BBC 28-9-2015
Năm nay, vào dịp cuối tháng 9, một số giới tại Indonesia lại làm lễ tưởng niệm vụ thảm sát những người cộng sản năm 1965 trong một trang sử đen tối của nước này.
Tin mới nhất cho hay chính quyền dân chủ Indonesia sẽ không đưa ra lời xin lỗi nào về sự kiện nửa thế kỷ trước.Sự thay đổi chỉ đến trong giới nghiên cứu, báo chí và điện ảnh.
Theo trang Jakarta Globe ít nhất ba triệu đảng viên cộng sản đã bị các nhóm dân quân được chính quyền hỗ trợ bủa vây và sát hại.
Trên thực tế, ngoài các đảng viên, nhiều nạn nhân chỉ là cảm tình viên của phái tả, nông dân, công nhân, sinh viên bị các chiến dịch ‘Tố Cộng’ vu cáo là cộng sản.
Chính quyền Indonesia nay chỉ không còn cho lưu hành các phim thời độc tài Suharto ca ngợi cuộc tiêu diệt phe cộng sản.
Theo nhà báo Úc Tom McCawley viết cho BBC thì trong nhiều năm thời Suharto, cứ đến ngày 30/9 hàng năm, các kênh truyền hình Indonesia lại phát sóng “Sự phản bội của G30/PKI”.
Với PKI là tên viết tắt của ‘Đảng Cộng sản Indonesia’ đây là phim tài liệu nói rằng có cuộc đảo chính bất thành năm 1965 của Đảng này và vì thế nhóm quân nhân ‘ái quốc’ phải ra tay.
Bộ phim mô tả những người cộng sản như ác quỷ còn Suharto là vị cứu tinh cho Indonesia.
Phim thể hiện cái nhìn chính thống của nhà nước Indonesia khi ông Suharto cầm quyền.
VẪN LÀ KHÓ NÓI
Nhưng hiện nay, dù chính quyền Suharto đã sụp đổ từ năm 1998, đây vẫn là đề tài khó nói ở Indonesia, theo các nhà báo của BBC Indonesia trong một phóng sự đặc biệt kỷ niệm sự kiện này.Năm 2013, phim ‘Hành động sát nhân’ (The Act of Killing) của Joshua Oppenheimer, một nhà làm phim người Mỹ rọi ánh sáng vào nhiều góc độ vụ tàn sát hồi 1965-1966.
Vẫn theo nhà báo Úc, McCawley, chính CIA từng mô tả đó là một trong những vụ thảm sát khủng khiếp nhất của thế kỷ 20.
Hiện cũng chỉ có các sử gia, phóng viên, các nhà làm phim, giới báo chí muốn nhắc đến vụ thảm sát này.
Câu chuyện có vẻ như bị vùi lấp trong những lời kể gia đình với hàng triệu người có dính líu đến sự kiện này ở hai phía của chiến tuyến.
Eric Sasona, hiện làm nghiên cứu tại London, có bài trên BBC World Service (tiếng Anh) kể lại câu chuyện trong gia đình khi một ông chú của anh kể lại ông ‘đã dùng dao rựa chém chết rất nhiều tên cộng sản”.
Với anh, câu chuyện khi nghe lần đầu lúc 7 tuổi, tưởng như là “chuyện ma”, cho đến khi Eric Sasona lớn lên và đọc để hiểu đó là điều có thực.
Tại rất nhiều vùng quê ở đảo Java, Indonesia, các nhóm dân quân Hồi giáo hoặc cánh hữu lùng bắt và chém chết hàng xóm, láng giềng trong những đợt ‘truy sát’ những người cộng sản hoặc bị họ cho là cộng sản.
Theo một điều tra của tạp chí Tempo tại Indonesia, đa số nạn nhân bị vùi trong các khe rãnh ở nơi rừng sâu, đồng ruộng.
Sau giai đoạn này, hàng nghìn người cộng sản Indonesia đã bỏ đi tha hương ở các nước xã hội chủ nghĩa (xem video trong bài về bà Florensia đã từng sống tại miền Bắc Việt Nam 7 năm).
Những thủ phạm tham gia các vụ chém giết vẫn sống bình yên và không bị xét xử.
Cho đến hôm 22/09 năm nay, Phủ Tổng thống Indonesia cho hay sẽ không có lời xin lỗi chính thức nào về vụ thảm sát.
Chánh văn phòng của Phủ Tổng thống nói những lời suy đoán rằng Tổng thống Joko Widodo chuẩn bị đưa ra lời xin lỗi nhân 50 năm vụ thảm sát là “không có thực”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét