ĐÀO TUẤN
LĐO - Người ta la ó đến sùi bọt mép. Người ta tức giận đến “đập đầu vào tường”. Người ta than giời “Chỉ có ở Việt Nam”. Người ta cười nhạt nhớ đến “anh Chí” và cái làng Vũ Đại khổng lồ. Tất tật.
Chỉ từ một thông tin: Giá nước sạch - dù vẫn ồn ào là theo cơ chế thị trường - cũng sẽ được tính toán theo kiểu lũy tiến như điện. Tức là càng dùng nhiều càng đắt.
Mà giá mới, lũy tiến, cũng nhanh như điện, không chờ lương - tăng một phát “hai con số” ngay lập tức.
Mà nói cái là tăng liền ngay tháng sau chứ không có trình bày hay thanh minh thanh nga gì hết. Quyết đoán theo kiểu ai không thích xin mời ra phố đào giếng hay lên sân thượng xây bể hứng mưa!
Ở cơ chế thị trường mà buộc người ta càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền, càng mua nhiều càng đắt thì sự tức giận ở đây là có lý chứ không lẽ kiểu giá cả “Chỉ có ở VN”, đang được lập luận - cũng theo kiểu “Chỉ có ở Việt Nam” - như thế thì nước đang thiếu như điện, còn điện thì quý hiếm như vàng mới có lý.
Sự la ó hoàn toàn có thể thông cảm khi ngay một vị như Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trước tỉ lệ “làm ra 1 triệu mét khối nước, thất thoát hết 300.000m3” cũng phải than giời, “Sau 40 năm đất nước thống nhất mà chưa lo được nước sạch cho dân là rất xót xa” .
Rất xót xa. Còn là ở chỗ trong môi trường mà điện và nước sạch đang bị “độc quyền doanh nghiệp”, người ta la ó đến mấy thì cũng phải mua hoặc… đào giếng chứ không có lựa chọn nào khác.
Và việc “đập đầu vào tường” cũng từ sự trớ trêu đầy ngẫu nhiên khi mà từ Sài Gòn, qua Hải Phòng, tới thủ đô ngàn năm văn vật - nơi công việc đắp đê khởi sự từ ngàn năm trước, vào đúng hôm cái tin “nước lũy tiến” đó, đang… ngập trong nước.
Đấy. Nước có thiếu đâu. Vấn đề chỉ là ở trách nhiệm với nước khi những người hưởng lương để làm mỗi việc là thoát nước - thì để thừa nước; và cấp nước… không phải nhắc chắc ai ở thủ đô cũng nhớ có đường ống từng vỡ đến lần thứ 13. Lương của họ đâu có từ trên trời chảy xuống. Lương ấy, từ tiền thuế kể cả của những bà cụ bán nước trà bên hè đường cho tới số đông đang vùng vẫy giữa ngã tư đường phố.
Nước đang ngập phố, vẫn kêu thiếu nước. Thất thoát từ 30-49%, tất tật bổ vào giá thành, bổ vào cái ví của dân. Và giờ, vì thiếu nước, lại đặt vấn đề lũy tiến để giúp nhân dân… tiết kiệm.
Nếu ngày mai, ngay bên Bờ Hồ có ai đó đào giếng thì xin lỗi nhé, người dân chỉ đang minh họa cho những cái giá, những lập luận kiểu “Chỉ có ở Việt Nam”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét