Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2019

Đặc khu kinh tế




Đưa nạn nhân ra khỏi khu nhà sập, 24/06/2019.

Tôi vội vã rời Sihanoukville, nơi mà theo trí nhớ của cha tôi khoảng gần 40 năm trước là một làng chài yên bình với biển xanh và cát trắng ở phía Nam Campuchia.
Lúc ngồi ở phòng chờ, anh tài xế thông báo cho tôi biết vụ một công trình cao ốc đang xây dựng được 8 tầng vừa đổ sập.
"Có ít nhất 30 người bị vùi lấp, cả người Campuchia và người Trung Quốc", anh tài xế thông báo cho tôi sau khi hóng hớt từ hiện trường về với 3 tấm ảnh chụp bằng điện thoại.
Ngay trên bờ biển vịnh Thái Lan, nơi cách xa Trung Quốc hàng ngàn cây số, tôi vẫn cứ ngỡ như lạc vào nơi nào đó kiểu như một thành phố của người Trung Hoa. Thật kỳ lạ, khắp nơi là người Trung Quốc, biển quảng cáo 100% chữ Trung Quốc; đến cả những tờ rơi dán trên tường tole các công trình cũng là chữ Trung Quốc. Chữ Trung Quốc áp đảo cả chữ Campuchia trên các biển quảng cáo, còn chữ Latin thì vô cùng hiếm hoi.

Nhìn từ trên cao, Sihanoukville những ngày tháng 6.2019 là một đại công trường. Đường sá ngột ngạt vì tràn đầy xe ô tô hàng lỗi mốt phiên bản từ thập niên 2000, lộn xộn và thiếu trật tự. Kinh khủng nhất là bụi bặm và nước thải ô nhiễm tràn ngập đường phố. Mức độ ô nhiễm thì Sài Gòn phải gọi bằng cụ nội, bẩn chưa từng thấy.
Tất cả các cao ốc được xây dựng ở các tuyến đường trung tâm đều là của người Trung Quốc. Có đến hàng ngàn công trình như thế đang xây dựng mà nếu nhìn từ bên ngoài, các kỹ sư xây dựng của Việt Nam sẽ hết hồn với những kết cấu của các toà nhà này. Cột bê tông 30 - 40 cm trụ những tòa nhà cao hàng chục tầng thì chuyện sập đổ cả một công trình là dễ hiểu.
Ảnh: Matt & Maider
Những người Trung Quốc đã ồ ạt đầu tư hàng tỉ USD vào Sihanoukville, và chỉ sau vài năm, làng chài yên bình đã biến thành một đại công trường khổng lồ và trên đường phố người Trung Quốc nhiều hơn người Campuchia. Những người Campuchia tôi gặp, họ có vẻ không vui.
"Người Ý, Anh, Pháp... họ không đến đây nữa", anh lái xe tuk tuk chở tôi từ bến cảng về trung tâm than thở. Mỗi cuốc xe 10 USD chở khách của anh bây giờ vất vả hơn vì đường sá lúc nào cũng kẹt và bẩn, khói bụi và nước thải tràn ra đường tạo nên một bầu không khí đặc quánh ô nhiễm.
"Tôi mà là thủ tướng, tôi không cho họ xây dựng kiểu này đâu, sập là chết hết", anh tài xế đưa tôi xem mấy tấm ảnh trên điện thoại anh vừa chụp được ở hiện trường vụ sập công trình.
Chiếc Innova biển Việt Nam (67A) phóng đi giữa liên hoan bụi bặm trên thành phố của người Trung Quốc trên đất Campuchia. Ở cửa ngõ thành phố, người ta dựng một biểu tượng hơi giống cánh buồm với dòng chữ tiếng Anh "Chào mừng đến với đặc khu kinh tế Sihanoukville".
Tôi truy cập vào Phnompenh Post để tìm thông tin về vụ sập nhà, không thấy dòng nào. Một lát sau thì báo Việt Nam bắt đầu đăng tin đã tìm thấy 3 thi thể đầu tiên, đều là người Campuchia.
Vài tiếng sau, số người chết đã lên đến 17 người, 24 người bị thương và hàng chục người mất tích.
Chiếc Innova rời thành phố, mang theo lời tạm biệt của tôi, không hẹn ngày gặp lại.
ĐẶNGSINH 23.06.2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: