Văn nhân nào từng ngụ cư Xóm Gà - Sài Gòn?
Người Nam kỳ lục tỉnh trước kia có thú vui chơi đá gà. Vì vậy, ở tỉnh Gia Định xưa có một khu vực chuyên cung cấp các “chiến binh” phục vụ cho loại hình giải trí này có tên gọi là xóm Gà. Một điều thú vị ít ai biết là nhiều văn nghệ sĩ xưa nổi tiếng cũng đã từng đến thuê trọ rất đông vui ở đây… Theo nhà văn Lý Nhân – Phan Thứ Lang: “Ngoài các văn nhân hào hoa, ở xóm Gà còn nhiều tay anh chị có nghĩa khí hào hiệp như Nguyễn Hữu Nghĩa, Năm Tồn, Ba Giáp. Vào những năm 1910 – 1919, tại Bình Hòa có người tên là Nguyễn Hữu Nghĩa làm ở sở tạo tác Gia Định. Tính ông cương trực, võ nghệ cao cường. Người dân nào gặp chuyện bị ức hiếp là ông ra tay can thiệp ngay. Còn Năm Tồn làm thợ ở xưởng Ba Son, mỗi khi định ra tay đánh ai là quyết hạ cho bằng được nhưng chỉ đánh những kẻ cậy quyền, cậy thế. Ngoài ra, do thường xuyên tổ chức đá độ, thách đố ăn tiền nên thời đó xóm Gà hay bị những tay du côn ở Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Chánh kéo đến thách thức. Vì vậy, xóm Gà cũng xuất hiện những tay anh chị đại ca có máu mặt”.
CHUYỆN XƯA Ở XÓM GÀ
LÊ CÔNG SƠN
Những “bí mật” về Xóm Gà
Trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần Lục tỉnh Nam Việt, đời vua Tự Đức năm 1882, viết: “Tỉnh Gia Định năm đó có 3 phủ và 9 huyện. Phủ Tân Bình có H.Bình Dương, có xã Bình Hòa”. Như thế, xóm Gà thời xưa nằm ở xã Bình Hòa (nay thuộc Q.Bình Thạnh, TP HCM).
Nằm cách xa trung tâm Sài Gòn, đất đai rộng rãi, nhà nào cũng có cây cối vườn tược sum sê, không khí trong lành; giá thuê trọ lại rẻ, phù hợp với giới văn nhân, thi sĩ, nhà báo nên nhiều người rủ nhau tìm đến ở trọ khá đông.
Nhà văn Phan Kim Thịnh - chủ nhiệm tạp chí Văn học trước 1975, cho biết: “Xóm Gà không phải là một địa danh hành chính ghi trên bản đồ mà do dân gian đặt cho. Vì trước đây vùng này đất rộng, bỏ hoang hóa nhiều nên người dân tứ xứ đến cư ngụ, làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm… mà nhiều nhất là gà. Rồi từ tờ mờ sáng họ đã quang gánh lũ lượt mang gà đi bán: gà thịt, gà giò, gà trống thiến, gà kiểng, gà nòi, gà chọi… đủ loại. Sau này nhiều con buôn đích thân tới tận xóm để chọn lựa, mua cho tiện và rẻ hơn, hình thành một xóm chuyên nuôi gà và bán gà. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp gà thịt, người dân ở đây có nuôi thêm giống gà tre, gà nòi để cá độ, ăn giải tượng trưng trong các dịp lễ hội, Tết. Sau này nuôi thêm gà nòi, gà tre để đem đi thách đá ăn tiền…”.
Thời đó, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt lại là người mê đá gà nên việc nuôi gà ở khu vực xã Bình Hòa để phục vụ cho thú vui này lại có thêm cơ hội… “liên tục phát triển”.
Nhà văn Hoàng Hương Trang, con nuôi của kịch tác gia Vi Huyền Đắc (nhân vật này cùng với Vũ Đình Long, Thế Lữ trở thành 3 người đầu tiên khai phá nền kịch nghệ VN), mặc dù năm nay đã 79 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, bà kể: “Ở xã Bình Hòa ngày đó có rất nhiều xóm làm những ngành nghề khác nhau: xóm cau khô, xóm giá, xóm bún, xóm mành sáo, xóm lò heo… Riêng xóm Gà thì chỉ có… nuôi gà là chủ yếu. “Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân”.
Từ thời Quang Trung Nguyễn Huệ, ông Nguyễn Lữ (trấn ở miền Nam) mê gà đá bao nhiêu để người dân Cao Lãnh phải nuôi gà cung cấp thì tới thời ông Lê Văn Duyệt cũng y như vậy. Người dân tự do nuôi gà xung quanh khu xóm Gà để phục vụ cho thú vui của tổng trấn và mang đi bán, đá độ khắp nơi”.
Văn nghệ sĩ nào đã từng ở đây?
Nổi tiếng nhất từng thuê nhà trọ ở xóm Gà là thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Ông có những tác phẩm lừng danh: Thề non nước, Tống biệt, Giấc mộng lớn, Giấc mộng con…
Cũng theo nhà văn Hoàng Hương Trang, ba nuôi bà là kịch tác gia Vi Huyền Đắc, bạn của thi sĩ Tản Đà từng tiết lộ với bà: “Lúc mới vào Sài Gòn, thi sĩ Tản Đà sống chật chội trên một căn gác nhỏ ở xóm Gà. Ông sống đạm bạc, cuộc sống chỉ phụ thuộc vào nghề viết lách nên cũng rất khó khăn. Chính vì thế mà Tản Đà đã từng chua chát viết: “Bao nhiêu củi, nước mới thành văn/ Làm được ra văn, chết mấy lần/ Ông chủ nhà in, in đã đắt/ Lại cô hàng sách, mấy mươi phân”.
Vào những năm 1920 - 1930, có một số nhà thơ, nhà báo đất Bắc rủ nhau vào Sài Gòn để thay đổi không khí sáng tác và theo lời mời “chiêu hiền đãi sĩ” của các báo. Đi đầu là cụ Phan Khôi, Tản Đà và Ngô Tất Tố. Hai ông Tản Đà và Ngô Tất Tố cùng về thuê trọ ở xóm Gà để ở, cộng tác với báo Thần Chung của ông Diệp Văn Kỳ.
Theo nhà văn Lý Nhân Phan Thứ Lang - người chuyên nghiên cứu về Sài Gòn: “Tờ Thần Chung xuất bản số đầu tiên năm 1929, chỉ sống được 1 năm đến năm 1930 (số 344) thì đình bản. Mặc dù không thực sự thành công ở đất phương Nam nhưng giai đoạn từ 1927 - 1929, Ngô Tất Tố viết nhiều bài cho hai tờ: Đông Pháp Thời báo và Thần Chung, ký các bút danh: Thục Điểu, Phó Thi, Thôn Dân, Tuệ Nhân, Hi Cử, Xuân Trào, Thuyết Hải….
Sau này về lại đất Bắc, tài năng của Ngô Tất Tố mới có cơ hội tỏa sáng. Còn Tản Đà thì giai đoạn này giữ chuyên mục Vì Dân cho tờ Tiểu thuyết Tuần san, viết bài cho tờ Phật học, Tiếng chuông sớm, mở lớp dạy Quốc văn hàm thụ, Hán văn diễn giảng… và làm thơ đăng rải rác trên tờ Đông Pháp Thời báo.
Năm 1929, nhân dịp lễ Tết, ông Diệp Văn Kỳ ấn hành số đặc biệt Đông Pháp Thời báo Xuân Mậu Thìn 1928 đăng bài thơ “Chơi Xuân” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu được độc giả tìm mua không còn một số. Làm ở tờ Đông Pháp Thời báo, qui định Tản Đà mỗi tuần phải có 1 bài thơ (với thù lao mỗi tháng 100 đồng) ấy vậy mà đôi khi báo sắp lên khuôn vẫn chưa có thơ, ông Diệp Văn Kỳ phải cho tùy phái 3-4 lần vào tận nhà của thi sĩ ở xóm Gà để đốc thúc. Có lần, Tản Đà nổi nóng đã thốt lên câu nói lịch sử: “Làm thơ đâu phải… bửa củi mà muốn lúc nào có lúc đó”.
Tuy nhiên, sau này trên đường ra Bắc, khi đến Nha Trang, Tản Đà đã có bài thơ gởi về tòa soạn Đông Pháp Thời báo “trút bầu tâm sự” để mọi người thấu hiểu cho lòng thi sĩ: “Xóm Gà tan giấc rạng vầng ô/ Tôi đến Nha Trang rượu một bồ/ Trợ bút đã xin từ bác Diệp,/ Văn chương để lại cậy thầy Ngô/ Dám quên “Đông Pháp” người tri kỷ?/ Riêng nhớ An Nam bức địa đồ/ Hai chuyến chơi Xuân Thìn với Mão/ Đi ra còn nhớ mãi đường vô”.
Ông Lý Nhân Phan Thứ Lang còn cung cấp thêm thông tin: “Xóm Gà từng vang bóng một thời vì có quá nhiều văn nhân tên tuổi của Nam - Trung - Bắc tới đây cư ngụ, sáng tác, bình văn. Từ năm 1910 đến 1933, ngoài Tản Đà đã có các ông: Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Tề Xuyên Hoàng Văn Tiếp, Chương Dân Phan Khôi, Ngô Tất Tố cũng đến ở đây. Sau này có nhà báo Trần Tấn Quốc, Ngọa Long Nguyễn Kim Lượng… Tuy nhiên, bây giờ đa phần đều đã mất. Một số người thì con cái bán nhà chuyển về quê hoặc đi nơi khác sinh sống. Tôi đã tìm đến “gõ cửa” nhiều lần theo địa chỉ cũ có được của văn nghệ sĩ nhưng những người trẻ đều không có thông tin về các chủ cũ, còn nhiều nhà thuê trọ tạm bợ của nhà văn, nhà thơ… trước đây thì đã bị đập ra để xây mới”.
“Trong giai đoạn đó, dù ở xa trung tâm nhưng các nhà văn, nhà thơ trọ tại xóm Gà đều phải… đi bộ là chính, thỉnh thoảng mới đi ô tô buýt, còn văn minh lắm thì sắm được chiếc xe đạp là oách lắm. Họ thường gặp nhau tại nhà và các tòa soạn báo để bàn bạc bài vở và trao đổi thơ văn. Đa số văn nghệ sĩ ở khu vực Xóm Gà đều nghèo, có người cuối đời như họa sĩ Ngân Hà (người vẽ họa báo cho thiếu nhi, bạn của nhà thơ Thy Thy Tống Ngọc) phải làm nghề hồ dán để bán kiếm tiền trang trải chi phí tiền trọ, ăn uống… tới khi chết. Tội lắm” - nhà văn Hoàng Hương Trang bùi ngùi.
Nguồn: An Ninh Thế Giới số Giữa tháng
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét