Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Cố gắng không chớp mắt

Biển Đông: 

The Economist
Người dịch: Trần Văn Minh
30-05-2015
H1
Khi Trung Quốc tự khẳng định là một cường quốc hải quân và không quân, và khi Mỹ phản ứng lại, nguy cơ đối đầu càng gần hơn
Các quan chức Mỹ đang mất dần kiên nhẫn với Trung Quốc. Ngày 22 tháng 5, phó tổng thống Joe Biden đã nói thẳng. Ông cảnh báo sinh viên tốt nghiệp đại học hải quân về “đường nứt địa chấn mới” đang nổi lên giữa các cường quốc. Ông cho biết, Trung Quốc đang thách thức tự do hàng hải ở Biển Đông bằng việc bồi đắp các rạn san hô đang tranh chấp với “quy mô lớn”. Hai ngày trước đó, Mỹ đã thể hiện sự bực bội bằng cách gửi một máy bay do thám tới gần một trong những rạn san hô, là nơi Trung Quốc đang xây dựng một phi đạo. Các chuyến bay bí mật như thế là thông thường, nhưng lần này thì khác. Chiếc máy bay cũng mang theo một đội người của CNN, và họ đã phát ra phản ứng gắt gỏng của hải quân Trung Quốc thông qua làn sóng truyền thanh bằng tiếng Anh như sau: “Hãy rời khỏi khu vực ngay lập tức để tránh những tính toán sai lầm”.
Các quan chức và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ trước cuộc tấn công ngôn từ của Mỹ (được phụ thêm với cảnh quay sống động của CNN trong chuyến công tác của máy bay do thám trên đá Chữ Thập, cho thấy cát được những tàu hút bùn Trung Quốc hút từ dưới đáy biển và phun lên hòn đảo đang thành hình). Ngày 25 tháng 5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt “hành vi khiêu khích”. Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo nhà nước nổi tiếng với quan điểm cứng rắn, cho rằng cuộc chiến sẽ “không thể tránh khỏi” nếu Mỹ tiếp tục phàn nàn về việc xây dựng đảo. Ngày 24 tháng 5, tờ Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản, đã cảnh báo Mỹ rằng những kẻ “làm tổn thương người khác” có thể “kết cuộc sẽ gây tổn thương cho chính họ”.
Đáng tiếc, những lời lẽ gay gắt đó cho đến nay vẫn không thể so sánh với những hành vi quân sự nóng nảy ngay trong hoặc trên biển. Cả Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tránh xung đột. Nhưng để làm rõ lập trường của mình, Mỹ đang xem xét các bước đi có thể được Trung Quốc xem là mối đe dọa. Các chuyến bay do thám của Mỹ, cũng như sứ mạng tương tự của các tàu hải quân, cho đến nay vẫn giữ khoảng cách tối thiểu 12 hải lý (22km) tính từ các rạn san hô mà họ đang theo dõi. Đó sẽ là giới hạn bên ngoài về chủ quyền của Trung Quốc nếu các rạn san hô thực sự là đảo (tức là, vĩnh viễn nhô trên mặt biển) và thực sự của Trung Quốc. Hiện nay, Ngũ Giác Đài đang xem xét liệu có nên thách thức giới hạn này.
Trung Quốc từ lâu đã cho biết họ sở hữu hầu hết các rạn san hô và hòn đảo ở Biển Đông, và cũng khẳng định chủ quyền mơ hồ trên hầu hết vùng biển này. Các nước khác quanh vùng biển này phản đối tuyên bố chủ quyền đó (Việt Nam và Philippines đều nói họ sở hữu đá Chữ Thập). Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh luận chủ quyền, nhưng họ nói tranh cãi nên được giải quyết một cách hòa bình, không gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải. Cảnh báo của Trung Quốc đối với máy bay do thám Mỹ cho thấy họ đang cố gắng áp đặt các hạn chế lên giao thông quân sự.
Mặc dù với lời than phiền ngày càng công khai của Mỹ, vẫn chưa thấy thay đổi trong nhịp bước điên cuồng của những nỗ lực bồi đắp đảo của Trung Quốc trên nhiều rạn san hô (ảnh ghi là các bức ảnh do một máy bay Mỹ do thám về công việc bồi đắp trên đá Chữ Thập). Ngày 26 tháng 5, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát hành “sách trắng” về chiến lược quân sự. Sách này nói rằng, đất nước nên xây dựng một “lực lượng hải quân hiện đại” để bảo vệ “quyền và lợi ích hàng hải” của Trung Quốc, bao gồm cả ở Biển Đông. Ông Ash Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết một ngày sau đó rằng, hành động của Trung Quốc trong khu vực cho thấy họ đã vượt ra khỏi “chuẩn mực quốc tế làm nền tảng cho cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại rằng Trung Quốc cuối cùng có thể tuyên bố một “Khu vực Nhận dạng Phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông – đòi hỏi các máy bay phải tự xác định mình với nhà chức trách Trung Quốc trước khi bay vào. Trong tháng 11 năm 2013 Trung Quốc gây báo động cho toàn khu vực bằng cách thiết lập một ADIZ trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo do Nhật Bản tuyên bố chủ quyền (xem bản đồ). Họ cho biết lực lượng vũ trang của họ có quyền sử dụng “các biện pháp phòng thủ khẩn cấp” đối với những kẻ không tuân thủ. Mỹ đã nhanh chóng gửi hai máy bay B-52 không vũ trang qua khu vực mà không thông báo cho Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc tin rằng Trung Quốc không có vẻ sắp sửa tuyên bố một ADIZ ở Biển Đông bởi vì sẽ càng khó khăn hơn để thực hiện trên một khu vực rộng lớn như vậy. Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 5, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước ông sẽ quyết định xem có nên thành lập vùng ADIZ, một phần dựa trên cơ sở “phải chăng và đến mức độ nào an ninh của vùng trời bị đe dọa” – một cảnh báo rõ ràng nhắm tới Mỹ.
H1Các học giả Trung Quốc nói rằng thử nghiệm quyết tâm của Trung Quốc có thể là điều nguy hiểm. Nếu Mỹ đưa một tàu hải quân đến gần một trong những rạn san hô, họ “rất có thể sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả một cách mạnh mẽ”, ông Zhu Feng, thuộc Trung tâm nghiên cứu hợp tác Biển Đông tại Đại học Nam Kinh cho biết. Ông nói, không nhà lãnh đạo Trung Quốc nào muốn bị xem nhát như “thỏ đế”.
Tuy nhiên, Mỹ cũng không muốn như vậy. Cũng đỡ phần nào khi các nước láng giềng của Trung Quốc bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ hơn về vấn đề này. Vào tháng 4, mười thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), là tổ chức thường phải chịu đau khổ nếu chọc giận Trung Quốc, đã gọi công cuộc xây dựng đảo là mối đe dọa cho “hòa bình, an ninh và ổn định”. Các nước ASEAN hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Nhưng sau hậu trường họ cũng yêu cầu Mỹ tránh làm gia tăng căng thẳng. Không có quốc gia châu Á nào muốn bị buộc phải lựa chọn rõ ràng giữa ủng hộ Mỹ hoặc Trung Quốc. Đối với Mỹ, tránh gặp phiền toái sẽ rất khó khăn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TUYỂN TẬP THƠ CAO BỒI GIÀ


PHÉT (TUYỂN TẬP THƠ CAO BỒI GIÀ-Thơ Trào Phúng)


 

Ngôn phét thời nay đã quá quen

Tô hồng, sơn đỏ dẫu đèn đen

Đồ ươn, mặc lẽ rao hàng tốt

Tâm độc, điềm nhiên giả giọng thiền

Lẹo lưỡi không từ âu muốn lợi

Xảo lời chẳng lợi cũng do hèn

Xét mình cũng lúc vui …văng miểng

Thôi chết, lây rồi … tỉnh lại xem !
.           CAO BỒI GIÀ
.            14-06-2011
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cũng là chuyện thường thôi mà!

Nắng thì cày ruộng, mưa thì trồng nấm (con gái nhà họ Khâu ở xứ Xiêm)

Đó là con gái của nhà họ Khâu (vốn là người Hoa) ở Thái Lan. Tỉ ấy một dạo thay anh trai trong nhà - là Khâu Đạt Tân - lên làm thủ tướng. Bây giờ thì tỉ ấy đi trồng nấm.



Nguồn ảnh






Toàn bài ở dưới là của TN.

---

Bà Yingluck chuyển sang nghề trồng rau, ươm nấm?


31/05/2015 21:12

(TNO) Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã vứt bỏ những công việc thường ngày và những lo toan về phiên tòa xét xử bà để lập vườn trồng rau, ươm nấm.

Ngày 31.5, người dân Thái Lan, đặc biệt là những người ủng hộ  bà Yingluck chia sẻ với nhau những hình ảnh bà đang ươm nấm trong mái nhà lá đơn sơ. Trông khuôn mặt bà rạng rỡ, tươi cười cầm trên tay những ụ nấm vừa mới thu hoạch.
Bà Yingluck chuyển sang nghề trồng rau, ươm nấm? - ảnh 1
Bà Yingluck đang trồng nấm - Ảnh: Facebook Yingluck Shinawatra
Dáng vẻ của cựu nữ Thủ tướng Thái Lan như một bà nông dân, áo thun in dòng chữ “cuộc sống đời thường”, quần kaki và đi dép quai. Thật ra những hình ảnh này được lấy từ trang Facebook “Yingluck Shinawatra”, cũng là trang cá nhân, nơi bà thường chia sẻ với người ủng hộ những suy nghĩ, hình ảnh về sinh hoạt hàng ngày của mình.
“Hôm nay trốn việc, tìm thú vui mới để thư giãn. Vừa rồi trồng rau sạch, giờ trồng nấm. Tự trồng, tự ăn cho an toàn”, bà Yingluck viết trên Facebook cá nhân.
“Cảm thấy cơ thể dễ chịu khi ăn những thứ tốt cho sức khỏe. Đặc biệt cảm thấy thư thái. Sống một cuộc sống của một người bình thường quả là dễ chịu. Hạnh phúc không phải là những gì xa xôi”, bà Yingluck chia sẻ tiếp.
Hình ảnh của bà được hơn 440.000 người “like” (thích) và hơn 12.700 lượt chia sẻ.
Nhìn những hình ảnh “người đẹp trồng nấm”, nhiều người lầm tưởng bà Yingluck mệt mỏi với chính trường Thái Lan, những tranh giành giữa các đảng phái và muốn trở về cuộc sống dân dã. Tuy nhiên đây chỉ là “trò tiêu khiển” mới của người từng đứng đầu chính phủ Thái Lan.
Bà Yingluck đang đối mặt với mức án 10 năm tù giam nếu tòa án Thái Lan tuyên bà có tội trong vụ trợ giá gạo cho nông dân.
Tòa án tối cao đã mở phiên xét xử bà hồi tuần trước, do cơ quan công tố và Ủy ban chống tham nhũng khởi tố bà với cáo buộc lơ là thiếu trách nhiệm trong điều hành chính sách giá gạo khi còn đương chức, dẫn đến thất thoát nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia.
Bà bị phế truất thủ tướng hồi tháng 5.2014 trước khi quân đội đảo chính, nhưng không phải vì vụ trợ giá gạo mà do một quyết định thuyên chuyển nhân sự cấp điều hành mà tòa tuyên rằng lạm quyền.
Tòa sẽ nhóm họp trở lại vào tháng 7 để nghe những điều trần của bà Yingluck về vụ gạo.
Bà Yingluck chuyển sang nghề trồng rau, ươm nấm? - ảnh 2
Bà Yingluck chuyển sang nghề trồng rau, ươm nấm? - ảnh 3
Hình ảnh cựu thủ tướng Yingluck với những tai nấm vừa thu hoạch
Minh Quang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Facebook Việt, có gì khoe nấy.


Song Chi.
..... 
Điều đầu tiên có thể thấy cách sử dụng facebook của số đông người Việt khác với người phương Tây, nơi con người rất có ý thức bảo mật những thông tin cá nhân. Ví dụ như dân Na Uy. Facebook của dân Na Uy dù trẻ hay già đa phần không có gì nhiều, dù họ có thể cũng mở facebook suốt ngày và đọc những gì post trên facebook bạn bè, người quen, nhưng họ rất ít khi viết, càng ít khi chia sẻ những thông tin có tính chất riêng tư có thể làm phiền cho cuộc sống của họ, mà chỉ toàn những hình ảnh, thông tin vô hại như đi du lịch, cảnh đẹp thiên nhiên, đang trượt tuyết, làm vườn…
Người Việt ngược lại, “bê” hết mọi thứ lên facebook. Sử dụng facebook chẳng khác nào một cuốn nhật ký cho riêng mình.
Thật ra bình thường người Việt gặp nhau nếu không phải bạn bè thân thiết chưa chắc đã thổ lộ hết mọi thứ, nhưng khi ngồi trước cái máy vi tính không có ai trước mặt, cảm giác như đây là phòng riêng của mình muốn “nói” gì cũng được. Không ít nàng dâu phải vạ vì nói xấu mẹ chồng, gia đình chồng trên facebook bị người quen đọc được, “học” lại cho chồng, gia đình chồng nghe. Không ít cặp đôi hoặc vợ chồng đang yêu nhau thắm thiết bỗng xảy ra cãi nhau, thậm chí tan vỡ, chỉ vì người này post tất tần tật những thứ riêng tư mà người kia không muốn chia sẻ lên facebook cho mọi người cùng đọc, cùng bình luận.
Ca sĩ, diễn viên, giới showbiz có những lý do riêng để mở facebook, chẳng hạn, muốn giao lưu, kết nối quan hệ với người hâm mộ, với quần chúng. Và do đó phải thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh về mình, cuộc sống của mỉnh. Nhưng đôi khi có cái hại là để cho công chúng biết quá nhiều. Có những tờ báo, trang báo online “lá cải” còn lấy những status, thông tin, hình ảnh từ facebook người nổi tiếng “vô tư” post lên và xào xáo lại, giật tít thành bài viết làm khuấy động dư luận, đến lúc đó người trong cuộc lại quay sang trách dư luận tò mò, xâm phạm đến đời tư của mình! Hoặc vô hình trung tự làm cho mình phải chịu thêm những sức ép bên cạnh cái sức ép vốn đã nặng nề với người của công chúng. Ví dụ một cặp đôi đẹp của giới showbiz đang trong tình trạng “canh không lành, cơm không ngọt”, thậm chí ly thân và muốn ly hôn, nhưng vì từ trước đến giờ lỡ đưa hình ảnh gia đình quá hạnh phúc, đẹp đôi nên bây giờ lại phải tiếp tục “diễn xuất” thêm một thời gian, tiếp tục post hình hạnh phúc…
Chi bằng tự kiểm soát, giới hạn mình trước, thông tin hình ảnh gì nên đưa, đưa tới đâu, hoặc càng kín càng khỏe. Có những người cũng trong giới showbiz, cũng nổi tiếng, cũng “hot” khống kém ai nhưng họ kín như bưng, dư luận không thực sự biết họ sống ra sao, bao nhiêu đời bồ, bao nhiêu lần chia tay rồi ly dị, chỉ khi báo chí phát hiện đưa tin thì mới biết, thế là họ có ý thức làm cho cuộc sống của mình nhẹ nhõm bớt chừng nào hay chừng đó.
Người Việt nhìn chung thích khoe, có gì khoe nấy. Có con khoe con, có bồ, có chồng khoe bồ, khoe chồng, có xe, nhà mới khoe, thậm chí có tài gì khoe tài đó. Khoe hết trên facebook.
....
Trich từ: Dạo qua thế giới facebook Việt 
Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 lý do khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong chiến tranh hiện đại



Nguồn: Dennis J. Blasko, “Ten Reasons Why China Will Have Trouble Fighting A Modern War”, War on The Rocks28/5/2015
Biên dịch: Nguyễn Trần Bảo Yến | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Việc quân đội Trung Quốc (PLA) đưa vào sử dụng các hệ thống vũ khí trang thiết bị mới đã thu hút sự chú ý của thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, vũ khí tối tân chỉ là một yếu tố trong quá trình hiện đại hóa mang tính dài hạn và đa chiều của PLA. Nhiều thứ khác còn cần phải được hoàn thiện và người hiểu rõ điều này nhất không ai khác ngoài chính bản thân Trung Quốc. Theo những gì mà các chỉ huy và bộ phận tham mưu của PLA đã viết trong các tờ báo và tạp chí nội bộ, lực lượng này đang đối mặt với hàng loạt các thách thức liên quan đến mục tiêu thu hẹp khoảng cách về năng lực giữa nước này với các quân đội tiên tiến khác.
Vũ khí hiện đại, ngân sách quốc phòng gia tăng hay gần đây nhất là tham nhũng có khuynh hướng thu hút sự chú ý của báo giới phương Tây, nhưng có ít nhất 10 lý do khác làm gia tăng sự hoài nghi về khả năng hiện tại của PLA khi tiến hành chiến tranh hiện đại chống lại một kẻ thù mạnh hơn (một số lý do đã được thảo luận trong báo cáo mới của RAND mà tôi có đóng góp một số ý kiến)
  1. Chia sẻ trọng trách chỉ huy
Từ cấp độ của một đại đội cho đến các sở chỉ huy cao nhất của PLA, các sĩ quan chỉ huy phải chia sẻ trách nhiệm của mình liên quan tới hoạt động của thuộc cấp với các chính uỷ – những người chuyên trách công việc chính trị bao gồm đảm bảo sự trung thành của PLA đối với Đảng thông qua công tác giáo dục tư tưởng, thăng cấp sĩ quan, theo đuổi ba loại hình chiến tranh là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, chiến tranh pháp lý cũng như duy trì tinh thần cũng như kỷ luật của binh sĩ. Trong mắt các sĩ quan quân đội phương Tây, đặc điểm trên đã vi phạm đến một nguyên lý của chiến tranh là “thống nhất lãnh đạo” (unity of command) mà trong đó “tất cả các lực lượng đều dưới quyền một người chỉ huy duy nhất”. Một xu hướng huấn luyện chủ đạo trong thập kỷ qua là cải thiện khả năng chiến thuật của chính uỷ trong các nhiệm vụ mà đơn vị của họ phải thực hiện. Về lý thuyết, các chỉ huy được phép toàn quyền đưa ra những quyết định mang tính chiến thuật và tác chiến khi cần thiết. Tuy nhiên, có những thời điểm xảy ra xích mích giữa các sĩ quan chỉ huy và những người đồng đội chính uỷ của họ. Tình hình có thể trở nên trầm trọng hơn nếu tham nhũng thấm sâu vào các chỉ huy và chính uỷ của các đơn vị tham gia tác chiến trực tiếp ở bên dưới. Hệ thống chia sẻ trọng trách như vậy có thể phù hợp trong thời bình, nhưng nó lại chưa bao giờ được thử nghiệm dưới áp lực của các chiến dịch tác chiến có tốc độ nhanh và mang tính hiện đại.
  1. Sự thống trị của lục quân trong cấu trúc lãnh đạo và thành phần lực lượng
Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng “Trung Quốc là quốc gia biển cũng như là quốc gia lục địa quan trọng”, nhưng cấu trúc lực lượng và lãnh đạo của PLA vẫn tiếp tục bị thống trị bởi lục quân. Dựa vào những số liệu được cung cấp từ chính phủ Trung Quốc, lục quân (bao gồm các nhánh độc lập của Quân đoàn Pháo binh số 2, vốn là lực lượng kiểm soát kho vũ khí tên lửa thông thường và hạt nhân của PLA) chiếm hơn 72% trong tổng số 2,3 triệu quân chính quy, còn lại 10% lực lượng thuộc về hải quân và 17% nằm trong không quân. Giữa năm 2014, lục quân Trung Quốc có 24 tướng (mang hàm ba sao), hải quân sở hữu ba đô đốc và không quân có năm người. Hiện tại, trong Quân uỷ trung ương (tổ chức hoạch định chính sách quân sự và lãnh đạo quân đội ở cấp cao nhất) lục quân chiếm 6 trên 10 ghế lãnh đạo quân đội cấp cao trong khi không quân là hai, hải quân và Binh đoàn Pháo binh số 2 mỗi lực lượng có một. Những con số này có thể dao động nhẹ qua các thời kì, nhưng phần lớn nhân sự lãnh đạo cấp cao của PLA vẫn thuộc về lục quân. Từ trước tới nay, bảy đại quân khu của PLA được chỉ huy bởi toàn các sĩ quan lục quân. Mặc dù Trung Quốc đã nhận ra mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biển cả, và các chiến dịch trong tương lai sẽ phần lớn có sự tham gia của hải quân và không quân, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa tiến hành thay đổi cấu trúc lực lượng chỉ huy để đáp ứng với yêu cầu thực tế.Những thay đổi về quy mô, cơ cấu, và hệ thống chỉ huy tác chiến kết hợp của PLA đã được thông báo vào tháng 11 năm 2013 nhưng mọi chi tiết vẫn chưa được hé lộ. Cho dù có bất cứ sự thay đổi nào đã được đề xuất, chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều năm để hiện thực hoá và khắc phục các vấn đề. Điều này có thể khiến cho những cá nhân, hoặc những tổ chức bị mất quyền lực hay thẩm quyền trong cả quá trình tái cơ cấu trở nên bất mãn, gây ra những gián đoạn lớn.
  1. Quá nhiều sở chỉ huy phi tác chiến
Trong tổng số khoảng 1,6 triệu lính lục quân, 850.000 người đã được điều chuyển tới 18 quân đoàn và một số sư đoàn, lữ đoàn tác chiến độc lập, tạo nên lực lượng chiến đấu chính của lục quân. Điều đó có nghĩa là 750.000 sĩ quan lục quân sẽ được triển khai tới các đơn vị quân đội ở địa phương (đặc biệt là các đơn vị bảo vệ biên giới), các đơn vị hậu cần, trường học và các căn cứ huấn luyện, và hệ thốngcác sở chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân cấp địa khu, dưới cấp địa khu, và cấp huyện. Các sở chỉ huy địa phương này đều nằm dưới sự lãnh đạo song song và cân bằng giữa PLA và chính quyền địa phương. Chúng chịu trách nhiệm giám sát các đơn vị dân quân tự vệ, đồng thời chịu trách nhiệm đăng ký và tuyển chọn quân nhân, giải ngũ và huy động quân đội trong thời kì chiến tranh. Các sở chỉ huy này được lập ra hàng thập kỷ trước khi cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc của Trung Quốc còn kém phát triển và rất cần thiết phải có đại diện của quân đội ở mỗi cấp độ của chính quyền địa phương. Hiện tại, hàng chục ngàn sĩ quan các cấp được chuyển tới các sở chỉ huy này. Do những cải thiện trong hệ thống giao thông và thông tin liên lạc của Trung Quốc mà việc có quá nhiều các sở chỉ huy phi tác chiến trên cả nước là không còn cần thiết nữa. Việc tái cơ cấu mạnh mẽ và cắt giảm các sở chỉ huy địa phương có thể làm giảm bớt quy mô của PLA, và cũng quan trọng không kém là giảm đi một số lượng lớn các sĩ quan ở cấp thấp và trung bình vốn dễ dàng trở nên tham nhũng. Việc tái cơ cấu này sẽ đối mặt với sự chống đối từ những người không muốn mất đi vị trí công việc hậu hĩnh này.
  1. Các chỉ huy và đội ngũ thiếu kinh nghiệm
Khi PLA nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết hợp chiến đấu và tiến hành các chiến dịch đa binh chủng, một luồng chỉ trích cho rằng “một số” chỉ huy và sĩ quan tham mưu không được chuẩn bị toàn diện cho các nhiệm vụ đa binh chủng hỗn hợp và đa phương tiện. Do đó, quá trình huấn luyện hiện tại phần lớn áp dụng theo khẩu hiệu “Một quân đội mạnh đầu tiên cần tướng mạnh; trước khi huấn luyện binh sĩ hãy huấn luyện các sĩ quan”. Đặc biệt, PLA nhấn mạnh tới quá trình chỉ huy các chiến dịch hiệp đồng ở cấp độ sư đoàn và lữ/trung đoàn so với hầu hết các chiến dịch trước đây vốn được lãnh đạo bởi các sĩ quan lục quân tại doanh trại hoặc các sở chỉ huy quân đội khu vực. Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, các sĩ quan hải quân và không quân mới được chỉ huy các hoạt động chung. Cuối năm 2014, PLA thông báo rằng họ vừa quyết định thành lập chương trình “chọn lựa, huấn luyện, đánh giá và đề bạt các sĩ quan chỉ huy chiến dịch nhằm mục đích cải thiện việc huấn luyện của các sĩ quan chỉ huy các chiến dịch hỗn hợp. Tuy nhiên, việc đào tạo chỉ huy và sĩ quan tham mưu có chất lượng là một quá trình dài hạn bao gồm giáo dục, huấn luyện và kinh nghiệm có được thông qua các bài tập ở những cấp độ tổ chức khác nhau.
  1. Các sở chỉ huy tiểu đoàn thiếu nhân lực
Khi PLA thử nghiệm việc tiến hành các chiến dịch hỗn hợp ở cấp độ tiểu đoàn trong thập kỷ qua, họ nhận ra rằng những quy tắc hiện tại không thể cung cấp đầy đủ nhân lực cho các sở chỉ huy cấp tiểu đoàn để có thể chỉ huy và kiểm soát các đơn vị hỗ trợ, ví dụ như pháo binh hay công binh có nhiệm vụ giúp đỡ bộ binh hay các tiểu đoàn cơ giới. Do đó những đơn vị trực thuộc PLA đang nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề bằng cách chỉ định sĩ quan hay các hạ sĩ quan giúp đỡ những người chỉ huy tiểu đoàn trong nhiệm vụ chiến đấu. Gia tăng số lượng sĩ quan chỉ huy là cần thiết trước khi có những bổ sung về mặt số lượng, một tiểu đoàn hỗn hợp có thể trở thành “đơn vị tác chiến cơ bản” (basic tactical unit) trong lục quân với khả năng điều hành tác chiến độc lập như hình dung trong các bài viết của PLA.
  1. Hạ sĩ quan còn kém phát triển
Vào cuối những năm 1990, PLA bắt đầu một chương trình nhằm đào tạo các khoá hạ sĩ quan chuyên nghiệp giúp hỗ trợ các sĩ quan trong việc chỉ huy binh lính và thực hiện các công việc mang tính chất hành chính. Trong thập kỷ qua, việc lựa chọn, giáo dục, tập huấn hạ sĩ quan được chú trọng và đội ngũ hạ sĩ quan đã thay thế sĩ quan trong nhiều vị trí. Khoảng 10 năm sau khi khởi động chương trình, năm 2009, PLA thông báo đang điều chỉnh lại hệ thống này bằng cách bổ sung thêm một cấp bậc hạ sĩ quan cấp cao, làm tăng số lượng cấp bậc từ 6 lên 7. Các đơn vị được chọn hiện đang thử nghiệm việc bổ nhiệm các sở chỉ huy tiểu đoàn/lữ đoàn “siêu thủ lĩnh” (master chiefs) và đang cố gắng xác định chính xác nhiệm vụ của hạ sĩ quan cao cấp là gì và họ có liên hệ như thế nào với các sĩ quan cấp cao hơn. Có thể phải mất thêm một thế hệ nữa để các nhóm hạ sĩ quan của PLA có thể trở thành xương sống của lực lượng quân đội giống như trong quân đội các quốc gia khác.
  1. Trang thiết bị đa thế hệ trong các đơn vị
Vì kích cỡ quá lớn, PLA phải đối mặt với các thách thức đến từ việc trang bị các hệ thống vũ khí đa thế hệ cho tất cả các quân bình chủng của mình. Các loại vũ khí khí tài hiện đại được trang bị cho các đơn vị một cách từ từ theo thời gian. Vì thế, trong khi một số đơn vị sở hữu những trang thiết bị hiện đại, thì một số đơn vị khác lại sử dụng những loại vũ khí cũ hơn. Ví dụ, gần một nửa trong số 6.500 xe tăng của lục quân là loại xe tăng Type-59 và các biến thể của nó. Điều này dẫn tới các khó khăn trong vấn đề kết nối liên thông hệ thống thông tin liên lạc, hoặc hệ thống máy tính. Hơn nữa, việc các thiết bị vũ khí cả cũ và mới được biên chế trong cùng một đơn vị làm phức tạp hóa quá trình huấn luyện, các chiến thuật và đặc biệt là hỗ trợ và sửa chữa/bảo trì. Các đơn vị phải thường xuyên điều chỉnh chiến thuật và phương pháp tác chiến dựa trên nền tảng công nghệ vũ khí mà họ đang sở hữu. Mặc dù PLA có chủ trương gia tăng mức độ chuẩn hóa và tính tương tác giữa các đơn vị, nhưng chính việc sử dụng vũ khí đa thế hệ đã cản trở họ trong quá trình đạt được những mục tiêu phát triển. vũ khí đa thế hệ.
  1. Không đủ tính thiết thực trong việc huấn luyện
Tiếp tục xu hướng của 15 năm qua, việc gia tăng mức độ thực tế trong huấn luyện là mục tiêu chính của PLA. Những tác giả viết về quân đội Trung Quốc thường chỉ trích chủ nghĩa “hình thức” (formalism) trong huấn luyện và việc “tập luyện chỉ để biểu diễn” (training for show) khiến cho giá trị thực sự của việc huấn luyện bị suy giảm. Một số “lực lượng quân xanh chuyên nghiệp” đã được tạo ra để đóng vai kẻ thù trong các bài tập đối đầu, một phần của các cuộc luyện tập đơn hoặc đa bình chủng và trong các khoa mục đánh trận giả giữa các binh chủng. Mục tiêu chính trong hầu hết các buổi huấn luyện là giúp bộc lộ những vấn đề mà PLA có thể gặp phải qua đó khắc phục chúng trong các bài huấn luyện trong tương lai. Mặc dù đã có tiến bộ trong vấn đề này, các nhà lãnh đạo PLA vẫn nhận thức được rằng lực lượng của họ không được luyện tập một cách đầy đủ. Hơn nữa, việc gia tăng tính thực tế trong tập luyện sẽ cần một nguồn quỹ cao hơn, đặc biệt là phí nhiên liệu và bảo trì, cũng như các khu vực tập luyện và hệ thống mô phỏng tập luyện tốt hơn.
  1. Hỗ trợ trên không còn kém phát triển
Một trong những ví dụ quan trọng của các trận đánh hiệp đồng là sự giúp sức của không quân với các chiến dịch trên mặt đất. Khi các máy bay hiện đại, hệ thống vũ khí có độ chính xác cao và các phương tiện thông tin liên lạc xuất hiện, PLA tiếp tục thử nghiệm làm thế nào để thực hiện tốt nhất các chiến dịch không kích mặt đất. Các đơn vị quân đội vẫn đang thử nghiệm kỹ thuật được các đơn vị tiền tuyến dưới mặt đất sử dụng để điều phối các máy bay cánh cố định và trực thăng trong việc tấn công kẻ thù ở khoảng cách gần với vị trí của họ, một nhiệm vụ được gọi là “chi viện không quân trực tiếp”. Năm 2014, không quân tiến hành cuộc thử nghiệm trước công chúng lần đầu tiên khi một phương tiện bay không người lái có trang bị vũ khí thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất. Các đơn vị không quân hải quân và không quân cũng đang bắt đầu tiến hành những chiến dịch phối hợp với nhau.
  1. Căn bệnh hòa bình: thiếu hụt kinh nghiệm tác chiến
Chiến dịch lớn cuối cùng của PLA chống lại một quân đội nước ngoài, cuộc chiến tranh ngắn với Việt Nam năm 1979, chỉ có sự tham gia của lục quân. PLA cho rằng cuộc tấn công đổ bộ chiếm đóng đảo Nhất Giang Sơn từ lực lượng Quốc dân đảng trong năm 1955 là kinh nghiệm tác chiến phối hợp đầu tiên và duy nhất. Cả hai trận chiến đều dẫn đến thương vong nặng nề cho PLA. Những tác giả viết về PLA thường ví sự thiếu kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại là “căn bệnh hòa bình” (the peace disease). Hiện tại, chỉ có rất ít sĩ quan cấp cao của PLA từng tham gia chiến đấu; không có một hạ sĩ quan hay cá nhân binh sĩ nào từng tham gia chiến tranh. Việc triển khai binh sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, các nhiệm vụ xoa dịu thảm họa, các hoạt động hộ tống hàng hải tại vịnh Aden mang lại một số lợi ích nhưng không thay thế được kinh nghiệm chiến đấu thực thụ. PLA đã mở rộng nghiên cứu các cuộc chiến tranh có sự tham dự của các quốc gia khác, nhưng học qua sách vở hay thậm chí là cải thiện các chương trình tập luyện không thể so sánh được với những với áp lực xuất hiện khi đóng quân ở những khu vực tác chiến thật sự. Tuy nhiên, khả năng tác chiến và răn đe kẻ thù cũng đang dần tăng lên nhờ vào những cải thiện trong hệ thống nguồn nhân lực, huấn luyện thực tế hơn, một nền tảng học thuyết được cập nhật, hệ thống hỗ trợ hậu cần được cải thiện, và sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc và máy tính hiện đại. Cuối năm 2014, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng đã lưu ý rằng, “Sau nhiều năm với nỗ lực vượt khó, quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Nhưng, dĩ nhiên, ở một vài lĩnh vực cụ thể, chúng tôi vẫn còn tụt hậu so với các nền quân sự tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Kết luận
Thậm chí nếu xem xét đến những cải thiện đáng chú ý về mặt năng lực của PLA, giới lãnh đạo quân đội cấp cao vẫn cho rằng thời gian và con người vẫn quan trọng hơn tiền bạc và vũ khí đối với quá trình hiện đại hóa quân đội. Do đó, quỹ thời gian của họ sẽ kéo dài cho đến giữa thế kỷ trong một quá trình phát triển mang tính cách mạng trải dài qua nhiều thế hệ.
Trái ngược với những giả thuyết đang thịnh hành bên ngoài Trung Quốc cho rằng lãnh đạo PLA là những chú chim ưng hung hãn xúi giục các hành động gây hấn hay bành trướng, những yếu tố được đề cập bên trên có thể khiến cho các nhà lãnh đạo cấp cao của quân đội, trong các lời khuyên mang tính riêng tư dành cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản, là họ phải cẩn thận hơn trong việc sử dụng vũ lực. Dựa vào kiến thức của họ về năng lực và những khó khăn mà PLA đang gặp phải, các nhà lãnh đạo cấp cao của PLA ưu tiên chọn lựa việc sử dụng các phương pháp răn đe và phi quân sự để đạt được các mục tiêu chiến lược trong lúc PLA vẫn đang xây dựng sức mạnh cho riêng mình. Một ví dụ điển hình là ở biển Hoa Đông nơi các cơ quan phi quân sự của chính phủ đã nắm quyền dẫn dắt các hoạt động tuần tra ở các vùng nước lân cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, trong khi quân đội đứng ngoài.
Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo dân sự Trung Quốc kiên quyết buộc PLA phải tiến hành chiến tranh trước khi quá trình hiện đại hóa được hoàn thành, như những đầy tớ trung thành của Đảng, lãnh đạo PLA sẽ tìm cách đánh bại quân thù một cách nhanh chóng và mang tính quyết định với mọi đơn vị và khả năng có sẵn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa việc chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài. Cơ hội thành công của Trung Quốc còn phụ thuộc vào thời gian, địa điểm mà trận đánh diễn ra và kẻ thù là ai. Sự tự tin chiến thắng của PLA sẽ tăng lên nếu họ đối mặt với kẻ thù ở những khu vực gần đại lục, sở hữu công nghệ lạc hậu hơn mà ko có sự hậu thuẫn từ các đồng minh hay một quốc gia bè bạn hùng mạnh nào đó.
Dennis J. Blasko, Trung tá lục quân Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu) phục vụ 23 năm trong Văn phòng Tình báo Quân sự và cán bộ khu vực nước ngoài chuyên về Trung Quốc. Ông Blasko làm tuỳ viên quân sự tại Bắc Kinh và Hong Kong từ 1992 tới 1996; trong các đơn vị bộ binh ở Đức, Ý và Hàn Quốc, làm việc tại Washington trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng và tại trụ sở của Bộ Lục quân (Văn phòng hoạt động đặc biệt). Ông Blasko tốt nghiệp Học viện quân sự Hoa Kỳ và Trường hải quân sau đại học. Ông là tác giả của cuốn sách: Quân đội Trung Quốc hiện nay: Truyền thống và Quá trình chuyển đổi trong thế kỉ 21.

Theo: Nghiencuuquocte
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì Sao Trung Quốc Thách Thức Cả Thế Giới Trong Cuộc Tranh Chấp Trên Biển Đông Hiện Nay?


Nguyễn Trọng Bình

1. Câu chuyện biển Đông lại một lần nữa nóng lên kể từ khi Mỹ điều máy bay do thám và công bố những hình ảnh bồi đắp, cải tạo xây dựng các đảo mà trước đây họ đã dùng vũ lực cướp từ tay Việt Nam. Việc làm này của Trung Quốc hiện đang bị dư luận và cộng đồng thế giới lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Tuy vậy, có thể thấy không riêng gì lần này, mỗi khi bị cộng đồng thế giới chỉ trích thì gần như ngay lập tức Trung Quốc phản ứng lại với một thái độ và tâm thế không hề nao núng (nếu không muốn nói là rất tự tin và đầy kiêu hãnh). Tại sao như vậy? Tại sao Trung Quốc dù nghe hết, biết hết những gì dư luận thế giới nói về mình nhưng họ vẫn cứ làm với thái độ bất chấp tất cả?
Đặt ra vấn đề trên để thấy rằng, lâu nay, trong cuộc tranh chấp ở biển Đông với Trung Quốc, đa phần chúng ta chỉ xem xét vấn đề ở phương diện nào có lợi cho ta nhất mà thôi. Điều này là đương nhiên. Tuy vậy, nếu như thế có khi nào là chủ quan và duy ý chí vì như người xưa nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”?
Lịch sử và văn hóa Trung Quốc cho thấy họ là bậc thầy của chiêu thức “binh bất yếm trá”. Vì vậy một tinh thần cảnh giác thường trực và cao độ với Trung Quốc sẽ không bao giờ thừa. Đặc biệt, đừng bao giờ chủ quan cho rằng“không ai hiểu Trung Quốc bằng Việt Nam” hay như có người phát biểu“tôi không bất ngờ về việc làm của Trung Quốc hiện nay”. Thực ra, nói như thế là ngụy biện vì nếu đã hiểu rõ bộ mặt thật họ vậy sao cứ chơi và xem họ là “bạn thân”, là “đồng chí tốt”? “Bạn” và “bạn thân” là hai vấn đề, hai quan điểm, hai lập trường rất khác nhau chứ? Ai đời đã biết cái đứa năm lần bảy lượt đâm sau lưng mình mà vẫn kết thân với nó? Nói ra điều này chỉ càng làm cho người bên ngoài họ cười vào mặt mình mà thôi.
Nói cách khác, trong bất cứ mọi thời điểm mọi hoàn cảnh, cần thiết chúng ta phải tự đặt ra thật nhiều giả thiết và tự phản biện lại tất cả các giả thiết ấy để thấy rõ hơn đâu là điểm mạnh đâu là điểm yếu của mình. Có như vậy mới không bị động và may ra mới tìm được giải pháp tối ưu nhằm đối phó với sự ranh ma của Trung Quốc.
2.  Vì sao Trung Quốc luôn tỏ thái độ xem thường và thách thức Việt Nam và cộng đồng thế giới trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông? Để trả lời câu hỏi này nhất định chúng ta phải tự đặt mình vào lập trường và quan điểm của họ để phân tích, xem xét. Ở đây tôi thử phân tích và lý giải một số căn nguyên như sau:
 Thứ nhất, về mặt chiến lược “đối nội”, trong khi Việt Nam đến giờ vẫn còn loay hoay không biết tuyên truyền; “giải thích” làm sao cho dân chúng trong nước hiểu và đồng thuận; thậm chí Nhà nước hiện này còn rất “kiên định” cấm dân chúng biểu lộ sự bất bình trước thái độ hung hăng của Trung Quốc (vì “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”) thì ngược lại, từ lâu Trung Quốc đã có một chiến lược dài hơi để tuyên truyền cho toàn dân họ rất bài bản và kỹ lưỡng. Nói cách khác, trong khi “lòng dân” và “ý Đảng” ở Việt Nam vẫn còn chưa gặp nhau thì ngược lại, dân chúng Trung Quốc riêng về vấn đề biển Đông từ trước tới nay vẫn luôn ủng hộ chính sách ngoại giao cứng rắn và không nhân nhượng Việt Nam của chính quyền ông Tập Cận Bình.
Về vấn đề này, mới đây tác giả Đoàn Công Lê Huy trong bài viết Bàn cờ chín khúc biển Đông của Trung Quốc trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 28/5/2015 đã khái quát và chỉ ra rất cụ thể rằng như sau:
 “Như kỳ thủ đánh cờ nghĩ trước trăm nước, qua hàng thế kỷ họ luôn xuất kỳ có chủ ý. Họ chuẩn bị chu đáo và thực hiện từng nước đi. Toàn quân, toàn dân, toàn diện, được chỉ huy từ trên cao, bằng một cây gậy nhất quán. Họ luôn hát vang giai điệu chính và làm sao để gần 1,4 tỉ người không lạc điệu. Trên biển dẫu có lúc lộn xộn, có đến năm “lực lượng chấp pháp”, năm con rồng cùng quấy phá biển Đông - ngũ long nộ hải - thì cũng không bao giờ họ lạc giai điệu chính. Có nghĩa là chiến lược vẫn nhất quán dù chiến thuật có thể lúc thế này lúc thế kia. Mao Trạch Đông hay Tưởng Giới Thạch dù có khác nhau về phe phái thì bản đồ vu vơ đường lưỡi bò chín đoạn vẫn được đồng thuận xài chung. Họ vẫn cùng nhau hát đúng giai điệu chính trên căn bản này”.

          Thứ hai, về đối ngoại, thời gian qua chính quyền Trung Quốc hoàn toàn yên tâm vì họ biết quan điểm và lập trường của Việt Nam là không kiện họ ra tòa án quốc tế như Philippines; Việt Nam cũng không liên minh với nước nào để chống lại họ. Và điều quan trọng hơn cả là Mỹ, Nga (hai cường quốc trên thế giới) đều tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp này.

Thứ ba, về mặt pháp lý nhất là việc nhìn nhận và giải thích luật quốc tế, nếu như Việt Nam đang có chút lợi thế là bộ sưu tập các bản đồ cổ (trong đó chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, không thuộc chủ quyền của Trung Quốc) và các học giả quốc tế cũng không chấp nhận ranh giới “đường lưỡi bò” thì ngược lại Trung Quốc có ưu thế hơn thông qua một “bằng chứng lịch sử” khác. Đó là cái công hàm oan nghiệt do ông Phạm Văn Đồng  thay mặt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký và “trân trọng” gửi cho họ vào năm 1958 (mà mọi người đã rất nhiều lần tranh luận trước đây). Dù muốn dù không chúng ta phải thừa nhận, Việt Nam rất khó ăn khó nói với bạn bè thế giới về nội dung ghi trong cái mảnh giấy (tuy chỉ có mấy chữ nhưng tác hại rất khủng khiếp) này.

Cho nên, thời gian qua nếu Việt Nam nói “chúng tôi có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” thì phía ngược họ cũng đường hoàng, dõng dạc tuyên bố giống hệt như vậy. Và khi chúng nói họ “hung hăng”, “ngang ngược” thì họ cũng đáp trả lại Việt Nam là kẻ “lật lộng”, “phản bội”...

          Thứ tư, nhiều chuyên gia luật hiện nay chỉ tập trung phân tích việc Trung Quốc cải tạo các đảo đá ngầm hiện nay thành đảo nhân tạo thì về mặt pháp lý căn cứ vào các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) họ sẽ không được công nhận chủ quyền. Điều này là không có gì sai. Tuy nhiên, đáng tiếc là Trung Quốc hiện nay không quan tâm đến vấn đề ấy. Điều họ quan tâm là phải làm sao bằng mọi cách nhanh chóng kiểm soát tất cả những đảo mà họ đang xây dựng để từng bước kiểm soát cả biển Đông. Trên cơ sở đó làm bàn đạp từng bước dùng sức mạnh “nước lớn” của mình để áp đặt “luật chơi” mới lên các “nước nhỏ” nhằm phân chia lại trật tự thế giới với Mỹ ở Thái Bình Dương. Tóm lại, mục tiêu của họ là kiểm soát trên thực địa chứ không phải chuyện công nhận hay không công nhận của UNCLOS. Đừng nghĩ rằng, họ không sợ “mất mặt”, “mất uy tín” với bạn bè quốc tế. Thực ra, họ biết hết những chuyện ấy nhưng điều quan trọng là họ tin rằng sau khi độc chiếm biển Đông; trở thành bá chủ họ sẽ tạo dựng và lấy lại uy tín còn mạnh mẽ hơn nữa. Nói cách khác đây là chiêu“tiên hạ thủ vi cường/ Hậu thủ vi tai ương” trong Binh pháp Tôn Tử mà họ đương nhiên sành sỏi hơn chúng ta rất nhiều.

          Cuối cùng, những ngày qua, kể từ khi Mỹ đưa máy bay vào do thám và công bố những hình ảnh Trung Quốc đang cải tạo đảo, dư luận lại bắt đầu làm sống lại giả thuyết “chiến tranh Trung - Mỹ” sắp nổ ra. Dĩ nhiên chúng ta nhất định cũng cần đặt ra tình huống giả định này để nhìn nhận vấn đề cho thật thấu đáo. Tuy vậy, như nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, kịch bản Trung - Mỹ xảy ra chiến tranh trên biển Đông trong tương lai gần ít có khả năng xảy ra hơn kịch bản Trung Mỹ “bắt tay” và thương lượng với nhau. Câu nói của ông Tập Cận Bình khi gặp ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây:“Thái Bình Dương đủ rộng cho cả Trung Quốc và Mỹ” ít nhiều đã ngầm nói lên điều này. Và nếu như kịch bản này xảy ra thì chắc chắn Việt Nam khi ấy chỉ là một quân cờ để hai cường quốc thế giới mang ra “cân, đo, đong, đếm” mà thôi.
3.  Từ những phân tích trên có thể nói, hiện nay nhìn toàn cục Trung Quốc đang nắm thế chủ động hơn so với Việt Nam và các nước khác tuyên bố chủ quyền ở Biến Đông. Đó chính là lý do thời gian qua mặc cho Philipines kiện họ ra tòa quốc tế và mặc cho Bộ ngoại giao Việt Nam liên tiếp gửi các công hàm phản đối nhưng họ vẫn chẳng coi ra gì.
Từ đây, trên phương diện nhận thức chung, để đối phó và tạo ra ưu thế cho mình trong cuộc đối đầu này, Việt Nam, theo tôi nhất định phải tập trung vào các nhóm vấn đề quan trọng sau đây:
Một, phải thay đổi tư duy trong cách tiếp cận vấn đề, tức là điều quan trọng bây giờ là phải hết sức cảnh giác đồng thời tập trung mọi nguồn lực nhằm giữ vững các đảo hiện tại đang nắm quyền kiểm soát. Nói cách khác vấn đề bây giờ là không để mất thêm đảo nào nữa vào tay Trung Quốc chứ không phải nói như ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dạo nào:“Đời tôi và các bạn chưa đòi được thì con cháu chúng ta sẽ đòi lại”.[1] Thử hỏi tại sao bây giờ không quyết liệt đòi, không tự tin sẽ đòi lại được mà nhắn gửi, dặn dò con cháu như thế? Nói như thế khác nào đã công khai thừa nhận sự thất bại của mình hiện nay đồng thời đẩy quả bóng trách nhiệm cho thế hệ mai sau? Và phải chăng thế hệ lãnh đạo trước đây cũng từng suy nghĩ như vậy, cũng từng “trăn trối” và nhắn gửi thế hệ lãnh đạo của ông Phó Thủ tướng hôm nay nhưng các ông cũng làm được gì đâu!?
Hai, cần chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ thay Việt Nam “bảo vệ nguyên tắc luật pháp quốc tế trên biển Đông”[2]  và ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các đảo mà họ đang kiểm soát. Điều đó cũng có nghĩa trong hoàn cảnh hiện nay nếu còn chần chừ không thể hiện rõ ràng dứt khoát, lập trường quan điểm của mình chắc chắn Việt Nam mãi mãi chỉ là con tốt không hơn không kém trên bàn ngờ ngoại giao một khi Trung Quốc “bắt tay” với Mỹ bằng chiến thuật lùi một bước để tiến nhiều bước...
Và quan điểm và lập trường ở đây không phải là Việt Nam nên “theo ai” hay “ngã về bên nào” mà là cần nhanh chóng chấm dứt trò chơi “đu dây” đầy mạo hiểm với việc lấy cảng Cam Ranh ra để giữ thăng bằng. Hay tệ hơn nữa là tâm lý “tọa sơn quan hổ đấu”!
Ba, về mặt đối nội Đảng, Quốc hội Việt Nam cần nhanh chóng ra Nghị quyết nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tình hình biển Đông hiện nay, đặc biệt nội dung bản Nghị quyết phải thể hiện rõ tinh thần hiệu triệu như lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây. Tức là “chúng ta càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới vì họ muốn cướp đảo của ta lần nữa...” Theo tôi, mọi chuyện đã đến nước này thì không còn gì mà giấu giếm, úp mở với nhân dân hay ngụy biện vì là chuyện “nhạy cảm”, “tế nhị” nên Quốc hội chỉ “họp kín”. Nếu ra được Nghị quyết lúc này về trước mắt sẽ ổn định được lòng dân còn về lâu thế hệ con cháu mai sau còn có cái để mà “ăn nói” với Trung Quốc (hay nếu như muốn tiếp tục “đòi lại” các đảo bị Trung Quốc cướp mất như lời dặn dò của ông Phó Thủ tướng mà tôi vừa đề cập ở trên). Và nhất là để lịch sử mai sau còn viết vào đó lại vài dòng ghi nhận công lao của thế hệ lãnh đạo hôm nay chứ không phải là không là những lời nguyền rủa nhu nhược, hèn kém.
            Cuối cùng, Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế như Philippines đã làm. Cho dù Trung Quốc hiện nay không coi luật pháp quốc tế ra gì nhưng cần phải kiện họ vì chỉ có cách này cộng đồng quốc tế mới tin tưởng và ủng hộ Việt Nam nhiều hơn. Khi ấy Mỹ và các đồng minh Nhật, Úc... mới có “cơ hội” giúp Việt Nam ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Hiện nay, chính vì Việt Nam cứ ỡm ờ, không dám kiện nên cộng đồng quốc tế họ hoài nghi. Mình cứ nói “chính nghĩa” và “lẽ phải” thuộc về mình nhưng lại không cho thấy quyết tâm bảo vệ “chính nghĩa” và “lẽ phải” đến cùng thì làm sao người ta tin những gì mình nói.
Ngoài ra, khởi kiện bây giờ cũng là phòng tránh một sự lật lọng của Trung Quốc về sau. Tức là trong trường hợp sau khi hoàn thành việc cải tạo các đảo hiện nay, với sức mạnh và sự ảnh của một “nước lớn” có thể họ sẽ kiện ngược lại Việt Nam. Khi ấy với tư cách là “bị đơn” lại là “nước nhỏ”, Việt Nam rất khó thoát ra khỏi sự điều khiển của họ.

Cần Thơ, 30/5/205
NTB

 

[2] Cần tích cực giúp Mỹ bảo vệ các nguyên tắc luật pháp quốc tế tại Biển Đông”. http://nhantuantruong.blogspot.com/2015/05/can-tich-cuc-giup-my-bao-ve-cac-nguyen.html
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 30-5-15
Phần nhận xét hiển thị trên trang

THƠ LÀ NỖI BUỒN KINH KHỦNG!

Từ ngày thơ bỏ ta đi
Một mình về gốc cây si ta ngồi
Chữ như cuộn chỉ rối bời
Nghĩa là con cún ngỡ mồi cuộn len..
Viết gì cho anh, viết gì em?
Mộng hư, đàn vỡ..sách quên trang rồi!
Đau lòng ta đấy thơ ơi!
Ngúng nga ngúng nguẩy 
yêu rồi lại không?
Để ta chèo mỏi nhọc công
Lênh đênh bến lạc..
cõi không nắng vàng..
Dối gian là cõi thiên đàng
Liếc ngang chi nữa 
muộn màng người ơi!
Thôi thì vun cũ 
lại thôi
Mênh mang lại hát.. 
tặng người lại ..thơ!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

ĐỪNG ĐẨY CÁC NHÀ VĂN KHÁC CHÍNH KIẾN VỀ PHÍA ĐỐI NGHỊCH


      Ngô Minh
            Khát vọng tự do, độc lập là bản thể của con người. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ khẳng định :”Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đó là đoạn mà cụ Hồ Chí Minh trích trong mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Đối với nhà văn, tự do độc lập trong sáng tạo càng quý giá vô ngần. Cái đó ví như sinh mệnh của người cầm bút. Không có tự do, độc lập trong sáng tạo thì không thể có tác phẩm văn chương nghệ thuật đích thực, có ích cho con người, cho nhân loại.
         Bởi thế mà Đại hội Nhà văn Việt Nam nào, các hội viên cùng đau đáu bàn về quyền tự do sáng tạo. Tôi vô Hội Nhà văn năm 1987, được đi dự từ ĐHNV4 đến ĐHNV 8, đại hội nào tôi cũng được nghe các bản tham luận nóng bỏng về “Tự do sáng tạo”. Đại hội NVVN 4, nhà văn Dương Thu Hương và nhiều người khác bàn rất hay về tự do sáng tạo; Đại hội 5, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói về “đối trọng” khẩn thiết đến mức trưa hôm sau Tổng bi thư Đảng Đỗ Mười phải mời gặp riêng để “cùng trao đổi”; Đại hội 6, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà thơ Trần Mạnh Hảo cùng bàn rất sôi nổi về tự do sáng tạo.v.v..Dần dà, đảng, nhà nước Việt Nam cũng dần dần nhận ra cái quyền đó của các nghệ sĩ, nhà văn, nên có nhiều nghị quyết về văn hóa văn nghệ của đảng đã ghi rõ “ đảm bảo quyền tụ do sáng tạo của nhà văn”.
         Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tiễn cuộc sống là một khoảng cách lớn, tùy theo nhận thức và tầm nhìn của người quản lý văn hóa nghệt huật. Dù cuộc sống văn chương cũng đã có những chuyển biến theo hướng tốt hơn: không còn cảnh áp đặt “phải sáng tác theo một phương pháp duy nhất là “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” nữa. Nỗi buồn, nỗi đau của thân phận con người trong các tác phẩm văn chương được tôn trọng hơn. Nhưng trên thực tế nhiều cuốn sách, nhiều tác phẩm viết theo chính kiến độc lập của tác giả vẫn không được xuất bản hoặc khi in ra bị phê phán ( nhà văn gọi nôm na là “bị đánh”) như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Hoàng Minh Tường, Trần Dần…; bị thu hồi xay bột như Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn.v.v..Chuyện quản lý văn nghệ theo kiểu Mao-ít cực đoan đến mức, một thời tất cả các tác phẩm văn chương đều phải viết cùng một cách, nói cùng một giọng, đa phần là viết cái cần tuyên truyền, chứ không thể viết  cái thực muôn màu của cuộc sống.Vẫn có những người luôn suy diễn, bắt bẻ, phê phán những hình tượng văn học có “biểu tượng hai mặt”. Đó là gian đoạn văn học làm nhiệm vụ “phải đạo”, ‘minh họa” đường lối, chứ rất ít sáng tác thật. Bởi thế GS Hoàng Ngọc Hiến mới có bài tiểu luận sắc sảo “VỀ MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT Ở TA TRONG GIAI ĐOẠN VỪA QUA”, gọi đích danh văn học một thời  ở ta là “văn học phải đạo”. Phải đạo – chữ dùng quá đích đáng ( chữ của HNH). Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết LỜI AI ĐIẾU CHO MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HỌA. Nguyễn Khải, nhà văn gạo cội của cách mạng, từng là Đại biểu Quốc hội, những năm tháng cuối đời đã phải “Đi tìm cái tôi đã mất”. Nhà văn mất cái gì? Mất cái tự do viết theo cám xúc thực của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên, cây bút thơ cách mạng sừng sỏ đã phải viết hàng trăm bài thơ sám hối ( trong tập Di cảo). Nhà thơ gọi đích danh cái mình đang ăn là BÁNH VẼChưa cần cầm lên nếm,  anh đã biết là bánh vẽ/ Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn/  Cầm lên nhấm nháp…!. Tại sao những “cây đa cây đề” số một của văn học cách mạng như Chế Lan Viên,Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Ngọc Hiến lại phản tỉnh như vậy?. Đó là do cách quán lý văn nghệ cực đoan, cừng nhắc, làm cho nhà văn không được viết những cái gan ruột của mình. Cách quản lý đó phải xem xét lại, phải đổi mới một cách nghiêm túc. Nếu cứ “xưa bày nay làm”, không đổi mới nhận thức và phương pháp sẽ khó mà lãnh đạo được văn nghệ sĩ trong thời hội nhập
         Hồi chống Pháp, năm 1952, nhà thơ Hải Bằng ( lúc đó ký  là Văn Tôn) ở Trung đoàn 95 có bài thơ Em người nữ cứu thương người Pháp rất xúc động về một nữ cứu thương của quân đội Pháp chết trên chiến trường.Đó là sự xúc động từ cõi lòng người nghệ sĩ. Một bài thơ thể hiện quan điểm quốc tế chống chiến tranh rất mạnh mẽ, nhưng lại bị phê phán kịch liệt tại hội nghị Văn nghệ Cùa ( 1948) do Liên khu 4 tổ chức. Những người lãnh đạo phê phán cho rằng đây là bài thơ”ca ngợi kẻ thù. Cấm phổ biến!”. Nhưng bài thơ vẫn được nhân dân và bộ đội thuộc lòng để sau này Tập san Cựu Chiến Binhcủa tỉnh Quảng Trị in lại do anh em cựu chiến binh thuộc nằm lòng. Cho nên cái gì thuộc nhân bản, nhân văn thì cấm mấy vẫn tồn tại.
         Một vấn đề gây bức xúc trong  anh em nhà văn hiện nay là thái độ ứng xử không tốt đối với những người không chịu được sự trói buộc của vòng kim cô tư tưởng, muốn tách ra hoạt động độc lập, như những người trong Ban vận động Văn đoàn độc lập. Họ nêu mục tiêu xây dựng một nền văn học đích thực, dân chủ, hiện đại  và hội nhập với thế giới. Xem ra cái mục tiêu ấy không phản dân hại nước gì cả, mà chính là đích đang hướng đến của tất cả các nhà văn Việt Nam hiện nay. Thế mà, trong Đaị hội nhà văn khu vực TP HCM, họ bị gạch tên trong danh sách bầu đại biểu dự Đại hội Nhà văn 9 vào tháng 7-2015 ở Hà Nội ( rút kinh nghiêm việc “gạch tên” này, các Đại hội Nhà văn khu vực phía Bắc và Hà Nội được chỉ đạo không bỏ phiếu cho ai thì không gạch tên mà khuyên vòng con số trước nhà văn đó). Trong các Đại hội Nhà văn ở Hà Nội, có một số nhà văn đã lên diễn đàn phê phán Văn đoàn độc lập với thái độ khinh bỉ, mạt sát. Đó là thái độ kích động, chia rẻ, theo hùa. Tôi nghe nói không chỉ gạch tên, các cơ quan quản lý đã chỉ thị ngầm (nhán tín, điện thoại) cho các báo và các phương tiện truyền thông khác trong nước không được đăng bài vở của họ, các Nhà xuất bản không được in sách của họ (!?). Một số người còn bị tước bỏ quyền tham luận, phát biểu trong các cuộc hội thảo về văn hóa, lịch sử nơi này nơi khác. Vì dụ , theo anh Nguyên Ngọc, trong Hội thảo về 100 năm Nguyễn Đổng Chi nhà văn Nguyên Ngọc  bị cấm không được mời, tham luận của ông  gửi đến từ trước bị loại ra khỏi kỷ yếu hội thảo…Thậm chí, tôi được biết, Khoa sử của một trường Đại học ở Huế mời nhà văn Nguyên Ngọc nói chuyện với sinh viên về Văn hóa lịch sử Tây Nguyên, đề tài mà nhà văn rất am tường. Nhà văn đã đến Huế. Nhưng rồi được lệnh của ai đó trên tốp lại, không cho Nguyên Ngọc nói chuyện, phải quay về Hội An. Đó là thái độ thiếu văn hóa và thiếu cả bản lĩnh chính trị, làm cho sinh viên Huế  bị thiệt thòi vì không được khai thác cái “mỏ vàng tây Nguyên” lộ thiên Nguyên Ngọc.
       Như thế là Tổ chức quản lý văn nghệ nhà nước vô hình chung đã đẩy những văn nghệ sĩ có tư tưởng “độc lập, tư do” trong sáng tạo nghệ thuật sang phía đối địch. Nhà văn Tô NhuậnVỹ trong tiểu thuyết Ngoại ô đã kiệt liệt đả phá quan điểm “ ai không theo ta là địch” này đang nảy nở trong nhận thức và hoạt động của không ít cán bộ cách mạng sau năm 1975. Quan điểm “cứng nhắc” và “cách mạng quê mùa” đó làm hại không nhỏ cho cách mạng trong trong việc hòa hợp, hòa giải, tập hợp lực lượng để đưa đất nước tiến lên.
       Viết đến dây, tôi bỗng nhớ lại thời Nhân văn Giai phẩm ( NVGP), do lập trường “ai khác mình là kẻ thù”, một nhóm văn nghệ sĩ NVGP bị đẩy về phía đối địch, thành kẻ thù của cách mạng, phải ứng xử bằng các án tù, cải tạo. Thậm chí hai chữ “nhân văn” và “giai phẩm” với nghĩa từ rất tốt đẹp bỗng trở thành những từ chỉ cái xấu, cái phản động ai cùng  phải nẻ tránh! Thực ra, NVGP như nhà văn Lê Hoài Nguyên (tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Ðại tá công an,
công tác tại A25 (chuyên theo dõi vãn nghệ sĩ và vãn hóa) phân tích “Với tất cả những gì đã xảy ra nên coi đây là một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành“. Tôi đồng ý với đánh giá này. Thế mà những Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán bị đọa đày mấy chục năm ròng. Phùng Cung bị tù cấm cố suốt 12 năm. Thậm chí ông Nguyễn Hữu Đang, nguyên Trưởng ban Tổ chức Lễ độc lập để cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình 2-9-1945, bị tù một nơi xa vắng đến mức không hề biết có cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc! Rồi hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản, cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước bị trừng phạt nội bộ bằng các hình thức kỷ luật hà khắc.Vụ Nhân văn-Gia phẩm ấy đã loại ra khỏi guồng máy xã hội hàng trăm trí thức, văn nghệ sĩ thuộc loại đầu đàn của đất nước, trong đó có nhiều người được thế giới ngưỡng mộ, làm cho nền văn hóa xã hội của đất nước đã nghèo lại càng nghèo hơn.
         Sau này một loạt tác phẩm của các nhà văn dính NVGP ấy đều đã được in lại, như hai bài thơ làm cho Phùng Quán bị 30 năm treo bút là Lời mẹ dặn và Chống tham ô lãng phí đều được in lại ( Phùng Quán thơ, NXB Văn học, 2003). Bài thơ Lời mẹ dặn còn được độc giả bình chọn là một trong 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Các nhà văn, nhà thơ NVGP như Hoàng Cầm, Lệ Đạt, Trần Dần, Phùng Quán đều được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007. Điều đó làm cho những nhà phê bình từng “đánh” NVGP năm nào bây giờ thấy xấu hổ. Cũng như nhà văn Nguyễn Quang Sáng  sinh thời đã xin lỗi nhà văn Bảo Ninh vì đã viết bài”đánh”  Nỗi buồn chiến tranh
        Bây giờ đất nước đã hội nhập với thế giới. Việc các nhà văn tuyên bố ra hội, không theo hội Nhà văn Việt Nam nữa là chuyện bình thường. Thậm chí họ thành lập một hội nhà văn riêng cũng là chuyện bình thường. Nhà nước không cấp phép họ vẫn họat động. Họ vẫn là nhà văn Việt Nam chính danh. Họ vẫn viết và in ấn tác phẩm của mình bằng nhiều cách. Sách hay, sách thật, sách nhân bản thì chỉ in vài chục bản, người đọc cũng tìm để phôtô bằng được, rồi nhân bản thành hàng triệu, hàng chục triệu bản. Không ai cấm được các nhà xuất bản ở Mỹ, Pháp… in sách của các tác giả Việt Nam cả, cốt là hay.
       Vì thế cho nên, dù hoạt động trong Hội Nhà văn Việt Nam hay Hội nhà văn nào khác trên đất nước này, chúng ta phải cùng chia sẻ, đồng cảm với các đồng nghiệp của mình. Đừng nên đẩy các nhà văn có chính kiến khác vào thế đối nghịch. Trên blog QÙA TĂNG XỨ MƯA của tôi, khi đưa tin 20 nhà văn từ bỏ Hội NVVN, có người tên là Duy Nguyễn comment bảo:” Sao Ngô Minh còn lưỡng lự gì nữa mà không từ bỏ hội?”. Tôi nghĩ, dù tham gia Hội nào thì tôi vẫn là tôi, vẫn viết cái thực mình cảm, mình nghĩ, không lấy việc “vào hội ra hội” làm trọng.
        Như tôi/  đứa con của cát / mắt quen mở ngang tầm gió sắc / để nhận trong mắt biển một chân trời/ kêt tinh thành hột muối hồn tôi…( NM)
                                                                          Huế 30/5/2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang