Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013
Nhà văn Thanh Châu người để lại một nghi án văn chương
VÂN LONG
Đại hội nhà văn lần thứ VII năm 2005, Ban tổ chức Đại hội giới thiệu người nhiều tuổi nhất có mặt ở Đại hội là nhà nghiên cứu văn học Vũ Khiêu 90 tuổi. Thực ra, nhà văn cao tuổi nhất từ TP Hồ Chí Minh bay ra họp là nhà văn Thanh Châu , sinh ngày 17-9-1912, tức là cụ đã 94 tuổi... Cụ ra dự Đại hội với tâm lý là gặp lại các bạn văn cao tuổi, tôi không dám nói là cùng lứa, vì đến ông Tô Hoài cũng kém cụ đến 8 tuổi.
Một điều nôn nóng của cụ mà chỉ mấy anh em chúng tôi biết: Sau Đại hội, cụ mong gặp lại cái “tiểu hội” bạn vong niên, chúng tôi thường gọi là câu lạc bộ bia Kama (nghĩa là không ai mời ai) mà cụ là một thành viên tích cực từ ba năm về trước, trước khi cụ buộc phải vào Nam ở với con trai: họa sĩ Ngô Chương. Cái “CLB bia” mà có lần chúng tôi nhìn màu sắc mấy chiếc cốc trước mặt , cười phá lên với nhau: 6 cốc thì 3 là nước cam chai, thế mà cũng gọi là CLB bia! Tôi đã ứng tác: Hội bia năm tháng giãi dầu - Sắc bia dần chuyển sang màu ...nước cam! Gọi là chuyển dần vì sau hàng chục năm tụ họp, sức khoẻ kém dần theo tuổi tác, có người không uống được, có người giảm dần bia, gọi đồ uống khác. Đến bia lượng vào loại nhất như hoạ sĩ Phan Kế An, cũng có lúc đến 3,4 tháng kiêng bia rượu, vì phải uống thuốc Bắc.
Hoá ra quán bia là nơi tụ họp tiện nhất, tự do nhất, không phải phiền đến nhà ai, uống bia là cái cớ để gặp mặt, trao đổi những thông tin văn nghệ, bạn bè, ôn chuyện cũ...Dù ba năm xa, cụ Thanh Châu vẫn nhớ cứ thứ ba, thứ sáu...đến hẹn lại ra!
Hẹn hò mãi, đến chủ nhật trung tuần tháng 5-2005, chúng tôi mới gặp lại nhau khá đông đủ. Nhà văn Kim Lân thay cho lời chào: “ Này! Hôm nay là giỗ ông Nguyên Hồng đấy! Tớ được mời, vẫn phải tranh thủ ra đây gặp Thanh Châu đã, không có rồi...” Kim Lân không nói hết câu, ai cũng hiểu. Riêng Thanh Châu thì ngớ ra ghé tai tôi “Ông ấy bảo gì thế?”
Hoá ra sau ba năm vắng mặt ở Hà Nội với hai cú ngã, một cú bị tông xe, lưng cụ đã còng xuống, và tai đã nghễnh ngãng, tiếng được tiếng mất...Thôi thì, còn gặp nhau ngày nào quý ngày đó, Thanh Châu từng nói với chúng tôi ý ấy trước cả khi nghe Kim Lân nói: “Có khi tớ ra gặp các cậu chuyến này là chuyến cuối!” Chúng tôi ngậm ngùi, không phản bác lại cụ làm gì.Tuy vậy, chỉ thoáng chút thế thôi, rồi chúng tôi lại bông phèng, cười như pháo ran.
Hoạ sĩ Phạm Viết Song đã 89, tấm lưng vẫn thẳng, ra quán gặp bạn xưa, còn nhớ mang theo một chai Johnnie Walker, khi ôm lấy Thanh Châu,ông như cao hẳn lên, khi biết Thanh Châu đã nặng tai, ông an ủi:”Chúng mình chẳng cần nghe hết câu chuyện, cứ nhìn thấy nhau là vui rồi!” (Không ai ngờ rằng chỉ dăm ngày sau buổi gặp đó, họa sĩ Phạm Viết Song đã thành người thiên cổ!) Điều này thì cụ Thanh Châu thấm thía lắm, sau ba năm xa Hà nội. Cụ không biết cả điều chúng tôi vừa bàn với nhau trước mặt cụ: “Hôm nay cụ Thanh Châu đứng ra mời, nhưng chúng ta vẫn “kama” mở tiệc mừng cụ ra Hà nội.” Đến lúc cụ giở ví định thanh toán, tôi phải ghé sát tai cụ hét to “Cụ bị đảo chính rồi, không phải trả tiền đâu!”
Chúng tôi nhớ lại cái lần Đại hội V, Tổng bí thư Đỗ Mười gặp gỡ thăm hỏi các nhà văn cao tuổi, có hỏi cụ địa chỉ. Cụ tưởng được hỏi chơi thế thôi, ai ngờ tết năm ấy, Tổng bí thư đến thăm nhà cụ đúng vào mồng một Tết. Cụ sống thầm lặng, hàng xóm quanh phố Trần Quốc Toản không ai biết cụ là nhà văn. Không hiểu sao Tổng bí thư lại đến thăm cái cụ già nhỏ thó, ngày nào cũng ra chợ xách về bó rau muống, quả cà chua, cơm nước phục dịch bà vợ bị liệt nửa người. Chắc ông lão này cũng hoạt động tình báo như ông Vũ Ngọc Nhạ chăng (?!)
Chỉ những người trong làng văn, những bạn đọc cao tuổi mới nhớ cụ là nhà văn, tác giả truyện ngắn Hoa ti gôn in trên Tiểu thuyết thứ bẩy tháng 9-1939.Truyện ngắn lãng mạn tiêu biểu của một thời chàng trai Ngô Hoan bút danh Thanh Châu mới 25 tuổi, đẹp trai, sớm nổi tiếng.
Truyện ngắn này đặc biệt có đời sống lâu dài, gắn chặt với văn học sử không chỉ vì điển hình cho trào lưu lãng mạn Âu hoá, đề cao tình yêu, chống lại hôn nhân ép buộc, mà còn vì nó gắn với một giai thoại, nó là nguyên nhân xuất hiện bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của TTKH, tiếp theo là cuộc tranh cãi TTKH là ai đến hôm nay vẫn không ngã ngũ. Câu chuyện về một họa sĩ tên là Lê Chất, yêu một cô gái đẹp bên giàn hoa ti-gôn. Cô gái lại buộc phải lấy người mình không yêu. Một thời gian sau họa sĩ gặp lại cô, mối tình nẩy nở , chàng hẹn cùng nàng đi trốn. Nhưng cô gái đã không vượt qua được tập tục, sau đó qua đời, gửi lại cho chàng những cánh hoa mang hình trái tim tan nát . Khoảng chục năm gần đây còn có cuốn sách của Thế Nhật: TTKH là ai, phỏng đoán Thanh Châu chính là chàng họa sĩ Lê Chất, còn TTKH là bà TTVCH hiện còn sống ở Pháp. Giả thuyết này với không ít dẫn chứng bị chính bà TTVCH lên tiếng bác bỏ. Mãi gần đây nhất, tôi mới đươc cụ Thanh Châu bật mí : nguyên mẫu chính là chuyện tình của hoạ sĩ Lê Phổ (1907-2002) nổi tiếng và qua đời ở Pháp, một trong 10 sinh viên tốt nghiệp khoá đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Còn về hiện tượng TTKH,nhà văn Thanh Châu cho đến nay vẫn giữ nguyên quan niệm từ năm 1939 (Những cánh hoa tím - Tiểu thuyết thứ bẩy – 1939) “Không cần biết con người thật của TTKH, tôi chỉ biết rằng đó là người đàn bà đã viết được những vần thơ đẹp. Còn muốn gì hơn? Sao người ta cứ muốn làm nhơ bẩn những gì gọi là trong sạch ở cõi đời này?”
Quả là hãy để cho người đọc “muôn đời” tưởng tượng ra một TTKH với bao điều bí ẩn, hơn là trưng ra một gương mặt nhăn nheo, hẳn cũng tới 90 tuổi nếu còn sống, của một con người dù có thật 100%...
Nhà văn Thanh Châu cho tôi xem cuốn hồi ký của những người làm báo (tập II) THỜI GIAN VÀ NHÂN CHỨNG mở đầu là bài Từ bài báo đầu tiên của Thanh Châu, trên bốn chục trang in. Nhà văn kể lại một cách sinh động, hồi còn ngồi ghế nhà trường trung học (1930), sáng sớm nghe trẻ bán báo rao inh ỏi “ Hà thành ngọ báo ơ!” Và Thanh Châu không ngờ rằng bài báo đầu tiên của chàng lại in ngay trên trang nhất tờ báo này! Các chi tiết sinh động: tên người, sự việc ngày tháng... tỏ ra Thanh Châu vẫn đang làm việc một cách minh mẫn. Hiện cụ vẫn đang tận dụng trí nhớ còn minh mẫn của mình để ghi lại những câu chuyện liên quan đến các nhà văn hồi ấy mà cụ chứng kiến.Cụ kể một lần ba nhà văn Thanh Châu, Nguyễn Tuân, và Như Phong vào chơi xứ Huế (trước Cách mạng). Ba ông trên một con đò lênh đênh trên sông Hương nhiều ngày như một khách sạn nổi, ăn uống đến bữa là có con đò hàng cơm chở đến cho các ông thoả sức du ngoạn, nghe đàn hát.Mải chơi đến hết tiền, 3 người chỉ đủ mua 2 chiếc vé tàu về Hà nội. Nguyễn Tuân bảo: “Tôi không có vé , các ông cứ mặc tôi!”
Trên tầu, Nguyễn Tuân cứ ngủ tràn. Người soát vé đến lay ông ba lần ông mới tỉnh dậy, rút một tấm giấy bìa cứng đưa ra. Người soát vé cứ ngắm đi ngắm lại tấm bìa sang trọng trên nền bìa có vẽ rồng, có ảnh và tên Nguyễn Tuân mà chẳng hiểu gì.Sau đành tặc lưỡi trả lại ông tấm các mà không dám hỏi gì đến vé...
Hoá ra đó là tấm hộ chiếu hồi Nguyễn Tuân đi Hông Kông đóng phim Cánh đồng ma. Cuốn hồi ký của Thanh Châu hẳn còn nhiều câu chuyện thú vị mà chỉ còn cụ là người chứng kiến.
Hồi còn ở Hà Nội, bước sang đầu thế kỷ 21, Nhà văn Thanh Châu vẫn là một ông già nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, vẫn đạp xe khắp thành phố. Nụ cười rất tươi bằng ...răng thật của mình, có thể ăn mía cả tấm không cần người róc sẵn. Thế mà vẫn thán phục một người bạn khác “Tôi chỉ phục ông Hoàng Lập Ngôn (hoạ sĩ) hơn tôi hai tuổi, hôm nọ ở Sài gòn ra ,vẫn đạp xe đến tôi chơi” .Vậy là đã đến lúc các cụ “phục” nhau không phải ở tài năng, mà ở sức khoẻ. Quả thật, đó là cái vốn quý nhất của con người, càng thêm tuổi ta càng ý thức được điều này! Tôi là kẻ hậu sinh của các cụ, mới ngoài 70, mà có lúc cũng phải đề từ vào sau bìa một tập thơ của mình “Đến một tuổi nào - Người ta chẳng cần hoa – Không cần quả,- Chỉ cần: một đọt lá xanh!”. Có thể hiểu: Hoa là tình yêu, Quả là sự nghiệp, đọt lá xanh chính là sự sống xanh ngời!
Có lần, tôi phỏng vấn cụ “Nghe nói hồi Pháp thuộc, lương cụ khá lắm, vậy cụ có ăn chơi gì không mà giữ được sức khoẻ khá vậy? “ Cụ cười khiêm tốn:
-Hồi mới viết văn, tôi là một viên chức luơng rất khá, cũng hòa đồng với các bạn lui tới các nơi ăn chơi. Tôi cũng đi cô đầu với ông Nguyễn Tuân, chỉ khác Nguyễn Tuân thì sẵn sàng ở lại qua đêm, tôi thì khuya mấy cũng về. Không phải mình biết kìm chế gì, mà có thể bản thân tôi ưa sạch, có sự chung đụng gì là cảm giác ghê ghê. Cái chăn nhà cô đầu thì bao nhiêu người đắp! Hút thuốc phiện cũng vậy. Dân nghiện thường lười tắm gội, nằm xuống hút thấy cái gối bao nhiêu gầu ghét của bao con nghiện sơn phết lên mặt gối. Tôi ngả lưng hút chơi một điếu là phải ngồi dậy ngay. Ông Tô Ngọc Vân cũng một lần đi cho biết, rồi thôi! Nói như vầy không phải sáo mép: Cũng nhờ cách mạng Tháng Tám, tôi mới tiếp tục giữ được sức khoẻ đến ngày nay. Ở xã hội cũ, khi đã có tuổi càng dễ buông thả. Lúc Cách mạng tôi mới 33 tuổi, được thay đổi cách sống hoàn toàn, nên không có thời gian và hoàn cảnh để chơi bời buông thả...À! Hồi đó tôi chơi thể thao cũng hăng. Cùng học trường Puginier với Phạm Huy Thông, ông Thông thì nổi tiếng học giỏi, tôi thì đá bóng giỏi. Có hai đội bóng nổi tiếng thời bấy giờ là Lạc Long và Éclaire đều có tôi tham gia...
Có một điều quyết định sức khoẻ của cụ, mà cụ không nhìn ra , đó là tính hài hước, cụ có bài thơ vui nổi tíếng khi đáp từ các bạn đến mừng thượng thọ 80: Mình nay như mít chín - Tụt nõ lúc nào đây - Vẫn thích nhìn hoa hậu – Như thể vẫn còn cay – Em ơi đừng chúc thọ ! –Tôi vẫn đạp hàng ngày.
Thần diệu là chữ đạp đa nghĩa, cụ trẻ lâu có khi vì như vậy, chữ vì của tôi- học cụ - cũng đa nghĩa, muốn hiểu là do biết tự trào mà trẻ lâu hay do “đạp” hàng ngày mà trẻ lâu, đều được cả!
Không thể trích văn ra để dẫn chứng văn tài, nhưng tôi có thể trích thơ của nhà văn, điều này còn ít người biết về Thanh Châu :
Tôi chép trong sổ tay từ lâu bài Cây đào về nhà cũ (tặng QD) cụ viết năm 1958. Bài thơ có đủ phẩm cách một bài thơ hay với phong vị bâng khuâng man mác, láy câu, láy chữ, sử dụng yêu vận tài tình...khiến những câu thơ, ý thơ cứ quyến lấy nhau, tạo ra một nhạc điệu như bài thơ đã được phổ nhạc rồi vậy:Về nhà không có ai
Chín năm, cây đào phai
Bên buồng cũ
Lại một lần nở rộ
Đào hỡi
Đầy sân cánh đỏ
Biết chăng hoa nở không người
Ta ước mẹ ta
Thành hương bay về
Vấn vương cành cũ
Ta ước em ta
Thành chim bay về
Đậu bên song cửa
Ta ước chị ta
Lại bên thềm cũ
Như xưa
May lại cho ta
Áo nhỏ
Chiếc áo ngày xưa
Áo đỏ
Hoa đào
Còn bài thơ Mất điện (1967) là nhịp điệu thơ tứ tuyệt thất ngôn, nhưng nhà văn ngắt nhịp sẵn cho độc giả bằng cách xuống dòng:Đêm sao rộng mãi
Hỡi đêm dài
Thức trắng riêng mình
Với Ức Trai
Kính lão
Đèn dầu
Trang sách cổ
Gà sân động cánh
Gọi nhau rồi!
Bài thơ làm tôi cảm động nhất là bài Di chúc, lúc viết chắc còn khoẻ mạnh hơn bây giờ nhưng ông không chủ quan, hãy cứ di chúc trước đi, ung dung chuẩn bị cho lúc ra đi:Mong cỏ nội
Xoá đi ngàn chuyện dở
Để trên mồ
Con dế đẫm sương kia
Vẫn thay mình
Kể đẹp chuyện đêm khuya
(Đề bia mộ người viết truyện)
Sau khi ông mất ít lâu, đạo diễn Quìynh Châu, con gái ông tình cờ gặp tôi. Cô thông báo một in lạ: Anh ạ! Sau khi chôn cất cụ vài tuần (ở một nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh), chúng em ra thăm mộ, thấy một chuyện lạ: Không rõ ai đó đã đặt bên mộ một con dế mèn bằng đá trắng dài khoảng nửa mét. Và cô bật hình con dế trong chiếc máy cô chụp được. “Đến bây giờ gia đình vẫn không rõ ai đã kỳ công như vậy!”
Tôi bồi hồi nghĩ đến người độc giả ẩn danh nào đó. Đã góp thêm một ẩn số vào cuộc sống và trang viết của nhà văn Thanh Châu
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét