Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Những thách thức kinh tế năm 2017


Nền kinh tế năm 2017 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2016 trong bối cảnh địa - chính trị trên thế giới đã có nhiều thay đổi cũng như những bất ổn của nền tài chính toàn cầu chưa giảm. 

Ảnh minh họa: Quý Hòa
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 của Việt Nam là khá tham vọng bởi năm 2016 chỉ đạt 6,21%. Trong áp lực thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, rõ ràng chính sách tài khóa sẽ khó có thể hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng, do đó khả năng nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì.

Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng khả năng lãi suất sẽ khó có thể duy trì được ổn định như hiện nay. Một số ngân hàng gần đây đã tăng lãi suất huy động trở lại. Nợ xấu, tỷ giá và các quy định chỉ tiêu an toàn của ngân hàng tăng lên là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến lãi suất trong năm 2017.

Nếu lãi suất có xu hướng đi lên trở lại sẽ tác động đến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến tăng trưởng tín dụng khó có thể đạt mục tiêu đề ra và do đó chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ không thể phát huy tác dụng, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ngược lại, nếu như chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức thì lạm phát có thể quay trở lại. Thực tế đã cho thấy những năm trước đây khi tăng trưởng tín dụng ở mức cao liên tiếp qua nhiều năm, thậm chí có năm lên đến 30 - 40% thì sau đó lạm phát tăng rất cao.

Trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước, và đã tiến gần đến mức 20%. Một số tổ chức quốc tế đã cảnh báo những rủi ro cho nền kinh tế với chính sách nới lỏng tiền tệ quá nhanh của Việt Nam.

>> Nới lỏng tiền tệ, Trung Quốc có thể mắc “bẫy thiên nga đen”

Tỷ giá USD/VND năm 2016 chỉ tăng 1,2%, tuy nhiên năm 2017 có thể khó đạt được mức ổn định ấy. Nếu Tổng thống đắc cử Trump mở rộng chính sách tài khóa thì đồng USD sẽ tiếp tục đi lên trên thị trường quốc tế. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tiếp tục chảy ngược về Mỹ sẽ tạo áp lực lớn cho những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Trong khi đó, chính sách trần lãi suất 0% của Việt Nam đã làm giảm mức độ hấp dẫn đối với dòng vốn USD. Kiều hối năm 2016 đã sụt giảm mạnh nhưng nhờ vào nguồn FDI giải ngân tăng và nguồn vốn FPI (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài) tăng mạnh nhờ vào các thương vụ M&A, trong khi cán cân thương mại chuyển sang thặng dư lớn đã phần nào hỗ trợ cho nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam.

Tuy nhiên năm 2017, các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam có thể bị ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất của FED cũng như việc lôi kéo các doanh nghiệp đầu tư vào Mỹ của Tổng thống Trump và TPP có thể không trở thành hiện thực.

Năm 2016 cán cân thương mại đã đạt được thặng dư khá lớn nhờ vào xuất khẩu tăng trưởng trong khi nhập khẩu chậm lại do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Trong năm 2017, xuất khẩu có thể chịu nhiều ảnh hưởng từ việc các quốc gia đã phá giá đồng bản tệ khá lớn so với đồng USD, trong khi VND chỉ điều chỉnh ở mức tương đối thấp, do đó hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá. VND mạnh hơn cũng có thể thúc đẩy nhập khẩu nhiều hơn và khi đó cán cân thương mại có nguy cơ chuyển sang thâm hụt trở lại.

>> “Hóa giải” 3 mối lo của xuất nhập khẩu khi VND mất giá

Nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho Việt Nam sẽ bị hạn chế nhiều hơn, nhất là từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể phải vay vốn ODA với lãi suất theo thị trường, không còn đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi do đã trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2010. Lãi suất vay cao hơn và kỳ hạn vay ngắn hạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư phát triển suy yếu buộc Chính phủ phải tăng cường huy động vốn trong nước để chi cho đầu tư phát triển, nếu muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP. Chi ngân sách tăng lên có thể làm tăng thâm hụt ngân sách cũng như áp lực lên nợ công hiện tại, vốn chiếm tỷ lệ so với GDP đang ngày càng cao hơn.

Trong khi đó, việc phát hành quá nhiều trái phiếu chính phủ có thể làm tăng lợi suất trên thị trường này, từ đó tác động đến mặt bằng lãi suất của nền kinh tế và "chèn lấn" nhu cầu vốn của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Khi nguồn vốn của khu vực ngân hàng rót nhiều vào thị trường trái phiếu sẽ khiến nguồn vốn dành cho doanh nghiệp bị hạn chế, cộng thêm mặt bằng lãi suất tăng lên sẽ làm suy yếu động lực đầu tư của khu vực tư nhân.
HỒ LÊ

http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/nhung-thach-thuc-kinh-te-nam-2017/1102115/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: