>> Danh hài Chiến Thắng và cát-sê trăm triệu một ngày
>> Hiệp định Paris 1973: 'Hai miền Nam Bắc cùng vi phạm'?
TS TRẦN CÔNG TRỤC
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.nytimes.com/2017/01/10/us/repeal-affordable-care-act-donald-trump.html
[2]http://nhanam.vn/tin-tuc/nuoc-my-que-quat-qua-goc-nhin-cua-donald-trump
>> Hiệp định Paris 1973: 'Hai miền Nam Bắc cùng vi phạm'?
TS TRẦN CÔNG TRỤC
(GDVN) - Bài học quan trọng nhất từ sự thay đổi chính sách của Trump, với Việt Nam cũng như các nước châu Á-Thái Bình Dương khác, đó là độc lập tự chủ, tự lực tự cường.
Tổng thống thứ 45 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1 với bài diễn văn 16 phút đầy ấn tượng và khác thường.
Người ta không còn nghe thấy những lời hoa mỹ được các chính khách thường lặp đi lặp lại theo khuôn mẫu sau mỗi lần tiếp quản quyền lực.
Thay vào đó là những cái nhìn xoáy thẳng vào sự thật, tiếp theo đó là những chính sách đảo ngược tình thế, tống cựu nghênh tân.
Người viết dù rất ấn tượng với bài phát biểu của ông Donald Trump, xong vẫn muốn để một vài ngày lắng lại cảm xúc, quan sát tiếp những hành động đầu tiên của tân Tổng thống Hoa Kỳ để đưa ra một số nhận định cùng chia sẻ với bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đầu xuân Đinh Dậu.
Mùa xuân này với người Mỹ và phần còn lại của thế giới, là một mùa xuân đặc biệt, bởi nó sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới, một bước ngoặt mới của đời sống chính trị, kinh tế quốc tế.
Trump không nói chơi
The New York Times ngày 10/1 cho biết, trước khi nhậm chức 10 ngày ông Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội Mỹ bác bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng (Obamacare) và thông qua một đạo luật mới về y tế một cách nhanh chóng.
Ông đã yêu cầu các nghị sĩ đảng Cộng hòa lập tức thực hiện điều này.
Trump tuyên bố, trì hoãn việc bãi bỏ Obamacare vài tuần hay phải mất vài năm để thực hiện một đạo luật thay thế là điều không thể chấp nhận với tân Tổng thống. [1]
Chỉ 3 ngày sau, cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Hạ viện Mỹ với 227 phiếu thuận, 198 phiếu chống, kế hoạch hủy bỏ và thay thế Obamacare đã chính thức bắt đầu.
Vấn đề đặt ra là, tại sao một đạo luật được nhiều người tin là nhân đạo, là thành công của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama lại bị người kế nhiệm gạt phăng đi như thế?
Trump đã cho biết cụ thể nguyên nhân trong cuốn sách "Nước Mỹ nhìn từ bên trong. Làm thế nào để nước Mỹ què quặt hùng mạnh trở lại" của ông xuất bản cuối năm 2015, và đó cũng là cương lĩnh tranh cử của ông. [2]
Có thể tóm lược lý do phải hủy Obamacare và ra một đạo luật thay thế như thế này: muốn có chất lượng dịch vụ y tế tốt, phải có sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ.
Cạnh tranh vừa góp phần hạ thấp giá cả, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhà nước cần tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh và minh bạch trong hệ thống y tế.
Tuy nhiên Obamacare lại chặn đứng sự canh tranh thật sự giữa các công ty bảo hiểm để có được khách hàng.
Dưới Đạo luật Obamacare, các công ty bảo hiểm lớn gần như độc quyền ở mỗi bang. Chính những công ty bảo hiểm này trả tiền cho các chính trị gia và dùng nó để "kiểm soát" họ.
Donand Trump đi lên từ một doanh nhân, ông phải lo cuộc sống cho hàng ngàn công nhân, trong đó có bảo hiểm y tế. Ông dùng tiền túi của mình để tranh cử, không tranh cử bằng túi tiền các doanh nghiệp.
Vậy giải pháp tân Tổng thống Mỹ đưa ra để thay thế Obamacare là gì? Theo ông, chính phủ không nên can thiệp vào lĩnh vực dịch vụ y tế, trừ trường hợp vạn bất đắc dĩ.
Công việc chính phủ Mỹ cần làm là tạo chính sách để đảm bảo cho các công ty bảo hiểm vững mạnh về tài chính, để nếu có một sự cố y tế nào đó, họ sẽ có đủ nguồn lực để xử lý.
Động thái quyết liệt thứ 2 cho thấy Donald Trump không nói chơi, đó là ông giữ đúng cam kết tranh cử, ngày đầu tiên làm việc ông đã ký quyết định chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Quyết định này cũng giống việc hủy bỏ Obamacare, gây tranh cãi chính trong lòng nước Mỹ. Thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ nước Mỹ, nhiều người, nhiều nhà phân tích đã bày tỏ sự thất vọng về tân Tổng thống Hoa Kỳ.
Tại sao người ta thất vọng? Tại sao Trump cứ phải nhất quyết hủy TPP?
Cá nhân tôi cho rằng, người ta thất vọng vì thói quen, quán tính và nếp tư duy cũ.
Lâu nay dư luận vẫn coi Mỹ là nước phải gánh trách nhiệm đảm bảo an ninh cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước sự trỗi dậy về kinh tế - quân sự và theo đuổi yêu sách lãnh thổ phi lý từ Trung Quốc, vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên.
TPP được chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama và phần đông dư luận xem là một phần của chiến lược xoay trục, hay còn gọi là tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương, để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Còn Bắc Kinh thì xem hiệp định này cũng như chiến lược xoay trục là một hình thức "bao vây" họ. Có lẽ đây chính là lý do để người ta ủng hộ TPP, và tiếc nuối khi Trump quyết đinh rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này.
Lý do đã được tân Tổng thống Hoa Kỳ nêu ra trong chiến dịch tranh cử, cũng như diễn văn nhậm chức. Xin được trích dẫn một đoạn trong diến văn nhậm chức của ông để hiểu thêm quyết sách quan trọng này:
"Trong nhiều thập niên, chúng ta đã làm giàu cho công nghiệp nước ngoài trong khi công nghiệp Mỹ bị thua thiệt;
Trợ cấp cho quân đội các nước khác trong khi để mặc cho quân đội của chúng ta suy yếu một cách đáng buồn;
Chúng ta đã bảo vệ biên giới các quốc gia khác trong khi không bảo vệ biên giới của chính đất nước mình;
Chúng ta đã chi hàng nghìn tỷ đôla ở nước ngoài trong khi cơ sở hạ tầng của Mỹ rơi vào tình trạng hư hại, mục nát.
Chúng ta đã giúp các nước khác trở nên giàu có trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh và niềm tự tin của đất nước chúng ta mai một dần.
Lần lượt, các nhà máy đóng cửa và rời lãnh thổ của chúng ta, mà không mảy may nghĩ đến hàng triệu, hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau.
Tầng lớp trung lưu của chúng ta đã bị tước mất tài sản, nhà cửa, để chia lại trên khắp thế giới.
Nhưng đó là quá khứ. Bây giờ chúng ta sẽ chỉ hướng đến tương lai."
Giải pháp của Trump là: nước Mỹ sẽ phải tuân theo hai quy định đơn giản: Mua hàng Mỹ và mướn nhân công Mỹ.
Khi mất đi "chùm khế ngọt viện trợ" hay "chiếc ô an ninh" vốn đã quen sự hiện diện của nó từ lâu, người ta thấy băn khoăn, lo lắng, hụt hẫng...cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng đã đến lúc tất cả các quốc gia phải tự lực cánh sinh, phải tìm đường đi cho riêng mình trong con đường chung hướng tới hòa bình, thịnh vượng, trật tự công bằng dựa trên luật pháp quốc tế mà nhân loại văn minh hướng tới. Không thể mãi dựa vào nước này hay nước khác.
Trump sẽ làm gương, thay vì xuất khẩu giá trị Mỹ
Cá nhân tôi cho rằng, đây là thay đổi căn bản và toàn diện nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời tân Tổng thống Donald Trump. Trong diễn văn nhậm chức, ông khẳng định:
"Chúng ta sẽ xây dựng tình hữu nghị và thiện chí với các quốc gia trên thế giới - nhưng chúng ta làm như vậy với ý thức rằng tất cả các quốc gia có quyền đặt lợi ích của chính họ lên trên hết.
Chúng ta không tìm cách áp đặt lối sống của chúng ta lên bất cứ ai, mà thay vào đó là tự mình thể hiện như một tấm gương cho mọi người noi theo".
Nói cách khác, nước Mỹ dưới thời Trump sẽ không đảm nhiệm vai "cảnh sát toàn cầu", sẽ không làm chuyện "bao đồng" như các chính phủ tiền nhiệm.
Đồng thời, Mỹ dưới thời Trump cũng sẽ từ bỏ chính sách xuất khẩu hệ giá trị tự do, dân chủ Mỹ sang các nước khác. Nước nào thấy hay thì học, vấn đề của nước nào, nước đó tự giải quyết.
Điều này trái ngược hoàn toàn với nếp nghĩ Mỹ phải là lãnh đạo toàn cầu, Mỹ phải lo giải quyết mọi chuyện từ Trung Đông, Bắc Phi cho đến Đông Á.
Trump không nghĩ vậy, và tôi cho rằng, đó là suy nghĩ thực dụng, phù hợp với tương quan lực lượng giữa các siêu cường trong bối cảnh hiện nay và vì nước Mỹ.
Do đó, việc Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP biết đâu lại là một cơ hội, thay vì thách thức như nhiều người vẫn nghĩ.
Có phải Trump "nhường" địa vị hiện có của mình cho Trung Quốc?
Câu hỏi này không chỉ nhiều quan điểm trong dư luận Việt Nam đặt ra, mà ngay cả chính giới và học giả Hoa Kỳ cũng có nhiều người nhận định tương tự, ví như Thượng nghị sĩ John McCain, hay Giáo sư Jonathan London.
Tôi thì không cho rằng quyết định rút khỏi TPP làm suy yếu vai trò, ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ngược lại, nó có thể làm cho Washington mạnh thêm.
Thứ nhất, bản chất TPP là một hiệp định về tự do thương mại, nhưng lâu nay nhiều người lại chỉ coi trọng giá trị an ninh, địa- chính trị, địa- chiến lược của nó.
Việt Nam là một thành viên tham gia đàm phán, ký kết TPP với nhiều kỳ vọng về cơ hội, thị trường cho hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vào thị trường Mỹ và các nước tham gia TPP.
Nhưng cá nhân tôi quan sát thấy, dường như rất ít người dân và doanh nghiệp hiểu tường tận về TPP và chủ động chuẩn bị cho sự gia nhập sân chơi này.
Trên báo chí, TPP thường được gắn với câu chuyện an ninh khu vực, quan hệ Trung - Mỹ và cả chuyện Biển Đông.
Với tâm thế và sự chuẩn bị như vậy, tham gia TPP lợi chưa thấy đâu, nhưng nguy cơ Việt Nam trở thành nơi các sản phẩm Trung Quốc "rửa" xuất xứ để vào thị trường TPP là khá rõ ràng.
Câu chuyện thép Trung Quốc núp xuất xứ Việt Nam để vào châu Âu là một bài học.
Còn tại sao tôi nói rút khỏi TPP có thể giúp Mỹ tăng vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương và không có chuyện "nhường ngôi" cho Trung Quốc? Đó là vì, cuộc so găng Trung - Mỹ quyết định bởi "nội công" chứ không phải “ngoại lực”.
Sở dĩ Bắc Kinh làm mưa làm gió trong hoạt động kinh tế đối ngoại, sử dụng kinh tế - thương mại như công cụ để thực hiện các ý đồ chính trị là vì, họ có nguồn ngoại tệ dồi dào nhờ thống trị thị trường hàng giá rẻ gần như toàn thế giới trong mấy chục năm phát triển hòa bình sau Chiến tranh Thế giới II.
Sở dĩ Mỹ đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt là vì một thời gian dài chạy theo chính sách "bao đồng", "cảnh sát toàn cầu" mà không lo củng cố nội lực.
Do đó, sự thay đổi của Trump là cần thiết. Chỉ có như thế, nước Mỹ mới có thể mạnh trở lại. Dưới thời Obama, Trung Quốc tự tung tự tác quân sự hóa Biển Đông, Mỹ có làm gì được họ?
Vậy hy vọng gì vào TPP và chiến lược tái cân bằng ngăn được Trung Quốc tiếp tục độc chiếm Biển Đông? Thậm chí, nó chỉ tạo thêm những cái cớ để Trung Quốc lấn thêm từng bước.
Rút khỏi TPP, không có nghĩa là nước Mỹ dưới thời Trump rút khỏi châu Á - Thái Bình Dương hay Biển Đông. Đơn giản là Trump sẽ sử dụng nước cờ địa- chính trị khác, con bài chiến lược khác để kiềm chế sự leo thang của Trung Quốc.
Một trong số đó là vấn đề Đài Loan. Thời gian tới, có thể sẽ có nhiều dấu hiệu, bằng chứng hơn nữa về điều này, vì ông mới vừa nhậm chức. Tôi cho rằng, đây mới là con bài hiệu quả để Mỹ chơi với Trung Quốc trên bàn cờ Biển Đông.
Bài học nào cho Việt Nam và các nước ở khu vực Biển Đông?
Bài học quan trọng nhất từ sự thay đổi chính sách của Trump, với Việt Nam cũng như các nướ châu Á-Thái Bình Dương khác, đó là độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đoàn kết trên cơ sở bảo vệ lợi ích chung, trật tự và luật pháp quốc tế.
Tư duy dựa vào Mỹ về an ninh, dựa vào Trung Quốc về kinh tế đã chứng minh là lựa chọn lợi bất cập hại.
Hai quốc gia thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi thời cuộc và chính trường Hoa Kỳ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Nhật Bản và Philippines.
Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích của Mỹ, chúng ta và bất cứ quốc gia nào cũng thế. Tuy nhiên ở khu vực Biển Đông, có lợi ích chung cho tất cả các bên, đó là hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải - hàng không và luật pháp quốc tế.
Thay vì tìm cách dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc, chúng ta cần tìm hiểu các chính sách của 2 cường quốc này, để hướng tới một tiếng nói chung mà các bên chấp nhận được.
Muốn làm điều đó, chúng ta cần phải có tư duy độc lập. Lệ thuộc ngay từ tư duy vào bất cứ quốc gia nào, cũng sẽ dẫn đến sự lệ thuộc nhiều mặt trong thực tế.
Về mặt kinh tế, đồng tiền Trung Quốc tuy không đi kèm điều kiện khắt khe về chính trị, nhân quyền như nguồn vốn phương Tây, nhưng nó lại luôn đi kèm với công nghệ lạc hậu, ô nhiễm, doanh nghiệp - nhà thầu và lao động chân tay Trung Quốc. Đằng sau đó là cả một hệ lụy.
Tôi không tin Trung Quốc có khả năng thay thế vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương chỉ với khoảng 240 tỉ USD họ tuyên bố qua Quỹ Con đường Tơ lụa, AIIB hay "sáng kiến" một vành đai, một con đường.
Bản thân Trung Quốc cũng đang chật vật tái cơ cấu nền kinh tế và tìm cách đẩy các doanh nghiệp, nhà máy, công nghệ ô nhiễm lạc hậu ra nước ngoài theo Con đường tơ lụa mà lại mơ lãnh đạo kinh tế toàn cầu chỉ là chuyện viển vông, mò trăng đáy nước.
Vì thế, nên coi Trung Quốc là một đối tác kinh tế bình đẳng, làm việc với họ trên cơ sở sòng phẳng và cùng có lợi. Chấp nhận dễ dãi các nhà thầu Trung Quốc, chúng ta cũng như nhiều nước trong khu vực đã, đang và sẽ phải trả giả.
Tôi cho rằng, những quan điểm tin là Trump rút Mỹ khỏi TPP sẽ khiến Việt Nam "lệ thuộc" vào Trung Quốc là không chính xác. Nó không những chẳng giúp nước ta mạnh lên, mà chỉ là tư duy xui Việt Nam lệ thuộc nước này, thay vì nước khác.
Các con số thống kê về quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc cho thấy quốc gia láng giềng này là một thị trường lớn có sức ảnh hưởng mạnh, thậm chí có thể chi phối một số lĩnh vực, ngành sản xuất.
Điều đó tất nhiên là không ổn, và chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục mở cửa, đa dạng hóa thị trường.
Nhưng không thể phủ nhận thực tế rằng, trong những năm tháng chiến tranh và bị cấm vận sau chiến tranh, Trung Quốc đã viện trợ, giúp đỡ Việt Nam rất nhiều về tiền của, vật tư.
Muốn mạnh lên, chỉ có cách không ngừng đổi mới, tự lực tự cường, nghiên cứu nắm bắt các xu thế chính sách các nước lớn có lợi cho hòa bình, ổn định và sự phát triển của Việt Nam để tận dụng tối đa các lợi thế, đòn bẩy và nguồn lực.
Câu chuyện tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, hàng hải giữa Việt Nam - Trung Quốc và một số quốc gia nữa là một vấn đề khác, cần được giải quyết trên cơ sở pháp lý quốc tế, trong đó quan hệ thân thiện về chính trị là một lợi thế.
Bài học quan trọng tiếp theo là tư duy khoa học khi nhìn nhận các vấn đề thời cuộc, tránh để cảm xúc chi phối. Chúng ta nên nhìn vào mục đích, hiệu quả chứ không nên nhìn vào cái vỏ bề ngoài.
Chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn nữa về các nhà lãnh đạo mới nổi cũng như chính sách của họ thay vì bình phẩm và chỉ trích.
Tôi thấy rất lạ là nhiều người trong chúng ta tỏ ra khá cay nghiệt với ông Rodrigo Duterte, ông Donald Trump hay ông Tập Cận Bình, ngay cả với những công việc nội bộ của đất nước họ và người dân của họ cũng không phản đối thái quá.
Muốn nước nhà mạnh lên, thiết nghĩ phải thay đổi triệt để 2 điều này trong tư duy, suy nghĩ và hành động của mỗi người.
Ngày đầu xuân Đinh Dậu xin có mấy lời dông dài chia sẻ với bạn đọc, chúc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam và quý bạn đọc xa gần một năm mới an khang, thịnh vượng và đóng góp nhiều hơn vì sự tiến bộ của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
[1]https://www.nytimes.com/2017/01/10/us/repeal-affordable-care-act-donald-trump.html
[2]http://nhanam.vn/tin-tuc/nuoc-my-que-quat-qua-goc-nhin-cua-donald-trump
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét