Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Làm rõ 'vùng cấm' và cơ hội báo tư nhân


Báo chí ở Việt Nam
Việt Nam chưa có báo chí tư nhân hiện nay và trong tương lai gần, theo chuyên gia
Việt Nam cần luật hóa 'vùng cấm', 'vùng nhậy cảm' để người dân và giới báo chí, truyền thông được biết rõ, theo nhận xét của nhà nghiên cứu báo chí từ trong nước.
Nếu các chủ đề, nội dung và vùng cấm này không được làm rõ như hiện nay, việc làm báo, cung cầu, tiêu thụ thông tin báo chí sẽ tiếp tục gặp những vấn đề khó khăn, khó xử, đó là quan điểm của ông Huỳnh Văn Thông, Trưởng Khoa Báo chí, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Trao đổi với BBC hôm 21/11/2013 từ Sài Gòn, Tiến sỹ Thông nói:
"Cái gì đã được định nghĩa là vùng cấm thông tin, nhất là trong trường hợp của một vài quốc gia có những khó khăn về mặt an ninh, về mặt chính trị v.v..., có thể định nghĩa vùng cấm đó,
"Nhưng đối với người dân thì quan trọng là các vùng cấm đó phải được nhận diện rõ ràng."
"Nếu không được phân chia rõ ràng bằng một ranh giới được định nghĩa về phương diện pháp lý, thì chuyện nhạy cảm hay không nhạy cảm rõ ràng là một vấn đề khá khó xử trong nhiều trường hợp."
"Tự do báo chí theo quan điểm của tôi như trong một dàn nhạc. Nó phải tấu lên một bản giao hưởng hài hòa, không thể cho những cái lung tung, cái bè này nó làm nghịch âm với bè kia"
Ông Phạm Khắc Lãm
Nhận định của Tiến sỹ Thông được đưa ra nhân dịp Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son lên diễn đàn của Quốc hội Việt Nam nói về các vấn đề của báo chí, truyền thông ở trong nước.
Hôm thứ Năm, một đại biểu Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa đã đặt câu hỏi với vị Bộ trưởng về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tiếp cận thông tin của công chúng trong bối cảnh Việt Nam mới nắm một ghế trong Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Được hỏi về việc khi nào Việt Nam sẽ cho phép báo chí tư nhân, một trong những nội dung liên quan tới mở rộng tự do báo chí và các quyền mà Đại biểu Nghĩa đã đề cập, Tiến sỹ Thông cho rằng báo chí tư nhân sẽ vẫn chưa có cơ hội ở Việt Nam trong hiện tại và tương lai gần, nhất là ở các khu vực tin tức quan trọng, nhạy cảm liên quan đến đời sống chính trị - xã hội.

'Cầm trịch và nguyên tắc'

"Cần phải coi trọng các quá trình trao đổi và đưa những tin tức được xem là những tin tức đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sự thực của người dân và nếu như điều đó không phương hại đến lợi ích chung của đất nước, quốc gia, đứng trên phương diện là lợi ích của dân tộc"
TS Huỳnh Văn Thông
Trả lời câu hỏi liệu phải chăng lý do chính là do chính quyền e ngại báo chí tư nhân, một khi đã được phép hoạt động, sẽ có thể dần dần đề cập những chủ đề thách thức vị thế và quyền lực của chính quyền và Đảng Cộng sản, Tiến sỹ Thông nói:
"Có vẻ cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho một nền tảng gì đấy liên quan tới báo chí tư nhân, về chuyện này, mọi người đều phỏng đoán, chứ chưa có một cơ sở gì cả...."
Cũng trả lời câu hỏi này, cùng ngày từ Hà Nội, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nêu quan điểm:
Báo chí VN: 'Lá cải và vùng cấm'
TS Huỳnh Văn Thông, Chủ nhiệm Khoa Báo chí, Đại học Quốc gia TP.HCM nói về báo lá cải, báo tư nhân và viễn cảnh tự do báo chí ở VN.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
"Tự do báo chí theo quan điểm của tôi như trong một dàn nhạc. Nó phải tấu lên một bản giao hưởng hài hòa, không thể cho những cái lung tung, cái bè này nó làm nghịch âm với bè kia."
Theo ông Lãm thì: "Việt Nam có những cơ quan quản lý, thì những cơ quan đó phải cầm trịch ở đây, làm cho mọi người thực hiện đúng luật, mà luật của Việt Nam, luật báo chí là không có báo chí tư nhân."
Trong khi đó, Tiến sỹ Huỳnh Văn Thông cho rằng, mặc dù chưa có báo chí tư nhân, mặc dù còn các vùng cấm, vùng nhạy cảm thông tin chưa được minh định, Việt Nam vẫn cần phải lưu ý một nguyên tắc đảm bảo quyền tự do báo chí, ngôn luận và tiếp cận thông tin của người dân.
"Về nguyên tắc, cần phải coi trọng các quá trình trao đổi và đưa những tin tức được xem là những tin tức đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sự thực của người dân và nếu như điều đó không phương hại đến lợi ích chung của đất nước, quốc gia, đứng trên phương diện là lợi ích của dân tộc, thì tôi nghĩ chuyện đó cần được tôn trọng," ông nói với BBC

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: