Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Cuộc đời truân chuyên của người đàn bà phá thành Hà Nội


Ngoài câu chuyện về phận má hồng, ba chìm bảy nổi vẫn không được hạnh phúc, cô Tư Hồng còn mang đến hình ảnh một nữ doanh nhân sắc sảo trên thương trường.
Đề cập đến một nhân vật nữ gây nhiều tranh cãi nhất cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Người đàn bà đã lấy Tàu, lấy Tây, rồi kết hôn với linh mục phá giới, phá thành Hà Nội, mua danh cầu vị… nhưng tiểu thuyết lịch sử Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất (Trung Bắc Thư xã xuất bản lần đầu 1941, NXB Văn học, 2015) lại không bàn đến công tội của người phụ nữ này, mà gợi mở cho người đọc những suy nghĩ khác nhau.
Tác giả đã dẫn dắt độc giả đi theo cuộc đời truân chuyên, thăng trầm của cô Tư Hồng như một kiếp “hồng nhan bạc phận”, nhưng chưa từng khuất phục trước số mệnh, luôn cố gắng, chèo chống, thích nghi, vượt lên nghịch cảnh của số phận. Thậm chí, cô Tư Hồng còn liều lĩnh, đáo để, nổi loạn, bất chấp định kiến đương thời, để đi tìm hạnh phúc cho mình.
Sớm lưu lạc, nếm mùi cay đắng từ thuở bé
Cô Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, sinh ngày 07/02 năm Kỷ Tỵ (1869), là con bác Phó nghèo kiết xác ở làng Thành Thị, Hà Nam. Lan mồ côi mẹ từ năm lên 3 tuổi, phải sống với mẹ kế (là người cháu gái của mẹ đẻ). Do hoàn cảnh khó khăn, sống chật vật, nên gia đình bác Phó phải tha phương cầu thực nay đây mai đó, nhưng nghèo đói vẫn bám riết không buông. Sau nhiều năm lưu lạc, gia đình bác Phó đến ngụ ở Kim Sơn (Ninh Bình).
Cuoc doi truan chuyen cua nguoi dan ba pha thanh Ha Noi hinh anh 1
Chân dung cô Tư Hồng. Ảnh: Tư liệu.
Năm Lan 20 tuổi, gia đình bác Phó mong mỏi chuyện nhân duyên cho con gái. Khốn nỗi địa vị dở dang, gia đình không một tấc đất cắm dùi, cao không tới, thấp không thông. Một lần gánh rượu đi bán, Lan lọt vào mắt xanh của Chánh tổng Kim Sơn. Ông này ngoài 40 tuổi, góa vợ được vài năm, con cái phương trưởng cả, có tính nay vợ nọ, mai hầu kia.
Dần dà, Chánh tổng Kim Sơn cậy mai mối sang dạm hỏi Lan làm kế thất. Gia đình bác Phó nghèo không một tấc đất cắm dùi, bỗng được một ông Chánh tổng giàu nhất vùng muốn lấy con gái mình, còn gì vẻ vang bằng, nên bác Phó đồng ý ngay.
Nhưng Thị Lan nhất định không muốn lấy quan lớn. Thị nghĩ, mình đương son trẻ thế này lại phải lấy lão Chánh tổng ngoại tứ tuần, “tóc bạc, má hồng” không thể tương dung, phối hiệp với nhau. Có ngồi trên đống bạc cũng không sung sướng gì. Lũ chị em xấu bụng sẽ bàn tán thị phi đủ điều. Họ chê cười cô vì tham lam vàng bạc, bán rẻ xuân xanh… Lan đã trái ý cha, trốn ra thành Nam Định, sau đó lưu lạc ra Hải Phòng khởi đầu của một đời ngang dọc.
“Tay trắng làm nên nghiệp lớn, má hồng trang điểm phấn son vua”
Ra Hải Phòng, Lan xin vào làm việc cho bà chủ hiệu rượu Phát Lộc, còn gọi là “thím Tài”. Bà này thường dẫn dắt gái quê lên, nuôi dưỡng, sau gả cho khách người Hoa kiếm lời. Ở với thím Tài khoảng 3 năm, Lan được thím Tài mai mối lấy chú Hồng người Hoa, chủ tiệm Bình An. Nhờ cuộc hôn nhân này, thím đã kiếm được một khoản tiền lớn, còn Lan có chồng và trở thành "thím Hồng", chủ tiệm Bình An.
Lấy chú Hồng, Thị Lan từ cô gái quê nghèo khổ bước lên ngay địa vị phú quý phong lưu, một bà chủ hiệu. Đó cũng là cách cô bước chân vào con đường buôn bán, sau đó từng bước tiếp cận với những thủ đoạn kinh doanh để “tay trắng làm nên cơ nghiệp lớn”.
Từ ngày có thím Hồng, cửa hiệu Bình An ngày càng phát tài. Thím Hồng đảm đang, tinh quái, thấy một biết mười, khéo tính toán lợi hại giúp chồng. Thế nhưng, kể từ ngày thím Hồng sinh ốm (sau lần về cố hương tìm gia đình nhưng không thấy), chú Hồng đâm ra chơi bời, không coi sóc hiệu, dẫn đến phá sản, phải bỏ trốn về nước.
Sau 5 năm chìm nổi, ở tuổi 28, thím Hồng lại “mình trần tay không” như 5 năm trước. Không cam chịu số phận, thím quyết định lên Hà Nội để làm lại từ đầu. Qua cô Ba Lai vích (một me tây, trước xuống phục vụ chồng ở Hải Phòng, thi thoảng có lui cửa tiệm Bình An), mối lái, chỉ đường dẫn lối, năm 1895, thím Hồng lấy quan Tư Garlan và có cái tên Tư Hồng từ đó.
Cuoc doi truan chuyen cua nguoi dan ba pha thanh Ha Noi hinh anh 2
Tiểu thuyết Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất.
Nhờ khéo ăn ở và chiều chuộng chồng, nên hàng tháng cô Tư Hồng được chồng cho một khoản tiền lớn. Cô khéo dành dụm, buôn bán, sau vài năm tậu được ngôi nhà gạch ở phố Hàng Dầu tạo nên cơ đồ độc lập.
Khác với các me tây khác, cô Tư vốn chịu thương chịu khó, lại học được mánh khóe doanh thương trục lợi của chú Hồng. Số phận lại đưa cô lên Hà Nội là thương trường rộng lớn hơn, thêm gặp gỡ, nhờ vả được ông chồng có địa vị, nên cô Tư lấy đó làm cơ hội để mở cửa hàng kinh doanh, thu lợi cho mình. Không một cuộc bao thầu buôn bán nào là cô không chú ý xem xét.
Năm 1888, thi hành chương trình mở mang xây dựng Thủ đô xứ Đông Pháp, chính quyền thuộc địa cho đấu thầu phá thành Hà Nội. Giới thầu Bắc cạnh tranh nhau, nhưng gói thầu ấy lại lọt vào tay cô Tư Hồng. Để sắp đặt công việc, cô tậu một căn nhà ở phố Hàng Da để làm đại bản doanh đốc thúc thầy thợ. Ông Phó cựu (sau nhiều năm cha con thất lạc, cô tìm được bố, đón về ở cùng) cũng góp sức vào việc này.
Cuoc doi truan chuyen cua nguoi dan ba pha thanh Ha Noi hinh anh 3
Cửa Bắc thành Hà Nội khoảng những năm 1880. Ảnh tư liệu.
Bằng đầu óc tính toán và lợi dụng, vừa dọn thành xưa vừa xây nhà mình, vẫn lo tậu đất làm nhà, Sau 3 năm việc phá thành, cô mua xây một dãy phố ở Cửa Đông Géneral- Bichot, lại thêm một dãy khác 8 căn ở phố Hàng Da.
Năm 1902, quan Tư Garlan về Pháp, cô Tư một mình buôn bán làm ăn. Thành công nối tiếp thành công, cô mở rộng kinh doanh lúa gạo ngô, kinh doanh cả dịch vụ đi tàu bằng đường thủy.
Trong hai năm 1902-1903, ba tỉnh Trung kỳ mất mùa, thóc gạo khan hiếm nên bán được giá. Đầu năm 1904, Cô Tư chở đầy một thuyền gạo vào Huế để bán thủ lợi. Nhưng ở thời điểm đó, Chính phủ bảo hộ cấm nạn buôn bán đầu cơ, để loại trừ nạn “thóc cao gạo kém” cho dân. Linh tính mách bảo, cô Tư nói ngay là mang gạo vào phát chẩn cho dân. Nhờ “tấm lòng” này, cô Tư được triều đình ân thưởng 4 chữ “Lạc quyên nghĩa phụ” và sắc phong cho làm “Chánh ngũ phẩm nghi dân”. Nhờ thế địa vị của cô Tư ngày càng lên cao giữa đất ngàn năm văn vật.
Năm 1906, cô lại tậu thêm được dãy nhà ở phố Richaud, lại làm xong tòa nhà lộng lẫy ở Hội Vũ, công việc buôn bán ngày càng phát đạt. Sau rất nhiều thành công cô mua cho ông Phó chức đặc cách Hàm Hàn lâm viện thị độc, lấy vợ cho anh chồng cũ là chú Hồng, cô đã gặp lại người đàn ông này tại Hải Phòng vào năm 1906.
Khi ngoài 40 tuổi, dù má hồng “phôi pha”, nhưng bất chấp dư luận thị phi, cô kết hôn với một linh mục phá giới. Cuộc đời cô bắt đầu đi xuống từ đây.
Sau khi bị người đời tẩy chay, vợ chồng cô Tư phải dắt nhau đi Cao Miên để đầu tư xưởng nấu rượu. Từ 1916-1918, xưởng rượu kinh doanh chật vật phải chuyển nhượng cho người khác với giá rẻ. Tiếp đó, hai vợ chồng chuyển về Sài Gòn kinh doanh hàng Bắc trên phố Catinat, nhưng gặp đúng vận đen nên thua lỗ.
Năm 1921, cô Tư ở Sài Gòn ra Hà Nội và ốm liệt giường. Dù trên giường bệnh nhưng cô vẫn làm mọi cách để làm thất bại âm mưu chiếm sản nghiệp của chồng. Cô mất khi mới 53 tuổi, không có người con nào dù 3 đời chồng. Trước khi mất, cô được làm lễ rửa tội ăn năn với Chúa, hiến một mảnh đất giá trị khoảng 2 vạn đồng cúng vào nhà Chung, làm thủ tục chia tài sản cho em và các cháu.
Minh Châu / Sách hay / Zing

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TIỀN TRUNG QUỐC ĐỔ VÀO ĐÃ KHIẾN CAMPUCHIA TRỞ NÊN BẤT AN, XA LẠ


Campuchia có lẽ là nơi mà ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền từ Bắc Kinh thể hiện rõ nhất. Và những câu chuyện từ đây cũng là bài học về mặt trái của đầu tư Trung Quốc cho cả thế giới.

Tien Trung Quoc do vao da khien Campuchia tro nen bat an, xa la hinh anh 2

Tien Trung Quoc do vao da khien Campuchia tro nen bat an, xa la hinh anh 3

Kimkong Heng

Nhà nghiên cứu Kimkong Heng là nhà nghiên cứu thuộc Viện hợp tác và hòa bình Campuchia (Cambodian Institute for Cooperation and Peace) chuyên các vấn đề về chính sách đối ngoại và giáo dục. Kimkong Heng có bằng tiến sĩ tại Đại học Queensland (Australia). Đây là quan điểm của ông và cộng sự Sovida Po về những hệ luỵ của đầu tư Trung Quốc vào Campuchia.
“Người Trung Quốc đã lấy mất thành phố của tôi. Và giờ đây mọi thứ đều đắt đỏ”, Sono, một người lái xe tuktuk ở thành phố Sihanoukville (Cambodia), than phiền vào năm 2018. Ông phải trả 150 USD tiền thuê nhà mỗi tháng, so với chỉ 50 USDtrước đó.
“Tôi lo lắng cho tương lai của người Campuchia ở Sihanoukville. Sớm muộn chúng tôi sẽ không đủ tiền sống ở đây nữa”, người đàn ông này kết luận.
Sono không phải là người Campuchia duy nhất bị bủa vây bởi những bất an từ làn sóng đầu tư, du lịch, di dân từ Trung Quốc.
NHỮNG CON SỐ CHE ĐI MẶT TRÁI
Trong giai đoạn 2013-2017, Trung Quốc mỗi năm rót trung bình 1 tỷ USDvào Campuchia, là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại đất nước chùa tháp.
Thay đổi chóng mặt nhất diễn ra ở Sihanoukville, nơi đã “trải thảm đỏ” cho Trung Quốc đổ tiền vào bất động sản và sòng bạc. Làn sóng đầu tư, kéo theo du khách và di dân, khiến Sihanoukville “lột xác” từ thị trấn biển tẻ nhạt thành “phố Tàu” hay “Macau số 2”. 78.000 người Trung Quốc nhập cư đang sống ở đây, gây áp lực lớn lên 150.000 dân địa phương.
Nhân lực nói tiếng Trung Quốc có mức lương vượt trội (700-1200 USD mỗi tháng) so với trung bình. Chẳng hạn, công nhân xưởng may kiếm được 170 USD, còn công chức là 250 USD mỗi tháng. Chủ bất động sản là người lãi nhất. Họ có thể kiếm 5.000-7.000 USD mỗi tháng từ việc cho người Trung Quốc thuê mặt bằng, thay vì 500-1.000 USD trước kia.
Đầu tư Trung Quốc gắn liền với tham nhũng, và người Trung Quốc không thượng tôn luật pháp càng lộng hành ở Campuchia.
Về lý thuyết, tiền thuế dồi dào sẽ giúp cải thiện trường học, đường xá, bệnh viện cho mọi người dân. Thế nhưng, các con số trên đã che đi nhiều mặt trái từ chính trị, văn hóa, môi trường đến kinh tế - xã hội.
Nhiều học giả cho rằng đầu tư Trung Quốc gắn liền với tham nhũng và người Trung Quốc không thượng tôn luật pháp càng lộng hành ở Campuchia.
Nạn cướp đất của dân bán cho dự án Trung Quốc ngày càng phổ biến, với ước tính 20.000 gia đình Campuchia là nạn nhân kể từ 2003 tính đến cuối 2018, theo các tổ chức phi lợi nhuận địa phương. Ngay cả khi có giấy tờ sở hữu đất, quan chức tham nhũng cấu kết với các thế lực ngầm vẫn làm giả giấy tờ khác, để bán được đất cho dự án.
Hacker Trung Quốc cũng thực hiện nhiều vụ đột nhập trang web các bộ ngành đến mức chính phủ đã phải trục xuất 1.133 hacker Trung Quốc từ 2011-2017. Điều này làm dấy lên lo ngại Campuchia trở thành nơi “tập kết” cho tội phạm mạng tấn công các nước khác.
BẤT AN VÀ XA LẠ TRONG CHÍNH ĐẤT NƯỚC MÌNH
Dân nhập cư Trung Quốc cũng gây ra những vụ phạm tội chấn động. Trong năm 2018, số vụ bắn súng, bạo lực ở Sihanoukville và các thị trấn khác ở Campuchia liên quan tới người Trung Quốc tiếp tục tăng. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm được thả, chỉ kèm theo lời cảnh cáo.
Nhà phân tích chính trị Vannarith Chheang nhận định dân nhập cư Trung Quốc thời nay khác với tổ tiên của họ: không hòa nhập, chung sống với dân bản địa, không hứng thú tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Khmer.
Thậm chí, người Campuchia tin rằng đa số dân nhập cư Trung Quốc ở Sihanoukville không có giáo dục hoặc từng là tù nhân, tội phạm, nên mới hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa.
Người Campuchia tin rằng đa số dân nhập cư Trung Quốc ở Sihanoukville không có giáo dục hoặc từng là tù nhân, tội phạm, nên mới hành xử thô lỗ, thiếu văn hóa.
Tiến sĩ Pheakdey Heng (Viện chính sách Enrich) nhận xét: “Dù đầu tư Trung Quốc đem lại sự giàu có đến Campuchia, nhưng chỉ dành cho cộng đồng người Hoa. Dân Trung Quốc mua hàng Trung Quốc, ăn cơm Trung Quốc, ở khách sạn Trung Quốc”. Nhiều tiệm bán hàng địa phương, lâu đời phải đóng cửa.
Hệ quả, du khách các nước phương Tây không đến đây nữa, vì họ muốn ăn đồ ăn đậm chất Campuchia, mua các sản vật địa phương, hay trải nghiệm văn hóa truyền thống. Giáo sư Vannarith Chheang tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) dự đoán chủ nghĩa bài Trung sẽ gây bất ổn xã hội giống thời Suharto ở Indonesia.
Người Campuchia đang cảm thấy bất an, xa lạ và lo sợ bạo lực. Họ cũng không còn đến du lịch Sihanoukville, dù nơi đây từng là địa điểm hút khách.
Còn người đang sống ở Sihanoukville thì phải chuyển đi. Nhiều người bị chủ nhà đuổi đi để cho người Trung Quốc thuê nhà với giá gấp 10 lần: 2.000-3.000 USDthay vì 200-300 USD.
Sau ảnh hưởng về chính trị và tội phạm, tác hại về môi trường từ cộng đồng người Trung Quốc có nhiều điều phải bàn. Các đập thủy điện dùng vốn Trung Quốc ở Campuchia minh chứng cho điều đó.
Các dự án này, như đập Kamchay, gây tác hại như phá hủy rừng, đe dọa động vật quý hiếm, ô nhiễm nước và phá hủy kế sinh nhai của cộng đồng bản xứ.
Đặc biệt ở Sihanoukville, người Trung Quốc hầu như không quan tâm tới môi trường sống. Vấn đề vệ sinh, nạn xả rác đều tệ đi ở những nơi họ đến đầu tư. Các sòng bạc, nhà máy điện, giàn khoan dầu xả thải trực tiếp ra biển. Các khu resort chặt phá rừng, đe dọa đa dạng sinh học.
Trên toàn thế giới, chủ đầu tư Trung Quốc cũng thường không quan tâm tới lợi ích người dân thường, chỉ “chăm chăm” có đồng lời và không mảy may tính đến xã hội, văn hóa, môi trường.
Những quốc gia nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc trong thời gian dài đều chỉ nhận được lợi ích “không đáng kể”.
Công ăn việc làm hay cơ sở hạ tầng cho địa phương là những lợi ích thường được nhà đầu tư Trung Quốc mang ra quảng bá.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra những quốc gia nhận đầu tư lớn từ Trung Quốc trong thời gian dài - như 44 nước châu Phi phía nam sa mạc Sahara - đều chỉ nhận được lợi ích “không đáng kể”: Lương không tăng nhiều, học hỏi chuyên môn ít, kết nối kinh tế giữa nhà đầu tư Trung Quốc và công ty bản địa ở mức giới hạn.
Các dự án Trung Quốc mang lại lợi ích lớn cho tầng lớp giàu có, quyền lực, nhưng gây hại về xã hội, môi trường cho người dân quanh dự án.
Trong bối cảnh đó, làm thế nào để cứu Sihanoukville, và tương tự, các nơi khác ở Campuchia khỏi tác hại của dự án Trung Quốc, cũng như những mâu xã hội tiềm tàng do chủ nghĩa bài Trung ngày một gay gắt?
Hai nước phải giáo dục người Trung Quốc tôn trọng pháp luật Campuchia, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục địa phương. Họ phải “nhập gia tùy tục”.
Kinh nghiệm của thế hệ trước cho thấy người Hoa hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với dân bản xứ, hòa nhập với xã hội. Muốn vậy, dân nhập cư ngày nay cần học thêm về ngôn ngữ và văn hóa Khmer.
Hai nước buộc phải dập tắt được tội phạm, trong đó việc chia sẻ thông tin có vai trò tối quan trọng.
Campuchia cần quyết tâm vực dậy nền pháp quyền. Một khi không thể tin tưởng pháp luật, chủ nghĩa bài Trung dâng cao, bạo lực dường như là cách giải quyết trong mắt người dân, như các cuộc bạo động chống Thái Lan ở Phnom Penh năm 2003.
Campuchia có lẽ là nơi mà Trung Quốc tạo nhiều dấu ấn nhất trong chiến lược đầu tư ra thế giới. Đây cũng có lẽ là nơi mà ảnh hưởng của sức mạnh đồng tiền từ Bắc Kinh được thể hiện rõ nhất.
Thế nhưng, dựa chủ yếu vào đầu tư Trung Quốc sẽ gây hại cho Campuchia về lâu dài. Thay vào đó, Campuchia nên xích lại gần hơn với châu Âu, tận dụng tối đa đầu tư từ ASEAN.
Câu chuyện của Campuchia, mà điển hình là tỉnh ven biển Sihanoukville, cũng là bài học cho cả thế giới về những mặt trái của đầu tư Trung Quốc.
Sovida Po - Kimkong Heng
Biên dịch: Trọng Thuấn
Illustration: Minh Hồng
Theo Zing


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHO KẺ XÂM LƯỢC THẮNG THẦU LÀ GIÚP CHO KẺ THÙ CỦA TỔ QUỐC.




(TS Nguyễn Ngọc Chu)
Trung Quốc đang xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Bãi Tư chính, lại còn tráo trở vu cáo Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này Lãnh đạo Bộ GTVT và Ban quản lý Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam không thể không biết.
Cho kẻ xâm lược thắng thầu là giúp cho kẻ thù của Tổ Quốc.
SAO LẠI LÀM KHÓ ĐỒNG BÀO MÌNH? – CÂU HỎI ĐỚN ĐAU KHÔNG MUỐN TRẢ LỜI!
Các tiêu chuẩn tài chính đấu thầu cao tốc đường bộ Bắc – Nam hoàn toàn bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ phù hợp cho các nhà thầu nước ngoài - mà đa phần đến từ Trung Quốc.
Ai đã đưa ra những tiêu chí để loại bỏ phần lớn các doanh nghiệp Việt? Người ra đề thầu có chịu ảnh hưởng của ai không?
I. CÁC TIÊU CHÍ BỘ GTVT ĐƯA RA ĐỂ LÀM KHÓ NGƯỜI VIỆT
Người nước nào cũng ưu tiên cho đồng bào của mình. Lấy thí dụ các công ty của Nhật và Hàn đều ưu tiên sử dụng vật tư và các nhà thầu nước họ. Các nước Âu Mỹ cũng vậy. Trung Quốc càng đặc biệt hơn. Đây không phải là xấu, mà là điều tự nhiên.
Nhưng Bộ GTVT Việt Nam lại làm điều ngược lại: Đề ra những tiêu chuẩn đấu thầu đã loại chính đồng bào Việt Nam của mình ra khỏi cuộc chơi.
1. YÊU CẦU VỐN CHỦ SỞ HỮU LỚN
Cụ thể: vốn chủ sở hữu để tham gia cao tốc Bắc Nam phải chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án - đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu ít nhất 1.000 tỷ đồng cho dự án từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.
Đây là tiêu chí loại bỏ hầu hết các công ty Việt Nam.
2. YÊU CẦU KINH NGHIỆM THI CÔNG DỰ ÁN LỚN
Cụ thể, tiêu chí nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét , tức là doanh nghiệp phải đã từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng.
3. CHIA GÓI THẦU LỚN VỚI YÊU CẦU GÓP VỐN LỚN
Bộ GTVT không chia thành các gói thầu phù hợp mà cố tình chia thành các gói thầu lớn với yêu cầu góp vốn lớn.
Chẳng hạn, đoan thầu có giá trị nhỏ như Nha Trang - Cam Lâm cũng lên đến 7 615 tỷ và phải góp vốn 2.557 tỷ đồng.
Còn đoạn Nghi Sơn - quốc lộ 45, yêu cầu doanh nghiệp phải góp 4.330 trên tổng 6.333 tỷ vốn đầu tư, đã loại tất cả các nhà thầu Việt Nam (chỉ 5 nhà đầu tư nước ngoài tham gia).
Tóm lại, phải khẳng định rằng 3 tiêu chí trên của Bộ GTVT là đóng cửa các nhà đầu tư Việt Nam, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài mà phần lớn đến từ Trung Quốc.
II. AI BẮT BỘ GTVT PHẢI CHIA THÀNH NHỮNG GÓI THẦU LỚN NHƯ VẬY?
Xây đường bộ cao tốc Bắc Nam không đòi hỏi kỹ thuật cao siêu, không phải là công việc phức tạp, không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, không đòi hỏi phải có kinh nghiệm thi công các dự án lớn, nên các doanh nghiệp Việt Nam thừa sức thiết kế và thi công. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều công ty của Việt Nam đã làm nhiều đoạn đường cao tốc, bao gồm cả các cầu lớn qua sông và các đường hầm xuyên núi.
Cho nên các tiêu chuẩn mà Bộ GTVT đưa ra là hoàn toàn không cần thiết. Trên thực tế, các tiêu chí này đã loại hầu hết các công ty Việt Nam, phần còn lại buộc phải liên danh với nước ngoài ( mà phần nhiều là Trung Quốc) rồi trở thành người làm thuê thứ cấp cho họ.
Không ai bắt Bộ GTVT phải chia lớn gói thầu cả. Càng chia lớn gói thầu, càng bất lợi cho các công ty Việt Nam trong lợi thế gia tăng cho các công ty Trung Quốc. Người bình thường không ai đưa lại bất lợi cho đồng bào mình. Vậy nên không thể không đặt câu hỏi:
Có ai tác động đến người ra đề thầu không?
Nhưng người ra đề thầu đâu chỉ có một. Đề thầu ra phải được lãnh đạo Bộ GTVT duyệt. Làm sao lãnh đạo Bộ GTVT lại để lọt đề thầu bất lợi như thế cho đồng bào Việt Nam của mình?
Một câu hỏi đớn đau không muốn trả lời!
III. ĐIỀU CẦN LÀ GIÁM SÁT QUỐC TẾ
Như đã nói ở trên, đường bộ cao tốc Bắc – Nam không cần các nhà đầu tư quốc tế. Điều mà Bộ GTVT cần - không phải là mời thầu quốc tế xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, mà là mời thầu giám sát quốc tế, để đảm bảo chất lượng thi công, để không bị mua chuộc bằng tiền bạc.
IV. ĐỀ XUẤT NGUYÊN TẮC CHIA CÁC GÓI THẦU CAO TỐC BẮC – NAM
Đa phần các công ty Việt Nam có phạm vi nhỏ, tài sản không lớn và khả năng tìm nguồn tài chính không nhiều.
Để phù hợp với năng lực của các công ty Việt Nam trong thi công đường bộ cao tốc Bắc – Nam, cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau đây.
1. Chia nhỏ thành nhiều dự án cho phù hợp với năng lực của các công ty Việt Nam.
2. Đảm bảo phần lớn các tỉnh có đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua đều có các công ty đủ khả năng tham gia đấu thầu.
3. Khuyến khích các công ty địa phương nào thì chủ động tham gia đấu thầu cung đường qua tỉnh đó. Khuyến khích các công ty liên danh với nhau để tăng năng lực và để các gói thầu không quá nhỏ.
Không phải huy động dân đi đắp đất như trước đây, mà là huy động các công ty địa phương xây dựng đường qua địa phương mình. Làm như vậy thì sẽ có nhiều công ty ở nhiều địa phương tham gia xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam cùng một lúc, và tiến độ sẽ được đẩy nhanh sớm hơn. Cách làm địa phương nào tham gia phần địa phương đấy cho phép chúng ta huy động được sức dân trên toàn tuyến. Phương thức này đã giúp chúng ta thành công trong xây dựng và bảo đảm giao thông trong chiến tranh, và gần đây là hoàn thành đường tải điện Bắc – Nam 500 kV dài 1487 km chỉ trong vòng 2 năm (1992 – 1994).
Không phải dân tộc chủ nghĩa, không phải bài xích nước ngoài, mà là tự lực tự cường. Những việc gì mình làm được thì phải tự làm, không ngọi chờ vào người khác, càng không để cho họ che mắt nâng giá rồi thu tiền từ mồ hôi nước mắt của đồng bào mình trong nhiều năm.
Làm đường đi trên đất nhà mình mà vẫn không được làm chủ, lại chịu thân phận làm thuê cho người khác, thì đó là nỗi nhục!
V. KIẾN NGHỊ
1. Các doanh nghiệp Việt Nam đang lo bị Lãnh đạo Bộ GTVT và Ban quản lý Dự án loại ngay từ vòng sơ tuyển. Bởi thế Lãnh đạo Bộ GTVT phải có những điều chỉnh phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam không bị loại bởi những tiêu chí cao ngất ngưởng có lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
2. Những gói thầu không có nhà đầu tư Việt Nam tham gia thì dừng lại chờ thời điểm thích hợp.
3. Không chọn những nhà thầu đến từ nước đang xung đột với lợi ích của Việt Nam.
VI. LO LẮNG
Trung Quốc đang xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở Bãi Tư chính, lại còn tráo trở vu cáo Việt Nam xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Điều này Lãnh đạo Bộ GTVT và Ban quản lý Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam không thể không biết.
Cho nên, dứt khoát không được cho Trung Quốc thắng thầu ở bất cứ gói thầu nào của cao tốc đường bộ Bắc – Nam.
Trung quốc là kẻ xâm lược biển đảo Việt Nam. Cho kẻ xâm lược thắng thầu là giúp cho kẻ thù của Tổ Quốc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bất chấp sự quấy nhiễu của Trung cộng ngoài bãi Tư Chính,Việt Nam vẫn quyết định cho hạ thuỷ giàn khoan nặng 14.000 tấn:



Việt Nam và PVN không bị áp lực chính trị hay có gì ẩn khuất?
Tâm Don
(VNTB)“ Tất cả 67 lô dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta có quyền thăm dò và khai thác. Không ai có thể ép buộc hay bắt chúng ta phải làm điều gì. Dù có chậm trễ, chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt cũng đang được hạ thủy. Nó chứng tỏ rằng, Việt Nam và PVN không bị áp lực về chính trị, và không nhân nhượng”.Sau một thời gian ngắn trì hoãn và đắn đo, vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-7 tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro ở Vũng Tàu, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN) đã tiến hành hạ thủy chân đế giàn khoan nặng 14.000 tấn và cao 110 mét để phục vụ cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Việc hạ thủy chân đế giàn khoan này sẽ mất khoảng 15 đến 17 tiếng đồng hồ.
Theo nguồn tin của VNTB, vào đêm 29-7, PVN và một số quan chức cao cấp của Việt Nam đã có một cuộc họp kín kéo dài đến khuya và cuộc họp này đã đi đến quyết định: hạ thủy chân đế giàn khoan vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-7.
Hôm 29-7, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu- trung tâm của ngành công nghiệp khai thác dầu khí Việt Nam, theo kế hoạch đã được định sẵn, một chân đế giàn khoan sẽ được hạ thủy để phục vụ cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt. Theo ghi nhận của VNTB, vào chiều tối ngày 29-7, có nhiều nguồn tin trái ngược nhau về sự kiện hạ thủy chân đế giàn khoan này.
Một nguồn tin của VNTB đề nghị dấu tên cho biết, chân đế giàn khoan này đã không được hạ thủy tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro vào ngày 29-7 như kế hoạch. Theo nguồn tin này, lẽ ra chân đế giàn khoan đã được hạ thủy vào ngày 29-7, sau khi được điều chỉnh phương vị, từ ngày 02-8-2019, tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro, chân đế giàn khoan này sẽ được xà lan kéo đến dự án dầu khí Sao Vàng -Đại Nguyệt. Xà lan kéo chân đế giàn khoan này là xà lan của Indonesia. Theo nguồn tin này, nhiều bộ phận chức năng của Công ty liên doanh dầu khí Việt- Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí( PTSC) đã được thông báo rằng, việc chân đế giàn khoan này không được hạ thủy vào ngày 29-7 là do trục trặc kỹ thuật. Khi được hỏi: “Liệu việc chân đế giàn khoan này không hạ thủy đúng kế hoạch là do trục trặc kỹ thuật hay là do một lý do chính trị nào đó?” nguồn tin này của VNTB trả lời bằng tiếng Anh rằng: “ No comment”( không bình luận).
Trong khi đó, vào lúc 20 giờ ngày 29-7, một nguồn tin khác từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam( PVN) của VNTB cho biết rằng, việc hạ thủy chân đế giàn khoan theo kế hoạch vào ngày 29-7 đã gặp chút ít trục trặc nhưng sẽ được nhanh chóng khắc phục và sẽ được hạ thủy. Tuy nhiên, nguồn tin này đã không cho biết thêm chi tiết.Theo tìm hiểu của VNTB và các nguồn tin thân cận, trong khuôn khổ dự án biển Đông sắp tới đây PVN sẽ hạ đặt một chân đế giàn khoan nặng 14.000 tấn tại bãi Tư Chính, cụ thể là ở lô 39 và lô 40/2(vị trí cụ thể là 05-1b và 05-1c )ở bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km về phía Đông Nam, ở mực nước sâu khoảng 120m., qua đó thiết lập một giàn khoan dầu khí. Dự án này, theo kế hoạch, sẽ khai thác dòng khí đốt tự nhiên (gas) vào quý 3-2020. Dự án này không chỉ có ý nghĩa kinh tế đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Dự án dầu khí này nằm trong dự án Biển Đông có sự tham gia của hai tập đoàn hùng mạnh của Nhật Bản là Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo. Một tiến sĩ chuyên ngành địa chất dầu khí biển nói với VNTB rằng, với sự hiện diện của hai tập đoàn hùng mạnh Nhật Bản tại dự án này, chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không có những động thái cứng rắn và thô bạo.
Tư liệu của VNTB còn ghi nhận rằng, trước đó ngày 11/8/2015 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 39 va lô 40/2 với Công ty Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo (Sumitomo Corporation).
Theo tìm hiểu của VNTB, dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt là một dự án thuộc Dự án Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 là một trong những định hướng lớn nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Dự án do Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 7 tỷ m3 khí/năm, nhằm mục tiêu thu gom khí từ các mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng - Đại Hùng và mỏ Sư Tử Trắng - giai đoạn 2 về Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn 2 (GPP2) để sản xuất các sản phẩm LPG, condensate và khí khô thương phẩm cấp cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ kích thích hoạt động thăm dò và khai thác tại khu vực nước sâu bể Nam Côn Sơn, đồng thời tạo tiền đề thay thế đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố trong chiến lược phát triển lâu dài của PVN và PV GAS.
Trong định hướng tổng thể đó, việc phát triển Dự án khí Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS. Dòng khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đầu tiên dự kiến về bờ vào cuối năm 2020 với tổng trữ lương khí khai thác dự kiến là 16 tỷ m3 khí sẽ góp phần tăng sản lượng khí lên khoảng gần 5 triệu m3 khí/ngày, bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ; trong đó nguồn cung khí cho sản xuất điện từ khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước.
Theo tìm hiểu của VNTB, vị trí 05-1b và 05-1c nằm rất gần lô 06.01 mà giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản đã khoan và đang khoan thăm dò tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn từ tháng 5-2019 theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu PVN và Rosneft của CHLB Nga. Từ tháng 6-2019 tới nay, tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã tiến hành khiêu khích giàn khoan Hakuryu bằng cách lượn lờ quanh giàn khoan này với khoảng cách 2 hải lý, trong khi theo công ước quốc tế biển, các phương tiện phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 3 hải lý. Vào ngày 27-7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược nói rằng Việt Nam đã xâm phạm bãi Tư Chính của Trung Quốc từ tháng 5-2019. Trên thực tế, Việt Nam đã khai thác khí tại lô 06.01 từ lâu. Tại Lô 06.01 vào năm 2000, các liên doanh nhà thầu PVN của Việt Nam, BP của Anh Quốc, Statoil của Na Uy, ONGC của Ấn Độ đã khai thác rất hiệu quả dự án khí Nam Côn Sơn Pipelines từ các mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ.
Liệu chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt “bị trục trặc chút xíu” hoặc “đã không được hạ thủy vào ngày 29-7” mà bất ngờ dời sang 2 giờ sáng ngày 30-7 có liên quan đến vấn đề kỹ thuật hay liên quan đến việc tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đang hoạt động địa chấn tại bãi Tư Chính và các tàu hải cảnh Trung Quốc đang quấy nhiễu giàn khoan Hakuryu tại lô 06.01, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Một nguồn tin của VNTB nói:” Tôi nghĩ là có vấn đề thuần túy kỹ thuật trong đó”, nhưng một nguồn tin khác lại cho rằng: “Có quá nhiều bí ẩn. PVN đã có nhiều kinh nghiệm chế tạo chân đế giàn khoan và có kinh nghiệm trong việc chế tạo toàn bộ giàn khoan. PVN ít khi lỗi hẹn về sản xuất. Có điều gì đó uẩn khuất”.
Vào sáng ngày 30-7, một quan chức trong ngành dầu khí nay đã nghỉ hưu nói với VNTB: “ Tất cả 67 lô dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta có quyền thăm dò và khai thác. Không ai có thể ép buộc hay bắt chúng ta phải làm điều gì. Dù có chậm trễ, chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt cũng đang được hạ thủy. Nó chứng tỏ rằng, Việt Nam và PVN không bị áp lực về chính trị, và không nhân nhượng”.
(Nguồn: vietnamthoibao.org)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao đường dây đánh bạc 10.000 tỷ tồn tại được ở Hải Phòng?


Trả lời Zing.vn, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nói cơ quan chức năng địa phương, kể cả công an, rất khó vào bên trong khu đô thị 100% vốn nước ngoài như Our City.
Trước nghi vấn tại sao đường dây đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City do người Trung Quốc điều hành với quy mô hàng nghìn tỷ có thể tồn tại thời gian dài; có hay không sự tiếp tay, bảo kê... Zing.vn có cuộc trao đổi với thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, người 9 năm làm Giám đốc Công an Hải Phòng (từ năm 2010 đến tháng 3/2019).
Theo thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, với bất kỳ vụ án nào, từ lúc phát hiện cho đến khi kết thúc đều có quá trình để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.
"Khi nào nắm được chắc rồi mới phá án vì có yếu tố nhạy cảm, liên quan đến quan hệ với quốc gia khác", thiếu tướng Đỗ Hữu Ca giải thích.
Tai sao duong day danh bac 10.000 ty ton tai duoc o Hai Phong? hinh anh 1 Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca. Ảnh: Tùng Lâm.
Trinh sát có thể mất nhiều năm
Theo tướng Ca, các nội dung cụ thể liên quan đến thời gian trinh sát phát hiện ổ nhóm tội phạm và quá trình phá án cần để lực lượng đang điều tra vụ án thông tin. Tuy nhiên, nguyên Giám đốc công an Hải Phòng khẳng định việc trinh sát có thể mất vài ba năm, thậm chí lâu hơn để thu thập chứng cứ rồi mới phá án. Vụ án nhanh hay chậm cũng cần tuân theo trình tự, quy trình.
Trước những nghi vấn về việc đường dây đánh bạc tồn tại lâu năm (khu đô thị Our City được cấp phép xây dựng từ năm 2005), từ thời ông Ca còn đứng đầu lực lượng công an Hải Phòng, vị tướng về hưu trả lời ngắn: "Tôi không quan tâm dư luận nói gì".
Đối với câu hỏi về việc nhận tin báo tố giác tội phạm hay điều tra, phát hiện ổ nhóm điều hành trang mạng đánh bạc 10.000 tỷ trong khu đô thị Our City, ông Ca không trả lời trực tiếp mà chỉ thông tin: "Giữa lực lượng ngày trước với lực lượng bây giờ đã có một quá trình làm việc".
Tai sao duong day danh bac 10.000 ty ton tai duoc o Hai Phong? hinh anh 2
Khu đô thị Our City được cấp phép xây dựng từ năm 2005, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hong Kong - Trung Quốc (Qia Feng Holdings Limited), đây là dự án BĐS đầu tiên của Việt Nam có 100% vốn nước ngoài.
Tai sao duong day danh bac 10.000 ty ton tai duoc o Hai Phong? hinh anh 2
Ảnh: Việt Linh.
Đề cập đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ án này, nguyên Giám đốc Công an Hải Phòng cho rằng khu đô thị Our City là dự án 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan chức năng trong nước rất khó khăn để vào bên trong. Muốn vào được nơi này phải có "biện pháp nghiệp vụ tế nhị".
"Công an hay lực lượng an ninh cũng vậy vì doanh nghiệp nước ngoài này khép kín nên mình vào rất khó khăn", tướng Ca trả lời.
400 người Trung Quốc, chỉ 27 người đăng ký tạm trú
Chiều 30/7, Zing.vn cũng liên hệ với đại tá Lê Ngọc Châu, Giám đốc Công an Hải Phòng, nhưng ông Châu chưa phản hồi.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch phường Hải Thành (quận Dương Kinh) - cho hay Our City thuộc doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Thẩm quyền quản lý, kiểm tra thuộc cơ quan chức năng thành phố.
"Công an phường báo cáo có 27 người Trung Quốc đăng ký tạm trú trong khu đô thị nhưng thời điểm công an đột kích có đến gần 400 người", ông Hưng nói.
Chủ tịch phường cũng cho biết khu đô thị Our City chưa từng xảy ra vụ việc nào gây mất an ninh, trật tự. Do đó, chính quyền nơi đây cũng chưa vào bên trong đô thị để kiểm tra, xử lý.
Theo ông Hưng, chỉ duy nhất năm 2018, có một lần đoàn thanh tra thuộc Sở Tài Nguyên & Môi trường Hải Phòng cùng tổ công tác quận và phường vào trong khu đô thị để thống nhất việc xả thải ra môi trường.
Xử lý cứng rắn với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam
Trong khi đó nói với Zing.vn, thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an) nhìn nhận việc tổ chức tội phạm trong vỏ bọc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hoặc công ty liên doanh không mới, nhưng đang có xu hướng ngày càng phổ biến và diễn ra với quy mô lớn.
"Từ đây, chúng ta phải xem về phía người Việt Nam có ai tiếp tay không để giải quyết triệt để. Nếu chỉ có người Trung Quốc hoạt động phạm pháp là chuyện khác, nhưng biết đâu đằng sau đó có người Việt bao che, bảo kê, tạo điều kiện cho tội phạm nước ngoài lộng hành", thiếu tướng Lê Văn Cương nói.
Bằng kinh nghiệm lâu năm trong ngành, ông "tin đa số vụ tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam có liên quan đến người Việt Nam, bởi nếu chỉ có mình họ khó mà hoạt động trót lọt".
Nêu giải pháp, tướng Cương cho rằng quan trọng nhất phải siết chặt quản lý hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam, kiểm tra lại toàn bộ các khâu trong hệ thống pháp luật và các bước quản lý, kiểm soát người nước ngoài và việc bố trí lực lượng giám sát.
Ông cũng đề nghị xử lý cứng rắn tội phạm nước ngoài gây án ở Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài phạm tội phải được xử lý đúng pháp luật Việt Nam, như người Việt Nam phạm tội. Chúng ta cũng đừng lo việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến yếu tố ngoại giao, vì đã là tội phạm thì không có bất cứ quốc gia nào dung túng. Về nguyên tắc ngoại giao được công khai, nước nào cũng khẳng định quyết tâm chung tay phòng chống tội phạm.
"Vì thế, xử lý không lo sợ, đừng mơ hồ, vì đó là việc làm công khai, minh bạch, đàng hoàng. Người Trung Quốc phạm tội ở Việt Nam thì ta thông báo với Trung Quốc, thậm chí mời họ dự phiên tòa để biết hành vi của công dân nước họ đã vi phạm Bộ luật Hình sự của Việt Nam", tướng Cương nói.
Ngày 30/7, cơ quan chức năng Việt Nam chuẩn bị bàn giao 380 người Trung Quốc vận hành đường dây đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City cho công an nước này.
Bộ Công an cho biết nhóm này hoạt động 24/7, khép kín và gần như không tiếp xúc với người ngoài. Đây là tổ chức tội phạm có phương thức thủ đoạn hoạt động mới, thực hiện trên không gian mạng, được tổ chức trong “vỏ bọc” của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đường dây đánh bạc qua mạng lớn nhất ở khu đô thị 100% vốn nước ngoài
- Chiều 28/7, hàng trăm cảnh sát ập vào khu đô thị Our City (quận Kinh Dương, Hải Phòng), bắt quả tang gần 400 người mang quốc tịch Trung Quốc đang điều hành các trang web đánh bạc cho công dân nước này tham gia. Việc phong tỏa khu đô thị, lấy lời khai được thực hiện suốt cả ngày hôm sau.
- Kết quả xác minh ban đầu cho thấy người cầm đầu nhóm này ở nước ngoài, Our City chỉ là nơi đặt máy móc vận hành đường dây. Ban chuyên án thu giữ gần 2.000 điện thoại di động, hơn 500 máy tính các loại cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan. Công an bước đầu xác định số tiền giao dịch trên hệ thống đánh bạc là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng). Đây là đường dây đánh bạc có quy mô, số lượng người nước ngoài và lượng tiền giao dịch lớn nhất từ trước đến nay.
- Our City được cấp phép xây dựng từ năm 2005, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam thuộc Tập đoàn Hiệp Phong Hong Kong - Trung Quốc (Qia Feng Holdings Limited), đây là dự án BĐS đầu tiên của Việt Nam có 100% vốn nước ngoài. Dự án rộng 43 ha, tổng diện tích xây dựng hơn 680.000 m2, chia làm 6 khu gồm 5 khu nhà sinh thái với các biệt thự đơn lập, biệt thự liền kề và một khu thương mại tổng hợp cỡ lớn. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 85 triệu USD.
Hoàng Lam /Zing


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

Thư ngỏ gửi ngài Hồ Cẩm Đào



Đinh Kim Phúc 

Sau 10 năm, đọc lại thư này để nhớ một thời bị lên bờ xuống ruộng 
ở Đại học Mở TP HCM.
Thư ngỏ gửi ngài Hồ Cẩm Đào

Ngày 11 tháng 10 năm 2009
 
Kính gửi: – Ngài Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa,
– Cùng Ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc,

Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại buổi lễ mít tinh chào mừng 60 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ngài đã phát biểu rằng: “Trung Quốc sẽ kiên định bất di bất dịch kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ, kiên trì con đường phát triển hòa bình, thi hành chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng, phát triển hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, tiếp tục cùng với nhân dân các nước trên thế giới thúc đẩy sự nghiệp cao cả hoà bình và phát triển của nhân loại, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hoà có nền hoà bình bền vững và phồn vinh chung”. Tôi tin là như vậy.

Cũng ngày hôm ấy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam Tôn Quốc Tường trong khi trả lời trực tuyến với bạn đọc VietNamNet cũng đã nhiều lần nhấn mạnh lòng tin và thương lượng hòa bình là cơ sở để giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. Ngài Đại sứ đã nói: “Trong ngoại giao Trung Quốc, chúng tôi luôn phản đối nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào trên các diễn đàn quốc tế đã nêu muốn xây dựng thế giới hài hòa. Từ hài hòa có nghĩa là Trung Quốc luôn kiên trì quan điểm “cầu đồng, tồn dị”. Chúng tôi luôn tôn trọng sự phát triển đa nguyên của các nước trên thế giới, không yêu cầu các nước trên thế giới phải phát triển giống Trung Quốc, tôn trọng văn minh, lịch sử của các nước, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, có hiểu biết lẫn nhau”…“Chủ trương của chúng tôi là Chính phủ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam”… “Vấn đề còn tồn tại do lịch sử để lại như biển Đông sẽ cùng giải quyết bằng bàn bạc, hữu nghị, hòa bình”. Tôi cũng tin là như vậy.

Nhưng vào đúng cái ngày mà Quý Ngài đang nói những lời hay ý đẹp đó thì những ngư dân Việt Nam trên đường tránh bão trên biển Đông đã bị các lực lượng hữu quan của nhà nước Trung Quốc hành xử như một lũ côn đồ, và đó không phải là lần đầu mà ngư dân Việt Nam gánh chịu.

Thưa Quý Ngài,

Chắc Quý Ngài cũng đã biết Việt Nam đã không cư xử với người dân Trung Quốc đánh cá trên Biển Đông như cách mà Chính quyền Trung Quốc vẫn thường làm với ngư dân người Việt. Vậy thì những ngôn từ tốt đẹp xuất phát từ những người lãnh đạo cao nhất của nước CHND Trung Hoa là trực ngôn hay xảo ngôn?

Nhìn lại mối quan hệ hàng ngàn năm qua giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa, dân tộc chúng tôi đã trả giá quá đắt cho mối quan hệ đó. Nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, chính vì lẽ đó mà ông cha chúng tôi đã luôn phải nhún nhường đối với các nhà nước phương Bắc để bảo vệ nền hoà bình cho đất nước nhỏ bé của mình. Bao nhiêu đó chưa đủ sao?

Thưa Quý Ngài,

Nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam hết sức gìn giữ quan hệ với Trung Quốc. Có thể nói, phía Việt Nam đã làm hết sức mình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc thì ngược lại (thí dụ như trên một số website của Trung Quốc có những bài viết làm xấu đi quan hệ hai nước, như việc mạng Sina.com đăng tải kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày, Thời báo Hoàn cầu có nhiều bài nói xấu Việt Nam…).

Thưa Quý Ngài, Trong lịch sử mối quan hệ giữa hai nước, có bao giờ Việt Nam tiến công trước để xâm lược Trung Quốc chưa?

Câu trả trả lời là rất rõ ràng: Chưa bao giờ! Và nếu có! Chỉ duy nhất một lần, Lý Thường Kiệt phải ra tay trước nhưng hành động đó là để bẻ gãy ý đồ xâm lược của ngoại bang!

Là người dân Việt, chúng tôi vẫn nhớ:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có”.

Đó là Tuyên ngôn độc lập của đất nước chúng tôi và Quý Ngài cũng phải rõ.

Cuối cùng, tôi muốn nhắn đến Quý Ngài một trong những quy luật trong sử Việt:

– Có vó ngựa Nguyên Mông là xuất hiện ngay Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

– Có giặc Minh xâm lược là có ngay Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa.

– Có xâm lược nhà Thanh là có ngay Hoàng đế Quang Trung.

– …

Xin gửi đến Quý Ngài lời chào trân trọng.

Kính thư
Một công dân nước Việt
ĐINH KIM PHÚC


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư Chính: Trung Quốc ngoan cố khiến Việt Nam phản ứng mạnh


Đường đi chằng chịt của chiếc Hải Dương Địa Chất 8 Trung Quốc tại bãi Tư Chính của Việt Nam từ ngày 3 đến 28/07/2019.


Trước sự kiện Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra Tuyên bố về Biển Đông. Cho đến sáng hôm qua 29/07/2019 đã có 14 tổ chức và khoảng 750 người ký vào tuyên bố.

RFI Việt ngữ đã trao đổi với phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm chủ trương bản tuyên bố trên, về vấn đề này.

RFI: Kính chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Như vậy là một lần nữa Trung Quốc lại xâm phạm biển đảo Việt Nam, và một lần nữa các tổ chức xã hội dân sự lại phải ra tuyên bố…

PGS Hoàng Dũng : Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải lên tiếng tố cáo trước Hội đồng Bảo an, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của Việt Nam, vì khi có trộm cướp xâm nhập, thì điều đầu tiên là chủ nhà phải la làng. Nếu không la làng, không chỉ rõ là ai xâm phạm nhà anh một cách bất hợp pháp, chính anh không kêu lên thì ai có thể cứu anh được. Làm sao thuyết phục người khác là anh có chính nghĩa.

Bên cạnh đó còn đề nghị chuẩn bị kiện Trung Quốc. Không ít người cho rằng Philippines tuy thắng kiện nhưng vẫn không làm gì được Trung Quốc, vậy Việt Nam đi kiện liệu có lợi gì không, ông thấy ý kiến này như thế nào ?

Ý kiến đó không đúng đâu, vì kiện chỉ là một khâu trong những việc cần phải làm. Nếu coi kiện là khâu cuối cùng, đến đó là xong, suy nghĩ này mới là sai lầm ; còn nếu coi kiện chỉ là bước khởi đầu thôi, thì rất đúng. Đây là việc cần phải làm. Không thể để kẻ cướp vào nhà mà không chịu la lên, không đưa ra trước công luận. Mà tên cướp này cũng đặc biệt, người ta đã la làng đến như thế mà vẫn cố cãi !

Trước mặt công luận Trung Quốc khó lòng biện bạch được, khi đã có phán quyết của một tòa án quốc tế rằng việc làm của họ là sai trái. Trung Quốc càng cố cãi, càng mất uy tín trước công luận.

Thưa ông, không chỉ tố cáo trước quốc tế, có lẽ còn cần tuyên truyền rộng rãi hơn. Bản tin của các hãng thông tấn thường gọi là vùng tranh chấp, trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là vùng tranh chấp…

Đúng, đặt vấn đề như vậy rất chính xác. Nếu nói vùng tranh chấp tức là chúng ta rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Họ muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi đã có tranh chấp thì phải có nhân nhượng. Đương nhiên là chủ nhà nhân nhượng, thành ra thằng ăn trộm ít nhiều cũng vơ được cái gì đó.

Trước hành động của Trung Quốc thì Việt Nam lần này đã hành xử khác với tất cả những lần trước. Một là đi đến động thái được coi là mạnh mẽ trong ngoại giao : trao công hàm phản đối. Thứ hai là nêu đích danh Trung Quốc. Chắc là những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn phân vân. 

Lúc đầu thì lên tiếng nói đó là vùng biển của Việt Nam, lên án mọi sự xâm phạm nhưng không hề nhắc đến Trung Quốc. Nhưng đến lần thứ hai sau đó vài ngày thì thái độ rất khác, nói thẳng tên Trung Quốc, một điều hiếm có. Và điểm đáng lưu ý là theo tin của chính đài RFI, Trung Quốc đề nghị Việt Nam rút các giàn khoan ở bãi Tư Chính về, thì họ sẽ rút tàu Hải Dương Địa Chất đi. Thế nhưng bằng hành động, Việt Nam đã dứt khoát bác bỏ. Việt Nam đã công bố gia hạn thời gian làm việc của các giàn khoan ở bãi Tư Chính. Đó là điều chưa từng có. 

Một mặt chính quyền không thể nào không lên tiếng, nếu không sẽ mất đi tính chính danh với nhân dân. Anh là người quản lý đất nước, ăn lương từ tiền thuế dân đóng góp, thế nhưng khi có kẻ cướp vào nhà anh im tiếng thì rõ ràng sẽ mất uy tín. 

Tuy nhiên qua nhiều lần như vậy người dân phản ứng bằng cách đi biểu tình. Mà biểu tình không chỉ ở một số nơi, mà lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính cái đó làm nhà nước sợ. Nhà nước một mặt cần nhân dân ủng hộ trong động thái mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại sợ sự ủng hộ đó biến thành hành động biểu tình, dẫn đến nhiều chuyện không kiểm soát được. Chính vì thế trong nội dung tuyên bố, chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề về dân chủ.
Phó giáo sư Hoàng Dũng
 
Nhưng cho tới nay vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình nào, có lẽ người dân bất mãn vì những lần xuống đường chống Trung Quốc trước đây đã bị chính quyền trấn áp ?

Đúng, chúng tôi thấy điều đó rất đáng suy nghĩ. Người dân yêu nước phải theo cách nhà nước quy định. Đi biểu tình thực ra phù hợp với Hiến pháp, nhưng không được nhà nước cho phép. Yêu nước không có giấy phép thành yêu nước « lậu », và « lậu » thì người ta trừng trị. Trong việc trừng trị tội yêu nước « lậu »  ấy, nhà nước rất nặng tay. Chúng ta thấy không hiếm những  hình ảnh người đi biểu tình bị đánh.

Tôi nhớ một anh bạn là kỹ sư Trần Bang trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã bị đánh máu me đầy mặt trên đường phố Sài Gòn. Chính những cái đó làm cho khi nhà nước lên tiếng mạnh mẽ như vậy, chỉ có báo chí lề phải nói thôi, còn người dân im lìm không có một động thái nào cả. Điều đó người nào có trách nhiệm quản lý đất nước phải suy nghĩ, và tôi cho rằng họ phải duyệt xét lại toàn bộ chiến lược đối với người dân trong mối liên quan đến chống Trung Quốc như thế nào.

Có lẽ cần phải ban hành luật biểu tình, một đạo luật cần thiết mà lâu nay vẫn chưa ra được ?

Trong một chế độ như ở Việt Nam nếu có luật biểu tình đi nữa thì thực chất đó là luật chống biểu tình, tức là họ làm thế nào hạn chế được biểu tình nhiều nhất. Chính vì họ chưa tìm được cách làm sao cho hiệu quả nên người ta không công bố được. Chứ nếu luật biểu tình thực chất là tạo điều kiện cho người dân biểu tình, thì tôi cho là đơn giản hơn rất nhiều.

Thưa ông vì sao lại đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ?

Ngày nay một nước mạnh như Mỹ còn phải đặt vấn đề hợp tác, huống gì một nước nghèo và yếu như Việt Nam. Ai cũng thấy rằng một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc, thì sức mạnh hết sức chênh lệch. Cho nên việc hợp tác với các quốc gia khác là điều dễ hiểu và tất yếu. 

Trên thực tế nếu liên minh được với Hoa Kỳ sẽ là sức mạnh răn đe tốt nhất đối với Trung Quốc. Bởi vì Hoa Kỳ có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông và có đủ sức mạnh để Trung Quốc phải kiêng dè. Các nước khác đương nhiên cũng cần phải hợp tác, nhưng mạnh mẽ nhất phải là với Mỹ. Vì thế trong tuyên bố ở điều số 3, quốc gia đầu tiên chúng tôi nhắc đến là Mỹ. Còn các nước khác dùng cụm từ chung hơn, là các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.

Có nhiều ý kiến cho rằng có lẽ chính quyền Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ vì sợ phản ứng của Trung Quốc ở sát bên cạnh ?

Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy Việt Nam bắt đầu có xu hướng xích gần lại với Mỹ, ngay cả trong lãnh vực quốc phòng. Mới gần đây thôi Việt Nam tiếp nhận một số tàu cho cảnh sát biển, việc này có ý nghĩa biểu tượng lớn chứ không phải nhỏ đâu. Tuy mình cho rằng việc hợp tác như vậy là quá chậm so với yêu cầu, nhưng không thể không khẳng định xu hướng hợp tác ngày càng mạnh hơn so với trước.

Hiện nay thông tin về xung đột ở Biển Đông trên báo chí quốc tế không nhiều, hầu hết tập trung vào Trung Đông. Phải chăng Trung Quốc có tính toán đến khi xâm phạm vùng biển Việt Nam vào lúc này ?

Việc chọn lựa thời cơ thì Trung Quốc là nước trong quá khứ được coi là bậc thầy. Chẳng hạn xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc,  họ chọn thời điểm đối với Việt Nam rất bất lợi. Cho nên lần này việc họ chọn lúc các cường quốc trên thế giới phải lưu tâm đến nhiều chuyện khác để phân tán sự chú ý tới Biển Đông, là chuyện rất dễ hiểu.

Tôi hoàn toàn tán thành suy nghĩ Trung Quốc khi đưa tàu đến bãi Tư Chính là họ đã chọn thời điểm. Có điều thời điểm đó là một sự lăng nhục Việt Nam, vì ta nhớ rằng vụ bãi Tư Chính nổ ra đúng lúc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đang thăm Trung Quốc. Một nước luôn luôn nói rằng « 4 tốt 16 chữ vàng » với Việt Nam, nhưng lại lợi dụng đúng lúc người ta đến thăm cấp cao, lại đi xâm phạm đất đai của vị thượng khách ấy. Tôi cho rằng điều đó là hết sức trơ tráo !

Việt Nam cho tới bây giờ đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng đến hôm nay tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở bãi Tư Chính. Trong thế giới đảo điên ngày nay, đành để cho luật của kẻ mạnh ngự trị ? 

Tất nhiên Trung Quốc là kẻ mạnh, nên khi Việt Nam hô hoán trước công luận thế giới, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bỏ qua. Nhưng vấn đề là Việt Nam rút ra kinh nghiệm gì để đối phó với Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là điều may cho Việt Nam, khi Trung Quốc quá ngoan cố như vậy ! Trong khi Việt Nam đã dùng tất cả những biện pháp hòa bình mà vẫn không đạt được mục tiêu, thì đó là một sức ép đẩy lãnh đạo Việt Nam phải dùng những biện pháp như hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước khác, nhất là Mỹ. Kẻ mạnh chỉ sợ khi nào đối thủ của họ tỏ ra mạnh hơn.

Và một điều không thể thiếu khi muốn chống ngoại xâm là lòng dân ?

Đúng, ngay đề nghị đầu tiên của chúng tôi là như thế. Là phải tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức thánh Trần Hưng Đạo khoan sức dân…Như vậy việc đầu tiên chúng tôi đặt ra là nội lực hợp tác nước này nước kia nhất định phải làm nhưng không chỉ trông cậy vào đó quan trọng là thực sự anh có mạnh không chỉ có thể làm được nếu có chính sách nội trị tốt cho nên việc nhà nước đứng ra chống chọi với Trung Quốc sẽ cảm thấy tự tin vì sau lưng là cả một đất nước cả một dân tộc



Phần nhận xét hiển thị trên trang