Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Nếu Kennedy còn sống, chiến tranh Việt Nam sẽ khác?

KHẮC GIANG

Nửa thế kỉ sau ngày vị tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ bị ám sát, nhiều giả thuyết cho rằng John F. Kennedy đã có ý định rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam.  
Ngày này 50 năm trước, một viên đạn ở Dallas đã cướp đi sinh mạng của John F. Kennedy (JFK), tổng thống trẻ tuổi của Hoa Kì, người đàn ông quyền lực nhất thế giới thời điểm đó. Cái chết của ông rơi đúng vào thời khắc quyết định đối với vận mệnh của miền Nam Việt Nam, khi cách đó ba tuần và gần 10 vạn dặm, vị độc tài của chế độ Sài Gòn Ngô Đình Diệm cũng bị ám sát trong một cuộc đảo chính đẫm máu.
Richard Nixon từng tuyên bố những điều ông ta làm ở Việt Nam thì đều đã được JFK thực hiện. Còn em trai JFK, Robert Kennedy, đồng thời là Bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Kennedy, trong một cuộc phỏng vấn năm 1964 cũng khẳng định anh trai ông chưa từng nghĩ tới việc rút quân khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều sử gia lại cho rằng nếu JFK còn sống sau sự kiện ở Dallas, thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã có một kết cục bớt khốc liệt hơn cho cả hai phía.

{keywords}
Tổng thống JFK năm 1963
Vị tổng thống "thực quyền"
Mặc dù đứng ở trên đỉnh cao quyền lực, một điều trớ trêu là hầu hết các đời tổng thống Mỹ đều phải dựa vào đội ngũ cố vấn quân sự để đưa ra các quyết định chính sách hệ trọng. Hệ thống cố vấn này, được minh chứng qua các lần tham chiến của Mỹ trong thế kỉ 20 và 21, phần lớn thuộc phái diều hâu, cổ súy cho các biện pháp quân sự cứng rắn hơn là các giải pháp ngoại giao.
Dường như JFK khác biệt trên khía cạnh đó. Xuất thân từ quân ngũ, và bản thân cũng là một chuyên gia quân sự, JFK đặt niềm tin vào suy luận của mình nhiều hơn là những lời thúc giục chiến tranh bằng mọi giá của lực lượng này.
JFK vốn rất thận trọng với sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Dù là người trực tiếp phê chuẩn việc tăng cường viện trợ quân sự và đội ngũ "cố vấn" cho chính quyền Sài Gòn, ông sau này đã nhận định cuộc chiến ở miền Nam là "không thể chiến thắng" với người Mỹ, và rằng nên để cho người Việt tự giải quyết việc nội bộ với nhau. "Nói cho cùng, đó là cuộc chiến của họ. Họ là những người phải thắng hoặc thua", Kennedy trả lời trong một buổi phỏng vấn với đài CBS.
Điều này được thể hiện rõ nhất vào mùa thu năm 1961, khi ông phủ quyết khuyến nghị điều động 8.000 quân Mỹ tới Việt Nam của tướng Taylor và Walt Rostow. John Newman, tác giả của cuốn JFK và Việt Nam [1], cho rằng đó chính là làn ranh giới mà ông cương quyết không vượt qua trong suốt nhiệm kì của mình. Theo Newman, JFK còn định rút hoàn toàn lực lượng cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam vào cuối năm 1965, ý định mà sau này bị vị tổng thống kế nhiệm Johnson từ bỏ.
Sự "chần chừ" của JFK ở Việt Nam luôn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đội ngũ cố vấn nhà Trắng, trong đó đứng đầu có McGeorge Bundy, bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara, và ngoại trưởng Dean Rusk. Những cuốn băng ghi âm các cuộc họp của nhà Trắng cho thấy JFK đã nhiều lần khiến cho bộ sậu này "phát điên" bởi sự cứng rắn trong quan điểm của mình.  Điều này đã khiến cho cuộc chiến ở miền Nam dưới thời tổng thống JFK được ghìm lại ở mức đối đầu tối thiểu nhất giữa các bên tham chiến.
Chính đội ngũ cố vấn trên sau này tiếp tục đưa ra khuyến nghị leo thang quân sự ở Việt Nam cho  tổng thống Lyndon Johnson. Họ cho rằng nước Mỹ cần phải cứu lấy người bạn Sài Gòn, dù cho chính quyền miền Nam ngày càng bị phản đối dữ dội bởi nạn tham nhũng, chế độ cai trị tàn bạo, và  năng lực yếu kém. Khác với JFK, Johnson tin tưởng hoàn toàn những lời khuyên đó, vô hình chung đã đưa nước Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến không lối thoát.
Hoài nghi bạo lực
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Foreign Policy vào năm 2006, hai học giả tâm lý chính trị học nổi tiếng Daniel Kahneman và Jonathan Renshon cho rằng, trong hoàn cảnh nguy cấp, các chính trị gia thường chọn bạo lực hơn là đàm phán để giải quyết mâu thuẫn.
Nhưng JFK là trường hợp ngoại lệ. GS. James Blight của Đại học Brown, đánh giá với cái chết của JFK "Nước Mỹ và thế giới mất đi một nhà lãnh đạo mà ưu tiên số một luôn là giữ đất nước khỏi chiến tranh... Hơn nữa, ông đã chứng minh trong suốt 1.036 ngày tại vị rằng ông có sức mạnh để đương đầu với những cố vấn diều hâu vốn không dưới 6 lần khuyến nghị ông để nước Mỹ tham chiến".
Chịu nhiều sức ép chính trị về việc phải cho quân tham chiến vào miền Nam Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tâm lý chống cộng đang lan rộng, JFK vẫn liên tục phản đối bất cứ đề xuất "diều hâu" nào từ ban cố vấn, phản bác lại những dự đoán giản đơn và đầy màu hồng về sự thành công của can thiệp quân sự.
Là một người từng chiến đấu và suýt hi sinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, JFK không phải người sợ hãi các biện pháp bạo lực. Nhưng ông, với trí tuệ cũng như kinh nghiệm xương máu của mình, đã nhận ra rằng điều tất yếu của chiến tranh là loạn lạc, vô chính phủ, và sự mất kiểm soát về đại cục.
Và JFK cũng là người rất thực tế. Sau cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963 khi chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man người biểu tình, ông hiểu rằng người Mỹ không thể nào gắn bó với một chế độ như thế.
Sử gia Edward Miller, tác giả của cuốn Đồng Minh lạc lối: Ngô Đình Diệm, Hoa Kì, và định mệnh của miền Nam Việt Nam, [2] cho rằng đó là thời điểm Kennedy lựa chọn việc thay đổi chế độ ở miền Nam, để từ đó tìm kiếm các giải pháp ôn hòa hơn cho Việt Nam.
Một thế giới khác
Một nghiên cứu gần đây của James Blight và Janet M Lang, hai chuyên gia về chính sách ngoại giao của JFK, cho rằng thế giới sẽ trở nên hòa bình hơn rất nhiều, và chiến tranh Lạnh sẽ kết thúc vào năm 1969 (thay vì 20 năm sau) nếu như Kennedy không bị ám sát. Và cuộc chiến ở Việt Nam sẽ không để lại những hậu quả nặng nề đến vậy khi đến tận 1975 mới kết thúc.
Tất nhiên, lịch sử đã qua không có chỗ cho mệnh đề "nếu-như". Tuy vậy, đề ra những giả thuyết đúng đắn nhất cho chính sách của Kennedy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn một giai đoạn đầy biến động của lịch sử thế giới. Và một phần nào đó, nó cũng là bài học lớn cho các chính trị gia sau này.
Nếu JFK đã thành công trong việc xử lý cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), khủng hoảng Bức tưởng Berlin (1961), và sự kiện vịnh Con Lợn (1961), qua đó ngăn chặn một thảm họa chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường, thì không có lý do gì để nghi ngờ việc ông có thể sẽ chấm dứt sớm hơn cuộc chiến ở Việt Nam. Tiếc rằng, viên đạn vào ngày 22/11/1963 lấy đi sinh mạng của ông, và cả hi vọng cho một nền hòa bình ít đổ máu hơn ở Đông Dương.
-----
[1]: JFK and Vietnam
[2]: Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: