Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Giáo sư là gì, ai là giáo sư?


GS Nguyễn Văn Tuấn
25-9-2015
Những thảo luận chung quanh việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trương bổ nhiệm giáo sư dẫn đến tranh luận về ý nghĩa của chữ “giáo sư”. Nhưng hình như chưa có ai lí giải thế nào là một giáo sư. Lí giải được câu hỏi này sẽ giúp cho sự hiểu biết về chức danh giáo sư tốt hơn. Trong bài này, tôi sẽ “ôn cố tri tân” để giải thích những thành tố nào làm nên một giáo sư. Bài này lấy ý tưởng từ một bài của Philip Knox và trang Wikipedia viết về sự nghiệp của Socrates, và tôi diễn giải lại theo ý nghĩa hiện đại của chức danh “giáo sư”.
Socrates
Bàn về chức danh giáo sư, không thể không nhắc đến một nhân vật rất quan trọng trong văn minh phương Tây: Socrates. Có lẽ nhiều người biết rằng Socrates (sinh ra vào khoảng 470 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại Hi Lạp, nhưng ông còn là một “tượng đài” của giới hàn lâm. Tuy nhiên, điều kì lạ là ông không để lại đời một tác phẩm nào. Tất cả những gì người đời sau biết về ông là qua những tác phẩm của hai người học trò danh tiếng là Plato và Xenophon. Di sản học thuật của Socrates đã được viết thành nhiều bộ sách, tôi thiết nghĩ không cần (và cũng không thể) nói ra một cách đầy đủ ở đây. Chỉ nói ngắn gọn rằng Socrates được xem là “cha đẻ” của tư tưởng triết học phương Tây.
Sự nghiệp sáng chói của ông bị kết thúc một cách bi thảm. Năm ông 70 tuổi, Socrates bị đưa ra toà án công chúng xử về tội không công nhận Thượng đế mà Nhà nước thì công nhận Thượng đế, và tội làm hư hỏng giới trẻ. (Nghe giông giống như vài phiên toà ở Việt Nam ngày nay!) Cuộc xử xét công khai ở Thủ đô Athens, với sự tham dự của cư dân và môn sinh của ông. Bồi thẩm đoàn kết tội ông với số phiếu 280 là có tội và 220 phiếu vô tội. Khi toà cho ông tự định tội, ông mỉa mai nói rằng đáng lí ra ông nên được tưởng thưởng cho những việc làm và tư tưởng của ông. Toà cho ông chọn hình phạt tử hình hoặc lưu vong; ông bình thản chọn án tử hình và ông là người tự thi hành án. Ông vẫn kháng án và đề nghị án phạt tiền, nhưng tòa không chấp nhận đề nghị đó. Ông được điệu đến một nhà tù, và người ta để ông tự uống độc dược. Theo Plato, trong giây phút cuối đời, ông trăn trối với một người học trò là “Chúng ta còn nợ Asclepius một con gà trống. Nhớ trả cho ông ấy.” Xin nhắc lại rằng Asclepius là thần thành hoàng của nghề y. Và, thế là ông ra đi vĩnh viễn ở tuổi 70. Có người cho rằng ông chết vì tính ngạo mạn, nhưng cũng có người đề cao tính “nói là làm” của ông.

Trong giới khoa bảng, Socrates là một tượng đài về học thuật, một người được xem là Á Thánh. Ông là người đề xướng cái mà giới hàn lâm thường gọi là Phương pháp Socrates. Những suy nghĩ và cách làm trong Phương pháp Socrates đặt nền móng cho Phương pháp Khoa học (Scientific Method) mà chúng ta sử dụng ngày nay. Theo Phương pháp Socrates, để giải một vấn đề phức tạp, chúng ta chia vấn đề ra thành nhiều câu hỏi nhỏ, đặt ra giả thuyết, rồi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, sau cùng đúc kết thành một giải đáp toàn diện. Đó cũng chính là cách thức vận hành của khoa học hiện đại, theo cái mà chúng ta vẫn gọi là Scientific Method — Phương pháp Khoa học.
Socrates là một tấm gương tuyệt vời của một giáo sư, một anh hùng học thuật. Thật vậy, khi nói đến ý niệm về chức năng của — và những thành tố làm nên — một giáo sư, giới hàn lâm đều dùng Socrates làm mô hình chuẩn. Điều này hợp lí, vì Socrates không chỉ là một người thầy vĩ đại, mà còn là một nhà khoa học mẫu mực.
Giáo sư như là … người hùng
Có lẽ ít ai nghĩ rằng thời xưa ý niệm về giáo sư có liên quan mật thiết với ý niệm “anh hùng”. Xuyên suốt lịch sử nhân loại, anh hùng là người có tài năng, có đóng góp lớn, có khí phách, và họ tồn tại như là những tấm gương tốt của nhân loại. Vào thế kỉ 18-19, các học giả chia anh hùng thành 6 nhóm chính: thần thánh; nhà tiên tri; thi sĩ; giáo sĩ; văn sĩ (những người trong thế giới văn chương); và vua chúa.
Điều thú vị là vua chúa được xếp sau cùng trong bảng xếp hạng anh hùng! Anh hùng theo cách hiểu thời đó là những cá nhân có những hành động và việc làm siêu nhân. Người được tôn vinh là anh hùng chẳng những tài năng, mà thường mạnh mẽ hơn, thông thái hơn, can đảm hơn, sùng đạo hơn, và kiên nhẫn hơn người thường. Xin nói thêm là ý niệm về “anh hùng” thời đó không giống như “Anh hùng lao động” thời nay.
Danh từ “Giáo sư” trong tiếng Việt tương đương với danh từ “Professor” trong tiếng Anh. Chữ Professor trong tiếng Anh có xuất xứ từ tiếng Latin, có nghĩa là “Người thầy công chúng” (Public Teacher). Theo các đặc tính trên, các học giả thời thế kỉ 18-19 xem giáo sư như là những anh hùng. Những người như Socrates (và học trò ông là Plato), Aristotle, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử, v.v. là những người thầy công chúng, và cũng là những anh hùng.
Theo nghĩa hiện đại, giáo sư là người thầy. Vậy thì điều gì phân biệt một giáo sư với một người thầy tiểu học hay thầy dạy nghề? Để trả lời câu hỏi đó, các học giả dựa vào những đặc tính của sự nghiệp của Socrates để định nghĩa thế nào là một giáo sư hiện đại. Đó là 6 đặc tính liên quan đến học thuật, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, thẩm quyền chuyên môn, chính kiến, và làm gương cho sinh viên.
1. Học giả
Giáo sư trước hết là một học giả, hiểu theo nghĩa “scholar” trong tiếng Anh. Chính cái “chất” học giả này làm cho giáo sư khác với thầy giáo thông thường. Học giả theo cách hiểu thông thường là người có kiến thức uyên thâm về một lĩnh vực chuyên môn. Lĩnh vực chuyên môn có thể là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn. Tính cách học giả còn có nghĩa là giáo sư phải giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho môn sinh, chứ không phải chỉ giữ kiến thức cho cá nhân.
Thật ra, chữ “scholar” có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp là “schole”, có nghĩa là “thì giờ thư nhàn.” Những người như Socrates và môn sinh của ông có thời gian nhàn nhã, nên họ có điều kiện để suy nghĩ sâu về những vấn đề mang tính triết lí và ý nghĩa của cuộc đời. Có lẽ chính vì thế mà công chúng thường có ấn tượng về giáo sư như là những người nhàn hạ, ngồi ở tháp ngà, chuyên bàn chuyện “trên mây”, chẳng liên quan gì đến thực tế. Dĩ nhiên, ấn tượng về giáo sư tháp ngà như thế có thể đúng với thời xưa, nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Khi nghĩ đến giáo sư như là học giả, tôi nghĩ ngay đến những người như cụ Đào Duy Anh, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, hay xa xưa hơn là Nguyễn Trãi.
2. Nhà nghiên cứu
Socrates quan niệm rằng tri thức có thể đúc kết từ nghiên cứu khoa học theo Phương pháp Socrates (tức Phương pháp Khoa học ngày nay). Nhưng tri thức do Socrates tạo ra không phải để ông hưởng lợi cá nhân, mà là để đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Do đó, quan niệm về người giáo sư hiện đại phải là người có khả năng tạo ra tri thức mới qua nghiên cứu, và chuyển gia tri thức đó giúp cho xã hội và nhân loại tốt hơn.
Vì thế, giáo sư không chỉ là một học giả, mà còn là một nhà nghiên cứu. Thời gian nhàn nhã của giáo sư không phải để tiêu khiển, mà thực chất là để nghiên cứu. Nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của một giáo sư, và chính nghiên cứu là yếu tố làm nên tính cách của một giáo sư, để phân biệt họ với người thầy dạy nghề. Người thầy dạy nghề hay thầy bậc tiểu học không làm ra tri thức mới bằng phương pháp khoa học.
3. Thành viên của cộng đồng học thuật
Vào thế kỉ 18-19 (và vào thời của Socrates), Âu châu có một những cộng đồng gọi là “Cộng hoà văn chương” (Republic of Letters). Theo cách hiểu ngày nay, Cộng hoà văn chương thực chất là cộng đồng học giả, là những hiệp hội chuyên ngành. Socrates và học trò ông từng tham gia vào những cộng đồng học thuật ở thủ đô Athens, và họ đàm đạo chuyện triết lí trong các cộng đồng đó.
Theo nghĩa hiện đại, giáo sư phải là một thành viên tích cực trong “cộng hoà văn chương” hay cộng đồng học thuật. Nói cách khách, giáo sư phải là một thành viên của các hiệp hội chuyên môn. Cộng đồng học thuật không có biên giới chính trị, không phân biệt ý thức hệ. Giáo sư ở Nga hay ở Mĩ vẫn có thể trao đổi trong cộng đồng học thuật. Giáo sư phải tương tác với các đồng nghiệp (trong và ngoài nước) trong các cộng đồng học thuật. Hình thức tương tác là công bố những tác phẩm, những công trình nghiên cứu, những công trình học thuật trên các tập san của cộng đồng. Ngày nay, chúng ta hiểu rằng đó là công bố quốc tế. Do đó, giáo sư phải có công bố quốc tế, vì đó là một thành tố tạo cái chính danh của giáo sư.
4. Người có thẩm quyền
Giáo sư là người có thẩm quyền về một lĩnh vực chuyên môn. Xã hội kì vọng rằng chiều sâu và bề rộng về kiến thức của giáo sư phải cao và rộng hơn người thầy tiểu học. Giáo sư không chỉ phải có kiến thức sâu và rộng, mà kiến thức không được “bất biến”. Điều này có nghĩa là giáo sư phải là người năng động, lúc nào cũng tìm cái mới, lúc nào cũng tự trau dồi kĩ năng và kiến thức. Theo cách hiểu hiện đại, giáo sư phải liên tục có những công trình khoa học công bố trong các diễn đàn học thuật.
Những kiến thức của giáo sư phải được chuyển giao qua hình thức cố vấn cho Nhà nước hay các tổ chức hoạt động vì lợi ích chung của dân tộc. Lúc sinh tiền, Socrates là một mẫu mực về thẩm quyền. Ông phân biệt những vấn đề lớn và những vấn đề nhỏ, những vấn đề lâu dài và những vấn đề cấp thời. Môn sinh của ông là những người xuất thân từ các gia đình giàu có ở Hi Lạp. Ông dùng kiến thức của mình để đào tạo những môn sinh, với kì vọng họ sẽ trở thành những lãnh đạo tương lai. Đó cũng chính là một trong những chức năng của giáo sư thời nay.
5. Người phản biện
Giáo sư là một học giả, một nhà khoa học, và cũng là một nhà trí thức. Nhà trí thức thời nào cũng có những tính phổ quát là tôn trọng lí tưởng chân thiện mĩ, độc lập trong suy nghĩ, hoài nghi lành mạnh, và tự do sáng tạo. Giáo sư phải có niềm tin, hay cái mà tiếng Anh gọi là “conviction” (có lẽ hiểu là “lập trường”). Giáo sư, do đó, phải có chính kiến, nhưng chính kiến của họ không phải dựa trên cảm nhận cá nhân, mà qua đúc kết từ các nghiên cứu của chính họ. Nói theo ngôn ngữ thời nay, giáo sư phải có tinh thần phản biện, và sẵn sàng nói ngược lại những gì mà Nhà nước làm, và tinh thần phản biện vì lợi ích của cộng đồng.
6. Tấm gương
Lúc sinh tiền, Socrates là một nhà giáo mẫu mực, người mà lời nói đi đôi với hành động. Dù ông không chấp nhận bản án dành cho ông, nhưng ông thượng tôn pháp luật do chính ông đề ra, và ông sẵn sàng chọn cái chết vì tinh thần đó. Do đó, một cách lí tưởng, giáo sư hiện đại phải là tấm gương cho sinh viên và học sinh. Giáo sư phải thực hành những gì họ giảng, và qua đó mới tạo được niềm tin ở sinh viên. Có thể có người không đồng ý với đặc tính này của giáo sư, nhưng đó là một thực tế. Sinh viên và học sinh nhìn vào giáo sư để phấn đấu và để tìm cho mình một hình tượng mẫu, để theo đuổi một định hướng.
Tóm lại, sáu đặc điểm trên đây trong cuộc đời và sự nghiệp của Socrates chính là những thành tố tạo nên một giáo sư hiện đại. Ý niệm về giáo sư có gốc gác từ ý niệm về người hùng vào các thế kỉ trước, và người hùng tiêu biểu là triết gia Socrates, Đức Phật Thích Ca, Khổng Tử. Có lẽ đa số giáo sư ngày nay không dám nhận mình đứng ngang hàng với các bậc tiền bố đó, nhưng việc làm của họ cũng không khác gì mấy so với việc làm của giáo sư ngày nay: giảng dạy, nghiên cứu, và phụng sự xã hội.
Nói gì thì nói, giáo sư là nhà giáo, là một thành phần trong giai cấp thầy. Nhưng giáo sư là thầy giáo công chúng, chứ không đơn thuần là thầy giáo tiểu học hay dạy nghề. Giáo sư khác với thầy giáo thường ở điểm họ chẳng những giảng dạy, mà còn nghiên cứu khoa học và sản sinh ra tri thức mới. Tri thức mới không phải cho cá nhân họ, mà phải đem lại phúc lợi cho xã hội và nhân loại. Cần nói thêm rằng danh từ “giáo sư” trong tiếng Latin có nội hàm là người có thẩm quyền và chuyên gia. Nội hàm thẩm quyền và chuyên gia được xây dựng trên giảng dạy (đào tạo) và nghiên cứu của cá nhân giáo sư. Do đó, một người không hành nghề giảng dạy và cũng không nghiên cứu không thể là một giáo sư đúng nghĩa.
Bài viết này lấy cảm hứng từ tranh luận chung quanh ý nghĩa của danh từ “Giáo sư”. Có ý kiến cho rằng rằng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã “phạm huý” khi sử dụng danh từ “Giáo sư”, vốn là chức danh do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước tiến phong. Nhưng chiếu theo những lí giải mang tính “ôn cố tri tân” trên đây, tôi thấy chính Hội đồng Nhà nước mới lạm dụng danh xưng “Giáo sư”, bởi vì rất nhiều người được Hội đồng tiến phong không hành nghề giảng dạy mà cũng chẳng làm nghiên cứu, chẳng tạo ra tri thức mới, chẳng tham gia các “cộng hoà văn chương”.
Đã đến lúc cần cải cách qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư. Cũng như một số người phát biểu trên báo chí, tôi cho rằng nên trả danh từ “Giáo sư” về cho đại học, và nên trao quyền bổ nhiệm giáo sư cho đại học. Bất cứ đại học nào cũng đều có quyền bổ nhiệm giáo sư, nếu đại học có sẵn một qui trình minh bạch và một bộ tiêu chuẩn khoa học.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: