Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012

TUY GẦN MÀ XA


TUY GẦN MÀ XA..
Phóng tí sự của DHG

Đêm trước X.Ồ nằm mơ một giấc mơ đẹp. Nhân dân ấy đang được sống trong một đất nước bằng vàng. Những cánh đồng mọc đầy cây ô lưu, màu xanh trong suốt như ngọc. Chim chóc, sâu bọ hình như đang nói tiếng của con người. Có điều chúng chỉ thì thầm không nghe rõ. Những thành phố xây bằng chất liệu đặc biệt, ròn và dễ vỡ. Các tòa nhà cao chọc trời nối tiếp nhau, xen lẫn các khu ổ chuột, rác thải ngập ngụa hai bên đường. Rất hiếm gặp một hồ nước trong xanh, liễu rủ bên bờ. Quanh những khu hồ ấy, ghế đá còn sót thưa thớt. Người ta đã dọn chúng đến một nơi nào xa khác? Tốc độ sống quay cuồng đến chóng mặt. Ai còn đâu thì giờ để ngồi đó tâm tình? Mà tâm tình cái gì khi mọi điều đều trở thành khó hiểu, bí mật một cách đáng ngờ?
X. Ồ dẫn con qua những khu phố thương mại. Hàng dãy dài dài, đủ loại cửa hàng treo biển: “Thanh lý toàn bộ cửa hàng”. Đây là dấu hiệu chưa từng thấy ở thành phố nào trên hành tinh kì lạ này.
Một hành tinh phấp phỏng bởi các lời tiên tri không biết có nên tin cậy hay không? Mặt trăng đã chiếm ưu thế thay vị trí mặt trời. Nước ngọt đang dần trở thành tài nguyên quý hiếm bởi sự đổi cực của địa cầu. Mọi khái niệm, quy luật hình như cũng vì thế mà thay đổi. Con người sống trong mối hân hoan xen lấn lo sợ, lẫn lộn bạn thù. Những con quỷ trở tài tài hoa, có dáng vẻ mĩ miều. Đêm đêm chúng thường không ngủ, ngồi tán gẫu với nhau, vất đầy rác rưởi ra hai bên ven mấy con đường xa lộ liên thông quốc tế. Những con đường chỉ cần hai giờ đồng hồ là có thể về đến kinh kỳ, cho dù ai đó đang ở chốn biên cương một thủa xa mờ..
Sáng ra X.Ồ cứ băn khoăn mãi về giấc mơ lạ ấy là tốt hay xấu? Linh cảm thấy điều gì đó chẳng lành.
Những năm Thìn, X. Ồ thường có những giấc mơ như thế. Bắt đầu từ những 1978, 1990 và bây giờ. Trong mười hai con giáp tượng hình, con rồng tính hư và không mấy tin cậy. Có thể bé nhỏ như con gà, con khỉ. To lớn như con trâu.. đều là những con vật có thật. Nết na và tính cách quen thuộc của những con vật đó người ta có thể phỏng đoán được ít nhiều sự kiện mà nó là lô gô của năm ấy. Nhưng con rồng thì không. Nó có vẻ hư huyễn, vừa lãng mạn một cách bồn chồn vừa lo lắng đến tê dại tim gan. Những ai quan tâm và có chút kiến thức phong thủy thường nhận ra đó là các năm lành ít dữ nhiều.
X Ồ lên đường mà tâm trạng thấp thỏm. Nhân dân ấy không thể không ra khỏi nhà vào buổi sáng nay. Đứa con nhỏ phải đến trường nhập học theo như giấy triệu tập. Đứa lớn cần có việc làm, mà chưa biết tìm đâu. Cả hai đứa đều được sinh ra vào thời thế ngặt nghèo. Khi tốt nghiệp trung học, đứa lớn gặp đúng ngay năm đầu tiên bộ giáo học xiết lại chất lượng. Chật vật mãi nó mới được nhận vào một trường cao đẳng. Ra trường thì trúng ngay thời suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Không nhớ là có bao nhiêu ngàn công ty, doanh nghiệp đang bề thoi thóp. Ngành ngân hàng rức đầu, sổ mũi, nói những tin tức khàn khàn chả rõ ngô khoai?
Trên đường về kinh thành, nhân dân này còn phải làm thêm một công việc nữa. Đó là ghé vào một công ty của người xứ mặt trời mọc. Nghe bảo ở đấy là nơi duy nhất người ta vẫn tuyển nhân công, trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa vì phá sản.
Năm nay là năm tuổi của X.Ồ. Dù đã rất thận trọng mà nhân dân này vẫn gặp phải điều không may.
Đôi khi một lựa chọn sai lầm, một quyết định thiếu phần chín chắn, sẽ mang lại kết quả không như mong đợi.
Con đường về quê, về nhà, tuy gần mà xa..
**
Một cái quán không có gì đặc biệt. Chỉ là một quán nước sơ sài. Hơn mấy chục năm trước là có thêm các loại lon nước giải khát. “Nước yến”, “nước sâm”, “bí đao”, “bò húc”.. Mấy thứ này đã lâu, thành nhảm.. Còn thì vặt vãnh, vớ vẩn vài loại bánh kẹo nửa phố phường, nửa nhà quê. Được cái trước mặt quán trông ra ngã ba đường: Một thông thẳng lên biên giới, một xuôi về thủ đô, nhánh nữa hồi nảo hồi nao vào thủ phủ của một tỉnh. Nay bị bỏ quên, gật gờ ngủ đứng bên bờ sông Cái. Nếu không có cái nhà ga và một trường đại học đồn trú, thủ phủ cũ chả là gì.
Chủ quán da ngăm ngẳm, vẻ mặt lõi đời, ba rọi, “cái chi cũng biết”. Chả biết xưa y làm gì, có nên ông chẳng, bà chuộc nào không? Bây giờ ngồi bán quán, kiêm chạy xe ôm. Được cái có cô vợ xinh đẹp, như nụ, như hoa mắt sắc như lưỡi lam. Chả này thửa mãi đâu trên núi Lương Sơn, người gốc Mường Hòa Bình.
X Ồ thường ghé đây vì nhiều lẽ. Không hẳn là vì sự tò mò thân thế sự nghiệp của cha này. Người như y thì thân thế sự nghiệp cái mốc gì? Cho dù thời người ta hay vống lên nhiều thứ không có thật. Hòn đất có thể nặn nên ông bụt, nhưng cha này tuyệt đối chả thể nặn nên gì.
 X. nhân dân này hay ghé đây cái chính là chỗ tương đối thoáng đãng, ít bụi bặm, sau hành trình dài như đường ra hỏa tuyến, thường thấy trong phim tư liệu người ta hay chiếu vào những độ như tháng này. Lại nữa, hay gặp các quái nhân, dị chuyện, thường vô công rồi nghề tụ tập ở đây. Không biết bằng cách nào mấy “vĩ” nọ biết lắm chuyện như vậy?
Hôm nay còn có một lý do nữa, nhân tiện hỏi thăm lối qua vùng ngày xưa cụ Thánh Gióng cầm roi lên ngựa đuổi quân xâm lược bắc phương. Lâu lắm Y không đi đường này. Dễ chừng đến cả chục năm. Người ta đào bới, thay đổi không còn hình dung diện mạo của nó ngày nào. Nghe bảo đường ấy bây giờ như đường trên sao Hỏa, lở lói và lầy lội nhiều chỗ rất khó đi. Đã vậy “Giả hành tôn” lại hay hành hạ khách qua đường, tăng thu nhập cho ngân sách tỉnh nghèo, vốn phải mang thêm vinh dự là “quê hương đất tổ”. Mọi lần cứ theo hữu ngạn mà đi, quen đường thuộc lối. Nay theo phía tả, chả biết hay dở thế nào? Cứ hỏi cho chắc ăn! Việc không thể đừng, phải đổi hướng, không theo lối cũ, không nên chủ quan, ỉ i vào trí nhớ vốn rất thập thõm của mình.
Năm kẻ đang gật gờ, chuyện có vẻ mờ ám. Hai người cởi trần, quần lót, hai người sơ vin cẩn thận, và một “đờ rê mi”. Hình như đang thầm thò việc mấy ngàn tàu đánh cá ngược ngạo ngoài biển đông, hay chuyện Hợp chủng quốc đang nghiên cứu tầng điện ly ngoài khí quyển vào mục đích quân sự. Thật đúng là bọn rỗi hơi. Chuyện ấy có “người nhớn” lo, thường dân mắt muỗi, “Con trẻ” thì lo được nỗi gì? Nhưng mà dân khí như vậy cũng tốt. Còn chán vạn hơn những kẻ béo trắng nần nẫn mà trong đầu chả có lấy một sợi kiến văn nào. Đây đúng là hạng quốc dân thời cụ Phan Châu Trinh mộng khát. Chỉ tiếc thời cụ, loại đồng bào này chả có được bao nhiêu!
 Ai nói dân mình ù cạc, không màng chính sự, chỉ lo toan cái dạ dày là nói liều, nói láo. X. Ồ nghĩ như thế và dừng xe bước vào quán..
***
Người lạ. Năm “Vĩ” đổi hướng chém gió:
- Chừng như chả còn bao nhiêu đến ngày ấy nhỉ?
- Ngày ý là ngày nào?
- Ngày theo lời tiên tri của người Maya đó
Một “vĩ” cởi trần, quần lửng có cái môi dài trễu, nhênh nhếch:
- Tôi chả tin. Bao nhiêu lời đồn rồi mà trái đất vẫn quay bình thường, có hỏng hóc chỗ nào đâu?
“Vĩ” sơ vin, thắt nơ nhỏ ( Không hiểu nóng nôi thế này thắt nơ làm gì cơ chứ? Hay là vĩ này vừa ở một đám ăn hỏi về? X. nghĩ như thế và lấy làm lạ ). Cái nhìn có chủ trương ấy làm vĩ thắt nơ khó chịu, nhưng y tỉnh bơ như không có chuyện gì. Gật gưỡng:
- Ngày tận thế chắc thế nào cũng phải xảy ra vào lúc nào đó, nhưng chưa phải lúc này. Đã có sinh phải có diệt, cũng là lẽ thường. Người ta cứ hay nhầm khi cho rằng nền văn minh bây giờ là cao nhất từ trước tới nay, kỳ thực không phải. Nó đã lặp lại lần này là lần thứ bao nhiêu rồi không biết nữa. Còn có nhiều bằng chứng để lại, dưng mà nói ra dài dòng lắm. Sư cụ nói với tôi cái ngày đồn là tận thế thực ra đó là ngày trái đất đi vào Đại cực quang. Từ 21 đến 24 sẽ có ba ngày bầu trời tối đen, không có cả trăng sao vì khi ấy không gian đổi chiều từ ba chiều thành bốn chiều, cực sẽ là Zero độ.. Sẽ có nhiều người chết nếu không biết tu niệm..
“Vĩ” chủ quán lắc đầu, nháy mắt ra ý không tin. Giọng diêu diễu:
- Từ hồi bác về nghỉ hưu non xem ra nghiên cứu tâm linh phết nhẩy!
“Vĩ”nọ cau mặt, không bằng lòng:
- Chuyện, con người ta có cái đầu để làm gì? Không lẽ chỉ để đội mũ hay cúi lạy? Nhưng mà thôi, nói mà không có người nghe, đây không nói nữa. Cu mày cho bác cái đóm.
Cu này là con chủ quán. Một anh “lẹp” chai,môi hồng như môi con gái. Cu học đại học xong từ hai năm nay vẫn chưa có việc. Cái quán nước này lấy đâu ra tích lũy tài chính đủ một vài trăm. Cu chấp nhận số phận, ngồi đây trông đường nhựa, coi hàng mỗi lúc bố cu có cuốc xe mới. Chẳng ai hỏi tên cu là gì. Ai lại đi hỏi một chàng trai vô lý như thế?
X. Ồ là khách đường xa, chỉ có đường xa mới hỏi như thế này:
- Cháu vẫn chưa đi làm đâu à?
Cu cười gượng:
- Vẫn chưa chú ạ. Cháu biết thế này đi học lái xe có khi lại tốt. Nhà không có thì lái thuê vẫn có tiền..
-Mày thật! Có học có hơn chứ cháu. Dù không làm ông này bà nọ vẫn có tri thức, sống cho ra con người.
Mấy “Vĩ” ngồi gần có vẻ khó chịu. X nhìn thấy câu không nói ra trên mặt các “Vĩ” này, nhưng anh làm ngơ, vờ như không biết. Tiếp:
- Bao giờ không còn thói cha chuyền con nối theo kiểu phong kiến, con ông cháu cha không dành hết chỗ, những người như cháu sẽ được trọng dụng. Chú nghe bố mày nói với tao lần trước mày học giỏi lắm cơ mà.
- Giỏi với dở có lúc chưa biết cái nào chú ạ.. Chú uống nước đi.
Nó tự tay rót cho X chén trà nóng, nhìn X ái ngại. Nhân dân X ngạc nhiên. Mình gầy gò đen đúa hay là cài nhầm khuy? Không phải.
Tự dưng nó hỏi:
- Chú mang máy ảnh đi làm gì? Hổm rồi CSGT bị mấy thằng choai quay lén tung lên mạng. Mấy ông ấy điên lắm. Thành thử cứ thấy ai đeo máy ảnh,máy quay là kiếm cớ chặn lại. Ối người bị phạt oan đấy chú ạ!
X chả tin lại có kiểu thi hành công vụ theo lối trẻ con ấy. Nhưng anh vẫn cẩn thận bỏ cái máy vào trong bọc. Cẩn tắc vô áy náy, có thừa bao giờ đâu?
Các “vĩ” nọ từ lúc X vào đã không có thiện cảm. Người vời người mà lại không ưa nhau là cớ làm sao? X. Ồ thấy ngồi lâu nữa không còn thú vị. Anh trả tiền nước, rồi đi..
Đã cẩn thận thế rồi mà vẫn xảy ra tai vạ. Gặp trúng ngay quan coi đường giáp trưa, trời nắng bụi, nắng đến mờ cả mắt..
****
“Ở những nước nghèo, lại nhược tiểu nữa, luật lệ ít bề thông thoáng. Cái gọi là cơ sở hạ tầng thường không đâu vào đâu. Nay đào mai dỡ không biết đường nào mà lần”. Có lần một tay ở sở nội vụ nói với chàng như thế. Chàng lúc đó cho rằng y bức xúc điều gì, bị khiển trách hay là chậm được lên lương. Nói trắng ra có thể bất mãn. Nhưng bây giờ đang “tham gia giao thông” theo cách nói văn vẻ của các nhà chuyên môn, quản lý, chàng thấm thía rằng tay ấy nói đúng. Chẳng qua ở xứ sở con người dễ nghi ngờ lẫn nhau nên dễ bề chụp mũ, nghĩ bậy về nhau thế thôi, chứ tay ấy chả có ý gì. Bằng chứng là mới đây người ta vừa đưa tay ấy lên một chức vụ cao hơn.
Trước mặt chàng có tới năm sáu cái xe đại xa, thùng thép cao, dài như những toa tàu. Chúng vừa lắc lư, vừa đong đưa như ma dại trên đường, vừa xả khói, xả bụi mù mịt. Chàng cố gắng tìm cách vượt qua những khối thép bồng bềnh trước mặt, với hy vọng được dễ thở hơn. Thật không may cho chàng, nghe “toét” một cái! Trước mặt chàng lố nhố áo vàng của cảnh giao thông. Một sĩ quan đeo hàm trung tá ngồi chờ sẵn bên cái bàn xử lý hành chính. Sĩ ấy bảo trung sĩ tay cầm ma trắc dẫn chàng vào:
- Được rồi, để đấy ra làm tiếp đi!
Cứ y như chàng là một đồ vật vừa dọn dẹp trên đường! Sĩ gọi điện đi đâu đó. Hình như chỗ quãng đường chàng vừa đi qua, có người mai phục ở một nơi kín đáo nào đấy.
Xong. Sĩ bảo chàng:
- Đề nghị anh cho xem giấy tờ?
Giấy tờ thì giấy tờ, chàng vẫn chủ quan. Không ngờ sĩ kia bảo:
- Anh vừa phạm lỗi trên đường. Chúng tôi tạm lập biên bản, mười lăm ngày nữa anh tới chỗ x. giải quyết.
Chàng cãi:
- Tôi đi rất chậm, sao lại bị phạt là cớ làm sao?
- Quãng này, theo quy định chỉ được chạy bốn mươi cây số một giờ. Anh đã vượt quá giới hạn đó. Chúng tôi có bằng chứng, nếu anh thắc mắc khi giải quyết sẽ cho anh xem chứng cớ được lưu lại trên máy..
Giời ạ. Xem đoạn vi deo ấy có khác gì những chữ trên biên bản kia. Làm sao mà đường quốc lộ lại chỉ được chạy có bốn mươi cây? Sĩ bảo đây là khu dân cư, quy định là thế!
Từ ngày đất nước bước lên KTTT, dân chỗ nào chả dàn ra mặt đường? Từ bắc vào nam, các con đường không mấy chỗ không có dân ở. Chạy bốn mươi cây số có khác nào bò ra đường?
Chàng định đấu lý. Đường nào có ra đường? Nhà nước bắt dân theo đúng quy định thử hỏi nhà nước làm đường cho dân đi đã đúng tiêu chuẩn chưa? Hay dân bao giờ cũng chịu lép một bề? Nhà nước muốn làm gì thì làm?
Nhưng nhìn vẻ mặt bất động của sĩ, chàng biết chẳng nên ra lời. Sĩ điên lên, tăng nặng lỗi phạt, thì tiền đâu?
Đứa con gái đứng gần bố mặt mày tái mét. Nó vừa mới tập tễnh bước vào đời. Ngày mai vào giảng đường đại học. Cuộc đời với nó đang thơ mộng, làm sao nó hiểu được chuyện này? Chàng giật mình thấy con bé đang đeo cái máy ảnh bên mình. Nó cẩn thận quá, hóa hỏng. Để trong túi, sợ va đập, nó mới lấy ra. Ai dè?  Chả lẽ vì thế này chăng? Tuyệt đối không phải. Sau chàng một lô xích xông người nữa bị lôi vào lề đường. Họ chả có máy móc gì cả. Cu con chủ quán nghe ai nói đồ chõ thế thôi. Chưa hẳn bị vì cái lỗi đeo máy ảnh, máy quay bên mình!
Đây là đoạn đường vẫn qua cái tỉnh nói ở phần trên. Một tỉnh có thành tích xuất sắc trong việc phạt vi phạm hành chính tham gia giao thông, mà đường thì kém nhất nước Nam mình!
Chàng chẳng có thù oán gì với các sĩ ấy. Nhưng cái trò phạt phiếc thế này, chàng cứ thấy nó sao sao, chưa ổn. Chưa hẳn vì mất một ít tiền. Cái mất lúc này chưa biết cụ thể nó là cái gì, còn đáng sợ hơn. Nó làm chàng hoang mang. Làm cho đường về nhà như câu hát TUY GẦN MÀ XA..
 Bao giờ cho đến ngày công bằng, văn minh như tâm tưởng chàng từng ao ước và hết lòng phụng sự?
==========