CHỐNG CÁCH TÂN
Trần Nhã Thụy có một kiểu viết tưởng không khó đọc, nhưng lại kén độc giả, đúng hơn là “kén tâm trạng đọc” của độc giả. Một kiểu viết không đập ngay vào trí não từ những chữ đầu tiên, không làm sửng sốt, thán phục ngay, không khiêu khích, lại cần đọc chậm và kĩ, đôi lúc đọc cũng muốn “sốt ruột”.
Tôi từng đọc “Sự trở lại của vết xước”, một ít tạp văn trong “Cuộc đời vui quá không buồn được”, một đôi truyện trong “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu” với tâm thế nhẹ nhàng. Vài cuốn sách của Trần Nhã Thụy mà tôi có nằm đâu đó im vắng như bao con người ta không đủ cơ hội biết tới trong cuộc sống. Tôi cứ hình dung một kẻ lạc giữa phố mà suy tư mãi, kẻ lạc giữa phố mà lại phải/vẫn bám vào phố để sống, như thể hắn phải tập luyện cách đi chậm lại để lắng nghe mình sống, để tìm những khoảng vắng của mình.
Mấy năm trước, quả tôi không có tâm trạng đọc kiểu văn chương chậm rãi như thế. Những người viết trẻ thường thích những vẻ dị biệt, càng dị biệt, quái, lạ càng dễ làm họ phấn khích.
Thật lâu sau tôi mới đọc văn chương Trần Nhã Thụy, cả truyện ngắn, cả tản văn, như một thứ quà tặng của thưởng thức. Lần đầu đọc “Băng đầu trọc” (trong tập truyện ngắn Mùi), tôi có cảm giác về sự “phát hiện” một tác giả. Tôi khoái cái đầu trọc của thằng nhỏ chìa ra ngoài trời mưa, cái tông đơ của gã thợ hớt tóc lướt trên đầu mà mỗi lướt đi như một “cú thoát” nhẹ bỗng. Khi không đợi được ngạc nhiên, tôi lại được ngạc nhiên. Tôi nghĩ một nhà văn có thể cho ra đời những cuốn sách không thật khác trước, mà vẫn đáng được đón nhận.
***
Quan trọng với một người viết là nhu cầu tìm kiếm cái bản ngã thực sự của mình – ai cũng có thể nói vậy, nhưng kẻ nào làm chủ được cuộc tìm kiếm đó? Ai là kẻ kiên nhẫn để tìm một con đường làm chủ được sự tìm kiếm đó? Tôi cho rằng đó là một điều thiết yếu với mỗi cá nhân người cầm bút. Tất nhiên, có thể phải loại ra những kiểu văn chương không thật sự cần đến cái bản ngã của người viết: những kiểu truyện cần óc tổ chức, trí thông minh hơn là bản ngã, như trinh thám, và những dạng thức của văn chương tuyên truyền/giáo….
Với một tâm thế đọc khác xưa, tôi đọc tập Mùi một cách thích thú, như tự nhiên đi lạc vào vùng gió trời, tự nhiên được thưởng thức một thứ của nả ý vị. Những truyện ngắn trong Mùi tặng người đọc nhiều khoảng vắng, những khoảng vắng ắt là cách đưa hắn/ta đến gần hơn với văn chương. Lúc này, tôi nghĩ lại “vết xước”, sự trở lại của/với vết xước ắt có thể đọc như một ẩn dụ hay, dù tôi không thật hứng thú với việc sắp đặt các ẩn dụ (cụm từ “sự trở lại” làm cho ẩn dụ này điệu đà hơn, bớt bay nhảy ngẫu hứng). “Vết xước“ là cuộc đi tìm những dấu tích, những phế liệu của tâm hồn, có thể lại là cái chúng ta cần thiết hơn hết. Cái khéo léo của các trang viết làm tôi bớt thích, nhưng tôi yêu vẻ âm u, chất mơ mộng thầm kín, nỗi sầu muộn cố hữu mà không cảm thương, những hoài niệm tuổi thơ và tuổi trẻ không dứt song hành với niềm yêu mến và cái cười mỉm với hiện tại chìm lắng nơi trang văn Trần Nhã Thụy, như là một thứ linh hồn của câu chữ, như là bản tính con người muôn thuở nơi ta được giữ lại trong đó. Giá chúng biểu hiện ra đôi lúc vụng về hơn, bồng bột hơn, có lẽ tôi sẽ nhớ thương chúng hơn. Có thể có cảm giác là Trần Nhã Thụy hơi mơ hồ, không “ráo riết” tận cùng, không có vẻ dấn thân quyết liệt, cả dáng vẻ những cuốn sách cũng… lặng lặng lẽ lẽ. Nhưng cái vẻ lành hiền phủ lên trên văn chương Trần Nhã Thụy, ở khía cạnh nào đó, tiết lộ lòng “yếu đuối” nghệ sĩ trước những khoảnh khắc được phát hiện bất ngờ trong đời sống, thường gặp ở những kẻ mơ mộng về một tình yêu rất lâu và rất sâu những cái đẹp trừu tượng vốn quyến rũ những tâm hồn trẻ; văn chương của những kẻ mơ mộng thường không thời thượng, hay là ngay cả khi thời thế đổi thay, người này người kia giẫy mình lột xác, thì kẻ đó, dù cũng quẫy đạp, cũng bức bối nhưng lại không nỡ bỏ đi cái mộng mơ thầm kín vốn dĩ của bản tính mình.
Tôi nghĩ rằng phải rất kĩ lưỡng với chính mình thì mới có thể sống lơ đãng mà giàu có. Cũng vậy, phải ăn nằm với văn chương đến mức đá vàng thì những nguồn sống ấy mới trôi chảy được trong cái vẻ tự nhiên của câu văn. Đó dường như là cách Trần Nhã Thụy tìm mình trong khi tìm đến cái “tự tính” của đời sống. Cái thì hiện tại với các lát cắt (gợi đến những cách viết truyện ngắn khá “cổ điển”) như cách Trần Nhã Thụy thường đưa người đọc tham dự vào các câu chuyện của mình, tôi nghĩ cũng là một cách làm hiển hiện cái đời sống ở dạng thuần giản chắt lọc. Như thể anh đã tìm được cách yêu cái số phận của mình, cái trời cho mình nên ung dung tự thích. Dù tôi không thật tin một người còn trẻ, lại viết văn, lại dễ dàng mất đi cái nóng nảy, cái bức bối, cái ngột ngạt… Khi đến độ tiêu dao, người ta ắt sẽ không màng tới văn chương nữa mà văn chương vẫn tự đến - đó là một hình ảnh viên mãn đầy chất mơ tưởng.
Tôi thích hình dung những người đang đi trên con đường văn chương với nhiều thất bại, nhiều cao vọng, nhiều ngột ngạt, nhiều vết xước nhưng vẫn thích thú mà đi, hồn nhiên mà đi; đi lúc chậm chậm lúc cuống quýt chạy lúc ngã nhào lúc nằm không bên đường, nhưng vẫn cứ đi theo một tiếng gọi nào mình chưa đến được. Mỗi cuốn sách ra đời trên hành trình đó, ắt là cái bóng của cái bóng của một giọng nói của kẻ viết.
***
Truyện ngắn chắc chắn là một trong những thể loại thách thức. Một người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một truyện ngắn – giả mạo, một kẻ giả danh truyện ngắn, hay một cách gọi tên nào đó tương tự. Tôi nghĩ, tiểu thuyết dễ mạo danh/ngộ nhận hơn và có thể dễ được chấp nhận hơn. Người đọc dư sức đọc chơi chơi một tiểu thuyết dài, nhưng chưa chắc đã vượt qua được nỗi ngại đọc một truyện ngắn vài nghìn từ, thậm chí vài trăm từ. Vậy thì cái bí mật của truyện ngắn nằm ở đâu? Khi tôi đọc lại những truyện ngắn/cực ngắn đã viết khá “hồn nhiên” của mình, hay nhớ lại sự khó nhọc để cho ra đời một mẩu ngắn mấy chục chữ hay nghìn chữ, tôi đã phải nghĩ về câu hỏi đó thường trực hơn, để bận tâm hơn về bút pháp, hay “nghệ thuật viết”. Tôi đi đến kết luận: mỗi người viết truyện ngắn phải tìm ra một bí mật của riêng mình, phù hợp với cái tạng viết của mình. Ở văn phong. Ở ngôn ngữ. Ở cách kết cấu. Ở vùng chủ đề ám ảnh. Ở câu chữ. Ở các dấu câu. Vân vân. Ở tất cả những gì có thể. Nó là thể loại tuyệt đối tự do, mời gọi, và đầy thách thức.
Tôi tin Trần Nhã Thụy đã tìm ra một thứ bí mật của riêng mình khi viết truyện ngắn. Anh kể cứ như không những chuyện thường tình có, bất thường có, sắp đặt có, vu vơ có. Những câu chuyện tự nó như trăng chảy trên đồng cỏ, lênh láng mà vẫn nguyên vẹn, tan loãng mà không tan biến mất. Đó là cảm giác của tôi khi đọc những truyện tôi thích hơn cả ở tập Mùi: Băng đầu trọc, Những kẻ câu đêm, Dưới cơn mưa tầm tã. Cũng chính ở đây, cái thực, rất thực, rất đời thường lại trở nên phi thực, ảo ảnh, dù ngôn ngữ và câu chuyện của Trần Nhã Thụy không đi sâu vào thế giới ẩn ức, cũng không chủ ý tạo dựng cái phi thực, cái siêu nhiên. Cái không khí hư thực đó không dễ cảm, dễ phân tích ra, chỉ có lúc nào đó tự nhiên ta chuồi vào, bồng bềnh không ngờ. Như khi lạc vào một bài Đường thi đầy sương, khói, lửa đèn, tiếng chuông mà vắng người, dù người vẫn đâu đó, nhưng là bài Đường thi “hiện đại”,thường mang theo nỗi hoảng hốt bất an về kiếp người và những cú chém ngẫu nhiên của định mệnh dưới “những cơn mưa tầm tã”… (Tôi cũng có cảm giác tương tự khi đọc truyện Làng quê thì mênh mông của Ngô Phan Lưu.) Cái chất “ảo” mà không ”diệu” đó, tôi nghĩ, nó thoát bay ra từ bản tính tâm hồn của một kẻ hay chú ý vào cái tiểu tiết, kẻ có thể nhìn thấy bầu trời trong giọt nước, thấy hình Mị Nương dưới đáy chén trà, thấy trời lộn ngược. Do đó, nhân vật của Trần Nhã Thụy không phải là những “mẫu hình”, cũng không phải những biểu tượng mà giống như các phát hiện hư thực về đời sống thường nhật: chàng bán mía thành người nghệ sĩ thực thụ, anh chàng trẻ măng nằm dài trên xe máy sở hữu cả một góc trời riêng, gã đàn ông dành hàng giờ để đèo con đạp xe lòng vòng và vui với mấy thứ rau càng cua mọc dại nơi sắp mọc lên những biệt thự khang trang, một tay nhà văn phải lòng và chung sống với một cô nàng vì “cái rổ quýt vàng ươm rất đẹp”, mất nàng vì cái tật đặt sách lên bụng hàng đêm và lại có lại được nàng khi quấn quit da thịt nhau trên cỏ thơm trong tiếng cá quẫy vào mặt nước đen thẫm đâu đó khi những kẻ câu đêm như biến mất hoàn toàn… Truyện ngắn Trần Nhã Thụy thường ghim vào người đọc một chi tiết, một cảm giác. Dù có câu chuyện, và nhiều khi câu chuyện khá dài dòng, thì (may sao) chúng cũng dễ dàng tan loãng đi cùng với chữ nghĩa, hay lui xuống bình diện quan trọng thứ mấy, thứ mấy…
***
Tôi đã nghe nhiều người đặt dấu hỏi thất vọng về văn học Việt bây giờ. Kì thực, tôi tin rằng bất cứ người viết/người đọc nào quan tâm đọc văn học Việt Nam, ắt đều phải là những người cực kì kiên nhẫn. Kiên nhẫn để lọc ra đôi chút gì đáng chờ đợi, đáng hi vọng trong một không gian hỗn độn. Rồi lại kiên nhẫn để đi cùng, chờ đợi cùng những chút hi vọng đó những gì đáng để chờ đợi hơn, hi vọng hơn. Kiên nhẫn để nhìn thấy một mạch đi cũng đầy nhẫn nại của những người viết.
Khi đã bớt đi những cảm xúc/suy nghĩ nóng nảy, hồ đồ, tôi không thấy phải bận bịu với những hiện tượng ồn ào và nhận ra còn nhiều người viết văn khác đang miệt mài tìm lối đi trong văn xuôi: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nguyên Phước, Hoàng Long và tất nhiên, Trần Nhã Thụy, và chắc chắn còn những người khác nữa. Thực ra, họ đã ở một thế hệ khác tôi, chỉ cách nhau trên dưới mười năm nhưng nhu cầu về văn chương chưa chắc là cái gì san sẻ được. Tôi vẫn muốn đợi, muốn tìm những người cùng“tìm một cái gì đó” của thế hệ mình.
Luôn có thật ít ỏi những kẻ tìm đường thực sự (dù thất bại hay thành công). Bao nhiêu từ ngữ đầy mới mẻ, khơi gợi và kích thích, như các kĩ thuật, những trò chơi ngôn ngữ, hậu hiện đại… nhanh chóng (có lẽ bị chính cộng đồng viết và đọc) biến thành những chiếc áo bạc màu xấu xí, xơ xác, hay mang vẻ lấp lánh hời hợt. Đu mình vào các khái niệm công cụ thì sẽ chỉ là là bay hoặc bị dúi xuống, chứ rất khó lên cao. Mặc dù yêu chuộng mọi kiếm tìm, tôi đôi lúc lại chỉ muốn xướng to lên (với tôi là một thói không thật hay): chống-cách tân, anti-cách tân, ngừng cách tân, thà như một kẻ bảo thủ tuyệt đối, một con ếch khư khư sung sướng với bầu trời miệng giếng của mình. Bởi tôi nghe thấy nhiều tiếng còi báo động giả về cách tân trong văn học Việt.
Mãi gần đây tôi mới đọc William Saroyan. Truyện “Chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay” từ lâu lắm cứ nằm trên giá sách. Tôi nghĩ đây là nhà văn yêu mến của Trần Nhã Thụy, (liên tưởng vu vơ vì anh có một tập truyện có cái tên thú vị “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu” ). Nhân vật của anh cũng thường là tay nhà văn nhàn rỗi đi cùng những đứa trẻ con để kể những chuyện tưởng vu vơ về cuộc đời, kì thực lại là một cách chiêm ngắm đời sống với “trái tim ở miền cao nguyên”.
Có cảm giác Trần Nhã Thụy đã đủ điềm tĩnh để học và đón nhận nhiều kiểu văn chương khác nhau và khác mình, mà cũng không cần nóng nảy luống cuống tìm bằng được những cách thức làm mới. Văn chương anh đáng được mến yêu và thưởng thức. Chính ở chỗ này, tôi đã thấy văn chương cần thoát ra ngoài mọi quy ước thít buộc nó, thậm chí cần thoát ra ngoài cả nỗi day dứt về việc tìm cái mới. Nếu cứ day dứt mãi, có thể chúng ta sẽ chẳng tìm được gì thêm nữa.
Bây giờ, tôi tin là Trần Nhã Thụy có lí. Tôi nghĩ rằng mỗi người viết cũng cần cảnh giác chính mình với cái gọi là “lột xác”, nhất là lột xác để làm mới.
H. 29/07/2011
.
Nhã Thuyên
Tôi từng đọc “Sự trở lại của vết xước”, một ít tạp văn trong “Cuộc đời vui quá không buồn được”, một đôi truyện trong “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu” với tâm thế nhẹ nhàng. Vài cuốn sách của Trần Nhã Thụy mà tôi có nằm đâu đó im vắng như bao con người ta không đủ cơ hội biết tới trong cuộc sống. Tôi cứ hình dung một kẻ lạc giữa phố mà suy tư mãi, kẻ lạc giữa phố mà lại phải/vẫn bám vào phố để sống, như thể hắn phải tập luyện cách đi chậm lại để lắng nghe mình sống, để tìm những khoảng vắng của mình.
Mấy năm trước, quả tôi không có tâm trạng đọc kiểu văn chương chậm rãi như thế. Những người viết trẻ thường thích những vẻ dị biệt, càng dị biệt, quái, lạ càng dễ làm họ phấn khích.
Thật lâu sau tôi mới đọc văn chương Trần Nhã Thụy, cả truyện ngắn, cả tản văn, như một thứ quà tặng của thưởng thức. Lần đầu đọc “Băng đầu trọc” (trong tập truyện ngắn Mùi), tôi có cảm giác về sự “phát hiện” một tác giả. Tôi khoái cái đầu trọc của thằng nhỏ chìa ra ngoài trời mưa, cái tông đơ của gã thợ hớt tóc lướt trên đầu mà mỗi lướt đi như một “cú thoát” nhẹ bỗng. Khi không đợi được ngạc nhiên, tôi lại được ngạc nhiên. Tôi nghĩ một nhà văn có thể cho ra đời những cuốn sách không thật khác trước, mà vẫn đáng được đón nhận.
***
Quan trọng với một người viết là nhu cầu tìm kiếm cái bản ngã thực sự của mình – ai cũng có thể nói vậy, nhưng kẻ nào làm chủ được cuộc tìm kiếm đó? Ai là kẻ kiên nhẫn để tìm một con đường làm chủ được sự tìm kiếm đó? Tôi cho rằng đó là một điều thiết yếu với mỗi cá nhân người cầm bút. Tất nhiên, có thể phải loại ra những kiểu văn chương không thật sự cần đến cái bản ngã của người viết: những kiểu truyện cần óc tổ chức, trí thông minh hơn là bản ngã, như trinh thám, và những dạng thức của văn chương tuyên truyền/giáo….
Với một tâm thế đọc khác xưa, tôi đọc tập Mùi một cách thích thú, như tự nhiên đi lạc vào vùng gió trời, tự nhiên được thưởng thức một thứ của nả ý vị. Những truyện ngắn trong Mùi tặng người đọc nhiều khoảng vắng, những khoảng vắng ắt là cách đưa hắn/ta đến gần hơn với văn chương. Lúc này, tôi nghĩ lại “vết xước”, sự trở lại của/với vết xước ắt có thể đọc như một ẩn dụ hay, dù tôi không thật hứng thú với việc sắp đặt các ẩn dụ (cụm từ “sự trở lại” làm cho ẩn dụ này điệu đà hơn, bớt bay nhảy ngẫu hứng). “Vết xước“ là cuộc đi tìm những dấu tích, những phế liệu của tâm hồn, có thể lại là cái chúng ta cần thiết hơn hết. Cái khéo léo của các trang viết làm tôi bớt thích, nhưng tôi yêu vẻ âm u, chất mơ mộng thầm kín, nỗi sầu muộn cố hữu mà không cảm thương, những hoài niệm tuổi thơ và tuổi trẻ không dứt song hành với niềm yêu mến và cái cười mỉm với hiện tại chìm lắng nơi trang văn Trần Nhã Thụy, như là một thứ linh hồn của câu chữ, như là bản tính con người muôn thuở nơi ta được giữ lại trong đó. Giá chúng biểu hiện ra đôi lúc vụng về hơn, bồng bột hơn, có lẽ tôi sẽ nhớ thương chúng hơn. Có thể có cảm giác là Trần Nhã Thụy hơi mơ hồ, không “ráo riết” tận cùng, không có vẻ dấn thân quyết liệt, cả dáng vẻ những cuốn sách cũng… lặng lặng lẽ lẽ. Nhưng cái vẻ lành hiền phủ lên trên văn chương Trần Nhã Thụy, ở khía cạnh nào đó, tiết lộ lòng “yếu đuối” nghệ sĩ trước những khoảnh khắc được phát hiện bất ngờ trong đời sống, thường gặp ở những kẻ mơ mộng về một tình yêu rất lâu và rất sâu những cái đẹp trừu tượng vốn quyến rũ những tâm hồn trẻ; văn chương của những kẻ mơ mộng thường không thời thượng, hay là ngay cả khi thời thế đổi thay, người này người kia giẫy mình lột xác, thì kẻ đó, dù cũng quẫy đạp, cũng bức bối nhưng lại không nỡ bỏ đi cái mộng mơ thầm kín vốn dĩ của bản tính mình.
Tôi nghĩ rằng phải rất kĩ lưỡng với chính mình thì mới có thể sống lơ đãng mà giàu có. Cũng vậy, phải ăn nằm với văn chương đến mức đá vàng thì những nguồn sống ấy mới trôi chảy được trong cái vẻ tự nhiên của câu văn. Đó dường như là cách Trần Nhã Thụy tìm mình trong khi tìm đến cái “tự tính” của đời sống. Cái thì hiện tại với các lát cắt (gợi đến những cách viết truyện ngắn khá “cổ điển”) như cách Trần Nhã Thụy thường đưa người đọc tham dự vào các câu chuyện của mình, tôi nghĩ cũng là một cách làm hiển hiện cái đời sống ở dạng thuần giản chắt lọc. Như thể anh đã tìm được cách yêu cái số phận của mình, cái trời cho mình nên ung dung tự thích. Dù tôi không thật tin một người còn trẻ, lại viết văn, lại dễ dàng mất đi cái nóng nảy, cái bức bối, cái ngột ngạt… Khi đến độ tiêu dao, người ta ắt sẽ không màng tới văn chương nữa mà văn chương vẫn tự đến - đó là một hình ảnh viên mãn đầy chất mơ tưởng.
Tôi thích hình dung những người đang đi trên con đường văn chương với nhiều thất bại, nhiều cao vọng, nhiều ngột ngạt, nhiều vết xước nhưng vẫn thích thú mà đi, hồn nhiên mà đi; đi lúc chậm chậm lúc cuống quýt chạy lúc ngã nhào lúc nằm không bên đường, nhưng vẫn cứ đi theo một tiếng gọi nào mình chưa đến được. Mỗi cuốn sách ra đời trên hành trình đó, ắt là cái bóng của cái bóng của một giọng nói của kẻ viết.
***
Truyện ngắn chắc chắn là một trong những thể loại thách thức. Một người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một truyện ngắn – giả mạo, một kẻ giả danh truyện ngắn, hay một cách gọi tên nào đó tương tự. Tôi nghĩ, tiểu thuyết dễ mạo danh/ngộ nhận hơn và có thể dễ được chấp nhận hơn. Người đọc dư sức đọc chơi chơi một tiểu thuyết dài, nhưng chưa chắc đã vượt qua được nỗi ngại đọc một truyện ngắn vài nghìn từ, thậm chí vài trăm từ. Vậy thì cái bí mật của truyện ngắn nằm ở đâu? Khi tôi đọc lại những truyện ngắn/cực ngắn đã viết khá “hồn nhiên” của mình, hay nhớ lại sự khó nhọc để cho ra đời một mẩu ngắn mấy chục chữ hay nghìn chữ, tôi đã phải nghĩ về câu hỏi đó thường trực hơn, để bận tâm hơn về bút pháp, hay “nghệ thuật viết”. Tôi đi đến kết luận: mỗi người viết truyện ngắn phải tìm ra một bí mật của riêng mình, phù hợp với cái tạng viết của mình. Ở văn phong. Ở ngôn ngữ. Ở cách kết cấu. Ở vùng chủ đề ám ảnh. Ở câu chữ. Ở các dấu câu. Vân vân. Ở tất cả những gì có thể. Nó là thể loại tuyệt đối tự do, mời gọi, và đầy thách thức.
Tôi tin Trần Nhã Thụy đã tìm ra một thứ bí mật của riêng mình khi viết truyện ngắn. Anh kể cứ như không những chuyện thường tình có, bất thường có, sắp đặt có, vu vơ có. Những câu chuyện tự nó như trăng chảy trên đồng cỏ, lênh láng mà vẫn nguyên vẹn, tan loãng mà không tan biến mất. Đó là cảm giác của tôi khi đọc những truyện tôi thích hơn cả ở tập Mùi: Băng đầu trọc, Những kẻ câu đêm, Dưới cơn mưa tầm tã. Cũng chính ở đây, cái thực, rất thực, rất đời thường lại trở nên phi thực, ảo ảnh, dù ngôn ngữ và câu chuyện của Trần Nhã Thụy không đi sâu vào thế giới ẩn ức, cũng không chủ ý tạo dựng cái phi thực, cái siêu nhiên. Cái không khí hư thực đó không dễ cảm, dễ phân tích ra, chỉ có lúc nào đó tự nhiên ta chuồi vào, bồng bềnh không ngờ. Như khi lạc vào một bài Đường thi đầy sương, khói, lửa đèn, tiếng chuông mà vắng người, dù người vẫn đâu đó, nhưng là bài Đường thi “hiện đại”,thường mang theo nỗi hoảng hốt bất an về kiếp người và những cú chém ngẫu nhiên của định mệnh dưới “những cơn mưa tầm tã”… (Tôi cũng có cảm giác tương tự khi đọc truyện Làng quê thì mênh mông của Ngô Phan Lưu.) Cái chất “ảo” mà không ”diệu” đó, tôi nghĩ, nó thoát bay ra từ bản tính tâm hồn của một kẻ hay chú ý vào cái tiểu tiết, kẻ có thể nhìn thấy bầu trời trong giọt nước, thấy hình Mị Nương dưới đáy chén trà, thấy trời lộn ngược. Do đó, nhân vật của Trần Nhã Thụy không phải là những “mẫu hình”, cũng không phải những biểu tượng mà giống như các phát hiện hư thực về đời sống thường nhật: chàng bán mía thành người nghệ sĩ thực thụ, anh chàng trẻ măng nằm dài trên xe máy sở hữu cả một góc trời riêng, gã đàn ông dành hàng giờ để đèo con đạp xe lòng vòng và vui với mấy thứ rau càng cua mọc dại nơi sắp mọc lên những biệt thự khang trang, một tay nhà văn phải lòng và chung sống với một cô nàng vì “cái rổ quýt vàng ươm rất đẹp”, mất nàng vì cái tật đặt sách lên bụng hàng đêm và lại có lại được nàng khi quấn quit da thịt nhau trên cỏ thơm trong tiếng cá quẫy vào mặt nước đen thẫm đâu đó khi những kẻ câu đêm như biến mất hoàn toàn… Truyện ngắn Trần Nhã Thụy thường ghim vào người đọc một chi tiết, một cảm giác. Dù có câu chuyện, và nhiều khi câu chuyện khá dài dòng, thì (may sao) chúng cũng dễ dàng tan loãng đi cùng với chữ nghĩa, hay lui xuống bình diện quan trọng thứ mấy, thứ mấy…
***
Tôi đã nghe nhiều người đặt dấu hỏi thất vọng về văn học Việt bây giờ. Kì thực, tôi tin rằng bất cứ người viết/người đọc nào quan tâm đọc văn học Việt Nam, ắt đều phải là những người cực kì kiên nhẫn. Kiên nhẫn để lọc ra đôi chút gì đáng chờ đợi, đáng hi vọng trong một không gian hỗn độn. Rồi lại kiên nhẫn để đi cùng, chờ đợi cùng những chút hi vọng đó những gì đáng để chờ đợi hơn, hi vọng hơn. Kiên nhẫn để nhìn thấy một mạch đi cũng đầy nhẫn nại của những người viết.
Khi đã bớt đi những cảm xúc/suy nghĩ nóng nảy, hồ đồ, tôi không thấy phải bận bịu với những hiện tượng ồn ào và nhận ra còn nhiều người viết văn khác đang miệt mài tìm lối đi trong văn xuôi: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Vũ Đình Giang, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Nguyên Phước, Hoàng Long và tất nhiên, Trần Nhã Thụy, và chắc chắn còn những người khác nữa. Thực ra, họ đã ở một thế hệ khác tôi, chỉ cách nhau trên dưới mười năm nhưng nhu cầu về văn chương chưa chắc là cái gì san sẻ được. Tôi vẫn muốn đợi, muốn tìm những người cùng“tìm một cái gì đó” của thế hệ mình.
Luôn có thật ít ỏi những kẻ tìm đường thực sự (dù thất bại hay thành công). Bao nhiêu từ ngữ đầy mới mẻ, khơi gợi và kích thích, như các kĩ thuật, những trò chơi ngôn ngữ, hậu hiện đại… nhanh chóng (có lẽ bị chính cộng đồng viết và đọc) biến thành những chiếc áo bạc màu xấu xí, xơ xác, hay mang vẻ lấp lánh hời hợt. Đu mình vào các khái niệm công cụ thì sẽ chỉ là là bay hoặc bị dúi xuống, chứ rất khó lên cao. Mặc dù yêu chuộng mọi kiếm tìm, tôi đôi lúc lại chỉ muốn xướng to lên (với tôi là một thói không thật hay): chống-cách tân, anti-cách tân, ngừng cách tân, thà như một kẻ bảo thủ tuyệt đối, một con ếch khư khư sung sướng với bầu trời miệng giếng của mình. Bởi tôi nghe thấy nhiều tiếng còi báo động giả về cách tân trong văn học Việt.
Mãi gần đây tôi mới đọc William Saroyan. Truyện “Chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay” từ lâu lắm cứ nằm trên giá sách. Tôi nghĩ đây là nhà văn yêu mến của Trần Nhã Thụy, (liên tưởng vu vơ vì anh có một tập truyện có cái tên thú vị “Chàng trẻ măng ở phố treo đầu” ). Nhân vật của anh cũng thường là tay nhà văn nhàn rỗi đi cùng những đứa trẻ con để kể những chuyện tưởng vu vơ về cuộc đời, kì thực lại là một cách chiêm ngắm đời sống với “trái tim ở miền cao nguyên”.
Có cảm giác Trần Nhã Thụy đã đủ điềm tĩnh để học và đón nhận nhiều kiểu văn chương khác nhau và khác mình, mà cũng không cần nóng nảy luống cuống tìm bằng được những cách thức làm mới. Văn chương anh đáng được mến yêu và thưởng thức. Chính ở chỗ này, tôi đã thấy văn chương cần thoát ra ngoài mọi quy ước thít buộc nó, thậm chí cần thoát ra ngoài cả nỗi day dứt về việc tìm cái mới. Nếu cứ day dứt mãi, có thể chúng ta sẽ chẳng tìm được gì thêm nữa.
Bây giờ, tôi tin là Trần Nhã Thụy có lí. Tôi nghĩ rằng mỗi người viết cũng cần cảnh giác chính mình với cái gọi là “lột xác”, nhất là lột xác để làm mới.
H. 29/07/2011
.
Nhã Thuyên
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét