Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

GIỮ MỐC BIÊN GIỚI PHÍA BẮC - KỲ 3: SÓC GIANG CĂNG NHƯ DÂY ĐÀN


Mốc 646, ngày xưa người dân túc trực ngày đêm giữ đất
























(Báo Thanh Niên) - Cửa khẩu Sóc Giang nằm cách khu di tích Pắc Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) chỉ chục km với hệ thống nhà cửa, đường sá khang trang như bao cửa khẩu quốc tế khác. Ít ai biết, mỗi ngôi nhà ở đây xây lên đều trầy trật vì sự ngăn cản từ phía… Trung Quốc.

Xây nhà trước họng súng

Ngày 28.8.1996, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ mở cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng và dự kiến xây dựng trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu ở vị trí cách mốc 114 khoảng 25m về phía Việt Nam. Thời điểm này, tình hình khu vực vẫn đang phức tạp nên UBND tỉnh Cao Bằng đã xin ý kiến của cấp trên. Ngay sau đó, Ban Biên giới Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản số 875/Bg (7.12.2006) và 101/Bg (25.2.1997), trong đó có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương, đồng ý với xây dựng trạm ở địa điểm dự kiến. Ngày 3.6.1997, bên ta chính thức khởi công xây dựng trạm.
“Ngay khi ta làm lễ động thổ, phía Trung Quốc đã phản ứng quyết liệt”, ông Nông Văn Nhà (57 tuổi, Trưởng xóm Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nói. Ông Nhà nhớ lại: Ngày 7 và 8.6.1997, phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, xua đuổi dân ta đi chợ Bình Mãng bên đó và mắc 2 loa phóng thanh công suất lớn hướng sang khu vực ta đang thi công, liên tục phát thanh tuyên truyền xuyên tạc, kích động, vu khống đe dọa ta.

Cũng thời điểm này, phía Trung Quốc cho một đại đội vũ trang đào công sự từ mốc 113 đến mốc 115, áp sát trước cửa khẩu và triển khai trên các nhà cao tầng đối diện và chĩa súng vào khu vực trạm Biên phòng (BP) của ta trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Trưởng xóm Nông Văn Nhà kể lại câu chuyện bảo vệ công nhân xây nhà
Đặc biệt, sáng ngày 7.6.1997, sau khi bố trí đội hình chiến đấu, phía Trung Quốc cho 10 binh sĩ mặc quần áo rằn ri mang súng AK tràn qua cửa khẩu vượt mốc 114 và dí nòng súng vào ngực cán bộ chiến sĩ BP và nhân dân đang đấu tranh ngăn chặn. “Mỗi ngày sau đó, họ huy động tới 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu định sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Số này hò hét, đe dọa hòng làm công nhân xây dựng lo sợ, bỏ về”, ông Nhà kể.

“Hôm ấy tôi đang làm nương, thấy ai đó hô: Lính Trung Quốc tràn sang đất mình, không cho mình xây nhà. Ra giúp bộ đội đi”, ông Nông Văn Niêm (81 tuổi, ở thôn Nà Sát, Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) nhớ lại những ngày đầu tháng 6.1997 và tỉ mỉ: “Mọi người dù đang làm nương, buôn bán, nấu ăn đều rầm rập kéo ra cửa khẩu, chỗ mốc 114 (nay là mốc 647). Tới nơi đã thấy lính Trung Quốc mặc quần áo rằn ri tràn sang đất ta, qua cả cột mốc và chĩa súng vào hàng đầu ngăn cản là bộ đội BP và cán bộ huyện xã đang khoác tay nhau đứng chặn, vừa không cho họ đi vừa giải thích.

Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!

Bà con của thôn chừng gần 100 người ùa ngay vào, đứng ngay sau bộ đội thành khối đông đặc, đẩy lính Trung Quốc sang bên kia cột mốc. Khoảng 10 phút sau, hàng trăm bà con các thôn Quý Xuân, Trường Hà, Xuân Hòa cũng rùng rùng kéo lên, nối thành vòng người chắn dọc biên giới. Ai nấy đều bừng bừng sắc mặt, giơ nắm tay hô: “Đất này của Việt Nam! Lính Trung Quốc về đi!”, khiến lính Trung Quốc chùn chân, chỉ giơ súng dọa và lùi dần chứ không dám tiến lên đẩy người, định đánh đập công nhân xây dựng như lúc trước…”.

“Lúc ấy, tốp lính tràn sang lăm lăm súng chĩa thẳng vào dân ta. Ở mấy nhà cao tầng bên kia biên giới, lính của họ chạy hết ra công sự, nép sau nhà cao tầng chĩa cả súng máy, súng trường xuống chúng tôi. Tôi hô bà con: “Mình mấy trăm người, nó mấy chục người, nếu có bắn cũng không bắn được hết cả nghìn người của xã này đâu. Bà con đừng sợ” và lao lên đẩy bật thằng đang chĩa súng vào ngực tôi. Bà con thấy vậy cũng ào ào lao lên, miệng hô phản đối, giống như biển người”, ông Niêm cười sảng khoái: “Dân Hà Quảng này nghèo tiền nghèo bạc, chứ tinh thần giữ đất và không sợ Trung Quốc, thì giàu lắm!”…
Ông Nông Văn Niêm (giữa) kể chuyện giữ Nà Khum
Căng thẳng nhất đối với lực lượng thi công và bảo vệ là từ 6-10.6.1997, mỗi ngày phía Trung Quốc cho 150 người thường trực tập trung ở cửa khẩu ngay sát biên giới và có lực lượng dự bị phía sau định tràn sang ngăn cản, phá hoại việc thi công của ta. Phía Trung Quốc có những hành động lời nói đe dọa, khiêu khích lực lượng đấu tranh của ta để tạo cớ tràn sang phá hoại công trình. Đối mặt với họ là hàng nghìn người dân Hà Quảng, chia làm 3 tuyến giăng hàng bảo vệ các công nhân và việc thi công trạm liên hợp. Đến giữa tháng 7.1997, khi công trình xây xong phần thô và đổ trần tầng 1, phía Trung Quốc mới ngưng việc tập trung người”, ông Hoàng Thế Vinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sóc Hà kể lại.

Bảo vệ Nà Khum

Ngay từ năm 2003, các đơn vị thi công của tỉnh Cao Bằng đã tiến hành mở tuyến đường tuần tra biên giới theo kế hoạch của Chính phủ và hoàn tất thi công từ mốc 116 sang hướng đông mốc 115, sát khu vực Nà Khum (Sóc Hà, Hà Quảng).
Tháng 8.2004, đội thi công tiếp tục mở tuyến từ hướng đông mốc 114 (nay là mốc 647) sang hướng tây mốc 115 (nay là mốc 644-1), cách khoảng 100m thì phía Trung Quốc ngăn cản, không cho thi công. Ròng rã gần 1 năm trời hội đàm khẳng định chủ quyền và viết thư phản kháng phía Trung Quốc ngăn cản vô lý, tháng 1.2005, UBND huyện Hà Quảng quyết định thi công tuyến đường, trong các ngày 29-30.1.2005 với 150 bộ đội, nhân dân bảo vệ 10 công nhân.

“Đúng như dự đoán, công nhân vừa đến thì lính BP Trung Quốc đã ra ngăn cản và sau đó, 90 lính Trung Quốc cải trang thành dân binh ào ra khiêu khích, chửi bới, kích động”, ông Hà văn Bình, Bí thư Chi bộ xóm Trúc Long (Sóc Hà) kể lại và nói thẳng: “Lính họ đi lại phía bên kia biên giới suốt, cách chúng tôi vài chục mét nên lạ gì mặt! Họ cải trang thành dân binh, chúng tôi phát hiện ngay. Dân binh gì mà dùng cuốc xẻng gậy gộc thành thạo như đánh lưỡi lê, bánh súng vậy?”.

Giằng co suốt gần 1 ngày, những người dân và bộ đội BP Sóc Hà xếp thành vòng cung bảo vệ công nhân và đẩy đuổi lính Trung Quốc tràn sang. Không thể phá vỡ vòng vây bảo vệ, lính Trung Quốc chĩa súng vào ngực những người dân, bộ đội BP Sóc Hà dọa bắn, nhưng vòng cung càng thêm chắc chắn. Bất lực và hèn hạ, lính Trung Quốc dùng gạch đá ném như mưa vào đội hình, khiến nhiều người bị thương, đổ máu. Không run sợ trước áp lực của Trung Quốc, cả trăm người kiên quyết bảo vệ việc thi công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ông Nông Văn Niêm (thôn Nà Sát, Sóc Hà) chỉ cho tôi xem vết thương ở ngực, do gạch đá lính Trung Quốc ném tới tấp, khi tham gia nhiệm vụ bảo vệ Nà Khum ngày 29.2.2005: “Tôi đi giám định, bị thương tật 21% và được công nhận thương binh” và bảo: “Thương binh vì giữ đất như tôi, ở vùng Sóc Hà này nhiều lắm. Đất của Tổ quốc, dân Cao Bằng dù chết cũng quyết giữ, đâu cần danh hiệu này kia!”…

(Còn nữa)

Mai Thanh Hải

Kỳ 4: Sắt son Nho Quế

Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam tại xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) và trước khi chính thức chảy hẳn vào nội địa nước ta để đổ nước vào Sông Gâm (Cao Bằng), vẫn quặn dòng cả chục km làm ranh giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Ở đoạn biên giới sông thẳng đứng hẻm vực này, còn lưu giữ bao câu chuyện về những người Mông địa đầu Tổ quốc tay không chống chọi với lính Trung Quốc giữ xóm làng, mét nước, bờ sông.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'ĐÃ LÀM QUAN THÌ CHỚ LÀM HỀ"...


Đào Tuấn - "Văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm một phần trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ"...

GS Đình Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin có lần kể lại chuyện ông suýt “vỡ nồi cơm” khi dựng vở Bạch đàn liễu.

Vở diễn kể “câu chuyện nhỏ” về một Chủ tịch xã tên Quyền, muốn cậy quyền chiếm hai cây bạch đàn của một gia đình nông dân.

Phê phán nạn tham nhũng, cửa quyền của một cán bộ loại “khoeo chân”, cẩn thận đến mức “không dùng phương pháp tả thực mà sử dụng gián cách” với hậu trường thể hiện một trang báo lớn với những tin tức tích cực.

Rồi “thủ pháp” bóng lão Quyền to dần, trùm lên bóng của đôi thanh niên. Rồi dùng cầu bập bênh để ám thị một ý niệm: sở dĩ có kẻ ngồi được trên cao là do có người cam tâm ngồi dưới thấp…

Ấy thế mà ngay sau khi công diễn, xuất hiện liền câu vè: Đình Quang tiến sĩ tài ba/ Dựng chuyện cây liễu chửi cha chính quyền.

Số phận của Bạch đàn liễu bấy giờ như một thân bạch đàn bầm dập trong bão phê phán, đùn đẩy, sửa chữa, duyệt lên duyệt xuống.

Đúng là “hài kịch”.

Ngay cả khi tác giả đổi tên nhân vật từ “Quyền”, thành “Quyết”, thì không ngờ lại trùng tên một cán bộ cao cấp của… Bộ Công an.

Sáng tạo ở ta khổ thật.

Đến nỗi GS Quang tự trào bằng cái câu chèo của Tào Mạt: “Đã làm Hề thì đừng làm Quan”.

Nhắc lại câu chuyện “Bạch đàn liễu” là vì hôm qua, GS Quang tái xuất hiện để thử trả lời câu hỏi: Vì sao Việt Nam “có rất ít tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”- Câu hỏi đang được đặt ra trong một Hội nghị toàn quốc về sáng tạo văn học do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Trong cái hội nghị đó, các văn nghệ sĩ hẳn phải dựng lông tóc khi nghe Chủ tịch Hội đồng, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh lý giải “Một số văn nghệ sĩ vẫn còn tâm lý e dè, ngại bộc lộ chính kiến, còn thờ ơ, né tránh mặt trái của đời sống xã hội, những biểu hiện tiêu cực của bộ máy công quyền vì sợ bị “chụp mũ”, bị “định kiến”… nghệ sĩ chưa dám dấn thân, chưa hết mình cho đứa con tinh thần của mình nên sáng tác của họ không phản ánh được khát vọng nhân dân, không phải tấm gương phản chiếu hiện thực xã hội”.

Còn PGS-TS Đào Duy Quát thì lên án: “Văn học nghệ thuật phải chịu trách nhiệm một phần trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay!”.

Đấy nhé, văn nghệ sĩ các vị kém, phải chịu trách nhiệm về sự suy thoái của “bộ phận không nhỏ” là vì các vị nhát, chưa viết đã sợ bị “chụp mũ”, “định kiến”.

Là vì các vị không dám dấn thân.

Là vì con các vị là con ghẻ.

Là vì các vị cứ né bên này, đúng lề bên kia chứ nào có ai cấm đoán gì.

“Ở trên trời nhìn xuống đám đông” ư? Đó là dâm thư. Không chấp.

“Đại gia” ư? Nhạy cảm, cường điệu, nhận định chủ quan, không có lợi cho người đọc.

Cái mà chúng tôi cần là sự dấn thân. Dấn thân giữa cái tốt và cái tốt hơn, chứ không phải giữa cái xấu và cái xấu xa.

Thì chính GS Đình Quang hôm qua cũng xác nhận “tính xung đột của sân khấu” đã “khai tử” từ những năm 50 của thế kỷ trước, với “đao phủ” là thuyết vô xung đột ở Liên Xô cũ.

Theo đó, “trong xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn giai cấp đối kháng đã được giải quyết, không có xung đột thật sự mà chỉ có mâu thuẫn giữa cái tốt và cái tốt hơn”.

Tiếc là GS Quang đã không đọc nốt vế sau cái câu của anh hề già đã nói với nhà vua “Đã làm Quan thì chớ làm hề”...
-------------
* Hình ảnh đã đăng tải trên trang OF, chỉ có tính minh họa, không liên quan đến nội dung bài viết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NÓNG BỎNG TRƯỜNG SA





























(Thanh Niên) - Tháng 4, Trường Sa biển lặng như trong ao, nắng chát chúa từ 5 giờ sáng đến 6 giờ tối, hơi nóng làm mềm đi những vụn đá san hô quanh đảo và cháy thành những ngọn lửa nhỏ sục sôi trong mắt những người lính giữ Trường Sa, những người khách đất liền ra thăm Trường Sa.


Cô Lin ngay sát Gạc Ma

Nhìn từ xa, đảo chìm Cô Lin bé tí như hạt muối vừng thơm thảo so với đá Gạc Ma phía Trung Quốc (TQ) đang cấp tập xây dựng trái phép, trắng hếu và thô kệch như nắm đấm của kẻ cướp. Thượng úy Phan Văn Huỳnh, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin lưng đẫm mồ hôi đón khách, báo cáo tình hình nhưng cứ tí lại chạy ra ngoài dán mắt vào kính ống nhòm TZK chuyên dụng, hướng sẵn phía đông nam là đá Gạc Ma. Gương mặt già sọm so với tuổi, Huỳnh kiệm lời chắc nịch: “Phải theo sát 24/24, không đùa được anh ạ!”.
Trên đài quan sát nóc đảo chìm, chiến sĩ Lê Thanh Hòa (23 tuổi, quê Phúc Thọ, Hà Nội) gọn gàng trong mũ sắt, quân phục dã ngoại, súng ghì chắc, cũng liên tục dán mắt vào kính TZK, quan sát phía đá Gạc Ma.


Nếu nói đến mức độ căng thẳng thì đảo chìm Cô Lin đứng đầu bảng trong số 33 điểm đóng quân của bộ đội ta trên toàn quần đảo Trường Sa, bởi Cô Lin chỉ cách đá Gạc Ma 3,5 hải lý. Cách đây hơn 27 năm, ngày 14.3.1988, phía TQ bất ngờ nổ súng bắn cháy, chìm 3 tàu vận tải quân sự và giết hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân VN đang làm nhiệm vụ bảo vệ, củng cố tôn tạo Gạc Ma. Ngay sau đó, phía TQ xây dựng căn cứ gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ trên bãi Gạc Ma. Đến đầu năm 1989, họ đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng. Từ đầu 2014, phía TQ tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu, tiến hành đào đắp để xây nhà công trình, đường sá, bến tàu và các hạng mục kiên cố khác. Thời kỳ cao điểm, bên cạnh hàng chục tàu vận tải, phía TQ còn huy động các tàu cá bọc sắt, tàu hộ vệ tên lửa xua đuổi các tàu thuyền khác đi gần bãi đá.


Tháng 4.2014, trong chuyến công tác ngoài Trường Sa, tôi đã chứng kiến cảnh các tàu vận tải TQ tập trung chuyển tải trang thiết bị - vật liệu xây dựng lên bãi Gạc Ma. Tháng 12.2014, tham gia chuyến đối ngoại quân sự kết hợp tuần tra đường dài - huấn luyện trên biển cùng Biên đội tàu Hộ vệ tên lửa 011, 012 của Lữ đoàn 162 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), sát qua Gạc Ma khoảng 3 hải lý, tôi cũng ghi hình hiện trạng các công trình xây dựng trái phép của TQ, với khung tòa nhà trung tâm và các hạng mục khác.
Giữa tháng 5.2015 này, có mặt tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma, càng thấy tốc độ xây dựng của những kẻ chiếm đóng trái phép: Tòa nhà trung tâm (Sở Chỉ huy) cao 7 tầng có đường dẫn cho xe cơ giới lên thẳng tầng 2 đã cơ bản hoàn thành, phía trên tầng 7 có thêm đài quan sát cao 3 tầng; 2 đơn nguyên hình tháp cao 6 - 7 tầng, giống đài kiểm soát không lưu và hải đăng; gần 10 đơn nguyên còn lại đều 1 - 2 tầng, xây kiên cố theo kiểu doanh trại...

Những phát pháo hiệu bắn từ Huy Gơ

Trưa 11.5.2015, tàu 571 (Hải đội 411, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đưa chúng tôi đi sát đá Huy Gơ (hay còn gọi là đá Tư Nghĩa) của VN bị TQ cưỡng chiếm từ cuối tháng 2.1988 và cũng đang được rầm rộ xây dựng trái phép. Cách 5 hải lý, trên bộ đàm đã líu lô tiếng TQ dậm dọa. Mặc! Con tàu vẫn cắt sóng tiến vào gần. Lập tức, 3 phát pháo hiệu đỏ lòm bắn cách nhau khoảng 30 giây phụt lên cao đe dọa và khói đen của chiếc tàu cá bọc sắt trực ngay sát bãi đá cuống quýt khởi động máy.
Nhìn bằng mắt thường cũng thấy tòa nhà trung tâm (nhà chỉ huy) cao 6 tầng chuẩn bị hoàn tất, chỉ còn 3 tầng dưới được quây kín cho công nhân gia cố cửa; tòa tháp giống Đài chỉ huy bay cũng sắp dỡ giàn giáo bên ngoài; nhiều cây xanh đã được trồng xung quanh; riêng khu vực cuối đảo chạy dài vẫn đang được quây kín bằng hàng rào và vỏ container, giống đang hoàn thiện công trình ngầm... Do diện tích xây dựng lớn hơn Gạc Ma nên phía TQ tập trung 6 cần cẩu (trong đó có 1 cẩu tự hành cao hàng trăm mét), 7 tàu vận tải xây dựng đang chuyển trang thiết bị - vật liệu xây dựng lên cho công nhân xây dựng các hạng mục công trình. Trên 2 tàu chở cát mới hạ mũi vào rìa bãi đá, các công nhân xây dựng trong trang phục bảo hộ lao động nhốn nháo chạy, khi thấy tàu 571 của VN tiếp cận từ phía xa.

Cờ đỏ Trường Sa


Nguyễn Văn Dũng là Chính trị viên 1 tàu trực trên vùng biển Sinh Tồn Đông, suốt 3 tháng trời nay làm nhiệm vụ ngoài biển. Khi đại tá Rah Lan Lâm, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai đi cùng đại diện Quân chủng Hải quân sang thăm tàu, tặng quà và ngỏ ý muốn xin 1 lá cờ đã sử dụng mang về Phòng Truyền thống của Công an tỉnh Gia Lai, Dũng cười rất tươi chỉ tay lên lá cờ Tổ quốc bạc phếch nắng gió, 5 cánh sao vàng sáng trung trinh trên nóc tàu: “Chúng em cũng đang định thay cờ mới, để mai đi làm nhiệm vụ mới!”.
Trưa hôm sau, khi tàu chúng tôi tiến lại gần đá Huy Gơ, đã thấy tàu của Dũng áp sát đá Huy Gơ từ bao giờ, trên đỉnh cột cờ nóc đài chỉ huy, lá cờ mới phần phật tung bay, nổi bật nền đỏ sao vàng giữa ngổn ngang bê tông xám xịt. Dọc hải trình của chúng tôi, từ Song Tử Tây, Đá Nam cho đến Sơn Ca, Nam Yết, Cô Lin, Sinh Tồn Đông, Đá Lát... đến đâu cũng gặp những lá cờ mới đỏ thắm sao vàng trên mọi vị trí cao của đảo, nóc tàu trực - tàu hàng.

Tháng 5, Trường Sa bao giờ cũng nóng. Năm nay, sức nóng ấy bỏng lên như chưa bao giờ thấy. Nóng từ nắng lửa, từ mạn tàu, từ màu cờ Tổ quốc trải khắp quần đảo và mỗi giọt máu người Việt, từ bến bờ ra với Trường Sa...
Liên tục đe dọa
Việc phía TQ đe dọa các tàu VN khi đi gần các bãi đá mà họ cưỡng chiếm, đang xây dựng trái phép diễn ra liên tục. Thậm chí, ngày 10.5, phóng viên Nguyễn Chung của Báo Thanh Niên đi trên tàu 996 (Hải đội 411, BTL Vùng 4 Hải quân) đi cách đá Xu Bi khoảng 3,7 hải lý cũng ghi nhận : tàu vận tải đổ bộ 996 của Hải quân TQ trang bị 3 bệ, 6 khẩu pháo 37 mm lao ra ngăn cản, đe dọa không cho vào gần bãi đá.
Ngư dân Nguyễn Sanh Thiện (sinh năm 1977, ở thôn Quý Hải, Long Hải, Phú Quý, Bình Thuận), chuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa cho biết: Tại đá Chữ Thập, phía TQ duy trì nhiều ca nô cao tốc, các tàu cá vào cách 3 hải lý là bị đẩy đuổi, ban đêm thì bị cảnh cáo bằng pháo hiệu và trấn áp bằng đèn pha công suất lớn rọi thẳng vào buồng lái; ở đá Châu Viên, lính TQ sẵn sàng nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, thậm chí bắn chặn trước mũi các tàu cá vào gần đánh bắt...
Mai Thanh Hải

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ghi chép về Xuân Diệu và mấy nhà thơ cùng thế hệ (I)

V.Tr.N

1986
Nguyễn Đức Mậu nói với tôi:
-- Hôm đi viếng Xuân Diệu về, tôi có làm ngay một bài thơ. Nghĩ thương ông ấy chứ, công trình lớn như thế “công trình kể biết mấy mươi”, mà lúc cái chết đến, vẫn không cứu được.
- Kể Xuân Diệu với Huy Cận cũng lạ. Xuân Diệu toàn nói về cái sống (Quả sấu non trên cao, Sự sống chẳng bao giờ chán nản) còn Huy Cận toàn nói về cái chết. Tập thơ mới của ông ta, tập Hạt lại gieo, đến 2/3 là nói về cái chết (dù không hay).
Ông Huy Cận cả đời sướng, đến cái chết của ông ta cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng.

- Tố Hữu đến buổi tưởng niệm Xuân Diệu. Trông ông không có khí thế như cũ nữa. Ông bảo thơ tôi không được phổ biến như Xuân Diệu (là nói thơ tình). Con tôi chẳng hạn, nó cũng thích thơ Xuân Diệu hơn thơ tôi. Mà tôi cũng nghĩ biết đâu sau này, con tôi nó chả hơn tôi.
Theo lời Nguyễn Đức Mậu, Tố Hữu có cái tướng lạ lắm. Tai mỏng dính và đỏ hỏn lên, như miếng thịt bò tái hàng phở nó dát trên bát phở. Chỉ được cái nói ngọt. “Anh em văn nghệ sống với nhau tình cảm thế này là tốt. Mong mãi mãi sống được với nhau như thế.”
 Rồi Tố Hữu rủ mọi người xuống thăm mộ Xuân Diệu, ở Văn Điển.

Bài của Phạm Tiến Duật trên báo Văn nghệsố 8 (1986), cho biết: Tố Hữu nói rằng cái ghế của Xuân Diệu đấy, không ai được ngồi vào.
         Trong những  cái cách để đề cao mình, thật thế, có một cách khôn loại nhất: đặt mình sau người đã chết .

Duật bảo: trong phê bình ông Diệu đã thành một thứ hoá công.
Tôi nghĩ cái đó không đúng. Xuân Diệu cũng chỉ là người vừa vừa thôi, không thể là Thánh Thán được. Trong các bài phê bình của ông, tôi luôn luôn bắt gặp tư thái của một người khoảng bậc 4 - bậc 5 gì đấy, nói về các cụ thợ bậc 7-8.

Lắm lúc nghĩ cũng lạ: Trong Xuân Diệu có cả Tố Hữu, Khánh Chi, lẫn Tản Đà, Trần Tuấn Khải. Người ấy ra đều rất liên tài, và sẵn sàng tánnhững câu thơ rất công thức của những Lê Thánh Tông.
Theo Vũ Quần Phương, Xuân Diệu có loại em cúc cung tận tuỵ như Hữu Nhuận (ông cho Nhuận nhiều thứ) em tán (Vũ Quần Phương) và em cấu (những người em hay xin tiền).
Có những người như Vũ Quần Phương và Duật cùng được ông Diệu cưng, dù hai tay này chả có gì chung với nhau cả.

Nhàn: Một người như Trần Huyền Trân tuy làm ít, nhưng vẫn có chỗ trong dòng thơ tiền chiến, bên cạnh Xuân Diệu.
Vũ Quần Phương: Không đúng. Xuân Diệu ở một trình độ cao hơn chứ. Trong thư gửi ra cho mình, anh Chế Lan Viên hay nói tới những câu Xuân Diệu, đại loại như “Mây trắng ngang hàng từ thuở xưa. Bao giờ viễn vọng đến bây giờ”... bảo là không thể coi thường được.
 Nhân nói về việc chọn thơ vào tuyển.
Nhàn: Ai cũng không hài lòng với mình. Ai cũng đòi thêm.
Vũ Quần Phương: Không, những ông như Xuân Diệu, Huy Cận, ông ấy biết là ông ấy được nhiều. Định viết một tập hồi ký mang tên  Tôi cảm tạ cuộc đời cơ mà. 

Vào những ngày sau khi Xuân Diệu chết,  nhiều người bảo Tế Hanh đang thích làm chủ tịch Hội đồng thơ. Họ đều có khía cạnh quan liêu hoá để thành nhà thơ cung đình. Tế Hanh cũng lắm thèm muốn, tuy nghèo  và  yếu ớt hơn.
Nếu có một người lâu nay vẫn thao túng giới thơ thì đó là Chế Lan Viên. Thường được tiếng là thơ trí tuệ, thơ giàu suy nghĩ. Gốc người  cực đoan. Lấy những tư tưởng văn hoá để minh hoạ thêm, lấy sự đọc nhiều để làm ý tứ sắc nhọn thêm. Nhưng vẫn khác với người trí thức ở chỗ:
- Suy nghĩ theo lối cuồng tín
- Có cái vẻ của phe phái nào đó chứ không phải người của bàn dân thiên hạ.
- Quá ư là rành mạch. Hay tổng kết thành 3 điểm, 7 điểm.

 Người xu thời thời này qua nhiều rồi, Xuân Diệu cũng vậy, nhiều khi lại quá lộ liễu. Nhưng cái vẻ gượng gạo cố tình làm lấy được ấy lại cho thấy Xuân Diệu vẫn còn  có một cái gì đó của riêng mình. Vì cái gì đó mà ông phải nhẫn nhịn quỵ lụy. Vì cần bảo vệ phần thơ trước 1945 của mình mà ông phải khen tràn cung mây những thứ thơ linh tinh ba vạ thời nay chăng? Có thể lắm. Ông Chế thì mang tất cả mình vào cuộc. Viết về những ông A, ông B, như là người của muôn đời; viết  về những cơ chế chỉ có hôm nay như là nó đã có sẵn trong trời đất. Hàm hồ. Đào cùng tát cạn. Nói lấy được.

Năm 1985, khi tuyển thơ cả đời mình, đến phần thơ trước Cách mạng, Chế Lan Viên chỉ lấy rất ít.
Có vẻ Chế Lan Viên muốn phủ nhận chính mình, đối xử với quá khứ của mình theo tinh thần  phê phán.
Đọc lại tập Điêu tàn, thấy Chế Lan Viên có một ý, ý đó nhân lên làm nhiều lần, mà không hề có sự đa dạng .
 Thế còn sau Cách mạng? Ở Chế có hai dòng a/ thơ tứ tuyệt kiểu Đường thi, thứ thơ mực thước, quy củ, nhưng trong đó, nhà thơ lại chừng mực ngơ ngẩn, như ở người làm nghề câu dầm. b/ những bài chiến lược dài, viết theo những cơn bốc chốc lát
Cái phần thứ hai giống được ông Chế cố ý trình ra trước mọi người. Còn cái phần tứ tuyệt kia là cái mà ông ủ kín trong lòng. Nhưng tôi phục và thích trở lại với ông Chế ở cái phần tứ tuyệt này hơn.
Ông Phan Ngọc bảo: Thơ Chế, đấy là một cách nói trạng. Chế đúng là một người hay chữ, sắp xếp thế nào cũng được
Tư tưởng trong những bài thơ chính trị của Chế đơn điệu vụ lợi. Nó phải cố tìm ra một vẻ phảo bông pháo hoa để gây ấn tượng.

Bàn với nhà thơ Thợ Rèn (Phạm Lê Văn) về Xuân Diệu.
Nhàn: Xuân Diệu chưa đến được Thánh Thán.
Thợ Rèn: Đến sao được. Vẫn là anh học trò làm luận, kỹ càng. Đâu đã biết đùa với đời như Thánh Thán được. Thường viết về một cuốn sách nào, Thánh Thán cũng chỉ chọn ra một điểm thật tiêu biểu, rồi nói mọi chuyện xung quanh sự kiện đó. Ông nói văn chương như một chuyện đời. Mấy ai làm được thế.

Nhàn: ông Tuân viết Tú Xương là mổ xẻ Tú Xương. Còn ông Diệu có chút khấn vái.
Thợ Rèn: Khấn vái xuýt xoa, như thể quý hoá lắm. Mà sự thực, vẫn là một ông thày giáo giảng bài, giảng thật kỹ thật tỉ mỉ, thật tinh tế, nhưng mà là hạ mình xuống.

Nghĩ về Xuân Diệu một công chức. Nguyễn Minh Châu hay nhìn chữ để nói  về người. Hôm đi đưa đám Xuân Diệu ông ghé tai tôi bảo sao chữ Xuân Diệu viết lại mực thước rõ ràng thế, có vẻ bay bướm mà vẫn khuôn phép. Tôi  nói riêng với anh, ta không hiểu thời Pháp thuộc, họ rèn  công chức An Nam kỹ lắm.
Xuân Diệu hiểu được cái hay cái đẹp thông thường, nhưng không vươn tới cái siêu việt phi lý. Trước 1945 Xuân Diệu không chấp nhận Hàn Mặc Tử là vì vậy.
Kém cảm giác hài hước. Không đùa chơi, không ngang ngược. Đến mức không có cảm giác trò chơi  nữa. Làm mà chơi, chơi mà làm, cái đó không có.
Một thứ đàn bà, thành tâm theo cái người cầm vận mệnh mình: một thứ thê thiếp.
Chính ra Xuân Diệu là người giỏi nhượng bộ, giỏi khuôn mình theo hoàn cảnh. Vừa muốn giữ mình, vừa khiếp nhược, không dám chống lại hoàn cảnh.
Xuân Diệu hay kể thuở bé, chất tỉnh lẻ trong mình như thế nào (ở Quy Nhơn, ngóng báo chí Hà Nội)
Xuân Diệu lại là con vợ bé (?) giàu chất thương cảm chăng?
Nguyễn Đình Nghi kể: Nguyễn Đình Thi rất sợ mất quyền xuất bản - quyền phát ngôn quyền xuất hiện trước mặt mọi người. Xuân Diệu, cũng có nỗi sợ đó, coi đó là một tai hoạ khủng khiếp.

Lúc nào Xuân Diệu cũng có lối vậy. Hiểu sự phiền toái làm người. Nhưng không dám khác mình. Cũng tham, cũng tầm thường như mọi người.
Có một nhà thơ trong cách sống Nguyễn Tuân - chữ thơ với nghĩ đẹp. Có một nhà văn xuôi trong cách sống của Xuân Diệu -- chữ văn xuôi theo nghĩa phàm tục. Chế Lan Viên từng nói đùa “Cái nghề văn xuổi từ sau xin chừa”

Tố Hữu và Xuân Diệu
Hai mẫu người trái ngược nhau
Tố Hữu là người nhào nặn lại quan niệm văn học, người định chống lại thứ văn hoá xưa (phía truyền thống...), người dựng đám thiếu kiến thức mà thừa bản năng dạy, để rồi lại khinh bỉ họ, người kéo quần chúng xuống, để thấy mình cao hơn lên.
Người kiêu căng dám so mình với Nguyễn Du (Vả Nguyễn Du đâu có được đưa vào chương trình dạy trong nhà trường nhiều như vậy). Người không công nhận cá thể, số phận bi kịch - những hằng số trong văn hoá.
Xuân Diệu ngược với tất cả những cái đó.

Câu thơ tiêu biểu của Xuân Diệu, cả trước và sau cách mạng.
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
Thái độ quỵ luỵ của một kẻ yếu. Kẻ ấy biết mình có tài, có cái phần riêng không ai so được. Nhưng trước những kẻ thực dụng thì lại biết mình chỉ là hương hoa, thêm thắt, thừa hiểu rằng “người ta” còn nhiều chuyện quan trọng hơn.
Chất đàn bà= cúc cung tận tuỵ



Nhàn: ông Diệu kỹ thuật quá.
Nguyễn Thành Long: đến cả thơ tình của ông ấy cũng vậy. Tỉnh táo trong sự tỏ ra say mê của mình.
Nhàn: Đúng, chưa bao giờ Xuân Diệu có cái nỗi đau đến không nói được nên lời.

Một phía hèn của Xuân Diệu - thái độ với Nguyễn Bính.
Phạm Lê Văn (Thợ Rèn) kể: Xuân Diệu hay nói cả một đời người làm được vài ba bài thơ để người ta thuộc, cũng đã quý lắm rồi. Mà Nguyễn Bính – vẫn lời Xuân Diệu - thì không chỉ có vài ba bài.
Chính Xuân Diệu có lần ghé vào tai tôi: “Nguyễn Bính còn tài hơn Tế Hanh nhiều. Nhưng thằng Tế Hanh nó ngoan”.
Thế mà, trong tất cả các bài phê bình của Xuân Diệu, có nói đến Nguyễn Bính bao giờ?
Năm 1958 (lần cuối cùng?)  nhắc tới Nguyễn Bính, bên cạnh Chế Lan Viên, Thế Lữ.
Tại sao? Có lẽ là vì ông Tố Lành. Nhưng gần hơn, vì ông Như Phong giám đốc xuất bản văn học sau 1957. Như Phong khinh thằng Nguyễn Bính, cho là thơ học trò chỉ tán gái chả ra gì. Xuân Diệu đành im tho là vì vậy.
Thợ Rèn: Chính Xuân Diệu cuối đường cũng hối, cũng đau, thấy ngoài phần trước cách mạng, phần sau chả được gì.

 Đọc lại Những bước đường tư tưởng của tôi , nhớ máy chi tiết.
Người luôn luôn tự nhủ  không thể ngựa quen đường cũ
 Tr. 6 Con một ông tú nghèo, dạy học từ nông thôn chuyển dần lên thành phố
má tôi = một người vợ bé, sớm  bị  áp bức trong gia đình.
Thuở bé, bố mẹ ở xa nhà nhau
Kể lại mê Musset, Verlaine và mê Tuyết hồng lệ sử

“Bởi thấy những người tài tình ở trong đời bị thiểu số và bị khinh thường, tôi nghĩ một bài văn để “chiêu tài tử” gọi nhau từ xưa đến nay, đặng tri ân với nhau, thương lấy nhau.”
Tr. 19 Tự nhận tư tưởng mình: một tạp-pí-lù
Tr.23 Một câu trong bài An cư giữa loài người (1939)
“Tôi như chiếc lá lo chuyện lìa rừng
buồn đời bé nhẹ, nghĩ đến muôn ngàn ức triệu lá bạn, mà lại phe phất với đời...”
Xuân Diệu nhắc tới văn học Pháp, trước 1945, chỉ nhắc Paul Morand và Pière Loti.
Những xu thời nông nổi
Tr 45 Những Bá Nha cứ sáng tác đi, lo gì quần chúng thiếu Chung Tử Kỳ.
Tr.51 Hình thức, kỹ thuật của ta cũng xây dựng trên cơ sở quần chúng.

 Xuân Diệu là loại người viết văn mang trong mình chất lập nghiệp từ rất sớm, từ  hồi đi học ở quê đã mơ ra Hà Nội.
 Thèm sự bất tử, tin rằng còn mãi với cuộc đời này.
Muốn chứng tỏ rằng mình có đủ tài năng như mọi người. Cũng là một kiểu Julien Sorel chăng?  Cũng phải mồi chài mọi người, “đánh đĩ” với mọi người!
Cho nên, thơ Xuân Diệu, rất nhạy với cả hai điểm ngược nhau.
- Hướng vào cái đông vui
- Trở lại cái đơn độc.Thèm một cái gì khác mình
Không có cánh mà vẫn thèm bay bổng
Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời (Là thi sĩ)

Nếu có một tình yêu thứ nhất, thì tình yêu của Xuân Diệu là giành cho nền văn hoá Pháp. Thèm quá, ao ước quá, được động vào người đã đủ sung sướng lắm rồi. Từ văn hóa Pháp mới sang văn hóa Việt, dù sau này sống bằng văn hóa Việt.
Còn mối tình Xuân Diệu với cách mạng với Tố Hữu lại là một mối tình của người vợ tảo tần, tao khang, hiểu nhau, biết cả những phiền muộn của nhau. (Đã có một đời chồng rồi không thành, nên người đàn bà ấy rất giữ gìn cái hạnh phúc hôm nay mà mình có, và rất bằng lòng với nó).
Nhưng sao thơ Xuân Diệu sau cách mạng, không thể có những bài đỉnh như  Lời kỹ nữ  Hy Mã Lạp Sơn. Tất nhiên, Lời kỹ nữ tiêu biểu hơn, Xuân Diệu cô đơn trong mối quan hệ với người khác dễ bỏ hơn. Hình ảnh nhà thơ vời vợi một mình như Hy Mã không hợp.
Sau cách mạng, Xuân Diệu có bài Biển bàiQuả sấu non trên cao - đều là cỡ trung bình.

Đọc Trường ca: Thấy phục, nhưng không thích, như một vẻ đẹp nhung lụa mà tôi vốn xa lạ!  Tuy nhiên phải nhận nó có cái  óng ánh sang trọng của đời sống quý phái.

Nghĩ tới Chế Lan Viên trước sau 1945. Như một cây táo chặt đi, mọc lên một cây khác. Như một cây táo mọc cạnh một ngách tường nào đấy, uốn đổi hình hài đi; nếu dỡ bức tường ra, người ta không thể nghĩ là có một cây táo như vậy.
Tại Chế Lan Viên  quá nhạy với hoàn cảnh?
Tại quá tài?
Tại tất cả.


Chuyện của Nguyễn Minh Châu (13/10)
- Cái đám tiền chiến đi theo cách mạng thật là hèn hạ Chính họ nghĩ ra chữ lột xác chứ gì. Như là nó vừa bảo cởi quần áo thì cởi luôn cả áo lót.
Nhưng sau khi thốt lên cái câu tự đáy lòng như vậy, rồi Ng M Châu lại bảo mình ở hoàn cảnh các ông ấy rồi cũng phải nói như các ông chứ làm sao được.

 Nguyên Hồng hồi kháng chiến (1948) có lần viết  một truyện không được in. Và ông ghi trong nhật ký “Hời hợt như Diệu, già cũ và khôn ngoan như Tuân ào ạt như Thi … thì làm sao mà thích được truyện này"
Đoạn nhật ký trên tôi đọc được ở nhà Nguyên Hồng trong một trang vở cũ nát, hôm theo Nguyễn Kiên lên Yên Thế. Chắc chẳng ai giữ những đoạn nhật ký ấy làm gì.
Nguyễn Minh Châu kể:
--  Khi lên thăm mộ Nguyên Hồng, tôi được một người nông dân dẫn đi thăm cả xóm. Đây chỗ này ông này ở chỗ kia ông kia ở. Và một cái xà ngang, đây chỗ Ngô Tất Tố tự tử. Thì ra, Ngô Tất Tố đã tự kết liễu đời mình thật.

Không biết có thể tin được không.


Phần nhận xét hiển thị trên trang