Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Biển Đông: Mỹ triển khai 30 000 quân đối phó với Trung Quốc


RFI
28-09-2015

Thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines cùng tập trận ở tỉnh Zambales, phía bắc Manila, 
ngày 23/10/2011REUTERS

Để đối phó với chiến thuật của Trung Quốc lấn chiếm Biển Đông, Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành kế hoạch tái bố trí 15% lực lượng tại Hawai và « xa hơn nữa ». Tin này được báo chí Đài Loan, Hàn Quốc và trang mạng thông tin điện tử Douwei (Đa Duy) tại Hoa Kỳ loan tải.

Theo báo Đài Loan Want China Times, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu tiến hành kế hoạch tăng cường lực lượng tại Châu Á-Thái Bình dương để đối phó với sức mạnh của Trung Quốc đang lấn áp tại Biển Đông. Theo kế hoạch này, Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ được tăng cường tại Hawai và bên ngoài hải đảo này.

Trích dẫn tài liệu của nhật báo Hàn Quốc Joong An Ilbo , mạng điện tử Đa Duy của một tổ chức người Hoa tại Mỹ cho biết, lực lượng viễn chinh của Hoa Kỳ, với 190 000 quân, sẽ được huy động và phối hợp với Hải quân Mỹ tại Châu Á-Thái Bình dương.

Giới chuyên gia thẩm định, 30 000 Thủy quân lục chiến sẽ được tái bố trí để củng cố lực lượng nòng cốt trong chiến lược « xoay trục » của Tổng thống Obama.

Tờ Marines Corps Times của Thủy quân lục chiến Mỹ giải thích, các hoạt động của Trung Quốc tranh giành lãnh thổ ở Biển Đông là nguyên nhân chính làm cho Hoa Kỳ phải tái bố trí lực lượng viễn chinh vào khu vực.

Bên cạnh đó là tình hình Bắc Triều Tiên, với các hoạt động chuẩn bị thử bom nguyên tử lần thứ tư và sự kiện không quân Nga gia tăng nhịp độ xâm nhập không phận Nhật Bản.

Nhật báo Hàn Quốc Munhwa Ilbo cho biết thêm, « bốn vũ khí chiến lược » có khả năng trang bị vũ khí hạt nhân sẽ được đưa vào Hàn Quốc hoặc tăng cường cho căn cứ Guam trong tháng 10 tới. Đó là các tàu ngầm nguyên tử, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, pháo đài bay B2 và chiến đấu cơ tàng hình F-22.
 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng".


TRUNG QUỐC ĐÃ TỪNG GIẾT TRƯỞNG ĐOÀN NGOẠI GIAO ĐẠI VIỆT

Ảnh: Đền thờ Giang Văn Minh. Ảnh: internet

Ngày xưa, việc chọn Trưởng đoàn ngoại giao (Chánh sứ) là rất quan trọng, nhất là đi sứ Trung Quốc. Những người được chọn làm Chánh sứ thường là những nhà khoa bảng giỏi văn chương chữ nghĩa và có khí tiết. Tại các cuộc tiếp sứ, các vua Tàu thường ra những vế đối hiểm hóc, và đặt ra các cuộc xướng họa thơ phú với nhiều hàm ý.

Đường Lâm cổ ấp quê tôi là quê hương của Thám hoa Giang Văn Minh người đã từng được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Ông bị vua quan nhà Minh giết tại Yên Kinh (TQ) bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Khi đưa thi hài về đến quê nhà, vuaLê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng [rể Đường Lâm] bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công[1], ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).

Dưới đây là chép từ Từ điển Wikipedia:

Giang Văn Minh (chữ Hán: 江文明, 1573 - 1638[1]) tự Quốc Hoa, hiệu Văn Chung, là quan nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Trung Quốc và bị vua Minh Tư Tônghành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi. 

Cuộc đời và sự nghiệp

Ông sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây trước năm 1945)[2], (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây , Hà Nội. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Đình nguyên Thám hoa khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông[3]. Khoa thi này không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, vì vậy ông là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi[3]. Sau khi đỗ đạt, ông lần lượt được bổ nhiệm vào các chức vụ như Binh khoa đô cấp sự trung (1630)[3], Thái bộc tự khanh (1631)[3].

Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ là: Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh[1]. Sau khi chết, ông được truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công[1]. 

Giai thoại 

Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài[4]. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.

Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.

Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”  Nghĩa là:  Cột đồng đến nay rêu đã xanh[5]
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).

Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"  Nghĩa là: Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ[5]
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.

Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước[5][6] Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông[5] và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công[1], ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ)[7].

Vế đối của Giang Văn Minh trước vua Minh của Tàu được các nhà thư pháp 
của Viện Nghiên cứu Hán Nôm viết và treo ngay tại tiền sảnh của Viện.
Hình ảnh trên là đôi câu đối và bài Nam Quốc Sơn Hà (giữa)

Đôi câu đối do thư pháp gia trẻ Tử Hư Nguyễn Ngọc Thanh viết

Sau khi thi hài được đưa về nước, Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đông, [thực ra là Gò Đõng - NXD] thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm[7]. Trên cánh đồng này có một quán (hiện có dạng ngôi nhà) nhỏ là nơi linh cữu ông đã được quàn và gọi là quán Giang. Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa[5]. ‎

Ở Hà Nội hiện nay có một con đường mang tên Giang Văn Minh, nối với phố Giảng Võ và phố Kim Mã, quận Ba Đình.[8] 

Tác phẩm
  • Hoa Nghiêm tự bi: trên tấm bia của chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có ghi người soạn văn bia năm Dương Hòa thứ 2 (1636) là Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh.[9]
Đánh giá : Ông là người trí dũng song toàn.[10]
________


Thi sĩ Hoài Yên có thơ rằng:
Giang Văn Minh 


Một sớm về thăm Mông Phụ ấp,  
 
Suốt đời nhớ mãi Thám hoa môn.  
Ngoại giao, lo tính tìm mưu chước,  
Đối đáp, không làm thẹn núi sông.  
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục,  
Đằng giang tự cổ huyết do hồng".  
Quên thân, quyết báo đền ơn nước,  
Khí tiết xin phơi một tấm lòng.  

(Chân dung. Thơ Hoài Yên. Nxb. Hà Nội, 2008. tr21). 

  

Mộ Thám hoa Giang Văn Minh. Bốn chữ: THIÊN CỔ ANH HÙNG. Ảnh: Đỗ Ngọc Sơn
Quán Giang. Nơi quàn thi hài của Giang Văn Minh khi đưa từ Tàu về. Ảnh: Đ.N.Sơn

Mời chư vị nghe khúc hùng ca Sứ thần Giang Văn Minh:
 



Hình ảnh sáng 24 tháng 07 năm 2011 tại Bờ Hồ:
một người biểu tình mang biểu ngữ viết câu đối của Thám hoa Giang Văn Minh 
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng". 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

SÁNG NAY, QUỐC KHÁNH TQ, BOM LẠI TIẾP TỤC NỔ

VNExpress

Thứ năm, 1/10/2015 | 07:53 GMT+7 
Một vụ nổ lại xảy ra tại huyện Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây, sau 17 vụ nổ bom liên hoàn làm 7 người chết và 51 người bị thương vào chiều qua.

Nhân chứng nổ bom Trung Quốc: 'Như có tiếng phá đá trên núi'


Bom nổ sáng nay làm gạch bắn khắp nơi. Ảnh: Sina

Theo Sina vụ nổ xảy ra vào 8h sáng nay.

Tài khoản Weibo của Đài tiếng nói Trung Quốc cho biết, vụ nổ sáng nay xảy ra ở tầng 5 một khu chung cư, khiến gạch bắn tứ tung xuống nền đất.

"Nằm trên giường cũng cảm thấy được chấn động, tiếng nổ rất to", một người dân cho biết. Hiện chưa phát hiện người bị thương. Cảnh sát và lính cứu hỏa Trung Quốc đã chăng dây phong tỏa hiện trường.


Vào chiều qua, 17 vụ nổ bom liên tiếp xảy ra khắp huyện Liễu Thành, thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Các quả bom được giấu trong các gói bưu kiện. Một nghi phạm họ Wei, 33 tuổi, người Liễu Thành đã bị bắt. Cảnh sát địa phương loại trừ đây là một vụ tấn công khủng bố.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nổ sáng nay. Ảnh: CNR

*Tiếp tục cập nhật

Hồng Hạnh
____________
Báo Tiền Phong đưa tin mới về vụ nổ chiều qua (30.09.2015):
Tin mới nhất về vụ đánh bom liên hoàn 
ở Trung Quốc

Gia Tùng tổng hợp
07h49, ngày 1 tháng 10 - 2015

TPO - 17 vụ nổ bom thư xảy ra ở tỉnh Quảng Tây chiều 30/9, một ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ 66 Quốc khánh Trung Quốc (1/10/1949), khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, 2 người mất tích, 51 người bị thương, Xinhua đưa tin.

 
Hiện trường các vụ nổ ở Quảng Tây ngày 30/9. Ảnh: Xinhua.

Bắt nghi phạm 33 tuổi

Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ nghi phạm là một người đàn ông 33 tuổi, có thể từng có thù oán với chính quyền địa phương.

Các vụ nổ xảy ra ở huyện Liễu Thành, thành phố Liễu Châu và vùng phụ cận. Địa điểm cụ thể gồm trung tâm mua sắm, nhà tù, văn phòng của chính quyền địa phương, siêu thị, chợ rau, trạm giao thông, khu tập thể của Phòng Chăn nuôi huyện và trung tâm phòng chống bệnh tật. Vụ nổ đầu tiên diễn ra khoảng 3h15 chiều (giờ địa phương).

Vụ nổ ở khu tập thể khiến 3 người thiệt mạng, khu nhà bị hư hại nặng nề. Lực lượng cảnh sát, lính cứu hỏa, nhân viên y tế và an toàn lao động đã đến hiện trường để cứu hộ và điều tra. Đài truyền hình CCTV chiếu cảnh hiện trường tan nát, nhà sập, xe bẹp, người bị thương trong đống đổ nát…

.

Báo Hong Kong South; China Morning Post đưa tin, trên đường Dongcheng ở Dapu, một trong 17 địa điểm hứng chịu bom thư phát nổ, một phần tòa nhà là trụ sở một cơ quan quản lý cấp tỉnh đổ sập, xe cộ gần đó bị hư hại.

“Tôi đang ngồi trong cửa hàng của mình thì đột nhiên nghe thấy tiếng nổ lớn. Tôi bị sốc… Tóc tôi bay trong gió đến từ sóng xung kích”, Li Acheng, 30 tuổi, chủ cửa hàng hoa quả cách tòa nhà bị sập 359m, kể lại. Li nói tiếp: “Một số cửa sổ trong cửa hàng của tôi vỡ tan. Tôi bước ra ngoài xem chuyện gì xảy ra và suýt bị cửa sổ tầng 3 rơi trúng người. Tôi thấy nửa tòa nhà gần đó sụp xuống”.


Li và gia đình lập tức rời Dapu đến tá túc ở ngôi làng gần đó vì lo ngại các vụ nổ tiếp tục xảy ra. “Tất cả chúng tôi đều sốc và nghĩ rằng đó có thể là hành động khủng bố. Tất cả cửa hàng đều đóng cửa. Thị xã bị giới nghiêm, cảnh sát đứng gác trên mọi con đường. Thật là đáng sợ. Quá nhiều vụ tấn công diễn ra trong vòng hơn một giờ đồng hồ”, Li nói.

Một nhân chứng khác kể với trang tin Thepaper.cn rằng, bà nghe thấy nhiều tiếng nổ khi mua sắm đồ điện tại một trung tâm thương mại. Bà sợ quá, chạy thẳng tới cánh đồng cạnh bờ sông gần đó, không dám về nhà. Nhiều giờ sau vụ nổ, bà vẫn còn run lẩy bẩy.

60 bưu kiện nghi chứa bom

Phát biểu tại cuộc họp báo, sĩ quan cảnh sát huyện Liễu Thành Cai Tianlai nói rằng, sau khi nhận được tin báo của người dân, cảnh sát đã xác định được tổng cộng 60 bưu kiện nghi chứa bom bên trong. Các bưu kiện này đang được giám sát chặt chẽ, chờ đội xử lý bom mìn đến kiểm tra, tháo gỡ, hãng tin China News Service đưa tin tối qua.

Chính quyền địa phương đã kích hoạt cơ chế phản ứng khẩn cấp, đưa ra cảnh báo khẩn cấp, khuyến cáo người dân không mở các bưu kiện.

Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm họ Wei, người dân thị xã Dapu, huyện Liễu Thành. Bộ Công an Trung Quốc đã gửi các điều tra viên hình sự tới hiện trường. Theo thông tin ban đầu, bom được giấu trong các bưu kiện được chuyển phát nhanh tới nhiều địa điểm trong huyện Liễu Thành. Tuy nhiên, theo China National Radio (Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc), đây không phải là vụ tấn công khủng bố, mà là trả thù cá nhân nhằm vào cơ quan công quyền địa phương. Trước đây, nghi phạm có khúc mắc với ngành y tế địa phương, từng gây náo loạn ở bệnh viện.

Những năm gần đây ở một số tỉnh, thành phố Trung Quốc có hiện tượng người dân quá bức xúc với cơ quan công quyền về một vấn đề gì đó dính dáng bản thân họ hoặc gia đình nên đánh bom, ốp mìn trụ sở cơ quan liên quan hoặc nơi công cộng như nhà ga xe lửa, sân bay… để thu hút sự chú ý của công luận. Hung thủ thường là người bị ảnh hưởng bởi các quyết định của chính quyền địa phương như thu hồi đất đai, phá dỡ nhà cửa…

Tuy nhiên, nhiều vụ nổ bom liên tiếp xảy ra chỉ một ngày trước dịp Quốc khánh Trung Quốc cũng khiến một số người nghi ngờ về động cơ phá hoại của hung thủ.
.
Cả nhà bị đâm chém tử thương
Sáng qua, một người đàn ông ở tỉnh Quảng Tây dùng dao tấn công một gia đình 5 thành viên, khiến 3 người chết, 2 người bị thương rồi bỏ trốn. Năm nạn nhân một phụ nữ cùng con gái và 3 người cháu, Xinhua đưa tin. Cảnh sát đang săn lùng hung thủ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai làm nên tên tuổi một tờ báo?


MỘT PHẢN BIỆN CAN ĐẢM và KHÍ PHÁCH.
S.N.M: Tác giả nói rằng, bạn đọc làm nên tên tuổi một tờ báo. Đúng!
Nhưng chưa đủ! Theo tôi: Tổng biên tập mới làm nên 1 tờ báo. Tổng biên tập thế nào thì tờ báo thế đó. Anh ta sẽ chọn biên tập, phóng viên cùng chí hướng, nhắm đến đối tượng bạn đọc nào; và sử dụng đội ngũ dưới quyền ra sao để làm nên thương hiệu tờ báo hay không.
Vẫn phải trân trọng tác giả bài báo "AI LÀM NÊN TÊN TUỔI MỘT TỜ BÁO?" - Nguyễn Vạn Phú - một nhà báo can đảm, giàu bản lĩnh, có chính kiến và phản biện Quy hoạch báo chí đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Càng nể phục hơn khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn online đã ""xuất hành"" bài báo này.
Nguyễn Vạn Phú
Thứ Hai,  28/9/2015, 14:56 (GMT+7)
 

 

 

 

Báo chí có nhiệm vụ nói lên tiếng nói của người dân. Ảnh minh họa
(TBKTSG Online) - Một câu hỏi những người làm báo lâu năm thường đem ra để "truy bài" các phóng viên mới vào nghề: Dựa vào đâu để một tờ báo xây dựng sức mạnh cho mình? Hay nói cách khác, ai làm nên tên tuổi, uy tín và trọng lượng một tờ báo?
Nhắc nhở này là nhắm tới các hiểu nhầm mà các phóng viên trẻ thường mắc phải nếu như phóng viên không biết hay quên đi chính độc giả, chính lực lượng người đọc đông đảo của tờ báo là sức mạnh nội tại, tạo nên một trọng lượng, một tầm cỡ, một mức ảnh hưởng cho một tờ báo. Người phóng viên không là gì cả nếu anh chỉ biết có anh; còn ngược lại, khi anh nhận sự tin cậy, giao phó của độc giả để truy tìm thông tin, anh không còn chỉ là một con người cụ thể mà anh là đại diện cho cả triệu người đọc khác.
Chính vì thế một người bạn không ở trong ngành báo, sau khi đọc tin về đề án quy hoạch báo chí mới gọi điện nói: "Tôi thấy đề án ghi rất chi tiết, nào là cơ quan này được ra tờ báo in, cơ quan kia được làm tờ tạp chí... đầy đủ cả. Tôi chỉ có một thắc mắc thôi, vậy ai sẽ nói tiếng nói của người dân đây?"
Một ông bạn khác làm dân doanh phân bì: "Tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể ra báo, thế tiếng nói của bọn tôi, các doanh nghiệp tư nhân trong nước thì sao?"
Đó là góc nhìn từ ngoài ngành báo chí nhìn vào. Họ có những thắc mắc rất cụ thể như vậy. Họ cũng không thể nào hình dung được sẽ có tờ báo chính, tờ báo phụ. Họ cũng không hiểu vì sao mỗi trường đại học chẳng hạn chỉ được có một tờ tạp chí nhưng giả thử trường đại học bách khoa phải ra cả chục tạp chí chuyên ngành từ cơ khí đến tự động hóa thì giải quyết cách nào?
Thử nhìn đề án quy hoạch báo chí từ con mắt của nhà quản lý, có thể chúng ta sẽ phần nào hiểu được mục tiêu sắp xếp lại báo chí. Đó là suy nghĩ nếu hệ thống hành chính có những thứ bậc nhất định thì thứ bậc này phải được phản ánh trong sắp xếp lại các cơ quan chủ quản của báo chí theo đúng quy mô, tầm vóc của từng cơ quan báo chí.
Chính vì thế mà mục tiêu của đề án quy hoạch báo chí được nêu rất rõ: "Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí…" Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý có nghĩa như thế nào? Đó là "Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cơ quan cấp Bộ, ngành cấp Trung ương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý".
Nhưng khổ nỗi đó là cách nhìn chỉ hợp lý nếu đối chiếu với báo chí nhà nước… các nước khác. Ở các nước khác, mỗi bộ có một tờ báo đã là quá nhiều, báo này nếu có chỉ lo chuyện của bộ như một tờ quảng bá cho hoạt động của bộ trong quan hệ với công chúng. Đâu có cơ quan nhà nước nào cũng có báo như Việt Nam và lại đảm nhận cho mình chức trách báo chí đầy đủ nữa.
Ở nước ta đây là một đặc thù mang tính lịch sử. Nhiều tờ báo nổi tiếng hơn cả cơ quan chủ quản – và đó là chuyện bình thường. Xin hỏi có nhiều người biết cơ quan chủ quản của tờVnEconomy là ai không? Rồi tờ VnExpress hay tờ Dân Trí?
Báo chí toàn là báo nhà nước nhưng đã từ lâu gán cho mình nhiệm vụ nói lên tiếng nói của người dân và vì thế vai trò của cơ quan chủ quản mang tính cơ chế trong một thể chế rất riêng của Việt Nam. Có bao nhiêu độc giả nghĩ báo Tuổi Trẻ là riêng của Thành Đoàn TPHCM nữa; ai cũng nghĩ đây là tờ báo của đại chúng, một trong những tờ báo làm nên diện mạo của làng báo Việt Nam.
Nếu sắp xếp theo đề án thì sự sắp xếp này là phá vỡ một truyền thống của làng báo. Truyền thống đó hiện đã gắn với các thương hiệu có những giá trị không thể nào đo lường một cách đơn giản được. Giá trị lớn nhất là những tờ báo đó đã trở thành nơi gởi gắm tiếng nói của xã hội, không lẽ giờ phải sắp xếp lại? Đúng như người bạn thắc mắc: Ai sẽ nói tiếng nói của người dân?
Làm theo đề án quy hoạch trước tiên cần đặt câu hỏi, liệu những nơi được quyền ra báo như đề án nói có thật sự thích thú với nhiệm vụ mới này không? Lấy ví dụ Quốc hội, theo đề án, sẽ có một tờ báo in và một tờ tạp chí! Các cơ quan khác như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước cũng vậy. Liệu Quốc hội có muốn ra báo ngày không? Hay Quốc hội sẽ nói, nhiệm vụ của chúng tôi không phải là làm báo; nhiệm vụ của tất cả các tờ báo khác là đưa tin đầy đủ về hoạt động của Quốc hội không được chối từ. Kiểm toán Nhà nước cũng nói vậy mà Tòa án nhân dân tối cao cũng nói vậy thì sao?
Bởi đây là các cơ quan công quyền. Họ muốn lắng nghe tiếng nói của người dân thông qua báo chí khách quan chứ đâu phải qua báo do họ làm? Báo của các cơ quan công quyền, nói đúng theo thông lệ, sẽ chỉ là một công cụ xúc tiến quan hệ với người dân, cung cấp thông tin cho dân là đủ.
Làm các tờ báo như thế rất khó. Chẳng hạn một tờ báo của Quốc hội làm sao chê kỳ họp này không sôi nổi, đại biểu vắng trễ nhiều? Một tờ báo của Tòa án làm sao nói một cách khách quan về các vụ xử oan sai? Và đó là chuyện bình thường, không có gì đáng trách hay đáng ngạc nhiên. Nước nào cũng vậy thôi.
Như đã nói ở đầu bài, cái làm nên tờ báo vừa là nội lực tờ báo đó, vừa là sự tin yêu giao phó của bạn đọc. Cho nên đề án mang tính một chiều, đi ngược lại với bản chất hai chiều của báo chí.
Chắc chắn thực tế phong phú sẽ không chấp nhận những tính toán cơ học như đề án được. Cứ để báo chí phát triển tự nhiên như hiện nay kèm theo quyết định cắt hẳn nguồn ngân sách cho các báo không cần thiết cho nhiệm vụ điều hành của nhà nước. Những tờ báo nào còn cần trợ cấp phải có kế hoạch rõ ràng và phải được phê duyệt. Còn lại hãy để bạn đọc quyết định tờ báo nào tồn tại, tờ báo nào phải sáp nhập, giải tán. Lúc đó báo chí sinh ra hay biến mất như một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường – đâu có gì là quan trọng.
Một trong những nhiệm vụ của báo chí là giám sát quyền lực. Nay lại trao hết quyền làm báo cho cơ quan quyền lực thì chuyện lạm quyền ắt sẽ nảy sinh. Hãy để hội đoàn làm báo vì đó là gần với tiếng nói của người dân nhất.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những ý tưởng phân chia Mỹ với Trung Quốc



Tác giả: Gideon Rachman
Dịch giả: Huỳnh Phan
H1Ảnh: LA Times
Washington tin tưởng vào những giá trị phổ quát và sự tiến bộ không thể tránh khỏi, còn Bắc Kinh thì không
“Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc thực sự không biết nói chuyện với nhau như thế nào. Họ giống như máy tính chạy trên các hệ điều hành khác nhau”. Đó là lời phán mà một quan chức Mỹ từng quan sát rất nhiều hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở vị trí gần, đã có lần nói với tôi. Vì vậy, dù cả hai bên nhấn mạnh rằng cuộc họp tuần trước giữa Tập Cận Bình và Barack Obama có tính xây dựng, tôi vẫn có nhiều nghi ngờ. Do Trung Quốc và Mỹ đều có những cách nhìn về thế giới khác nhau quá xa, tôi thấy có năm điều tương phản lớn.
1. Chu kỳ – tuyến tính: Trung Quốc có một lịch sử rất lâu dài. Hoa Kỳ có một lịch sử rất ngắn ngủi. Tập Cận Bình thích chỉ ra rằng “Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời. Chúng tôi có 5000 năm lịch sử”. Trái lại, Mỹ chỉ tồn tại không quá 250 năm. Sự khác biệt trong cách nhìn có một ảnh hưởng sâu xa về cách mà lãnh đạo hai nước nghĩ về thế giới. Nói chung, người Trung Quốc suy nghĩ theo kiểu chu kỳ, vì lịch sử Trung Quốc được xác định bởi việc thịnh suy của các triều đại. Thời tươi sáng có thể kéo dài hàng thế kỷ, theo sau là các thời mạt vận cũng có thể kéo dài nhiều thế kỷ. Ngược lại, kể từ năm 1776, Mỹ về cơ bản chỉ đi theo một hướng – hướng tới đất nước hùng mạnh hơn và người dân giàu có hơn. Kết quả là các chính trị gia Mỹ có xu hướng nghĩ về lịch sử theo kiểu thẳng tắp (tuyến tính) và tin vào tiến bộ như là trật tự tự nhiên.
2. Phổ quát – đặc thù: niềm tin nền tảng của Mỹ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có các quyền bất khả xâm phạm như nhau. Từ đó kéo theo việc người Mỹ tin một cách bản năng vào các giá trị phổ quát như tự do và dân chủ – lý tuởng là nên được áp dụng ở khắp mọi nơi. Người Trung Quốc, ngược lại, là những người đề cao tính đặc thù. Họ tin rằng cái là đúng đối với Trung Quốc không phải nhất thiết phải đúng với thế giới, và ngược lại. Sự khác biệt về tâm lý này là gốc gác của cách tiếp cận trái ngược của Mỹ và Trung Quốc trong sự can thiệp vào các xung đột với nước ngoài và bảo vệ nhân quyền.
3. Hệ tư tưởng – tính dân tộc: Hoa Kỳ được xây dựng trên các ý tưởng thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp. Hàng triệu người đã trở thành người Mỹ bằng việc sinh sống ở Mỹ và nhận lấy những ý tưởng này. Ngược lại, Trung Quốc có một cái nhìn dựa nhiều về mặt dân tộc hơn về điều họ cho nguời Trung Quốc là gì. Nếu tôi chuyển đến Mỹ, tôi có thể trở thành “nguời Mỹ” khá nhanh chóng và các con tôi chắc chắn sẽ là người Mỹ. Nhưng việc chuyển sang Trung Quốc sẽ không làm cho tôi hay con tôi thành người Trung Quốc. Kết quả là người Trung Quốc và người Mỹ có xu hướng có những giả định khá khác nhau về các ý tưởng cốt lõi như tính quốc gia, quan hệ công dân và nhập cư.
4. Cá nhân – cộng đồng: các lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh đến quyền của các cá nhân. Các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến lợi ích của cộng đồng. Sự khác biệt giữa việc đề cao cá nhân của Mỹ và việc nhấn mạnh cộng đồng của Trung Quốc len vào thái độ của họ đối với nhà nước. Tại Mỹ, ý tưởng rằng các cá nhân cần phải được bảo vệ trước một nhà nước quá mạnh bạo được đưa vào trong hiến pháp và trong các biện thuyết chính trị. Ở Trung Quốc, việc lập luận rằng một nhà nước mạnh là sự bảo đảm tốt nhất chống lại “hỗn loạn” vốn trong quá khứ đã dẫn đến nội chiến và đổ máu, là rất bình thuờng. Nhiều người Mỹ cho rằng biện bạch này của Trung Quốc chỉ đơn giản là phản ánh lợi ích riêng của đảng Cộng sản. Nhưng nó cũng có nguồn gốc lịch sử sâu xa. Người Mỹ có thể truy lại việc nhấn mạnh của họ về quyền cá nhân từ thời chiến tranh giành độc lập vào thế kỷ thứ 18. Ngược lại, khi nhấn mạnh sự cần thiết cho một nhà nước mạnh, các lãnh đạo Trung Quốc, một cách không tự ý thức quy về thời  “Chiến quốc” bắt đầu từ năm 476 trước Công Nguyên.
5. Quyền – thứ bậc: thái độ khác nhau đối với nhà nước dẫn đến cái nhìn trái ngược nhau về cái gì giữ xã hội gắn bó với nhau. Mỹ nhấn mạnh các quyền cá nhân và pháp luật. Nhưng, dù hiện nay ở Trung Quốc có rất nhiều bàn luận về sự cần thiết phải tăng cường “pháp quyền” (rule of law), Đảng Cộng sản cũng đang đề cao truyền thống Nho giáo, vốn nhấn mạnh một ý thức về hệ thống thứ bậc và nghĩa vụ như là cốt lõi cho việc xã hội vận hành trơn tru. Một lần nữa, điều này có tác động đến quan hệ quốc tế – vì nó ảnh hưởng đến quan điểm về mối quan hệ thích hợp giữa các nước lớn, như Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn của họ.
Kích cỡ tuyệt đối của Trung Quốc luôn luôn định hình cách họ nhìn thế giới bên ngoài. Nhưng ở đây, cuối cùng, lại có một sự tương đồng mạnh mẽ với Mỹ. Cả hai nước đều có một cái gì đó của tâm lý về Vương quốc Trung tâm. Ý tưởng về Vương quốc Trung tâm có nguồn gốc từ quá khứ của Trung Quốc. Một sử gia mô tả nó như là “niềm tin khác thường của người dân Trung Quốc rằng đất nuớc của họ là trung tâm của tất cả mọi thứ”. Niềm tin này đã bị lung lay một ít bởi “thế kỷ quốc sỉ” bắt đầu vào những năm 1840, khi Trung Quốc bị các đế quốc châu Âu và Nhật Bản đánh bại. Nhưng một Trung Quốc trỗi dậy bây giờ đôi khi bị tố cáo là quay trở về tâm lý Vương quốc Trung tâm, đặc biệt là trong việc đối xử với các nước khác ở châu Á.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã trở nên quen thuộc với vai trò siêu cường duy nhất của thế giới. Chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn dựa trên niềm tin rằng Mỹ là “thế lực không thể thiếu” trong việc bảo đảm trật tự toàn cầu. Các tổng thống Mỹ, giống như các hoàng đế Trung Hoa ngày xưa, thuờng nhận nhiều cống vật cầu kỳ của nước ngoài.
Dễ chịu khi khám phá ra rằng có ít nhất một khía cạnh mà Trung Quốc và Mỹ rất giống nhau. Vấn đề là khi cả hai nước có thể tự coi mình là “Vương quốc Trung tâm”, thì không thể cả hai đều đúng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Luật sư nổi tiếng Trung Quốc Cao Trí Thịnh viết thư ..


Tác giả: Matthew Robertson, Epoch Times
Dịch giả: Kim Xuân
H1
Luật sư nổi tiếng Trung Quốc Gao Zhisheng (Cao Trí Thịnh), người hiện vẫn nằm dưới sự theo dõi của lực lượng an ninh Trung Quốc tại một khu vực cách biệt của Trung Quốc, đã đăng một bức thư tuyên bố rằng ông đã bí mật chuyển ra nước ngoài bản thảo của hai cuốn sách sẽ được xuất bản vào năm tới.
Ông Cao cũng viết, có phần mơ hồ, về nỗ lực để đưa Đảng Cộng sản Trung Quốc ra trước tòa vào cuối năm 2017 vì những tội ác chống lại loài người. Chi tiết về cái mà ông gọi là một “phiên tòa đặc biệt” chưa rõ ràng, nhưng trong bức thư ông hướng dẫn độc giả tham khảo các cuốn sách của ông sẽ được xuất bản trong thời gian tới.
Ông Cao là một trong những luật sư hứa hẹn nhất của Trung Quốc, theo một giải thưởng được Bộ Tư pháp Trung Quốc trao vào năm 2001. Nhưng khi ông bắt đầu nói về các trường hợp nhạy cảm về mặt chính trị, đặc biệt là về các học viên Pháp Luân Công bị các lực lượng an ninh của đảng bức hại và tra tấn, thì bản thân ông Cao đã trở thành một đích ngắm. Sự nghiệp của ông đã bị hủy hoại và sau đó, là những màn tra tấn.
Sau khi đi đến nhiều vùng của Trung Quốc để tiến hành nghiên cứu riêng của mình về cuộc đàn áp Pháp Luân Công – một pháp môn truyền thống của Trung Quốc về tu tâm dưỡng tính với các bài tập thiền định và giáo lý đạo đức – ông Cao đã công bố ba bức thư ngỏ tới lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lên án chiến dịch chống lại Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công bắt đầu bị khủng bố vào năm 1999 theo lệnh của cựu lãnh đạo đảng Giang Trạch Dân, người đã biến chiến dịch này thành một cuộc thập tự chinh cá nhân.
Ông Cao đã công khai thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản và tham gia vào một cuộc tuyệt thực được tổ chức trên toàn quốc. Sau khi công ty luật của ông bị đóng cửa và giấy phép luật sư bị đình chỉ, ông vẫn tiếp tục ủng hộ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại, ông Cao đã trở thành mục tiêu trực tiếp của các lực lượng an ninh.
“Mày chớ có nói về tra tấn gây ra bởi Đảng Cộng sản, bởi vì chúng tao sẽ cho mày một bài học toàn diện bây giờ!” ông Cao nhớ lại những gì mà một trong những kẻ tra tấn mình đã nói trong suốt gần hai tháng bị cảnh sát giam giữ. “Mày nói đúng, chúng tao tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Tất cả mọi thứ đều đúng. 12 màn [tra tấn] mà chúng tao sẽ cho mày nếm đã được thử nghiệm trên các học viên Pháp Luân Công, tao nói thật đấy”.
Trong giai đoạn đó của năm 2007, những kẻ tra tấn đã dí thuốc lá đang hút vào mắt ông Cao, đã nhét tăm vào trong bộ phận sinh dục của ông và đánh ông bằng dùi cui điện.
Một thời gian ngắn sau khi được thả, ông Cao lại bị giới chức Trung Quốc bắt giam cho đến tận năm ngoái. Ông đã bị cầm tù và tra tấn trong boongke quân sự và các trung tâm bí mật của phòng an ninh nội vụ, trước khi được chính thức đưa vào tù trong 3 năm. Các chuyên gia cho rằng những cáo buộc chống lại ông – vi phạm lệnh quản chế có điều kiện cho một câu nói trước đó trong hoạt động của ông trong lĩnh vực pháp luật – là bịa đặt.
Kể từ khi được thả tự do vào tháng 8 năm 2014, ông Cao đã bị quản thúc tại gia ở tỉnh miền Tây xa xôi ở Tân Cương. Vợ ông, Cảnh Hòa, và hai  con của họ đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2009 và sinh sống tại California, Mỹ. Bức thư này là những lời của ông Cao từ khi được thả.
Khẩu khí và văn phong trong bức thư mới này trái ngược với những tin đồn trước đây về tình trạng của ông: một ông già bất đồng chính kiến, ​​bị đánh bại về tinh thần và thể xác, không còn ý chí để thách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc hay “băng đảng của kẻ cướp” như cách ông vẫn gọi giới lãnh đạo cộng sản.
Cùng với báo cáo của Gao Ling
Thư của ông Cao Trí Thịnh
Hôm qua, khi nhìn vào căn phòng cũ mà mẹ tôi để lại, tôi đã nhìn thấy cuốn sách “Những bài viết tuyển chọn của luật sư Cao Trí Thịnh”. Tôi ngồi xuống và đọc liền một lúc ba bức thư mà tôi đã viết cho giới lãnh đạo của băng đảng Cộng sản Trung Quốc. Chỉ sau khi chính bản thân mình đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn, tôi mới có thể nhận ra sự thảm khốc, nhiễu loạn khủng khiếp cũng như tàn bạo đến mức nào.
Ngụy Tú Linh, một nữ học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông, đã bị “giết”, bị làm cho sống lại và sau đó cuối cùng đã bị giết chết một lần nữa. Đọc lại câu chuyện của cô, sự đau đớn làm tôi nghẹt thở. Đọc những dòng về cảnh cô ấy bị lột trần từ thắt lưng trở xuống khi đã chết, tim tôi lại bắt đầu run lên. Hay câu chuyện của Lưu Bá Dương và mẹ là Vương Thủ Tuệ tại Trường Xuân, khi cả hai bị tra tấn đến chết, họ vẫn nghe được những tiếng thét chói tai của nhau.
Đã trải qua một thập kỷ kể từ khi tôi viết những ghi chép điều tra này, nhưng những kẻ tội phạm vẫn đang là “các đồng chí lãnh đạo”, vẫn khệnh khạng vênh mặt và ưỡn bụng, đã quên từ lâu món nợ máu mà sẽ theo chúng mãi mãi. Đây là thành quả của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, của tờ Thời báo Hoàn Cầu, của tờ Nhật báo Giải phóng quân và của các cơ quan truyền thông vô đạo đức khác đang tiến hành các hoạt động đáng xấu hổ để làm đờ đẫn người dân Trung Quốc. Những lời mà tôi đã viết cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cuối cùng đã không thể đánh thức các linh hồn đã tê dại của thế giới này, và chế độ hiểm ác này vẫn cư xử độc ác hơn bao giờ hết.
Xung quanh tôi là những nhân viên vô liêm sỉ của chế độ, suốt ngày và đêm, sốt sắng hoàn thành những mong muốn của chủ nhân của họ để giữ Trung Quốc trong bóng tối, trong một giấc mơ say. Đây là điều mà Tổng Thư ký LHQ, Ban Ki-moon, người gần đây đã tham gia vào cuộc diễu hành quân sự của Đảng, không nhìn thấy và không muốn nhìn thấy.
Ông Ban Ki-moon, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-gye, giống như những du khách đến từ hành tinh khác, như câm điếc trước thảm họa nhân quyền ở Trung Quốc, [một thảm họa] đang xảy ra ở xung quanh họ. Họ không phản ứng một chút gì khi những kẻ giết người mời họ, đang tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo vào tự do ngôn luận, tư tưởng và niềm tin, hay khi chúng cản trở sự phát triển của hiến pháp, phản đối cải cách giáo dục, cải cách y tế, độc lập về tư pháp hoặc ngăn chặn những nỗ lực để truyền bá các giá trị văn minh phổ quát. Sự vô cảm của họ với tất cả những việc này nên được làm sáng tỏ.
Những nhân tố đen tối và tội ác của Đảng Cộng sản đã được dựng trở lại trên khắp Trung Quốc, thủ tiêu, tra tấn để moi ra những lời nhận tội của hàng trăm luật sư nhân quyền. Chiến dịch này là một tội ác chống lại nhân loại, một sự vô sỉ mà sẽ được ghi lại trong lịch sử, giống như vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6, hay cuộc đàn áp Pháp Luân Công, hay như việc không ngừng thực hiện phá hủy thô bạo nhà ở của những người dân bình thường và đuổi họ đi.
Tất cả điều này là một nỗi xấu hổ cho thế giới văn minh. Tôi không biết ông Ban Ki-moon nghĩ gì khi làm ăn với những kẻ đã vi phạm một cách trắng trợn tội ác chống lại nhân loại. Trong thời gian diễn ra cuộc diễu binh quân sự do băng đảng những kẻ cướp này tổ chức, những người khiếu kiện và bất đồng chính kiến trên khắp đất nước đã bị đàn áp và bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt; các nhà hàng ở Bắc Kinh yêu cầu được xem chứng minh thư của khách; 10 ngày trước cuộc diễu hành, bưu điện đã không được giao bất kỳ gói hàng nào. Tất cả những điều này được thực hiện để tạo ra một hình ảnh giả tạo cho những gì ông Ban Ki-moon quan tâm, để tạo ra cho băng đảng những kẻ vô lại này một cơ hội để chúc mừng lẫn nhau.
Bây giờ tôi có thể nói công khai rằng vào giữa tháng 8, tôi đã thành công gửi ra nước ngoài hai bản thảo: một là tựa đề “Trung Quốc Đứng Lên trong năm 2017”,  còn bản kia thì chưa có tên – nhưng cả hai sẽ ra mắt trong cùng một năm. Có rất nhiều điều đáng đọc trong những cuốn sách này, vì vậy tôi sẽ không nói nhiều về chúng ngày hôm nay.
Tôi muốn bảo đảm với mọi người rằng tất cả những tội ác chống lại nhân loại đang xảy ra ngày hôm nay tại Trung Quốc sẽ bị truy tố, không có ngoại lệ nào. Vào cuối năm 2017, một tòa án đặc biệt sẽ được thiết lập cho việc này – các chi tiết của tòa án này được mô tả trong những cuốn sách sẽ xuất bản.
Sau khi đọc xong ba bức thư được công khai kia, tôi cảm thấy cần phải viết những dòng trên để tưởng niệm những người cao quý đã hy sinh – họ là niềm hãnh diện và là nguồn năng lượng cuối cùng của đất nước chúng ta, [họ] là minh chứng rằng nhân dân ta vẫn có một tương lai sáng lạn ở phía trước. Tưởng nhớ cuộc đời của họ là một bằng chứng cho thấy lương tâm của chúng ta đã không bị phá hủy hoàn toàn.
Cao Trí Thịnh, ngày 12 tháng 9 năm 2015.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tản văn của nhà văn Võ Phiến


Tưởng Năng Tiến
L.T.Đ: Từ California, nhà văn Phạm Xuân Đài vừa cho biết một tin buồn:
“ Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28 tháng Chín, 2015, tại Advanced Rehab Center of Tustin, Santa Ana, thọ 90 tuổi…
Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.
Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Đêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Đêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà…; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Đàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Đất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Đàm Thoại v.v… Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam bị thiêu hủy từ sau 1975.”
Để tưởng niệm một vì sao vừa khuất, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một tuỳ bút tiêu biểu của ông. Bài viết này được trích từ tập Đất Nước Quê Hương, do nhà Lửa Thiêng xuất bản lần vào năm 1973.
Tưởng Năng Tiến
Ông Bình Nguyên Lộc quả quyết rằng trong một bàn ăn mười ba người, gồm mười hai người Việt và một người Hoa, đồng vóc dáng, đồng trang phục, ngồi im không nói, ông cũng phân biệt được kẻ Việt người Hoa.
Như vậy đã là tài, nhưng ông còn đi xa hơn: có thể nhìn hình dáng mà phân biệt được người Tàu Phúc Kiến với người Tàu Quảng Ðông, người Tàu tỉnh này với người Tàu tỉnh khác.(1)
Cũng trong quán ăn, trong khi chờ đợi tô hủ tiếu, tôi có dăm ba lần theo dõi cử chỉ của người làm bếp, và chợt lấy làm ngạc nhiên về một nhận xét. Không phải ngạc nhiên về chuyện suy tưởng nhân chủng ưa liên quan với các tiệm ăn quán nhậu. Mà là vì tôi có cảm tưởng đôi khi có thể nhìn mà phân biệt một người Việt miền Nam với một người Việt miền Trung, tức một đồng bào ở miền ông Bình Nguyên Lộc với một đồng bào ở miền tôi. Nói cách khác, tôi có cảm tưởng mình cũng… tài giỏi như ông Bình Nguyên Lộc: cái mới kỳ cục!
Một buổi trưa, tại Cần Thơ, trong ngôi quán ở đầu một ngõ hẻm gần bến xe Lam, lần đầu tiên tôi chú ý đến điệu bộ có vẻ ngộ nghĩnh của người chủ quán.
Ngôi quán khá chật và tối. Giữa trưa, trong quán vẫn có ngọn điện vàng cạch thả toòng teng trên đầu người chủ. Người này mặc mai-ô quần lính, đầu đội chiếc mũ địa phương quân rộng vành, chân mang đôi giày da đen, không vớ. Tại sao phải giày và mũ trong một chỗ kín như thế? Có thể chỉ là một thói quen, hay chỉ là một trường hợp ngẫu nhiên nào đó, tức một chi tiết không có ý nghĩa gì. Tuy vậy tôi vẫn ghi lại, vì hình ảnh ấy tưởng còn hiển hiện trước mắt tôi lúc này. Hình ảnh một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, và làm việc hào hứng.
Mỗi người có một cách biểu lộ sự hào hứng. Riêng cái cách của người chủ quán hôm ấy, trời ơi, trông mà mê. Hai tay ông ta thoăn thoắt: chặt khúc xương, xắt lát thịt, gắp mớ ớt, múc vá nước từ trong thùng đổ ra tô, xóc xóc mớ hủ tiếu vừa mới trụng qua nước sôi, rắc một tí tiêu bột v.v. Tất cả bấy nhiêu cử chỉ đều rập ràng, hơi có vẻ nhún nhẩy. Mỗi cái quơ tay, cái nhấc lên hạ xuống đều như có gì quá mức cần thiết một chút. Mỗi cử chỉ bao hàm bảy tám phần cần thiết, lại thêm vài ba phần thừa thãi, chỉ để cho đẹp mắt, để biểu diễn sự thích thú trong công việc. Ðộng tác nghề nghiệp gần chuyển thành sự múa men. Một điệu vũ ca ngợi lao động.
Ðứng bên chủ quán là bà vợ, tôi đã tưởng bà làm công việc chạy bàn. Nhưng không: Lúc một cậu bé gầy gầy cưỡi chiếc xe đạp vụt về trước cửa, xách vào cục nước đá, thì đã rõ đây mới là người chạy bàn chính thức; người đàn bà chỉ tạm thời thay thế cậu ta trong chốc lát.
Khi đã đủ một vợ một con bên mình, chủ quán điều động càng hào hứng:
– Bàn trong. Một nhỏ một lớn. Rồi! Bưng.
– Bàn ngoài, số một. Tô lớn, khô. Rồi! Bưng, bàn số một.
– Bàn số ba tính tiền. Tám chục với ba lăm là trăm mười lăm. Trăm mười lăm với tám đồng là trăm hăm ba. Trăm rưởi trừ trăm hăm ba, còn lại…
Bà vợ nhắc:
– Hăm bảy.
– Hăm bảy. Nè!
Ông ta đưa món tiền lẻ, cậu con mang ra cho khách. Rảnh tay, ông ta chặt một miếng cánh gà, nho nhỏ, quăng gọn vào mồm, nhai. Lại nhanh nhẹn chặt luôn miếng khác, trao cho vợ. Người đàn bà thụt né vào sau cánh cửa; ăn xong lại ló ra, sẵn sàng…
– Tô nước, tô khô. Bàn số hai. Rồi!
Cứ thế, chủ quán làm việc, cắt đặt công việc, điều khiển vợ con v.v., điệu bộ vẫn lại cứ như có gì thừa thãi một chút. Bảy tám phần cần thiết, đôi ba phần để bày tỏ sự hài lòng, để biểu diễn sự hoạt động ăn khớp của một tổ chức hoàn hảo, một bộ máy hợp khuôn rập, chạy đều ro ro.
Vừa rồi có lẽ đã có sự lạm dụng: hầu hết mỗi câu nói của người chủ quán đều có một tiếng “rồi”. Nếu tôi ghi nhớ sai, ấy là vì đã quá chú ý đến tiếng đó. Nhưng hay nhất, ngộ nhất lại là cái tiếng “rồi” tưởng tượng phát ra từ mỗi cử chỉ. Mỗi cử chỉ – ngắt cọng rau, xóc mớ hủ tiếu v.v. – đến chỗ sau cùng thường được gằn mạnh. Như thể một tiếng “rồi” phát ra bằng động tác thay vì bằng âm thanh: Một tiếng câm.
Dầu sao lần ấy tôi không có một đối tượng quan sát im lặng như ông Bình Nguyên Lộc; nhưng các lần sau này thì họ im lặng.
Sau buổi trưa ở Cần Thơ, về Sài Gòn những lần vào quán hủ tiếu, tôi sực nhớ hình ảnh nọ, và tò mò nhìn theo chủ quán: thỉnh thoảng lại gặp những điệu bộ ấy. Có khi ở một người đàn bà, có khi ở một người đàn ông đứng tuổi. Họ nhanh nhẹn, mau mắn; nhưng cái đặc biệt là, trong cử chỉ, họ như muốn nhấn mạnh vào tính cách toàn hảo của những hoạt động rập ràng mau mắn ấy.
Những người ấy họ có cung cách làm việc giống nhau. Cung cách ấy, gọi nó ra sao? Tôi tìm một chữ để diễn tả. Tôi loay hoay tìm kiếm… A! Ðây rồi: “Rụp rụp”! Họ làm việc “rụp rụp”.
Chữ nghĩa sao mà thần tình. Lại chính là một tiếng địa phương ra đời ở miền Nam này. Thế mới biết sự xuất hiện của một tiếng nói mới không bao giờ là chuyện ngẫu nhiên, không lý do. Phải có một thực tại mới, đòi hỏi được mô tả sát đúng. Phải có một sự cần thiết réo gọi nó, đích danh nó.
“Rụp rụp” là một đáp ứng tài tình cho một đòi hỏi như thế. Làm rụp rụp không phải chỉ là làm mau mắn, mà còn với một vẻ hứng chí trong sự mau mắn.
– Nhưng tại sao lại bảo đó là của miền Nam? Ðâu phải người nào trong Nam cũng làm việc rụp rụp?
– Tất nhiên đó không phải là tác phong của toàn thể. Cũng không thể nào biết được là tác phong của một tỉ lệ người Nam lớn nhỏ ra sao. Có điều tác phong ấy không gặp thấy ở các miền ngoài. Vả lại, còn có chuyện khác…
– Nào, xem chuyện khác có gì rõ rệt hơn chăng.
Trong một bài tục ca của Phạm Duy, có câu: “Người dân nhìn thoáng hết hồn luôn”, lại có câu: “Lệch đi thì chết, cấm sờ luôn”. Những tiếng “luôn” dùng kiểu đó không có trong ngôn ngữ các miền ngoài.
Cũng thế, ở ngoài Trung mỗi khi xe đò dừng lại dọc đường, hành khách lên xe xong, anh “ết” hô to cho tài xế nghe: “Chạy!”; ở trong Nam, anh ta hô: “Chạy luôn!”.
Tại sao lại luôn? Những tiếng “luôn” ấy không có nghĩa, nhưng dĩ nhiên không phải không có công dụng. Trái lại, công dụng đó thường khi khiến nó còn được xem trọng hơn những tiếng có nghĩa rõ rệt đứng trước nó. Chẳng hạn trong trường hợp “chạy luôn”: tiếng “chạy” hô phớt qua, tiếng “luôn” được gằn mạnh. Người ta nghe “Ch… luôn!”; có khi chỉ nghe có một tiếng “Luôn!”.
Không chừng đó cũng là trường hợp đã xảy đến cho tiếng “vô”. Mời nhau uống rượu, anh em hô: “Dô!” Có lẽ thoạt tiên là tiếng “nhậu vô”, “uống vô” chăng? Dần dần tiếng trước bị lướt phớt qua rồi bị bỏ rơi. Chỉ còn lại tiếng sau; từ một tiếng trợ từ, nó tiến lên nhận lấy cái nghĩa của các tiếng nhậu, uống.
Trong “chạy luôn”, nghĩa ở tiếng chạy; trong “hết hồn luôn”, nghĩa ở hết hồn; trong “nhậu vô”, nghĩa ở nhậu v.v. Còn tiếng “luôn”? Nó thêm vào một thái độ phát biểu, không thêm gì vào cái ý nghĩa đã phát biểu. Trong “chạy luôn” chẳng hạn, “luôn” là một tiếng kêu hơn là một tiếng nói: nó phát lên để tỏ thái độ thúc giục, nó không nói gì về cái nội dung của sự thúc giục ấy. Nó có công dụng về ngữ khí, chứ không phải về ngữ ý.
Như vậy trong cách nói này cái nội dung, cái cần thiết, đôi khi bị lướt qua; cái phụ, có phần thừa thãi, lại được nhấn mạnh.
Lại cái thừa thãi.
Trong cử chỉ, một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết; trong lời nói, cũng một chút gì thừa, vượt quá sự cần thiết. Cử chỉ và lời nói đều được phóng đại lên…
– Vẫn không có gì rõ rệt.
– Không rõ, về mặt nào?
– Một dấu hiệu để phân biệt bản sắc địa phương như vậy không mấy cụ thể.
– Thực ra ở đây vấn đề không phải là đi tìm một dấu hiệu phân biệt. Cái đó đâu cần tìm kiếm nữa? Ðã có sự khác nhau thật rõ ràng, thật cụ thể, ấy là cái chỉ số sọ của ông Bình Nguyên Lộc: cuộc di cư của nhóm Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Ðịch làm cho đồng bào ta ở miền Nam có xương sọ hơi dài thêm.(2) Kẻ Nam người Bắc tha hồ yên lặng, ông Bình Nguyên Lộc đo đạc là biết ngay.
Vậy ở đây không có chuyện tìm một dấu hiệu phân biệt. Chẳng qua là chộp bắt một nét cá tính phản ảnh trong phong cách, ngôn ngữ. Và hình như sự phản ảnh không dừng lại ở vài tiếng trợ từ, ở mấy điệu bộ. Hình như trên sân khấu cải lương, một bộ môn nghệ thuật của miền Nam, chúng ta có cảm tưởng nhận thấy cá tính ấy xuất lộ ở phong cách diễn xuất…
– Cảm tưởng? Không có gì rõ rệt.
– Quả nhiên.
Võ Phiến

Phần nhận xét hiển thị trên trang