>> Thể chế cho một chính phủ kiến tạo
>> Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại
>> Triết lý kiến trúc cho các khu hành chính tập trung
>> Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam nên làm gì?
>> Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc
Phạm Trung Tuyến
>> Ngôn ngữ tạo hình kiến trúc đương đại
>> Triết lý kiến trúc cho các khu hành chính tập trung
>> Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam nên làm gì?
>> Quẳng bớt đồ đạc đi mà vui sống: Sự tối giản tạo nên hạnh phúc
Phạm Trung Tuyến
VNN - Tôi vẫn nhớ mẹ của các con tôi. Cái tết cuối cùng, nàng ngồi dựa lưng vào thành giường bệnh, cầm tay tôi và bảo: “Em nhớ các con lắm!...”
Thời khắc của những thiêng liêng riêng tư
Hồi nhỏ, tôi hay nghe bà ngoại tôi nói câu “ngày tết ngày tư” mỗi khi bố mẹ tôi định quở mắng tôi vì tội nghịch ngội nào đó. Bà ngoại bảo “Thôi, ngày tết ngày tư, anh chị đừng mắng cháu tôi mà dông cả năm”. Hồi nhỏ, tôi không biết sao lại là “ngày tết ngày tư”. Lớn lên, tôi mới nghe nhiều bậc trí giả giải thích rằng Tết là tiết, tư là mùa, đều chỉ cái sự thời điểm.
Sự giải thích ấy nó phù hợp với đời sống nông nghiệp, phù hợp với việc Tết xảy ra vào tiết lập xuân, thời điểm nông nhàn trước vụ cấy.
Nhưng tôi cũng biết rằng cái chữ “tư” ấy còn là nỗi nhớ, nó cũng có nghĩa là riêng tư.
Rồi, tuổi tôi lớn thêm, rồi những người thân thương của tôi đi xa nhiều hơn, và rồi ngày Tết, nỗi nhớ thương của tôi ngày một nhiều hơn nữa… Tôi hiểu ra rằng, Tết, thực ra là mùa nhớ thương của con người ta. Bởi vì thế mà nó trở nên thiêng liêng. Bởi vì thế mà ngày Tết thực ra chỉ đáng nhớ là cái khoảnh khắc khi người ta xum họp, khi người ta ngồi lại bên nhau giữa những thân thương mà nhớ những thân thương.
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết…
Tết. Tôi thường nhớ ông nội tôi. Ông nội tôi nóng tính, khi không vừa ý thì mắng chửi cả nhà. Bố mẹ tôi thì ở xa, đến tết mới về nhà. Những ngày giáp tết, ông chẳng mắng chửi ai. Ông nội làm thức này, thức nọ, rất là cầu kỳ nhưng chẳng vì cần phải làm cầu kỳ như thế. Ông làm thế để bớt sốt ruột, vừa làm vừa ngóng ra bên ngoài ngõ dong, ngày ấy không có điện thoại, ông nội chẳng biết đến bao giờ bố tôi mới về, thường là đến tận chiều ba mươi.
Tết. Tôi cũng thường nhớ bà ngoại tôi. Bà đi chợ tất niên mua mua bán bán rồi tất tả về gói bánh chưng, bắc nồi tối 29. Đêm thức trông, bà thường nhắc “không biết ngày mai cậu mày về sáng hay về chiều?”. Cậu tôi học đại học trên Hà Nội, sau này tôi mới biết là cậu được nghỉ tết từ rất sớm, nhưng mải chơi, mải yêu đương nên thường cũng chỉ về đến nhà trước lúc giao thừa, mặc cho bà tôi nhớ.
Tết. Tôi hay nhớ bố tôi. Hồi bố tôi còn ở trên đời, năm nào tôi cũng về quê để ăn tết. Năm nào cũng thế, khi tôi về đến nhà, bao giờ ông cũng tỏ vẻ thản nhiên nói “Sáng tao nghe con chim khách nó kêu quèn quẹt ngoài cổng, tao bảo thể nào hôm nay mày cũng về đến nhà.” Tôi thì biết rằng chẳng có con chim khách nào cả. Từ lâu lắm rồi ở quê tôi chẳng còn cái giống chim đó nữa.
Tôi cũng rất nhớ có một năm bố tôi gọi điện bảo rằng năm nay đừng về quê ăn tết. Hỏi vì sao thì ông bảo: “Tao nghe thời sự, năm nay các doanh nghiệp nợ lương nhiều, công nhân không có tiền về quê ăn tết, hàng xóm nhiều nhà con không về. Chúng mày về đông vui, người ta tủi.”
Tết. Tôi vẫn nhớ mẹ của các con tôi. Cái tết cuối cùng, nàng ngồi dựa lưng vào thành giường bệnh, cầm tay tôi và bảo: “Em nhớ các con lắm! Nhưng anh đừng mang chúng nó đến đây nhé! Em không muốn sau này mỗi khi tết đến chúng nó lại nhớ đến em như thế này.”
Tôi không thể biết các con tôi sau này sẽ thế nào mỗi tết. Khi chúng nó lớn lên tết đã khác lắm rồi. Các con tôi vẫn gói bánh chưng, ở trường, như một thứ trò chơi. Ngày tết, với chúng nó giờ chỉ là những ngày được nghỉ, được đi chơi xa. Nếu có nhớ thì cũng chỉ là nhớ tết năm nào được đi chơi đâu. Là nhớ, chứ không hẳn sẽ là nhớ thương. Cuộc sống khác rồi, sự đoàn viên cũng khác. Cái khác đó nên buồn, hay vui? Tôi không biết nữa.
Bây giờ, mỗi khi sắp tết, tôi hay nghĩ đến một câu hát trong bài “Em đến thăm anh đêm ba mươi” của nhạc sĩ Vũ Thành An. “Trời sắp tết hay lòng mình đang tết?” – Tôi cũng nghĩ như thế, Tết là câu chuyện ở trong lòng mỗi người, những nỗi nhớ thương của mỗi người đều khác.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét