Tướng Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa qua đời
(GDVN) - Hãng tin nhà nước Tân Hoa xã Trung Quốc đã tuyên tuyền về cuộc chiến xâm lược đẫm máu quần đảo Hoàng Sa khi kẻ chỉ huy cuộc chiến đó qua đời.
Lưu Hỉ Trung - kẻ từng chỉ huy biên đội xâm chiến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam |
Lưu Hỉ Trung được biết tới là người Tụ Nham, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ông này đi lính từ năm 1947, đến năm 1950 vào Đoàn thanh niên chủ nghĩa dân chủ mới Trung Quốc, năm 1953 vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong đời, Lưu Hỉ Trung từng làm lính thông tin, cảnh vệ, tiểu đội trưởng, giáo viên, tham mưu, chỉ huy tàu, phó trưởng khoa, đại đội trưởng, chủ nhiệm cái gọi là "khu tuần tra Tây Sa" (Tây Sa là cách gọi của Trung Quốc đối với Hoàng Sa của Việt Nam);
Rồi làm Tư lệnh cái gọi là "Khu thủy cảnh Tây Sa", Phó tư lệnh căn cứ Quảng châu, Tư lệnh căn cứ Du Lâm – Hạm đội Nam Hải, được bài báo cho có đóng góp cho xây dựng quân đội cách mạng, hiện đại, chính quy (Trung Quốc).
Tàu chiến số hiệu 502 Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 |
Ngoài ra, bài viết còn "hồi tưởng" lại một trang sử Trung Quốc triển khai cuộc chiến tranh xâm lược đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974, bất chấp luật pháp quốc tế. Lưu Hỉ Trung đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa này, khi đó, ông ta chỉ huy biên đội 128.
Được biết, trong cuộc chiến tranh xâm lược này, Trung quốc đã sử dụng 2 tàu quét mìn 396, 389 (lượng giãn nước mỗi chiếc chưa đến 400 tấn), các tàu săn ngầm 271, 274. Chỉ huy trên biển khi đó của Trung Quốc được biết tới có tên là Ngụy Minh Sâm. Trong khi đó, Quân đội Việt Nam cộng hòa (Nam Việt) đã sử dụng 4 tàu chiến (lượng giãn nước mỗi chiếc 1.700 tấn), trong đó có 1 tàu được đặt tên là Lý Thường Kiệt, ngoài ra còn có 4 máy bay.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng dân quân trang bị súng máy hạng nhẹ, lựu đạn tham gia cuộc chiến tranh xâm lược này. Sau đó, Trung Quốc còn điều thêm biên đội các tàu săn ngầm 281, 282 từ Sán Đầu đến quần đảo Hoàng Sa chi viện xâm lược, biên đội này do Lưu Hỉ Trung chỉ huy.
Tàu chiến số hệu 281 Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974 |
Theo bài báo, sau khi nhận được tin đã bắn chìm 1 tàu chiến của Quân đội Việt Nam cộng hòa, vào lúc 15 giờ ngày 19 tháng 1, tại phòng trực ban tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc khi đó có tên là Đặng Tiểu Bình đã vui mừng, nói: "Chúng ta nên ăn cơm thôi".
Để mở rộng chiến tranh xâm lược, Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình còn đồng ý với đề nghị của Chính ủy Hải quân Trung Quốc khi đó là Tô Chấn Hoa về việc điều thêm thuyền máy lắp ngư lôi đến tham chiến, nhưng giữa đường đã gặp sự cố, nên không làm gì được.
Sau này, Tô Chấn Hoa tỏ vẻ tự hào về thành tích xâm lược Hoàng Sa, cho rằng: "Từ khi hải quân nhân dân (Trung Quốc) được thành lập đã ở tuyến đầu phòng thủ trên biển, luôn ở trong môi trường chiến tranh (xâm lược), không ngừng tôi luyện trong chiến đấu (xâm lược). Cuộc chiến này, đơn vị trước tiên không được chuẩn bị đầy đủ... nhưng đã tiêu diệt được đội quân nước ngoài được vũ trang bằng tàu chiến Mỹ…".
Tàu chiến số hiệu 396 Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 |
Sau đó, do sợ bị tàu chiến của Việt Nam cộng hòa báo thù, Quân ủy Trung ương Trung Quốc khi đó đã ra lệnh cho các tàu chiến của họ "nhanh chóng sơ tán, nếu có tình huống thì lập tức tập trung".
Khi cuộc chiến này chưa kết thúc, Chính ủy Hải quân Trung Quốc Tô Chấn Hoa còn tích cực thuyết phục Trung Nam Hải tận dụng cơ hội “thừa thắng” xâm chiếm thêm nhóm Lưỡi Liềm. Thông qua Chu Ân Lai, báo lên Mao Trạch Đông phê chuẩn, Quân đội Trung Quốc đã nhận được lệnh thừa cơ xâm chiếm (họ gọi một cách mỹ miều là "thu hồi") đảo Hoàng Sa, đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh.
Theo bài báo, ngày 20 tháng 1, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã chở binh lính lục quân đến vùng biển nhóm Lưỡi Liềm, máy bay tiêm kích của lực lượng hàng không Hải quân Trung Quốc bay đến yểm trợ trên không. Lực lượng quân đội Việt Nam cộng hòa đã buộc phải đầu hàng.
Binh lính bành trướng xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 |
Mưu đồ và hành động bành trướng xâm lược này đã gây ra một cuộc chiến đẫm máu, đã xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây ra tranh chấp phức tạp hiện nay trên Biển Đông - PV.
Hành vi chiến tranh xâm lược này cùng với các loại hành động bành trướng tiếp theo sau này của Trung Quốc sẽ không đem lại chủ quyền cho Trung Quốc và chắc chắn rằng, kẻ gieo gió thì phải gặt bão. Trung Quốc đừng bao giờ coi thường ý chí và quyết tâm kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của dân tộc Việt Nam! - PV.
Việt Dũng (nguồn Tân Hoa xã)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét