Ảnh minh họa: Reuters
Kế hoạch áp dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý xã hội của Trung Quốc vẫn còn nhiều khuyết điểm chưa thể giải quyết.
Chính quyền Trung Quốc hiện đang cố gắng hoàn thiện hệ thống chấm điểm công dân toàn quốc, mặc dù nhiều nhà phân tích lo ngại rằng đây là mục tiêu khó có thể trở thành hiện thực.
Theo CNBC, Bắc Kinh xác nhận sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế đánh giá điểm xã hội của người dân. Kế hoạch này đã khiến nhiều người lo ngại rằng chính phủ sẽ "có toàn quyền" kiểm soát đời sống người dân thường.
Về mặt cơ bản, hệ thống của Trung Quốc sẽ thiết lập tiêu chuẩn tín nhiệm của mỗi cá nhân thông qua từng hành động đơn lẻ và sẽ phạt hoặc thưởng người dân thông qua điểm số của họ.
Hiện tại vẫn chưa rõ hệ thống sẽ công bằng tới đâu trong việc áp dụng hình phạt, hoặc làm thế nào để thoát khỏi "danh sách đen" do điểm thấp. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết tới nay đã thu thập được 990 triệu hồ sơ cá nhân và 25,91 triệu hồ sơ của doanh nghiệp. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ là thời hạn để hoàn thiện hệ thống chấm điểm công dân áp dụng trên toàn Trung Quốc.
Từ khi được giới thiệu cách đây 5 năm, nhiều chương trình khảo sát độ hiệu quả đã được thực hiện và một số hình phạt đã được áp dụng cho các công dân có mức điểm thấp.
Lo ngại về việc lạm dụng
Điều khiến người dân Trung Quốc lo lắng nhất - dù cho hệ thống này có đạt được quy mô toàn quốc hay không - là việc hệ thống bị lạm dụng.
"Tại thời điểm hiện tại, những hậu quả của việc cư xử sai trái mới chỉ được áp dụng cho những doan nghiệp và cá nhân vi phạm pháp luật một cách rõ ràng. Nhưng khi hệ thống phát triển hơn, nhiều hình phạt chi tiết hơn có thể được đưa ra," Genia Kostka, giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Tự do ở Berlin, nói.
Cơ quan thông tin về hệ thống chấm điểm tín nhiệm công dân ở thành phố Tô Châu. Ảnh: Qilai Shen | Bloomberg | Getty Images
Hiện tại, chưa ai biết hệ thống chấm điểm sẽ cụ thể tới mức nào và bao giờ sẽ được áp dụng toàn bộ. Trên thực tế, nhiều người không nghĩ rằng chính quyền Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu đó.
Một chuyên gia cho rằng khó có thể đồng bộ hóa toàn bộ dữ liệu chính phủ và dữ liệu từ các ngành tư nhân vào một hệ thống chung toàn quốc, chưa kể các vấn đề ngày càng gia tăng về quyền bảo mật đang nhức nhối hơn bao giờ hết.
Theo CNBC, áp dụng hệ thống chấm điểm công dân trước hết tại thủ đô Bắc Kinh sẽ là điều cần thiết. Tuy nhiên cho tới nay thành phố này vẫn chưa có kế hoạch gì cho các công dân cho tới cuối năm 2020 như đã thông báo vào hồi tháng 11/2018.
Tháng này, hoạt động chấm điểm dựa trên hành vi phân loại rác đã được triển khai thí điểm ở Thượng Hải. Không ai rõ điểm số cá nhân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tuân thủ luật mặc dù tờ Nhân dân Nhật báo cho biết tại thành phố Hạ Môn, Phúc Kiến, các cá nhân sẽ bị cho vào 'danh sách đen' nếu liên tục vi phạm hoặc phân loại rác sai.
Trong những nỗ lực khác của chính phủ Trung Quốc, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã áp dụng hình thức phạt bằng cách hạn chế di chuyển đối với những người chưa trả đủ nợ, ngăn những kẻ có tiền án bạo lực đi máy bay hoặc đi tàu cao tốc.
Các nhà bình luận cho rằng phạt như vậy là không đủ để ngăn các hành vi xấu từ các cá nhân có đạo đức kém, trong khi lại quá nặng nếu các cá nhân bị điểm thấp chỉ vì phân loại rác sai vị trí.
Hiện tại, nhiều người Trung Quốc vẫn không hay biết về hệ thống chấm điểm công dân mặc dù kế hoạch này đã được nêu ra từ năm 2014 về dự án "Xây dựng Hệ thống Tín nhiệm Xã hội" của chính phủ.
Dưới đây là một số ví dụ và chi tiết về các tỉnh thành ở Trung Quốc đã áp dụng thí điểm chương trình này.
1. Huyện Tuy Ninh, tỉnh Giang Tô
Mỗi công dân có 1.000 điểm cơ bản. Điểm số sẽ bị trừ nếu lái xe khi say rượu, không trả nợ, có nhiều con hơn pháp luật quy định.
2. Thành phố Vinh Thành, tỉnh Sơn Đông
Mỗi công dân có 1.000 điểm cơ bản cùng các con số đánh giá từ AAA tới D. Nếu có điểm số cao, công dân có thể thuê xe đạp mà không cần đặt cọc, được giảm tiền điện và hưởng chính sách vay nợ tốt hơn.
3. Tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
Tháng 1 vừa qua, Tòa án Nhân dân Tối cao tại tỉnh này đã công bố một tính năng mới trong ứng dụng WeChat để cho phép tìm ra các "con nợ" trong bán kính 500m. Mục đích của tính năng này là "nhằm tạo môi trường xã hội nơi mọi người biết luật, hiểu luật và ứng xử theo pháp luật".
4. Thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang
Trốn vé các phương tiện công cộng hoặc trả tiền điện chậm có thể bị đánh dấu "không tốt" trên hồ sơ tín nhiệm cá nhân. Điểm tín nhiệm thấp có thể ảnh hưởng cơ hội mua nhà, thăng chức hoặc tăng lương của cá nhân.
5. Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang
Hệ thống đánh giá 1.000 điểm được chia thành 5 cấp và áp dụng với các cá nhân ít nhất 18 tuổi trở lên đang sống và làm việc tại thành phố. Mức điểm từ 700 tới 750 được đánh giá là "xuất sắc" và có thể hưởng các ích lợi như đặt chỗ trước ở phòng tập gym hoặc bãi đỗ xe công cộng.
6. Làng Dương Kiều, tính Chiết Giang
Mỗi cá nhân có thể đạt mức 3 sao trong chương trình chấm điểm. Điều này sẽ dựa vào những việc tốt mà mỗi công dân làm. Người có điểm số cao có thể vay nợ từ ngân hàng địa phương với các ưu đãi tốt hơn.
7. Thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
Tháng 6/2017, Tòa án Thành phố Đăng Phong đã hợp tác cùng hãng di động Unicom để tạo tin nhắn tự động đối với các cá nhân trả nợ không đúng hạn. Khi người khác gọi điện cho những người này, họ sẽ nghe thấy thông điệp rằng: "Người bạn đang gọi đã mất điểm tín nhiệm và vi phạm quy định của tòa án. Hãy giục người này hoàn thành nghĩa vụ pháp lí".
8. Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô
Mức điểm cơ bản cho mỗi công dân là 100, nhưng có thể đạt tới 200 điểm nếu thực hiện các hành vi tốt. Người có điểm cao sẽ được giảm giá các phương tiện công cộng và miễn phí đặt cọc khi dùng xe đạp công cộng.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét