Những 'chuồng học' ở Lai Châu: Lán học sinh và lán giáo viên
24/09/2015, 07:35 (GMT+7)
Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ các trường học ở vùng cao đều có nhà công vụ cho giáo viên ở. Khi đến Trường Tiểu học số 2 Khoen On (huyện Than Uyên) tôi mới giật mình. Hóa ra, không phải nơi nào cũng có nhà công vụ cho giáo viên. Những ngôi nhà mà các thầy cô giáo đang ở, phần đi ở nhờ, phần đi thuê, phần tự tay dựng hoặc kiếm cây thuê người dân dựng. Những lán ở của giáo viên chẳng hơn các lán học sinh tự dựng ở xã Nậm Sỏ mà tôi đã được nhìn thấy. Nhìn những lán ở của giáo viên tự nhiên tôi buột miệng: Khủng khiếp quá…
Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ các trường học ở vùng cao đều có nhà công vụ cho giáo viên ở. Khi đến Trường Tiểu học số 2 Khoen On (huyện Than Uyên) tôi mới giật mình. Hóa ra, không phải nơi nào cũng có nhà công vụ cho giáo viên. Những ngôi nhà mà các thầy cô giáo đang ở, phần đi ở nhờ, phần đi thuê, phần tự tay dựng hoặc kiếm cây thuê người dân dựng. Những lán ở của giáo viên chẳng hơn các lán học sinh tự dựng ở xã Nậm Sỏ mà tôi đã được nhìn thấy. Nhìn những lán ở của giáo viên tự nhiên tôi buột miệng: Khủng khiếp quá…
Dãy lán ở bản Mùi II các cô giáo thuê
|
Cách đây 6 năm, đó là năm 2009, tôi trở lại Nậm Sỏ nơi một thời tôi dạy học. Chủ tịch UBND xã Nậm Sỏ (huyện Tân Uyên) là Lường Thanh Sáng vốn là học sinh cũ của tôi.
“Lều chõng” của học sinh xã Nậm Sỏ |
Sáng nhớ lại: Ngày xưa các thầy phải chống gậy tới tận nhà vận động chúng em ra lớp. Còn bây giờ học sinh ở các bản xa tự mang gạo đến đây học. Nhà trường không đủ chỗ ở cho các em, thì cha mẹ các em lên rừng chặt cây về dựng lán cho các em ở. Học sinh bây giờ không còn trốn học đi nương như thời thầy dạy chúng em nữa…
Nhớ lại 40 năm trước, các thầy giáo được dân bản chia nhau nuôi mỗi nhà một năm học, chủ nhà cho mượn một bộ chăn, đệm mới thơm tho.
Dạy ở Nậm Sỏ 4 năm học tôi ở qua 3 nhà, năm 2009 trở lại Nậm Sỏ tôi chỉ thăm được nhà Lò Văn U ở bản Nà Ngò và ngủ lại một đêm ở đó.
Tôi kể lại cái sự học ngày xưa của đám học sinh ở đây, U cười bảo: Úi dồ! Phía dưới nhà mình các cháu học sinh ở tận Ui Thái, Phát Báng đều về đây dựng lán học…
Các cháu ngồi học ngoài trời bên các lán học |
Nhà U cho mấy đứa trẻ mượn đất làm lán, tôi xuống xem các “lều chõng” của học sinh vùng cao Nậm Sỏ. Các lán của học sinh chả khác gì lều vịt, đều dựng sơ sài, vách thưng bằng thân cây vàu đập dập, hoặc che bằng các tấm ni lông.
Ở trên núi nhiều gió quá, nên những tấm ni lông chẳng được bao lâu thì rách. Các em lại vá víu bằng đủ thứ cây que kiếm được.
Sống trong những chiếc lán nhỏ bé thấp lè tè không đủ ánh sáng ngồi học nên các em phải mang sách ra ngoài trời học. Ấy vậy mà mỗi lán có đến 4-5 em cùng ở.
Tôi ngó vào chiếc lán ở của các em Lò Văn Tân, Trương Văn Hoan, Lò Văn Thường, Trương Văn Minh ở bản Nà Ui và Ui Thái do cha mẹ dựng.
Lán học của học sinh xã Tà Hừa |
Buổi chiều cuối thu sau khi nắng tắt trời trở lạnh, sương bắt đầu buông xuống, nhìn vào trong lán tối âm âm không thấy gì ngoài đống chăn. Tôi hỏi: Tối ở đây có điện chứ? Các em lắc đầu: Không có điện, chúng cháu chỉ thắp đèn dầu thôi…
Đem những tấm ảnh “lều chõng” của học sinh mà tôi đã chụp cách nay 6 năm hỏi Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo Tân Uyên, ông Nguyễn Tuấn Anh lắc đầu bảo: Những lều học như thế này ở Nậm Sỏ không còn nữa…
Tôi không rõ ông Tuấn Anh có nói dối tôi không? Nếu đúng như lời ông Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thì tôi rất mừng bởi Nậm Sỏ đã xóa được những lán học của học sinh, đưa các em vào ngôi nhà bán trú khang trang.
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Than Uyên thì không ngại ngần mở máy cho tôi xem những lán ở của học sinh xã Pha Mu, Tà Hừa. Các lán ở của học sinh dựng ngay sau các lớp học, đó là những túp lều thấp lè tè lợp bằng tấm lợp fibroximang.
Các cháu học sinh xã Tà Hừa ngồi học trong lán che bạt rách rưới |
Do cột kèo làm bằng tre nứa, nên mái lán đều võng xuống, phên vách được che chắn bằng đủ thứ vật liệu: Gỗ xẻ, thân cây vàu hoặc quây bằng các tấm bạt, nhiều tấm bị gió giật tung, các cháu lại mua thêm bạt che vào. Ngồi trong nhà nhìn thấy cả trời cao.
Vào những ngày mưa gió, ở trong những lều tạm như vậy có tránh được mưa ướt?
Xập xệ, vá víu
Các lán ở của các thầy cô giáo mà tôi đã nhìn thấy thì tồi tàn không kém những lán học của học sinh.
Cô Lìm Thị Lê, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Khoen On không ngần ngại cho biết: Do không có nhà, nên Trường THCS cho chúng tôi mượn hai phòng cho 13 cô giáo ở khu vực trung tâm ở nhờ, còn lại các điểm trường Mùi I, Tà Lồm, Hua Đán thì giáo viên tự lấy cây que làm lán ở hoặc thuê người dân làm cho…
Nhìn các lán ở của giáo viên chẳng khác gì “chuồng học” ở đây, tất cả đều xập xệ, điêu tàn, vá víu, chằng đụp bằng đủ loại cây cối.
Tôi chỉ chiếc lán dựng ngay trước điểm trường Mùi I, hỏi thầy Phạm Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Khoen On: Đây là nhà ở của giáo viên à? Thầy Trung gật đầu.
Căn lán này của hai cặp vợ chồng giáo viên Trường Tiểu học số 2 Khoen On Đào Minh Khánh - Tạ Thị Dinh và Bàn Văn Khoa - Triệu Thị Thái Nguyên. Căn lán do vợ chồng các thầy tự lên rừng chặt cây cối rồi thuê bà con dân bản dựng.
Lán của cặp vợ chồng cô giáo Đào Minh Khánh - Tạ Thị Dinh và Bàn Văn Khoa - Triệu Thị Thái Nguyên |
Nhìn căn lán mái võng xuống trước sức nặng của mấy tấm fibroximang khiến nó oằn lưng như sắp đổ. Nhìn các tấm vách đan bằng những cây nứa non óp lại, mặc dù vách thưng bằng hai lớp liếp nhưng bên trong các thầy phải che thêm bạt cho đỡ lạnh giá khi mùa đông tới.
Chân vách nứa đã mủn nát, lợn thả rông ủi tung góc lán, vợ chồng các thầy phải gia cố bằng việc đắp lại đất và đóng cọc không cho lợn xục vào lán.
Bà Tiên mang chiếc nồi cơm điện ra trước cửa vét cơm nguội cười bảo tôi: Khi nào chồng cháu về thì tôi lên các nhà trong bản kia ngủ nhờ. Nhớ nhà quá mà cháu không cho về bác ạ…
|
Thầy Trung cho tôi hay, vợ chồng cô Tạ Thị Dinh có con hơn 1 tuổi nhưng đang phải gửi về quê chồng ở tận Phú Thọ cho ông bà nội trông hộ. Vợ chồng cô Triệu Thị Thái Nguyên cũng có một đứa con 3 tuổi do thiếu chỗ ở nên đành phải gửi về huyện Văn Chấn (Yên Bái) nhờ ông bà nuôi.
Tương tự như vậy, cô giáo mầm non Tòng Thị Son có con 3 tuổi, do thiếu chỗ ở mà bản thân cô cũng đang ở nhờ Trường THCS nên đành để con ở nhà cho chồng nuôi.
Cô bảo tôi: Cháu đi dạy từ năm 2011, trước ở trên điểm lẻ, năm nay mới được về khu trung tâm, lương tháng 6 triệu, chúng cháu phải tằn tiện chi tiêu mới có tiền gửi về nuôi con chú ạ…
Lán của cô giáo Lò Thị Lả thuê của người dân |
Cô giáo tiểu học Lò Thị Lả, con còn nhỏ nên phải nhờ mẹ đẻ là Lường Thị Tiên lên trông con giúp. Bà Tiên bảo: Tôi lên đây trông con nấu cơm cho cháu, sắp đến mùa gặt rồi, tôi muốn về lắm nhưng nó không cho về, cứ giữ lại…
Căn lán của cô Lò Thị Lả đang ở là thuê của người dân với giá 300.000đ/tháng. Lán ở thuê nhưng cũng chẳng khá hơn căn lán của hai cặp vợ chồng Tạ Thị Dinh và Triệu Thị Thái Nguyên là mấy.
Lều của các cô giáo Mầm non số 2 Khoen On |
Lán thấp lè tè vách trát bằng bùn trộn rơm, nhưng cây que đã lòi hết cả ra, nhìn vào trong, lán chỉ rộng 6-7m2, giường làm bằng thân cây vàu cột chôn xuống đất, vách phải dán giấy báo để đất trên vách không rơi xuống giường. Căn lán cũng được bịt bùng đủ thứ chất liệu để chống chọi với mưa gió và cái lạnh giá mùa đông.
THÁI SINH
Nguồn: NNVN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét