Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2015

THANH TÙNG đầu hàng giai cấp để được làm thơ tình


Nhà gỗ nhỏ, rượu vang, trưa hầm hập khói thuốc, khóc đó cười đó, ngẫu nhiên như khi Chu Bá Thông nghe nhắc đến món nợ Vương phi nước Đại Lý. Ngõ vắng, trúc xanh như thơ, tóc trắng, gió im ắng trước hiên nhà. Thanh Tùng, dẫu trong lúc nhọc nhằn nhất, dẫu trong khi nguy khốn nhất, vẫn lừng lững một hình hài lãng mạn thanh thản đi. Nhất là khi thi sĩ bảo, “Tớ ở tuổi này rồi, không dám nói dối điều gì, cũng không sợ nói thật điều gì”. Thanh Tùng đã sống hết mình, yêu hết mình và không bao giờ giả dối. Thêm nữa là, “Tớ chưa viết hồi ký đâu, vì tớ còn võ. Tớ còn phải thượng đài, cậu cứ giục tớ viết hồi ký từ mấy năm nay, hóa ra tớ không còn võ à. Hết võ thì mới viết hồi ký chứ”.






HẦU CHUYỆN THI SĨ THANH TÙNG

 @ Thưa nhà thơ Thanh Tùng, văn đàn lại thêm phen nổi sóng gió. Đôi khi tôi nghĩ như ông lại hay, cứ im lặng viết, cứ an nhiên vui. Sớm thì nhìn ngõ trúc, chiều lại ngắm phố phường, khuya chong đèn đọc sách.
Thanh Tùng: Tính tôi nó vậy rồi, tụ tập để ầm ĩ không quen. Như tôi vẫn tự nhận, cả đời tôi chỉ biết yêu và viết thơ tình. Tôi cũng được người ta yêu lại nhiều chứ, tôi mà khoe với anh những người yêu tôi thì anh không tưởng tượng được đâu.
@ Theo chỗ tôi được biết, ông làm thơ từ rất sớm?
Thanh Tùng: 7 tuổi tôi tập tành làm thơ, vài năm sau thì có thơ in trên báo Tia Sáng ở thời điểm ấy, tôi còn nhớ mấy câu cuối, bài Ngày Khai Trường, “Thôi thế còn đâu nữa mẹ ơi / Những ngày bên mẹ đã qua rồi / Trên đường học tập mình con bước / Xa mẹ lòng con lạnh quá thôi”. Ông cụ thân sinh tôi cũng làm thơ, tiếc là không tạo được tiếng vang. Sau đó, tôi không nghĩ gì đến thơ ca nữa, tôi đi “đầu hàng giai cấp”.
@ Đầu hàng giai cấp ạ?
Thanh Tùng: Đầu hàng giai cấp chứ còn gì nữa, thời đấy anh không hình dung được đâu. Nhà tôi gốc tư sản, không thuộc về giai cấp cần lao nên mình phải lao động một cách tự nguyện. Tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong.
Hồi đấy, tôi góp phần thi công con đường 12B Hòa Bình. Tôi được phân công làm Trung đội phó. Sau đó, tôi được cử đi học trường Thể dục Thể thao, rồi về làm công nhân nhà máy đóng tàu.

@ Toàn những chuyện không liên quan gì đến thơ. Thế nhưng, thi sĩ lại trở thành nhà thơ chuyên nghiệp?
Thanh Tùng: Tôi không phải là nhà thơ chuyên nghiệp đâu, chưa bao giờ tôi là nhà thơ chuyên nghiệp cả. Như thế này, muốn chuyên nghiệp phải có điều kiện phục vụ cho sự chuyên nghiệp chứ. Thời tôi thì có gì để hình thành nên sự chuyên nghiệp, không bút, không giấy, không bàn viết. Tôi đọc thấy rằng, chỉ có hai lớp người không cần đến sự chuyên nghiệp mà vẫn được ghi nhận về tài năng, đó là nhà thơ và nhà toán học.  Họ chỉ cần một cây bút và một quyển sổ cộng với tài năng, chuyên cần. Còn lại, đều phải chuyên nghiệp cả. Ví dụ như muốn thành nhà hóa học mà không có cái bình cổ cong thì trở thành nhà hóa học bằng cách nào. Cái bình cổ cong không phải là hình thức đâu, mà nó chính là phương tiện bắt buộc trong phòng thí nghiệm, không có nó thì làm được gì. Ngày ấy, tôi viết bất cứ ở đâu khi có tứ thơ. Tôi viết trên giấy bao xi – măng, trên vỏ bao thuốc lá, trên tấm tôn. Có viết thì dùng viết, không có viết thì lấy gạch viết. Viết khi nghỉ giải lao, viết lúc bom rơi súng nổ.
@ Chủ đạo là thơ tình?
Thanh Tùng: Chứ không thơ tình thì tôi viết gì đây.

@ Thời của thi sĩ mà viết toàn thơ tình thì có khi cũng gặp rắc rối?
Thanh Tùng: Không sao đâu, tính tôi thế nào thì mọi người biết cả, tôi có mưu cầu gì đâu. Tôi chỉ thích và muốn viết thơ tình, vậy thôi. Theo quan sát của tôi, ở nước mình chỉ có đúng hai nhà thơ thật lòng hiến dâng đời mình cho thơ tình là Xuân Diệu và Nguyễn Bính, tôi cũng hiến đời tôi cho thơ tình.  Cả khi tôi viết về những ngày khói lửa, tôi vẫn thấy tình yêu trong đấy. Như khi tôi viết bài Đỉnh Núi, có đoạn “Đỉnh núi bây giờ ta đặt pháo / Anh với em lên đào chiến hào / Đêm đêm cỏ mật bừng ngây ngất / Anh ở gần em hay gần sao / Gió bấc lồng điên dại/ Vò cánh chim nát nầu / Nai lạc trong khe sâu / Mặt trời đi trốn mãi / Có phải thương anh nên em muốn thành tấm áo/ Thành lá ngàn ngăn sương buốt mênh mông/Giặc Mỹ đâu đây lẩn khuất cuồng ngông / Chúng thù từng nồi cơm đang chín, chúng thù từng mầm xanh cỏ cây / Ôi, dáng đứng trên đỉnh cao của muôn nghìn căm phẫn / Xả lửa hờn thiêu dạt những đường bay”.
Thơ chiến đấu của tôi vẫn đầy cái tình, “Mai này giặc hết / Anh với em lên lấp chiến hào / Ngạt ngào hương cỏ mật / Anh với em ngồi lẩn vào sao”, đi đâu rồi cũng về thơ tình.
@ Ngay  bài thơ lừng danh Thời Hoa Đỏ cũng là thơ tình, thưa thi sĩ Thanh Tùng. Theo chỗ tôi đã thấy, Thời Hoa Đỏ không đơn thuần là một bài thơ hay, nó đã thành một biểu trưng của cả một thời bi hùng đầy lãng mạn. Đây là một điều rất đặc biệt trong thi ca Việt Nam.
Thanh Tùng: Anh nói đúng, đó là một thứ thơ tình thật sự, hoàn toàn là thơ của tình yêu. Chứ không phải giả vờ là tình yêu, là chỉ ghé vào tình yêu.

@ Và một trường hợp đặc biệt như Thời Hoa Đỏ thì bao giờ cũng có thân phận riêng. Đặc biệt là trong giai đoạn mà tất cả cho tiền tuyến, nhắc đến tình yêu có khi cũng bị đánh đồng với sự ủy mị. Rất dễ gây nên một tai  họa cho người viết và cả người duyệt in.
Thanh Tùng: Đúng thật, biên tập viên báo Văn Nghệ Quân Đội sau cho in bài Thời Hoa Đỏ đã gặp nhiều rắc rối. Văn Nghệ Quân Đội ngày đó kinh lắm, được in một bài thơ trên đấy là tạo tiếng vang ngay.
Anh cũng biết là ngày trước các biên tập viên văn nghệ thường hay lang thang các tỉnh thành để tìm tác phẩm hay mang về in. Anh biên tập viên Văn Nghệ Quân Đội tìm đến nhà tôi khi này đang ở Hải Phòng, anh lục trong đống bản thảo tôi viết trên bao xi măng thấy được bài Thời Hoa Đỏ. Anh đọc xong, nghĩ mông lung lắm. Lúc lâu bảo, “Thôi, tôi về Hà Nội đây, Thanh Tùng ạ”. Tôi tiễn anh ra đến ga tàu, lên đến tàu rồi anh lại đi xuống, nói “Thôi, hủy chuyến này đi. Tôi cần nói chuyện với Thanh Tùng”. Sau đó, anh chép vào sổ tay bài Thời Hoa Đỏ và đưa in. Báo ra, tạo nên một làn sóng dữ dội, làn sóng ấy vượt khỏi Hà Nội tràn về Hải Phòng. Có người quen bảo tôi, “Thanh Tùng ơi, lên Hà Nội đón hào quang Thời Hoa Đỏ đi!”. Tôi ra đường, gặp nhà thơ Xuân Quỳnh, gặp nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Hai cô đều bảo, “Anh Thanh Tùng ơi, sao mà anh tử tế với phụ nữ đến vậy”.
Lâu lắm rồi, tôi đi dự Đại hội Nhà văn, có nhà văn còn xin gặp riêng tôi để nhờ tôi chép hộ 4 câu trong bài Thời Hoa Đỏ để “Nhà cháu rất thích những câu ấy trong thơ của bác”. Đó là những câu, “Trong câu thơ của em anh không có mặt / Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết / Anh đâu buồn mà chỉ tiếc / Em không đi hết những ngày đắm say”. Sau này, báo Văn Nghệ Quân Đội kỷ niệm 40 năm có mời tôi đến dự. Trên băng – rôn kỷ niệm hôm ấy ghi là “Thời Hoa Đỏ”.

@ Thưa nhà thơ Thanh Tùng, nếu tôi nhớ không nhầm thì thi sĩ Xuân Diệu từng đánh giá về ông như sau, “Thanh Tùng, có dáng dấp của một thi sĩ”.
Thanh Tùng: Đúng là nhà thơ Xuân Diệu có nhận xét vậy. Hồi đó, chỉ có những bậc đại thụ như Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh mới được gọi là nhà thơ. Tôi thế này mà được bảo có dáng dấp của một thi sĩ là điều kinh lắm đấy. Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét về tôi như vậy vào năm 1982, chính nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Chế Lan Viên giới thiệu tôi vào Hội.
@ Vào Hội Nhà văn thời điểm ấy vinh dự lắm?
Thanh Tùng: Chứ còn gì nữa.

@ Thưa thi sĩ Thanh Tùng, tôi là lớp hậu bối. Không liên quan đến thi đàn, danh vọng lại càng không. Thế nhưng, theo cảm quan của tôi thì không cứ vào Hội Nhà văn sẽ trở nên nổi tiếng và tác phẩm sẽ có giá trị theo. Cũng như, không cứ ra khỏi Hội Nhà văn là lập tức tên tuổi sẽ đạt được một đẳng cấp khác. Bởi lẽ, người nghệ sĩ sáng tác hoàn toàn không phụ thuộc vào Hội hay không? Cũng như nhà thơ Thanh Tùng vậy, Thanh Tùng biết đến là nhờ thơ chứ đâu phải Thanh Tùng được biết đến vì từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hay đã không còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nữa. Quan điềm của nhà thơ về vấn đề này như thế nào?
Thanh Tùng: Nhà văn hay nhà thơ là do tác phẩm quyết định, là do độc giả xác tín chứ không phải là do Hội này hay Hội kia muốn quyết là được. Phải nói ý này, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện tại là nhà thơ Hữu Thỉnh, ông ấy là nhà thơ đích thực ấy, có tài ấy chứ không phải chỉ là người sống lâu lên lão làng đâu. Tôi nghĩ, vào Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những cái hay riêng, mình có thêm điều kiện để giao lưu với văn nghệ sĩ trong nước và quốc tế. Nhưng đó không phải là một huy hiệu được mạ vàng hay đơn giản hơn chỉ là một cái bục kê để tên tuổi văn nghệ sĩ trở nên vang danh hơn.
@ Đơn giản nhất chỉ là, thấy còn thích thì vui, không còn thích thì thôi chứ ầm ào thì trông nó hơi kỳ kỳ, phải không thưa nhà thơ?. Mà trong những người ầm ào đấy, tôi biết là đã có những vị ăn lộc của Hội Nhà văn dầy lắm, nhiều lắm. Ăn đầy lộc giờ lại phản ứng này kia kia nọ thì thật buồn cười.
Thanh Tùng: Tôi cũng biết nhiều chuyện hơn cả anh chứ. Nhưng tôi nghĩ rằng, đã là văn nghệ sĩ chỉ nên lấy sáng tác làm trọng.
@ Xin cảm ơn nhà thơ Thanh Tùng vì cuộc trao đổi này. Kính chúc ông nhiều sức khỏe.
                                                                                                NGÔ KINH LUÂN
                                                                                                            (Thực hiện)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: