Cách Trung Quốc trao vũ khí quân sự cho Campuchia
(Quan hệ quốc tế) - Mối quan hệ Trung Quốc - Campuchia đang ngày càng nồng ấm nhờ những khoản vay ODA và viện trợ quân sự.
Cho không và cho vay
Theo The Cambodia Daily ngày 25/5, Trung Quốc vừa bàn giao một loạt vũ khí hạng nặng và các thiết bị quân sự cho Bộ Quốc phòng Campuchia.
Đại diện quân đội Campuchia cho biết, họ sẽ sử dụng vũ khí khí tài Trung Quốc cho tặng vào mục đích huấn luyện, bao gồm cả hệ thống phụ tùng và xe tải gắn bệ phóng tên lửa.
Buổi lễ bàn giao được diễn ra tại Học viện Quân sự Campuchia tại tỉnh Kompong Speu. Tham dự lễ bàn giao có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc, bà Bố Kiến Quốc.
Phát biểu tại buổi tiếp nhận, Trung tướng Chao Phirun, Cục trưởng Cục Trang bị - kỹ thuật Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết: "Việc tiếp quản các vũ khí khí tài quân sự đặc biệt ngày hôm nay từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc là một thành tựu lịch sử trong sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc đã dành cho Bộ Quốc phòng Campuchia".
"Đối với các hiện vật viện trợ nhận được trong đợt này, các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia sẽ sử dụng nó cho việc huấn luyện tăng cường năng lực phòng thủ", Tướng Chao Phirun nói đồng thời tiết lộ thêm, gói viện trợ lần này bao gồm 44 xe gồm có xe jeep, xe tải gắn bệ phóng tên lửa và ít nhất 6 hệ thống súng máy phòng không di động.
Lô xe quân sự Trung Quốc viện trợ cho Campuchia. |
Không chỉ viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự, Trung Quốc cũng viện trợ cho Campuchia 20 xe bốc dỡ, 4 xe bếp di động, 2 tấn hóa chất không xác định và khoảng 10 tấn phụ tùng. Một trung tâm đào tạo rộng 500 mét vuông cũng nằm trong danh sách viện trợ.
Tướng Chao Phirun cho biết, sẽ có 3 đơn vị đặc biệt được nhận các vũ khí, khí tài trang thiết bị quân sự Trung Quốc tặng lần này, nhưng ông không nói rõ đơn vị nào.
Hiện nay, các hợp đồng vũ khí và viện trợ quân sự của Trung Quốc cho Campuchia cũng đang gia tăng đáng kể.
Năm 2013, Campuchia đã tiếp nhận 12 trực thăng Harbin Z-9 mua bằng khoản vay 195 triệu USD của Trung Quốc. Trong năm 2015 này, quân đội Campuchia cũng sẽ tiếp nhận 26 xe tải và 30.000 bộ quân phục từ Trung Quốc.
Dù Trung Quốc tuyên bố những trợ giúp về mặt quân sự cho Campuchia không kèm theo các điều kiện chính trị, song giới phân tích chỉ ra điều ngược lại.
Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia hiện nay lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ. Hồi năm 2010, Mỹ đã hủy việc bàn giao 200 xe quân sự cho Campuchia sau khi Phnôm Pênh trục xuất một nhóm người xin tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc vào năm 2009.
Hai ngày sau vụ trục xuất, Trung Quốc và Campuchia đã ký các hợp đồng trị giá khoảng 850 triệu USD. Tiếp đến, vào năm 2013, Phnôm Pênh đã tuyên bố ngừng một số hợp tác quân sự với Mỹ sau những chỉ trích của các nghị sĩ Mỹ về cuộc bầu cử tại Campuchia.
Campuchia tiếp nhận lô trực thăng Z-9 từ Trung Quốc. |
Chuyên gia chỉ mục đích của Trung Quốc
Trong bài viết có tiêu đề "Vì sao Trung Quốc quyến rũ Campuchia", giáo sư Heidi Dahles, Trưởng khoa Nghiên cứu châu Á (ĐH Griffith, Australia) cho rằng, do Campuchia là một trong những vị trí địa chính trị chiến lược của Trung Quốc.
Theo chuyên gia này, Campuchia có tầm quan trọng chiến lược, là một trong những viên ngọc trai trong “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang muốn tạo ra trong khu vực Đông Nam Á – vị trí đảm bảo quyền tiếp cận Vịnh Thái Lan và Biển Đông một cách thuận tiện nhất.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm giành ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, Campuchia là một mắt xích đảm bảo lợi thế địa chính trị khu vực sẽ thuộc về bên nào thân thiết hơn với nước này.
Các chương trình hợp tác quân sự - quốc phòng giữa Mỹ và Campuchia, được thiết lập từ năm 2006, sắp hết hạn. Vấn đề cấp bách hiện nay là liệu sự hợp tác này có bị bỏ rơi hay không khi đã có một liên kết quân sự gần gũi hơn giữa Campuchia với Trung Quốc. Trung Quốc, đất nước có ít bạn bè trong khu vực Đông Nam Á, sẽ chào đón một Campuchia ngừng thỏa thuận với Mỹ.
Điều khiến Trung Quốc sẽ phải lo lắng chính là những vấn đề chính trị hiện đang tiềm ẩn trong xã hội Campuchia. Những xáo trộn này có thể khiến Trung Quốc mất đi lợi thế tiếp cận với Campuchia, bị cắt đi những đặc quyền hiện đang rất dồi dào.
Có thể lịch sử năm 1996 sẽ lặp lại, khi Trung Quốc sẽ tạo ảnh hưởng kinh tế - chính trị lên Campuchia, với bất kỳ lực lượng chính trị nào lãnh đạo chính quyền ở Phnom Penh.
Vì với Trung Quốc, ai đứng đầu Campuchia không quan trọng, quan trọng là những gì Bắc Kinh đã làm vẫn sẽ có sức ảnh hưởng với chính quyền Phnom Penh.
Hòa Sơn |
Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng tuyệt đối ở Campuchia?
(Tin tức 24h) - Thông qua các hình thức tài trợ, đào tạo quân sự, viện trợ vũ khí... Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tới quốc gia Đông Nam Á này
Tháng 3/2015, khi tham dự lễ tốt nghiệp Học viện Quân đội danh tiếng của Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Đại tướng Tea Banh đã trực tiếp cám ơn một đoàn khách - những người này mặc quân phục của quân đội Trung Quốc.
Suốt bài thuyết trình tại Học viện Quân đội ở tỉnh Kampong Speu này, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia ca ngợi trang thiết bị hiện đại mà Trung Quốc viện trợ cho họ. “Chúng tôi biết ơn vì họ đã thấu hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của chúng ta hiện nay” - Đại tướng Tea Banh nói.
Bản thân học viện được xây dựng năm 1999, cách Phnom Penh 80km này cũng là sự viện trợ của Trung Quốc. Việc viện trợ quân sự thông qua tài trợ đào tạo, viện trợ vũ khí và đầu tư hàng tỉ USD nhằm tăng cường ảnh hưởng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia. Các nhà phân tích xem đây như một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng khu vực, kể cả trong tranh chấp biển Đông của Trung Quốc.
Theo ba quan chức Campuchia giấu tên cho biết, từ năm 2009 đến nay, có khoảng 200 học viên thi đỗ vào học viện trên hằng năm. Các học viên được đào tạo 4 năm dưới sự giám sát của Bộ quốc phòng và cố vấn Trung Quốc, giáo viên địa phương giảng dạy. Chương trình đào tạo cũng bao gồm khóa thực tập 6 tháng bắt buộc ở các học viện quân sự tại Trung Quốc.
Các cố vấn quân sự Trung Quốc rời học viện quân sự ở Campuchia sau lễ tốt nghiệp của các học viên. |
Tháng 3 vừa qua, 190 học viên thuộc khóa đào tạo thứ 3 đã tốt nghiệp. “Sinh viên tốt nghiệp được đưa vào vị trí quan trọng, có ảnh hưởng bao gồm cả chỉ huy lữ đoàn. Họ nắm giữ những vị trí mà họ có thể đưa ra quyền quyết định trong lực lượng chiến đấu” – một quan chức chính phủ cấp cao giấu tên vì vấn đề nhạy cảm phát biểu.
Người này thêm rằng Trung Quốc chi trả phần lớn tiền xây dựng và vận hành học viện. Ngoài ra, học viện này còn nhận 200 sinh viên mỗi năm để đào tạo các khóa ngắn hạn trong 6 tháng.
Carl Thayer, một nhà nghiên cứu danh tiếng về an ninh Đông Nam Á thuộc Học viện quốc phòng Úc, cho rằng học viện trên là bước đi đầu tiên để Trung Quốc xây dựng các cơ sở lớn tương tự ở khắp Đông Nam Á.
“Với Trung Quốc, đây là khởi đầu cho chiến lược dài hạn nhằm gia tăng ảnh hưởng trong quân đội Campuchia thông qua hình thức viện trợ đào tạo này. Trung Quốc còn nắm giữ hồ sơ chi tiết về từng người đã qua đào tạo. Hiện tại, không có nơi nào tại Đông Nam Á mà Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn nơi đang được nói đến” - ông Carl Thayer cho biết.
Bên cạnh sự phát triển của học viện, Trung Quốc còn tăng những họp đồng bán vũ khí và viện trợ quân sự cho Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư hàng tỉ USD vào kinh tế nước này.
Trong năm 2013, Campuchia đã mua 12 trực thăng Harbin Z-9 bằng nguồn tiền 195 triệu USD vay từ Trung Quốc. Năm 2014, Campuchia được nước này viện trợ 26 xe tải và 30.000 quân phục.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia (bên phải) trong một buổi lễ ký kết hợp tác với Bộ Quốc phòng Trung Quốc |
Các quan chức tại Bộ Quốc phòng Campuchia từ chối bình luận trong khi phía Bộ Quốc Phòng Trung Quốc trả lời Reuters bằng văn bản tuyên bố sẽ tiếp tục tăng mức hỗ trợ cho học viện, giúp Campuchia nâng cao chất lượng giảng dạy và trình độ đào tạo. Viện trợ này không có điều kiện chính trị kèm theo và không gây bất kỳ tổn hại nào đến lợi ích của bên thứ ba.
Ngoài những viện trợ về quân sự, Trung Quốc cũng tích cực gửi tới Campuchia những món quà về vấn đề kinh tế có trị giá nhiều tỷ USD và công khai ủng hộ về chính trị với chính quyền đang nắm quyền ở quốc gia Đông Nam Á này.
Việt Dũng (Tổng hợp NLĐ, GDVN)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét