Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Nhà văn có ý kiến:

Mong các sếp hãy hưởng lương cao nữa và cao mãi…!
(Dân trí) - Đừng để cá nhân mình thì nhà lầu xe hơi mà nhân viên không có một nơi, một chỗ trú thân. Đừng để con mình du học Mỹ, Anh mà con thuộc cấp của mình thất học. Con mình ăn cơm, xin hãy để con nhân viên kiếm thìa cháo loãng...
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Các sếp đây là các vị lãnh đạo của các Tổng công ty Nhà nước. Theo công bố mới nhất của một cơ quan quản lý về thu nhập đối với các vị lãnh đạo ở 31 công ty mẹ các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cho thấy các sếp hưởng lương tiền tỉ trong 2 năm (2011 - 2012) có tới gần 20 vị.

Quán quân thuộc về lãnh đạo của một ngân hàng quốc doanh đã cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2011, vị Chủ tịch HĐQT này thu nhập trung bình tới hơn 275 triệu đồng/tháng, khoảng 3,2 tỷ đồng/năm. Năm 2012, thu nhập của vị này giảm nghiêm trọng, 27% nhưng vẫn là 202 triệu đồng/tháng, tức khoảng gần 2,5 tỷ đồng/năm.


Người đứng cuối cùng về thu nhập tiền tỷ trong năm 2011 cũng là TGĐ thuộc lãnh đạo của một tập đoàn tài chính - 1,025 tỷ đồng/năm…

Về việc lãnh đạo thu nhập cao, thậm chí ở mức theo ngôn ngữ ngày nay gọi là “lương khủng” là điều đáng để mừng, rất mừng. Nó không chỉ tốt cho các sếp mà còn là tín hiệu vui cho toàn xã hội. Bởi cán bộ mà còn nghèo thì làm sao dân không khổ? Lãnh đạo phải giàu, thật giàu thì dân mới có cơ sung sướng.

Hơn nữa, các sếp dấn thân vào con đường doanh nhân thì một trong những mục tiêu chính là làm giàu. Nếu không, họ sẽ đi làm việc khác.

Vì vậy, thực tâm mình mong tất cả các ông chủ doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhà nước lương thật cao, cao nữa và cao mãi…

Có điều, nên thu nhập quang minh, chính đại để giàu có trong sự kính nể của toàn xã hội và yêu mến của thuộc cấp.

Một sếp thu nhập tiền tỉ mỗi năm mà lương người lao động chỉ năm ba triệu là sự bất công.

Sếp giàu có mà để nhân viên đói nghèo là sự bất nhân.

Sếp giàu có nhờ sự bớt xén mồ hôi, công sức của người lao động là bất lương.

Sếp giàu có nhờ tham nhũng, tham ô là gian tham.

Sếp giàu có bằng nỗi đau và sự trả giá của cộng đồng là độc ác.

Mong các sếp sẽ tiếp tục giàu, ngày càng giàu nhưng đừng để cá nhân mình thì nhà lầu xe hơi mà nhân viên không có một nơi, một chỗ trú thân. Đừng để con mình du học Mỹ, Anh mà con thuộc cấp của mình thất học. Đừng để bố mẹ mình đau ốm chạy chữa ở Singapo, Mỹ, Nhật mà bố mẹ người lao động ốm đau không có tiền mua thuốc…

Con mình ăn cơm, xin hãy để con nhân viên kiếm thìa cháo loãng.

Xin đừng làm giàu trên nỗi thống khổ của nhân viên và để lại hậu quả cho toàn xã hội.

Việc giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM lương 2,6 tỷ đồng/năm, tương đương trên 200 triệu đồng/tháng, chủ tịch HĐTV và kế toán trưởng có lương hơn 1,6 tỷ đồng/năm… là điều mừng, rất đáng mừng nếu như nước bẩn thì thoát, nước sạch thì dồi dào chứ đừng ngược lại, nước bẩn dồi dào còn nước sạch thì khan hiếm.

Càng đáng mừng hơn nếu như đời sống của người lao động ở đây cũng tỉ lệ thuận với lương của sếp chứ không phải lợi dụng khe hở của những qui định hiện hành để bòn rút mồ hôi, công sức của công nhân.

Cũng đừng làm giàu bằng cách chôn thuốc trừ sâu đầu độc cả cộng đồng như vụ Công ty Nicotec Thanh Thái – Thanh Hóa.

Đừng đẩy đất nước tới mức nghèo nàn, tập đoàn bị phá sản như vụ Dương Chí Dũng ở Vinalines…

Đạo lý không cho phép như vậy và nhân phẩm của một công chức trong hệ thống nhà nước luôn nêu cao tinh thần do dân, vì dân không có chỗ cho những con người như vậy.

Sự giàu có chỉ được kính trọng khi làm giàu bằng chính tài năng và công sức của mình, biết chia sẻ lợi ích với nhân viên và góp phần làm giàu cho đất nước.

Còn ngược lại, giàu có nhờ bớt xén tiền bạc của nhà nước (thật ra là ăn cắp tiền dân), bóc lột mồ hôi, công sức của nhân viên, để lại hậu quả cho xã hội thì đó là sự giàu có đê tiện và độc ác, phải không các bạn?!

Bùi Hoàng Tám
(Dân trí)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: