Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

MỘT BỨC THƯ RẤT THẬT LÒNG GỬI ÔNG TỐ HỮU



Ngày 30 - 11 - 1986
Kính gửi anh Tố Hữu
Hôm nay nhân xem lại vài bài dịch thơ anh trong Anthologie de la litte'rature vietnamiene (Tuyển tập Văn học Việt Nam), thấy không thể không gửi cho anh bức thư này.
Anh Tố Hữu ạ! trước kia đọc thơ, dịch thơ anh cảm hứng đằm thắm bao nhiêu thì nay thấy ngán ngẩm bấy nhiêu. Anh bảo làm bí thư vẫn không bí thơ, chúng tôi thấy anh càng quyền cao chức trọng, đọc thơ anh càng thấy nhạt nhẽo.
Anh mà trở lại Trung ương, trở lại chức quyền, là chôn vùi luôn sự nghiệp thơ trong lòng nhân dân. Rút lui đi, anh Tố Hữu, cứu lấy nhà thơ Tố Hữu. Anh sẽ trở lại với cuộc sống bình dị của một nhà thơ, chan hòa với anh em, anh em chúng tôi lại đón anh với tấm lòng trân trọng quý mến. Xuân này anh sẽ chen vào đám đông đi chợ hoa, đi hội làng Gióng hay Đồng Kỵ chứ không tiền hô hậu ủng nữa.
Anh mà trở lại Trung ương, Bộ Chính trị, thì bài báo đối ngoại đầu năm tôi phải viết sẽ là bài "La  mort d'un poète"(Cái chết của một nhà thơ). Chắc không được đăng, nhưng ít nhất cũng được truyền trong một số bạn.
Vài lời chân thành của một người đã từng yêu thơ của anh, và mong được mãi mãi giữ lấy tình cảm thắm thiết ấy.
                                                     Kính thư
                Nguyễn Khắc Viện,
                8 Nguyễn Chế Nghĩa, 
                Hanoi
_____________________

TỐ HỮU

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành ( 1920 –  2002) là một tác gia có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.  

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.

 Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1958). Nhiều ý kiến coi ông là tác giả chính của vụ án văn nghệ-chính trị này. Sau khi Lê Duẩn mất, có sự thay đổi mạnh mẽ tiến tới đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín vì vai trò "nhà thơ đi làm kinh tế" qua những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm mọi chức vụ, chỉ còn làm một chức nghiên cứu hình thức. (Xem thêm tiểu sử tại đây.)


NGUYỄN KHẮC VIỆN

Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) là Nhà hoạt động chính trị - xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa và tâm lý - y học - giáo dục, Giải thưởng Nhà nước Việt Nam và Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu giá trị cho Việt Nam.

Ông là Bác sĩ, tốt nghiệp tại Đại học Y khoa Paris năm 1941, và cư trú tại Pháp. 

Năm 1963, ông về nước sáng lập và chủ biên Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes VietnamiennesVietnam Studies) và làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).


Năm 1984, ông sáng lập và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em và tâm bệnh lý (trung tâm NT), xuất bản tờ “Thông tin khoa học tâm lí”, đặc biệt quan tâm đến những trẻ em bị rối loạn tâm trí do hoàn cảnh.

Ông là người yêu nước nồng nàn, có nhiều tư tưởng tiến bộ về chính trị, văn hóa và giáo dục nhưng những đề nghị của ông không được nhà cầm quyền lưu ý.  (Xem thêm tiểu sử tại đây).

****
Lâm Khang chủ nhân: Thời gian Nguyễn Khắc Viện viết bức thư này chắc là khi ông đang giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí đối ngoại Nghiên cứu Việt Nam bằng tiếng Pháp và tiếng Anh (Etudes VietnamiennesVietnam Studies) và kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).  

Người nhận thư là nhà thơ Tố Hữu khi ấy đã từng giữ chức Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bí thư Ban chấp hành Trung ương.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: