Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Inrasara: TỪ NGOẠI KHỔ ĐẾN NGOẠI BIÊN


Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao – thực trạng và giải pháp” – Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương
Thành phố Hồ Chí Minh, 27-28.11.2013
Phát biểu của Inrasara
1. Trước tiên tôi xin trao đổi lại với hai ý kiến trong tham luận hôm qua. Một của nhà thơ Vũ Quần Phương, một về ý kiến trên tạp chí Hồn Việt, số 74, tháng 10-2013 có liên quan.
Nhắc qua trường hợp Bùi Giáng, Vũ Quần Phương khẳng định nhà thơ này “không có bài thơ hoàn chỉnh”. Tôi thì khác. Tôi cho rằng Bùi Giáng có rất nhiều bài thơ hoàn chỉnh, dù xét qua hệ mĩ học cổ điển hay hiện đại. Hoàn chỉnh và hay. Đó là mảng thơ đã làm nên tên tuổi Bùi Giáng.
Và hơn thế nữa.
Tôi muốn đề cập đến ý kiến thứ hai. GS-TS Mã Giang Lân, sau khi nhận định ở bộ phận thứ nhất, Bùi Giáng có “Những bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa… tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình”, thì bước sang bộ phận thứ hai, khi bình bài “Ngẫu hứng”, anh viết:
“Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần.” (“Về thơ Bùi Giáng”, Hồn Việt, số 74, 10-2013, tr 45).
Đó là thơ của bệnh nhân tâm thần, hay đúng hơn – nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại, là: tâm thần phân liệt. Chính ở dạng này, ta nên để công khảo sát Bùi Giáng nhiều hơn cả. Bởi, chính chúng nói lên sự ngoại khổ của thi sĩ có đời sống kì lạ này. Ngoại khổ so với các văn nghệ sĩ Việt Nam cùng thời, kể cả Trịnh Công Sơn.
“Ngẫu hứng” mà Mã Giang Lân nghĩ rằng “không thể/ không nên để công vào khảo sát”, theo tôi [và ít nhất một nhà phê bình khác nữa] là bài thơ phơi bày hiện thực đời sống đô thị miền Nam thời bấy giờ với nhiều dự cảm bi đát. Cạnh đó, nó [và nhiều sáng tác cùng dạng của ông] đã khơi mào cho sáng tác hậu hiện đại Việt sau này.
Không nên quan niệm như Mai Quốc Liên: “Tấn phong ông, đề cao ông lúc này là vì những người yêu ông thôi, hay là vì cái gì?” (“Bùi Giáng ‘thiên tài’”, Hồn Việt, số 74, 10-2013, tr 44). Ngô Ngọc Ngũ Long trong tham luận “Phê bình VHNT trên phương tiện thông tin truyền thông” (trong tập Kỷ yếu) cũng có cái nhìn tương tự: “Tất nhiên tất cả đều có ẩn ý của nó”. Không “là vì cái gì” cả, bởi độc giả và nhà nhiều phê bình miền Nam đã tấn phong Bùi Giáng từ những năm 60 của thế kỉ trước rồi. Trước 75 nhà xuất bản An Tiêm uy tín in đại bộ phận tác phẩm Bùi Giáng, rồi mươi năm qua sách ông tràn ngập hiệu sách trong nước. Không ai có bất kì ẩn ý nào ở đây cả! Tại sao cứ suy diễn ngoài văn học?
Nhắc đến trường hợp cá biệt này, để thấy rằng nhà phê bình cần nhận ra cái “ngoại khổ” của người sáng tạo. Còn không, khi chưa nhận ra thì ta cần biết chấp nhận cái Khác ấy. Những cái Khác đến từ vùng ngoại biên, chưa làm quen thuộc.
Vũ Quần Phương cho Bùi Giáng không có bài thơ hoàn chỉnh, tôi nói có rất nhiều; Mã Giang Lân cho bài thơ “Ngẫu hứng” vô nghĩa, không đáng khảo sát, tôi nói nó tràn ý nghĩa nên rất đáng bàn. Ai đúng đây? Vũ Quần Phương viết “đôi ý kiến phản biện ôn tồn của tạp chí Hồn Việt đối với luồng ý kiến tôn vinh ông nhà thơ tâm thần làm thiên tài là một khuynh hướng tranh luận nên phát triển”. Mai Quốc Liên kết thúc bài “Bùi Giáng ‘thiên tài’” cũng có mong muốn “trao đổi cùng các vị”. Vậy, đâu là diễn đàn cho trao đổi, tranh luận lành mạnh và sòng phẳng, để “thiên tài” [nào đó bất kì] không bị oan sai?
2. Vùng ngoại biên có các sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam, là mảng văn học chưa làm quen thuộc.
Giải trung tâm là tinh thần cốt tủy của chủ nghĩa hậu hiện đại. Xin lưu ý, tôi nói giải trung tâm chứ không phải hủy trung tâm. Văn chương không phân biệt giàu nghèo sang hèn, trung tâm văn hóa lớn hay tỉnh lẻ, nước to hay nhỏ, dân tộc thiểu số hay dân tộc đa số, vân vân…
Chị sống ở Hà Nội, Hải Phòng chưa chắc đã viết hay hơn anh đang miền sâu vùng xa hay tỉnh lẻ. Bạn dân tộc đa số chắc chi đã làm thơ hay hơn tôi dân tộc thiểu số. Rộng hơn, nhìn từ Nobel văn học, cứ đặt Trung Quốc mênh mông bên cạnh Ailen nhỏ bé cũng đủ thấy.
Khi đã loại bỏ mặc cảm, các nhà văn dân tộc thiểu số tự tin viết.
Goethe cho rằng có 3 yếu tố tạo nên kiệt tác: Dân tộc đó có gì lớn lao để nói với nhân loại không? Có thiên tài để nói lên điều đó không? Và viết thế nào?
Người dân tộc thiểu số có rất nhiều câu chuyện để kể. Điều đó tạo nên sự Khác biệt lớn, làm giàu sang nền văn học Việt Nam. Nhưng họ ở đâu?
Nhìn từ Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – cứ tạm cho là chuẩn chuyên môn để định giá tác phẩm văn chương, ta mới có Y Phương, Inrasara và Cao Duy Sơn. Mươi năm qua, hàng loạt cây bút Chăm xuất hiện. Họ có nhiều điều để nói, và phần nào đó – đã biết nói. Thế còn một Tây Nguyên bát ngát hay một miền Tây mênh mông, các tác giả dân tộc thiểu số ở đâu? – Hoàn toàn vắng bóng.
Về Hội thảo thơ tân hình thức dắp diễn ra ở Huế, một phóng viên báo chuyên hỏi tôi, tại sao phải tổ chức hội thảo rình rang thế về một phong trào văn học chưa ra gì. Tôi nói, phong trào thơ lôi cuốn cả trăm nhà thơ nhập cuộc với 14 tác phẩm xuất bản qua suốt 13 năm, rất cần đến một hội thảo [đúng là hội thảo] tổng kết, đánh giá.
Chuẩn bị Ra mắt tập thơ một tác giả nữ trẻ Chăm, tôi thử trao đổi với Hội VH-NT Ninh Thuận, ai cũng bảo khó lắm, thời buổi này độc giả tỉnh nhà không ai quan tâm đâu? Tôi đứng ra tổ chức, 70 người tham dự, và buổi ra mắt rất thành công.
Không hội thảo thì làm sao biết đâu là tác phẩm lớn trong trào lưu văn chương? Không tổ chức giới thiệu tác giả làm thì tìm đâu ra tài năng văn học? Nhất là khi tác phẩm và tài năng ấy đang ở vùng ngoại biên, chưa làm quen thuộc.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: