Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Ôi nước Việt


Nhân chuyến đi công tác, dự hội thảo ở Đài Loan. Sau khi kết thúc hội nghị, tranh thủ một vài ngày còn lại ở hòn đảo này, người viết có đi tham quan một vài  nơi.
Hôm nay, thử đi ra biển Đạm Thủy, nơi địa đầu của Đài Bắc, thủ phủ của Đài  Loan. Vài nhận xét chung thì biển ở đây không có đẹp, nước không có xanh và cát  không có trắng mịn như biển Việt Nam nhưng người ta làm quy hoạch rất tốt và  không khí rất trong lành.
Đi lang thang một mình trên khu du lịch, cảm thấy xa lạ và lạc lõng ở hòn đảo  này. Bên cạnh người bản xứ còn có rất nhiều du khách nước ngoài, những sinh viên  du học tại xứ này, người nước ngoài tới công tác, lao động, làm việc và đặc biệt  là có thể nghe thấy tiếng Việt Nam ở khắp nơi. Vì hôm nay là ngày cuối tuần cho  nên có rất nhiều thanh niên trẻ tuổi Việt Nam qua đây làm công nhân xuất khẩu  lao động tranh thủ thời gian nghỉ đi chơi. Họ thường đi theo đôi theo cặp, họ ngồi ăn thịt, uống bia trên bãi cỏ, họ cười đùa nói chuyện, ôm hôn nhau và chụp ảnh, rất vô tư và đôi khi tự nhiên thái quá tới mức không cần biết thái độ của  người dân bản xứ lẫn những người xung quanh ở xứ sở này.
Theo số liệu đọc được ở trên mạng internet thì ở Đài Loan có hơn 80.000 thanh  niên (trai gái) Việt Nam sang xuất khẩu lao động, gần 100.000 cô dâu Việt Nam  kết hôn với người Đài Loan và hơn 160,000 đứa con lai Việt Đài và một con số không hề nhỏ, nhưng khá khiêm tốn so với hai nhóm trên là gần 4000 sinh viên du  học. Đây gần như là một cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Đài Loan nhưng  dường như giữa những nhóm này không có nhiều sự tương tác, liên hệ, tương trợ và  bản thân họ cũng không nhận được nhiều sự giúp đỡ từ cơ quan hữu trách Việt Nam  tại Đài Loan.
1472071_368484833288309_679175316_n
Đang cô đơn lạc lõng thì nhìn thấy một nhóm ba người công nhân Việt đang ngồi ăn uống trên thảm cỏ, một trai và hai gái, họ rất trẻ, chỉ ở trong độ tuổi 20.  Thử ngồi gần lại và bắt chuyện với họ nhã nhặn và lịch sự:
“Các bạn từ Việt Nam qua đây phải không?”
Họ cũng lịch sự và thân thiện đáp lại:
“Vâng ! Anh ngồi đây ăn với chúng em!” Rồi đưa một xiên thịt nướng ra mời.  Trong lòng cảm thấy rất vui, ấm áp và cảm động, một chút thân thiện vì dù sao  cũng được gặp đồng bào Việt Nam của mình ở cái xứ sở này.
Thế rồi qua câu chuyện, họ trở nên thân thiện, rất tin cậy và chia sẻ rất  nhiều điều. Đa phần những người bạn trẻ này sinh tại những vùng quê nghèo ở Việt  Nam: Nghệ An, Hưng Yên, Thái Nguyên, vv … Họ không có điều kiện học hành nhiều  hay khi còn đi học rất chểnh mảng nên phải nghỉ học sớm, chưa tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học, cũng đã đi làm thuê nhiều nơi nhưng thu nhập không đủ sống và  giúp đỡ gia đình nên lo lót tiền bạc, nộp cho các công ty Môi giới Xuất Khẩu Lao Động để qua Đài Loan làm việc trong các công ty, nhà xưởng theo hợp đồng với chủ thuê, những mong có một khoản vốn để giành để về giúp đỡ gia đình và làm ăn. Số tiền mà họ phải nộp cho môi giới để được sang Đài Loan tương đối lớn, từ 6000 – 8000 USD một suất đi lao động, đa phần họ không thể có số tiền này ở Việt Nam mà  phải vay mượn hay bán nhà cửa ruộng vườn. Khi qua tới Đài Loan, họ bị chủ thuê  lao động và công ty môi giới giữ giấy tờ, hộ chiếu và hợp đồng thì soạn bằng cái  chữ tượng hình mà họ không tài nào hiểu nổi (tiếng Trung), và mức lương tối  thiểu mà họ được trả theo quy định của Luật lao động tại Đài Loan là rất thấp,  chỉ quãng 600 USD, họ phải làm thêm giờ, tăng ca rất nhiều mới có thêm thu nhập,  nhưng cũng bị chủ thuê cắt xén, thêm bớt và bóc lột rất thậm tệ. Thu nhập của họ thật sự không bõ bèn gì với sức lao động hao phí mà họ đã bỏ ra. Một em gái  tháng sau là phải về Việt Nam sau khi hết hợp đồng lao động, ở đây làm việc tới  6 năm rồi, cho biết rằng: lần này về em chỉ để giành được có hơn 1000 USD, chỉ  đủ mua quà cho gia đình. Trời ơi !
Tâm sự với những bạn trẻ này, hỏi vì sao không ở nhà cố gắng làm ăn: làm nông  nghiệp chẳng hạn? Ở những nước phát triển như Nhật, Úc, nông nghiệp rất phát  triển và nông dân rất giàu cỏ. Tất nhiên để đời sống người nông dân sung túc hơn  thì cần có khoa học, kĩ thuật và giáo dục, để định hướng cho người nông dân làm ăn và gia tăng giá trị nông sản … nhưng điều kiện để phát triển nông nghiệp của  Việt Nam rất tốt, tốt hơn cả Đài Loan và khuyên các em sau khi hết thời gian lao động, trở về Việt Nam nên quay về làm nông nghiệp, rồi cuộc sống cũng sẽ khấm  khá hơn. Họ nói rằng: ở quê em bây giờ cũng không ai làm ruộng nữa. Được  biết, ở nông thôn Việt Nam ngày nay, người nông dân cũng không muốn làm ruộng  nữa, họ mong nhà nước thu hồi đất rồi có tiền đền bù, xây được cái nhà to, mua  sắm xe cộ, vật dụng rồi còn lại một khoản tiền thì gửi vào ngân hàng hay đưa con  cái đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Nga hay Trung Đông, vv … Vậy là đủ. Vốn hiểu biết chút ít về kinh tế, hiểu về sự trượt giá và sự lãng  phí nguồn vốn, nhân lực ở Việt Nam mà cảm thấy xót xa.
Như những người bạn, người viết đi cùng ba em đi thuyền máy ra bán đảo chơi,  nơi đó hình như tên là Bắc Đẩu. Dưới đây là một vài tấm hình chụp cho các em,  những nam thanh nữ tú, rất dễ mến, hiền lành và chất phác.
524734_368485816621544_2113979781_n 1424407_368484926621633_306467207_n 1452165_368485796621546_821684829_n 1458702_368485666621559_1190344369_n 1459812_368484993288293_1907005006_n 1461015_368485159954943_1002415482_n 1461239_368485056621620_1097126867_n 1463874_368485589954900_873272519_n
Không thể cầm nổi nước mắt. Chính đất nước nghèo đói, lạc hậu và số phận  nghiệt ngã đã đẩy các em phải xa xứ theo cái cách như thế này.
Giá như đất nước giàu có, tốt đẹp hơn,  họ và rất nhiều người như họ có điều kiện được chăm lo y tế, giáo dục, được đầu  tư tăng cường cái vốn con người (human capital) cho bản thân thì họ sẽ làm được  nhiều việc hơn, đóng góp được cho Việt Nam nhiều hơn chứ không phải qua xứ người  cho chủ thuê bản xứ bóc lột, vv … và ngày hôm nay thân phận người Việt ở trên  khắp thế giới này đang bị coi thường, khinh rẻ … và hộ chiếu của Việt Nam xin  visa đi đâu cũng khó khăn. Bây giờ khắp nơi trên thế giới này, đâu đâu có người  Việt cũng thấy tệ nạn: buôn lậu, trồng cần sa, buôn bán cả người … . Vì  sao đất nước Việt Nam ngày hôm nay lại bi thảm đến như vậy  ?
Chúng ta thường tự hào là con Hồng cháu  Lạc, là 4000 năm văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống bất khuất chống  ngoại xâm … chúng ta tự hào là đánh thắng bốn đế quốc to trên thế giới này , là  nước duy nhất trên thế giới thắng được Mỹ. Nhưng sau gần 40 năm, người chiến  thắng vẫn lẹt đẹt cầm đèn đỏ trên hầu như tất cả các lĩnh vưc: kinh tế, giáo  dục, y tế, văn hóa … lẫn những giá trị phổ quát của nhân loại như Tự do, dân chủ và nhân quyền bị chà đạp. Trúng cử vào Ủy ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc có  làm cho tình hình tốt đẹp hơn được không … khi mà chính chúng ta đang buôn bán đồng bào của mình ? Xuất khẩu lao động không phải là một hình thức buôn người  thì là cái gì ?
‘Khi nào những thanh niên Việt Nam còn  phải xếp hàng chờ đi xuất khẩu lao động và phụ nữ Việt Nam phải chờ thi tuyển để lấy chồng ngoại quốc, những sinh viên giỏi của Việt Nam phải bỏ đi du học và tìm  cách ở lại làm việc không về nữa .....
Tất cả người Việt trên toàn thế giới này, những ai còn tự hào về dòng giống  Việt Nam của mình và thấy mình còn mắc nợ, có trách nhiệm với dân tộc cần phải  thức tỉnh, cần phải làm một cái gì đó để làm thay đổi đất nước.
Trong thể ký 20, Việt Nam đã mất quá nhiều. Những thế hệ trước đã lãng phí mồ hôi, xương máu và nhân mạng cho những cuộc chiến ý thức hệ tàn khốc, huynh đệ tương tàn … và ngày nay Việt Nam là một trong những nước bị chia rẽ, phân tán  nhiều nhất trên thế giới này. Cho đến hôm nay, người Việt Nam chúng ta trên khắp  thế giới vẫn còn đang vướng vào những tranh cãi, hiềm khích và thù hận, vẫn chưa  có sự đồng lòng, cùng nhìn về một hướng cho tương lai của dân tộc. Để rồi chính  những thế hệ sau vốn vô tội lại phải chịu đựng đau khổ vì những điều hèn kém mà  chúng ta gây ra.
Một giáo sư Việt kiều đã từng nói với sinh viên một câu cay đắng: “Ở Việt Nam  mình, người lớn toàn làm bậy để đám nhỏ phải khổ, đi tha phương cầu thực”
Hỡi người Việt yêu nước trên toàn thế giới này ! Những ai còn tâm huyết, nặng  lòng và trăn trở với dân tộc thì hãy cùng nhau ngồi lại, làm hết khả năng có  thể, hay với 200% khả năng của mình để cứu lấy tương lai của nước Việt Nam và  con cháu Lạc Hồng. Chúng ta quyết không thể để những thế hệ tương lai và con  cháu đời sau phải qua xứ người làm cu li lao động, đi thi tuyển đi lấy chồng  ngoại hay đau đớn hơn là bị bán vào nhà điếm, động mại dâm. Đó  là nỗi Nhục mà kẻ gây tội lỗi lớn nhất chính là chúng ta, những kẻ may may mắn được học hành, có tri thức và cơ hội hơn rất nhiều đồng bào của mình, vì căn  bệnh vô cảm của chúng ta !
Đâu rồi:
Việt Nam gấm hoa ?
Đâu rồi:
Tổ Quốc – Danh Dự – Trách  Nhiệm?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: