Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Để được làm người tử tế ( Không thể nghĩ sổi, ăn non được vì chẳng bao giờ có con đường đi tắt nào dẫn đến thành công )



Hồ Quốc Tuấn
Trong một thời gian dài, Việt Nam đã chọn mô hình tăng trưởng kinh tế có tính “đi tắt đón đầu”, chọn cái dễ mà làm, dựa vào nguồn ngoại lực và tài nguyên sẵn có, và hệ quả là đã làm triệt tiêu nội lực, thỏa hiệp với tiêu cực và chèn ép người tử tế...

Từ một mô hình kinh tế “đi tắt đón đầu”...

Từ khi kinh tế mở cửa, Việt Nam đã đạt được những bước tăng trưởng rất ấn tượng trong hơn hai thập niên, bất chấp đợt khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có tính đi tắt đón đầu, chọn cái dễ mà làm. Đặc trưng của mô hình này chính là việc dựa vào nguồn ngoại lực như vốn nước ngoài, bao gồm cả FDI, ODA và vốn đầu tư gián tiếp, đồng thời thúc đẩy những tập đoàn kinh tế nhà nước lớn, nhắm tới làm những cái to lớn, “hàng đầu thế giới”, trong khi bỏ qua việc chăm lo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và từng bước xây dựng nội lực để phát triển kinh tế.

Mô hình kinh tế này tận dụng sự thâm dụng nguồn tài nguyên sẵn có, lao động và vốn (mà một phần đáng kể là nguồn vốn bên ngoài), và sự lạc quan đối với một nền kinh tế mở cửa để tạo ra tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng.

Nhưng quá trình mở cửa và gỡ bỏ những rào cản trong môi trường kinh doanh đó đã chững lại từ những năm đầu thế kỷ 21. Những năm 1998-2001, để duy trì tăng trưởng kinh tế, thay vì tiếp tục chọn con đường có nhiều thử thách là đẩy mạnh cải cách và cởi trói cho môi trường kinh doanh, Chính phủ đã chọn con đường dễ hơn, gia tăng vay nợ (bao gồm ODA) và ưu đãi cho dòng vốn đầu tư quốc tế, bất chấp việc phải cấp nhiều vốn hơn mới đạt được 1% tăng trưởng. Nhưng một phần lớn nguồn lực đó chủ yếu lại được chuyển qua các nhóm lợi ích như các tập đoàn kinh tế nhà nước, một phần không nhỏ dòng vốn nước ngoài lại chảy vào bất động sản hoặc những hoạt động kinh doanh không đem lại những chuyển giao kỹ thuật.

Hệ quả của con đường tăng trưởng dễ dàng này là hiệu quả đầu tư và ứng dụng công nghệ trong nền kinh tế ngày một giảm sút trong khi môi trường kinh doanh hầu như không cải thiện đáng kể. Hệ số về hiệu quả sử dụng vốn ICOR cho thấy chi phí vốn tăng thêm để tạo ra một đồng tăng thêm của GDP ngày càng cao. Theo một bài về đánh giá hiệu quả đầu tư của tác giả Bùi Trinh trên TBKTSG năm 2011, nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, thì đến giai đoạn 2006-2010 phải bỏ ra 7,4 đồng mới tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP.

Trong phân tích của mình, tác giả Bùi Trinh cũng cho thấy hệ số TFP, đo lường đóng góp của tiến bộ công nghệ đến tăng trưởng kinh tế, chỉ còn đóng góp 8,8% vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2006-2010 so với mức 22% của giai đoạn 2000-2005. Nói cách khác, phí tổn vốn cho 1 đồng tăng trưởng GDP tăng đến gần 50% trong giai đoạn 2006-2010 trong khi tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế tụt dốc thảm hại trong khi người ta vẫn cho rằng với việc mở cửa và đón nhận FDI chúng ta sẽ học hỏi được kinh nghiệm và công nghệ của nước ngoài.

Trong khi đó, môi trường kinh doanh (theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới) không có cải thiện đáng kể ở các khoản mục thành lập doanh nghiệp, cung cấp điện, thuế, bảo vệ nhà đầu tư từ sau năm 2005. So với các quốc gia láng giềng, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam bị bỏ xa so với nhóm Singapore, Malaysia và Thái Lan, và quanh đi quẩn lại trong nhóm với Indonesia, Philippines và Trung Quốc.

Thực trạng xếp hạng thấp từ báo cáo của Doing Business 2015 và con số TFP năm 2011 của tác giả Bùi Trinh tuy khác nhau về thời điểm nhưng chỉ ra một điều: cơ sở hạ tầng và khả năng hấp thu công nghệ của Việt Nam đã và đang tụt hậu so với yêu cầu của nền kinh tế. Nói cách khác, tăng trưởng dựa vào ngoại lực không hề lan tỏa thành một cú hích đáng kể cho nội lực, mà lại còn triệt tiêu nó.

Có thể nói, tình thế nợ công tăng, nợ xấu nhiều, doanh nghiệp tư nhân suy yếu như hiện nay là hệ quả của một tư duy tăng trưởng kinh tế dễ dàng, đi tắt đón đầu, dựa vào ngoại lực và bỏ bê nội lực, đến mức mà chuyên gia Phạm Chi Lan phải lo ngại là sắp tới chúng ta chỉ có thể còn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không còn “nhỏ và vừa” nữa.

...biến điều bất thường thành bình thường

Không chỉ nợ công, nợ xấu cao và nền kinh tế kiệt quệ nội lực, cái nguy hiểm nhất của mô hình tăng trưởng dễ dàng này là nó đi kèm với một tư duy phải tạo ra thành tích nhanh và nhiều, sẵn sàng thỏa hiệp với tiêu cực miễn sao “được việc”, dẫn đến những điều bất bình thường được xem là bình thường.

Lấy ngành ngân hàng làm ví dụ. Đã có một giai đoạn, sở hữu chéo giữa các ngân hàng trở thành chuyện bình thường trong giai đoạn trước khi khủng hoảng toàn cầu lan rộng đến Việt Nam và thậm chí vài năm sau đó. Nếu không có sự sụt giảm tăng trưởng dẫn đến nợ xấu ngân hàng tăng nhanh và những hệ lụy sau đó, có lẽ đó vẫn là một điều được hiển nhiên chấp nhận trong ngành ngân hàng.

Không chỉ trong ngành nhạy cảm như ngân hàng, mà ở khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế, hành vi trốn thuế, làm giá chứng khoán, vay nợ không có trách nhiệm, buộc ngân sách bù đắp những khoản lỗ, duy trì tình trạng độc quyền và bất chấp lợi ích dân tộc để bảo vệ lợi ích nhóm... sinh sôi và nảy nở nhanh chóng. Người ta không quan tâm đến cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng bằng cách cải tiến chất lượng và năng suất, mà chỉ quan tâm làm sao tiêu diệt được đối thủ nhanh nhất và làm giàu dễ nhất.

Càng ngày chúng ta lại càng thấy nhiều hơn những điều không bình thường. Những thương hiệu mà người Việt Nam có thể tự hào là của mình ngày một giảm đi (bị bán đi hoặc mất đi). Môi trường bị tàn phá khiến chúng ta không còn nhiều cảnh đẹp thiên nhiên để khoe với bạn bè quốc tế, chỉ còn lại những bờ biển bị băm nát. Con số tiến sĩ chúng ta đào tạo ngày càng tăng nhanh nhưng số công trình khoa học được đăng tạp chí quốc tế có uy tín và số ứng dụng công nghệ không tăng tương ứng. Những điều này thoạt đầu xuất hiện thì gây bàn tán trong dư luận như những điều lạ, bất thường, dần dần, dường như trở thành một sự thật hiển nhiên đang diễn tiến tại Việt Nam. Càng ngày người ta càng nhắm mắt với những tiêu cực, từ các cơ sở kinh tế cho đến bệnh viện, trường học, miễn là nó “bôi trơn” được cho sự vận hành của nền kinh tế.

...và hiệu ứng “chèn ép người tử tế”

Khi những tiêu cực của xã hội ngày một nhân rộng và trở thành chuyện bình thường, những người tử tế không chấp nhận thỏa hiệp với tiêu cực sẽ hoặc là phải tự động rút lui hoặc bị “chèn lấn” (mượn từ thuật ngữ crowding out trong kinh tế học). Đây là một hiệu ứng không mong muốn của mô hình tăng trưởng cũ của Việt Nam.

Lấy ví dụ, trong một nền kinh tế mà bong bóng tài sản bị đẩy lên đỉnh điểm như cách đây vài năm, để có thể vay vốn ngân hàng trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và mọi người đòi hỏi tỷ suất sinh lợi cao một cách bất hợp lý (do bong bóng tài sản và lãi suất cao gây ra), khi không có cách nào để kiếm ra tỷ suất sinh lợi đó một cách đàng hoàng thì người ta móc nối với nhau để làm ra những con số, những dự án không có thật, thổi phồng những chiêu kiếm tiền để lừa ngân hàng, lừa nhà đầu tư và lừa lẫn nhau. Hệ quả là nợ xấu ngày càng chồng chất, các vụ án kinh tế, lừa đảo ngày một nhiều, còn người làm ăn tử tế thì vay không được tiền hoặc không dám vay vì lãi suất quá cao.

Trong lĩnh vực giáo dục hay y tế cũng dễ tìm thấy những cái không tử tế. Chẳng hạn, vì việc chạy theo cái gọi là có công trình khoa học đăng báo quốc tế nhanh nhất, người ta bất chấp mọi cách để có tên đăng báo, bất chấp ngụy tạo số liệu, đồng tác giả, hay thậm chí cố mà ra được một tạp chí quốc tế và tranh cho được quyền tổng biên tập. Vậy thì làm sao có người dám ngồi làm một công trình nghiên cứu công phu nhiều năm mà cuối cùng kết quả cũng y như người “đi tắt đón đầu”?

Bài học khủng hoảng tài chính gần đây ở nước ngoài và những vấn đề trong nước cho chúng ta thấy thỏa hiệp với những điều không đàng hoàng sẽ mang lại hệ quả khôn lường. Đối với ngành ngân hàng trong nước, chúng ta đã làm quá trễ trong chuyện kiểm soát rủi ro, dẫn đến nợ xấu tăng mạnh. Đối với tài chính công, chúng ta đã để cho sự lãng phí và tham nhũng trong các dự án công và công ty nhà nước đi quá xa để dẫn đến những sự cố “Vina”. Chúng ta không nên để những chuyện như vậy lặp lại nữa.

Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng con đường của Việt Nam sẽ không còn dễ dàng, dựa vào vận may như trước nữa. Chắc chắn sẽ có nhiều cách nhìn khác nhau về mô hình tăng trưởng mới ở Việt Nam. Nhưng là gì đi nữa, chắc ai cũng sẽ đồng ý: nó không nên là một mô hình chèn ép người tử tế.

Muốn tạo ra thay đổi đối với sức cạnh tranh cốt lõi ở Việt Nam thì không nhất thiết chỉ có thể bắt đầu từ những thứ to tát như tranh cãi về chuyện có nên bơm tiền, kích cầu, phá giá đồng tiền hay không. Mà hãy bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người ta có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng và không bị chèn ép.

Hy vọng rằng sau 10 năm nữa, những điều này không phải là chỉ là mơ ước ở Việt Nam.

Nguồn:Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: