Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

THỢ KẠO


Truyện ngắn Hồng Giang.
Con dao mỏng và sắc như lá lúa từ từ đưa vào lỗ tai. Xoáy nhẹ, xoáy.. nhẹ vài vòng. Dừng lại. Thợ Kạo lấy miếng giấy bản kề sát lỗ tai, lôi con dao ra.. Nhìn động tác ấy ai nấy rùng mình vì lưỡi dao rất bén. Chỉ cần một li, một lai, máu sẽ chảy, người ngồi trên ghế, chòang khăn trắng qua vai sẽ giãy nảy, kêu lên!
Thợ Kạo se sẽ lấy ra một miếng ráy tai nom như miếng sáp bị cán mỏng. Mặt anh ta vẫn thản nhiên như không. Như thể thợ vừa xoáy một chiếc vít nhỏ nằm sâu phía bên trong mà anh thuộc từng đường ren, bước ren không thể nào sai sót.
Trán thợ chỉ hơi lấm tấm tý mồ hôi, hơi thở vẫn đều, không có vẻ gì là căng thẳng hay lo lắng điều gì cả. Bàn tay trắng có những ngón hồng vẫn nhịp nhàng uyển chuyển, không có vẻ gặp trở ngại, không hề run.
Cho đến lúc anh ta xong việc, gấp con dao lại tra vào cái bao nhỏ mầu nâu, tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cho dù đó không phải lỗ tai của mình. Tai một người khác.. Một người đi đường nào đó tôi không quen.
Người ta đi đường, thời buổi nhiều bụi bặm này, lỗ tai bẩn, lấy ráy là chuyện rất thường. Cũng như tôi bây giờ ngồi đây, đang chờ được làm một chuyện tương tự như vậy. Có gì là đáng nói kia chứ?
Mình rõ vớ vẩn, cứ lo hão như thế mới thật là buồn cười!
Ngoài đường nắng vẫn nắng gay nắng gắt. Mặt đường hơi nóng hắt lên thành lớp khí phản quang rập rờn, múa nhảy, nửa giống thủy tinh lỏng, nửa giống hơi nước. Cây bàng lá xanh mướt, nắng nôi thế này lá cũng cụp xuống, ỉu xìu xìu. “Dễ phải đến ba sáu, ba bảy độ”. Ông khách xong việc đã đứng lên, lầm bẩm một mình như vậy.
Không ai nói gì.
Nếu người không biết sẽ cho là thợ Kạo kém xã giao, ít lời. Không biết makettinh. Bởi sau câu nói cho có chuyện đó của khách là động tác móc bóp lấy tiền. Có ông thợ nào lại im lặng trước những giờ phút sắp xảy ra sự kiện như vậy?
Trả tiền. Khách đi.
Thợ vẫy tay ra hiệu cho tôi. Vẫn không ra lời.
Tôi không lấy làm lạ, lặng lẽ ngồi vào chỗ của mình, nơi anh ta vừa chỉ cho.
Khi tôi về thị trấn này, anh ta chưa là một người câm, giờ không thấy nói khi nào, câu nào, không nói bất cứ chuyện gì.
Thị trấn nhỏ nên chẳng có gì là bí mật mãi mãi cả. Người với người ở với nhau một thời gian là biết tuốt nhau. Cứ trong suốt như thủy tinh, chẳng ai dấu ai được điều gì.
Thợ Kạo xưa là tay khéo tay, đa tài, hát và thổi sáo rất hay.
Vậy mà bây giờ trở nên câm nín là cớ làm sao?
Tôi cố vắt óc ra một thời gian dài để tìm hiểu. Anh ta chán đời? Khinh đời? Hay mọi người khinh anh? Đời chán anh, anh không thèm nói?
Toàn phỏng đoán vớ vẩn cả. Không có gì là cơ sở biện chứng kiểu “khách quan vô tư” bề ngoài.
Cả thị trấn có nhiều kẻ được cho là tinh vi cũng mù tịt, không ai biết chuyện!
Trừ Chiến đen! Nhưng hắn không hề nói với ai.
**
Câu chuyện bắt đầu từ năm năm trước. Hôm đó trời cũng nóng nực như hôm nay. Có một khách lữ hành cao ráo, da ngăm đen bước chân tới tiệm cúp đầu của thợ. Anh ta không cắt tóc cạo râu, chỉ tỉa lông mũi và lấy ráy tai. Mái tóc loăn xoăn kiểu đàn ông Phi châu không cần đụng đến dao kéo. Cằm và má nhẵn thín khỏi cần cạo râu cũng là lẽ tất nhiên, không cần bàn cãi.
Thợ làm rất nhanh, chỉ thoáng là xong. Trả tiền. Đáng lẽ sau đấy lữ khách chào và đi, anh ta lại ngồi xuống ghế ngắm quanh một vòng.
Cái tiệm xềnh xoàng này có gì mà ngắm?
Phải công nhận là khách có con mắt tinh đời. Anh ta phát hiện ra cái tủ kính con con kê ở góc phòng. Mặc dù nó bằng gỗ thường, đóng qua quýt, lại bụi bặm, nhưng bên trong có đồ quý giá. Hất hàm hỏi thợ:
- Còn làm thêm nghề này nữa à?
Thợ khi bấy giờ còn mau miệng:
- Vâng em làm thêm tí chút.. Những chả ăn thua bác ạ!
Khách ngạc nhiên:
- Chú nói thế nào ấy chứ? Nghề này đang thịnh. Người ta đang hốt bạc nhờ nó sao lại bảo chẳng ăn thua?
- Là ở chỗ khác, phố xá đông vui. Ở thị trấn bé bằng cái lỗ mũi này có bao nhiêu “thượng đế” hả bác?
Khách vẫn lắc đầu:
- Là chú nghĩ thế! Có cái chìa khóa vàng trong tay mà không biết mở thời cơ vận hội của mình. Nghề sửa chữa và buôn bán điện thoại đang là nghề thịnh. Chẳng qua chú chưa biết đón lấy thời vận đang lên của nó. Nếu thực sự muốn mở kinh doanh, để tôi bày cho, chứ làm theo kiểu này không có kết quả là phải. Nhưng nghề này chú học ở đâu và lâu chưa?
- Cũng mới. Em có anh bạn dưới quê lên bày cho. Nhưng dân ở đây nghèo. Cả vùng mới có độ chục cái điện thoại di động, lại ít khi hỏng, lấy đâu ra khách?
Khách cười mủm mỉm, nhìn là biết ngay anh ta đã phát hiện ra mấu chốt vấn đề..
Trưa hôm đó khách ở lại chơi. Thợ đãi cầy tơ bảy món, rượu chuối đặc sản “Lưu Vân”. Thứ rượu lần đầu tiên khách được biết đến. Cứ tấm tắc khen ngon!
Chiều hôm ấy thợ để vợ theo khách về Hà Nội. Thợ không thể đi, vì nghề chính của anh là ông giáo làng, dạy một buổi, không thể bỏ lớp. Nghề sửa chữa điện thoại và cạo đầu, cắt tóc thực ra là nghề phụ, chỉ được phép làm ngoài giờ.
Để vợ đi như thế thực ra thợ không yên tâm lắm. Sợ “gửi trứng cho ác”, “gửi vợ hàng bè”. Nhưng ở đời có những hoàn cảnh, những ham muốn khiến người ta quên cả nỗi lo âu, sợ hãi, nghi ngại thông thường.
Thoát cảnh nghèo khó vẫn phải là ưu tiên số một, hàng đầu.
Không thể cứ “ Vợ bán chỉ, chồng buôn kim” mãi được!
Mình gõ đầu trẻ, làm thêm nghề vặt, cộng cả lại không bằng người ta hắt xì.. một cái. Vợ mấy bó rau, vài nải chuối ngồi dài mặt ra ở cái chợ quê này, giỏi cũng chỉ thêm được đồng muối, lạng chè.
Biết đến bao giờ mới ngửng lên cùng thiên hạ?
Ngày lấy nhau, vợ tin tưởng ở mình lắm. Con nhà nghèo, chỉ được mỗi cái xinh gái, bao nhiêu anh theo đuổi chẳng chịu anh nào! Gật đầu lấy mình là tin vào “tương lai sáng lạn” mình vẽ ra. Một phần nữa nhờ cái mã cao to bóng bảy và đôi bàn tay khéo của mình. Ngủ quên thì thôi, thức là luôn canh cánh trong lòng. “Thân nam nhi chả lẽ chỉ hứa láo, nói suông, không nên tàn tổ gì?”
Thôi thì cứ liều thử một lần. Vợ ngoan hiền, đoan chính xưa nay chắc không xảy ra chuyện gì đâu!
**
Mà đúng, không có chuyện gì thật. Chiến đen ( lữ khách bữa trước) dẫn Ngoan hiền đến một con phố nhỏ giữa lòng thủ đô. Con phố này quanh co ngoắt ngéo có từ thời tây, giờ chưa cải tạo được vì hai bên những nhà là nhà. Cao tầng cũng có, thấp tầng cũng có. Mặt tiền nhà nào cũng hẹp, đều phải cơi nới ra vỉa hè.
Trên thì giời, dưới la liệt hàng hàng điện tử. Ti vi, tủ lạnh không nói làm gì, vì mấy thứ này lâu nay không còn là của hiếm.
Đặc biệt nhiều, đặc biệt đa dạng là món hàng mới. Từ Camera, máy ảnh, máy tính xách tay và nhiều nhất là điện thoại di động, cũ mới đều có cả.
Có thứ bán chiếc một, có thứ bán lô, bán ký tùy theo sở thích và yêu cầu của khách. Bền đẹp chưa nói nhưng đặc biệt rẻ vì là “hàng bãi”.
Đây chính là giai đoạn cuối ở nước ta trong công cuộc tiêu thụ “hàng rác” của các xứ người.
Dân mình kể cũng tội kể từ khi có câu ca: “Ra đường thấy cánh hoa rơi.. Hai tay bưng lấy cũ người mới ta”
Ăn tiêu theo kiểu con nhà nghèo thì đành chịu vậy,chớ biết làm sao?
Thôi, không lan man nữa, thẳng ngay vào vấn đề:
Chiến đen hỏi:
- Đấy em xem, tiêu được loại nào để anh chọn?
- Chồng em đã tin tưởng cậy nhờ anh thì anh cứ quyết. Em đi theo trả tiền thôi, chứ em đâu biết gì?
- Vậy thì được! Một lời đã biết đến nhau.. Em nói thế anh yên tâm rồi. Theo ý anh thị trường chỗ em mua thế này thích hợp hơn..
Miệng nói, tay Tin tưởng chỉ chỗ quầy bán đồ cũ.
Điện thoại thật đúng là bày ra như hàng khoai lang! Xanh đỏ, đen trắng đủ các màu, các cỡ. NoKia, Sam Sung, Mobile, Qmobile.. Ngoan hiền nhìn cứ hoa cả mắt.
Nàng nhói cả tai, rùng mình khi biết giá của nó rẻ cũng thật bất ngờ!
Cái đắt bù cái rẻ chỉ trăm hơn, trăm ngót! Có cái vài mươi ngàn đồng. Thật không thể tin được!
Những thứ này chưa nói ở“thị trấn tắc kè” của nàng, ngay ngoài thành phố mới thành lập còn “non tuổi” quê nàng, người ta bán gấp mấy lần tiền!
Thí dụ chiếc Nô đen đen kia, bán được cả triệu là cái chắc!
Sao lại có chuyện chênh lệch đến ghê gớm như vậy? Nàng không hiểu nổi?
Mặt bằng dân trí và bức tường kỹ thuật vi mạch là khoảng cách mà lúc này nàng chưa thể vượt qua!
Thật là cơ may ngàn vàng. Vừa bán vừa cho, vừa vứt đi những cái hỏng không thể dùng, nàng cũng lãi chán!
Nhưng làm gì có chuyện vứt đi, khi Chiến đen, người tin tưởng, ân nhân của nàng cẩn thận chọn từng chiếc? Hắn ta lắp thẻ, cài pin gọi vớ vẩn đi đâu đấy, máy làm việc, ok luôn!
Mấy ngày liền thị trấn nhỏ sôi lên vì điện thoại di động giá bèo. Thoạt đầu là các thầy cô giáo, các loại cán bộ ủy ban, người buôn trâu, buôn chuối, buôn chó.. Đến cả trẻ con chăn trâu bò cũng mỗi đứa một cái.
Tiền vài triệu thì khó, chứ tiền trăm, người mua đầy!
Lại thêm nhà mạng Viettel, Vina phồn tăng cường phủ sóng. Nói mỗi người một cái thì là nói ngoa. Mỗi nhà một hai cái là chuyện có thực.
Cuộc cách mạng thông tin khiến cả một vùng khởi sắc, vợ chồng thợ Kạo như được trời “ỉa vào nồi”. ( Như láng giềng vui, mừng cho, bông phèng mà nói thế ). Nghe, thợ chỉ cười, không giận! Ngoan Hiền má lúm đồng tiền, xinh lại càng tươi, nhớ ơn Chiến đen lắm lắm!
Chưa hết..
Thấy làm ăn được, cũng nhiều người “vác rá đi đơm”. Lần mò về tận Hà thành đong máy cũ, bãi thải lên.
Lẽ đời trâu chậm làm gì còn nước trong? Vợ chồng thợ Kạo phường “con chim bồ câu” ở thị trấn này ăn nhả bã ra rồi, kiếm khẳm một mớ, giờ mới theo, đâu đến lượt họ?
Một chiêu nữa, thiên hạ nhụt hẳn khí thế, bỏ cuộc cạnh tranh lành mạnh này. Ấy là mấy tháng sau Chiến đen mách thêm cho thợ Kạo nước cờ mới.
Ngoan Hiền lần nữa theo anh ta cắp cặp sang Tàu. Không biết người Trung Quốc làm thế nào mà giá hàng điện tử rẻ đến nát óc cũng không ai nghĩ ra được. Có bền hay không còn là chuyện lâu dài. Điện thoại di động Tàu mẫu mã chẳng kém gì hàng xịn của Nhật, của Hàn. Có cái kiểu dáng màu mè còn đẹp hơn. Về cái khoản hình thức này họ là bậc thầy thiên hạ!
Thợ Kạo lại một phen trúng quả đậm! Buôn một bán lãi hai ba làm gì mà không giàu?
Vợ chồng Thợ đào móng, xây nhà, mở rộng kinh doanh..Phát đạt trông thấy từng ngày.
Chỉ có điều thợ phân vân, nghi hoặc. Hình như vợ mình bây giờ không còn Ngoan Hiền như trước nữa?
Lâu lâu cô ấy lại có chuyện phải đi vài ngày. Chồng hỏi, vợ bảo: “ Có quăng quật mới bật màu. Có phải sung đâu mà há miệng cho rụng vào mồm? Đồng tiền kiếm được cứ phải là lăn lóc như cóc bôi vôi”. Thợ chả biết nói sao, chỉ lẩm bảm: “Bôi gì thì bôi, đừng bôi bẩn, xấu mặt thằng này là được!”
Hư Hỏng lườm một cái, huề cả làng!
**
Bẵng đi một thời gian, thợ bỏ nghề. Chiến đen cũng không xuất hiện ở thị trấn này. Tiệm hớt tóc của thợ cho người khác mượn.
Tôi vẫn phải tháng tháng tới đây.
Thấy tay thợ mới khoe vợ chồng Ngoan Hiền+ Hư Hỏng dạo này đổi nghề. Chuyện ấy cũng thường.
Thị trấn này ai chả thế? Nhất nghệ tinh có mà khoai chả có mà ăn!
Thí dụ: Anh hàng ba toa bán thịt kiêm thêm bán hoa quả, cải bắp, su hào. Chị bán vải kiêm thêm giày, dép các loại. Tiệm thuốc kiêm cả “đông tây y kết hợp”.,vv
Có như thế mới phát huy được tiềm năng “tổng hợp” của vài ba thứ nghề. Mới sống nổi ở cái thị trấn, thị trường vừa nhỏ lại vừa hẹp này.
Tôi không lạ!
Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi tay thợ cạo mới này hỏi:
- Thầy Binh ( chính danh thợ Kạo phường) đã gặp chú chưa?
Hỏi chuyện gì? Anh ta kể:
- Hai ông bà ấy bây giờ chuyển sang làm việc cho “Pooli sừn”, đang vận động tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhân thiếc gì đấy. Ai ông ấy cũng mời tham gia, chả nhẽ chỗ thân quen ông ấy không nói gì với chú?
- Không thấy nói!
- Người tham gia đông lắm vì “siêu lợi nhuận” chú ạ! Cháu tiếc mình không có khả năng, nếu không cũng tham gia rồi!
Lạ nhỉ? Thời buổi khó khăn này, kiếm miếng ăn đã cực, lại có cái gì mà siêu lợi nhuận? Mình cũng chịu khó tăm tia, nghe ngóng mà đâu có biết?
Lúc tôi tìm đến nhà, thấy một mụ nữa beo béo, tròn tròn đang cười hớn hở. Thợ Kạo, à quên, thầy Binh chỉ người đó bảo:
- Cô Thúy vừa được phong giám đốc công ty, phụ trách mảng trên này đấy. Chân này trước định dành cho chú, lại sợ chú e dè nên không dám bảo. Làm ăn lớn phải có cái gan. Thò thò, thụt thụt khá được cũng còn lâu. Nhưng nếu chú nhiệt tình tôi vẫn giới thiệu cho chú được một chân..
Tôi ngồi nghe hai người trao đổi. Hình như ngày mai Chiến đen sẽ đánh xe lên đón hai người về công ty “Pooli Sừn Sừn” gì đấy dự đại hội.
Lại vẫn là Chiến đen mở ra cơ hội này.
Nghe loáng thoáng thoáng, biết thầy Binh cũng kiếm được mớ kha khá. Mỗi thành viên gia nhập, thầy được công ty cho hai mươi phần trăm trích lại. Từ đầu đến giờ ẵm cả tỷ hơn tỷ ngót rồi!
Hình như thầy cố ý tiết lộ, vận động khéo người nghe như một sự vô tình! Ngày mai hai người này “hạ quyết tâm đánh một quả lớn”.
Nếu được, họ sẽ có chuyến du lịch Thái Lan một tháng miễn phí cùng với hơn tỷ lợi nhuận mà không phải nhỏ mồ hôi! Thật là phi thường!
Về cứ ngậm ngùi cho bản thân. Người ta làm giàu cứ dễ như đùa, như trở bàn tay, còn mình..!
**
Tôi không phải chờ đợi lâu. Ba ngày sau Ngoan Hiền hay là Hư Hỏng hớt hải đến nhà. Nàng nói, vợ chồng nàng vừa bị một “cú lừa ngoạn mục”, không thể ngờ được!
Nàng ngẹn ngào kể trong nước mắt cho tôi nghe câu chuyện của gia đình nàng. Chồng nàng và béo béo tròn tròn vừa “khâu vá” khắp chỗ, cho đủ ba tỷ đồng để đoạt giải công ty!
Cứ khai vống tên người tham gia, mặc dù họ không có đồng nào! Chỉ cần tham gia chữ ký và cái chứng minh nhân dân là đủ!
Hai người dự tính được cái khuyến mại “kếch đùng” kia bù vào, trừ đi vẫn còn dư cả tỷ cho mỗi người.
“Không ai ngờ cái trò đếm cua trong lỗ đáo để đến thế này!”. Nàng ngậm ngùi kết luận.
Người ta nói trắng trợn, xanh rờn: “ Kinh doanh bao giờ cũng có khi gặp rủi ro, Công ty đang gặp khó khăn như vậy. Mong được các thành viên chia sẻ với công ty”!
Nhưng ai là người chia sẻ với số nợ mấy tỷ khai khống cho người tham gia của nàng đây? Ý kiến thắc mắc cũng không đi tới đâu. Cả hai ngã vật ra hội trường, phải đi cấp cứu ngay giữa chừng đại hội!
Tôi hỏi bây giờ thày giáo thế nào? Nàng bảo: “đã ra viện, nhưng vẫn chưa nói được câu nào, có lẽ nhà tôi cấm khẩu mất chú ạ. Chú hay thuốc, có cách nào cứu anh ấy, tôi đội ơn chú?”
Tôi làm hết cách và hết sức của mình, nhưng không kết quả. Người ta có thể chữa được bệnh chứ ai chữa được lòng trời, khi ông ấy đã có ý muốn éo le?
Ngoan Hiền về xuôi tìm thầy, rước thợ chữa cho chồng. Nàng đi nửa năm rồi vẫn chưa thấy về..
Thợ Kạo trở lại nghề cũ như xưa.Còn béo béo tròn tròn đi buôn chuối quả.
Thợ chưa nói được, hay không nói được nữa, cho đến giờ tôi vẫn phân vân?
Chợt có chiếc xe bốn chỗ đỗ ngay trước cửa tiệm. Ngoan Hiền từ trong xe bước ra. Tiếp đến là Chiến đen, tóc vẫn loăn xoăn như ngày đầu đến thị trấn này.
Có tiếng quát:
- Thằng khốn!
Tôi quay lại, thấy thợ Kạo tay cầm cái kéo, mặt tái dại, miệng hơi méo lao ra như định đâm ai?
Anh ta đã cất tiếng. Chỉ có điều đó là câu nói không ai muốn nghe.
Ngoan Hiền nhẹ nhàng, khéo léo:
- Mình cứ bình tĩnh, đừng nên nóng. Nóng giận là hỏng việc. Anh Chiến đây đến để cứu mình, có cách rồi!
Chưa ai biết nàng nói có cách là như thế nào?
Sững nhìn nhau. Thợ đặt cái kéo lên bàn, lặng im một lúc không nói gì..
Ngoan hiền bảo tôi với mấy người khác:
- Nhà em có việc bận đột xuất, mong mọi người thông cảm. Có cắt thì đợi đến mai!
**
Thôi, chẳng nay thì mai. Với tôi sớm muộn một ngày chả quan trọng. Quan trọng bây giờ là thầy giáo Binh, thợ Kạo phường tôi đã nói được rồi!
Không có người này, tất có người khác. Không phải lo chuyện cắt tóc cạo râu hay lấy ráy tai.
Quan trọng ở chỗ tôi với thợ lâu nay là chỗ thân gần, chả giấu nhau chuyện gì!
Nếu thợ không khỏi bệnh câm nín, “cơ quan ngôn luận” không trở lại bình thường, những lúc buồn tôi biết chuyên trò, tâm sự với ai?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: