Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

KHÁCH ĐẾN CHƠI NHÀ


 Truyện ngắn HG.
 


Tân đang ở ngoài vườn, chợt có tiếng chó sủa rầm rộ. Không phải chó sủa người đi đường, nghe gay gắt thế này chắc là có khách đến nhà.
Chẳng biết có thằng bỏ mẹ nào cố tình trêu tròng, mấy ngày hôm nay nhà thường có khách đột ngột không hẹn trước như thế.
Hôm thì có người đến hỏi lấy giống lợn, hôm có người hỏi mua trâu.. Mà nhà anh đâu có mấy thứ đó? Cái cảnh dắt con lợn đực đi dong khắp các làng, nghe người ta nói kiếm được lắm, nhưng anh chả thấy thú vị gì. Nó đâu phải cách làm của kẻ sức dài vai rộng, hào nhã như anh?
Còn trâu từ lâu bọn trẻ đi học xa, không có người chăn, nhà đã không nuôi. Bây giờ đất chỗ nào cũng có chủ, người ta rào dậu, trồng cây hết cả rồi, đâu còn có đất bỏ hoang?
Không còn như ngày trước, trâu thừng quấn lên sừng thả vào rừng, chiều tối cả đàn sẽ nhớ lối về, không cần xua đuổi mà vẫn đủ chả thiếu con nào?
 Bây giờ mà thả như thế tiền lãi nuôi trâu không đủ nộp phạt ăn hoa màu của người ta.
Lại có hôm mấy ông ở hội đan lát đến mời Tân vào hội. Các ông ấy bảo tương lai của cái hội này nhiều triển vọng lắm!
Nhưng Tân biết, thời buổi công nghệ cao, nhựa hóa cả rồi, rổ rá bằng nhựa người ta bán đầy ngoài chợ, giá rẻ như cho. Đan lát thời buổi này đâu còn có giá như trước kia?
Đến như cối xay cối giã còn không có đất sống, ai mua sàng mua nia để làm gì? Thời của máy xát chạy điện ro ro, tấm đi đằng tấm, gạo cám tách bạch sạch sẽ, ai còn nhớ đến dần sàng, nong nia nữa chứ?
Túi, bịch nilon người ta bán cân như bán củi, thúng mủng, bồ bịch còn ai hỏi đến nữa đâu?
Chẳng qua mấy vị ấy rảnh rỗi, cố nhen nhóm cái hội chả ra tiền ấy như một cách hoài niệm, nhớ lại thời dĩ vãng..
Kể cái xứ mình cũng lạ. Nước người ta tìm tòi phát minh ra các sản phẩm tiên tiến hiện đại. Người ta ngước lên tìm hiểu vũ trụ, công nghệ cao thì ở xứ mình lại lắm anh tỉ mẩn quay đầu về dĩ vãng. Cách chẻ lạt pha nan, làm ống thổi như thế nào từ đời nảo đời nao?
Coi như đấy là công trình tìm tòi, phát hiện vốn văn hóa cổ!
Tôn trọng truyền thông cha ông là cái nên làm, nhưng mải mê quá cũng không tốt. Đời người không dài, cứ mân mê ba cái thứ ấy bao giờ mới “sánh vai cùng cường quốc năm châu”?
Cái tinh hoa, tuyệt kỹ chả có mấy mà thiên về cóc cáy, dị mọ. Không cẩn thận lợi bất cập hại và lại vô bổ, chả ích lợi gì.
Buồn cười nhất là hôm vừa rồi. Có đến mấy ông mấy bà ở câu lạc bộ thơ đến mời Tân vào hội thả diều.
Không biết nghe ai nói, các vị ấy biết Tân có nghề làm diều cánh cốc từ hồi còn trẻ. Họ muốn có Tân, để có được những con diều thật to, sáo thật vang, thả lên giời, mang theo những dải lụa đào, quảng bá thơ ca cho nó lạ kiểu. Hy vọng đây là lối thoát cho thơ trong giai đoạn mới!
Nghe bảo thơ thời buổi này ế ẩm, bán chẳng ai mua. Đến biếu tặng người ta cũng ngại, không muốn nhận. Cứ làm như mang theo tập thơ trong người sợ thiên hạ nhìn mình méo mó như nhìn kẻ tâm thần.
Chưa bao giờ lại xảy ra nghịch lý lạ lùng như thời buổi này. Những cái nhố nhăng, loãng toẹt, nhạt hoét lại được dịp lên ngôi, được trọng vọng trong lúc thơ ca vốn là tinh hoa của giời đất, tinh túy của hồn người lại bị xem thường. Sách in đẹp, giấy tốt, kiểu dáng sang trọng cầm tận tay mà người ta không ham, thì đưa lên giời,
 mờ mờ mịt mịt thì có ích gì?
Tân ra mở cổng. Thật may là không đúng như anh dự đoán. Lại cảm thấy có chút ân hận vì đã nghĩ thiếu thiện chí về những người bạn đến với anh hôm nào. Dù sao thì có quý mình người ta mới đến. Cũng mất thời gian, mất công mất việc chứ có phải không đâu? Chẳng tham gia mấy cái câu lạc bộ linh tinh ấy người ta cũng không ép. Việc gì mà phải phẫn cơ chứ?
Đứng trước ngõ nhà anh là một người quen khác: “Trương mồm nhọn”, ấy là cách những kẻ không ưa anh ta gọi vậy. Thực ra Trương cũng chẳng hại ai, chẳng làm gì xấu xa, chỉ phải mỗi cái tội hay nịnh người lộ liễu quá.
Một phần cũng vì cái mồm lôi công hơi chúm về phía trước. Cũng đã lâu Tân mới gặp lại người này, chỉ là tình cờ thôi chứ anh ta không chủ ý.
Có một con bọ, hay con ong nào đó bay vào mắt, khiến Trương phải dừng xe, không định vào nhà. Mấy con chó nhà Tân xích lâu ngày thấy vậy cứ nhảy lên chồm chồm. Đến như giống chó bị giam hãm lâu cũng trở nên tức bực, điên điên như thế. Tân phải cầm roi quát nạt nó mới chịu im. Trường mồm nhọn thấy Tân về liền gạt chân chống xe, đi vào ngõ. Anh ta hỏi nhà có thuốc nhỏ mắt xin một ít. Gì thứ này nhà Tân không trữ. Ơn giời, ở nơi vắng vẻ cũng ít bụi bậm, anh lâu nay ít ra ngoài nên mắt chả dùng đến thuốc, chả trữ thuốc đau mắt làm gì.
“Cứ ngồi một tí là mắt sáng lại thôi mà, không sao đâu!”
 Trường nghe và ngồi lại. Khác với mọi lần, anh ta chả nhen nhen cười, cái gì cũng “nhất anh”, “anh là tổng thống” như mọi khi. Chắc hẳn anh ta chả có nhu cầu gì để nịnh hót mình nên không phát câu cửa miệng như mọi lần? Tân cũng không biết nữa.
Hay có khi tính nết anh ta đã thay đổi? Trong thế giới hiện thực bây giờ, đưa người ta lên mây xanh, đi tàu bay giấy, nịnh hót không còn mấy tác dụng nên Trường đã thay đổi rồi? Tân nghĩ cũng khó lắm. Chả có câu “cải mồ cải mả thì dễ, cải tính cải nết thì khó” đấy sao? Chỉ có điều tiết chế ít nhiều, vào lúc này hay lúc khác, với đối tượng nào mà thôi.
Nhớ đận hắn ta nhờ mình phác thảo cho cái dự án thành lập công ty hữu hạn. Từ xa đã thấy hắn cười toe toét, mắt tít lại, mồm dôi ra phía trước đến vài phân. Đận khác, hắn đi bán cây giống cũng cười tương tự. Vẫn là  Trường mồm nhọn, nịnh người không chút ngượng ngùng.
Tân phải phục hắn là người chí khí, biết tự lập thân. Ngày lên đất này tay nải vắt vai, khăn gói gió đưa, lại dắt theo thằng em không công ăn việc làm, chuyên trị làm mướn. Chả ai nghĩ hắn có ngày hôm nay. Thực đúng là “làm người có chí thì nên”, hơn hẳn mấy người xưa kia nhìn hắn bằng nửa con mắt. Cho rằng hắn không tấc đất cắm dùi, tứ cô vô thân, đến bao giờ mới mở mày mở mặt ra được?
Hắn người thôn Đôi Mục, xã Đôi Nhân, cái tên nghe ngờ ngợ thế nào ấy. Tân chưa đến đó bao giờ. Chỉ nghe người nói đó là một xã cực nghèo, huyện Lập Thạch những đá cùng sỏi, khó bề làm ăn.
Cũng nhờ dẻo miệng, không hiểu hắn có mánh lới gì nữa không, bà chủ nhà thôn Trung Lương gả cả hai chị em cho hai anh em cùng một lúc. Đúng là mía ngọt oánh cả cụm, lại là nhà sinh con một bề. Tất nhiên hai em trường trở thành sở hữu đất vườn rộng như da giời của nhà mẹ vợ.
Ngoài cái miệng dẻo phải công nhận anh em hắn vào hạng chịu khó, chịu khổ và sáng ý. Hàng xóm kể rằng lúc đầu bà mẹ vợ cũng ngăn cấm gớm lắm, tiếp đến thử thách đủ vành, chứ chẳng phải dễ dãi quá đâu. Nếu chỉ dẻo mỏ không thôi thì cũng đừng hòng.
Bây giờ cái khu vườn rộng hàng mẫu ấy phân đôi, anh một nửa, em một nửa. Cây ăn quả ngay hàng thẳng lối nom đẹp như công viên sinh thái, xung quanh chôn cột bê tông, rào kẽm gai, rất mực quy củ.
Rửa tí nước muối trong, mắt hắn tỉnh trở lại. Hắn bảo đang gấp về xuôi có việc. Hỏi việc gì, hắn nói:
- Hơn năm nay em vừa đổi nghề, hôm nào mời lên chơi, anh phải tận mắt mới thấy được. Thú vị lắm, mà lại ra tiền..
Tân không lạ kiểu cách năng động của Trường. Chắc hắn ta lại nuôi hươu, nuôi nhím, có khi cả chó ngao Tây Tạng nữa cũng nên. Hay là lại lợn tên lửa nữa?

Một thời những anh có máu làm ăn đua nhau nuôi các giống đặc sản này. Cũng có anh rủ Tân cùng làm cho vui. Phần vốn liếng eo hẹp, phần không có kinh nghiệm, Tân vẫn chưa quyết tâm làm. Vốn không có, có thể vay mượn, kinh nghiệm cứ làm sẽ biết. Nhưng điều làm anh e ngại nhất là môi trường sống của các loài vật này thay đổi. Con nhím sống trong rừng tự nhiên, nó ăn mầm cây gì, củ gì, nấm gì chứ không phải khoai sắn như nuôi nhốt.
Trong các thức ăn ấy hẳn phải có giống cây có thuốc con vật tự trữ, chữa bệnh cho mình nên cái dạ dày nó mới có giá trị. Phần nữa, nước suối trong, khí rừng lành thịt nó mới ngon.
Bây giờ đem về nuôi nhốt, các giá trị tự nhiên ấy không còn.
Người tiêu dùng là người ta tinh lắm. Không phải ngẫu nhiên mà giá nhím, giá nhung hươu rớt thê thảm.
Ngay đến mật gấu nuôi giờ cũng không mấy người chuộng. Nguyên nhân chính vẫn là môi trường, không gian sống tự nhiên của các loài vật này bị thay đổi.
Cũng từng có anh phất lên lúc đầu nhờ phong trào rầm rộ, bán được con giống, bán được thịt lạ cho các nhà hàng. Nhưng giai đoạn đó kéo dài không lâu, nhất là từ khi không xuất khẩu được sang Trung Quốc nữa. Bây giờ vẫn có người nuôi, chẳng qua là hàng tồn lại. Lâu lâu mới bán được, giá cả cũng bọt bèo.
Không chờ Tân đoán già đoán non, chưa tàn điếu thuốc, Trường nói ngay:
- Năm rồi không nhờ tiền món kinh doanh con giống  mới, em không biết lấy gì trả ngân hàng. Vẫn là cái món chạy thủ tục, lo cơ sở máy móc thiết bị hồi làm xưởng đũa, anh lạ gì?


( Còn nữa )


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: