Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Trí thức ‘tồn kho’

Trí thức ‘tồn kho’


Hồng Bích
lao dongChuyện thạc sĩ tốt nghiệp loại khá thất nghiệp rộ lên từ cuộc tiếp xúc với cử tri Đà Nẵng của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Có một người mẹ phản ánh con mình tốt nghiệp thạc sĩ ngành sư phạm nhưng nộp hồ sơ xin việc lần nào cũng bị đánh trượt nên thất nghiệp triền miên. Ông Nguyễn Bá Thanh đã “bút phê” vào lá đơn xin đi dạy của “thạc sĩ thất nghiệp”, chỉ đạo Sở Nội vụ TP phải xem xét trường hợp này.
Và mới đây, Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng rà soát số lượng thạc sĩ, tiến sĩ (có hộ khẩu ở Đà Nẵng) chưa có việc làm với mục đích sẽ ưu tiên bố trí công việc cho những người này.
Mới nghe cứ tưởng chính sách này nhất quán với chương trình “chiêu hiền đãi sĩ” trước nay, và là một ý tưởng tốt cho mục tiêu nâng cao chất lượng công chức của Thành phố. Nhưng xem ra việc này cứ phảng phất cái màu mè của chuyện “thành tích sâu sát cuộc sống” và giải quyết các điểm “thắt nút cổ chai” của chính quyền địa phương.
Khảo sát thực trạng lao động tại Công ty TNHH Điện tử Foster của cơ quan chức năng cho thấy, hơn phân nửa trong số gần 11.000 lao động có trình độ đại học và họ chấp nhận làm công việc phổ thông không liên quan đến ngành nghề được đào tạo.
Sở dĩ họ chấp nhận thực trạng này chỉ vì ra trường mấy năm mà không tìm được việc làm phù hợp với bằng cấp, trình độ. Thực trạng lao động phổ thông “bằng cấp cao” ở Công ty Foster không cá biệt.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có trường hợp cử nhân làm lao động phổ thông trong các nhà máy. Chuyện đáng buồn này là hệ quả của thực trạng đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”, cả xã hội chạy theo bằng cấp, ai cũng hiểu rõ, không cần phải bàn nhiều.
Nhưng chuyện ưu tiên giải quyết việc làm cho thạc sĩ, tiến sĩ thật ra cũng chẳng hay ho gì. Nếu công việc đó chỉ yêu cầu trình độ cử nhân thì cứ tuyển cử nhân vào làm.
Còn các thạc sĩ, tiến sĩ học xong, lấy bằng rồi nhưng với lối đào tạo hiện nay của các trường đại học trong nước, họ chẳng có chút kinh nghiệm thực tiễn, lại càng không thấy mấy thạc sĩ, tiến sĩ trẻ ứng dụng được kiến thức đã học vào nghiên cứu.
Là người quản lý lại phải phập phồng với chuyện mấy vị thạc sĩ, tiến sĩ nhảy việc (nếu có khả năng), còn không nhảy việc thì hầu hết là… làm không tốt, nhảy việc không nổi.
Có một sự tréo ngoe, nghịch lý như thế trong lao động trí thức trẻ. Nếu nhà tuyển dụng không tỉnh táo, chạy theo phong trào “ưu tiên thạc sĩ, tiến sĩ” thì cử nhân mới ra trường lại ào ào đi “nâng cấp” bằng lên thạc sĩ (chuyện này cũng đã xảy ra), lại tốn kém thêm biết bao thời gian, tiền bạc, để rồi những tấm bằng chỉ là để tiến thân mà không có ích cho xã hội.
Các vị lãnh đạo ở Đà Nẵng từng than thở, thành phố có nhiều kế toán giỏi, nhiều người giỏi tiếng Anh, nhưng cần tìm một kế toán vừa giỏi nghề, vừa giỏi tiếng Anh thì “bói” không ra, phải mời từ TP.HCM về làm việc!
Mặt khác của chuyện ưu tiên giải quyết việc làm cho thạc sĩ, tiến sĩ là chưa có bất cứ địa phương nào đưa ra khảo sát mỗi ngành nghề cần bao nhiêu thạc sĩ, tiến sĩ cho những vị trí công tác cụ thể nào để căn cứ trên nhu cầu đó mà tuyển dụng những thạc sĩ, tiến sĩ có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc.
Đó là việc nên làm trước, không nên cứ chạy theo thành tích, rước các vị thạc sĩ, tiến sĩ về cơ quan để làm đông thêm đội quân công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” khiến xã hội tiếp tục nặng gánh! Và chả lẽ không ai nhận thấy chuyện ưu tiên tuyển dụng này đi ngược lại quy trình tuyển dụng thông thường?
Theo DNSG

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: