Trên tạp chí The Week (Anh), tác giả Eugene K. Chow "vẽ" lên kịch bản chiến tranh giữa 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc, một cuộc chiến mà nếu thực sự xảy ra, hậu quả có thể sẽ là khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Trong lúc không quân Mỹ đóng tại Okinawa, Nhật Bản chuẩn bị hỗ trợ đồng minh, Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống phòng không của Mỹ. Loạt tên lửa đạn đạo thứ hai được bắn vào không gian, phá hủy các vệ tinh quân sự trọng yếu đồng thời loạt tên lửa thứ ba bắn vào căn cứ không quân Mỹ, phá hủy máy bay chiến đấu và vô hiệu hóa đường băng.
Trong khi đó, một đội tàu sân bay tấn công của Mỹ do “siêu tàu sân bay” USS George Washington dẫn đầu khởi hành từ Nhật Bản hướng tới eo biển Đài Loan. Do không có các dữ liệu cảnh báo tiên tiến và dữ liệu khác từ vệ tinh, hệ thống phòng thủ tên lửa của nhóm tàu Mỹ rơi vào thế bất lợi trước loạt tên lửa “diệt tàu sân bay” của Trung Quốc đang lao tới. Mặc dù hệ thống phòng thủ tên lửa trên đội tàu Mỹ đã hoạt động “hết mình” nhưng một số tên lửa Trung Quốc vẫn tiến tới mục tiêu khiến bong tàu USS George Washington không thể dùng để cất cánh/hạ cánh máy bay được. Sức mạnh hải - không quân đáng sợ của Mỹ bị loại bỏ.
Mặc dù còn xa mới là một bức tranh hoàn chỉnh về cuộc chiến Mỹ - Trung nhưng kịch bản giả định trên đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của quân đội Mỹ.
Tất nhiên vào thời điểm này, mặc dù Trung Quốc không ngừng “giễu võ giương oai” ở vùng biển hoặc không phận quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như đe dọa Đài Loan, chiến tranh Mỹ - Trung gần như chắc chắn sẽ không nổ ra. Tuy nhiên, việc xây dựng một kịch bản chiến tranh giữa hai nước có thể giúp ngăn chặn một cuộc chiến thực sự.
Trên thực tế quân đội Mỹ vẫn là lực lượng chiến đấu đáng sợ nhất thế giới, có thể nói là không thể đánh bại trong một trận đánh “một đấu một”. Tuy vậy, một cuộc chiến tranh nếu kéo dài có thể sẽ dẫn tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân quá tốn kém. Trung Quốc chắc chắn nhận thức được điều đó. Vì vậy, thay vì đẩy chính mình vào một cuộc chiến tổng lực mà nước này không thể giành chiến thắng, Trung Quốc sẽ đi theo chiến lược quân sự phục vụ cho một mục đích nhỏ hơn nhưng khôn ngoan hơn – đẩy Mỹ ra khỏi “sân sau” của Trung Quốc.
Giành lại danh dự cho người Trung Quốc
Những hành động khiêu khích của Trung Quốc về Đài Loan và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không phải là vì bản thân các đảo này mà chủ yếu về vấn đề danh dự quốc gia. Tuy nhiên, nổi cáu vì vụ “bẽ mặt” sau biến cố eo biển Đài Loan năm 1996 (khi đó, Tổng thống Mỹ đã điều 2 đội tàu sân bay tấn công tới khu vực này), chính phủ Trung Quốc phải tìm mọi cách thể hiện năng lực ngày càng tăng của mình bằng cách kiểm soát Thái Bình Dương, khu vực từ bấy lâu nay vẫn do Hải quân Mỹ thống trị.
Theo giáo sư Hugh White, chuyên gia về chiến lược tại Đại học quốc gia Australia, các hành động của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động vừa qua, là thông điệp mạnh mẽ của nước này gửi tới Mỹ rằng Bắc Kinh muốn “soán ngôi” Washington để trở thành quốc gia thống lĩnh khu vực này.
“Họ (Trung Quốc) muốn nói với Mỹ rằng chúng tôi rất nghiêm túc về vấn đề này nên đã chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả từ hành động khiêu khích của mình, và các anh (Mỹ) phải coi trọng mong muốn thay đổi trật tự của chúng tôi”, giáo sư Hugh White nhận định.
Để thực hiện các kế hoạch trên, các chiến lược gia Trung Quốc đã “tích lũy” một kho vũ khí truyền thống tương ứng với vũ khí của Mỹ nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự của nước này. Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra
Trung Quốc và chiến lược A2/AD
Nhằm mục tiêu ngăn chặn các lực lượng Mỹ sử dụng thế mạnh vượt trội về công nghệ tấn công vào trung tâm đất liền Trung Quốc, quân đội Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược “chống tiếp cận/chống xâm nhập” (A2/AD).
Về cơ bản, A2/AD là một chiến lược quốc phòng nhiều tầng lớp tích hợp cả các cuộc tấn công trên đất liền, trên biển, trên không, chiến tranh mạng và vũ trụ để đối phó với những lợi thế quân sự của Mỹ.
Thay vì thực hiện một cuộc tấn công trực diện, chiến lược này huy động nhiều “đợt sóng” tấn công bằng các cuộc tấn công mạng, vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đạn đạo, tàu ngầm tàng hình và các vũ khí khác nhằm cản trở quân đội Mỹ khi lực lượng này tiến về phía bờ biển Trung Quốc.
Theo một kịch bản thành công nhất của Trung Quốc sử dụng chiến lược A2/AD, các đợt sóng tấn công liên tiếp sẽ làm suy yếu sức mạnh của kẻ thù và tới thời điểm tiếp cận mục tiêu, kẻ thù đã tiêu hao quá nhiều sinh lực, không đủ sức để thực hiện một cuộc tấn công lớn.
“Con át chủ bài” trong quốc phòng của Trung Quốc là kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ngày càng lớn của nước này và những tên lửa này có tầm bắn phủ khắp phần lớn châu Á. “Đáng gờm” nhất là tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D với tầm bắn khoảng 2.700km và được thiết kế đặc biệt nhắm tới vũ khí quyền năng của quân đội Mỹ - tàu sân bay.
Ngoài ra, Trung Quốc sở hữu lượng máy bay chiến đấu ngày càng gia tăng và đáng chú ý nhất là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 và J-31. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã sở hữu ít nhất 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga còn quân đội Mỹ lại đang chuyển hướng khỏi những kĩ năng chiến đấu của thời kỳ Chiến tranh lạnh trong đó có kĩ năng săn tàu ngầm.
Tên lửa “sát thủ tàu sân bay” DF-21D của Trung Quốc.
Mỹ và chiến lược vô hiệu hóa A2/AD
Trong lúc giới phân tích xây dựng các kịch bản chiến tranh Mỹ - Trung về lí thuyết, trên thực tế cuộc chạy đua vũ trang giữa hai cường quốc hiện đang diễn ra hết sức quyết liệt.
Trong lúc Trung Quốc phát triển các vũ khí tương ứng nhằm giảm thiểu những lợi thế của Mỹ, Lầu Năm Góc cũng đang nghiên cứu các công nghệ để đối phó với công nghệ quân sự của Trung Quốc.
“Để giảm nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh, Mỹ và Đài Loan đã có những bước đi khiến Trung Quốc cảm thấy cái giá của chiến tranh không hề nhỏ”, nhà phân tích chính sách quan hệ quốc tế David Shlapak nhận định.
Theo Đô đốc Patrick Walsh, cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho rằng không có lí do gì phải lo sợ trước sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc nếu Mỹ vẫn tiếp tục nâng cao năng lực quân sự của mình.
“Khi chúng ta xem xét các bước phát triển này, ví dụ như tên lửa đạn đạo chống tàu, đó là những bước tiến về công nghệ mà chúng ta rất ngưỡng mộ nhưng không nhất thiết phải lo sợ”, Đô đốc Walsh nói.
“Yếu tố then chốt trong bất kỳ chiến lược phòng ngừa nào là phải khiến đối thủ sau khi đạt được một công nghệ phải hiểu rằng chúng ta có công cụ để đối phó với công nghệ đó và còn ở mức ưu việt hơn”, Đô đốc Walsh nói tiếp.
Tuy vậy, ngay cả khi Mỹ giành lợi thế tốt hơn về công nghệ quân sự, năng lực quân sự phát triển với tốc độ chóng mặt của Trung Quốc cũng khiến một cuộc xung đột với Mỹ dù là rất nhỏ cũng gây ra tổn thất lớn hơn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong lịch sử. Đó cũng chính là lí do một cuộc chiến như vậy sẽ không thể xảy ra.
Tùng Lâm
http://infonet.vn/kich-ban-khung-khiep-cua-chien-tranh-my-trung-post113552.info
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét