Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

VÌ THẾ TÔI HIỆN HỮU



Lời tác giả: Đây là bài giới thiệu tập Thơ Lê Văn Tài do Văn Mới và Tiền Vệ mới xuất bản vào tháng 9, 2013. Vì bài viết quá dài, tôi xin chia làm ba phần:
1) Từ hội họa đến thơ
2) Nhà thơ cụ thể xuất sắc
3) Nhà thơ lưu vong tiêu biểu
Buổi ra mắt tập thơ này (cùng với cuốn Văn học Việt Nam tại Úc: Chính trị và thi pháp của lưu vong của Nguyễn Hưng Quốc) sẽ được tổ chức vào ngày Thứ Bảy 14 tháng 12, 2013 (từ 2 đến 5 giờ chiều) tại Fairfield Museum & Gallery, góc đường The Horsley Drive và Oxford street, Smithfield NSW 2164, Úc.
 
NHQ

"TÔI (LÊ VĂN) TÈ - VÌ THẾ       TÔI HIỆN HỮU" [1]

nơi góc xó 46 Lovoni Street, xứ sở Kangaroo
người hoạ sĩ già soi gương tự hoạ chân dung mình
mắt nhìn trừng nét cọ    đỏ úa    màu tang
một chiếc Lá     khô chết    lúng liếng treo bên ngoài nguồn cội
mồm lưu vong      há hốc    
dài ngoẵng (từ quê gốc đến xứ người, nửa vòng trái đất)
trong kẽ răng, lằn môi vết nứt còn nâng niu nắm níu ủ ấp
một nhành vạn cổ khát vọng Quy Cố Hương
và lời hẹn:     mai, vĩnh viễn     bặt âm tiếng.
(Lê Văn Tài, “Gã ăn mày quê nhà trên trái đất vô trú xứ”)

“hắn chạy trốn thực tại – bởi hắn là tên tội đồ của lịch sử
      dám cưỡng hiếp giấc mơ gần
hắn còn chạy trốn quá khứ – bởi hắn là kẻ sát nhân của thời đại
      đã bắt cóc tống tiền tương lai”
(Lê Văn Tài, “Tên tội đồ của 1 lịch sử đánh mất thực tại”)

1. Lê Văn Tài, từ hội họa đến thơ
Lê Văn Tài đến với thơ tiếng Việt bằng một con đường vòng. Anh vốn là một hoạ sĩ. Ở trong nước, từ đầu thập niên 1960, anh vẽ tranh với một phong cách riêng và có một số khám phá về kỹ thuật được nhiều người khen ngợi.[1] Định cư tại Úc từ đầu thập niên 1980, anh tiếp tục vẽ tranh, tham gia cả hàng chục cuộc triển lãm cá nhân cũng như tập thể tại Úc và một số nơi trên thế giới. Lại được nhiều nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật, như Tiến sĩ Annette Van den Bosch[2] và Merrill Findlay,[3] khen là độc đáo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, anh còn làm thơ.
Điều thú vị là những bài thơ đầu tay của Lê Văn Tài không được viết bằng tiếng Việt mà bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ anh mới học sau khi rời Việt Nam và có lẽ còn lâu lắm mới có thể được coi là thông thạo. Vậy mà, thơ tiếng Anh của Lê Văn Tài lại được những người có thẩm quyền về thơ Úc khen ngợi nồng nhiệt. Trong số các nhà thơ người Việt thuộc thế hệ thứ nhất hiện sống tại Úc, có vẻ như anh là người đầu tiên có thơ được đăng tải trên các tạp chí văn học và các tuyển tập thơ có uy tín nhất của Úc.[4] Năm 1989, bài thơ “Separated Lover” của anh được Bộ Nghệ Thuật tiểu bang Victoria chọn in trên các poster lớn, dựng ở các ga xe lửa để mọi người thưởng thức trong chiến dịch đem thơ đến với quần chúng.[5] Năm 1987, anh tự xuất bản tập thơ tiếng Anh đầu tay, Empty Arms Surrounded by Warm Breath với lời giới thiệu của giáo sư Desmond Cahill tại trường Phillip Institute of Technology (sau nhập vào trường RMIT). Mười năm sau, tập thơ tiếng Anh thứ hai của anh, Waiting the Waterfall Falls, được trường Victoria University xuất bản, sau đó, được sử dụng như một tài liệu tham khảo trong khá nhiều môn học liên quan đến văn học Á châu và văn học di dân nói chung. Giáo sư John McLaren, trong lời giới thiệu, cho Lê Văn Tài, khi di cư sang Úc, đã mang cả quê hương theo với anh, hơn nữa, anh còn mở rộng quê hương ấy ra, làm cho mọi người Úc đều biến thành những thành viên trong gia đình của anh: thơ anh, do đó, vừa mang dấu ấn riêng vừa có tính phổ quát rất cao. Ivor Indyk, chủ nhiệm của Heat, một tạp chí văn học nổi tiếng, khen đó là một tập thơ hay, ở đó, thơ và thơ cụ thể kết hợp hài hoà với nhau. Robert Harris, phụ tá chủ biên phần thơ của tạp chí Overland, xem Lê Văn Tài là một nhà thơ quý giá có nhiều cống hiến cho nền văn học Úc.[6] Tiến sĩ Mark Stevenson, hiện dạy ngành Á châu học tại Victoria University, nhận định: “Đây là một tập thơ quan trọng giới thiệu mười năm phát triển của một nhà thơ quan trọng.”[7]
Lê Văn Tài chỉ thực sự bắt đầu làm thơ bằng tiếng Việt từ khi tạp chí Việt [8] ra đời vào năm 1998, tức gần 40 năm sau ngày anh hoàn tất những tác phẩm hội hoạ đầu tiên và hơn 10 năm sau ngày anh có những bài thơ tiếng Anh được xuất bản.
Con đường vòng ấy tuy khá khúc khuỷu nhưng rõ ràng không phải là vô ích. Quá trình làm-nghệ-thuật-ngoài-thơ-tiếng-Việt ấy cũng chính là quá trình tích luỹ kỹ thuật và nhất là kinh nghiệm mỹ học rất cần thiết cho mọi người sáng tạo dù ở bất cứ loại hình nào.
Nhờ sự tích luỹ ấy, Lê Văn Tài đã nhanh chóng tự khẳng định được bản sắc của mình ngay từ những bài thơ đầu tiên anh viết bằng tiếng Việt. Bản sắc ấy, như anh tự tổng kết, một cách gián tiếp, trong nhan đề tập thơ anh định xuất bản,[9] được kết tinh từ một thứ thẩm-mỹ-trâu-bò-húc. Đã trâu. Đã bò. Lại là trâu bò húc. Mà vẫn là thẩm mỹ.
Nhưng tại sao lại không chứ?
Lê Văn Tài đã kết hợp được trong thơ anh bao nhiêu là sắc thái khác nhau, từ cái tục của ngôn ngữ đến cái ngổn ngang của văn xuôi, cái rối rắm của cảm xúc, cái phức tạp của tư duy, cái xô bồ trong liên tưởng, cái đứt đoạn trong cấu trúc, và cả cái gồ ghề khấp khểnh thô nhám bụi bặm của cuộc sống hàng ngày. Trong sự kết hợp ấy, nổi bật lên vai trò của Lê Văn Tài - hoạ sĩ. Có thể nói, thơ Lê Văn Tài, trước hết, là thơ của một hoạ sĩ, ở đó, một trong những nét mạnh rõ rệt nhất chính là ở hình tượng. Trong thơ anh không hiếm những hình tượng lạ; ví dụ, anh viết về thời gian: “hạt thở xâu chuỗi ngọc quá khứ” (Thời gian); về biển: “vuông lụa mặn” (Gò đất); về mây: “đám mây ổ gà” (Ký ức lừa và chiếc ách tư duy); về mặt trời giữa trưa: “mặt trời – con dấu sắt nung đỏ      toàn trị” (Ước thấy một ngụm tự do… mưa); mặt trời đang lặn, nằm chênh vênh trên đỉnh núi: “mặt trời ngủ       cong” (Giữa xưa và nay);[10] về trăng: “trăng non sưng phổi” (Bên kia vô hạn); về cảnh hút bụi ngay trong nhà của anh: “những chiếc ghế mất trinh chỏng chơ nằm trên mặt bàn khuya chủ nhật / cái máy hút bụi ăn rác không ngừng thở” (Bầu trời du mục); về một ánh chớp: “lưỡi cưa trời”, về những chiếc lá đỏ rụng vào mùa xuân:
Chiếc lá khắc đồng
màng trinh mùa xuân cổ điển            rỉ máu
nát nhàu mặt đất            treo
[...]
gió      đứng lặng
                               nhìn hoe
                                                 mắt đỏ.
(“Triển lãm ngoài trời”)
Những hình ảnh ấy, nói theo Tiến sĩ Mark Stenvenson, có thể “làm thay đổi cách nhìn và cách đọc” của chúng ta.[11]
Con đường vòng gần nửa thế kỷ đến với thơ đồng thời cũng là một quá trình chiêm nghiệm đầy những trăn trở và những khắc khoải về thơ và về đời người. Có lần, trong bài thơ “Sáng tạo lão”, anh tự nói về anh như sau:
Lão 60 mi phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời
đái vung một đường cong ngoằn ngoèo — sông chảy
nguệch ngoạc vẽ vời cùn que — đùn cát
mi hoán đổi vị trí lỗ tai mù vào trái tim câm và cái mũi điếc
vào khối óc lạnh để nghe/ngửi mùi bi bô ngọng nghịu — đàn môi
mi thả con thuyền lá vào đại dương — chiếc thau nhựa sóng sánh
mi cong chân quẫy đạp mười phương địa cầu — cái đu bay quay
mi cắt những mảnh giấy màu hình ông sao, mơ trăm năm sau
đội đầu nhật nguyệt
mi xếp những hòn đá chữ “địa”— viên bi chai
và đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả
giấc mơ — chiếc nôi tay mẹ đòng đưa.
Lê Văn Tài muốn đóng vai một đứa bé 60 tuổi “phì phèo nước miếng làm mưa phun bắn miệng trời / đái vung một đường cong ngoằn ngoèo”. Tuy nhiên, ở “đứa bé” ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những suy tưởng vô cùng sâu sắc, đặc biệt về thân phận của một người nghệ sĩ trong xã hội, kẻ “đặt đít ngồi lên chỗ không là gì cả” (Sáng tạo lão), kẻ “làm cuộc đối thoại không có nơi khởi đầu / không có nơi kết thúc” (Ai sinh tôi ra), kẻ “gieo hạt” mà “không mong đợi gì” (Điểm đứng), và cũng là kẻ bị “rượu rót [...] vào ly” (Rót) để đắm chìm trong những cơn say triền miên.
Tự nói về mình, Lê Văn Tài cũng phác hoạ lên được chân dung của người nghệ sĩ lưu vong nói chung. Ngày xưa, người ta xem nghệ sĩ như những trích tiên bị đoạ đày. Huống gì là nghệ sĩ lưu vong: hai lần bị đoạ đày.
Đâu có gì lạ khi nghe trong giọng thơ của Lê Văn Tài, bên cạnh tính chất triết lý, lúc nào cũng có cái gì như hiu hắt.
Ừ. Thì cũng hiu hắt như phần lớn triết lý và thơ từ xưa đến nay vậy mà.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những vụ ám sát thảm khốc nhất trong lịch sử


6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử
6 vụ ám sát thảm khốc nhất trong lịch  sử

Ngày 22/11 vừa qua đánh dấu 50  năm kể từ khi cố tổng thống Kennedy bị ám sát. Ông không phải là nhà lãnh đạo  duy nhất gặp phải kết cục bi thảm như vậy. Dưới đây là những trường hợp bị ám  sát vì lý do chính trị thảm khốc nhất trong lịch sử.

Julius Ceasar

6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử


Dù sống cách đây hơn 2000  năm, Julius Ceasar vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất từng bị ám sát  một cách dã man. Vị hoàng đế La Mã này chết vào ngày 15/3 năm 44 trước CN.  Nguyên lão Brutus và Cassius dẫn đầu một nhóm các nguyên lão mang tên "Người  giải phóng" và đâm chết vị hoàng đế ở bên ngoài Nhà hát Pompey. Lí do của vụ ám  sát là nhóm nguyên lão sợ Caesar sẽ lên kế hoạch dẹp bỏ viện Nguyên lão và lập  ra chế độ độc tài. Và ngay say khi giết Caesar, họ lập nên một chính quyền độc  tài bạo chúa của chính mình.


Abraham Linlcon

6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử


Được nhiều nhà sử học đánh  giá là tổng thống vĩ đại nhất của Mỹ, ông bị sát hại khi đang ở đỉnh cao sự  nghiệp vào năm 1865. Ông đã có công chấm dứt chế độ nô lệ, bảo vệ sự toàn vẹn  của phe Liên bang trong cuộc nội chiến Mỹ và đang chuẩn bị cho công cuộc tái  thiết đất nước. Vào ngày 14/8/1865, lợi dụng lúc tổng thống đang xem một buổi  biểu diễn ở nhà hát Ford (thủ đô Washington), tên John Wilkes Booth đã lẻn vào  và bắn ông. Booth sau đó nhảy xuống sàn diễn và hô vang câu nói "Sic semper  tyrannis" ("tiêu đời tên bạo chúa"), một câu nói nổi tiếng gắn liền với Brutus  trong vụ ám sát Caesar.

Mahatma Gandhi

6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử


Mohandas Karamchand Gandhi  hay còn có tên Mahatma Gandhi là người lãnh đạo cuộc cách mạng của Ấn Độ chống  lại ách thống trị của đế quốc Anh từ những năm 1920 tới 1940. Thay vì dựa vào  một cuộc cách mạng vũ trang, ông sử dụng các phương pháp phi bạo lực để đạt được  mục đích. Nhưng vào ngày 30/1/1948, Nathuram Godse, một người Hindu theo chủ  nghĩa dân tộc chống lại phương pháp của Gandhi và ủng hộ đạo Hồi đã giết chết  ông bằng 3 phát đạn ở tòa nhà Birla (New Delhi).


Martin Lurther King  Jr.


6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử

Martin Lurther King Jr. là  một ngôi sao trong phong trào vì quyền bình đẳng và giống Gandhi, ông dựa vào  các phương pháp phi vũ trang để đòi quyền bầu cử cũng như các quyền công dân  khác cho người da đen. Dù ông luôn trung thành với phương pháp của mình, những  người đối địch (hầu hết là người da trắng miền Nam) lại sử dụng các phương pháp  bạo lực để chống lại ông. Những kẻ phân biệt chủng tộc sử dụng các vụ đánh bom,  đánh đập và giết người để đe dọa những người dám đấu tranh, cuối cùng King trở  thành nạn nhân. Ông bị bắn vào ngày 4/4/1968 khi đang đứng ở ban công nhà nghỉ  Lorraine ở Memphis, Tennesse. Nhà chức trách kết tội James Earl Ray, một tên tội  phạm, đứng đằng sau vụ ám sát này. Nhưng trong hàng chục năm, người ta đồn đoán  rằng Ray chỉ là một phần trong kế hoạch ám sát King của chính  phủ.


Tổng thống John F.  Kennedy


6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử

Gia đình Kennedy đã bị các  thảm kịch ám ảnh qua nhiều thế hệ. Ngày 22/11/1963, một tay súng đã bắn chết  John F. Kennedy khi ông đang trên đường tới Dealey Plaza ở trung tâm Dallas,  Texas. Ủy ban Warren kết luận Lee Harvey Oswald, một cựu lính thủy đánh bộ đã bỏ  trốn sang Liên Xô và quay lại Mỹ, là thủ phạm duy nhất và đã bắn các phát đạn từ  tầng 6 của tòa nhà gần đó. Nhiều người tin rằng câu chuyện này là sai sự thật,  và sau 50 năm thì thuyết âm mưu này vẫn tiếp tục được nhắc  tới.
Năm năm sau, vào ngày  5/6/1968, em trai của JFK là Robert F. Kennedy bị ám sát khi đang trang cử tổng  thống. Ông vừa giành được chiến thắng trong cuộc bầu ứng cử viên tổng thống ở  California và đang rời phòng khiêu vũ của khách sạn Ambassador, Los Angeles khi  Sirhan Sirhan, một người Palestine tiến tới và nổ sung giết ông. Lí do chính là  quan điểm ủng hộ Israel của ứng cử viên tổng thống tương lai.

Thái tử Áo-Hung Franz  Ferdinand


6 vụ ám sát nổi tiếng nhất trong lịch sử

Vụ ám sát là một trong  những sự kiện gây chấn động nhất thế giới thế kỷ 20, và được coi là nguyên nhân  trực tiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918). Thái tử Franz  Ferdinand bị giết vào ngày 28-6-1914 tại Sarajevo, Bosnia, do Tổ chức Bàn tay  đen chủ mưu. Người trực tiếp bắn chết thái tử là Gavrilo Princip, một sinh viên  người Serbia và thuộc tổ chức Bàn tay đen. Sau vụ ám sát này, giới quân phiệt  Đức, Áo-Hung chớp lấy cơ hội gây chiến tranh bằng cách đổ tội cho Vương quốc  Serbia đứng đằng sau vụ ám sát. Cuối cùng ngày 28-7-1914 Đế quốc Áo-Hung tuyên  chiến với Serbia, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

Phan  Hạnh
Theo  Livesience

Phần nhận xét hiển thị trên trang

'tạo kẻ thù' để ổn định nội bộ?



Chính phủ Trung Quốc nói máy bay đi qua Vùng nhận dạng phòng  không đều bị giám sát chặt
Việc Trung Quốc thành lập 'vùng nhận dạng phòng không' ở Biển Hoa  Đông làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á và sau đó là thái độ chừng mực  trước phản ứng của nước đối với hành động phản ứng của các nước láng giềng và  Hoa Kỳ đã bị dân mạng Trung Quốc "ném đá" chế giễu.
Tuy nhiên đây có thể là một chiêu bài nữa của chính phủ nhằm tạo kẻ thù,  không phải là để gây chiến mà nhằm ổn định xã hội trong nước.
Vào ngày 28/11, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho máy bay chiến đấu bay vào vùng  này.
Trước đó hôm 26/11, Hoa Kỳ cũng đã điều hai pháo đài bay B-52 bay qua, như  một dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ đồng minh Nhật Bản.
Tất cả các máy bay chiến đấu trên đều không báo cho Bắc Kinh trước khi bay  vào 'vùng nhận dạng phòng không '.

Chỉ trích từ trong nước

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo là các máy bay nước ngoài bay vào  vùng nhận dạng phòng không do Bắc Kinh tự ý quy định, kể cả các máy bay dân  dụng, phải báo trước cho chính quyền Trung Quốc.
"Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên  ngoài, người dân trong nước không bị bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không  sinh sống trong bầu không khí sợ hãi này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ  của chế độ độc tài. "
Nếu không chúng sẽ gặp phải các biện pháp ngăn chặn từ máy bay quân sự của  Trung Quốc.
Vùng phòng không này bao phủ cả khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Tokyo  quản lý nhưng Bắc Kinh yêu sách chủ quyền.
Tuy nhiên máy bay của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều không gặp phải hành  động ngăn chặn hay hỏi han từ phía Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cố lấy lại thể diện trong một thông cáo phát trên  mạng vào ngày 27/11, khẳng định đã nhận biết và "liên tục giám sát" chuyến bay  của hai pháo đài bay Mỹ.
Thông cáo này còn bổ sung thêm rằng "không quân Trung Quốc đang được đặt  trong tình trạng báo động, và sẽ sử dụng các biện pháp để đối phó với các mối đe  dọa trên không khác nhau, nhằm đảm bảo chắc chắn sự an toàn của không phận đất  nước ".
Trước sự phản ứng và giải thích của chính phủ Trung Quốc về sự việc trên đã  nhận được hàng núi "đá" từ dân mạng Trung Quốc ( có lẽ đủ để xây vài cái sân  bay).
Theo tìm hiểu, đa số những lời chỉ trích của dân mạng đến từ phía những người  phản đối chiến tranh chứ không phải là đội ngũ "Ngũ Mao Đảng" như những lần  trước.

'Hổ giấy'

Ngày 27/11, khi trả lời câu hỏi của các phóng viên rằng sau khi phía Hoa Kỳ,  Hàn Quốc và Nhật Bản không công nhận khu vực nhận dạng phòng không thì những  biện pháp mà Trung Quốc đưa ra liệu có trở thành " Con hổ giấy" hay không, Người  phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã trả lời:
"Cụm từ 'Hổ giấy' này có hàm ý đặc biệt. Anh có thể tìm hiểu lại, năm đó chủ  tịch Mao Trạch Đông nói 'hổ giấy' là để ám chỉ cái gì. Tôi muốn nhấn mạnh rằng,  chính phủ Trung Quốc có đầy đủ quyết tâm và năng lực để bảo vệ chủ quyền và an  ninh quốc gia.
Chúng tôi cũng có năng lực để thực thi quản lý hữu hiệu khu vực nhận dạng  phòng không ở Đông Hải."
Cũng vì tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông mà biên đội tàu sân bay Liêu  Ninh của Trung Quốc đang trong đợt diễn tập đi xuống vùng biển Đông đã chọn con  đường đi qua eo biển Đài Loan để đi xuống phía Nam.
Để đi vào Biển Đông, biên đội do tàu sân bay Liêu Ninh dẫn đầu có hai đường  là đi qua eo biển Bashi nằm giữa Philippines và Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài  Loan nằm giữa Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan. Trong trường hợp đi qua eo biển  Bashi, biên đội tàu Liêu Ninh sẽ phải đi qua vùng biển gần Nhật Bản. Do vậy,  biên đội tàu Liêu Ninh đã chọn con đường qua eo biển Đài Loan để tránh đối đầu  Nhật Bản.
Ảnh trên trang Baidu minh họa cờ Trung Quốc cắm trên đảo Điếu  Ngư (Senkaku)

'Tạo kẻ thù để tồn tại'

Trong những năm gần đây, những cụm từ được người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc sử dụng trong các trường hợp liên quan tới ngoại giao như "nghiêm  khắc cảnh cáo", " kiên quyết phản đối" đều bị dân mạng chỉ trích.
Họ mang ra so sánh những hành động đối nội nhằm duy trì ổn định xã hội và  những hành động đối ngoại mang tính chất "chỉ nói mà không làm" và cho rằng  chính phủ chỉ toàn "phun nước bọt lên trời và không có cái gì mang tính chất gọi  là "bảo vệ chủ quyền", càng không có ý định chuẩn bị "khai chiến dạy cho bè lũ  xâm lược một bài học" cả, hoàn toàn là vì nhu cầu "giữ ổn định xã hội".
Chính phủ Trung Quốc chỉ có cách là không ngừng tạo ra kẻ thù, không ngừng  chiến đấu không nghỉ thì mới kéo dài được hơi thở của mình.
Với nhu cầu trọng yếu là đảm bảo ổn định xã hội, họ dùng con bài kích động  chủ nghĩa dân tộc trong những mối quan hệ quốc tế nhằm mục đích lợi dụng cho  việc duy trì chế độ Đảng trị".
Điều này có nghĩa là Trung Quốc hiện tại không có năng lực lẫn không có ý  định đánh nhau với nước ngoài, nhưng có nhu cầu dùng kẻ thù ở bên ngoài để gia  tăng sự thống trị đối với trong nước.
Chính quyền độc tài đảng trị thường sử dụng chiêu bài quen thuộc nhằm kéo dài  sự thống trị của mình: Nuôi dưỡng sự thù địch đối với bên ngoài, tạo thành một  kẻ thù lâu dài, sử dụng lịch sử để phát triển thù hận, lợi dụng chủ nghĩa dân  tộc, chủ nghĩa yêu nước mù quáng.
"Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên  ngoài, người dân trong nước không bị bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không  sinh sống trong bầu không khí sợ hãi này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ  của chế độ độc tài."
Nếu thiếu sự thù hận đối với thế lực bên ngoài, người dân trong nước không bị  bao phủ bởi bầu không khí sợ hãi, không sinh sống trong bầu không khí sợ hãi  này, tự nhiên là không cần tới sự bảo vệ của chế độ độc tài.
Sự sợ hãi, sự dối trá và lòng thù hận là mục đích duy nhất của giáo dục.
Tác giả Naomi Wolf từng viết về chế độ phát xít: "Tạo nên kẻ thù, xây  dựng hệ thống giám sát nằm ngoài luật pháp, lập nên những đoàn thể vũ trang  riêng, độc quyền kiểm soát báo chí, làm giả tin tức truyền thông, đem những phần  tử tiến bộ xử án với tội phản quốc, đem thành phần phê bình chế độ xử tội làm  gián điệp" ....
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Biển Đông, Đài Loan, Pháp Luân Công, Tây Tạng,  Tân Cương, Nội Mông, các nhà hoạt động dân chủ, giáo hội Công giáo, các tầng lớp  dân oan , các tổ chức phi chính phủ NGO.... nhiều kẻ thù như vậy, việc thành lập  ủy ban an ninh quốc gia vừa rồi có thể vừa vặn đem những kẻ thù này mang lên  truyền thông, chứng tỏ chính quyền rất có khả năng trong việc giữ an toàn cho  người dân.
Nền chính trị Trung Quốc quả đang muốn tạo ra nhiều kẻ thù.
Bài phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả,  hiện sống tại Sài Gòn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không ai mong điều này xảy ra?

Nhân việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ có Thống Đốc mới, điều này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế của Trung Quốc và các nước châu Á, trong đó có Việt Nam như thế nào ?
Hôm Thứ Năm 14/11, bà Janet Yellen ra điều trần trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đấy là thủ tục thông thường để Quốc hội biểu quyết và phê chuẩn đề nghị của Tổng thống là bổ nhiệm bà Yellen vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang, nôm na là làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, kể từ đầu năm tới.
Đang ngồi ghế Phó Thống đốc bên cạnh Chủ tịch Ben Bernanke sắp mãn nhiệm, Janet Yellen là kinh tế gia nổi tiếng, có ông chồng George Akerlof cũng là kinh tế gia, đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001. Bà sẽ là phụ nữ đầu tiên lên lãnh đạo hệ thống ngân hàng trung ương của nước Mỹ. Chuyện ấy đã hấp dẫn.
Hấp dẫn hơn vậy, giới nghiên cứu về đầu tư theo dõi rất sát cuộc điều trần, để từ chủ trương đường lối của bà Yellen mà dự đoán quyết định của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Nhưng tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, lãnh đạo kinh tế và ngân hàng của Trung Quốc cũng nên chú ý tới chuyện này. Vì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể vô tình làm sụp đổ hệ thống ngân hàng của Bắc Kinh và gây ra một vụ suy thoái kinh tế, tức là một vụ khủng hoảng chính trị.
Vô tình chiết liễu … liễu tan hoang.
Chúng ta phải đi từ đầu câu chuyện kinh tế mang ý nghĩa như một…. câu phú tử vi: “cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc!…”
Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng “Chính sách ZIRP” – là lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ gọi là “quantitative easing” (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la.
Nói cho dễ hiểu là làm cho kinh tế có tiền nhiều và rẻ hơn, với hy vọng giảm bớt và thu hồi lại nếu kinh tế phục hoạt, thất nghiệp giảm và lạm phát tăng…
Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch Ben Bernanke thông báo là nhờ tình hình kinh tế khả quan hơn, Ngân hành Trung ương có thể “vuốt lại chính sách tiền tệ” – “tapering” – kể từ Tháng Chín. Nôm na là giảm bớt lượng tiền bơm ra hàng tháng và còn hút về lượng tiền đang lưu hành. Kết quả là tiền sẽ hiếm hơn nên lãi suất có thể tăng.
Chúng ta đụng vào một nghịch lý là tin mừng về kinh tế (chỉ dấu phục hoạt), lại dẫn tới tin buồn về tài chánh (làm tăng lãi suất ngân hàng và phân lời trái phiếu), khiến trị trường chứng khoán sụt giá mạnh. Và cả thế giới bị chấn động, vì sau nhiều năm tiền nhiều và rẻ khiến Mỹ kim sụt giá thì người ta đi vào một chu kỳ mới, là hối suất Mỹ kim sẽ tăng cùng lãi suất tại Hoa Kỳ. May là tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khả quan, biện pháp thu hồi tiền tệ chưa được áp dụng.
Đấy là lúc giới đầu tư chú ý đến người sẽ lên thay ông Bernanke làm Thống đốc vào năm tới… Mà chuyện ấy liên quan gì tới Trung Quốc?
Thưa rằng vì trái đất hình tròn và đồng tiền biết lăn.
Đồng tiền mà nằm bên Mỹ thì ăn lời rất ít vì lãi suất quá thấp. Người khôn ngoan bèn vay tiền rất rẻ bên Mỹ để kiếm lời ở nơi cao giá nhờ có lãi suất cao hơn. Khôn nhất là các đấng con trời tại Bắc Kinh hay Thượng Hải, Hong Kong, Singapore, v.v….
Họ vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là “Nhân dân tệ”, Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Thuật ngữ kinh tế gọi phép kinh doanh đó là “carry trade”, nếu dịch là “giao dịch lợi sai” hay “dung tư xáo lợi” thì cũng chẳng rõ nghĩa hơn!
Mà không chỉ có vậy.
Năm 2008, khi Hoa Kỳ cắt lãi suất thì cũng là lúc Trung Quốc ào ạt bơm tiền để kích thích kinh tế vì tình trạng co cụm của thị trường xuất cảng cả Âu lẫn Mỹ. Lãnh đạo xứ này bơm qua hai ngả là tín dụng và công chi. Vì đặc tính xã hội chủ nghĩa của xứ này là khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tín dụng từ hệ thống ngân hàng của nhà nước ưu tiên rót vào doanh nghiệp cũng của nhà nước, hay các công ty đầu tư địa phương do các cấp chính quyền địa phương lập ra.
Khối tín dụng tăng vọt từ những năm 2009 tạo ra phép ảo là kinh tế tăng trưởng mạnh khi toàn cầu đang bị suy trầm. Cái phép ảo còn kinh hại hơn vậy là nạn bong bóng đầu cơ trên thị trường gia cư địa ốc. Đất đai vốn thuộc quyền sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Và nhà nước phân quyền cho các địa phương tha hồ giành giật chia chác, vì đem lại 40% thu nhập ngân sách địa phương. Do đó, các ngân hàng của nhà nước, doanh nghiệp của nhà nước, cùng các đảng bộ ở địa phương thi nhau thổi bóng và tay chân cùng thân nhân của đảng viên cán bộ đều trở thành đại gia trong nền kinh tế ảo diệu này.
Khi núi nợ đã lên quá cao, lãnh đạo Bắc Kinh muốn kiểm soát hệ thống ngân hàng thì lại gặp một quy luật kinh tế khác, là “bít lỗ hà ra lỗ hổng”.
Đó là sự xuất hiện của các hình thức tín dụng ảo, là nghiệp vụ “shadow banking”, những hình thức đầu tư và cho vay mờ ám, thiếu sổ sách phân minh mà thừa rủi ro. Núi nợ tín dụng của Trung Quốc nay đã cao gấp đôi Tổng sản lượng nội địa và phân nửa là loại “ảo ảnh” sẽ bốc thành khói. Bên trong là những khoản tiền cho vay bằng kỹ thuật “carry trade”, vay tiền Mỹ với giá rẻ để tài trợ bằng loại tiền âm phủ là đồng Nguyên. Gọi là tiền âm phủ vì có giá trị của vàng mã.
Đấy là lúc chúng ta trở về với Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
Trong quá khứ, nhiều nước Đông Á cũng đã khôn ngoan như vậy là vay tiền rẻ của Mỹ theo loại tín dụng ngắn hạn để tài trợ các nghiệp vụ dài hạn. Khi Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nâng lãi suất là nhà nhà đều lật đật rút tiền về Mỹ. Nạn “tư bản tháo chạy” như nước thủy triều đã gây ra vụ khủng hoảng tài chánh Đông Á vào năm 1997, dẫn tới suy thoái kinh tế 1998, và khủng hoảng ở nhiều nơi khác, kể cả Liên bang Nga.
Nhưng chính là vụ khủng hoảng đã khiến các nước Đông Á phải cải cách. Bị trước tiên mà sợ liều thuốc đắng, Thái Lan trì hoãn cải cách đến hơn chục năm mới thấy khá. Nam Hàn thì nuốt liều thuốc đắng và tháo gỡ vai trò của các tập đoàn “chaebol” – nguyên nghĩa là “tài phiệt” – nên sau khi chìm rất sâu thì đã bật lên rất mạnh.
Khi biến cố này bùng nổ vào đầu Tháng Bảy năm 1997, Bắc Kinh còn đang hồ hởi với vụ Hương Cảng hồi quy cố quốc trước đó một ngày. Và thời đó, kinh tế Trung Quốc chưa hội nhập vào thế giới hình tròn của “toàn cầu hóa”, của nền kinh tế “nhất thể hóa”. Ngày nay thì đã khác xưa.
Luồng tư bản nóng đã như thủy triều chảy vào Trung Quốc và nhờ định hướng của nhà nước, với màu sắc Trung Hoa, đã dẫn đến nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Ngân hàng Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách tiền tệ và nâng lãi suất, ta sẽ thấy thủy triều rút. Để lại đằng sau là những trái bóng bể, là ngân hàng vỡ nợ, là nạn suy thoái kinh tế. Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến một sự lạ.
Đó là Hoa Kỳ bóp cò bên này, bên kia đại dương là hàng loạt bóng bể và ngân hàng phơi thây.
Hoa Kỳ không là thủ phạm, nhưng dân Trung Quốc vẫn là nạn nhân, chỉ vì lãnh đạo kiêu căng và tay chân thì tham lam tưởng bở. Phải chăng, “tham sân si” cũng là một quy luật kinh tế?
TS NGUYỄN XUÂN NGHĨA 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đâu người anh hùng thời nay?


175520

Thời đại anh hùng. Bộ phim diễn tả chân thực và sống động thời kì phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc, từ nước có thu nhập trung bình ngang với châu Phi đã vươn lên hàng ngũ những nước giàu có nhất thế giới, công lao rất lớn là của những người hùng biết làm cho đất nước trở nên giàu mạnh
“Anh hùng ngày nay có thể nói là những lãnh đạo chính trị, những quan chức có trách nhiệm cao luôn thao thức về cuộc sống của đại đa số dân chúng, về một đất nước giàu mạnh trong tương lai và lắng nghe chuyên gia, trí thức để tìm ra các biện pháp hữu hiệu cho các mục tiêu đó. Họ phải là những người ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nền công nghiệp yếu ớt, kinh tế bất ổn và đời sống của đa số dân chúng khó khăn.”
“Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là xây dựng và hoàn thiện một thể chế đủ chất lượng để hướng các nguồn lực xã hội vào mục tiêu phát triển.”
Giải Sách hay 2012 trong lĩnh vực kinh tế đã được trao cho tác phẩm Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hoá Việt Nam của GS Trần Văn Thọ. Những đề xuất của ông nêu trong cuốn sách ra đời cách đây bảy năm đến nay vẫn nguyên giá trị.
Nhìn lại những vấn đề mà cuốn sách đặt ra cách đây bảy năm, ông có buồn nhiều không khi tình hình vẫn chưa có gì thay đổi?
Cuốn sách của tôi viết ra nhằm đề khởi những chiến lược, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hoá đất nước trước những biến động lớn tại Đông Á. Thông thường loại sách này chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định vì tình hình thay đổi thì chiến lược, chính sách cũng phải khác. Thế nhưng “rất tiếc” là phần lớn nội dung cuốn sách vẫn còn giá trị thời sự bởi nhiều chiến lược, chính sách đã không được thực hiện và thách thức của dòng thác công nghiệp tại Á châu thì vẫn như cũ, nếu không nói là ngày càng mạnh hơn.
Ông có thể cho biết thách thức của dòng thác ấy đối với Việt Nam và chiến lược, chính sách đáng lẽ phải thực hiện sớm hơn là gì?
Thứ nhất, cạnh tranh giữa các nước Đông Á trên thị trường thế giới ngày càng mạnh. Nước nào cũng tìm cách chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, trong cùng ngành thì tiến lên cao hơn trên chuỗi giá trị. Do đó, chiến lược, chính sách phải vừa củng cố lợi thế so sánh hiện tại và chuẩn bị tiền đề cho lợi thế so sánh trong tương lai năm – bảy năm hoặc mười năm tới (mà tôi gọi là lợi thế so sánh động). Các chính sách, chiến lược này phải được quyết định và thực thi nhanh chóng, đặc biệt tập trung đầu tư hạ tầng có trọng điểm và tranh thủ dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thứ hai, các ngành công nghiệp chủ đạo hiện nay tại Đông Á cũng như trên thế giới là những ngành liên quan đến máy móc như đồ điện gia dụng, máy tính cá nhân, máy in, điện thoại di động, xe hơi, xe máy… mà việc sản xuất mỗi sản phẩm ngày càng được phân công trên nhiều cứ điểm tại nhiều nước, tạo thành những mạng lưới cung ứng. Điều kiện để có mạng lưới cung ứng là, ngoài chi phí sản xuất khác nhau giữa các cứ điểm tương ứng với tính chất của mỗi linh kiện, bộ phận hoặc công đoạn sản xuất, phí tổn lưu thông giữa các cứ điểm (gọi là phí tổn nối kết dịch vụ) phải nhỏ. Trong thời đại này, các nước tăng sức cạnh tranh quốc gia bằng cách làm cho phí tổn nối kết dịch vụ ngày càng nhỏ, luôn cải thiện hạ tầng phần cứng (hệ thống giao thông, thông tin…) và nhất là chú ý cải thiện hạ tầng phần mềm (thủ tục hành chính, thuế quan, tác phong phục vụ của cán bộ quản lý). Việt Nam có cố gắng cải thiện hạ tầng cứng nhưng thiếu trọng điểm và chất lượng xây dựng còn thấp, lại chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm, nên đã không thu hút được nhiều FDI trong các ngành liên quan các loại máy móc. Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu.
Thứ ba, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức lớn. Tác động của hàng công nghiệp xuất khẩu Trung Quốc ngày càng mạnh, có khuynh hướng đè bẹp các nước đi sau. Đặc biệt Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng, phản ảnh trong cơ cấu ngoại thương (chủ yếu xuất hàng nguyên liệu thô và nhập hàng công nghiệp các loại) và nhập siêu lớn đối với Trung Quốc.
Thứ tư, trào lưu mậu dịch tự do cũng là một thách thức ngày càng lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt khi phải thực hiện đầy đủ các cam kết theo hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tràn vào nhiều hơn nữa, gây khó khăn cho con đường công nghiệp hoá của Việt Nam.
Triển khai nhanh chóng chiến lược, chính sách đối với hai thách thức đầu tiên sẽ đối phó được với thách thức thứ ba và thứ tư. Rất tiếc cho đến nay các chiến lược, chính sách ấy chưa được quan tâm đầy đủ.
Liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài, ông nhận định thế nào về sự chuyển dịch của làn sóng đầu tư Nhật Bản vào châu Á?
Tình hình Đông Á hiện nay có một thay đổi lớn liên quan đến quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư đã làm ngưng trệ các dự án đầu tư mới của Nhật tại Trung Quốc, nhất là sự thiệt hại ở các cơ sở sản xuất và kinh doanh do các nhóm biểu tình bạo động gây ra, đã làm Nhật thấy môi trường đầu tư tại Trung Quốc quá rủi ro. Nhân thời cơ này Việt Nam có thể nhanh chóng đón bắt làn sóng FDI từ Nhật. Tuy nhiên phải chủ động và tích cực tiến hành các chiến lược, chính sách đã phân tích ở trên. Nếu không, làn sóng đầu tư mới sẽ đi hướng khác. Trên thực tế Nhật đang tiếp tục đầu tư nhiều tại Thái Lan và Indonesia, và ngày càng quan tâm đến Philippines, Ấn Độ và Myanmar.
Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây – Việt Nam từ năm 2011: vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian (NXB Tri Thức), ông có viết về “hình tượng anh hùng trong thời đại phát triển”.
Có phải là chúng ta đang thiếu anh hùng?
Theo tôi, hai điều kiện tiên quyết để phát triển là năng lực xã hội và thể chế. Các thành phần của năng lực xã hội gồm các tố chất cần thiết của lãnh đạo chính trị, của quan chức, của lãnh đạo doanh nghiệp, của giới lao động và trí thức, và thể chế chi phối hành động của các thành phần xã hội ấy. Trách nhiệm của lãnh đạo chính trị là xây dựng và hoàn thiện một thể chế đủ chất lượng để hướng các nguồn lực xã hội vào mục tiêu phát triển.
Trong các thành tố của năng lực xã hội, hiện nay quan trọng nhất là lãnh đạo chính trị và đội ngũ quan chức. Chúng ta có rất nhiều anh hùng dân tộc trong lịch sử chống ngoại xâm, trong thời đại phát triển hiện nay chúng ta cũng cần anh hùng. Anh hùng trong thời đại này cũng có những tố chất như anh hùng thời chống ngoại xâm dù nội dung cụ thể có thể khác. Chẳng hạn tài trí (có tri thức, có tầm nhìn xa, có năng lực lãnh đạo…), dũng cảm (dám nhận trách nhiệm, dám vì lợi ích đất nước mà đương đầu với mọi khó khăn, với các nhóm lợi ích cục bộ), quên mình vì dân vì nước (chí công vô tư, đặt quyền lợi đất nước lên trên hết), trọng dụng và thu phục được người giỏi để thực hiện sự nghiệp lớn (dùng người giỏi thật sự và lắng nghe trí thức) v.v. Tóm lại, anh hùng ngày nay có thể nói là những lãnh đạo chính trị, những quan chức có trách nhiệm cao luôn thao thức về cuộc sống của đại đa số dân chúng, về một đất nước giàu mạnh trong tương lai và lắng nghe chuyên gia, trí thức để tìm ra các biện pháp hữu hiệu cho các mục tiêu đó. Họ phải là những người ăn không ngon, ngủ không yên khi thấy nền công nghiệp yếu ớt, kinh tế bất ổn và đời sống của đa số dân chúng khó khăn.
Trong ý nghĩa đó, Việt Nam hiện nay có anh hùng không? Câu trả lời không dễ. Nhưng khi trở lại câu hỏi đầu tiên và câu trả lời của tôi thì ta thấy rõ ràng là Việt Nam thiếu anh hùng trong thời đại này. Nếu cần thêm, tôi có thể nói, những lãnh đạo quyết định những dự án đầu tư lớn không vì lợi ích của đất nước, của đại đa số dân chúng, mà vì các nhóm lợi ích riêng tư, thì rõ ràng còn xa mới tới tiêu chuẩn của anh hùng; những quan chức, những lãnh đạo không lo hết mình với công việc đang đảm trách mà bỏ thì giờ dự lễ hội liên miên, ngồi hội đồng chấm luận án tiến sĩ hoặc tìm mọi cách để được phong giáo sư thì không phải là anh hùng. Theo tôi, chừng nào quan chức, lãnh đạo trong bộ máy nhà nước chưa xem tiến sĩ, giáo sư là những học hàm, học vị chỉ dành cho những người nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các viện nghiên cứu, ở các đại học thì kinh tế khó phát triển và giáo dục cũng bị ảnh hưởng xấu.
Một vấn đề bức xúc hiện nay là đời sống tinh thần và vật chất nghèo nàn của công nhân trong các khu công nghiệp. Họ bị vắt kiệt sức lao động với đồng lương ngày càng ít ỏi, những khu ổ chuột mới thì ngày một lan rộng. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?
Đúng là rất đau lòng. Ở đây không có nhiều thì giờ để phân tích nguyên nhân và đưa ra đối sách. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là trách nhiệm của lãnh đạo và quan chức rất lớn. Họ phải chăm lo đầu tư hạ tầng xã hội để cải thiện cuộc sống của công nhân, và phải cải thiện môi trường đầu tư, kể cả thủ tục hành chính, để doanh nghiệp tăng năng suất lao động và từ đó tăng lương cho công nhân. Ngoài ra phải có chính sách khuyến khích, tưởng thưởng những doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt đối với lao động, đồng thời có biện pháp phát hiện, chế tài những doanh nghiệp không tôn trọng các cam kết hợp đồng lao động.
Một chuyện đau lòng tương tự là hình ảnh người đi lao động xuất khẩu phải vất vả trong hoàn cảnh khắc nghiệt về khí hậu, về điều kiện làm việc ở xứ người. Cần nhấn mạnh rằng một nước xuất khẩu nhiều lao động giản đơn thì hầu hết, nếu không nói tất cả, là những nước nghèo, do đó hình ảnh của những nước này không mấy sáng sủa trên vũ đài thế giới. Anh hùng trong thời đại phát triển là phải đau cái đau của người dân và có kế hoạch chấm dứt tình trạng này trong một thời gian càng ngắn càng tốt.
Tôi vẫn còn xúc động khi nhớ lại một đoạn trong cuốn tiểu thuyết đọc thời trung học ở Việt Nam, cũng đã trên 45 năm. Tác giả, một nhà văn Tự lực văn đoàn, đã để cho nhân vật chính của mình nghĩ thế này: “Biểu hiện cho đất nước không phải là những bậc vua chúa, danh nhân mà là đám dân nghèo không tên không tuổi. Dân là nước, yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân”. Chúng ta cần những anh hùng, những nhà lãnh đạo suy nghĩ như vậy.
Ông nghĩ gì về khái niệm “lợi thế của nước đi sau”? Làm thế nào để chúng ta có được những nhà công nghiệp lớn?
Nước đi sau có thể học hỏi kinh nghiệm và du nhập vốn, công nghệ của nước đi trước nên rút ngắn được quá trình công nghiệp hoá. Dĩ nhiên điều kiện đủ là nước đi sau phải có các năng lực cần thiết và thể chế thích hợp. Nhưng cho đến nay các nước đi sau rút ra các kinh nghiệm thành công và thất bại của nước đi trước chủ yếu trên phương diện phát triển công nghiệp, phát triển lực lượng sản xuất, chứ không hoặc ít quan tâm đến phạm trù văn hoá, tính nhân văn của quá trình phát triển. Công nghiệp hoá không phải chỉ là làm sao để xây dựng những ngành công nghiệp hiện đại có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, và được thể hiện bởi những nhà doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận. Nhà doanh nghiệp có văn hoá thì có động cơ và mục tiêu phát triển cao cả hơn, đậm tính nhân văn hơn. Tôi xin nêu vài ví dụ lấy từ Nhật Bản. Năm 1946, giữa hoang tàn đổ nát sau thế chiến thứ hai, Ibuka Masaru, người sáng lập hãng Sony, tại buổi lễ thành lập công ty đã nói một câu làm xúc động lòng người: “Bổn phận hiện nay của chúng ta là phải đem công nghệ và trí tuệ đóng góp vào việc phục hưng tổ quốc”. Nghĩa là việc phục hưng tổ quốc, xây dựng đất nước là mục tiêu đầu tiên. Matsushita Konosuke, người sáng lập công ty bây giờ có tên Panasonic, cũng đưa ra triết lý kinh doanh vì cộng đồng, vì sự phồn vinh của xã hội, của đất nước. Ông lấy việc cải thiện đời sống của người lao động trong công ty làm mục tiêu đuổi kịp trình độ của các nước Âu – Mỹ. Không ít những nhà doanh nghiệp hàng đầu khác của Nhật bắt đầu sự nghiệp bằng động cơ cao cả ấy.
Còn nhiều mặt khác của quá trình công nghiệp hoá cũng cần được nói đến: Làm sao để mọi người trong xã hội tham gia vào quá trình công nghiệp hoá, quá trình phát triển một cách tự nguyện và ngày càng thấy yêu cuộc sống? Làm sao để đời sống và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện nhanh? Làm sao để mọi người trong xã hội có ý thức cộng đồng ngày càng tăng và đối xử với nhau có văn hoá?…
Đây là những vấn đề tôi nghĩ rất thiết thân ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Rút ngắn khoảng cách phát triển trên cơ sở ngày càng làm phong phú cuộc sống tinh thần của người dân mới đạt ý nghĩa đích thực của phát triển.
Xin hỏi một câu riêng tư: lý do nào ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam dù sinh sống ở nước ngoài đã hơn 40 năm?
Tôi cũng không hiểu sao cho đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đổi quốc tịch, mặc dù giữ quốc tịch Việt Nam khiến tôi gặp không ít khó khăn trong công việc vào những thập niên 80 – 90 thế kỷ trước, nhất là khi đi hội nghị ở nước ngoài. Rất mừng là hiện nay những khó khăn ấy không còn nữa. Người có quốc tịch Việt Nam đi các nước ASEAN trong vòng hai tuần thì không phải xin visa như trước.
Dấu ấn sâu đậm nào về quê hương mà ông xem là hành trang quý giá hình thành nên con người mình?
Tôi sang Nhật năm 19 tuổi. Dấu ấn về quê hương dĩ nhiên là nhiều. Nhưng có lẽ tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ các sách báo về lịch sử Việt Nam, và từ các tác phẩm văn học, thơ ca thời trước năm 1945 mà ta gọi là văn thơ tiền chiến, nhạc tiền chiến. Hành trang mang đi nước ngoài có lẽ là tiếng Việt, tâm hồn và văn hoá Việt gói ghém trong các tác phẩm ấy.
KIM YẾN – GS TRẦN VĂN THỌ
THEO SÀI GÒN TIẾP THỊ


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao đồng qui sinh ra xung đột: Càng trở nên giống nhau, Trung Quốc và Mỹ lại càng xa nhau

Mark Leonard

Trần Ngọc Cư dịch
Nhiều người lo ngại rằng trong một tương lai không xa, thế giới sẽ bị chia ra nhiều mảng vì hố sâu ngăn cách giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng. Họ nêu lên câu hỏi, vì sao một chế độ độc tài cộng sản và một chế độ dân chủ tư bản có thể bắc một chiếc cầu để khắc phục khoảng cách giữa hai bên? Nhưng đã đến lúc ta nên từ bỏ cái tư duy cho rằng hai nước này đến từ những hành tinh khác nhau và những căng thẳng giữa chúng là sản phẩm của những dị biệt giữa hai quốc gia. Trên thực tế, cho đến tương đối gần đây, Trung Quốc và Mỹ khá hòa hợp với nhau – chính vì những lợi ích và thuộc tính của hai nước khác nhau. Ngày nay, chính những tương đồng ngày càng gia tăng, chứ không phải những dị biệt, đang đẩy hai nước cách xa nhau.
Quan hệ Mỹ-Trung hoàn toàn tương phản với quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô, nước sau cùng đã thách thức quyền lực Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, khi địa chính trị trước hết là một cuộc xung đột ý thức hệ, sự tiếp xúc ngày càng gia tăng và tính đồng qui ngày càng phát triển giữa hai xã hội phân cách nhau đã nuôi dưỡng được chính sách hoà hoãn.
Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện quốc tế trong thời đương đại đã đảo ngược tiến trình tương tác đó. Ngày nay, các nước cạnh tranh nhau vì địa vị quốc tế thì nhiều, mà vì ý thức hệ thì ít. Do đó, những dị biệt giữa các đại cường thường dẫn đến sự bổ túc cho nhau và hợp tác với nhau, trong khi sự tương đồng thường là nguyên nhân xung đột. Trong khi tái quân bình nền kinh tế và rà soát lại chính sách đối ngoại của mình, Bắc Kinh và Washington ngày một đối đầu về những lợi ích chung. Và hình như Sigmund Freud đã tiên đoán được trường hợp này: Trung Quốc và Mỹ càng trở nên giống nhau, thì hai nước lại càng ít thích nhau. Freud gọi hiện tượng này là “nỗi ám ảnh về những dị biệt tiểu tiết”: đó là xu thế tập trung vào những dị biệt rất nhỏ giữa những người vốn dĩ giống nhau để biện minh cho những tình cảm xung khắc của họ. Hẳn nhiên, hai nước này không hoàn toàn giống nhau. Nhưng hố sâu chia rẽ hai nước một thế hệ trước đây đã thu hẹp lại, và khi càng giống nhau thì càng dễ trở nên xung đột.
Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Obama lên cầm quyền năm 2009, ông hi vọng đưa Trung Quốc vào các cơ chế toàn cầu và khuyến khích nước này đồng hóa lợi ích của mình với việc duy trì hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo sau Thế chiến. Nhưng chỉ gần năm năm sau, theo một quan chức Mỹ nắm vững tư duy Tổng thống Mỹ mà tôi có dịp trao đổi vào đầu năm nay, thái độ của Obama đối với Trung Quốc được mô tả chính xác nhất là “thất vọng”. Theo quan chức này, Obama thấy rằng phía Trung Quốc đã bác bỏ nỗ lực của ông trong việc tạo dựng một dạng “G-2” không chính thức trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của ông, tháng Mười Một 2009, và những bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington về thay đổi khí hậu, về những vấn đề trên biển và an ninh mạng đã khiến Obama tin rằng Trung Quốc là một vấn nạn hơn là một đối tác.
Về phần mình, lãnh đạo Trung Quốc không muốn đề cao một trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo, một trật tự mà họ không đóng vai trò tạo dựng. Đó là lý do tại sao, trong thời gian trước cuộc họp với Obama tháng Sáu vừa qua tại Khu nhà nghỉ Sunnylands tại California, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy thiết lập một “loại quan hệ đại cường mới” – một cách nói được mã hóa để người Trung Quốc nhắn nhủ người Mỹ phải tôn trọng Trung Quốc như một quốc gia ngang hàng với Mỹ, phải đáp ứng những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, và phải dự kiến Trung Quốc xác định lợi ích của mình chứ không hậu thuẫn những nghị trình quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Trong khi hai cường quốc lớn nhất toàn cầu chiều chuộng chứng thần kinh của mình, phần còn lại của thế giới đâm ra lo lắng. Trong một loạt vấn đề kinh tế và địa chính trị quan trọng, Bắc Kinh và Washington ngày càng ra sức qua mặt nhau hơn là đầu tư vào những định chế chung. Điều này sẽ có hiệu ứng sâu xa trên thế giới. Mặc dù mậu dịch toàn cầu sẽ bành trướng và các định chế toàn cầu sẽ còn tồn tại, nhưng chính trị quốc tế sẽ không bị khống chế bởi các quốc gia giàu mạnh hay các tổ chức quốc tế mà bởi những cụm quốc gia xích lại gần nhau vì có lịch sử và mức độ giàu có giống nhau, và tin tưởng rằng lợi ích quốc gia của chúng bổ túc cho nhau. Những nhóm quốc gia thực tiễn và có phần tùy nghi này sẽ tìm cách phát triển thế mạnh của chúng từ trong nhóm ra ngoài, và sự tương tác giữa chúng với nhau sẽ làm lu mờ đội hình của cái trật tự tự do đa phương và thống nhất mà Mỹ và đồng minh đã cố gắng xây dựng từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
KẾT THÚC THỰC THỂ CHIMERICA
Trong gần hai thập kỷ qua, Trung Quốc và Mỹ đã tận hưởng một quan hệ cộng sinh gần như tuyệt hảo. Tiền tiết kiệm của Trung Quốc nuôi sức tiêu thụ của Mỹ. Các công ty Trung Quốc chế tạo những sản phẩm do các công ty hậu công nghiệp Mỹ thiết kế và bảo dưỡng. Và chính sách đối ngoại hướng nội của Trung Quốc trên cơ bản không làm lung lay vai trò bá quyền của Mỹ. Nhà sử học Niall Ferguson và nhà kinh tế Moritz Schularick cho rằng hai nước đã quyện chặt vào nhau đến nỗi họ bắt đầu gọi chúng như một thực thể riêng: “Chimerica” [China + America, ND].
Nếu quả thật từng có một Chimerica thì nó tồn tại nhờ cái thực tế là: mặc dù triết lý cai trị của hai quốc gia khác nhau sâu sắc, nhưng chúng chỉ khác nhau theo cung cách cái ổ khóa và cái chìa khóa khác nhau. Trung Quốc được điều hành theo “đồng thuận Đặng Tiểu Bình”, mang tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lùi về phía sau vào những năm 1990, nhưng viễn kiến của ông vẫn tiếp tục dẫn đường cho nước này nhiều năm nữa. Mục đích trước tiên của Đặng là duy trì ổn định quốc nội và quốc tế bằng cách tránh xa một nghị trình đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại và, thay vào đó, chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, tín lý cai trị của Mỹ trong thập niên 1990 dựa vào một chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa can thiệp nhằm bảo vệ một trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, một trật tự đặt cơ sở trên tự do mậu dịch ở nước ngoài và tăng trưởng kinh tế trong nước nhờ sức mạnh tín dụng. Hai viễn kiến này không có gì giống nhau, nhưng chúng cũng ít khi đối đầu xung đột; thật ra, chúng thường bổ túc cho nhau. Hẳn nhiên, trong giai đoạn này, Bắc Kinh và Trung Quốc vẫn cạnh tranh với nhau. Nhưng vì hai nước xuất phát từ những mức quyền lực rất chênh lệch, cuộc đọ sức trở thành bất đối xứng đến nỗi ít gây ra cọ xát. Vả lại, hai cường quốc này thường theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau và dựa vào những phương tiện rất khác nhau. Tại châu Á, Mỹ tập trung vào việc duy trì vai trò siêu cường quân sự của mình và chống lại bất cứ sáng kiến kinh tế nào mà Mỹ không nắm quyền hoạch định – thậm chí cả khi chúng được đưa ra bởi một đồng minh như Nhật Bản là nước đã đề nghị thành lập một quỹ tiền tệ châu Á trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-98, một ý tưởng bị Washington bác bỏ. Trái lại, vào thời điểm đó, Trung Quốc đã tìm cách trấn an các nước láng giềng về “cuộc trỗi dậy hòa bình” của mình bằng cách hậu thuẫn việc hội nhập đa phương trong khu vực và hứa hẹn các nước này một phần thưởng kinh tế trong cuộc trỗi dậy của Trung Quốc thông qua các hợp đồng thương mại. Ở bên ngoài châu Á, lúc bấy giờ Bắc Kinh và Washington cũng tránh giẫm đạp lên chân nhau: Mỹ dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ với các nước dân chủ tiên tiến khác và các nước giàu năng lượng tại Trung Đông, còn Trung Quốc thì dồn các nỗ lực ngoại giao của mình vào việc tìm kiếm cơ hội tại châu Phi và châu Mỹ La tinh, những vùng mà Mỹ đã rút lui.
HOÁN CHUYỂN VỊ TRÍ
Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã kết thúc kỷ nguyên Chimerica. Thức tỉnh vì nhận ra sự yếu kém của mình trước các lỗi hệ thống đã đưa đến cuộc khủng hoảng, Bắc Kinh và Washington cương quyết tái quân bình quan hệ kinh tế với nhau, một quan hệ mà cả hai nước đều nhận thấy đã trở nên thiếu lành mạnh. Nhưng trong khi rà soát lại chính sách đối nội và đối ngoại của mình để tìm cách thích nghi với nền kinh tế toàn cầu đột nhiên trở nên yếu kém, cả hai nước bắt đầu phản ánh lẫn nhau trong những cung cách có khả năng thúc đẩy tính cạnh tranh hơn là tính bổ túc.
Trong lãnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc lâu dài vào hàng xuất khẩu và đang cố gắng kích thích mức tiêu thụ trong nước và phát triển một nền kinh tế dịch vụ nội địa. Trong khi đó, Mỹ đang nâng đỡ khu vực chế tạo hàng hóa của mình, một phần bằng chủ trương hạ giá đồng Mỹ kim thông qua việc gia tăng nguồn tiền cho các ngân hàng [quantitative easing] và bằng việc trợ cấp khu vực chế tạo xe hơi, và khuyến khích tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu chủ đạo thông qua một loạt hợp đồng thương mại mới với các nước giàu, gồm Nhật Bản và các quốc gia trong khối Liên Âu.
Các nỗ lực sản xuất hàng hóa giá trị cao của Trung Quốc và những toan tính tái công nghiệp hóa của Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng là hai nước sẽ cạnh tranh trực tiếp hơn, khi nước này tiến gần đến phương thức sản xuất và tiêu thụ truyền thống của nước kia. Chẳng hạn, Trung Quốc không còn muốn cung cấp các linh kiện rẻ tiền bên trong chiếc iPhone chỉ để đứng nhìn những lợi nhuận lớn nhất dồn vào tay một công ty Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc đang khuyến khích các công ty Trung Quốc nên theo gương Huawei, một công ty đặt trụ sở tại Quảng Đông đã cực kỳ thành công trong việc bán ra các điện thoại thông minh bắt chước chiếc iPhone, mà lợi nhuận của công ty này vẫn nằm trong nước. Tuy nhiên, trong quan hệ của mỗi nước với phần còn lại của thế giới, cả hai cường quốc đang trở nên giống nhau một cách rất ngoạn mục – trong một số trường hợp gần như đang hoán chuyển vai trò truyền thống của nhau. Trung Quốc đang phấn đấu để điều hành ảnh hưởng toàn cầu đang lên của mình. Giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của đất nước này đang lao vào một cuộc tái tư duy rộng lớn về chiến lược Trung Quốc; họ chất vấn mọi tín điều trong đường lối “ẩn mình để chờ thời cơ” của thời đại Đặng Tiểu Bình, gồm cả truyền thống tránh can thiệp vào nội bộ nước khác của Trung Quốc. Tiến trình này được thúc đẩy bởi cuộc chiến do NATO lãnh đạo năm 2011 nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi, khi Trung Quốc kinh ngạc nhận ra rằng nhiều nước đang phát triển đã ủng hộ việc can thiệp của quốc tế. Sức ép đòi hỏi Trung Quốc phải có một chính sách đối ngoại ít thụ động hơn phát xuất từ các công ty Trung Quốc muốn được che chở tại những thị trường nguy hiểm ở nước ngoài; từ một đội ngũ trí thức theo chủ nghĩa toàn cầu chủ trương rằng trong một thế giới mà Trung Quốc hiện diện tại nhiều điểm nóng, Bắc Kinh phải từ bỏ sự dè dặt của mình để chấp nhận các hoạt động quốc tế; và từ những người hoạch định chính sách Trung Quốc hiếu chiến tin tưởng rằng Trung Quốc cần phải quyết đoán hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài. Thậm chí nếu những tranh luận này có thắng thế đi nữa, Trung Quốc sẽ không vội tung ra những cuộc can thiệp vì lý do nhân đạo theo kiểu Mỹ nhưng những người làm chính sách Trung Quốc sẽ bớt rụt rè hơn trong việc can thiệp vào nội bộ của nước khác. Như Diêm Học Thông (Yan Xuetong), Viện trưởng Viện Bang giao Quốc tế Hiện đại tại Đại học Thanh Hoa, đã nói với tôi, “Khi Trung Quốc mạnh bằng Mỹ, chúng tôi sẽ có một đường lối đối với vấn đề chủ quyền giống hệt như Mỹ.”
Và khi đề cập đến chính trị khu vực, những trí thức diều hâu như Diêm đang bày tỏ những hoài nghi về việc Trung Quốc có nên đặt lợi ích kinh tế cao hơn những mục tiêu chính trị hay không. Sự chuyển biến tư duy này có thể giải thích quyết định của chính phủ Trung Quốc năm 2010 trong việc tạm thời ngưng xuất khẩu khoáng sản đất hiếm sang Nhật Bản và quyết định của Trung Quốc hai năm sau đó trong việc giới hạn nhập khẩu trái cây từ Philippines trong thời gian hai nước xung đột về các đảo trong Biển Hoa Nam [Biển Đông Việt Nam – N.D.]. Những động thái này diễn ra song song với việc chính quyền có vẻ dung túng những cuộc biểu tình đôi khi bạo động được tổ chức bởi các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc nhằm chống lại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, dù sự bất ổn đó đã khiến một số công ty này phải dời sang Việt Nam.
Trong một chuyển biến nhiều kịch tính hơn, giới hàn lâm Trung Quốc cũng đang tranh luận là liệu nước họ có nên xét lại việc chống đối các liên minh thường trực không. Năm ngoái, Diêm và các trí thức diều hâu khác công khai đề nghị rằng Trung Quốc nên phát triển các hình thức gần như liên minh với khoảng trên một chục nước, gồm các cộng hòa Trung Á, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Nga, và Sri Lanka, cấp cho họ những đảm bảo an ninh và, đối với những nước nhỏ trên danh sách này, có lẽ cả sự che chở của chiếc dù hạt nhân Trung Quốc. Những động thái này không phải là điều mà nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick nghĩ tới vào năm 2005 khi ông kêu gọi Trung Quốc nên trở thành một “thành viên có trách nhiệm” trong trật tự toàn cầu.
Tiếp sức cho tính quyết đoán quốc tế ngày một gia tăng của Trung Quốc là sự phát triển một hệ thống chính trị trong nước ngày càng tham gia bàn việc nước, trong đó nhiều trường phái khác nhau thi đua tranh luận vấn đề và cũng là nơi Internet và nhất là các phương tiện truyền thông xã hội đã tạo ra một công luận sinh động hơn trước nhiều. Trong quá khứ, các nhà làm chính sách phương Tây thường lên án Trung Quốc đã dùng thủ đoạn để nuôi dưỡng hận thù dân tộc rồi lấy cớ là hành động của mình bị hạn chế vì sự phẫn nộ của người dân. Nhưng ngày nay, tiếng trống thúc quân của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc có vẻ chân thật hơn là ngụy tạo. Trong Chiến tranh Lạnh, các nhà phân tích phương Tây cho rằng Đảng Cộng sản là xấu và xã hội dân sự là tốt. Nhưng ngày nay, Đảng Cộng sản có xu thế thúc đẩy một sự tự chế ở nước ngoài, trong khi người dân Trung Quốc bình thường lại đòi hỏi Đảng phải có hành động cứng rắn hơn.
Trong khi Trung Quốc cân nhắc phải làm thế nào để nới rộng ảnh hưởng quốc tế và những cam kết của mình, thì Mỹ đang ra sức hòa giải cái tham vọng siêu cường quốc tế của mình với tâm trạng thấm mệt chiến tranh của người dân và những đe dọa về nợ nần quốc gia. Obama đã tìm cách phát triển một mô hình lãnh đạo ít tốn kém: một phiên bản kiểu Mỹ của đường lối Đặng Tiểu Bình, với sự khác biệt là trong khi Đặng cố gắng che giấu sự giàu có đang gia tăng của Trung Quốc, thì Obama lại tìm cách che giấu sự thiếu hụt nguồn lực ngày càng trầm trọng của Mỹ. Trên thực tế, đường lối này của Mỹ gồm: trừng phạt các nước thù nghịch như Iran và Bắc Triều Tiên bằng biện pháp kinh tế,  truy kích khủng bố bằng máy bay không người lái, tránh đơn phương can thiệp ở nước ngoài mà có xu thế “lãnh đạo từ đằng sau”, và thiết lập những quan hệ thực tiễn với các quốc gia hùng mạnh như Nga. Từ góc nhìn của Trung Quốc, dấu hiệu có vẻ báo nguy nhất đối với Trung Quốc là chiến lược “xoay trục” về châu Á của Mỹ có vẻ như mô phỏng theo chính sách ngoại giao đa phương và chiến lược thương mại của Bắc Kinh. Thật vậy, như một nhà chiến lược của Lầu Năm góc đã nói với tôi gần đây, “Thay vì chơi cờ tướng, chúng tôi đang chơi cờ vây”, một loại cờ bàn cổ đại của Trung Quốc. Nhưng thậm chí khi Trung Quốc và Mỹ phát triển những đường lối khác nhau để bành trướng ảnh hưởng, cả hai đều bám lấy một hình thức của chủ nghĩa biệt lệ [exceptionalism]. Cả hai đều tin rằng mình khỏi phải tuân theo một số yếu tố nhất định của luật pháp quốc tế và mình được định mệnh giao phó một vai trò khống chế khu vực tại châu Á. Tuy nhiên, cả hai nước đều khó có thể hòa hợp cái xác tín ấy với cảm giác mà mỗi bên đều có, rằng trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào nhau này mình đã bị nước kia chơi trội. Người Mỹ than phiền về mất công ăn việc làm, còn người Trung Quốc thì than phiền về việc đã mất đi những số tiền dành dụm bằng mồ hôi nước mắt. Washington than phiền rằng Bắc Kinh không chơi theo luật, còn Bắc Kinh thì phản bác rằng những luật này đều do phương Tây bày ra để kềm hãm các nước khác. Khi căng thẳng gia tăng, nhiều khía cạnh của quan hệ Mỹ-Trung mà đã có thời cả hai bên cho là cơ hội lại có vẻ đang ngày càng là những mối đe dọa.
HAI BÊN TÌM ĐƯỜNG TRÁNH NHAU
Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã tự do hóa nền kinh tế của mình, tạo ra một giai cấp trung lưu lên đến hàng trăm triệu người, và chứng kiến sự ra đời một công luận đích thực [a genuine public sphere] trong số hơn 500 triệu người dân Trung Quốc sử dụng Internet. Trung Quốc đã được đón mời vào các định chế quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và G-20 và được nhiều Tổng thống Mỹ liên tiếp đối xử bằng những tuyên bố công khai bày tỏ sự kính trọng. Nhiều nhân vật tại Washington từng hi vọng rằng những chuyển biến này sẽ đi liền với việc Trung Quốc gia tăng hậu thuẫn đối với hệ thống quốc tế do phương Tây lãnh đạo. Nhưng họ đã thất vọng vì thấy Trung Quốc không đáp ứng theo mong muốn của mình.
Thật vậy, thay vì bị những định chế toàn cầu chuyển hóa, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương rất tinh vi, làm thay đổi trật tự toàn cầu. Ở G-20, Trung Quốc đứng cùng phe với các nước chủ nợ, như Đức, một nước mà Trung Quốc đã liên minh năm 2010 khi người Đức chống lại một gói kích thích kinh tế toàn cầu do Mỹ đề xuất. Washington cũng thất vọng vì Bắc Kinh đã góp phần kết liễu Vòng đàm phán Doha về thương mại thế giới, bằng cách giữ thái độ bất động vào thời điểm các cuộc đàm phán có dấu hiệu lâm nguy. Tại LHQ, Trung Quốc đã đẩy lùi sự phát triển các qui phạm bảo vệ tự do: trong thời gian 1997-98, các quốc gia khác bỏ phiếu theo Washington về những vấn đề nhân quyền tại Đại hội đồng là 80% số lần; trái lại, vào năm đó, các nước “bỏ phiếu theo” Bắc Kinh về các vấn đề này là 40%. Vào năm 2009-2010, những con số này gần như bị đảo ngược: khoảng 40% bỏ phiếu theo Mỹ và gần 70% theo Trung Quốc trên các vấn đề nhân quyền. Sự thay đổi lập trường này một phần là do Trung Quốc giành được hậu thuẫn của các nước đang phát triển bằng cách cho vay nhẹ lãi, trực tiếp đầu tư, và hứa hẹn bảo vệ những nước này trong trường hợp Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra những nghị quyết trừng phạt họ.
Trước sự thất vọng của phương Tây, các học giả Trung Quốc, như nhà sử học vai vế Thì Ân Hoành (Shi Yinhong), tranh luận rằng phương Tây không nên quá bận tâm về việc “thúc đẩy Trung Quốc hội nhập vào trật tự tự do của phương Tây”, mà thay vào đó nên điều chỉnh cái trật tự ấy “để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc”, như Thì đã nói với tôi gần đây. Sự điều chỉnh này sẽ đòi hỏi một sự tái phân phối rộng lớn ảnh hưởng chính thức trong các định chế tài chính và an ninh toàn cầu, theo đó quyền lực được phân phối cho các quốc gia thành viên sẽ không tùy thuộc vào các khái niệm được định sẵn từ trước là ai sẽ có quyền cai quản, mà tùy thuộc vào “sức mạnh đích thực mà mỗi nước có được và sự đóng góp mà mỗi nước đã thể hiện”, như Thì lý giải. Trên thực tế, Thì tranh luận, Mỹ sẽ phải chấp nhận một thế cân bằng quân sự với Trung Quốc (chí ít ở phía đông Đài Loan), việc thống nhất bằng đường lối hòa bình của Trung Quốc và Đài Loan theo điều kiện của Bắc Kinh, và một khoảng “không gian chiến lược” nhỏ hẹp nhưng quan trọng đối với Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, hệ thống liên minh của Mỹ cần phải “giảm bớt tập trung vào quân sự và giảm bớt việc lấy Trung Quốc làm mục tiêu”.
Nhưng cho dù giới tinh hoa Trung Quốc có muốn gì đi nữa, phương Tây vẫn chưa sẵn sàng điều chỉnh trật tự thế giới hiện hữu để đáp ứng nguyện vọng của Trung Quốc. Và thay vì chấp nhận những nhượng bộ cần thiết cho một G-2 hay sự bế tắc của nguyên trạng, các cường quốc phương Tây đang tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh trong khi theo đuổi những quan hệ và những chính sách nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc uốn nắn hệ thống quốc tế theo ý mình.
Trong những năm gần đây, chẳng hạn, một nhóm quốc gia có lợi tức cao do Mỹ lãnh đạo và gồm cả Australia, Canada, Malaysia, và Singapore đã bắt đầu đàm phán để thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thương ước cố ý loại trừ Trung Quốc và nhấn mạnh những tiêu chuẩn khắt khe đối với các doanh nghiệp nhà nước, với quyền lợi công nhân, với các biện pháp bảo vệ môi trường, và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu cuối cùng Nhật Bản cũng gia nhập, các thành viên của TPP sẽ chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Thậm chí còn tham vọng hơn cả TPP là những cuộc đàm phán được khởi động gần đây về Hiệp định Đối tác Đầu tư xuyên Đại Tây Dương, một kế hoạch đã được bàn bạc từ lâu nhằm tạo ra một hiệp ước tự do mậu dịch giữa EU và Mỹ, một hiệp ước sẽ cho các nước phương Tây những lợi thế đáng kể trong bất cứ một cuộc đàm phán thương mại nào sau này với Trung Quốc. Mục tiêu của những hiệp ước mới này không phải là để đẩy Trung Quốc ra khỏi nền mậu dịch quốc tế, mà để soạn ra các qui định không có sự tham gia của Trung Quốc để rồi sau này buộc Trung Quốc phải chấp nhận chúng. Phương Tây cũng đang có những nỗ lực song song trong lãnh vực an ninh. Mỹ đang cố gắng sử dụng chiến lược xoay trục hướng về châu Á để củng cố những quan hệ lâu đời với nhiều nước chung quanh Trung Quốc nhằm gây cản trở cho tham vọng bá quyền quân sự của Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương. Trong các nỗ lực can thiệp quốc tế, phương Tây đang gia tăng “việc tìm kiếm diễn đàn” [forum shopping]: hợp tác với những tổ chức khu vực, như Liên đoàn Á rập và Liên hiệp châu Phi, và dựa vào những liên minh không chính thức, như Nhóm Bạn của Syria [Friends of Syria], bất cứ khi nào chính sách ngoại giao tại LHQ bị bế tắc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng hoạt động ráo riết không kém để qua mặt phương Tây. Trung Quốc đã thành lập các định chế an ninh của chính mình, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, và đã ký kết các thoả ước mậu dịch đơn phương và đa phương với nhiều nước khắp thế giới. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh với các đối tác BRICS và đang cố gắng thành lập một ngân hàng phát triển BRICS với tiềm năng nắm giữ một danh mục cho vay lớn gấp ba lần danh mục cho vay của Ngân hàng Thế giới. [BRICS: viết tắt của Brazil, Russia, India, China, South Africa, ND]
CHỦ NGHĨA TƯƠNG ĐỒNG ĐA PHƯƠNG
Đứng giữa các trật tự thế giới do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu là các cơ chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an LHQ, Nhóm G-20, Quĩ Tiền tệ Quốc tế, và Ngân hàng Thế giới. Nhưng chúng thường gặp phải bế tắc do các bất đồng giữa những nước thành viên. Do đó, thay vì buộc các cường quốc mới nổi [emerging powers] phải thích nghi với các định chế phương Tây, hi vọng lớn nhất có thể có được từ những định chế này là chúng sẽ là nơi để các đại cường thảo luận những vấn đề đặc biệt bức thiết: chẳng hạn, cuộc tan chảy tài chính toàn cầu 2008 hay sự ngoan cố của Bắc Triều Tiên về vấn đề hạt nhân. Sự yếu kém và vô bổ của những định chế này có thể trở nên ngày một tồi tệ, vì đáng lẽ phải hợp tác để cải tổ những diễn đàn chung đã có sẵn, các cường quốc phương Tây lại cố gắng xây dựng “một thế giới phi-Trung Quốc” trong khi Trung Quốc và các nước đối tác cố gắng tạo ra cái mà một số nhà phân tích gọi là “một thế giới phi-Tây phương.” Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng [tiêu cực] đối với WTO. Như chuyên gia kinh tế Bỉ André Sapir đã lý giải, nếu các nước chiếm gần một nửa GDP toàn cầu thành lập hệ thống giải quyết tranh chấp riêng, tách khỏi WTO, thì cái WTO một thời kiêu hãnh này “sẽ giống như một tổ chức khác có trụ sở tại Geneva, Tổ chức Lao động Quốc tế, một nơi có mặt tiền xinh đẹp trên hồ Léman mà hằng năm các vị bộ trưởng đến đọc những bài diễn văn hay ho nhưng chẳng bao giờ lấy những quyết định quan trọng.”
Thay vì coi những cơ chế đa phương toàn cầu là tối cần, các nước sẽ dựa nhiều hơn nữa vào các mạng lưới mới thành lập giữa các quốc gia có cùng mức độ thịnh vượng. Xin tạm gọi hiện tượng này là “chủ nghĩa tương đồng đa phương” [similateralism]. Một trong những hậu quả của hiện tượng này sẽ là một hình thái lưỡng cực mới và lạ thường, bên ngoài có vẻ giống Chiến tranh Lạnh chứ không còn giống như thế giới của hai thập niên qua. Những khác biệt này sẽ bao gồm một nước Mỹ mất dần thanh thế, một đối thủ khôn ngoan hơn (và thành công hơn) ngang hàng với Washington, và các nước phi liên kết hùng mạnh hơn trước. Nhưng những động lực của chính trị toàn cầu trên cơ bản cũng sẽ khác với những động lực chi phối thế giới trong năm thập kỷ sau Thế chiến II.
Một, khác với Chiến tranh Lạnh, bản chất của cuộc đua này chủ yếu sẽ là địa kinh tế [geoeconomic] hơn là địa chính trị [geopolitical], do hậu quả của những tốn kém ngày một gia tăng của việc duy trì sức mạnh quân sự.
Hai, sự cạnh tranh Mỹ-Trung có đặc tính là: hai cường quốc đã lệ thuộc vào nhau ở mức độ cao, vì sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai nền kinh tế là rất sâu đậm. Tuy nhiên, các nhà làm chính sách của hai nước lại coi sự lệ thuộc lẫn nhau này là một mối nguy cần phải giảm bớt và quản lý, chứ không coi đó là một công thức để xây dựng những quan hệ nồng ấm. Mỹ cần Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu chính phủ của Mỹ, và các bang của Mỹ đang cạnh tranh ráo riết để thu hút đầu tư Trung Quốc. Nhưng Washington cũng lo lắng về sự quá lệ thuộc vào vốn Trung Quốc và lo sợ gián điệp mạng Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc cần tìm một nơi an toàn để cất giữ những lượng tiền dự trữ của mình và cần đến công nghệ Mỹ để xây dựng một xã hội tri thức. Nhưng Bắc Kinh tức giận vì cho rằng chính sách gia tăng nguồn cung tiền [quantitative easing] của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang làm tiêu tán đống tiền của Trung Quốc và nghi ngờ rằng Washington đang hoạt động để thúc đẩy việc thay đổi thể chế tại Trung Quốc.
Ba, mặc dù nhiều nước phi liên kết cuối cùng phải chọn một chiến tuyến trong Chiến tranh Lạnh, nhưng trong những thập niên tới, những nước phi liên kết có thể khai thác sự hiện hữu của những khối quyền lực linh động hơn, không đòi hỏi nếu theo phe này phải loại bỏ phe kia. Hậu quả sẽ là một trật tự thế giới lang chạ [a promiscuous world ordwer] trong đó các nước có thể ký kết các hiệp định với cả Trung Quốc lẫn Mỹ.
Sau cùng, Bắc Kinh và Washington sẽ kình chống nhau vì địa vị toàn cầu chứ không phải vì ý thức hệ. Cho đến nay Trung Quốc vẫn còn quá yếu và ở vào thế thủ, chưa đủ sức để đưa ra một phương án thay thế cho cái trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo, nhưng tình hình này sắp thay đổi. Trung Quốc và Mỹ sẽ sử dụng cùng một thứ từ ngữ trong việc lý giải những động lực của mình như: “trật tự,” “tính chính đáng,” “tăng trưởng kinh tế,” và “trách nhiệm.” Nhưng, như người ta thường nói, hai nước này sẽ bị chia cách bởi cùng một ngôn ngữ.
MARK LEONARD là Đồng sáng lập viên kiêm Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu và là Nhà nghiên cứu Chính sách công trong chương trình Bosch tại Học viện Xuyên Đại Tây dương. Ông là tác giả của hai cuốn sách gây tiếng vang và được dịch ra gần 20 thứ tiếng là Why Europe Will Run the 21st Century (2005) và What Does China Think? (2008).

Phần nhận xét hiển thị trên trang