(VTC News) - Báo chính thống Trung Quốc dẫn lại bài trên báo Mỹ thông tin chi tiết về những kẻ đội lốt ‘ngư dân’ đáng sợ Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.
Trang National Interest của Mỹ dẫn nguồn các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Havard đăng bài viết với tiêu đề: “Dân binh biển: Lực lượng tiên phong ‘bạo vệ quyền lợi trên biển’ của Trung Quốc”.
Theo đó, tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc đang là nơi sử dụng nghề cá như một bàn đạp để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông.
Điều đáng lưu tâm là Hoàn Cầu thời báo, tờ báo chính thống của Trung Quốc đã đăng lại toàn văn bài viết này. Như vậy, có thể hiểu rằng Trung Quốc đã gián tiếp thừa nhận ‘dân binh biển’ và chiêu thức xâm chiếm Biển Đông này.
Đây là một trong những biện pháp của Trung Quốc để khẳng định chủ quyền phi lý ‘đường lưỡi bò’. Lực lượng này có những tiềm năng riêng biệt. Có thể kể đến là: tăng cường quản lý hành chính, năng lực chấp pháp trên biển; Thông qua xây dựng các điểm đảo để thiết lập trạm phát sóng 3G.
Xây dựng nghề cá với đội tàu thuyền lớn nhất thế giới luôn là chính sách ngoại giao chính yếu của Bắc Kinh, bởi những tuyên bố chủ quyền của nước này luôn xoay quanh nghề cá ở Biển Đông.
Điều nguy hiểm nhất, Trung Quốc âm thầm dùng lực lượng ‘dân binh biển’ với trang bị, tổ chức theo chuẩn quân đội để tăng sức mạnh cho các tàu cá nước này.
Lực lượng nữ dân binh biển Trung Quốc cũng được trang bị súng AK, ảnh: internet |
Sự ra đời của cái gọi là ‘dân binh biển’ ít nhiều có liên quan tới chính sách của Trung Quốc kể từ khi nước này giành được độc lập với sự viện trợ to lớn của Liên Xô.
Khi mới giải phóng, hải quân Trung Quốc mới chỉ có những trang bị, vũ khí thuộc dạng cơ bản. Quốc dân đảng khi đó dù phải rút chạy ra Đài Loan nhưng vẫn có sức phong tỏa các cửa biển của Trung Quốc, thậm chí cướp đoạt các tàu buôn từ Đại lục.
Điều này dẫn đến việc Trung Quốc buộc phải thành lập những đội tàu cá có vũ trang – tức dân binh biển. Nó không chỉ giúp tàu cá Trung Quốc tự bảo vệ mình, mà còn mang ý nghĩa thực tế rèn luyện cho hải quân Trung Quốc khả năng tác chiến trên biển.
Vào thời kỳ sôi động của những năm 60, 70 thế kỷ trước, xây dựng những đội tàu cá vũ trang càng là điều cấp thiết với Trung Quốc, bởi khi đó, nước này không muốn công khai nâng cao năng lực hải quân – điều dễ bị coi là ‘công cụ của chủ nghĩa đế quốc’.
Lương thực thiếu thốn cũng là nguyên nhân khiến Trung Quốc buộc phải tăng mạnh năng lực của tàu cá, mà phát triển tàu cá sẽ ít bị công kích về mặt chính trị.
Những cuộc tập kích nhằm vào các tàu quân sự của Quốc dân đảng ở Đài Loan hay thậm chí là cuộc chiến cướp đoạt trái phép Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đều có vai trò của lực lượng dân binh biển.
Cho dù những năm qua, hải quân và hải cảnh Trung Quốc có những bước phát triển nhảy vọt, nhưng dân binh biển vẫn là lực lượng vũ trang không thể thay thế của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cũng không tiếc tiền của đầu tư hoàn thiện lực lượng này theo hướng hoàn thiện hóa, tiêu chuẩn hóa, quy phạm hóa. Phát triển mạnh dân binh biển, cũng là sách lược ngoại giao quan trọng được ghi trong sổ tay của lãnh đạo hải quân và tầng lớp lãnh đạo của nước này.
Trung Quốc rất coi trọng dân binh biển, bởi lẽ nó không thu hút nhiều sự chú ý, không tạo hiệu ứng đề phòng hay làn sóng phản đối bằng việc phát triển hải quân.
Tàu ngư dân Trung Quốc trên Biển Đông, ảnh: internet |
Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng nếu phát triển hải quân quá nhiều sẽ dẫn đến một liên minh chống Trung Quốc trong khu vực. Chính quyền Hải Nam và quân đội tỉnh này năm 2014 đã đồng loạt cấp thêm kinh phí, nâng cấp, chiêu mộ dân binh biển với lý do “bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Những dân binh biển nói trên, được cho là những thủy thủ dũng cảm, yêu nước, sẵn sàng chống lại tàu hải quân, hải cảnh của “quốc gia khác” vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc cũng không giấu diếm mục đích dùng dân binh biển để tăng cường khống chế các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Có thể nói, trong mắt giới nghiên cứu Mỹ, dân binh biển không khác gì chiếc vòng bảo vệ cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc.
Các chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo, lực lượng dân binh biển ngày càng lớn của Trung Quốc cũng sẽ trở thành mũi tiên phong trong các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông, bên cạnh việc xây dựng bộ máy hải quân khổng lồ. Theo các tài liệu chính thống ở Trung Quốc, dân binh biển chính thức được thành lập tháng 7/2013, tức gần một năm sau khi Trung Quốc đơn phương thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý (tự xưng) bao trọn cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tờ Wall Street Journal của Mỹ cũng từng đăng bài phân tích về bước đi thâm hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua dân binh biển – thực chất là quân sự hóa ngư dân.
Theo đó, dân binh biển Trung Quốc ngày càng được hiện đại hóa, tiếp nhận cả những nhiệm vụ vận chuyển vật tư xây dựng các công trình trái phép ở Trường Sa, thậm chí là thu thập tin tức tình báo trên biển.
Lực lượng này cũng được huấn luyện tác chiến để khi cần thiết biến thành ‘chiến tranh nhân dân trên biển’ với khả năng thả thủy lôi chống lại tàu nước ngoài. Tờ Wall Street Journal nói Trung Quốc đang gấp rút xây dựng, vũ trang hóa cho dân binh biển, đưa lực lượng này về dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh cấp quân khu.
Hiện nay, Trung Quốc đang có hàng ngàn tàu dân binh biển với trang bị định vị vệ tinh Bắc Đẩu do nước này tự sản xuất. Điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể lập đội hình, truyền tin giữa các đội dân binh biển với nhau trong trường hợp có sự cố trên biển.
Dân binh biển Trung Quốc cũng được trang bị nhiều kỹ năng, từ việc nhận biết các loại tàu thuyền cho đến trang bị vũ khí hạng nhẹ. Để đảm bảo lòng trung thành của dân binh biển, một số người trong lực lượng này còn được đào tạo về chính trị, quốc phòng.
Theo: xembaomoi.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét