Một lần đi mua truyện tranh cho Tí Hớn ở hiệu, sách của nhà xuất bản Kim Đồng. Thấy cuốn truyện tranh Cậu Bé Quả Đào đọc thử. Câu truyện kể về hai ông bà nọ không có con, nhặt được quả đào to bên đường, đập ra thấy bên trong có một cậu bé. Hai ông bà nuôi cậu bé lớn thành chàng trai. Chàng trai lớn lên đi lính lập nhiều chiến công, được lấy công chúa và kế thừa ngôi báu.
Đọc xong thấy thiêu thiếu cái gì, đọc lại mới tự hỏi. Thế hai ông bà kia đâu nhỉ.? Sao tác giả không thêm một dòng là chàng trai đón hai ông bà về cung điện ở, hay đại loại gì đó.
Vì thế mình không mua sách này. Xem đến mấy truyện tranh về nhân vật lịch sử. Ồ lạ thay ! Người ta chỉ nói đánh giặc mà chả nói giặc nào. Cả một chuỗi nghìn năm lịch sử chống phương Bắc chỉ còn lại là đánh giặc.!!!
Thôi thì khỏi mua cho rồi, về tự kể cho con nghe.
Hôm rồi được dự một cuộc tọa đàm, có một nữ nhà văn người Hà Lan và hai tờ báo lớn của Hà Lan, cùng mấy nhà xuất bản lớn của Hà Lan dự ( lớn với Hà Lan thôi )...
Câu truyện vòng vèo mọi đề tài, khi người dẫn chương trình là một nhà báo nói tác phẩm của BTH tuy không được xuất bản chính thức, nhưng rất nhiều người dùng intenert tìm đọc, những tác phẩm này rất được nhiều tìm kiếm trên google với hàng chục triệu kết quả.
Khoảng 17.300.000 kết quả (0,32 giây)
Bà nhà văn Hà Lan phát biểu. Đại ý bà nói rằng nhờ có sự cấm đoán, khiến người ta kích thích và muốn tìm đọc hơn, vì thế tác phẩm bị cấm được nhiều người tìm kiếm.
Lúc này đến lượt mình nói, tất nhiên nói ở chỗ đấy thì giọng phải nghiêm túc, không vớ vẩn chợ búa như mọi khi. Mình nói đại loại là
- Những gì tôi viết ra, đó là nỗi đau của nhiều người dân nước tôi, của quê hương tôi. Tôi không muốn kiếm tìm sự nổi tiếng trên những đau thương đó. Đây là điều bất đắc dĩ tôi phải viết về nó, viết về sự đau thương, về bất công...Vì tôi nghĩ tôi mình nên có một phần trách nhiệm chuyển tải những sự thật bị che đậy ấy ra ánh sáng, với mong muốn những điều không hay ấy sẽ bớt đi. Tôi không muốn tìm kiếm sự nổi tiếng qua những điều mình viết. Như hôm nay tôi ngồi ở đây là bởi sự may mắn ngoài suy nghĩ. Còn khi tôi viết, tôi xác định sự đón chờ phía trước là nhà tù, là bắt bớ chứ không phải là để mong đợi ngồi giữa Âu Châu tọa đàm với quý vị. Và hơn hết, tôi cũng muốn đất nước tôi được như đất nước này, và tôi cũng sẽ viết như bà ( hướng về bà nhà văn ) đây về tình yêu, về gia đình, về những điều nhân văn. Mong ước lớn nhất của tôi là được viết truyện cho thiếu nhi, cho lứa tuổi của con trai tôi. Không sung sướng gì ở những nơi bị cấm đoán, như chúng ta đều biết. Những tác phẩm ở những nước bị cấm đoán đoạt giải Nobel Văn Chương chỉ chiếm một phần nhỏ so với những nước có nền tự do sáng tác. Điều đó nói rằng dù sao đi nữa thì nền tự do vẫn sản sinh ra nhiều tác phẩm văn chương có giá trị hơn.
Phản ứng cử tọa sau khi tôi nói thế nào, một số bạn hôm đó dự biết. Tôi không muốn kể về điều ấy.
Hôm nay ngồi ở Berlin viết gì đi nữa, nhưng trong lòng tôi vẫn mơ ước nhất là lòng không vướng bận gì. Thanh thản nghiền ngẫm viết truyện thiếu nhi cho con tôi đọc.
Và tất nhiên Tí Hớn sẽ không phải đọc trong sách khác có nội dung và ngôn ngữ như
- Mẹ mày, con thỏ.
Những cuốn sách thế này vẫn được xuất bản ở Việt Nam cho trẻ em Việt Nam đọc. Đó có thể gọi là một sự đau thương hay không.?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét