Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Xung đột Trung-Mỹ: Định mệnh không lối thoát?

 26/ 5/2015: Nhìn trên bàn cờ lớn, các diễn biến trên Biển Đông hiện nay cho thấy đây không còn là vấn đề an ninh khu vực thuần túy, mà là vấn đề an ninh toàn cầu. Ấn dưới các “hành động lên gân” là những dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung-Mỹ đang tiến rất gần đến “ngưỡng nguy hiểm”.


Cái bẫy Thucydides (Thucydies Trap)
Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới phức tạp với những mặt hay, dở; trái, ngược cùng song hành tồn tại.
Trong suốt chiều dài lịch sử, bên cạnh việc hình thành các nền văn minh vĩ đại, tính nhân văn cao cả, thì nhân loại cũng chứng kiến những cuộc cuộc “quần hùng, tranh bá” gây ra bao bất ổn, bi thương cho nhân loại.
Cách nay trên 2.400 năm, sử gia và nhà khoa học chính trị Hy Lạp Thucydides (460-400 trước CN) đã viết cuốn Lịch sử chiến tranh Peloponnsus - quyển sách khoa học chính trị đầu tiên với những phân tích, đánh giá khoa học về sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia.
Trong cuốn sách này, Thucydides mô tả cuộc chiến Thế kỷ thứ 5 trước CN (từ 431 đến 404) giữa quốc gia mới nổi là Athens thách thức vị trí bá quyền của Sparta. Thucydies cho rằng “Điều làm cho chiến tranh trở thành tất yếu chính là sức mạnh của Athens ngày càng lớn và nỗi sợ hãi về hệ quả của sức mạnh này ở Sparta”.
Graham Allison, Giáo sư chính trị học của Harvard, gọi hiện tượng này là “Cái bẫy Thucydides” và thuật ngữ này hiện được dùng khá phổ biến trong giới nghiên nghiên cứu chính trị.
Graham nghiên cứu lịch sử thế giới trong 500 năm qua và thấy rằng trong 16 trường hợp khi một cường quốc mới trỗi dậy tìm cách “soán ngôi” của một cường quốc khác và thay đổi trật tự đã được thiết lập, thì 12 trường hợp đưa đến kết cục là chiến tranh.
Từ góc độ lịch sử, Graham có lý do để không lạc quan về chiều hướng phát triển của quan hệ Trung-Mỹ, đồng thời liên tục cảnh báo hai quốc gia này không rơi vào “Cái bẫy Thucydides”.
“Định mệnh”
Cách đây không lâu, giới phân tích chính trị quốc tế khá lạc quan về quan hệ Trung-Mỹ. Nhiều người cho rằng xu hướng chỉ là xu hướng chứ không phải định mệnh và quan hệ Trung-Mỹ “khác xa” quan hệ giữa các nước lớn trong lịch sử. Lấy quan hệ Mỹ-Xô thời kỳ Chiến tranh lạnh để so sánh, họ cho rằng quan hệ Trung-Mỹ khác xa về mức độ tương tác và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.
Chẳng hạn, con số 2.000 tỷ USD là tổng đầu tư trực tiếp từ Mỹ, quan hệ thương mại hai chiều và toàn bộ trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang sở hữu. Rồi mỗi ngày có khoảng 100 chuyến bay chở 30.000 công dân Trung Quốc đến các thành phố khác nhau của Mỹ, và khoảng 10.000 công dân Mỹ đến Trung Quốc làm ăn, du lịch.
Bên cạnh đó, cả Trung Quốc và Mỹ đều là thành viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ, rất cần nhau trong việc giải quyết những hồ sơ toàn cầu quan trọng như chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của CHDC nhân dân Triều Tiên.
Biển Đông, Quan hệ Trung - Mỹ, Đảo nhân tạo, bá quyền, Hoàng Sa, Trường Sa
Hình ảnh TQ xây dựng trái phép tại phía trái đảo Gạc Ma do phóng viên VietNamNet chụp. Ảnh: Huy Phong
Đó là chưa nói đến việc cả Trung Quốc và Mỹ đều là những cường quốc quân sự, cường quốc hạt nhân và cả hai sẽ bị “sứt đầu, mẻ trán” nghiêm trọng nếu xảy ra bất kỳ đụng độ quân sự nào.
Theo đó, trong bất kể trường hợp nào cả Trung Quốc và Mỹ đều cố gắng tránh xung đột, tuy rằng trong một số trường hợp họ có nhu cầu đẩy căng thẳng lên để “làm giá” rồi sau đó tìm cách thỏa hiệp với nhau và thỏa hiệp trên lưng các nước khác.
Tuy nhiên, quan hệ Trung-Mỹ hiện đang có những chuyển biến rất nhanh. Chưa bao giờ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay lại có nhiều báo cáo từ các Viện, các trung tâm nghiên cứu có uy tín của Mỹ như CNAS (Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới), CSIS (Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược), CFR (Hội đồng Đối ngoại); sách, bài trên các tạp chí tên tuổi như Foreign Affairs, Foreign Policy, the National Interests…; các cuộc điều trần tại Quốc Hội Mỹ xuất hiện với tần suất dày đặc như hiện nay bàn về Trung Quốc và quan hệ Trung-Mỹ mặc dù Biển Đông có ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia khác.
Nội dung chủ yếu bàn về sự quyết đoán trong chính sách an ninh-đối ngoại của Trung Quốc, các thách thức an ninh của Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ, sự thất bại trong chính sách can dự của Mỹ, những căng thẳng khó tránh trong quan hệ Trung-Mỹ, cùng những đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận mới, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. 
Còn về phía Trung Quốc, các phản ứng thể hiện rõ sự ngờ vực chiến lược đối với Mỹ, quyết tâm thực hiện “Giấc mơ phục hưng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển, cường quốc thế giới. Các tuyên bố và cách làm của Trung Quốc không còn úp mở, mà thể hiện rõ: “nguyên trạng” khu vực hiện không còn “nguyên” nữa, mà đang thay đổi; Trung Quốc chính là nguyên nhân, là động lực, là trung tâm của sự thay đổi đó; Mỹ và các quốc gia ở khu vực phải chấp nhận và điều chỉnh theo thực tế đó.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận thấy “Cái bẫy Thucydides” nguy hiểm đang rình rập và tìm mọi cách thoát ra. Tuy nhiên, khi không có một cái hãm đủ mạnh, khi so sánh lực lượng hai bên đang tiến tới chỗ ngang bằng thì việc cố gắng “quẫy ra” lại vô hình trung làm cho họ tiến nhanh, tiến gần hơn “Cái bẫy Thucydides” định mệnh. Phải chăng các cố gắng thiết lập thêm các kênh đối thoại Trung-Mỹ (hiện lên tới trên 100) là những nỗ lực vô vọng hòng “bịt” các lỗ hổng thiếu lòng tin chiến lược?
Phải chăng các nỗ lực xây dựng “Quan hệ nước lớn kiểu mới”cũng là những nỗ lực vô vọng làm “trì hoãn” các xung đột, các mâu thuẫn mang tính cơ cấu ngày càng trở nên khó điều hòa?   
Biển Đông: Tâm điểm của “Cái bẫy Thucydides”
Không nghi ngờ gì nữa, tâm điểm cạnh tranh Trung-Mỹ hiện nay chính là Biển Đông, mặc dù Biển Đông có ảnh hưởng và liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia khác.
Biển Đông, Quan hệ Trung - Mỹ, Đảo nhân tạo, bá quyền, Hoàng Sa, Trường Sa
Ảnh vệ tinh chụp bãi đá Châu Viên vào tháng 11/2014. Ảnh: CSIS
Việc cả Trung Quốc và Mỹ đều cứng rắn, không nhân nhượng lẫn nhau, nổi bật nhất là việc Trung Quốc tôn tạo đảo nhân tạo và tìm cách giải thích luật quốc tế theo cách riêng của mình, cho thấy rõ: Đối với Trung Quốc, Biển Đông là biển quan trọng nhất trong Tứ Hải của Bắc Kinh và việc kiểm soát, khống chế Biển Đông mang ý nghĩa sống còn trong việc đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thế giới. 
Đối với Mỹ, việc “mất” Biển Đông, tức để Trung Quốc kiểm soát và khống chế vùng biển quan trọng này, thì vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ bị lung lay nghiêm trọng, do nảy sinh thách thức đối với: (i) sự an toàn của 40% tổng thương mại, 50% nguồn năng lượng nhập khẩu thế giới đi qua khu vực Biển Đông; (ii) nguyên tắc tối thượng về tự do hàng hải – nguyên tắc mà nhờ đó Mỹ đã phát triển và duy trì vị thế siêu cường;
(iii) Các diễn giải luật quốc tế theo cách riêng của Trung Quốc về quy chế đối với đảo không người ở, thành quy chế đảo có người ở và nếu không bị “ngăn chặn” thì có thể đưa đến các diễn giải khác nữa về luật quốc tế; (iv) Cam kết của Mỹ đối với đảm bảo an ninh quốc tế.    
Rõ ràng, các lợi ích quốc gia, lợi ích sống còn của cả Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là quá lớn và hai bên có rất ít dư địa để thỏa hiệp. Tuy nhiên, việc “chiến” hay “hòa”, hay hình thức quản lý xung đột lợi ích ở khu vực này ra sao thì không chỉ do Trung-Mỹ quyết định.
Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại giao)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: