Truyện này bị mất trên trang Phạm Lưu Vũ trước. Nay đăng lại và sẽ viết tiếp hầu các bạn.
(Ai ngại đọc dài, xin chớ mở)
Câu chuyện này nghiệm lại một câu sấm, xuất hiện từ hồi cộng quần khai quốc. Rằng:
“Đất Phong Châu, Trịnh Thiếu Gia kì mộng
Dị Lang Quốc, Tạp Cẩu Cẩu kế gian”
Dị Lang Quốc, Tạp Cẩu Cẩu kế gian”
Trịnh Quỷ Quyệt người đất Phong Châu nước Nhật Nam, mặt heo tai quạt, trán rộng như nghĩa địa, môi đỏ như đít gà, má hóp, cằm nhọn, dáng điệu thư sinh, lúc nào cũng chải chuốt gọn gàng. Một hôm dạo trên đường làng, nom thấy 3 viên đá màu trắng có hình thù kì dị, lóng lánh ánh bạc, bèn nhặt lên bỏ vào túi. Đêm về nằm mơ, thấy đang đi trên phố, ngó sang bên thấy một cửa hiệu, người ra vào tấp nập, mùi chuột chù xông ra ngào ngạt, phía trên có tấm biển đề: “Viên Quả Quả, đoán cả nhân lẫn quả, đúng cả 3 đời”, bèn bất chấp hơi chuột chù, bước vào móc túi lấy ra một đĩnh bạc, thả xuống chiếc khay đặt trước mặt Viên Quả Quả. Quả Quả ngẩng lên ngó kĩ mặt y rồi phán:
“Kiếp xưa ông từng là con mọt nằm trong xà nhà phủ chúa, hàng ngày chứng kiến cảnh Tĩnh Đô vương ra oai thì lấy làm hâm mộ lắm, đến khi Vương tử Cán bị bệnh, nhà chúa phải lập đàn tràng ở ngay trong cung. Ông nhờ đó mà được nghe kinh nên kiếp này mới được mang thân người, lại đầu thai làm người họ Trịnh…”
Trịnh Quỷ Quyệt nghe đến đó thì lấy làm phục lắm, không thèm mặc cảm với cái kiếp con mọt của mình, quan trọng là kiếp có thân người này, bèn sốt ruột ngắt lời:
“Vậy kiếp này tôi có leo được tới tước vương như nhà chúa ngày trước hay không?” – vừa hỏi vừa móc ra một đĩnh bạc nữa thả xuống chiếc khay.
Viên Quả Quả lại ngắm y kĩ thêm một lát rồi bảo:
“Mặt ông trên to dưới nhọn, đó là cái tượng lưỡi cày ở chốn Diêm Phù Đề, gọi là tướng “thiên gian địa khấu”, tuy không làm vương, song có thể sai khiến cả vương, đủ các loại vương, nhờ đó mà tha hồ cướp ruộng, cướp đất của dân, giàu không kể xiết…”
Trịnh Quỷ Quyệt thấy nói như thế thì cũng mừng lắm, liền thò tay vào trong túi, móc tiếp 1 đĩnh bạc nữa thả xuống khay rồi hỏi:
“Vậy muốn được cái “quả” như thế thì phải tìm “nhân” ở đâu”?
Viên Quả Quả trả lời cụt ngủn:
“Nhân ở phương Bắc mà quả ở phương Nam.”
Quỷ Quyệt muốn hỏi thêm cho rõ ràng chi tiết, bèn thò tay vào trong túi thì thấy không còn đĩnh bạc nào. Đang ngập ngừng, bất ngờ Viên Quả Quả cầm chiếc khay ném thẳng lên trần nhà, đồng thời xô đổ chiếc bàn rồi đứng lên khiến Quỷ Quyệt giật nảy mình tỉnh dậy. Mới hay mình vừa nằm mơ, song rõ ràng mùi chuột chù vẫn còn thoang thoảng, Quỷ Quyệt vội vàng thò tay vào trong túi thì ba viên đá hồi chiều đã biến mất.
Từ đó Trịnh Quỷ Quyệt nghĩ mãi về giấc mơ kì lạ ấy. Đến một hôm quyết chí Bắc du một chuyến tìm vận may xem sao. Vét nhẵn túi vừa đủ tiền mua vé tàu đến ga cuối cùng, rồi theo bọn buôn lậu tìm đường sang phía bên kia biên giới.
Nguyên bên đó là nước khổng lồ có tên Dị Lang Quốc, vua nước ấy họ Tạp, hiệu là Cặn Bùn hoàng đế. Một hôm kẻ đứng đầu tổng Phân Cục Hoa Nam tên là Đường Cẩu Cẩu dâng biểu về triều đình, tâu đại khái muốn cướp trọn biển phía nam Dị Quốc (tục gọi biển Đông), thì không những phải tiêu diệt hết các loài hải tộc, mà còn phải đồng thời cướp hết cả dải đất ven bờ biển, khiến ngư dân không còn nghề cá, nông dân không còn thấy biển, thị dân không còn chỗ tắm, sĩ dân hết chỗ làm thơ… thì chẳng bao lâu xứ Nhật Nam sẽ phải cúi xin làm quận huyện của Dị Quốc…”. Cặn Bùn hoàng đế xem biểu mừng lắm, lập tức phê chuẩn, giao cho Đường Cẩu Cẩu chủ trì việc đó, đồng thời hạ chiếu xuống Ngọc Cấn hành Trung ương Nhân Dân tệ, giao nhiệm vụ phải phối hợp cùng với Đường Cẩu Cẩu thi hành kế đó.
Bấy giờ bên cạnh Cặn Bùn hoàng đế có gã quân sư tên là Tả Tút Tút đứng hầu. Tút Tút thấy Cặn Bùn hoàng đế xử việc như thế thì tủm tỉm cười mà bảo:
“Đường Cẩu Cẩu không làm nổi việc đó đâu”.
Cặn Bùn hoàng đế nghe nói quay phắt sang, hỏi:
“Tại sao ngươi nói như thế?”
Tút Tút thong thả bẩm:
“Xứ Nhật Nam vốn có linh khí vững như thành đồng lũy sắt hộ trì, cho nên suốt mấy ngàn năm qua, phương Bắc đã bao lần kéo quân sang cướp song đều thất bại, chỉ vì húc phải cái thành lũy ấy mà thôi. Ngày nay nếu muốn cướp, thì không nên đánh vào thành trì, mà đánh vào lòng người, tức là lòng tham của bọn quan lại xứ ấy…”
Cặn Bùn hoàng đế đang chờ nghe tiếp, thấy Tút Tút bỏ lửng ở câu nói đó thì tỏ ra không phục mà bảo:
“Thì chính ta cũng biết điều đó, cho nên mới giao Ngọc Cấn hành xuất tiền của giúp cho Cẩu Cẩu đó thôi?”
Tút Tút lại thong thả lên tiếng:
“Ban đêm tôi xem thiên văn, thấy khí tham của đất Nhật Nam bốc lên ngùn ngụt, dẫu có dốc cạn hết Ngọc Cấn hành Trung ương Nhân Dân tệ thì cũng không thỏa lòng tham của lũ quan lại ở bên đó đâu.”
Cặn Bùn hoàng đế nghe nói cũng phải rùng mình. Bèn hỏi:
“Vậy bây giờ phải làm thế nào”?
Tút Tút trả lời:
“Chiếu chủ quên rằng trong kho nước ta có một bảo bối hay sao? Phải dùng sức của bảo bối ấy thì mới đáp ứng nổi lòng tham của bọn người vô sỉ ở bên đó được.”
Cặn Bùn hoàng đế nghe nói thì tỉnh ra ngay, lập tức hạ chiếu xuống quan coi kho, ra lệnh xuất bảo bối giao cho Đường Cẩu Cẩu. Việc tưởng như thế là xong, bất ngờ bên cạnh còn một gã quân sư nữa tên là Hữu Lậu Lậu. Hữu Lậu Lậu từ đầu chứng kiến câu chuyện vẫn im lặng không nói gì, bấy giờ mới tủm tỉm cười mà bảo:
“Đường Cẩu Cẩu vẫn không làm nổi việc đó đâu”.
Cặn Bùn hoàng đế lại giật mình lần nữa, liền quay ngoắt sang, hỏi:
“Tại sao ngươi nói như thế?”
Lậu Lậu trả lời:
“Bảo bối ấy kén người dùng, không phải vào tay ai cũng phát huy tác dụng. Nay ta phải tìm cho ra một người có tướng thiên gian địa khấu thì mới có thể đương nổi việc ấy. Kẻ có tướng này là hạng cực kì vô sỉ, đến nỗi nó là cái điềm khốn dân bại nước của bất kì quốc gia nào.”
Cặn Bùn hoàng đế nghe nói thì gật gù, rồi lại than rằng:
“Một nước có lắm tham tàn như Nhật Nam hiện nay, thì những kẻ làm khốn dân bại nước kể cũng không ít. Nhưng tìm cho ra một kẻ có tướng thiên gian địa khấu trong số ngót trăm triệu người thì cũng khó lắm thay?”
Lậu Lậu bẩm tiếp:
“Chiếu chủ chớ lo ngại. Tướng thiên gian địa khấu ghê gớm đến mức có thể ám lên tận trời, cho nên lúc nào cũng có một đám mây đen gọi là hắc vân tán bay trên đầu nó, vì thế tìm nó tưởng cũng không đến nỗi khó lắm...”
Cặn Bùn hoàng đế nghe nói cả mừng, lập tức sai Hữu Lậu Lậu đích thân hành phương Nam một chuyến để tìm người có tướng thiên gian địa khấu.
Phần “nhân” thế là đã hé lộ, chỉ còn đợi đủ “duyên” mà thôi. Bắt đầu bằng một cuộc kì ngộ, có thơ tả rằng:
”Hắc vân tán trên không uốn lượn
Lậu Quỷ Quyệt dưới đất tương phùng”
Lậu Quỷ Quyệt dưới đất tương phùng”
Hữu Lậu Lậu cùng bộ hạ đáp máy bay tới Quảng Chu rồi dừng lại ở đó vài ngày, chuẩn bị hành trang để đóng giả nhà buôn sang đất Nhật Nam. Hôm ấy đang đi dạo trên phố, bất chợt ngẩng đầu lên, thấy trên trời có đám mây đen vừa bằng cái chiếu hình thù quái dị, lúc cuốn lại, lúc mở ra, uốn lượn như con trùng khổng lồ, lúc trôi lúc dừng, khi nhanh khi chậm… mà mép ngoài lúc nào cũng có đường viền hẳn hoi. Lậu Lậu giật nảy mình, lẩm bẩm:
“Quái lạ, chẳng lẽ Dị Lang Quốc ta cũng có cái điềm bại hoại này ư?”
Bèn tức tốc trở về công quán, gọi lâu la đến bảo:
“Ta vừa xem thiên văn, thấy cái điềm hắc vân tán hiện rõ trên bầu trời đất Quảng Chu này. Thế nào cũng có kẻ mang tướng dối trời cướp đất đang nhởn nhơ đâu đây. Nếu là người Dị Quốc ta thì phải trừ ngay mới được. Các anh phải tìm cho ra, cứ chiếu theo phương vị của hắc vân tán, khắc sẽ tìm thấy…”
Một tên lâu la nghe nói cười ngất:
“Chủ nhân có mê sảng không đấy? Tôi nghe nói xem thiên văn thì phải xem vào ban đêm, chứ sao lại xem vào giữa trưa? Từ cổ chí kim chưa từng thấy ai làm như thế bao giờ.”
Hữu Lậu Lậu nghiêm mặt quở:
“Ngươi chỉ là con mọt sách, biết một mà không biết hai. Ban đêm xem tinh tú, ban ngày xem hắc vân. Vì tinh tú nó sáng nên chỉ hiện ra trong đêm, vì hắc vân nó đen nên chỉ hiện ra ban ngày. Xem trời gọi là thiên văn, đọc đất gọi là độc địa, biết người gọi là tri nhân. Hắc vân tán là cái điềm báo trước sự bại hoại của cả một quốc gia, cho nên không thể xem thường.”
Bọn lâu la nghe Lậu Lậu giảng thì tái mặt lắc đầu. Một tên khác rụt rè hỏi:
“Cái gì tạo nên hắc vân tán vậy thưa chủ nhân?”
Hữu Lậu Lậu nhân thể giảng tiếp:
“Là cái nghiệp nặng, xông lên thành oán khí, oán khí kết lại mà thành. Nó bám theo để rình cơ hội bắt phải trả nghiệp. Kẻ nào có hắc vân tán bay theo như một cái ô ở trên trời, thì thế nào cũng phải chịu một kết cục bi thảm”.
“Vậy thì ta cần gì phải ra tay nữa thưa chủ nhân? cứ mặc cho oan gia nghiệp quả nó báo, trước sau gì kẻ kia cũng bị quả báo cơ mà?” – một tên khác lại hỏi.
Lậu Lậu lại quở:
“Các ngươi là một lũ nông cạn. Nó mới mang cái điềm đó, chứ đã kịp gây ra nghiệp dữ đâu mà phải trả nghiệp?”
Bọn lâu la nghe nói càng thắc mắc:
“Chưa gây nghiệp dữ, sao đã có oán khí kết lại thưa chủ nhân?”
Lậu Lậu biết đám lâu la của mình quá ư u tối, sợ chúng không những không hiểu, mà còn không tin, bèn nghiêm nét mặt lại mà giảng giải:
“Ấy đấy, đó mới là chỗ kinh người của kẻ mang tướng dối trời cướp đất, gọi là thiên gian địa khấu. Nó về sau sẽ làm hại không biết bao nhiêu số phận dân lành, cho nên oán khí của những sinh linh trong tương lai ấy đã kết lại, thành cái điềm báo trước cho nhân gian. Nếu trừ được nó thì hắc vân tán sẽ lập tức tan ngay.”
Bọn lâu la có vẻ đã nghe ra. Một tên khác vẫn còn muốn hỏi tiếp:
“Nếu nó là người ngoại quốc, không phải người Dị Lang Quốc ta thì có sao không?”
Lậu Lậu thở phào trả lời:
“Thế thì còn nói gì nữa. Nếu nó là người Nhật Nam quốc thì chính là kẻ mà ta đang đi tìm đấy…”
Bọn lâu la nghe xong thì hăm hở ra đi. Mấy giờ sau đã có tin báo về. Kẻ đó chính là người Nhật Nam. Hữu Lậu Lậu nghe báo mừng rỡ, ngửa mặt lên trần nhà mà cảm khái:
“Thật là hồng phúc cho Dị Lang Quốc của ta”
Rồi lập tức ra lệnh cho bọn lâu la tìm cách làm quen, đối xử với người đó như một yếu nhân rồi dẫn ngay hắn về công quán.
Người ấy chẳng phải ai xa lạ, chính là Trịnh Quỷ Quyệt xứ Phong Châu. Hôm ấy đang vơ vẩn trên một con phố ở Quảng Chu, bỗng có người va phải làm y suýt ngã. Chưa kịp định thần thì người kia đã quay lại túm lấy y, vừa xin lỗi rối rít, vừa cúi xuống đường nhặt lên mộ chiếc túi rất đẹp, nặng trịch đưa ra bảo:
“Chiếc túi của tiên sinh, xin tiên sinh cầm lấy”.
Quỷ Quyệt hết sức ngạc nhiên. Nom dáng mạo rõ ràng người Dị Lang Quốc, nhưng mà rành tiếng Nhật Nam tuy cũng hơi lơ lớ. Quỷ Quyệt thấy chiếc túi nặng trịch thì đoán bên trong thể nào cũng có của quý, biết không phải của mình, song vẫn muốn đưa tay ra cầm lấy. Nhưng thấy người kia gọi mình là tiên sinh thì bèn rụt tay lại, lắc đầu lịch sự bảo:
“Không sao, không sao. Chiếc túi ấy của ai đó, không phải của tôi.”
Người kia nghe nói thì càng tỏ vẻ khâm phục. Liền bảo:
“Ôi, tiên sinh thật là một bậc trung thực hiếm có. Chiếc túi đẹp như thế này mà không ham thì xứ này khó có ai sánh được. Vậy ngộ ngộ xin kính mời tiên sinh vào quán uống cốc cà phê, nhân tiện được quen biết tiên sinh thì thật là vinh hạnh.”
Quỷ Quyệt vốn chưa được ai đối xử trịnh trọng như thế bao giờ nên lấy làm phổng mũi lắm. Lập tức bằng lòng cùng người kia bước vào một quán cà phê gần đấy. Người ấy gọi cà phê rồi móc điện thoại ra. Một lát có mấy người nữa cùng tới ngồi hàn huyên. Chẳng bao lâu cả bọn đã trở thành bạn bè với Trịnh Quỷ Quyệt như đã gặp nhau từ lâu. Uống xong thì đứng dậy, cả bọn lại mời Quỷ Quyệt về chỗ họ để chiêu đãi. Chính là nhà công quán, ở đó Hữu Lậu Lậu đã chờ sẵn…
Duyên đã mãn thì tất quả hiện lên, lại làm nhân cho những quả sau, cứ thế truyền tới mãi mãi. Quả ấy là gì? có thơ nói rằng:
“Trải năm kiếp, giáo thú Cặn Bùn
Vị Tổ Long, nhiệm màu Bảo Bối”
Vị Tổ Long, nhiệm màu Bảo Bối”
Nói về Hữu Lậu Lậu, vốn là cánh tay phải của Cặn Bùn hoàng đế, cùng với Tả Tút Tút là cánh tay trái. Tút Tút tân học, giỏi trông lên phía trước, Lậu Lậu cổ học, thạo ngóng lại phía sau. Cặn Bùn hoàng đế nhờ cặp tả hữu này mà cả trước lẫn sau, lúc nào cũng đều thông tỏ. Dị Lang Quốc xưa nay nổi tiếng là một nước mọi rợ độc tài, khủng long bạo chúa, nhưng vẫn có câu “thần thiêng bộ hạ”. Cặn Bùn hoàng đế dẫu có thuộc loại “thượng đẳng độc tài", thì cũng không ra ngoài quy luật ấy. Cặn Bùn là hoàng đế đời thứ 5 của Dị Lang Quốc, sinh ra vừa mù vừa điếc, vừa đần độn, ngẩn ngơ, lớn lên nhờ uống máu đồng loại mà khỏi bệnh mù, ăn gan đồng loại mà khỏi tật điếc, hút óc đồng loại mà khỏi chứng ngẩn ngơ. Nguyên tổ tiên của giống Dị Lang Quốc là người mang cái tinh chó sói ở phương Bắc, cho nên đời đời thờ giống vật ấy làm tô-tem, lập nên “tô-tem giáo”, cứ đời hoàng đế nào thì lấy tên hoàng đế đó làm tên của tô-tem. Đời đầu gọi là Lông mao giáo, đời trước gọi là Đàn trạch giáo, đời này gọi là Cặn Bùn giáo…
Và cũng vì có cái “tô-tem” lang sói ấy cho nên người Dị Lang Quốc thích ăn thịt đồng loại, lại có môn y dược quốc truyền nổi tiếng nên có nhiều món thuốc đặc dị được chế từ thịt, xương, máu, mủ, ngũ tạng… của người. Nhân đây tưởng cũng nên sơ qua về cái tổng tướng có duyên đế vương đặc biệt của Cặn Bùn hoàng đế một chút, gọi là tướng “tăng nhất ngũ thú hòa hợp”. Đại khái đầu to mặt bự gọi là tướng “nhất thủ thỉ”, hai tay gần chấm gối gọi là tướng “nhị viên thủ”, ba chân dài ngắn khác nhau lập thành tướng “tam cẩu túc”, mỗi quả mông đều có một ngấn dọc xẻ làm đôi thành ra tướng “tứ bộ tượng”, thắt lưng có năm nốt ruồi đen nhánh gọi là tướng “ngũ dăng bối”, tóm lại gồm lợn, khỉ, chó, voi, ruồi… năm loài đủ cả. Năm loài ấy tuy tầm thường, tìm trong muôn người, ai cũng đều có cả, vì chẳng qua cũng là “quả” của kiếp trước mà thôi. Nhưng phải hòa hợp, kết thành một “tổng tướng” theo đúng thứ tự “tăng nhất” như thế, thì trong muôn người, may ra mới có được một. Cho nên Cặn Bùn sở dĩ có “duyên” với cái ngôi hoàng đế là vì như thế. Nom mắt ngài bé như hạt đậu, cứ tưởng mắt rắn, thực ra là mắt rồng cũng bởi có duyên trời như vậy.
Cặn Bùn lên ngôi vào lúc thời vận của Cộng quần thế gian đã rã từng mảng lớn. Thiên hạ của Dị Lang Quốc chủ yếu do cộng nghiệp của tâm quỷ tạo ra, tuy cũng treo biển Cộng quần giáo mác, nhưng thực ra vẫn theo thuyết của Lông mao giáo chủ. Phần thiện nghiệp vốn đã mong manh, lúc này lại càng rung rinh như cành lau trước bão, điềm lạ xảy ra khắp nơi, mặt trời có lúc đen kịt như mực, mặt trăng có lúc đỏ rực như máu, trẻ con, người lớn bị mổ bụng moi gan, xác vứt trôi sông, vật vờ hiện hồn giữa ban ngày ban mặt… Cặn Bùn cũng biết thế nguy, bèn trước hết ra tay trừng trị bọn đại ma đầu xưa nay hoành hành, phá nát thiên hạ nhà Dị Lang Quốc, như bọn Lập, Lai thì biến Lập thành tan, biến Lai thành khứ… Song tổ của bọn sói lang thì vẫn còn nguyên đấy, không tài nào động đến được. Các ổ nhóm ma quỷ co mình lại chờ thời, sẵn sàng nổi dậy đoạt lại quyền lực bất cứ lúc nào. Cặn Bùn hoàng đế lấy làm lo lắng, bèn làm theo cách của người đời xưa, đem sức mạnh và quỷ kế ra rải khắp tứ phương để cướp bóc tài nguyên, mở rộng lãnh thổ, tạo thanh thế cho mình thì ngôi vương mới vững như bàn thạch. Mục tiêu số một của các quỷ kế ấy chính là Nhật Nam Quốc, nằm ngay sát phía Nam, chỉ nhỏ bằng một quận của Dị Lang Quốc, bao nhiêu đời tổ tiên của Cặn Bùn hoàng đế từng xua quân sang cướp, song đều bị thất bại. Nhưng Cặn Bùn hoàng đế thì nhất định phải thành công, vì đã có cơ hội sử dụng bảo bối, trong khi Nhật Nam là một nước cũng khoác áo Cộng quần thế gian. Chuyến đi xuống phía Nam của Hữu Lậu Lậu lần này chính là nằm trong kế hoạch ấy.
Lại nói chuyện Trịnh Quỷ quyệt được bọn lâu la của Hữu Lậu Lậu dẫn về công quán. Vốn là người tinh thông cổ học, vừa nhìn thấy cái tướng lưỡi cày Diêm Phù Đề của Quỷ Quyệt, thì Lậu Lậu đã thông đến cả túc mạng của y. Sau khi chăm chú nghe bọn lâu la giới thiệu họ tên, quê quán của Trịnh Quỷ Quyệt, Lậu Lậu bèn tỏ ra hết sức vồn vã:
“Thật không ngờ hân hạnh được gặp tiên sinh ở đây. Tiên sinh là hậu duệ của một vương triều thuở trước, thì hôm nay phải dùng lễ vương giả để đãi tiên sinh mới được…”
Quỷ Quyệt nghe Lậu Lậu nói cũng phải giật mình. Chợt nhớ lại câu nói của Viên Quả Quả trong giấc mơ hôm nọ, thấy thân phận mình ngày trước chỉ là con mọt trên xà nhà của vương phủ, vậy mà cái chân mạng vương giả vẫn còn truyền cho đến tận đời nay. Thế mới biết cái “khí” vương gia nó quả nhiên kinh thật, đến con mọt cũng còn được hưởng cái phúc ấy, huống hồ bọn con ông cháu cha ngày nay… thì chúng nó còn truyền cái món phú quí cho nhau từ đời nay sang đời khác đến bao giờ nữa? Song cũng phải công nhận bọn người phương Bắc này có con mắt nhìn xuyên quá khứ hàng mấy trăm năm. Nay đã biết mình đường đường mang tướng vương giả, thì tội gì mà chẳng lấy đó làm điều khoan khoái. Bèn giả vờ khiêm tốn nói:
“Xin đa tạ, đa tạ đại nhân. Quỷ Quyệt tôi chỉ là một kẻ tầm thường tay trắng, vẫn bị xếp vào hàng bạch diện thư sinh. Nay được đại nhân chiếu cố đến cũng là phúc lắm rồi, có đâu dám mong đến bữa tiệc vương giả để mà giảm thọ?”
Lậu Lậu nghe nói vội vàng xua tay:
“Ấy chết, ấy chết. Có gì ghê gớm mà phải giảm thọ. Chỉ vì tiên sinh thích sống thanh bạch nên chưa từng tham dự đấy thôi. Chứ đã dự được một lần, tất sẽ muốn dự mãi, dự mãi… Huống chi tiên sinh là người có chân mạng vương giả, thì điều ấy chẳng qua chỉ là quả báo của kiếp này mà thôi. Rồi tiên sinh sẽ nghiệm thấy lời nói của hạng trọc khí này chẳng phải sai đâu…”
Khen cho Lậu Lậu đã đọc rõ bản chất của Quỷ Quyệt nên chả cần rào đón trước sau, mới đem toạc cái bả phú quý ra dụ Trịnh Quỷ Quyệt. Quả nhiên có tác dụng ngay. Trịnh Quỷ Quyệt vốn là hạng tiểu nhân vô học vô giáo dục, trong số mười sợi dây trói buộc vào kiếp người, thì Quỷ Quyệt chỉ thành thạo mỗi sợi dây tham bỉ mà thôi. Bèn không cần phải giả vờ khiêm tốn nữa, mặc nhiên coi mình có cái quyền hưởng phú qúi vinh hoa, lập tức sửa lại động tác, thế ngồi sao cho mang phong thái của hàng vương giả. Hữu Lậu Lậu nom thấy cũng phải bấm bụng cười thầm, cố giấu kín sự khinh bỉ và kinh tởm trong lòng. Thế rồi bữa tiệc vương giả được diễn ra. Trước tiên là rượu, thịt:
“Đem ra nhắm với rượu tiên
Một bên thịt thú một bên… thịt người”
Một bên thịt thú một bên… thịt người”
Thứ đến là gái đẹp:
“Giai nhân là món lạ lùng
Thu ba gờn gợn anh hùng liêu xiêu…”
Thu ba gờn gợn anh hùng liêu xiêu…”
Rồi đến những gì, gì nữa thì thú thực, kẻ viết lại câu chuyện này vốn chỉ là hạng bình dân, nên không tài nào tưởng tượng ra được.
Bữa tiệc kéo dài đến nửa đêm, vui không kể xiết. Lậu Lậu giữ Quỷ Quyệt ngủ lại ở nhà công quán, trong một căn phòng cực kì thơm tho, sang trọng, tất nhiên có hai mĩ nữ hầu ngủ ở hai bên. Hôm sau đến lượt bọn lâu la thay phiên nhau đãi tiệc, tuy nhỏ hơn một chút, song cũng chả thiếu thứ sơn hào hải vị nào. Tại sao Lậu Lậu phải tốn công mua chuộc một kẻ tiểu nhân hèn hạ như Quỷ Quyệt? Nguyên Lậu Lậu vốn tính cẩn thận, biết chuyến này đem bảo bối là quốc bảo số mộ của Dị Lang Quốc trao vào tay một kẻ hèn hạ như Quỷ Quyệt, thì nó đích thị phải là cái điềm bại hoại của cả Nhật Nam Quốc mới được. Nếu có chút lầm lẫn, thì một là mưu kế nuốt trọn biển Đông sẽ bất thành, hai là mất toi vật quốc bảo thì tội để đâu cho hết. Vì thế trong mấy ngày bọn lâu la đãi tiệc Trịnh Quỷ Quyệt, Hữu Lậu Lậu vẫn bí mật theo dõi hắc vân trùng, xem nó có xuất hiện trên bầu trời nhà công quán hay không thì mới khẳng định được. Quả nhiên suốt ba ngày qua, ngày nào hắc vân trùng cũng xuất hiện, càng lúc càng trở nên đen đặc hơn. Lậu Lậu thấy thế thì mừng lắm, trong bụng đã quyết, mới chạy sang bên Tổng Phân cục Hoa Nam gặp Đường Cẩu Cẩu, bàn nhau đem bảo bối ra tặng cho Trịnh Quỷ Quyệt. Bấy giờ có người của Ngọc Cấn hành Trung ương Nhân Dân tệ cũng có ở đó để giám sát bảo bối. Kẻ ấy tỏ ra băn khoăn:
“Đây là một vật quốc bảo, truyền đã hơn hai nghìn năm nay, bao nhiêu triều đại lúc dựng lên, lúc đổ xuống cũng chưa hề dám dùng đến. Nay đem giao vào tay 1 kẻ ngoại quốc, nhỡ nó mất hẳn vào tay nước kia, vốn là một nước cừu địch với nước ta thì sao?”
Hữu Lậu Lậu bảo:
“Các triều đại trước vì chưa có cơ hội dùng đến đấy thôi. Ngày nay Dị Lang Quốc ta chưa bao giờ có cơ hội cướp cả Nhật Nam như bây giờ, huống hồ muốn nuốt trọn biển Đông. Thì tiếc gì mà không đem bảo bối ra dùng. Cặn Bùn hoàng đế ta hiện nay là người tàn nhẫn lại quyết đoán, ngài biết rõ rằng giờ ta có đem bảo bối ra đưa cho nó, thì chẳng qua cũng chỉ gửi nó giữ hộ mà thôi. Đến khi cả Nhật Nam trở thành quận huyện, thì ta lại lấy về. Lúc ấy đến cái thân nó, gia đình nhà nó, cùng bọn tham tàn vinh thân phì gia ở bên ấy còn khó giữ nổi, huống hồ giữ trộm mãi bảo bối của ta hay sao?”
Người của Ngọc Cấn hành cùng Đường Cẩu Cẩu nghe xong mới sáng mắt ra, không còn hồ nghi gì nữa. Ba người bèn quyết định chọn ngày lành, đem bảo bối sang giao cho Trịnh Quỷ Quyệt.
Hữu Lậu Lậu về lại công quán, tới phòng Trịnh Quỷ Quyệt bảo:
“Tiên sinh cứ vui chơi ở đây vài ngày, đợi mấy hôm nữa, tôi có một ông bạn cũng là bậc đại nhân, nghe tiếng tiên sinh, rất muốn xin ra mắt”.
Trịnh Quỷ Quyệt nghe nói thì càng phổng mũi. Lại ra chiều ái ngại mà bảo:
“Làm phiền các đại nhân ở đây quá. Tôi đã trót hưởng thụ quá nhiều ân điển như thế này, mà thân phận chỉ hai bàn tay trắng, thì sau này biết lấy gì để báo đáp lại?”
Hữu Lậu Lậu nghe nói thì biết Quỷ Quyệt đã sẵn sàng mắc mưu, trong bụng mừng thầm, bèn bảo:
“Tiên sinh chớ lo. Người có chân mạng như tiên sinh, dẫu không làm vương, làm đế, thì cũng đến lúc quyền khuynh thiên hạ, sai bảo những kẻ làm vương, làm tướng như sai bảo chân tay của mình. Tôi sở dĩ tin chắc như thế, bởi ông bạn kia của tôi không những hâm mộ tiên sinh, mà còn là người thông tỏ thiên cơ, biết tiên sinh là người có duyên với một thứ bảo bối cực kì quý giá, có thể giúp tiên sinh làm nên cơ nghiệp trùm đời, đợi đến hôm hội ngộ định đem ra tặng cho tiên sinh đấy”.
Trịnh Quỷ Quyệt nghe nói thì mừng rỡ đến kinh ngạc. Càng ngẫm càng thấy câu nói của Viên Quả Quả trong giấc mơ ngày trước mới nghiệm lào sao. Biết đâu cái món bảo bối gì ấy chính là cái “nhân” sẽ giúp y làm nên nghiệp lớn, dẫu không đến tước vương, song có thể sai khiến cả vương, đủ các loại vương, nhờ đó mà tha hồ cướp ruộng, cướp đất của dân, giàu không kể xiết… Nghĩ thế rồi cám ơn rối rít, từ đó ngồi sốt ruột đếm từng giờ, mong cho chóng đến ngày diễn ra cái duyên kì ngộ kia.
Rồi cũng đến hôm đó. Bữa đại tiệc có mặt Đường Cẩu Cẩu. Khỏi phải tả chuyện trùng phùng rùng rợn của kẻ cắp, bà già. Trịnh Quỷ Quyệt hôm ấy chả thiết gì đến chuyện trò, ăn uống… trong lòng chỉ mong đến lúc Đường Cẩu Cẩu lôi cái bảo bối kì diệu ấy ra. Không ngờ Cẩu Cẩu chờ cho bọn lâu la ra khỏi phòng hết, chỉ còn lại ba người, mới đứng lên móc trong bụng ra một cái túi gấm rộng cỡ bàn tay, giơ ra trước mặt trịnh trọng bảo:
“Chắc Lậu Lậu đại nhân đây đã nói trước với tiên sinh. Tôi biết tiên sinh là người hiếm có trong thiên hạ, cho nên mới có nhân duyên với bảo bối kì tuyệt này. Những kẻ phàm phu tục tử như chúng tôi có giữ cũng vô ích. Nay xin tặng cho tiên sinh”.
Trịnh Quỷ Quyệt dẫu đã chuẩn bị trước tinh thần, đến lúc ấy cũng muốn sụm người xuống vì cảm động. Song cũng cố trấn tĩnh lại mà hỏi:
“Chẳng hay đại nhân có biết xuất xứ của món bảo vật ấy hay chăng?”
Đường Cẩu Cẩu trả lời một câu, nghe như sét đánh:
“Bảo bối này có tên “Vị Tổ Long”, chính là tiêu bản dạ dày của Tần Thủy Hoàng đế ngày trước. Tôi võ biền chỉ biết có thế thôi. Còn lai lịch cụ thể của nó như thế nào thì Lậu Lậu đại nhân đây biết rõ”.
Trịnh Quỷ Quyệt giật nảy mình kinh sợ. Song càng muốn biết cái lai lịch kinh dị ấy, bèn quay sang Hữu Lậu Lậu. Lậu Lậu đứng lên thong thả thuật lại:
“Đầu đời nhà Tần, có Lư Sinh là người đi tìm thuốc trường sinh cho Tần Thủy Hoàng đế, ra biển Nam Hải, bắt được một con rồng to bằng bắp chân, dài bằng cây chuối đem về. Thủy Hoàng vừa nom thấy liền nổi cơn thèm, bèn giơ tay tóm lấy đưa ngay lên miệng, nuốt đến đâu bụng Thủy Hoàng phình ra đến đấy. Song vừa nuốt hết cái đuôi rồng thì bụng Thủy Hoàng bỗng xẹp lại như cũ, các quan chứng kiến ai cũng lắc đầu lè lưỡi. Nguyên rồng là loài hóa sinh, nó tự nhiên sinh ra thì khi chết cũng tức khắc biến mất. Lúc còn sống nó hiện thân nên thấy căng bụng, lúc chết nó biến mất nên bụng xẹp ngay lại như cũ. Thủy Hoàng dẫu có nuốt hàng vạn con rồng thì trong bụng vẫn không có gì. Tuy thịt rồng biến mất nhưng long khí thì không mất, nó xông từ đan điền, đả thông hết các loại kinh mạch, cho nên Thủy Hoàng mới có sức làm việc kinh người, mỗi ngày phê duyệt mấy thạch giấy tờ, không sót một việc lớn nhỏ nào trong thiên hạ. Từ đó tháng nào Tần Thủy Hoàng đế cũng phải nuốt rồng, đến nỗi nghiện không chịu được. Có năm bắt được con rồng thân to bằng cái đấu, Thủy Hoàng cũng nuốt ực một cái là xong, y như người ta nuốt không khí vậy. Cả thiên hạ chỉ có mỗi Thủy Hoàng nuốt được, người khác thì không. Biết các chư thiên cũng là loại hóa sinh như rồng, nên về sau Thủy Hoàng đã nghĩ đến việc nuốt cả Trời, song chưa kịp thực hiện thì đã chết…”
“Tại sao chỉ mỗi Thủy Hoàng nuốt được?” – Trịnh Quỷ Quyệt sốt ruột ngắt lời.
“Tại vì Thủy Hoàng cũng là một loại rồng – Lậu Lậu trả lời – Thủy Hoàng là Tổ Long. Cũng như loài rắn, Hổ chúa cũng thèm nuốt rắn, Tổ Long mới thèm nuốt rồng… Đến khi Tần Thủy Hoàng chết mới biết tường tận điều đó.”
“Biết như thế nào?” – Quỷ Quyệt vẫn sốt ruột.
“Thủy Hoàng là Tổ Long, cũng là loài hóa sinh nên cũng chợt sinh chợt diệt, khi chết cũng biến mất, nhưng không biến mất hoàn toàn như các loại rồng bình thường khác, mà riêng cái dạ dày vẫn còn nguyên vẹn, nó vừa mềm dẻo, biến hóa, vừa bền chắc như kim cương… Bấy giờ có thừa tướng là Triệu Cao đi theo, thấy thân thể Thủy Hoàng bỗng dưng biến mất, mới biết Thủy Hoàng cũng là một loại rồng, bèn giấu cái dạ dày đi, rồi đổ đầy một xe cá chết để lấy mùi thối của cá chết thay cho mùi thối của thi thể hoàng đế…”
“Chính là cái bảo bối này?” – Quỷ Quyệt trỏ cái túi gấm trên tay Cẩu Cẩu hỏi.
“Chính nó – Hữu Lậu Lậu gật đầu – Nhị Thế giành lại từ tay Triệu Cao, đem bỏ vào một cái hòm, cất kĩ trong kho, coi là quốc bảo. Các triều đại nối tiếp nhau vẫn không bị mất, truyền đến tận bây giờ…”
Trịnh Quỷ Quyệt nghe nói thì rợn người, chăm chăm ngó cái túi gấm đến lồi cả hai mắt ra. Lại hỏi tiếp:
“Thế nó vi diệu như thế nào?”
Đây mới là điều Trịnh Quỷ Quyệt tò mò nhất. Hữu Lậu Lậu nghe hỏi, bèn liếc Đường Cẩu Cẩu một cái rồi ghé sát vào tai Quỷ Quyệt mà nói thầm, rằng nó vi diệu như thế, như thế…
Trịnh Quỷ Quyệt nghe xong thì hớn hở, kinh hoàng, lông tóc dựng ngược hết cả lên. Vội vàng lập cập rời khỏi ghế, sụp người xuống, kính cẩn lạy chiếc túi gấm ba lạy, rồi mới dám đưa hai tay ra đón lấy từ Đường Cẩu Cẩu, đón xong thì nhét ngay vào trong ngực áo rồi cúi gập người bái tạ hai gã Dị Lang Quốc kia...
Muốn biết cái bảo bối ấy nó vi diệu như thế nào, đợi phần sau sẽ rõ.
Trịnh Quỷ Quyệt trở về Nhật Nam quốc, cùng đi có Tả Tút Tút và một tên lâu la. Hôm sau thì về tới Phong Châu. Quỷ Quyệt muốn ghé về quê trước khi ra biển lớn vẫy vùng sự nghiệp, nhân tiện mời hai gã ba Tàu thăm nơi chôn rau cắt rốn, coi như thượng khách. Cha con, anh em xúm xít lại hỏi thăm về chuyến Bắc du. Quỷ Quyệt giữ ý, chỉ nói qua loa. Cơm nước xong xuôi, đợi cho hai tên Tàu nghỉ ngơi ở phòng riêng, Quỷ Quyệt mới kéo cha và thằng em trai, đứa em gái vào một phòng kín, hí hửng đem bảo bối ra khoe. Nhìn cái túi gấm tầm thường, dúm ró, cha Quỷ Quyệt tỏ ý nghi ngờ, hai đứa em cũng chưa lấy gì làm tin. Quỷ Quyệt bảo:
“Thì chính tôi cũng đang muốn thử trước xem nó có vi diệu thật hay không. Nếu đúng như thế thì nhà mình vớ được đống của, nếu không thì chôn quách đi, cũng chả mất gì…”
Cha Quỷ Quyệt nhất trí phải thử ngay, bảo:
“Cha thích nhất là tiền, thật nhiều tiền…”
Thằng em cắt ngang:
“Tiền không bằng vàng, em thích vàng, thật nhiều vàng…”
Đứa em gái vội chen vào:
“Vàng cũng chưa quý. Em thích kim cương, hột xoàn… càng nhiều càng tốt”.
Rồi tranh nhau nói, ai cũng muốn thỏa mãn lòng tham, đến nỗi gân cổ đỏ mặt, ban đầu còn khẽ khàng, càng về sau càng nói to, không ngờ có người rình nghe trộm, người đó chính là tên lâu la của Tả Tút Tút. Nguyên Tả Tút Tút nhận mật chỉ của Cặn Bùn hoàng đế, đi cùng Trịnh Quỷ Quyệt để giám sát, bày mưu… đồng thời trông coi bảo bối, không để lọt vào tay Nhật Nam Quốc, phải lấy tính mệnh cả họ ra đảm bảo. Tên lâu la biết được ý định của Trịnh Quỷ Quyệt rồi, lập tức chạy về phòng báo với chủ nhân. Tả Tút Tút nghe xong cười khì rồi bảo:
“Bảo bối truyền quốc của ta đâu phải vật tầm thường. Lòng tham đặt không đúng chỗ thì tác dụng ngược lại. Nhà này tất sẽ gặp tai họa cho mà xem”.
Tên lâu la chưa hiểu lắm, bèn hỏi lại:
“Đại nhân nói thế nghiễa là sao?”
Tút Tút vẫy y lại gần, ghé tai nói nhỏ:
“Tại ngươi chưa biết đó thôi. Thủy Hoàng đế là thủy tổ của Dị Lang quốc, dạ dày của ngài cũng tức là dạ dày của Dị Lang, cho nên mới có tên là Vị Tổ long. Đó là cái dạ dày không đáy, cũng tức là cái túi như ý, cầu gì được nấy, song sẽ chỉ ứng nghiệm nếu dùng đất đai, lãnh thổ… dâng cho Dị Lang quốc ta. Chứ cầu để thỏa mãn lòng tham cho riêng mình thì sẽ bị trừng phạt. Tên Quỷ Quyệt kia đâu biết được điều đó?”
Canh ba đêm hôm ấy, cha con Trịnh Quỷ Quyệt đặt cái túi gấm trước bàn thờ rồi tranh nhau khấn. Đứa khấn tiền, đứa khấn vàng, đứa khấn kim cương hột xoàn rồi nhắm mắt chờ đợi.
(còn tiếp)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét