Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Sao cái gì chúng ta cũng thua Lào, Campuchia?


Trần Đình Long

MTG - Đó là câu hỏi nhức nhối mà nhiều người đặt ra khi chứng kiến Việt Nam ngày càng thua Campuchia và Lào về nhiều mặt, ngay cả ở những lĩnh vực mà chúng ta từng tự hào và có lợi thế vượt trội so với hai nước láng giềng.
Quả thật, nhận định Việt Nam bị Lào, Campuchia vượt qua không còn là dự báo, không còn là nguy cơ nữa mà đã thành hiện thực và cái danh sách thua kém ngày càng kéo dài ra. Đó quả là điều đáng xấu hổ!

Mới đây nhất, các nhà làm du lịch Việt thừa nhận rằng, cũng trong điều kiện khó khăn nhưng du lịch Campuchia vẫn trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ vì “họ làm chuyên nghiệp và hơn hẳn chúng ta về cách quảng bá, giới thiệu du lịch của họ tới các nước trên thế giới”.
Và còn hàng hoạt sự thua kém khác đã được các chuyên gia đề cập rất nhiều, ngày càng bộc lộ rõ rệt, chủ yếu do bản thân Việt Nam dậm chân tại chỗ hoặc tự làm mình kém đi trong khi các nước xung quanh không ngừng nỗ lực vươn lên:
Việt Nam xếp sau Lào về chỉ số năng suất sáng tạo. Chúng ta đi sau Campuchia về công nghiệp ô tô, thậm chí những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa gạo cũng không hơn được họ. Campuchia đã tự chế đươc ô tô điều khiển bằng smartphone giá 100 triệu đồng, trong khi năng lực của Việt Nam bị đánh giá là …không làm nổi một cái ốc vít!
Campuchia và Lào - trước đây chưa từng được coi là đối thủ cạnh tranh về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đang vượt Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của Campuchia hơn Việt Nam và tính ổn định trong nền kinh tế cũng có phần vượt qua Việt Nam, do họ không lạm phát nhiều như chúng ta; Tốc độ internet 3G Việt Nam thua Lào và Campuchia; Việt Nam đang bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học thấp hơn so với Lào…
Ông Lý Quang Diệu, cố Thủ Tướng Singapore từng nhận xét rằng “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.
Bản thân chúng ta cũng từng kỳ vọng Việt Nam sẽ là “con hổ”, “con rồng” dẫn đầu Đông Nam Á nhưng vì sao bây giờ thua kém cả Campuchia và Lào? Cái gì đã làm cho chúng ta tụt hậu nhanh như vậy? Lý giải như thế nào về chuyện Lào, Camphuchia được đánh giá là đi sau Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lại có kết quả được đánh giá tốt hơn Việt Nam?
Câu trả lời, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, đó là nền kinh tế của hai nước Lào và Campuchia ít bị can thiệp hơn, thủ tục không rối rắm như Việt Nam. Mức độ mở cửa của họ lớn hơn chúng ta. Đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài tốt hơn Việt Nam.
Lâu nay chúng ta thường tự hào tố chất người Việt Nam thông minh, sáng tạo nhưng các chỉ số từ nghiên cứu mới nhất đã nói rõ chỉ số năng suất sáng tạo của Việt Nam đứng sau Lào, năng suất lao động kém Campuchia. Bằng chứng là Việt Nam có nhiều tỷ phú hơn Lào, Campuchia nhưng sự giàu có đó đa phần không xuất phát từ sản xuất, sáng tạo mà chủ yếu từ bất động sản. Thế nên đến cái tăm, cái cúc áo, cái lược, cái kim, sợi chỉ… cũng phải nhập từ Trung Quốc.
Không chỉ tụt hậu trong hiện tại, nhìn về tương lai có nhiều chỉ dấu cho thấy Việt Nam sẽ thụt lùi ngày càng xa so với hai nước láng giềng. Bởi tác động tăng trưởng truyền thống của Việt Nam dường như “đã tới hạn”, nền kinh tế mất cân đối và kém hiệu quả khiến Việt Nam “rơi bẫy thu nhập trung bình”.
Các nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi những chỉ số như tham nhũng, gánh nặng về quy định pháp luật của Việt Nam lại bị đánh giá là hơn cả Lào và Campuchia.
Sự thua kém này chính là sự phản ánh một phần tính hiệu quả của chính sách mà chúng ta đã và đang áp dụng. Nói cách khác, đó chính là tính thiếu hiệu quả trong việc hoạch định các chính sách đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư phát triển trí tuệ xã hội, đầu tư phát triển con người.
Điều này lý giải vì sao, thế giới đánh giá thấp Việt Nam về mặt chất lượng con người, khi chúng ta thiếu cơ chế chính sách khuyến khích, tạo động lực cho mọi người sáng tạo, phát huy hết tiềm năng của mình. Trong khi “đầu ra của tất cả các đầu tư không phải là con người tử tế, con người có trình độ thì chúng ta không có tương lai như tương lai cần có của con người”.
Nhiều người thường đổ lỗi cho khủng hoảng kinh tế, rủi ro xảy ra trên thế giới, chiến tranh… để biện minh cho sự tụt hậu và mất mát của mình. Thực tế, Việt Nam có quá nhiều thuận lợi nhưng không biết tận dụng, thậm chí còn tạo ra cơ chế làm khó cho chính mình, kiềm hãm sự phát triển. Từ bài học Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Israel… đã chỉ ra rằng con người, chất xám, sự sáng tạo, thể chế hợp lý là những yếu tố đáng quý nhất của một quốc gia chứ không phải là tài nguyên thiên thiên.
Tương lai Việt Nam nói chung và nền kinh tế nói riêng có thể vươn lên không, hay tiếp tục thua xa các nước là một câu hỏi khó trả lời.
Nhưng có một điều chắc chắn: Nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào việc đào tài nguyên lên bán, dựa vào lao động giá rẻ, đào tạo yếu, hiệu quả đầu tư thấp hoặc đầu cơ mới có thể làm giàu mà không tạo nền móng cho sự sáng tạo thì câu trả lời đã có sẵn.
***
Cha con ông Trần Quốc Hải - nông dân ở Tây Ninh đã sang Campuchia sửa chữa, chế tạo thành công xe bọc thép cho nước này và được trao tặng Huân chương vương quốc Campuchia. Ông nói: "Nếu cơ chế cho phép hỗ trợ ở mức như Chính phủ Campuchia thì chắc chắn người dân có thể sáng tạo ngay trên quê hương mình". Nông dân này từng nói: “Làm khoa học ở Việt Nam buồn, buồn lắm”.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: