Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2019

NGƯỜI NGHỆ SĨ NHƯ MỘT CHỨNG NHÂN CHO TỰ DO


( Bài nói của Albert Camus năm 1947 )
PHẠM ANH TUẤN dịch
Chúng ta đang sống ở thời con người bị cưỡng ép bởi những ý thức hệ tầm thường và tàn bạo cho nên đã mắc phải tâm thái thấy xấu hổ về mọi thứ, xấu hổ về bản thân mình, xấu hổ khi hạnh phúc, xấu hổ khi yêu, xấu hổ khi sáng tác. Đây là thời mà nếu Racine sống lại chắc ông sẽ xấu hổ vì đã viết vở Berenice, còn Rembrandt để được xin thứ lỗi vì đã vẽ bức The Night Watch có lẽ ông sẽ vội vã đến đăng ký tại trụ sở đảng gần nhất. Những người viết văn và nghệ sĩ ngày hôm nay đang mắc căn bệnh về lương tâm; mốt thời thượng của các nhà văn và nghệ sĩ bây giờ là thích tỏ ra hối hận vì đã theo đuổi nghề này. Và nói thật là người ta cũng đang sốt sắng khuyến khích chúng ta hối hận như vậy. Trong xã hội lệ thuộc chính trị ngày nay chỗ nào cũng nghe thấy tiếng kêu gào đòi chúng ta hãy tự chứng tỏ mình đi.
Chúng ta buộc phải bào chữa rằng chúng ta vô dụng và đồng thời bởi chính sự vô dụng này mà chúng ta đang phục vụ những sự nghiệp bỉ ổi. Khi chúng ta đáp lại rằng chẳng dễ dàng gì tự gột sạch mình khỏi những lời buộc tội đầy mâu thuẫn nói trên thì chúng ta được bảo rằng con người ta không thể nào tự mình bào chữa cho bản thân theo con mắt của tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể xin được sự tha thứ hào phóng của một số ít người bằng cách đứng về phe với họ, và miễn là phải tin tưởng vào số ít đó, thế thì đó là sự tha thứ duy nhất đúng là tha thứ. Nếu kiểu lí lẽ này không gây tác dụng như mong đợi, người nghệ sĩ được họ bảo là: "Hãy nhìn tình cảnh khốn khổ của thế giới này. Các anh đang làm gì vì nó." Đáp lại sự hăm dọa cay độc này, có thể người nghệ sĩ sẽ trả lời: "Sự khốn khổ của thế giới này ư? Tôi đâu có góp thêm bất cứ điều gì vào sự khốn khổ đó. Ai trong số các người có thể nói được như chúng tôi?" Nhưng sự thật vẫn là chẳng có ai trong chúng ta, nếu như y là kẻ có lương tâm, lại có thể tiếp tục lãnh đạm trước lời kêu gào cất lên từ một nhân loại đang tuyệt vọng. Vì thế chúng ta buộc phải cảm thấy có lỗi, bất chấp điều gì đi nữa. Như vậy là chúng ta bị lôi vào cái buồng thú tội ở ngay giữa cuộc đời, mà đó mới chính là nơi thú tội khó khăn nhất.
Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Sự lựa chọn chúng ta được đòi hỏi phải có lại không phải là mang tính chất đương nhiên; nó được quyết định bởi những sự lựa chọn khác trước đó. Và sự lựa chọn đầu tiên mà một người nghệ sĩ phải thực hiện chính là sự lựa chọn làm một người nghệ sĩ; nếu anh ta đã lựa chọn làm một người nghệ sĩ, đó là bởi vì những gì bản thân anh ta đang là và bởi vì một quan niệm nào đó do anh ta đã hình thành trước đó về thế nào là nghệ thuật. Và nếu đây là những lí do đủ tốt để biện minh cho sự lựa chọn đầu tiên của anh ta thế thì sẽ có cơ may là chúng sẽ tiếp tục đủ tốt để định nghĩa thái độ của anh ta đối với lịch sử. Bởi vì ai cũng đều buộc phải tự biện minh cho chính bản thân mình, cho nên tôi muốn nói rõ tại sao người nghệ sĩ lại có lí do biện minh cho việc theo đuổi trong giới hạn thế mạnh và tài năng của mình một nghề nghiệp cho phép mỗi người nghệ sĩ có quyền nói bằng tất cả sự thanh thản trong lòng giữa một thế giới đang tàn lụi vì hận thù, rằng anh ta không phải là kẻ thù không đội trời chung của bất cứ ai. Nhưng nếu vậy lại cần phải nói điều gì đó về thế giới chúng ta đang sống và những gì là phận sự chúng ta phải làm ở đó.
II
Thế giới quanh chúng ta đang diễn ra theo cách tồi tệ và chúng ta được đòi hỏi phải làm điều gì đó để thay đổi nó. Nhưng tồi tệ theo cách như thế nào? Thoạt nhìn, điều tồi tệ có thể được xác định đơn giản như sau: trong những năm gần đây đã có rất nhiều sự giết chóc trên thế giới và có người dự đoán là sự giết chóc còn tiếp tục diễn ra nữa. Có quá nhiều người chết đến nỗi không khí rút cục đã trở nên ngột ngạt. Dĩ nhiên giết chóc không phải là điều gì mới mẻ. Lịch sử theo cách hiểu chính thức xưa nay là câu chuyện về những kẻ rất giỏi việc giết người và đâu chỉ hôm nay Cain mới giết Abel. Nhưng chỉ hôm nay thì Cain mới giết Abel nhân danh sự hợp lô-gich và sau đó đòi được thưởng huân chương.
Trong đợt đình đông lớn hồi tháng 11 năm 1947, báo chí thông báo nhân viên đao phủ của Paris, ông Desfourneau, cũng sẽ ngừng làm việc. Theo suy nghĩ của tôi thì người ta chưa quan tâm đầy đủ tới quyết định nói trên của người đồng bào này của tôi. Ông ta đã đưa ra yêu cầu rõ ràng. Theo lẽ tự nhiên thì ông ta đòi hỏi một khoản tiền thưởng cho mỗi một vụ hành quyết, đó là điều thông thường ở bất kỳ nghề nghiệp nào. Nhưng điều quan trọng là ông ta đã quyết đòi được phong chức viên chánh lục sự tại tòa án. Ông ta muốn nhận được từ nhà nước mà ông ta cảm thấy đã phục vụ tận tụi sự ban tặng duy nhất, niềm danh dự xác thực duy nhất mà một quốc gia hiện đại có thể trao cho những công bộc trung thành của nó: một địa vị trong chính quyền. Như vậy là một trong những nghề nghiệp tự do cuối cùng của chúng ta, do sự ảnh hưởng của lịch sử, đã sắp đi đến hồi chấm dứt.
Ở thời đại dã man, một ánh hào quang khủng khiếp đã cho phép người đao phủ được vượt quá những giới hạn cho phép. Y là người do nghề nghiệp của mình đã đặt đôi bàn tay hung bạo lên sự bí ẩn của sự sống và thịt da con người. Y là và y biết mình là một đối tượng gây ra sự ghê tởm. Và sự ghê tởm này đã đồng thời thần thánh hóa giá trị của sự sống con người. Ngày nay thì y chỉ đơn thuần là một đối tượng của sự nhục nhã. Trong hoàn cảnh này thì rõ ràng y đã đúng khi không còn muốn là người bà con tội nghiệp mà người ta tiếp đón trong phòng bếp bởi vì những móng tay bẩn thỉu của y. Trong một nền văn minh nơi giết người và bạo lực là những học thuyết và đang trở thành những định chế thì đao phủ hoàn toàn có quyền gia nhập chính quyền. Sự thực là người Pháp chúng ta hơi lạc hậu so với thời cuộc. Những kẻ hành quyết ở hầu hết các nước trên thế giới đều đã được đặt vào những ghế bộ trưởng. Họ chỉ đơn thuần thay chiếc rìu bằng con dấu.
Khi sự chết trở thành một vấn đề thuộc về thống kê và của chính quyền thì điều này có nghĩa là sự sống cũng trở nên trừu tượng. Sự sống của mỗi con người chắc chắn sẽ trở thành trừu tượng ngay khi người ta bắt đầu làm cho nó tuân phục một ý thức hệ. Điều không may là chúng ta đang sống trong một thời đại của những ý thức hệ và của những ý thức hệ toàn trị - tức là những ý thức hệ đủ tin tưởng chắc chắn vào chính bản thân chúng, vào lý trí ngu xuẩn của chúng hoặc vào chân lý chết yểu của chúng để rồi chúng cho là sự cứu vớt thế giới này nằm trong sự thống trị của chính bản thân chúng.
III
Không có sự sống nào mà không có sự đối thoại. Và ở hầu hết các nơi trên thế giới, sự đối thoại đã được thay thế bằng bút chiến. Thế kỷ 20 là thế kỷ của bút chiến và sự lăng mạ nhau. Bút chiến và lăng mạ đang xâm chiếm các quốc gia và những cá nhân, và nằm ở ngang tầm với những môn học trước đây được coi là không mang tính vụ lợi và theo truyền thống được coi là nơi chiếm lĩnh của sự đối thoại có suy nghĩ. Ngày đêm, hàng ngàn tiếng nói, mỗi tiếng nói là sự độc thoại một mình bừa bãi, đang dội xuống các dân tộc một dòng thác những lời lẽ tối tăm, những lời công kích, những lời biện hộ và quá khích. Nhưng đâu là cái cơ chế của bút chiến? Cơ chế đó chỉ cốt ở việc coi đối thủ là kẻ thù, do đó cốt ở việc giản lược hóa kẻ thù và từ chối gặp gỡ kẻ thù. Chúng ta hoàn toàn không biết người chúng ta đang lăng mạ nom như thế nào hoặc liệu hắn có bao giờ mỉm cười hoặc cười ra làm sao. Sau khi đã bị mù lòa ba phần tư vì thái độ bút chiến, chúng ta không còn sống giữa những con người nữa mà trong một thế giới của những cái bóng của con người.
Không có sự sống nào mà không có sự thuyết phục nhau. Và lịch sử của ngày hôm nay chỉ biết có sự đe dọa. Con người sống và chỉ có thể sống trên cơ sở của quan niệm rằng họ có điều gì đó chung và dựa vào điều đó họ bao giờ cũng có thể đoàn kết với nhau. Thế nhưng chúng ta lại thấy điều sau đây: Có những con người mà người ta không thể thuyết phục được. Nạn nhân trong các trại tập trung không thể giải thích cho những kẻ làm mất phẩm giá của họ rằng chúng không được phép làm như vậy – chúng không còn đại diện cho con người nữa mà đại diện cho một ý niệm bị kích động thành cơn sốt cuồng điên bởi những kẻ không bao giờ biết khoan nhượng. Kẻ muốn thống trị đã trở thành kẻ điếc. Khi đối mặt với hắn, điều duy nhất phải làm là chiến đấu hoặc chết. Đó là lý do tại sao con người ngày hôm nay đang sống trong tình trạng khiếp sợ. Chúng ta đọc thấy trong cuốn The Book of the Dead [những câu thần chú đọc cho người chết của người Ai Cập cổ đại] rằng để được hưởng sự tha thứ người Ai cập công chính phải nói được điều này: "Tôi đã không khiến cho bất cứ ai phải sợ hãi." Trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta sẽ nhọc công vô ích để tìm kiếm những con người được coi là lớn lao sống cùng thời với chúng ta có thể được xếp trong số những người may mắn vào Ngày Phán xử cuối cùng.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi những cái bóng của con người từ nay trở đi mù điếc, bị làm cho khiếp sợ, sống bằng những phiếu phát khẩu phần ăn, toàn bộ cuộc sống của họ được tóm tắt bằng một bảng câu hỏi của cảnh sát, có thể bị người ta đối xử như là những điều trừu tượng vô danh. Điều đáng lưu ý là những chế độ sinh ra từ những ý thức hệ nói trên cũng chính là những chế độ, xét như là một vấn đề thuộc về hệ thống, sau đó đã tiến hành đánh bật nhiều cộng đồng dân cư ra khỏi quê hương bản quán của họ, đẩy họ vào cuộc sống lưu vong trên khắp châu Âu, buộc họ phải chấp nhận một cuộc sống tầm thường nhỏ mọn như thể chỉ là những kí hiệu vô hồn trong những cột thống kê. Kể từ khi những triết lí tinh vi đó xuất hiện trong lịch sử thì những số lượng người nhiều khủng khiếp, đã có thời mỗi người trong số họ là mỗi cách bắt tay riêng, đã bị chôn vùi một lần cho mãi mãi bên dưới hai chữ cái viết tắt — "D.P." (người bị trục xuất) —một thế giới rất hợp lô-gich đã phát minh cho họ điều đó đấy.
IV
Vâng, tất cả những điều đó đều là hợp lô-gic cả đấy chứ. Khi người ta muốn thống nhất cả thế giới trong tên gọi của một ý thức hệ, khi ấy chỉ còn cách duy nhất là biến thế giới thành nơi chống lại thịt da con người, đui mù như bản thân một ý thức hệ vậy. Khi ấy chỉ còn cách duy nhất là cắt đứt gốc rễ nối con người với đời sống và tự nhiên. Không phải ngẫu nhiên nếu như người ta không tìm thấy phong cảnh thiên nhiên trong nền văn học lớn của châu Âu kể từ Dostoevsky. Không phải là ngẫu nhiên nếu như những cuốn sách quan trọng của hôm nay thay vì quan tâm tới những sắc thái của con tim và những chân lí của tình yêu thì chúng lại chỉ say sưa nói về những viên thẩm phán, những vụ án và những bộ máy buộc tội, nếu thay vì mở những cửa sổ nhìn ra cái đẹp của thế giới thì người ta lại cẩn thận khép những cánh cửa đó lại để che đi nỗi thống khổ của kẻ cô đơn. Không phải là ngẫu nhiên khi triết gia ngày hôm nay truyền cảm hứng cho toàn châu Âu là triết gia viết rằng chỉ có đô thị hiện đại mới cho phép tinh thần con người ý thức được chính nó và thậm chí triết gia đó còn đi xa tới mức nói rằng tự nhiên là trừu tượng và chỉ có lí tính là cụ thể. Nói ngắn gọn, đây là quan điểm của Hegel và đây là điểm xuất phát của một cuộc phiêu lưu lớn của trí tuệ, cuộc phiêu lưu này kết thúc bằng việc kết liễu tất cả mọi thứ. Trước quang cảnh vĩ đại của tự nhiên, những kẻ say cuồng không nhìn thấy gì hết ngoài bản thân họ. Đó mới là tình trạng mù lòa tột bực.
Tại sao lại phải đi tiếp? Những ai từng biết đến những thành phố bị tàn phá của châu Âu thì đều hiểu tôi đang định nói tới điều gì. Chúng trưng ra hình ảnh về thế giới phản lại thịt da con người, hao gầy lòng kiêu hãnh, nơi những bóng ma đang lang thanh trong ngày tận thế buồn tẻ để tìm kiếm một tình bạn đã mất với thiên nhiên và con người. Bi kịch lớn của con người phương Tây nằm ở chỗ những sức mạnh của tự nhiên hoặc những sức mạnh của tình bạn không còn can thiệp giữa hắn và tiến trình lịch sử của hắn. Cội rễ của hắn đã bị cắt đứt, cánh tay của hắn đã bị héo quắt, hắn bắt đầu hợp nhất với cái giá treo cổ được người ta hứa hẹn cho hắn.
Nhưng sau khi đã chạm đến đỉnh điểm của sự mất trí thì ít nhất chẳng còn điều gì ngăn cản chúng ta phơi bày sự dễ bị lừa bịp của thế kỷ này, cái thế kỷ đang giả đò theo đuổi sự thống trị của lí tính trong khi thực ra là nó đang chỉ đơn thuần tìm kiếm những lí do trừu tượng để mà có thể yêu thương được, để mà thay thế cái tình yêu mà nó đã đánh mất. Những nhà văn của chúng ta, tất cả bọn họ rút cục trong khi cầu khẩn tới cái thay thế thảm hại cho tình yêu, được gọi tên là đạo đức, thì chắc chắn họ phải nhận ra sự dễ bị lừa bịp ở thế kỷ này. Con người của ngày hôm nay có thể đủ khả năng làm chủ được mọi thứ trong họ, và đó là điều tuyệt vời ở họ. Nhưng ít nhất có một điều mà hầu hết sẽ không bao giờ tìm thấy, ấy là khả năng yêu thương mạnh mẽ, khả năng này đã bị lấy đi khỏi họ mất rồi. Đây thực sự là lí do tại sao họ đang thấy xấu hổ. Và cái quyền duy nhất dành cho người nghệ sĩ là phải chia sẻ nỗi xấu hổ này bởi vì họ đã góp phần vào nỗi xấu hổ. Nhưng mong sao họ có thể nói rằng họ xấu hổ vì bản thân họ chứ không phải là xấu hổ về nghề nghiệp của họ. Bởi mọi thứ làm nên phẩm giá của nghệ thuật thì đều chống lại một thế giới dễ bị lừa bịp như vậy và thách thức thế giới ấy.
V
Tác phẩm nghệ thuật, bởi điều đơn thuần là nó đang tồn tại, bao giờ cũng từ chối sự chinh phục của ý thức hệ. Một trong những hướng đi của lịch sử của ngày mai đó là sự tranh đấu, nó đã được bắt đầu rồi, giữa kẻ chinh phục và người nghệ sĩ. Song, cả hai đã có thời có chung mục đích trong hình dung. Hành động chính trị và sự sáng tạo nghệ thuật là hai mặt của cùng sự nổi loạn chống lại sự hỗn loạn của thế giới, của cùng sự mong muốn đem lại sự thống nhất cho thế giới. Trong một thời gian dài, sự nghiệp của người nghệ sĩ hợp nhất với sự nghiệp của nhà canh tân chính trị: Bonaparte có tham vọng tương tự như Goethe, mặc dù Bonaparte để lại cho nước Pháp tiếng trống trường trung học của nước Pháp còn Goethe thì là những Khúc bi thương lãng mạn. Nhưng khi ý thức hệ đã can thiệp như là một thứ công nghệ rất hiệu quả thì nhà cách mạng bằng cách tạo ra một sự thay đổi khó lòng nhận ra đã trở thành một kẻ chinh phục, và dòng tư tưởng của nhà chính trị đã tách ra khỏi dòng tư tưởng của người nghệ sĩ. Những gì kẻ chinh phục hoặc phe Hữu hoặc phe Tả đang tìm kiếm không phải là sự thống nhất – trên hết đó là sự hài hòa của những cái đối lập – mà là họ muốn có tất tật cho riêng mình, tức là dập tắt những sự khác biệt.
Ở nơi kẻ chinh phục san bằng phẳng lì thì người nghệ sĩ lại làm nổi bật những sự khác biệt. Người nghệ sĩ sống và sáng tạo bằng máu thịt và niềm đam mê thì đều hiểu rằng chẳng có gì là đơn giản cả và bao giờ cũng tồn tại những người khác mình. Thế giới của người nghệ sĩ là thế giới của sự tranh luận sống động và sự cảm thông. Kẻ chinh phục mong muốn không tồn tại những kẻ khác họ; thế giới của kẻ chinh phục là một thế giới của ông chủ và nô lệ, đó chính là thế giới chúng ta hiện đang sống. Tôi chưa thấy bất kì một tác phẩm lớn nào lại đi từ lòng hận thù, mặc dù tất cả chúng ta đều quen thuộc với sự thống trị của lòng hận thù. Trong một thời đại mà kẻ chinh phục, bởi ngay chính lô-gich trong thái độ của hắn, đã trở thành đồng thời là tên đao phủ và chính trị gia, thì người nghệ sĩ bị buộc phải tỏ ra bất trị. Đối mặt với xã hội lệ thuộc chính trị ngày nay, thái độ nhất quán duy nhất của người nghệ sĩ – nếu không thế anh ta buộc phải từ bỏ nghệ thuật của mình - ấy là khước từ mà không có sự nhượng bộ. Anh ta không thể, cho dù anh ta có muốn, là kẻ đồng lõa với những ai đang lợi dụng tiếng nói của con người hoặc những phương tiện của ý thức hệ đương thời.
Đó là lý do tại sao sẽ là điều vô ích và lố bịch nếu yêu cầu người nghệ sĩ phải có lí do biện minh, phải dấn thân, phải tham gia. Bởi ngay chính chức năng của anh ta, người nghệ sĩ là chứng nhân cho tự do, và đó là một lí do biện minh mà đôi khi vì thế mà người nghệ sĩ phải trả giá đắt. Bởi chức năng của mình, anh ta tham gia vào lịch sử đông đúc ngột ngạt thịt da con người. Thế giới này là như thế đấy, anh ta tham gia vào đó dù thích hay không thích, và do bản chất mà anh ta là kẻ thù của những thần tượng trừu tượng ngày hôm nay đang hân hoan vì chiến thắng, dù đó là những thần tượng của quốc gia hay của đảng phái. Và anh ta là kẻ thù của họ không phải nhân danh đạo đức hoặc đức hạnh, như có người đã thử đề nghị - vẫn là tiếp tục xuất phát từ một sự dễ bị lừa bịp. Nhân danh niềm say mê của con người dành cho điều chỉ có ở con người mà người nghệ sĩ bao giờ cũng ghê tởm những việc làm khoác vỏ bọc của lí trí nhưng thực ra chỉ là sự làm cho lí trí trở thành thảm hại.
VI
Nhưng điều này đồng thời lại định nghĩa tình đoàn kết của tất cả những người nghệ sĩ. Chính bởi vì chúng ta buộc phải bênh vực nỗi cô đơn của mỗi người cho nên sau đó chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn thêm một lần nữa. Chúng ta ở trong tình trạng vội vã, chúng ta không thể làm việc hoàn toàn đơn độc. Xưa, Tolstoy có khả năng viết cuốn tiểu thuyết lớn nhất của mọi nền văn học về một cuộc chiến tranh mà ông không hề tham dự. Các cuộc chiến tranh ngày nay không cho chúng ta kịp có thời gian để viết về bất cứ điều gì ngoài về bản thân chúng ta, và vào chính lúc ấy thì chiến tranh đã giết chết Péguy (nhà văn Pháp) và hàng ngàn nhà thơ trẻ tuổi. Ở bên ngoài biên giới, những nghệ sĩ đang làm việc cùng nhau, đôi khi họ không hề biết là họ đang làm việc cùng nhau, để tạo ra muôn ngàn diện mạo của một sự nghiệp chung sẽ đứng dậy đương đầu với sản phẩm của ý thức hệ toàn trị. Vâng, tất cả không trừ một ai, và cùng với họ là hàng ngàn con người đang lặng lẽ tạo dựng hình thức cho những tác phẩm sáng tạo của họ ngay giữa những đô thị ồn ào. Và cùng với hàng ngàn con người này có cả những con người tưởng rằng họ có thể làm việc cho ý thức hệ toàn trị bằng phương tiện nghệ thuật của họ, trong khi ngược lại, sức mạnh nghệ thuật ở ngay trong lòng tác phẩm của họ lại đang phá hủy hoàn toàn sự tuyên truyền, đang kiên quyết kêu đòi sự thống nhất của cái nơi mà họ đang là những bầy tôi trung thành đích thực và loại họ ra để rồi họ trở thành những huynh đệ miễn cưỡng của chúng ta và đồng thời khiến họ mất lòng tin vào những kẻ đang tạm thời lợi dụng họ.
Người nghệ sĩ đích thực thì không thể là môn đồ giỏi của chính trị bởi họ không có khả năng coi nhẹ cái chết của đối thủ. Họ đứng về phe của sự sống chứ không phải sự chết. Họ là chứng nhân của thịt da con người, chứ không phải là luật lệ. Họ bị kết án bởi thiên hướng nghề nghiệp của họ ấy là họ buộc phải có lòng cảm thông đối với ngay cả kẻ thù của họ. Đó không có nghĩa là họ không có đủ khả năng đánh giá tốt xấu. Trái lại là đằng khác. Khả năng sống cuộc sống của những kẻ khác đã cho phép họ nhận ra ở ngay cả kẻ phạm tội xấu xa nhất cái lý do biện minh vĩnh viễn không thay đổi dành cho bất cứ ai, ấy là sự đau khổ. Bao giờ chúng ta cũng thận trọng tuyên lời phán xét độc đoán và do đó thận trọng khi ủng hộ hình phạt độc đoán bởi vì chúng ta nhận ra nỗi đau khổ. Trong thế giới của chúng ta, thế giới dùng hình phạt cái chết để trừng trị thì người nghệ sĩ bao giờ cũng làm chứng cho những gì phủ nhận cái chết ở con người. Không có ai là kẻ thù của họ, ngoại trừ những tên đao phủ!
Và đó sẽ mãi mãi là điều phân biệt những người theo phái Girondin bất diệt, bởi sự đối xử và tai họa do những người theo phái Núi đã gây ra cho họ. Nhưng rút cục, lập trường vụng về, bởi chính sự bất tiện của nó, lại góp phần làm nên sự vĩ đại của họ.
Rồi sẽ đến một ngày tất cả mọi người sẽ nhận ra điều nói trên và tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, khi ấy người nghệ sĩ sẽ không còn tự giày vò mình như lúc này. Họ sẽ thừa nhận rằng thiên hướng nghề nghiệp sâu sắc nhất của họ là bảo vệ đến cùng cái quyền được bất đồng quan điểm ở đối thủ của họ. Người nghệ sĩ mỗi người theo cách của mình sẽ tuyên bố rằng thà sai lầm mà không phải giết một ai còn hơn là đi theo lập trường đúng ở trong cái không khí câm lặng của nhà xác. Người nghệ sĩ sẽ nỗ lực chứng minh một điều rằng mặc dù các cuộc cách mạng có thể thành công bằng bạo lực, song cách mạng chỉ có thể được duy trì bằng sự đối thoại. Khi ấy người nghệ sĩ sẽ hiểu rằng nghề nghiệp đặc biệt này đang giúp họ có thêm những tình huynh đệ hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác, và trong suốt những thời đại của trí tuệ, họ chưa bao giờ ngừng vật lộn trong nghề nghiệp của mình để kiên quyết chống lại những việc làm khiến cho lịch sử trở thành những điều trừu tượng, những điều vượt ra ngoài lịch sử, bởi lịch sử chính là thịt da con người, dù thịt da ấy đang chịu đau khổ hay đang hưởng niềm sướng vui. Cả châu Âu hôm nay dương dương tự đắc đang quát to với người nghệ sĩ rằng công việc của họ là lố bịch và vô ích. Nhưng tất cả nghệ sĩ chúng ta trên khắp thế giới hãy chứng minh điều ngược lại.
Nguồn coppy : Fb.er Văn Giá Ngô


nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: