Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Đọ sức trên Biển Hoa Đông

(Nguyễn Văn Huy tổng hợp)

"...khi quyết định cử hai chiếc B-52 thâm nhập vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương quy định trên Biển Hoa Đông, Mỹ đã muốn truyền đạt thông điệp ngầm rằng Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ đang muốn tăng cường ảnh hưởng..."
 
Trung Quốc bất lực trước đòn thị uy của Mỹ
B52bomber01
Máy bay B-52 của Mỹ bay qua vùng "phòng không " của Trung Quốc
"Quân đội Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình bay (của hai chiếc B-52), đã thực hiện trong một thời hạn hợp lý việc nhận dạng và xác định rõ đó là loại máy bay Mỹ nào". Trên đây là nội dung thông cáo vào hôm nay, 27/11/2013, của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, liên quan đến sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ đã đột nhập mà không hề báo trước vào vùng phòng không mà Bắc Kinh vừa thành lập bao trùm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Phản ứng này được coi là một lời thừa nhận sự bất lực của Bắc Kinh trong việc buộc nước khác công nhận hành vi đơn phương mở rộng khu vực vùng gọi là "nhận dạng và phòng không" của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên một vùng cho đến nay vẫn được coi là không phận quốc tế.
Các nhà phân tích ghi nhận hai yếu tố trong phản ứng ngắn gọn ban đầu của Bắc Kinh trước hành động rõ ràng là thách thức Washington : Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc rất thận trọng, tránh đổ lỗi cho Mỹ, đồng thời tìm cách vớt vát thể diện cho Bắc Kinh khi khẳng định rằng : "Trung Quốc có khả năng thực hiện việc kiểm soát hiệu quả không phận của mình".
Theo giới quan sát, dù không nói ra, nhưng khi quyết định cử hai chiếc B-52 thâm nhập vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương quy định trên Biển Hoa Đông, Mỹ đã muốn truyền đạt thông điệp ngầm rằng Washington hoàn toàn không có ý định để cho Bắc Kinh tiếp tục lấn lướt tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ đang muốn tăng cường ảnh hưởng.
Quyết định của Mỹ, theo hãng tin Pháp AFP, đã gửi một đến Bắc Kinh một lời cảnh cáo rõ ràng rằng Washington sẵn sàng đẩy lùi mọi hành vi bị cho là hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Động thái của Mỹ cũng là tín hiệu cho thấy hậu thẫn mạnh mẽ của Mỹ đối với Nhật Bản, hiện đang bị Trung Quốc tranh giành vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Phi vụ không báo trước của hai chiếc B-52 vào hôm qua đã công khai đi ngược lại các đòi hỏi quan trọng nhất của Trung Quốc khi thiết lập vùng phòng không mở rộng trên Biển Hoa Đông. Đó là mọi phi cơ bay qua khu vực này phải nộp trước kế hoạch bay, tự động báo cáo danh tính, duy trì liên lạc vô tuyến và làm theo hướng dẫn của chính quyền Trung Quốc. Nếu không tuân thủ, quân đội Trung Quốc có quyền can thiệp.
Vấn đề đặt ra là quy định vùng phòng không mở rộng là một chuyện, nhưng có phương tiện để buộc nước khác tôn trọng vùng đó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Cần phải có đến nào là phi cơ radar, nào là máy bay chiến đấu có khả năng phản ứng nhanh chóng và bay trên một hành trình dài để ngăn chặn bất kỳ kẻ xâm nhập nào, hay để buộc đối tượng thay đổi đường bay và áp tải phi cơ lạ ra khỏi vùng phòng không. Thông thường, các biện pháp cưỡng chế như trên - mà tột cùng là việc bắn hạ phi cơ lạ - chỉ áp dụng trên không phận của nước có liên quan.
Sự kiện hai chiếc B-52 của Mỹ thâm nhập vùng phòng không do Trung Quốc áp đặt trên Biển Hoa Đông mà không hề gặp phản ứng có thể được hiểu là vì Bắc Kinh tránh gây sự cố, hoặc là vì quân đội Trung Quốc chưa có khả năng để buộc các nước tôn trọng vùng phòng không của mình.
Trong cả hai trường hợp, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bắc Kinh đã xem thường phản ứng của Mỹ, và của cộng đồng quốc tế khi tự động mở rộng vùng phòng không ra ngoài Biển Hoa Đông. Dẫu sao thì trong vụ này, Trung Quốc tự nhiên biến thành kẻ sinh sự, bị Hoa Kỳ tố cáo là đã mưu toan "đơn phương thay đổi nguyên trạng tại vùng Biển Hoa Đông".
Trọng Nghĩa (RFI)
Vùng phòng không của Trung Quốc, bài trắc nghiệm cho chính sách của Mỹ ở Châu Á
Việc Trung Quốc đơn phương đưa ra quyết định lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, chồng lấn lên vùng phòng không của Nhật Bản đã đẩy căng thẳng tranh chấp biển đảo giữa Tokyo và Bắc Kinh lên một nấc. Quyết định này đã gây bất ngờ cho nhiều nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cũng như với cả Washington, vốn gần đây muốn khẳng định sự có mặt ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Vùng phòng không của Bắc Kinh đưa ra bao gồm một không phận trải rộng phần lớn vùng biển Hoa Đông, phủ trên nhiều khu vực đang tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó đặc biệt là quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, hiện do Tokyo quản lý, nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền. Từ cuối tuần qua, Trung Quốc yêu cầu tất cả các máy bay muốn đi qua không phận trên phải thông báo trước hành trình bay và phải duy trì liên lạc với bộ phận kiểm sóat của Trung Quốc, nếu không Bắc Kinh sẽ có quyền «dùng các biện pháp khẩn cấp ».
Là đồng minh thân cận của Tokyo, đồng thời có nhiều căn cứ quân sự trong quần đảo Nhật Bản, Hoa Kỳ không thể làm ngơ trước đòi hỏi mới của Trung Quốc mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của quân Mỹ trong khu vực.
Ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố hôm 23/11 thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Washington bày tỏ quan ngại sâu sắc đồng thời cam kết sẽ bảo vệ Tokyo.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Trung Quốc "thận trọng và kiềm chế", đồng thời cảnh báo nước này về việc áp dụng vùng phòng không đơn phương. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp, nằm trong sự điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu khu vực này bị tấn công.
Ông Hagel nói rõ rằng Mỹ, hiện có hơn 70.000 binh sĩ đồn trú tại Nhật và Hàn Quốc, sẽ không công nhận tuyên bố chủ quyền vùng phòng không của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phògn Mỹ khẳng định : “Tuyên bố của Trung Quốc (về việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không) sẽ làm thay đổi cách Mỹ triển khai các chiến dịch quân sự tại khu vực này”.
Bên cạnh những tuyên bố chính thức như vậy, chính quyền Mỹ cũng đánh tiếng một cách không chính thức rằng sắp tới họ sẽ có những quyết định mạnh mẽ đáp lại đòi hỏi của Trung Quốc. Tuy nhiên theo lời một quan chức chính quyền Mỹ, hành động của Washington sẽ còn phụ thuộc vào việc sau khi phân tích « động cơ của Bắc Kinh » trong vụ việc này.
Theo giới quan sát, ứng xử với « vụ vùng phòng không » của Bắc Kinh sẽ là một trắc nghiệm quan trọng cho Washington, đặc biệt trong lúc này, khi Hoa Kỳ không ít lần khẳng định chiến lược xoay trục về Châu Á. Chiến lược này đến nay vẫn chỉ được nghe nói đến nhiều trong ngôn từ của các nhà ngoại giao Mỹ, mà chưa có dịp kiểm nghiệm bằng thực tế.
Hoa Kỳ đã thông báo ý định tập trung khoảng 60% lực lượng tấn công trên toàn thế giới về khu vực Châu Á Thái Bình Dương, từ nay đến cuối thập kỷ này. Nhiều cường quốc châu Á vẫn tự hỏi, liệu Hoa Kỳ có thể thực hiện được sự cân đối lại lực lượng như vậy và liệu quyết tâm đó có thể làm yên tâm các đồng minh Châu Á của Mỹ hay không, nhất là mỗi khi nảy sinh những đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc như kiểu thiết lập vùng phòng không lần này.
Việc Tổng thống Mỹ Obama vắng mặt tại hai cuộc Thượng đỉnh Châu Á hồi tháng 10 vừa qua vì khủng hoảng ngân sách ở trong nước, hay việc Ngoại trưởng John Kerry vẫn mải miết tập trung vào các hồ sơ hạt nhân Iran hay cuộc chiến ở Syria đã để lại một khoảng trống trong niềm tin của các đồng minh Châu Á của Mỹ.
Anh Vũ(RFI)
Mỹ "gấp rút" củng cố căn cứ Thái Bình Dương phòng Trung Quốc
Lầu Năm Góc đang khẩn trương củng cố các căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương và sửa chữa những căn cứ không quân từng sử dụng trong Thế chiến thứ hai nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ lực lượng tên lửa của Trung Quốc nhằm vào những trụ sở quan trọng trên đảo Okinawa và nhiều khu vực khác.
Hành động củng cố các căn cứ quân sự tại khu vực Thái Bình Dương là một phần trong chính sách trục châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama, bao gồm việc xây dựng một căn cứ phía bắc Australia.
Lâu nay, hệ thống tên lửa của Trung Quốc trở thành mối lo ngại với các chiến lược gia Mỹ bởi Bắc Kinh có thể sử dụng tên lửa để ngăn chặn hoạt động tiếp cận khu vực châu Á - Thái Bình Dương bằng hệ thống tàu thuyền, máy bay và điều binh sĩ của Mỹ.
Theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương RAnhân dân - Michael Lostumbo, hiện nay, các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được đánh giá là một trong những mối "đe dọa nguy hiểm nhất" với mọi căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương.
Một bản báo cáo của RAnhân dân cho thấy 90% căn cứ quân sự của Mỹ nằm trong phạm vi 1.080 hải lý của Trung Quốc - khoảng cách được liệt vào mối đe dọa nghiêm trọng.
"Chúng tôi so sánh mức độ đe dọa tại Thái Bình Dương với các khu vực khác. Toàn bộ các căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương hiện đang nằm trong phạm vi tấn công của hệ thống tên lửa đạn đạo Trung Quốc", ông Lostumbo nói.
Theo RAND, Mỹ có 3 lựa chọn để loại trừ các mối đe dọa từ lực lượng tên lửa Trung Quốc bao gồm : di chuyển các căn cứ khỏi phạm vi tấn công của tên lửa, tăng cường sức bền của các kho chứa máy bay và di tản máy bay nhằm giới hạn tối đa mức độ thiệt hại nếu bị tấn công.
Một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho hay các chiến lược gia Lầu Năm Góc hiện đang tái thiết nhiều căn cứ như Kadena trên đảo Okinawa bởi căn cứ này được đánh giá là dễ bị Trung Quốc tấn công nhất.
Một số căn cứ hiện đang được quân đội Mỹ đầu tư phát triển tại châu Á :
Darwin, Australia
Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang được tăng cường tới căn cứ Darwin. Hồi năm ngoái, Mỹ đã lần đầu tiên điều 200 lính thủy đánh bộ tới căn cứ này. Theo phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ - Đại úy Eric Flanagan, 2.500 binh lính Mỹ đang được luân chuyển tới căn cứ Darwin tham gia lực lượng không quân.
Đảo Guam
Theo Cơ quan Nghiên cứu quốc hội, kể từ năm 2000, Lầu Năm Góc đã liên tục tăng cường lực lượng tới vùng cực tây lãnh thỗ Mỹ. Trong đó, khoảng 8.000 binh sĩ thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang được điều động tới căn cứ đảo Guam.
Trong bản báo cáo ngày 15/11, Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ nói rõ việc củng cố căn cứ đảo Guam và tổ chức các cuộc tập trận quân sự thường xuyên nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
Hiện nay, đảo Guam là nơi cư trú của hai căn cứ quan trọng của Mỹ bao gồm : căn cứ Apra phục vụ Hải quân và căn cứ Anderson cho Không quân.
Trong đó, Lầu Năm Góc lo ngại đảo Guam sẽ bị các tên lửa của Trung Quốc và Triều Tiên tấn công. Ngoài ra, Mỹ còn đầu tư hàng trăm triệu USD để tăng độ bền cho các bể chứa nhiên liệu và nhà chứa máy bay.
Lực lượng Không quân Mỹ hiện đang nghiên cứu một "cơ sở vững chãi" chứa các máy bay ném bom, máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu. Nhà chứa này được thiết kế với phần mái bê tông dày hơn 1 m.
Phát biểu trước Quốc hội, trong tháng 11, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ - Tướng Mark Welsh cho biết chỉ huy lực lượng binh sĩ Mỹ tại Thái Bình Dương đã yêu cầu tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Theo ông Welsh, chi phí củng cố hạ tầng phòng thủ tiêu tốn khoảng 256 triệu USD.
"Việc củng cố các căn cứ trên đảo Guam nhằm tăng khả năng chống chọi của đảo Guam trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ hệ thống tên lửa đất đối đất", ông Welsh nói.
Đảo Tinian và Saipan
Lầu Năm Góc cho biết hai hòn đảo Tinian và Saipan nằm trên khu vực Bắc Thái Bình Dương thuộc lãnh thổ Mỹ và gần đảo Guam là một trong những khu vực được lựa chọn làm nơi chứa máy bay được di tản khỏi các căn cứ quân sự khác.
Không quân Mỹ đã chi 115 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Saipan phục vụ cho hoạt động tập trận và hạ cánh khẩn cấp cho máy bay Mỹ khi gặp thời tiết xấu.
Lâu nay, hai hòn đảo Tinian và Saipan giữ vị trí quan trọng chiến lược đối với quân đội Mỹ. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Mỹ đã chiếm hai hòn đảo này từ tay quân đội Nhật Bản vào năm 1944 và thành lập căn cứ chứa máy bay ném bom B-29 trên đảo Tinian, chuyên tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản.
Vào tháng 8/1945, từ đảo Tinian, 2 máy bay mang tên Enola Gay và Bock’s Car đã mang theo bom nguyên tử và ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Minh Thu (Infonet)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: