát trong tòa cao ốc Landmark 81 tại Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.

Có phải Vingroup đang muốn làm thay đổi chân trời của thành phố mà trước đây nhiều người gọi là Sài Gòn? (John Reed viết)

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Việt Nam trả lời RFA về tầm phát triển của Vingroup: ““Nếu nhìn theo đường lối phát triển đó thì biết là nó sẽ sập đổ chứ không thể phát triển được như nó nói. Lý do có nhiều lý do nhưng tôi thấy có nhiều sai lầm về nhiều thứ, từ đường lối phát triển đến chọn lựa đầu tư và đường hướng kinh doanh, tất cả đều chạy theo việc lấy đồng tiền để khuyếch trương danh tiếng, thương hiệu của mình, không phải phục vụ vấn đề phát triển kinh tế xã hội nghiêm túc. Tôi thấy lâu rồi nhưng tôi không muốn đóng góp vì có đóng góp cũng không ai nghe”.

Ông còn phân tích: “…sức đâu mà làm, trí thức đâu mà làm, chỉ thấy là họ có tiền và muốn tung tiền để lấy tiếng, tung tiền để xây dựng cái gì, phục vụ cái gì, mở mang cái gì tất cả đều không rõ ràng, không có mục đích chỉ để được tiếng và xài tiền mà tiền đâu thì mình không biết”

Nhiều người dân Việt Nam hay nói, “Bây giờ cái gì cũng Vin. Ăn có Vinmart, chữa bệnh có Vinmec, học có Vinschool, VinUni và đi xe Vinfast…”.

Số lượng không đi chung chất lượng

Rõ ràng với mốc thành tích đáng nể trong việc vươn vòi bao trùm tất cả các lĩnh vực chỉ trong vòng hơn 10 năm thì Vingroup đã làm được những điều không bình thường.

Chỉ có những tập đoàn “khổng lồ” (nói như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) mới có thể làm được.

Trong ngày khánh thành nhà máy sản xuất xe ô tô Vinfast tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đây là kì tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới. Ông dùng tất cả các mỹ từ để mô tả sự “kì tích” mà Vingroup mang lại: “Vinfast làm điều khổng lồ vì đã dám tìm đến những người khổng lồ, đứng được trên vai của những người khổng lồ trong ngành ô tô” và ông không quên khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và ủng hộ những doanh nghiệp, doanh nhân dám làm những điều kì tích như vậy.


Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và một công trình của VinGroup ở Hà Nội RFA

Vingroup gia nhập ngành công nghiệp ô tô gặp nhiều sự hoài nghi bởi sự hạn chế của các chuỗi cung ứng trong nước. Tuy nhiên trong bài viết của mình John Reed cho biết đã gặp Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup và bà Thủy tuyên bố “Với danh tiếng của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào của Vingroup bán đều rất chạy”.

Riêng về lĩnh vực giáo dục, trong một trả lời trên Zing.vn, bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng khẳng khái tự tin nhận định: “Chúng tôi muốn xây dựng chất lượng đột phá trong giáo dục đại học, đóng góp cho đất nước một trường đại học đẳng cấp thế giới, được kiểm định và xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng xuất sắc trong giảng dạy đồng thời có các nghiên cứu đóng góp cho lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam và nền kinh tế tri thức toàn cầu”. 

Ngày 14.11.2018, đại học VinUni đặt trụ sở tại Hà Nội đã chính thức khởi công xây dựng và Vingroup đặt mục tiêu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết: “Họ có tiền và muốn đầu tư, nói chung đầu tư về giáo dục rất cần thiết nhưng giáo viên ở đâu ra, rồi chắp vá, thỉnh giảng nhiều nơi cuối cùng chất lượng sẽ không có”

Ông cho biết trong năm 2018, Vingroup đã đặt hàng 53 trường đại học trong cả nước bằng việc ký kết hợp tác để đưa sinh viên đến thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp của Vingroup nhưng đến nay vẫn chưa sinh viên nào được trải nghiệm thực tập tại tập đoàn này.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “Tôi hy vọng gửi sinh viên đến nhà máy ô tô thực tập nhưng họ chưa trả lời mặc dù hợp đồng đã ký kết hơn một năm qua”.

Giáo sư Xuân cho biết thêm “Phải tìm hiểu rõ hơn coi lực lượng của Vingroup có không, hay họ lại moi những đội ngũ giáo viên trong nước sẽ không tốt. Nếu đưa giáo sư quốc tế về sẽ giống trường hợp Trường đại học Tân Tạo đã từng vướng, chỉ có nước bù lỗ thôi”

Cần nói thêm về trường Đại học Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Hoàng Yến, người sáng lập và là chủ tịch Hội đồng Quản trị. Năm 2017 Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo đã kết luận trường Đại học Tân Tạo có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ tổ chức, tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, học phí… Ngoài ra, cơ cấu hoạt động của trường chưa đúng theo qui định khi đội ngũ giảng viên thiếu và rất nhiều người chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thậm chí trường đã bị đình chỉ hoạt động vẫn tuyển sinh.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin cho biết: “Tuy không nằm trong danh sách 54 trường ký kết hợp tác với Vingroup nhưng Vingroup cũng đã đến để mời trường tham gia ký kết Quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ với các đề tài nghiên cứu khoa học”

John nhận định “Sự trỗi dậy của Vingroup phản ánh chính sự trỗi dậy của Việt Nam –một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và người sáng lập Vingroup là người giàu nhất trong năm tỷ phú của Việt Nam, với giá trị tài sản ròng 7,6 tỷ đô la Mỹ –Theo tạp chí Forbes. Tuy vậy xuyên suốt bài viết của mình, John Reed đều đặt nghi vấn khi biết rằng các tin tức tiêu cực về tập đoàn này thường biến mất một cách kỳ lạ trên các báo điện tử và Facebook (?!)

Đó vẫn luôn là dấu chấm hỏi không chỉ với một nhà báo nước ngoài như John Reed mà vẫn luôn là thắc mắc của giới truyền thông trong nước và cả những báo giới Việt Nam ở nước ngoài… Sau sự “trỗi dậy” kì tích đó liệu sẽ có những scandal chính trị nào tương tự như các tập đoàn lớn Hàn Quốc đã từng vướng vào hay không (?!).

Ông Lê Văn Triết –Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam nói với RFA: “Họ có tiền nhiều họ có quyền làm còn chuyện quản lý hướng dẫn để cho nó đúng hay không đúng đó là chuyện của Nhà nước, của Đảng”

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vingroup-what-main-factors-behind-its-success-06282019153524.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hàng giả được tán tụng trong đời sống văn chương


Đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta là không bình thường, đang có sự loạn chuẩn, đang khủng hoảng. Điều đáng lo ngại là những người có trách nhiệm lại không mấy quan tâm đến vấn đề này, và những người được giao đảm trách công việc này lại không có đủ năng lực tương xứng với nhiệm vụ. Nên những điều họ làm thì lại càng làm cho tình hình rối tung lên.



HÀNG GIẢ ĐƯỢC TÁN TỤNG TRONG ĐỜI SỐNG VĂN CHƯƠNG

ĐINH QUANG TỐN

Hàng "xịn" và hàng giả ư? Khái niệm này đúng là trong cơ chế thị trường mới xuất hiện. Nhưng thực ra, thật và giả cũng có tự thuở xa xưa. Thời nỏ thần Kim Quy bị Trọng Thủy đánh cắp thay bằng lẫy nỏ giả. Thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, lúc đầu chưa có tiền hối lộ cũng bị đưa cho bộ kinh giả đấy thôi. Rồi trong Hồng lâu mộng, chàng Giả Bảo Ngọc lấy vợ đã bị tráo Lâm Đại Ngọc bằng Tiết Bảo Thoa…

Tôi có một người bạn, nhà thơ nông thôn Nguyễn Thành, từ thời kỳ đầu đổi mới anh đã có thơ về hàng "xịn" và hàng giả rồi, chứ không phải chậm chễ như tôi đến giờ mới nói. Trong bài thơ "Lời người bán hoa giả" (1990), anh viết: "Là hoa giả mười mươi/ Mà nom như hoa thật/ Chợ đông, người bán đắt/ Khách hàng chen nhau mua". Bây giờ thì không chỉ có hoa giả, mà hàng giả tràn lan. Trong văn chương nghệ thuật thì sách giả đã làm chao đảo thị trường sách. Nhưng còn có một loại sách thật chứ không phải là sách nhái, mà lại là hàng giả. Đó là những sách chất lượng kém. Đối với sách văn học thì đó chưa phải là văn chương.

Nhiều nhà văn trong hội thảo về văn học nước ngoài được dịch vào Việt Nam đã khẳng định, trong những năm qua, sách văn học dịch ở Việt Nam chưa phải là tinh hoa của các nền văn hóa. Gần gũi với Việt Nam như văn học Trung Quốc, thì Báu vật của đời của Mạc Ngôn, Phế đô của Giả Bình Ao, hay Điên cuồng như Vệ Tuệ... đâu phải là những tác phẩm đỉnh cao của văn chương Trung Quốc thời mở cửa. Đó là những tác phẩm có cách nhìn khác về lịch sử, là những truyện tình thuộc loại "hàng khủng". Không phải sách bán chạy là sách hay. Điều này ai cũng rõ, nhưng cũng không ai làm gì để thay đổi. Cơ chế thị trường mà, tự do mua, tự do đọc. Thì đến như Bóng đè trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, mà vẫn có người cổ súy đấy thôi! Và còn có cả hàng giả được trao giải thưởng nữa, thậm chí là giải thưởng cao quý cơ (tặng thưởng thơ năm 2006 của Hội Nhà văn Việt Nam) và tác giả còn tỏ ra cao đạo không nhận chứ! Thật chẳng còn biết là thế nào!

Đa số sách của các nhà văn được khẳng định trong mấy chục năm qua, thì nay không bán được. Số lượng in mỗi cuốn thường không quá 1.000 bản. Sách thật, có chất lượng chỉ chiếm một phần mười thị trường sách. Điều ấy nói lên vấn đề gì? Có người lý giải đó là sự xuống cấp của văn hóa đọc, sự cáo chung của xuất bản giấy. Rõ ràng đời sống văn học nghệ thuật của chúng ta là không bình thường, đang có sự loạn chuẩn, đang khủng hoảng. Điều đáng lo ngại là những người có trách nhiệm lại không mấy quan tâm đến vấn đề này, và những người được giao đảm trách công việc này lại không có đủ năng lực tương xứng với nhiệm vụ. Nên những điều họ làm thì lại càng làm cho tình hình rối tung lên.

Đến như nơi được coi là hoàn toàn tâm linh là chốn tu hành mà của giả cũng luồn sâu vào: Tu giả, ăn giả. Tu giả là một vấn đề lớn mà tổ chức Phật giáo phải giải quyết. Tôi là người trần mắt thịt nên chỉ nói về ăn giả ở chốn tu hành thôi. Đó là thức ăn chay nhưng lại có hình thịt, cá, trứng... Tôi có bài thơ "Ăn chay" được một số người thích đọc, nhưng khi chọn lọc vào tập thơ mới cho tôi thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại bảo "không nên cho vào tập". Anh sợ động chạm đến tâm linh. Tôi thì cho rằng chẳng có gì phải sợ cả. Bản chất của Đức Phật là sự thật thà. Mà bài thơ của tôi thì hoàn toàn thật thà, vì mục đích trong sạch chốn nhà Phật. Tôi tin đức Phật còn phù hộ cho tôi ấy chứ: "Đã nguyện không sát sinh/ Lại ăn hình thịt cá/ Chưa chay tận tâm linh? Thì có thành chính quả?"…

Nói thế để thấy văn chương thời mở cửa, vấn đề hàng "xịn" và hàng giả là rất khó giải quyết. Nếu lịch sử của nhân loại là lịch sử đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thì chưa bao giờ cuộc đấu tranh ấy lại quyết liệt như hiện nay. Nó diễn ra ở mọi phương diện và ở mọi cấp độ. Nhưng những người chân chính thì không bao giờ đầu hàng, bởi nếu họ đầu hàng thì văn chương nghệ thuật nói riêng và nhân loại nói chung sẽ sụp đổ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen






Việc tăng cortisol, loại hóc môn liên quan tới việc căng thẳng, khi sử dụng điện thoại có thể gây ra những hậu quả lâu dài với sức khỏe người dùng.


Giống như nhiều người, có lẽ, đã đến lúc bạn nên quyết định dành ít thời gian hơn cho chiếc điện thoại của mình. Đó thực sự là ý tưởng hay bởi có những bằng chứng khoa học cho thấy việc dành thời gian cho điện thoại thông minh đang phá hủy giấc ngủ, trí nhớ, các mối quan hệ, khả năng tập trung, sáng tạo cũng như việc giải quyết vấn đề và ra quyết định của bạn.
Tuy nhiên, đó cũng chưa phải tất cả. Các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng điện thoại thông minh thường xuyên có thể làm tăng lượng cortisol, loại hóc môn gây ra tình trạng stress. Việc sử dụng điện thoại giờ đây còn đe dọa sức khỏe, thậm chí là rút ngắn cuộc sống của những người sử dụng, New York Times cho hay.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các cuộc thảo luận xung quanh smartphone mới chỉ tập trung vào dopamine, một loại chất được sản sinh trong não bộ giúp con người hình thành thói quen, hay nói cách khác là nghiện. Giống như máy đánh bạc, điện thoại thông minh và những ứng dụng được thiết kế cho chúng rõ ràng nhằm mục đích kích hoạt sản sinh dopamine, khiến con người ta khó đặt chúng xuống.
Những tác động của dopamine là lý do tại sao nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về hiện tượng nghiện điện thoại. Tuy nhiên, dopamine vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc chứng minh những chiếc điện thoại làm tăng lượng hóc môn cortisol có thể khiến tình trạng sử dụng smartphone trở nên đáng báo động hơn nữa.
Cortisol là loại hóc môn có thể gây nhiều tác động. Sự giải phóng hóc môn này làm kích hoạt những thay đổi sinh lý, chẳng hạn như tăng huyết áp, nhịp tim và lượng đường trong máu. Trong trường hợp nguy cấp, cortisol giúp cơ thể phản ứng ngay lập tức trước những mối đe dọa tới tính mạng.
Cortisol chắc chắn sẽ rất hữu dụng trong trường hợp bạn gặp nguy hiểm về thể chất, chẳng hạn như đang bị một con bò đực tấn công. Tuy nhiên, sẽ thật tệ nếu cortisol được sản sinh khi bạn dùng điện thoại. Check email và nhận được một bức thư điện tử đầy giận dữ từ sếp cũng khiến bạn căng thẳng về mặt xảm xúc, giống hệt khi cơ thể đứng trước những mối nguy hiểm.
Nếu chỉ thỉnh thoảng xảy ra, việc cơ thể sản sinh cortisol lúc dùng điện thoại sẽ không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, một người Mỹ dành trung bình 4 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình smartphone và giữ nó trong tầm tay mọi lúc, mọi nơi, ngay cả khi ngủ. Kết quả là những chiếc điện thoại thông minh, trang bị đẩy đủ các ứng dụng mạng xã hội, thư điện tử và đọc tin tức, khiến con người có nghĩa vụ liên tục làm việc, tạo ra những căng thẳng ngoài ý muốn.

David Greenfield, giáo sư tâm thần học tại Trường Y khoa thuộc Đại học Connecticut, nhấn mạnh: "Mức độ cortisol tăng lên khi điện thoại của bạn ở trong tầm nhìn hoặc gần đó, khi bạn nghe điện thoại hay thậm chí là bạn nghĩ bạn sẽ nghe điện thoại. Đó là một phản ứng căng thẳng và khó chịu, khiến cơ thể chống lại bằng việc kiểm tra điện thoại để giúp căng thẳng biến mất".
Như vậy, việc kiểm tra điện thoại sẽ khiến bạn dịu lại trong một giây nhưng có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trong thời gian dài. Bất cứ khi nào kiểm tra điện thoại, bạn có thể thấy một thứ gì đó đầy căng thẳng đang chờ đợi mình, dẫn tới sự biến động cortisol. Đó cũng là lý do bạn luôn muốn kiểm tra điện thoại để giảm lo lắng. Chu kỳ này diễn ra liên tục sẽ dẫn đến việc tăng cortisol mãn tính.
Tăng cortisol mãn tính chính là mấu chốt của vấn đề. Nó khiến cơ thể mắc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như trầm cảm, béo phì, tiểu đường, huyết áp, đau tim, mất trí nhớ và cả đột quỵ. Bác sĩ Robert Lustig, giáo sư danh dự về nội tiết của Đại học California, cảnh báo: "Mọi căn bệnh mãn tính chúng ta biết đều sẽ trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng. Những chiếc điện thoại góp phần vào việc này".
Bên cạnh những tác động lâu dài tới sức khỏe, tình trạng căng thẳng do điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng tới chúng ta theo những cách đe dọa tính mạng ngay lập tức. Nồng độ cortisol tăng cao làm suy yếu vỏ não trước trán, khu vực quan trọng của não bộ chịu trách nhiệm ra quyết định và suy nghĩ hợp lý.
"Vỏ não phía trán vô cùng quan trọng. Nó giúp chúng ta không làm những điều ngu ngốc", bác sĩ Lustig nhấn mạnh.
Việc suy giảm vỏ não trước trán làm giảm khả năng tự kiểm soát. Khi cơ thể chịu đựng sự căng thẳng quá lớn bắt nguồn từ những chiếc smartphone, người ta thường có xu hướng làm điều gì đó để giải tỏa. Những hành động ngu ngốc, chẳng hạn như nhắn tin khi lái xe, có thể khiến người dùng tử vong chỉ vì giảm căng thẳng trước mắt.
Tác động của căng thẳng có thể được khuếch đại hơn nữa nếu chúng ta liên tiếp lo lắng rằng điều tồi tệ gì đó sắp xảy đến, dù là một cuộc tấn công vật lý hay một bình luận gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Đôi khi, người ta còn cảm thấy điện thoại rung trong túi dù thực tế, nó còn chẳng nằm trong đó.
Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen - Ảnh 2.
"Mọi thứ chúng ta làm, mọi thứ chúng ta trải nghiệm có thể ảnh hưởng tới sinh lý và thay đổi các mạch máu trong não theo cách khiến chúng ta phản ứng với căng thẳng ít hoặc nhiều", Bruce McEwen, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Thần kinh học  của trường Đại học The Rockefeller, cho hay.
Bác sĩ McEwen cũng nhấn mạnh rằng mức cortisol cơ bản của chúng ta sẽ tăng lên nếu chúng ta ngủ ít hơn 7 hoặc 8 tiếng trong một chu kỳ 24 giờ. Việc kiểm tra điện thoại trước khi ngủ khiến cơ thể bị ảnh hưởng ít nhiều tới việc điều hòa mức cortisol, gây ra những mối nguy hại lâu dài tới sức khỏe.
Tin tốt là nếu chúng ta có thể phá vỡ chu kỳ lo âu này, chúng ta có thể giảm mức cortisol, điều giúp cải thiện tình trạng sức khỏe và giảm thiểu những rủi ro bắt nguồn từ căng thẳng trong dài hạn. Theo thời gian, Bác sĩ McEwen nói, nó thậm chí còn có thể kiềm chế bộ não của chúng ta để chúng ta không còn bị cảm giác căng thẳng khi không sử dụng điện thoại.
Để hiện thực hóa điều này, hãy tắt những thông báo trên điện thoại di động ngoại trừ những thứ bạn thực sự muốn nhận. Tiếp theo, hãy chú ý đến cách các ứng dụng riêng lẻ khiến bạn cảm thấy mình cần phải dùng chúng. Hãy ẩn những ứng dụng này khỏi màn hình chính hay tốt hơn nữa là xóa chúng trong một vài ngày để kiểm tra lại cảm giác của chính mình.
Smartphone đang “giết” bạn từng ngày, theo đúng nghĩa đen - Ảnh 3.
Ngoài ra, hãy chú ý tới cách những ứng dụng riêng lẻ tác động đến bạn. Bác sĩ Judson Brewer, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đổi mới Mindfulness của Đại học Brown, cho rằng: "Nếu chúng ta không thể nhận thức được vấn đề về thể chất, chúng ta sẽ không thể thay đổi hành vi. Căng thẳng và lo lắng thường biểu hiện bằng các cơn co thắt ở ngực".
Thường xuyên nghỉ giải lao cũng là một cách hiệu quả để cân bằng hóa học cho cơ thể bạn và lấy lại cảm giác kiểm soát. Ngừng dùng điện thoại trong một quãng thời gian nhất định hoặc bỏ chúng xa bàn ăn có thể là một bước đi đúng hướng.
Ngoài ra, hãy cố gắng đừng để cảm giác thèm điện thoại dễ dàng được thỏa mãn. Dù không dễ nhưng đây thực sự là một cuộc chiến kéo dài để bạn cảm thấy tốt hơn mỗi ngày, dù có thể cần thời gian để nhận ra. Trên hết, nó có thể giúp chúng ta sống lâu hơn, theo đúng nghĩa đen.
Theo Trí thức trẻ
http://genk.vn/smartphone-dang-giet-ban-tung-ngay-theo-dung-nghia-den-20190630103222905.chn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HÔM NAY TÔI CŨNG ĐI QUA ĐÓ



ĐỒNG TIỀN

Nguyễn Thúy Hạnh
Tôi có một điểm yếu là quá lo lắng cho tuổi già, từ khi vừa trưởng thành tôi đã lo xa cho tuổi già rồi. Chỉ sợ sau này thành gánh nặng cho con cái. Mà tôi lại khái tính đến lập dị, ko bao giờ muốn nhận tiền bạc giúp đỡ của bất cứ ai kể cả của cha mẹ hoặc con cái mình, nên nếu tuổi già không có tiền thì khổ lắm.

Bởi vậy, khi dành dụm được 400tr₫ vào năm 2000, tôi quyết định mua 200m2 đất ở Tứ Liên (tương đương 40 cây vàng), coi đó là khoản đảm bảo tuổi già.

Thế nhưng, vừa mua được 1 tháng thì đất lên giá, tôi bỗng nảy ra ý định bán đi rồi làm vốn mua đi bán lại. 

Đất vẫn cứ lên giá không ngừng, tôi đăng báo bán giá 7,5tr₫/m2 (lúc mua là 2tr₫). Tuy nhiên chỉ có người hỏi chứ chưa có ai mua.

Rồi tôi có chuyến công tác dài cùng các chuyên gia Ấn Độ vào Miền Tây Nam bộ, chuyện bán đất cũng quên đi.

Bỗng một sáng tôi đang ngồi họp thì có cuộc điện thoại:

- Chị rao bán mảnh đất 200m2 ở Tứ Liên?

- Đúng

- Chị bán giá 7,5tr/m2?

- Đúng thế!

- Vậy chị bán cho tôi nhé?

- Vâng

Tôi trả lời như reo lên, lòng sướng như điên, ko hiểu sao anh ta mua dễ thế, ko thèm mặc cả. 1,5 tỷ đồng, đời tôi chưa bao giờ dám mơ có nhiều tiền thế.

Thấy tôi dễ dãi anh ta xin bớt 20tr₫, tôi cũng đồng ý luôn.

Cả tuần đó tôi không ngủ phút nào, mà người vẫn không mệt, bởi lòng tôi sung sướng, và bởi tâm trí tôi bận rộn với việc lên danh sách đền ơn đáp nghĩa cho những ai đã thương yêu, giúp đỡ chị em tôi từ khi còn là đứa trẻ mồ côi nghèo khổ. Đền ơn luôn là ước mơ cháy bỏng của tôi từ bé, ngặt nỗi tôi chưa có tiền. Tôi từng đem ước mơ đó tâm sự với anh tôi, một vị thứ trưởng ở bộ Nông nghiệp, anh tôi bảo: “Món nợ tình cảm không trả được bằng tiền đâu em ạ”. Biết vậy nhưng tôi vẫn muốn làm, và giờ đây tôi đã có tiền để thực hiện ước mơ, bởi thế mà tôi phấn khích không ăn không ngủ cả tuần lễ trước khi về Hà Nội.

Về đến nhà là tôi nhận tiền đặt cọc, điều kiện họ đưa ra là tôi phải đền gấp 10 lần số tiền 10,000 đô đặt cọc đó nếu tôi ko bán nữa. Tôi ok liền, rồi cầm tiền đi mua vàng để đem biếu theo danh sách.

Chiều hôm sau tôi đưa người mua đến chỉ đất thì bà chủ đất cũ (gia đình đó có 350m2 đất, bán cho tôi 200m2, rồi lấy tiền xây lên ngôi nhà ở phần đất còn lại, và họ vẫn trông nom mảnh đất giúp tôi), thấy tôi, reo lên từ xa:
 
- Con ơi, mày đi đâu lâu thế, bao nhiêu người hỏi mua đất, 12 triệu rưỡi một mét có bán không con, người ta đang chờ.

Tôi xây xẩm mặt mày, đất dưới chân tôi như sụt xuống. Vậy là tôi bán hớ mất một tỷ đồng, vì đi công tác lâu ngày quá ko biết đất Hà Nội sốt.

Nhưng cũng chỉ một thoáng, ngay lập tức tôi lại nghĩ: “Lộc trời cho tới đó thôi, hưởng thế là nhiều quá rồi”. Và rồi tôi lại tươi tỉnh như thường.

Sau đó tôi mới biết anh H (người mua đất) chỉ có đúng số tiền đặt cọc ấy, rồi đem đất của tôi rao bán cho người khác ăn lãi cả tỷ bạc (tương đương với 200 cây vàng). Thảo nào họ làm hợp đồng bắt tôi phải đền gấp 10 lần nếu ko bán nữa, vì lúc đó tôi ko biết là bán hớ.
 
Cũng trong hợp đồng thì việc thanh toán phải hoàn tất trước tết âm lịch. Nhưng đến tết rồi họ vẫn ko có tiền trả tôi, và như thế là tôi hoàn toàn có quyền phá hợp đồng, đòi lại đất.

Nhưng tôi đã không làm thế. Biết họ quá lo lắng, tôi chủ động gọi điện bảo họ cứ yên tâm ăn tết rồi trả tôi sau cũng được. 
 
Sau đó tôi ký bán đất thẳng cho khách hàng của họ, họ chỉ ở giữa buôn nước bọt và ko phải trả một đồng thuế mua bán nào, tôi hoàn toàn ko khó dễ để vòi tiền họ như hầu hết những người bán đất khác vẫn làm trong tình huống đó.

Thấy tôi dễ, anh H sau đó thường xuyên đến nhà tôi chơi, phát triển thành quan hệ bạn bè. Tôi làm như ko biết rằng tôi nhận ra anh ta ham tiền đến quên cả lương tâm. Anh H luôn rủ tôi tham gia hết “dự án” này đến “dự án” khác mà theo như anh ấy thì hời kếch xù. Tôi chỉ ừ hữ chứ ko mảy may để tâm đến những dự án của anh ta. Anh ta cũng tìm mọi cách làm cò bán đất cho tôi để được hưởng hoa hồng hậu hĩnh, nhưng anh ta ko thành công được lần nào nữa.

Bẵng đi, một hôm tôi gọi cho anh H để trao đổi một việc, thì con anh H nghe máy: “Cô ơi, bố cháu bị ung thư đang nằm ở viện 354”.
 
Tôi vù đến thăm. Thật ko thể tin nổi, một anh H đỏm dáng và tham vọng tiền bạc thì nay chỉ còn nắm xương, co rúm vì đau đớn trên giường bệnh. Tôi đưa anh H chiếc phong bì tiền biếu, nhưng anh ấy chẳng thèm nhìn nó nữa. Tôi nhớ hôm đó là sắp tết.

Tết năm đó tôi cho con đi du lịch Sapa. Vừa về đến nhà tôi gọi ngay cho anh H xem tình hình thế nào, thì vợ anh ấy nghe máy: 

“Chị là ai?”

“Em là Hạnh ạ”

“Có phải cô Hạnh ở Tứ Liên không?”

“Dạ phải”

Thế là chị ấy khóc oà lên:

“Em ơi, anh H vừa mất rồi, chị vừa đưa anh vào nhà lạnh về đến đây. Cả ngày hôm qua anh ấy đau lắm, chiều hôm qua anh ấy cứ dặn đi dặn lại chị rằng nếu anh chết thì nhớ báo cho cô Hạnh. Chị hỏi: “Hạnh nào?”, thì anh ấy bảo “cô Hạnh ở Tứ Liên, cô ấy tốt lắm..”.

Tôi hỏi thì chị ấy bảo sáng ngày kia đưa tang, lễ viếng từ 10h - 12h trưa và an táng tại Tứ Liên.

Tôi quyết định đưa anh ấy ra tận mộ nên căn 11h30 mới ra viếng để khỏi phải đợi lâu.

Nhưng khi tôi ra đến nơi thì cả nhà tang lễ ko còn ai. Tưởng mình nhầm giờ, tôi hỏi bảo vệ thì họ bảo: “Đi lâu rồi”, tôi hỏi thêm thì họ trả lời nhấm nhẳn: “Hết người viếng thì đi chứ ở lại làm gì?”.

Tôi hộc tốc đuổi theo hướng người ta chỉ, thì thấy chỉ lèo tèo vài người đưa tang. Cảm thấy ái ngại quá, thấy một chị ngày xưa hay đi cùng anh H đến nhà tôi môi giới đất, lúc này đang đi rắc vàng hương theo quan tài trên đường, tôi lại gần chào và bảo: “Chị thật tốt với anh H”.

Ra đến nghĩa địa, tôi ngạc nhiên, anh ấy chết mới ngoài 50 tuổi mà sao chẳng thấy ai thương xót.
 
Chị bạn lúc nãy lại gần tôi, nói nhỏ: “Chị tiễn anh ấy ra đây là vì cái nghĩa chứ cái tình thì hết rồi. Em xem, anh ấy gốc Hà Nội phố cổ, lẽ ra phải rất nhiều họ hàng bạn bè tiễn viếng, nhưng làm gì có ai, lừa hết lượt người ta em ạ. Chị ko hiểu sao anh ấy lại ko lừa được em trong khi em thật thà cả tin thế”. 
 
Tôi hỏi chị 2 mảnh đất chung với anh H đã bán hết chưa thì chị khóc bảo anh ấy lừa hết của chị rồi, mua chung, anh ấy đứng tên, chị giữ sổ, nhưng anh ấy bảo chị đưa sổ cho người mua xem, chị chủ quan đưa, thế là anh ấy bán mất, hu hu...”.

Tôi chăm chú nhìn người ta hạ huyệt, cô con dâu phấn son bự và cặp mi giả cong vút, ko một giọt nước mắt. Rồi đất rào rào lấp lên quan tài anh H. Lúc đó tôi cảm nhận đồng tiền nó vô nghĩa nhường nào, khi con người ta về với đất nào có mang theo được thứ gì.

Từ nhà tôi mỗi khi ra vườn đào Nhật Tân vẫn đi qua khu nghĩa địa có mộ anh H, và những lúc đó tôi lại nghĩ đến sự vô nghĩa của đồng tiền. 

Hôm nay tôi cũng đi qua đó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang