Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Chúng ta sẽ đi làm thuê trên chính đất nước mình?


>> Những cái chết được báo trước ở Việt Nam
>> Bắc Kinh-Hồng Kông : Dị biệt không thể vượt qua


Nguyễn Vạn Phú
(TBKTSG) - Hiện đang nổi lên luồng suy nghĩ nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc ngày càng nhiều vào đầu tư nước ngoài với hệ lụy cuối cùng là người Việt phải đi làm thuê trên chính đất nước mình. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lập luận này?

Một thực tế phức tạp và đang biến đổi

Điều có thể khẳng định ngay là thực tế luôn phức tạp hơn hình dung kiểu trắng đen “nước ngoài” - “trong nước”; “nội lực” - “ngoại lực”...

Lấy ví dụ, ai cũng biết dược phẩm nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc thông qua các công ty Việt Nam đang làm chao đảo sản xuất của các công ty dược có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bởi không thể cạnh tranh nổi bằng giá. Ở đây thật khó lòng phân định đâu là lợi ích cho khu vực trong nước, đâu là lợi ích cho khu vực nước ngoài.

Cái thực tế phức tạp đó có thể xuất hiện dưới dạng một sản phẩm nhìn qua tưởng đâu 100% là của Việt Nam nhưng thực chất do doanh nghiệp trong nước sang Trung Quốc thuê sản xuất rồi dán nhãn Việt Nam. Nó cũng có thể là một chuỗi cửa hàng mang thương hiệu nước ngoài nhưng thực chất do doanh nghiệp 100% vốn trong nước làm chủ. Nó có thể là một doanh nghiệp trong nước nhưng cổ phần đã bán gần hết cho nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng do đâu mà có luồng suy nghĩ nói trên?

Trước hết, đó là các con số thống kê khá lạnh lùng. Về ngoại thương, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước năm 2000 là 52,98%, giảm xuống còn 36,93% năm 2012; khu vực FDI tăng lên tương ứng từ 47,02% năm 2000 lên 63,07% năm 2012. Chín tháng đầu năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 109,6 tỉ đô la, thì khu vực kinh tế trong nước đạt 36,6 tỉ đô la (chỉ còn hơn 33%) còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73 tỉ đô la (hơn 66,6%). Xu hướng này sẽ còn tiếp tục theo hướng khu vực FDI ngày càng xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn khu vực trong nước.

Theo cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển thì doanh nghiệp FDI cũng đã chiếm tỷ trọng gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Trong khi quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp trong nước giảm 3,6% (năm 2012 - từ 25 tỉ đồng xuống còn 24 tỉ đồng) thì quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp FDI lại tăng từ 207 tỉ đồng lên 307 tỉ đồng.

Thứ hai là cảm nhận từ quan sát chủ quan của nhiều người. Gần đây thông tin cho thấy doanh nghiệp trong nước không chen chân nổi vào chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia đang dùng Việt Nam làm căn cứ sản xuất toàn cầu làm nhiều người thất vọng về ý nghĩa của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng thu hút vốn FDI nhiều làm gì khi Việt Nam chỉ trở thành nơi gia công, để tận dụng giá công nhân rẻ mạt trong khi doanh nghiệp trong nước không được chuyển giao công nghệ, không làm được những công đoạn đơn giản nhất.

Với nhiều người khác, đó là cảm giác bất lực khi hệ thống phân phối dần rơi vào tay nước ngoài, khi mọi vật dụng, từ bàn chải, kem đánh răng đến chiếc xe gắn máy, ô tô đều do doanh nghiệp nước ngoài sản xuất. Ngay cả các nhà hàng ăn uống đơn giản, đông nghịt khách vẫn là các nhà hàng mang thương hiệu nước ngoài.

Vì sao lại có xu hướng như thế?

Sự teo tóp của doanh nghiệp trong nước bắt đầu từ luồng hứng khởi gia nhập WTO với những mỹ từ từng vang vang một thời như “ra khơi”, “cất cánh”, “ra biển lớn”. Dòng vốn nóng đổ vào, bong bóng địa ốc, tài sản và chứng khoán làm sản nghiệp của nhiều người, nhiều giới bỗng phình to ra nhanh chóng.

Không có mức lợi nhuận nào trong các ngành sản xuất truyền thống, kể cả nuôi thủy sản hay xuất khẩu đặc sản có thể sánh với tỷ suất lợi nhuận của chứng khoán, địa ốc, ngân hàng những năm ngay khi Việt Nam vào WTO. Đó là lý do vì sao doanh nghiệp trong nước dần dần từ bỏ nhiều lãnh vực cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nay đến khi bong bóng tài sản xì hơi, doanh nghiệp trong nước lại mắc kẹt nợ xấu, chi phí lãi vay ngân hàng quá cao, xoay xở trở lại thế mạnh cũ không kịp nữa. Trong khi đó, dường như khối doanh nghiệp FDI với nguồn lực riêng, không chịu ảnh hưởng của những đợt lãi suất quá cao, tỷ giá lại được bảo đảm nên có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.

Chính vì thế mà việc doanh nghiệp FDI dường như là động cơ duy nhất còn chạy tốt (trong khi hai động cơ còn lại là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước đều gặp khó khăn) là điều an ủi, nhìn ở góc độ vĩ mô.

Doanh nghiệp FDI suy cho cùng cũng là doanh nghiệp Việt Nam; nếu họ tạo công ăn việc làm, nộp thuế đầy đủ, họ phát triển là điều đáng mừng vì đó là cơ sở để hy vọng nền kinh tế phục hồi đầy đủ cho mọi khu vực.

Nhưng cũng xét ở góc độ vĩ mô, cần nhớ phần chia cho người nước ngoài trong tổng sản phẩm nội địa ngày càng lớn. Theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), chênh lệch giữa hai chỉ số GDP (tổng sản phẩm quốc nội, kể cả của công dân nước ngoài làm ra trên đất Việt Nam) và GNI (tổng thu nhập quốc dân, tức đã trừ phần làm ra của người nước ngoài), là rất lớn. Tại một cuộc họp báo vào cuối năm ngoái, ông Tuyến cho biết chênh lệch này trong các năm 2010 là 82.250 tỉ đồng, 2011 là 119.800 tỉ đồng, 2012 là 142.80 tỉ đồng và năm 2013 là 171.930 tỉ đồng. Có nghĩa GDP năm 2013 phải trừ bớt 8 tỉ đô la là phần của người nước ngoài làm ra, trước sau gì họ cũng đem về nước họ.

Vậy cân nhắc thiệt hơn là ở chỗ nào?

Như đã nói ở đầu bài, vấn đề không phải là cân nhắc ứng xử như thế nào đối với khu vực FDI mà đúng hơn là ứng xử một cách nhất quán để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, bất kể sản xuất trong nước đó là do khu vực nào thực hiện.

Lấy ví dụ, nhiều người đã từng nói đến nghịch lý nhập khẩu nguyên chiếc máy tính thì sẽ chịu thuế suất thấp hơn so với nhập khẩu linh kiện về để lắp ráp chiếc máy tính. Hay gần đây nhất là một quan chức cấp cao ngành công thương cho biết, doanh nghiệp gia công may mặc nếu sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu thì được trả thuế chậm còn sử dụng nguyên vật liệu trong nước thì phải trả thuế ngay. Những nghịch lý này nếu không giải quyết sẽ vô hình trung khuyến khích nhập khẩu, gây bất lợi cho sản xuất trong nước.

Nhìn ở góc độ đó, rõ ràng Việt Nam chưa có một chiến lược rõ ràng nhằm hóa giải tác dụng tiêu cực của lộ trình giảm thuế theo các cam kết hội nhập. Vì không có gì thay thế cho động lực thuế, các doanh nghiệp, cả trong nước lẫn FDI đều dần dần từ bỏ sản xuất mà chuyển sang nhập khẩu; từ bỏ lắp ráp qua làm dịch vụ thương mại. Cũng vì thiếu chiến lược nên không có sự gắn kết hay liên kết giữa các lĩnh vực; cuối cùng sản xuất chăn nuôi trong nước lại phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, ngành da giày, may mặc cũng vậy.

Quan trọng nhất là khâu phân phối, nơi người ta thường nói ai nắm sẽ nắm hết toàn bộ nền kinh tế. Thử tưởng tượng Việt Nam tung ra chiến dịch người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng hệ thống phân phối lại nằm trong tay người nước ngoài thì làm sao tiến hành chiến dịch theo ý định được. Hệ thống phân phối dù còn chưa hiện đại của Việt Nam hiện đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu con người; đang giúp hàng hóa sản xuất nhỏ lẻ đến tay người tiêu dùng. Điều đáng ngại là khu vực FDI hiện chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nhưng đang có mức tăng nhanh hơn gấp đôi khu vực trong nước.

Khi Việt Nam nhập không chỉ chiếc điện thoại iPhone mà còn cả cây tăm nữa thì nỗi lo làm thuê trên đất nước mình mới thật sự đáng lo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: