Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Đền Bạch Mã và ngàn năm an định thủ đô

(Nguyễn Hùng Vỹ)

Đền Bạch Mã có tên chữ là Bạch Mã tự. Vị thần được thờ chính ở đây là Tô Lịch. Đây là vị thần được từ thư ghi chép từ rất sớm. Sách Việt điện u linh, một tác phẩm thời Trần, dựa trên những ghi chép trước đó như Báo cực truyện và Giao châu kí viết rằng: “Vương họ Tô, tên húy là Lịch, sinh thời làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng và ở chung với nhau, không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn sàng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng”. Trong thời Bắc thuộc, các thứ sử, thái thú khi đắp thành, trị nhậm vùng Long Đỗ đều phải cầu khấn, xin phép ngài. Ngài đã từng hiện lên phá nát đàn trấn yểm của Cao Biền khiến cao Biền phải thở than và trở về bắc quốc. Thần hiệu của thần thời Lí phong là Quốc đô Thành hoàng Đại Vương. Nhà Trần gia phong là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương. Kết quả kết hợp Thần và Phật trong thờ tự để làm nên tên gọi Bạch Mã tự chắc diễn ra ở đầu thế kỷ XI, khi xây dựng kinh thành Thăng Long.
Denbachma1
Năm 1010, Lí Công Uẩn ra chiếu dời đô. Lần đầu tiên đất Thăng Long, vốn là thủ phủ Đại La dưới thời Bắc thuộc, trở thành kinh đô của một quốc gia độc lập. Trong cuộc thiên đô đầy khát vọng kinh bang tế thế này, chúng ta không thể không nhắc tới lực lượng Phật giáo, vốn đã ủng hộ Lí Công Uẩn lên ngôi, nay lại cố vấn cho hoàng đế chọn đất lập kinh đô mới. Tiêu biểu là thiền sư Lí Vạn Hạnh.
Lí Nhân Tông, hoàng đế thứ tư triều Lí đầy võ công văn trị, đã viết về Vạn Hạnh : Sư Vạn Hạnh thông tỏ cả ba cõi quá khứ, hiện tại, vị lai. Sấm thi xưa của thiền sư đều là những tiên tri đúng đắn. Từ chốn quê chính là hương Cổ Pháp. Nhà sư đã du phương, hành cước, dừng chân mà trấn định kinh đô (Vạn Hạnh dung tam tếChân phù cổ sấm thi. Hương quan danh Cổ Pháp. Quải tích trấn vương kì – Truy tán Vạn Hạnh thiền sư – Lí Nhân Tông).
Quải tích, còn gọi là trú tíchtrụ tích là chỉ việc nhà sư đi du phương tìm hiểu địa dư và quảng hoằng tư tưởng. Trấn là an định sự nghiệp đế vương, sơn hà, xã tắc. Rõ ràng, Lí Nhân Tông đã ngợi ca công lao và vai trò của Vạn Hạnh đối với việc định đô tại Thăng Long. Trong dân gian cũng lưu truyền huyền tích về Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi từ chùa Tiêu, dắt nhau qua sông và trở thành nguyên cớ cho việc định đô này. Dưới lớp vỏ kì ảo của khẩu truyền, chúng ta nhận ra một người cha tinh thần tuổi Tuất là Vạn Hạnh (sinh năm Mậu Tuất 938) cùng với con tinh thần của mình là Lí Công Uẩn cũng tuổi Tuất (sinh năm Giáp Tuất 974) và dựng đô vào năm Canh Tuất 1010. Mậu xưa thì đồng âm với Mẫu và trong uyển nghĩa dân gian hiểu thành Mẹ. Có tên Cẩu Mẫu là vậy.
Với vai trò như vậy, chúng ta không thể không liên tưởng đến phương vị những công trình tín ngưỡng cầu mong và bảo vệ cho kinh thành mang tinh thần Phật giáo. Bạch Mã tự (Đền Bạch Mã) là một công trình như vậy, nó hội tụ nhiều tín ngưỡng khác nhau nhưng có thể tìm thấy cốt lõi tinh thần sâu xa của nó.
Denbachma2
Tại sao đền lại mang tên Bạch Mã ? Có người cho rằng, ngựa trắng là biểu tượng của mặt trời, vận động biểu kiến từ đông sang tây, nên trấn đông dùng hình ảnh Bạch Mã để đặt tên. Chúng tôi thấy không chắc là vì vậy. Coi ngựa trắng là biểu trưng cho mặt trời chủ yếu là tư tưởng văn hóa phương tây. Liệu phương đông lúc đó đã hội nhập ý nghĩa đó chưa? Sao không tìm trong tín ngưỡng phương đông và trong Phật giáo, khi tôn giáo này đã có mặt ở Giao Châu ngay đầu kỉ nguyên tây lịch và gần nghìn năm sau thì đã góp phần vào việc xây dựng những triều đại huy hoàng như nhà Lí, nhà Trần.
Về ba chữ Bạch Mã tự, Từ điển Nho Phật Đạo giải nghĩa như sau: “Bạch mã tự: Chùa Phật giáo. Đó là ngôi chùa sớm nhất tại vùng người Hán ở Trung Quốc, ở cách thành Lạc Dương tỉnh Hà Nam 25 dặm Hoa về phía đông. Hơn 1900 trước, vào đầu thời Đông Hán, khi phật giáo mới truyền vào Trung Quốc, vua Minh Đế đã sai bọn Thái Âm sang sứ ở Tây Trúc vào năm 64 sau công nguyên. Năm sau, lúc bọn Thái Âm trở về Lạc Dương đã dùng hòm bằng gỗ đựng kinh, dùng ngựa trắng thồ sách vở mang về Hồng lô tự. Năm Vĩnh Bình thứ 11 (68) đã lập ra Bạch Mã tự…”.
Phật quang đại từ điển cho biết thêm: “Cứ theo Lương cao tăng truyện quyển I chép, tương truyền nước Thiên trúc có ngôi chùa tên là Chiêu đề. Nhà vua thường phá hủy các chùa, duy chùa Chiêu đề chưa kịp phá, sau vì có con ngựa trắng ban đêm chạy quanh chùa tháp kêu thảm thiết, nhà vua bèn không phá nữa và đổi tên chùa là Bạch Mã…”.
Ở phương Đông, rất nhiều ngôi chùa đều mang tên là Bạch Mã tự.
Như vậy, hình tượng Bạch Mã (ngựa trắng) là biểu tượng cho sự truyền bá Phật giáo và bảo vệ chùa tháp, bảo vệ không gian Phật giáo.
Denbachma3
Việc xây kinh thành Thăng Long diễn ra trong một bối cảnh xã hội mà Phật giáo được tôn sùng cao nhất là thời nhà Lí. Có thể từ một không gian thờ tự đã hình thành trước đó ở cửa sông Tô Lịch xưa, trên bến dưới thuyền, nơi định cư và buôn bán thuận lợi, thờ thần đất là thần Tô Lịch, đến thời Lí, thần đã được phong là Quốc đô Thành hoàng Đại vương, vị xã thần của đất kinh thành, có tầm quan trọng với cả quốc gia Đại Việt. Dựng xây, bảo vệ kinh thành, bảo vệ triều đại, bảo vệ quốc gia cũng song hành với bảo vệ Phật pháp. Lúc này, tư tưởng Phật giáo đã thấm nhuần vào ba chữ đặt tên Bạch Mã tự. Truyền thuyết dân gian đã biến việc bảo vệ chùa tháp của ngựa trắng thành chuyện ngựa trắng chạy quanh vòng thành mách cho Lí Công Uẩn địa hình xây nên thành Thăng Long. Thần bản địa và yếu tố Phật giáo hòa đồng trong một không gian chính trị – tôn giáo. Vừa là thành quách vừa là chùa chiền là điều mà ở các quốc gia sùng chuộng Phật giáo đều có cả.
Việc dân gian gọi “Bạch Mã tự” này là “Đền Bạch Mã” cũng là điều bình thường. Vì thứ nhất, ở đây thờ cả thần và Phật, thứ hai, “đền” trong tiếng Việt vốn xuất phát từ chữ “điện” trong Hán ngữ cổ. Phật giáo vẫn xây dựng các công trình của mình gọi là “điện” hoặc “điện đường” như Phật điện thì ta gọi đền Phật hay chùa Phật đều được (như xưa gọi đền Ăng co Thom, đền Ăng co Vát vậy). Nói tóm lại, “điện” (đền) trong Phật học chỉ nơi thờ tượng chư Phật, Bồ tát. Cách gọi “đền” không ảnh hưởng đến ý nghĩa Phật giáo của nó.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: