Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

Bất chấp sự quấy nhiễu của Trung cộng ngoài bãi Tư Chính,Việt Nam vẫn quyết định cho hạ thuỷ giàn khoan nặng 14.000 tấn:



Việt Nam và PVN không bị áp lực chính trị hay có gì ẩn khuất?
Tâm Don
(VNTB)“ Tất cả 67 lô dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta có quyền thăm dò và khai thác. Không ai có thể ép buộc hay bắt chúng ta phải làm điều gì. Dù có chậm trễ, chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt cũng đang được hạ thủy. Nó chứng tỏ rằng, Việt Nam và PVN không bị áp lực về chính trị, và không nhân nhượng”.Sau một thời gian ngắn trì hoãn và đắn đo, vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-7 tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro ở Vũng Tàu, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam ( PVN) đã tiến hành hạ thủy chân đế giàn khoan nặng 14.000 tấn và cao 110 mét để phục vụ cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt nằm ngoài khơi tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Việc hạ thủy chân đế giàn khoan này sẽ mất khoảng 15 đến 17 tiếng đồng hồ.
Theo nguồn tin của VNTB, vào đêm 29-7, PVN và một số quan chức cao cấp của Việt Nam đã có một cuộc họp kín kéo dài đến khuya và cuộc họp này đã đi đến quyết định: hạ thủy chân đế giàn khoan vào lúc 2 giờ sáng ngày 30-7.
Hôm 29-7, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu- trung tâm của ngành công nghiệp khai thác dầu khí Việt Nam, theo kế hoạch đã được định sẵn, một chân đế giàn khoan sẽ được hạ thủy để phục vụ cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt. Theo ghi nhận của VNTB, vào chiều tối ngày 29-7, có nhiều nguồn tin trái ngược nhau về sự kiện hạ thủy chân đế giàn khoan này.
Một nguồn tin của VNTB đề nghị dấu tên cho biết, chân đế giàn khoan này đã không được hạ thủy tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro vào ngày 29-7 như kế hoạch. Theo nguồn tin này, lẽ ra chân đế giàn khoan đã được hạ thủy vào ngày 29-7, sau khi được điều chỉnh phương vị, từ ngày 02-8-2019, tại cảng chuyên dụng dầu khí Vietsovpetro, chân đế giàn khoan này sẽ được xà lan kéo đến dự án dầu khí Sao Vàng -Đại Nguyệt. Xà lan kéo chân đế giàn khoan này là xà lan của Indonesia. Theo nguồn tin này, nhiều bộ phận chức năng của Công ty liên doanh dầu khí Việt- Nga Vietsovpetro, Tổng Công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí( PTSC) đã được thông báo rằng, việc chân đế giàn khoan này không được hạ thủy vào ngày 29-7 là do trục trặc kỹ thuật. Khi được hỏi: “Liệu việc chân đế giàn khoan này không hạ thủy đúng kế hoạch là do trục trặc kỹ thuật hay là do một lý do chính trị nào đó?” nguồn tin này của VNTB trả lời bằng tiếng Anh rằng: “ No comment”( không bình luận).
Trong khi đó, vào lúc 20 giờ ngày 29-7, một nguồn tin khác từ Tập đoàn dầu khí Việt Nam( PVN) của VNTB cho biết rằng, việc hạ thủy chân đế giàn khoan theo kế hoạch vào ngày 29-7 đã gặp chút ít trục trặc nhưng sẽ được nhanh chóng khắc phục và sẽ được hạ thủy. Tuy nhiên, nguồn tin này đã không cho biết thêm chi tiết.Theo tìm hiểu của VNTB và các nguồn tin thân cận, trong khuôn khổ dự án biển Đông sắp tới đây PVN sẽ hạ đặt một chân đế giàn khoan nặng 14.000 tấn tại bãi Tư Chính, cụ thể là ở lô 39 và lô 40/2(vị trí cụ thể là 05-1b và 05-1c )ở bể Nam Côn Sơn, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 350km về phía Đông Nam, ở mực nước sâu khoảng 120m., qua đó thiết lập một giàn khoan dầu khí. Dự án này, theo kế hoạch, sẽ khai thác dòng khí đốt tự nhiên (gas) vào quý 3-2020. Dự án này không chỉ có ý nghĩa kinh tế đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa khẳng định chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam. Dự án dầu khí này nằm trong dự án Biển Đông có sự tham gia của hai tập đoàn hùng mạnh của Nhật Bản là Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo. Một tiến sĩ chuyên ngành địa chất dầu khí biển nói với VNTB rằng, với sự hiện diện của hai tập đoàn hùng mạnh Nhật Bản tại dự án này, chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không có những động thái cứng rắn và thô bạo.
Tư liệu của VNTB còn ghi nhận rằng, trước đó ngày 11/8/2015 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ ký hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 39 va lô 40/2 với Công ty Idemitsu Kosan (Idemitsu Kosan Co.Ltd.,) và Tập đoàn Sumitomo (Sumitomo Corporation).
Theo tìm hiểu của VNTB, dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt là một dự án thuộc Dự án Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2 là một trong những định hướng lớn nằm trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Dự án do Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 7 tỷ m3 khí/năm, nhằm mục tiêu thu gom khí từ các mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt, Thiên Ưng - Đại Hùng và mỏ Sư Tử Trắng - giai đoạn 2 về Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn 2 (GPP2) để sản xuất các sản phẩm LPG, condensate và khí khô thương phẩm cấp cho các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ. Đây cũng là dự án được kỳ vọng sẽ kích thích hoạt động thăm dò và khai thác tại khu vực nước sâu bể Nam Côn Sơn, đồng thời tạo tiền đề thay thế đường ống Bạch Hổ - Dinh Cố trong chiến lược phát triển lâu dài của PVN và PV GAS.
Trong định hướng tổng thể đó, việc phát triển Dự án khí Sao Vàng - Đại Nguyệt thuộc Lô 05-1b và 05-1c, bể Nam Côn Sơn là tiền đề cho sự phát triển của chuỗi Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2, một trong những dự án trọng điểm của PV GAS. Dòng khí Sao Vàng - Đại Nguyệt đầu tiên dự kiến về bờ vào cuối năm 2020 với tổng trữ lương khí khai thác dự kiến là 16 tỷ m3 khí sẽ góp phần tăng sản lượng khí lên khoảng gần 5 triệu m3 khí/ngày, bổ sung cho các nguồn khí hiện hữu đang suy giảm để cung cấp và đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ; trong đó nguồn cung khí cho sản xuất điện từ khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện cả nước.
Theo tìm hiểu của VNTB, vị trí 05-1b và 05-1c nằm rất gần lô 06.01 mà giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật Bản đã khoan và đang khoan thăm dò tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn từ tháng 5-2019 theo hợp đồng đã ký với các nhà thầu PVN và Rosneft của CHLB Nga. Từ tháng 6-2019 tới nay, tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã tiến hành khiêu khích giàn khoan Hakuryu bằng cách lượn lờ quanh giàn khoan này với khoảng cách 2 hải lý, trong khi theo công ước quốc tế biển, các phương tiện phải bảo đảm khoảng cách tối thiểu 3 hải lý. Vào ngày 27-7 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược nói rằng Việt Nam đã xâm phạm bãi Tư Chính của Trung Quốc từ tháng 5-2019. Trên thực tế, Việt Nam đã khai thác khí tại lô 06.01 từ lâu. Tại Lô 06.01 vào năm 2000, các liên doanh nhà thầu PVN của Việt Nam, BP của Anh Quốc, Statoil của Na Uy, ONGC của Ấn Độ đã khai thác rất hiệu quả dự án khí Nam Côn Sơn Pipelines từ các mỏ khí Lan Tây, Lan Đỏ.
Liệu chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt “bị trục trặc chút xíu” hoặc “đã không được hạ thủy vào ngày 29-7” mà bất ngờ dời sang 2 giờ sáng ngày 30-7 có liên quan đến vấn đề kỹ thuật hay liên quan đến việc tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc đang hoạt động địa chấn tại bãi Tư Chính và các tàu hải cảnh Trung Quốc đang quấy nhiễu giàn khoan Hakuryu tại lô 06.01, vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Một nguồn tin của VNTB nói:” Tôi nghĩ là có vấn đề thuần túy kỹ thuật trong đó”, nhưng một nguồn tin khác lại cho rằng: “Có quá nhiều bí ẩn. PVN đã có nhiều kinh nghiệm chế tạo chân đế giàn khoan và có kinh nghiệm trong việc chế tạo toàn bộ giàn khoan. PVN ít khi lỗi hẹn về sản xuất. Có điều gì đó uẩn khuất”.
Vào sáng ngày 30-7, một quan chức trong ngành dầu khí nay đã nghỉ hưu nói với VNTB: “ Tất cả 67 lô dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Chúng ta có quyền thăm dò và khai thác. Không ai có thể ép buộc hay bắt chúng ta phải làm điều gì. Dù có chậm trễ, chân đế giàn khoan cho dự án Sao Vàng- Đại Nguyệt cũng đang được hạ thủy. Nó chứng tỏ rằng, Việt Nam và PVN không bị áp lực về chính trị, và không nhân nhượng”.
(Nguồn: vietnamthoibao.org)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: